Từ Bi trong đạo Phật có ý nghĩa tuyệt vời như thế nào
Nhắc đến đạo Phật người ta thường sẽ nghĩ ngay đến đức tính từ bi. Đạo Phật và 2 chữ từ bi như hình với bóng, trở thành sự mặc định vốn có trong tư tưởng của mỗi chúng ta. Từ bi là một cách sống đẹp, cao thượng và luôn được tôn kính. Vậy 2 chữ Từ Bi trong đạo Phật có ý nghĩa tuyệt vời như thế nào?
Từ bi là một con đường cho người tu học bước lên, một phương tiện cho họ xử dụng, một mảnh đất cho họ vun xới. Con đường càng rộng rãi, phương tiện càng tinh xảo, mảnh đất càng phì nhiêu thì Trí tuệ lại càng nẩy nở và thăng tiến nhanh hơn.
Từ bi là Hán dịch của chữ Karunâ trong kinh sách tiếng Phạn. Từ là lành, hiền từ ; bi là thương xót, thương hại. Trong các sách Tây phương, viết bằng tiếng Anh cũng như tiếng Pháp, chữ Karunâ được dịch là Compassion. Chữ Compassion có gốc từ tiếng La-tinh là compassio, có nghĩa là thương hại trước sự đau khổ của kẻ khác. Trong chữ compassion có chữ passion, chữ này có gốc từ chữ patior, một động từ trong tiếng La-tinh có nghĩa là khổ đau, đau đớn.
Sở dĩ tôi mạn phép dài dòng trên phương diện ngữ học và dịch thuật vì thực ra rất khó tìm được những chữ hoàn toàn tương đồng giữa các ngôn ngữ, nhất là những chữ này vừa có nguồn gốc khác nhau, lại vừa chịu ảnh hưởng ít hay nhiều các truyền thống, văn hoá, tín ngưỡng của các dân tộc khác nhau.
Chữ Compassion trong các sách Tây phương không phản ảnh đúng và không lột được ý nghĩa của chữ Karunâtrong kinh sách nhà Phật. May mắn đã có vài dịch giả và nghiên cứu gia Tây phương nhận thấy điều này, họ đề nghị nên dùng thẳng chữ Phạn là Karunâ, giống như trường hợp rất nhiều chữ Phạn khác đã được dùng thẳng, chẳng hạn như những chữ karma, nirvana, samsara, v.v.
Trong kinh sách tiếng Việt, chữ Từ bi cũng không lột hết ý nghĩa của chữ Karunâ, nhưng nhờ số đông những người tu học Đạo Pháp đã hiểu ít nhiều Từ bi là gì và đã quen thuộc với định nghĩa của chữ này, tuy vậy vẫn còn một số người khác có thể hiểu rất lờ mờ chữ Từ bi trong Đạo Phật.
Ý nghĩa của Từ bi trong Phật giáo thật sự sâu xa hơn là ý nghĩa từ chương của chữ này, tức là hiền từ vàthương xót. Tôi sẽ chia bài viết thành hai phần : phần thứ nhất định nghĩa và giải thích về Từ bi theo Kinh điển, phần thứ hai sẽ bàn rộng hơn về chữ này. Sau hết tôi xin kể một câu chuyện về ngài Vô Trước để thay vào phần kết luận.
1. Từ Bi là gì ?
Như đã giải thích trong phần nhập đề trên đây, Từ bi không phải vỏn vẹn là một « đức tính » dù đó là « đức tính từ tâm », cũng không phải là một thứ « xúc cảm », say mê hay đam mê (passion) theo ngôn từ Tây phương. Từ bi cũng không phải là một thứ « tình cảm thụ động » làm ta tê liệt trước khổ đau của chúng sinh, cũng không hẳn là một « khuynh hướng tinh thần » muốn chia bớt và nhận chịu khổ đau của kẻ khác.
Vậy Karunâ hay Từ bi trong Phật giáo là gì ?
