Phân tích Tràng
Kim Lân thuộc hàng những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về nông thôn và những con người dân quê lam lũ, hồn hậu, chất phác mà giàu tình yêu thương. "Vợ nhặt" là một trong số những sáng tác tiêu biểu của ông. Tác phẩm đã khắc họa tình cảnh thê thảm của nhân dân ta trong nạn đói năm 1945 đồng thời khẳng định, ca ngợi tình yêu thương, đùm bọc, khát khao hạnh phúc, hướng đến tương lai của những người dân lao động. Tác phẩm đã khắc họa thành công nhân vật Tràng - một người lao động nghèo khổ nhưng giàu tình yêu thương, luôn khát khao hạnh phúc gia đình giản dị, biết hướng tới tương lai tươi đẹp.
"Vợ nhặt" được coi là kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân, cũng là một truyện ngắn xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại. "Vợ nhặt" có tiền thân từ một cuốn tiểu thuyết tên là "Xóm ngụ cư". Kim Lân viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công nhưng chưa kịp hoàn thành thì bản thảo thất lạc. Sau ngày hòa bình lập lại, nhà văn dựa vào cốt truyện cũ mà viết lại tác phẩm này. Truyện được in trong tác phẩm "Con chó xấu xí" xuất bản năm 1942. Tác phẩm không chỉ là một quá trình suy ngẫm, gọt giũa về cả nội dung và nghệ thuật mà còn mang âm hưởng lạc quan của thời đại mới trong thời điểm đất nước được giải phóng sau năm 1954. Tác phẩm đồng thời cũng nói lên được giá trị hiện thực và nhân đạo của truyện: tái hiện tình cảnh thê thảm, tích cực của biết bao người dân trong nạn đói năm 1945. Bật lên trong tình cảnh ấy là chiều sâu của tác phẩm: từ tia sáng của khát vọng hạnh phúc, tình yêu thương giữa người với người trong cái đói cái khổ.
Là một trong ba nhân vật chính của truyện ngắn, cũng là chủ thể của hành động nhặt vợ hi hữu và cảm động, Tràng đã được Kim Lân khắc họa tương đối đậm nét trong cả ngoại hình, dáng vẻ, tâm trạng và tính cách. Tính cách Tràng bộc lộ rõ nhất trong tình huống nhặt vợ. Từ việc chia sẻ miếng ăn đối với một người đàn bà đang đói khát đến việc nhặt vợ bị động, bất ngờ, Tràng đã thể hiện những nét tính cách đầu tiên của một con người liều lĩnh, chất phác và hào hiệp. Thoạt nhìn, việc mời một người đàn bà xa lạ giữa đường ăn bốn bát bánh đúc ngay khi bản thân đang đói khổ có vẻ như bốc đồng và việc đưa Thị về nhà làm vợ có vẻ như liều lĩnh; nhưng cũng có thể thấy sâu xa trong sự bốc đồng là một tấm lòng nhân hậu, một tính cách hào hiệp và sâu xa trong sự liều lĩnh không chỉ là tình thương mà còn là những khát vọng âm thầm về một tổ ấm gia đình. Tràng đã hoàn toàn ý thức được hoàn cảnh của mình quá đói nghèo, biết có nuôi được thân mình không và thậm chí nghĩ đến sự nghèo bòng, Tràng cũng thấy "chợn". Nhưng rồi sau cái tặc lưỡi là một quyết định bất chấp tất cả để có một cuộc sống lứa đôi, một mái ấm gia đình, một người vợ, dẫu có là vợ nhặt. Cái liều lĩnh của Tràng đầy tính nhân bản, và xét cho cùng, nó là cội nguồn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại.
