Tôn Giả Anuruddha: Vị tối thắng về thiên nhãn thông

Trong số các vị Thánh tăng đệ tử, Tôn giả Anuruddha được Đức Phật tuyên bố là vị tối thắng về thiên nhãn thông. Ngài đã tuyên bố rằng : “Trong các vị đệ tử của Ta, này các Tỷ-kheo, thiên nhãn tối thắng là Anuruddha”.

1.    Thời niên thiếu : Phụ vương của Đức Phật, vua Tịnh Phạn (Suddhodana) có một người em trai tên là Sukkodana. Ông hoàng dòng họ Thích này có được hai người con trai : đức vua Mahānāma - người tiếp bước truyền thừa Vương tộc Sakya; Tôn giả Anuruddha - xuất gia và trở thành vị tối thắng về thiên nhãn thông.

Sống trong nhung gấm lụa là, với bao cung phi mỹ nữ ngày đêm ca hát, vui đùa thỏa thích, ở mỗi cung điện vào mỗi mùa, cuộc sống hoàng tộc của hoàng tử Anuruddha cũng giống như là một vị tiểu vương gia.

Rồi ta được sanh trưởng, Trong dòng họ Thích-ca,
Ta được biết với tên, Là Anuruddha,
Sống hệ lụy múa ca, Dạy với tiếng xập xỏa.[1]

Có một câu chuyện được ghi lại trong Chú giải Kinh Pháp Cú, kể về phước báu thù thắng của hoàng tử Anuruddha mà khó ai có được như hoàng tử.

Hoàng tử Anuruddha thường hay chơi trò đánh bạc an bánh với các vương tôn khác, và hoàng tử thường hay bị thua nhiều nên phải sai người hầu về cung để xin bánh của mẫu hậu. Khi bánh hết, mẫu hậu cho người báo là “bánh không có”, vì từ nhỏ đến lớn chưa từng nghe đến hai chữ “không có” nên hoàng tử bắt người hầu đem đến cho mình thứ “bánh không có”. Mẫu hậu nghe vậy liền cho người lấy một cái mâm vàng, úp chiếc bát vàng khác lên và đem cho hoàng tử. Người hầu mang mâm không đến đưa cho hoàng tử, hoàng tử mở mâm ra thấy đầy ắp bánh. Bánh thơm ngon, hoàng tử chưa từng được ăn loại bánh này nên nghĩ rằng mẫu hậu không thương mình.

Hoàng tử đi đến gặp mẫu hậu, và mẫu hậu biết được sự kiện phi thường đó và biết rằng đó là phước báu của hoàng tử. Từ đó về sau, cứ mỗi lần hoàng tử muốn dùng bánh là bà chỉ cần đưa cái mâm không là hẳn nhiên bánh sẽ đầy ắp trong mâm[2].

Hoàng tử Anuruddha sống trong nhung lụa, được sự chăm sóc yêu thương của gia tộc và không bao giờ biết đến ý nghĩa của chữ “không có”.

2.    Duyên lành xuất gia :
Hưởng thụ những thú vui trần gian tựa hồ như là những lạc thú tiên cảnh, hoàng tử Anuruddha lẽ ra không hề biết đến những điều đau khổ đang rình rập mình và cố tìm ra con đường thoát khổ. Hoàng tử chỉ biết đắm say trong ngũ dục, và đang đắm say với những thú vui đó thì bất chợt người anh của mình đã khơi dậy một con đường phạm hạnh cao quý.

Hoàng thân Mahānāma tự suy nghĩ rằng : bên gia đình của đức vua tịnh phạn đã có nhiều người xuất gia theo Phật, trong khi đó gia đình mình chưa hề có ai gia nhập Tăng đoàn, rồi ông tự thấy mình không thể xuất gia nên đã đem những tâm sự của mình bày tỏ với người em Anuruddha. Giữa hai người, hoàng thân Mahānāma và hoàng tử Anuruddha, phải có người xuất gia theo phật để đem phúc lành đến gia tộc.

Hoàng tử Anuruddha vì còn đang say ngủ trong những trò vui dục lạc, không chấp nhận lời đề nghị của hoàng huynh. Nhưng qua những lời phân tích, giảng giải về vai trò và gánh nặng trông coi, kế thừa hoàng tộc Sakya với sự an bình thoát tục của đời sống xuất gia phạm hạnh thì hoàng tử Anuruddha đã phần nào có sự lựa chọn cho riêng mình.

Đêm ấy, hoàng tử Anuruddha cứ mãi suy nghĩ về lời nói của hoàng huynh, về mục đích của kiếp người mong manh, cuộc một đời sống giả tạo và hoàng tử quyết định sẽ noi theo dấu chân Đức Phật.