Karunâ trong Phật giáo là khả năng nhận thức rằng mọi sinh linh có giác cảm, từ con người cho đến đến các sinh vật khác đều gánh chịu khổ đau, khi nào tất cả các sinh linh ấy chưa được Giác ngộ và Giải thoát, thì Từ bichính là ước vọng mảnh liệt thúc đẩy ta phải Giải thoát cho tất cả mọi chúng sinh, trong đó có cả ta, ra khỏi khổ đau.
Vì thế Từ bi không có nghĩa đơn giản là « xót thương » kẻ khác một cách thụ động và tiêu cực, mà ngược lại Từ bi là một sức mạnh tích cực đưa ta thẳng vào hành động, trong mục đích loại trừ mọi thể dạng của khổ đau và mọi cội rễ của khổ đau.
Khi Phật Thích-ca Mâu-ni đạt được Giác ngộ, quyết tâm và phát nguyện đầu tiên của Ngài chính là Karunâ, tức là lòng Từ bi, Ngài quyết định thuyết giảng cho chúng ta « Con đường đưa đến chấm dứt khổ đau » (tức là Đạo đế, điều thứ tư trong Tứ diệu đế).
Khía cạnh cao đẹp của Từ bi hay Karunâ cũng là một trong những chân lý cao cả hơn hết của Đạo Pháp : khổ đau không phải là một định mệnh, khổ đau có thể tránh khỏi, ta có thể tự giải thoát được, và tất cả mọi chúng sinh đều có thể thực hiện được sự Giải thoát đó, không phải chỉ riêng có Phật mà thôi (đây là các điều 1,2 và 3 trong Tứ diệu đế : Khổ đế, Tập đế và Diệt đế).
Nếu không có Từ bi, biết đâu có thể cũng không có Phật, cũng không có Đạo Pháp và cũng chẳng có Tăng đoàn. Vì sao vậy, vì chính Phật là Từ bi, chính Phật lại giảng cho ta Đạo Pháp của Từ bi và Tăng đoàn đứng ra duy trì Đạo Pháp. Từ bi chính là hiện thân của Tam bảo. Có thể nói Từ bi chính là sự Giác ngộ vậy.
Đến đây, ta có thể nhận thấy Từ bi không phải đơn giản chỉ có sự xót thương và chia xẻ khổ đau với kẻ khác, dù cho đi kèm với bố thí cũng thế. Từ bi trong Đạo Phật cao cả lắm, tích cực lắm và mảnh liệt hơn những gì ta hiểu một cách thông thường. Từ bi là một sức mạnh thiêng liêng, siêu việt đưa đến Trí Tuệ. Nhưng Trí Tuệ là gì ? Trí Tuệ là một khí cụ toàn năng giúp ta xóa bỏ Vô minh. Xoá bỏ Vô minh tức là đạt được Giác ngộ. Đạt được Giác ngộ tức là thành Phật.
Đối với các trường phái Phật giáo Nam tông, chẳng hạn như Phật giáo Theravada, Từ bi chứng thực và bảo đảm hành giả là một « đệ tử đích thực » của Phật, một « người con » của Phật, một người biết giữ gìn Giới luật, biết trau dồi một tâm thức tích cực bằng Bốn Phạm Trú (còn gọi là Tứ Vô lượng tâm). Bốn Phạm trú ấy là Từ vô lượng (maitrî) : tâm lành hướng về mọi chúng sinh ; Bi vô lượng (karunâ) : xót thương và cứu giúp tất cả chúng sinh ; Hỷ vô lượng (muditâ) : tâm thức vui mừng và hân hoan khi nhận thấy những đìều lành của chúng sinh ; Xả vô lượng (upeksâ) : buông thả tất cả những gì của chính ta cho chúng sinh (chữ này được giải thích hơi khác trong các kinh sách Tây phương : chữ Upeksâ được dịch ra tiếng Pháp là Equanimité, tức tâm thức trong sáng, bình đẳng không phân biệt và kỳ thị).