Vẻ đẹp trong tâm hồn, tính cách và cả nỗi bất hạnh trong thân phận Tràng đã được Kim Lân thể hiện sinh động qua diễn biến tâm trạng và hành động của anh ta khi nhặt vợ. Sau quyết định bất ngờ, đột ngột của chính mình, Tràng vẫn "ngờ ngợ", "sờ sợ", không tin nổi là mình đã lấy được vợ một cách dễ dàng, nhanh chóng đến thế, hơn nữa lại ở trong một tình cảnh éo le của nạn đói khát. Tràng không thể tin nổi chính mình - một anh chàng từng nói một cách thản nhiên: "làm đếch gì có vợ", nay bỗng nhiên lại có một người vợ thực sự, thậm chí sáng hôm sau tỉnh dậy, Tràng vẫn ngỡ ngàng như đang trong một giấc mơ. Cảm giác ngạc nhiên đến mức tội nghiệp ấy là nét tâm lí chân thực của một người đàn ông quá nghèo khổ, bất hạnh đến mức không tin vào hạnh phúc bất ngờ của mình. Sau sự ngạc nhiên lo lắng, Tràng bỗng bay bổng trong cảm giác hạnh phúc. Trên đường đưa vợ về nhà, Tràng như biến thành một người khác: "Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười một mình, và hia mắt thì sáng lên lấp lánh" - hạnh phúc như một ánh sáng kì diệu từ bên trong tâm hồn Tràng, rạng ngời trên khuôn mặt đang nở ra vì sung sướng, không kiềm chế được niềm hân hoan. Tràng càng hãnh diện, hắn "lấy vậy làm thích ý lắm", cái mặt cứ vênh vênh tự đắc". Kim Lân đã miêu tả vô cùng tinh tế cái cảm giác hạnh phúc ngập tràn trong lòng người đàn ông nghèo khổ. Buổi sáng đầu tiên khi có vợ, Tràng thức dậy với cảm giác êm ái, lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra, thậm chí anh còn thấy xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Tràng ước mơ được hạnh phúc, liều lĩnh vì hạnh phúc và cuối cùng anh đã tìm thấy hạnh phúc ngay trong tận cùng đói khát, khổ đau.
Hạnh phúc đã làm Tràng biến đổi sâu sắc. Anh con trai vô tâm, ngờ nghệch trước đây nay đã "nên người", đã trở thành một người đàn ông sống có trách nhiệm, nghĩa tình. Sự biến đổi đầu tiên của Tràng được thể hiện trong thái độ đối với người vợ nhặt. Khi dẫn vợ về nhà, Tràng đã thấy "trong lòng hắn bấy giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên". Với Tràng, người đàn bà khốn khổ, đói khát, lăn xả vào hắn để kiếm miếng ăn, bám chặt lấy hắn để chạy trốn cái đói tuyệt nhiên không phải vợ theo, vợ nhặt mà là người vợ thực sự theo đúng ý nghĩa thiêng liêng nhất. Vì thế, dù nghèo khổ, Tràng vẫn muốn đánh dấu cái ngày đặc biệt trọng đại trong cuộc đời mình, muốn thể hiện sự trân trọng với vợ bằng một lần coi thường đồng tiền, một lần được xa xỉ với hai hào dầu cho "sáng sủa" trong ngày đón vợ về.