Đại Từ, Đại bi, Đại hỷ và Đại xả là bốn liều thuốc hoá giải chống lại những thái độ sai lầm. Đại từ hoá giải ý nghĩ « sống chết mặc bay », Đại bi hóa giải ý nghĩ « mặc kệ họ cứ đau khổ, chẳng dính líu gì đến ta ». Đại hỷ không cho phép ta cảm thấy « càng thích thú khi kẻ khác gánh chịu sự đau khổ, đáng đời cho họ ». Đại xả đem đến cho ta những xúc cảm trong sáng và bình đẳng, hoá giải ý nghĩ « cái này của ta, của gia đình ta, của bạn bè ta, không tội gì mà buông xả cho người dưng nước lã hay vì kẻ khác ».
Phật giáo Tây tạng thường đưa ra hình ảnh sau đây để giải thích thế nào là lòng Từ bi và thế nào là một cái nhìn đúng đắn. « Nếu có một người cầm gậy đánh ta, ta không kết tội chiếc gậy đã làm cho ta phải đau đớn, ta cũng không kết tội kẻ đã cầm gậy đánh ta,...mà ta phải kết tội sự nóng giận đang chi phối, thúc đẩy và hành hạ người đang cầm gậy đánh ta ». Nếu ta biết kết tội sự nóng giận đang giày vò người cầm gậy, tức là ta phát lộ lòng Từ biđối với họ. Chính hận thù và giận dữ đang tàn phá họ và làm cho họ khổ đau. Từ bi buộc ta phải giúp họ trút bỏ sự giận dữ và hận thù trong lòng họ và quên đi những đau đớn của ta.
Đấy là một cái nhìn đúng đắn, cái nhìn của một người con Phật. Từ bi là như thế, không phải đơn giản là một thứ tình cảm xót thương.
Nói chung, Từ bi trong các trường phái Đại thừa là thái độ và cái nhìn đã được trình bày trên đây. Đó là phẩm tính cao cả của người Bồ-tát, là trọng tâm của sự Giác ngộ. Từ bi được tượng trưng bởi Phật A-Di-Đà (Phật giáo Nhật bản gọi là Amiba), và bởi Bồ-tát Quán-Thế-Âm, tiếng Phạn là Avalokiteshvara, danh hiệu tiếng Phạn của Ngài là Lokesvara. Phật giáo Tây tạng gọi Quán Thế Âm là Tchenrezi, Phật giáo Trung hoa gọi là Quan Âm (Guanyin), Phật giáo Nhật bản gọi là Kannon. Quan Âm trong Phật giáo Trung hoa, Nhật bản, Việt Nam... được tượng trưng bằng một người phụ nữ. Kể lể như thế để ta có thể hình dung Từ bi trong Phật giáo nói chung, kể cả Nam tông và Bắc tông, có tầm quan trọng như thế nào. Từ bi chẳng những là thức ăn nuôi dưỡng người Bồ-tát mà còn là sự biểu lộ của Phật tính, của Giác ngộ nữa. Trong phần thứ hai dưới đây ta thử bàn rộng thêm về Từ bi xem sao.
2. Luận bàn về Từ bi
Đạo Phật là Đạo của Trí Tuệ, vậy Từ bi liên hệ như thế nào với Trí Tuệ ?
Trước hết ta cần hiểu Trí tuệ là gì. Trí tuệ hay Trí huệ còn gọi là Huệ, Tuệ minh, hay là Chiếu thấy. Trí tuệ còn được gọi là Bát-nhã, Bát-lại-nhã, Ban-nhã, Ba-lại-nhã, Bát-thích-nhã v.v. đó là các cách dịch âm khác nhau của chữ Prajnã trong tiếng Phạn. Vậy Trí tuệ hay Bát-nhã khác với trí Thông minh như thế nào ?
Ta thấy có rất nhiều người thật « thông minh », tâm thức của họ rất linh hoạt : nhớ giỏi, hiểu nhanh. Họ có khả năng lý luận vững chắc, sáng chế được nhiều thứ, hoặc bày ra được nhiều việc. Họ có khả năng học hành tốt, biết nhiều, thi đậu bằng cấp cao, điều khiển giỏi...Ta có thể kể thêm trong số họ có các triết gia, các học giả, các nhà khoa học v.v...họ sáng suốt và thông minh gấp bội so với chúng ta. Trong khi đó, cũng có một số người khác có tâm thức ù lì hơn, chậm chạp hơn, học hành khó khăn hơn...Tất cả đều do nơi nghiệp của mỗi người đã đưa đẩy họ vào những cơ duyên hiện tại liên đới và ảnh hưởng đến phần tâm thức của họ. Có thể kể những cơ duyên đó gồm có sự dinh dưỡng, giáo dục, môi trường...chẳng hạn. Nói chung ta gọi những khả năng tâm thức linh hoạt ấy của từng người là « trí thông minh » của họ.
Cái « trí thông minh » đó có phải là Bát-nhã hay không ? Có phải là Trí tuệ hay không ? Xin thưa là không. Trí tuệtrong Phật giáo là một thứ Tri thức tối thượng, hoàn hảo, không có gì cao hơn, không có gì so sánh được, không có gì ngang hàng (vô thượng, vô tỷ, vô đẳng) giúp người tu học nhìn thấy trực tiếp, quán nhận trực tiếp Sự thật Tuyệt đối của mọi vật thể và mọi hiện tượng. Sự thật mà ta thấy chung quanh ta, trên thân xác ta và trong tâm thức ta chỉ là những Sự thật Tương đối, những sự thực này luôn luôn biến động, vướng mắc, được tạo tác bằng nhiều điều kiện, liên tục được sinh ra, biến đổi, thoái hoá và bị hủy diệt, rồi lại tiếp tục được sinh ra bằng những điều kiện khác trong những dạng thể hay hình tướng khác.
Cái « trí thông minh » mà ta nhận thấy nơi mỗi người, trong số đó kể cả các nhà khoa học, các nhà thông thái hay các triết gia...chỉ là trí thông minh dựa vào sự hiểu biết về thế giới biến động, tức thế giới của Sự thực Tương đối. Trí tuệ theo định nghĩa Phật giáo không do lý luận mà có, không do học hỏi trong sách vở mà có. Trí tuệ hay Bát nhã là một khả năng siêu việt, quán nhận trực tiếp được Tánh Không của mọi vật thể và mọi hiện tượng, tức là nhìn thấy được Sự thực Tuyệt đối và tối hậu của thế giới hiện tượng chung quanh ta và trong tâm thức ta.
Sau khi đã xác định thế nào là trí thông minh và thế nào là Trí tuệ, ta lại trở về câu hỏi đã được đặt ra trên đây : Tại sao Từ bi và Trí tuệ lại liên hệ với nhau ?
Ta nhận thấy chung quanh ta, ngoài những người khù khờ, chậm chạp, hiền lành, cũng có những người rất hung dữ, gian tham, độc ác, nham hiểm, biển lận, khát máu, tàn bạo, vô lương tâm...Những người độc ác này chưa hẳn là họ không « thông minh ». Trái lại, họ có thể rất « thông minh », họ có thể là những tên điếm đàng, ăn cắp, bất lương, lường gạt, biển lận...họ cũng có thể là những nhà lãnh đạo hoạt bát, các nhà bác học, các nhà khoa học, các bạo chúa, các nhà tài phiệt khôn ngoan, các con buôn lanh lợi, các người đội lốt tu hành v.v... Tâm thức họ rất linh hoạt, trí nhớ vượt bực, lanh lợi khác thường, tráo trở, lật lọng, nói dối không ai biết...nói chung là « cái trí thông minh » của họ hơn hẳn một số người khác đang phải gánh chịu sự lường gạt, điều khiển và khống chế của họ. Cái trí thông minh như vừa kể không phải là Trí Tuệ, nó có thể phát triển trên bất cứ một mảnh đất nào, đặc biệt rất phù hợp với những mảnh đất của hung dữ, dối trá, biển lận hay bất lương.