Từ việc làm có vẻ hơi bốc đồng khi mua hai hào dầu đến việc những lo toan nhỏ bé cảm động như việc mua cho vợ "cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một thứ no nê trước khi về đến nhà", đó là thái độ trân trọng cuộc sống, cũng là sự trân trọng hạnh phúc của chính mình, đó cũng là cách ứng xử chu đáo nghiêm túc của một con người đã thực sự trưởng thành. Vốn vô tâm, bộc tuệch, vậy mà bây giờ, Tràng cứ băn khoăn, áy náy đến xót xa vì vẻ buồn bã của vợ khi Thị ngồi bần thần trong gian nhà lạ "rúm ró". Có tới hai lần, Trang tự hỏi: "Sao nó buồn thế nhỉ? Sao hôm nay nó buồn thế nhỉ?". Có lẽ sâu xa trong lòng mình, Tràng phần nào cũng hiểu được nguyên nhân nỗi buồn tủi, chua xót của người vợ mới đang thất vọng, bẽ bàng khi nhận thức sâu sắc tình cảnh thê thảm của cả hai người. Nỗi xót xa của Tràng vì thế không chỉ là tình thương và sự quan tâm mà hàm chứa cả cảm giác có lỗi của một người chồng ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình, với vợ mà lực bất lòng tâm. Tràng bồn chồn, lo lắng chờ mẹ về, giới thiệu người vợ nhặt với mẹ một cách trân trọng, hàm ơn "Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi...", Tràng đã thở phào nhẹ nhõm trước câu nói đầu tiên của mẹ, câu nói chấp nhận người vợ mình nhặt về một cách đường đột, éo le - đó là những trạng thái tâm lí chân thực và cảm động, thể hiện thái độ trân trọng cùng tình yêu thương của người đàn bà mới sáng nay vẫn còn xa lạ, còn từ bây giờ sẽ gắn bó với hắn suốt cuộc đời. Sự biến đổi của Tràng còn thể hiện qua tình cảm, thái độ với cuộc đời, gia đình. Trong buổi sáng hôm sau thức dậy, Tràng đã thấm thía cảm động trước cảnh tượng đầm ấm của gia đình khi nhìn thấy mẹ và vợ cùng thu dọn nhà cửa, sân vườn. Ngôi nhà sạch sẽ, quang quẻ, những đống rác mùn trong sân nhà cũng được hót gọn, dây quần áo vắt "khươm mươi niên" được phơi hong khô ráo, hai cái giếng khô cong bây giờ nước đầy ăm ắp. Đó là hình ảnh của sự sống, là cái sinh khí mới mẻ của một mái ấm gia đình mà lần đầu tiên Tràng được cảm nhận không khí ấy khiến Tràng thấy mình như trưởng thành, với những ý thức sâu sắc về tình cảm, bổn phận, trách nhiệm. "Bỗng nhiên, hắn thấy hắn thương yêu gắn bó... lạ lùng" với cái tổ ấm nơi hắn "sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái... bây giờ hắn mới thấy hắn nên người", hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này". Thậm chí, không dừng lại trong cảm giác "vui sướng phấn chấn" khi được sống trong sự ấm áp của không khí gia đình, cũng không dừng lại trong ý nghĩa về bổn phận, trách nhiệm với vợ con sau này, ngay lập tức, Tràng muốn biết cảm xúc và ý thức được những hành động cụ thể, Tràng đã hăm hở, hào hứng "xăm xăm chạy ra giữa sân", "hắn muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà". Những gì tốt đẹp nhất trong Tràng là sự bừng tỉnh, một sức sống mới mẻ tràn ngập trong lòng người đàn ông đang sống bên vực thẳm của cái chết. Và ở cuối truyện, ngay khi Tràng cố nuốt miếng cháo cám đắng chát vào miệng thì hình ảnh "lá cờ đỏ bay phấp phới" trong tâm trí Tràng vẫn đem lại niềm tin sâu sắc cho người đọc. Những người như Tràng sẽ đến với Cách mạng một cách tích cực, nhanh chóng, triệt để nhất bởi chỉ có Cách mạng mới có thể giúp họ thay đổi cuộc đời, mới chỉ có thể đem lại hạnh phúc và cuộc sống ấm no cho gia đình, vợ con họ.
Qua tác phẩm "Vợ nhặt", nhân vật Tràng đã được Kim Lân khắc họa với đầy đủ diện mạo, ngôn ngữ, hành động và đặc biệt là diễn biến tâm trạng bằng ngòi bút sắc sảo. Qua đó, nhà văn phản ánh một mặt trái đen tối trong hiện thực xã hội trước 1945 cùng số phận của người dân nghèo Kim Lân đã tiếp nối những trang viết giàu chất nhân đạo về người lao động trong xã hội xưa cũ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top