Ngược lại, Trí tuệ hay Bát nhã chỉ có thể phát triển trong một tâm linh an bình, trong sáng, tràn ngập lòng Từ bimà thôi. Vì vậy Từ bi là mảnh đất duy nhất mà ta có thể đem gieo hạt giống của Trí tuệ, vì Trí tuệ chỉ có thể nẩy mầm và lớn lên trong mảnh đất của Từ bi.
Tóm lại, Từ bi là một con đường cho người tu học bước lên, một phương tiện cho họ xử dụng, một mảnh đất cho họ vun xới. Con đường càng rộng rãi, phương tiện càng tinh xảo, mảnh đất càng phì nhiêu thì Trí tuệ lại càng nẩy nở và thăng tiến nhanh hơn.
Từ bi là điều kiện bắt buộc và không thể thiếu sót của Trí tuệ. Từ-bi-Trí-tuệ luôn luôn đi đôi với nhau, gắn bó với nhau, hỗ trợ cho nhau. Vì vậy, tu tập trước hết phải khơi động lòng Từ bi trong ta để đưa ta đến Trí tuệ. Đến đây, ta có thể phân biệt được « một người hung dữ và thông minh », « một người vô tâm (ích kỷ) và thông minh », « một người từ bi và thông minh » khác nhau như thế nào.
Để làm nhẹ bớt phần luận bàn nghiêng về ngôn từ và lý thuyết, ta thử lấy một ví dụ đơn giản hơn trong đời sống hằng ngày như sau. Ta đi ngoài đường phố và ta thấy một người ăn xin nghèo khổ, ta cho một ngàn đồng. Lòng ta thấy phơi phới vì làm được một việc từ bi. Ta tiếp tục đi thêm một đoạn nữa và thấy một tiệm phở, thịt tái và thịt chín treo lủng lẵng trong tủ kính, mùi phở thơm lừng. Ta cảm thấy đói và bước vào ăn. Ta gọi một tô phở loại đặc biệt, giá hai mươi ngàn đồng, trong tô phở có gầu, tái, nạm, gân, sụn, nước béo...gần đầy đủ những cấu hợp của tứ đại nơi thân xác khổ đau và vô thường của con bò. Ta đang thưởng thức tô phở thì có một bà già lưng còng bước vào tiệm mời ta mua vé số. Bà cụ gầy ốm, da sạm nắng, cởi chiếc nón lá và xoè một một ít vé số cho ta nhìn. Ta thoáng thấy vẻ khổ đau và nghèo đói của bà cụ, nhưng ta nhìn kỷ hơn vào các vé số. Ta thấy có một vé mang những con số rất « hên », rất có « cảm tình », chẳng hạn như ngày sinh của ta, của người yêu của ta..., những con số này thường đem đến tài lợi cho ta. Tiếp theo ta nghĩ rằng vì từ bi muốn giúp đỡ bà cụ nên ta quyết định chọn tờ vé số này và mua ngay.
Sau đây, ta thử quán xét sâu xa hơn câu chuyện vừa kể xem sao. Nếu ta không cho người ăn xin một ngàn đồng, chưa chắc ta đã bước vào tiệm phở, vì có thể : hoặc ta đang lo âu trong lòng nên không thấy đói, hoặc vì lẽ ta muốn tiết kiệm. Nhưng khi đã cho người ăn xin, ta cảm thấy thư thái, hạnh phúc, lương tâm không cắn rứt, ta nghĩ đã có tiền bố thí tại sao ta không hưởng ; hoặc ta cũng có thể nghĩ rằng cho người ăn xin cũng hơi tiếc, vì thói thường ta rất cần kiệm mới có tiền, vậy ta nên hưởng để bù lại hành động bốc đồng của ta. Những xúc cảm đó hay tư tưởng đó thúc ta bước vào tiệm phở. Sau đó ta mua một tấm vé số, chưa hẳn vì từ bi mà ta mua tờ vé số của bà cụ già, nhưng vì ta vừa cho người ăn xin một ngàn, ta làm được một điều thiện, ta chờ mong cái quả của điều thiện đó đưa tới, ta hy vọng trúng độc đắc nhiều chục triệu. Có thể ta không nghĩ trắng ra như thế, nhưng những tư tưởng của ta rất tiềm ẩn, nằm trong tiềm thức hay a-lại-da-thức của ta mà ta không hay biết. Ta cũng có thể đơn giản nghĩ rằng, hoặc cảm thấy rằng, giữa tô phở thơm lừng và bà cụ nghèo đói, ta nên mua một tấm vé số để trấn an lương tâm của ta... Nhưng biết đâu ta cũng có thể là một người đần độn, vô tâm, hành động mà không suy nghĩ gì cả ?
Câu chuyện trên đây chỉ là một câu chuyện giả tưởng dùng làm ví dụ, nhưng cũng có thể xảy ra được. Qua sự nhận xét về câu chuyện trên đây, ta không thấy có một hành động nào hay tư tưởng nào có thể gọi là từ bi cả. Những hành động và tư tưởng nêu lên trong câu chuyện là những gì bị kích động và thúc đẩy, dù rất nhẹ nhàng và tiềm ẩn, bởi lòng tham mà thôi. Tâm thức ta luôn luôn đánh lừa ta bằng mọi cách, dù trong cuộc sống đơn giản hằng ngày cũng vậy. Tâm thức nuôi dưỡng lòng tham của ta và làm cho màn Vô minh càng dầy đặc thêm trong tâm thức, đưa đẩy và hướng ta vào những hành động và những tư tưởng đại loại như thế, hay còn có thể tệ hại hơn nhiều nếu hành vi có tầm quan trọng hơn. Tu tập là tỉnh thức, tỉnh thức giúp ta luôn luôn cảnh giác để canh chừng tâm thức ta.
Đến đây tôi lại xin phép người đọc được nhìn câu chuyện trên đây dưới một khía cạnh khác nữa. Nếu ta cho người ăn xin, nhưng đồng thời ta nhớ đến lời Phật dạy : bố thí nhưng không biết bố thí cái gì, bố thí cho ai và cũng không biết mình đã bố thí, chỉ biết rằng may ra trong lòng ta chỉ còn sót lại một chút từ bi mà thôi. Khi làm được như thế, chưa chắc ta đã bước vào tiệm phở vì không có xúc cảm nào, tư tưởng nào phát sinh từ hành động bố thí kích động ta bước vào tiệm phở, và như thế ta cũng không có cơ duyên mua vé số để nuôi nấng lòng tham trúng số vài chục triệu của ta.
Nhưng cũng có thể khi đi ngang tiệm phở ta vẫn ngửi thấy mùi thơm, nhưng khi xem lại trong túi, ta chỉ còn năm ngàn đồng, không đủ để mua một tô phở loại nhỏ, (vì thường những người giàu lòng từ bi thì lại rất nghèo vể tiền bạc, tiếc thay !). Không đủ tiền bước vào tiệm phở, nhưng ta vẫn có thể gặp bà cụ bán vé số trên vỉa hè. Bà cụ chìa cho ta những tờ vé số trên tay. Ta không nhìn kỹ để tìm những con số « hên » trên các vé số, những ta lại thấy dưới chiếc nón lá rách nát, tóc của bà cụ đã bạc trắng, da mặt nhăn nheo, bà cụ bị chột một mắt và răng đã rụng hết. Có thể ta muốn cho bà cụ năm ngàn. Nhưng không, để kính trọng nhân phẩm của bà cụ, ta móc túi và mua vé số, mua hết cả năm ngàn. Nhưng khi bà cụ vừa bước đi, ta cúi xuống và đưa tặng những tờ vé số vừa mới mua cho một đứa bé độ chừng sáu hay bảy tuổi đang ngồi bán đậu phọng luộc đựng trong một cái thúng nhỏ bên lề đường. Ta nhất định không để một chút gì có thể nuôi nấng lòng tham của ta. Nhìn dưới khía cạnh thứ hai của câu chuyện, ta sẽ thấy có những mầm mống của Từ bi phát lộ.
Ta tự hỏi ta có đủ sức làm được những việc nhỏ nhoi như thế hay không ? Trong khi đó ta có nhà rộng để ở, quần áo đẹp và sạch sẽ để mặc, ăn uống dư thừa. Có thể ta tự cho mình là một người tu Phật, nhưng ta có bắt chước Phật được chút nào hay không ? Khi chết, Phật nằm dưới đất để chết, Phật chỉ có hai chiếc áo cà sa, một chiếc gấp làm tư để gối đầu, bên cạnh chỉ có một chiếc bình bát để khất thực mà thôi.
Tóm lại, câu chuyện trên đây thật đơn giản, nhưng khi phân tích kỹ ta thấy sự tạo nghiệp là một hiện tượng chi phối thường trực, cùng khắp, trong nháy mắt cũng đã đưa ta đến những tư duy, những hoàn cảnh và tình huống khác nhau. Nghiệp báo và nhân quả không đến nỗi rắc rối lắm đâu. Vậy, nếu ta chưa đủ sức bắt chước cái gương của Phật thì ta nên cố gắng tỉnh giác, dù trong những hành vi thật nhỏ nhoi của ta, để canh chừng tâm thức ta, ít nhất là không để nó tạo ra những xu hướng tiêu cực và những tình huống bất lợi cho sự sống, dù là tạm bợ, của chính ta. Đến đây có lẽ ta cũng hiểu thêm đôi chút thế nào là Từ bi. Từ bi có thể rất nhỏ nhoi như mua một tờ vé số (nhưng không tham trúng độc đắc), hoặc rất lớn lao (vô thượng, vô tỷ và vô đẳng) giống nhưTrí tuệ vậy.
Sau câu chuyện trên đây, tôi lại xin được phép trở lại vấn đề ngôn từ và nêu lên một sai lầm khác mà ta thường thấy. Ta vẫn thường nghe những người chung quanh nói đến bốn chữ từ bi hỷ xả. Tôi để ý thấy những người này nói đến bốn chữ từ bi hỷ xả khi gặp một khó khăn nào đó, chẳng hạn bị kẻ khác hành hung, lường gạt v.v... Trong khi họ không có thể làm gìkhác hơn, họ chỉ biết thốt lên bốn chử từ bi hỷ xả để tha thứ cho kẻ gây ra những chuyện nghích ý với họ. Chẳng những hành động này chẳng có gì là từ bi, cũng chẳng có gì gọi là tích cực cả mà còn hoàn toàn đi ngược và lạm dụng một cách sai lầm bốn chữ từ bi hỷ xả trong Đạo Pháp. Từ bi hỷ xả không mang ý nghĩa theo họ tưởng.
Như đã trình bày trong phần một, từ bi hỷ xả là Tứ phạm trú hay Tứ vô lượng tâm (brahma-vihâra) : Từ vô lượng, Bi vô lượng, Hỷ vô lượng và Xả vô lượng, tức bốn đức tính của tâm thức mà ta phải vun xới bằng tu tập và thiền định lâu dài, không phải bốn chữ dùng để tự an ủi hay an ủi kẻ khác khi gặp khó khăn. Nếu không nhớ Tứ vô lượng tâm là gì, xin người đọc xem lại định nghĩa của các chữ này trong phần một.
3. Kết luận
Tôi xin kể câu chuyện sau đây về ngài Vô Trước (Asanga) để thay vào phần kết luận. Ngài Vô Trước sinh vào thế kỷ thứ IV trong vùng Tây Bắc Ấn độ (vùng Cachemire ngày nay). Ngài là một Đại luận sư Phật giáo, sáng lập ra Duy thức tông và cũng là anh khác cha của Thế Thân (Vasubandhu), một Đại luận sư lừng danh khác của Phật giáo. Cả hai còn có một người em cũng là một vi Đại sư. Câu chuyện về cuộc đời của Vô Trước như sau. Ngài đi tu và được thụ phong tỳ kheo theo tông phái Nhất thiết hữu bộ (Nam tông). Ngài tu học Tam Tạng Kinh trong năm năm liền. Sức học của Ngài rất cao và việc học rất sáng chói, nhưng Ngài vẫn không thấu hiểu hết ý nghĩa của Bát-nhã Ba-la-mật. Nhiều lúc thất vọng, ngài thối chí đến độ đã có ý định tự tử. Sau đó ngài gặp được một vị La hán tên là Pindola, vị này giải thích cho Ngài về Tánh không theo Nam tông. Ngài vẫn chưa thoả mãn với lối giải thích này và tìm một hang động trong núi Kukkûtapâdâ, gần thị trấn Râjagrha ngày nay, để tự tham thiền. Ngài thiền định bằng cách quán tưởng Đức Di Lặc. Hai lần Ngài bỏ hang ra đi vì thất vọng, nhưng sau rốt vẫn trở về hang để tiếp tục thiền định. Tổng cộng sau mười hai năm thiền định như thế, ngài vẫn không thấy Phật Di Lặc ứng hiện. Ngài lại bỏ hang và ra đi, trên đường ngài thấy một con chó ghẻ lở khắp thân thể, giòi bọ nhung nhúc và đang hấp hối. Ngài quá thương xót con vật và đang lay hoay tìm cách cứu giúp thì con chó lại biến mất và Phật Di Lặc hiện ra trước mặt. Theo truyền thuyết thì Phật Di Lặc dẫn ngài về cõi Đâu-suất để giảng cho Ngài về Đại thừa và Tánh không. Không biết có thật như thế hay không, nhưng trên thực tế ngài đã để lại cho chúng ta hôm nay một kho tàng trước tác thật đồ sộ và quan trọng.
Tóm lược một đoạn trong tiểu sử của ngài Vô Trước là như thế, nhưng có nhiều sách thêm thắt câu chuyện như sau. Sau mười hai năm thiền định ngài thất vọng và bỏ đi, nhưng khi ra khỏi hang lại gặp một con chó ghẻ lở thật kinh khiếp, các vết thương đầy giòi bọ. Ngài tìm cách chùi các vết thương cho con chó, nhưng lại thương các con giòi bị chùi mạnh mà chết, Ngài liền thè lưỡi để liếm và đẩy các con giòi ra khỏi các vết thương. Nhưng bất thần con chó biến mất và Đức Di Lặc hiện ra trước mặt ngài. Vô trước liền cất tiếng hỏi Đức Di Lặc : « Thưa Ngài, tại sao con phải chờ đến mười hai năm Ngài mới hiện ra với con ». Đức Di Lặc liền đáp rằng : « Ta vẫn ở bên cạnh con trong mười hai năm liền, nhưng vì sức phát triển của tâm thức con chưa đủ để nhìn thấy ta mà thôi ».
Từ trước đến đây, ngài Vô Trước chỉ thấy Đức Di Lặc qua những hình tướng thiếu hoàn hảo, nhưng con chó ghẻ đã giúp ngài phát lộ lòng Từ bi của mình một cách toàn vẹn hơn. Đức Di Lặc muốn chứng minh điều ấy cho ngài Vô Trước nên bảo ngài hãy cõng mình lên vai và đi về ngôi làng trong thung lũng phía dưới kia : tất cả những người đi ngược chiều đều vô tình chẳng thấy gì lạ cả, chỉ có một bà cụ già chận ngài Vô Trước lại mà hỏi : « Này ông kia, ông làm cái trò gì mà cõng con chó ghẻ kinh tởm trên vai như thế ? ».
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top