Sáng hôm sau, hoàng tử đến xin mẫu hậu đi xuất gia nhưng bà từ chối vì không muốn xa rời bất kỳ đứa con thân yêu nào. Bà từ chối mãi những hoàng tử cứ van xin hoài nên bà đưa ra một điều kiện, nếu làm được thì bà sẽ chấp nhận cho con xuất gia. Đó là hoàng tử phải thuyết phục làm sao cho hoàng tử Bhaddiya xuất gia thì bà sẽ cho Anuruddha xuất gia, còn như không được thì Anuruddha cũng sẽ không được xuất gia. Sở dĩ bà đưa ra điều kiện ấy vì bà cho rằng hoàng tử Bhaddiya khó mà rời bỏ vương vị mà chọn lấy đời sống xuất gia.

Tuy nhiên, suy nghĩ của bà đã sai lầm vì bà đánh gia quá thấp tình bạn thân thiết của hai chàng hoàng tử nhỏ tuổi, nhất là hoàng tử Bhaddiya không muốn bạn của mình buồn lòng.

Hoàng tử đi Anuruddha kiếm hoàng tử Bhaddiya để nói cho bạn biết câu chuyện của mình. Thoạt đầu hoàng tử Bhaddiya cũng muốn làm bạn vui lòng nhưng sau đó suy nghĩ lại và hẹn một thời gian 7 năm sẽ đi xuất gia. Hai bên cứ thương lượng, “cò kè” và cuối cùng quyết định thời hạn 7 ngày để sắp xếp ổn định công việc rồi sẽ đi xuất gia.

Và không chỉ có hai vị hoàng tử trẻ tuổi này không thôi mà còn có thêm các hoàng tử Ānanda, Bhagu, Kimbila và Devadatta (anh trai của công nương Yasodharā) cùng nhau đi xuất gia, cuối cùng còn có thêm người thợ hớt tóc Upāli xin đi theo xuất gia. Cả 6 vị hoàng thân cùng người thợ hớt tóc xuất gia với Đức Phật tại Anupiya. Và để diệt trừ sự kiêu mạn của những hoàng tử dòng họ Thích, tất cả đều xin Đức Phật cho Upāli xuất gia trước nhất.

Trong vườn trúc phía Ðông, Các Thích tử thân hữu,
Từ bỏ những tài sản, Không phải là ít oi,
Vui thích với những gì, Nhận được từ bình bát.
Siêng, tinh cần, tinh tấn, Thường kiên trì hăng hái,
Ưa thích lạc pháp vị, Từ bỏ lạc thế gian[3].

Và sau khi xuất gia một thời gian, các vị đã đạt được nhiều thành tựu trong đời sống tu tập của mình. Tôn giả Bhaddiya đắc A-la-hán với tam minh. Tôn giả Anuruddha đắc thiên nhãn thông. Tôn giả Ānanda thì đắc Tu-đà-huờn. Về sau Tôn giả Bhagu, Kimbila cũng đắc A-la-hán. Riêng về Tỳ khưu Devadatta đắc được bát thiền ngũ thông nhưng vì ham mê danh lợi đã phạm tội chia rẽ Tăng, làm chảy máu Phật nên bị sanh vào địa ngục.

3.    Đệ nhất về thiên nhãn thông : Trong số các vị Thánh tăng đệ tử, Tôn giả Anuruddha được Đức Phật tuyên bố là vị tối thắng về thiên nhãn thông. Ngài đã tuyên bố rằng : “Trong các vị đệ tử của Ta, này các Tỷ-kheo, thiên nhãn tối thắng là Anuruddha[4]”.

Trong thiền định năm chi, Tâm an tịnh nhất tâm,
Tâm ta được khinh an, Thiên nhãn ta thanh tịnh.
Ta biết sanh và chết, Chỗ đến đi hữu tình,
Ðời này và đời khác, Ta trú thiền năm chi[5].

Tôn giả Anuruddha được Tôn giả Sāriputta hướng dẫn thiền về Tám tư niệm của bậc đại nhân (Mahāpurisavitakka) và tôn giả đi đến Pācīnavaṃsadāya trong xứ Ceṭi. Tôn giả nắm bắt được hết 7 đề tài, duy chỉ còn đề tài thứ 8 là không được. Đức Thế Tôn biết được điều này nên đã đi đến và giảng dạy thêm, nhờ đó Tôn giả thành tựu được trí tuệ viên mãn và đắc quả A-la-hán tối thượng của đời sống phạm hạnh[6].

4.    Tôn giả Anuruddha với nữ nhân : Trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikāya) có thấy rằng Tôn giả Anuruddha bạch hỏi Đức Phật về nhân duyên người phụ nữ được sanh về thiên giới, thiện thú, nguyên nhân bị sanh vào ác thú, đọa xứ.[7]

Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttara Nikāya) ghi lại sự kiện : có nhiều vị thiên nữ khả ái, xinh đẹp đến viêng thăm Tôn giả Anuruddha rồi các thiên nữ ấy đã đàn ca, nhảy múa và biểu diễn biến đổi màu sắc theo ý muốn của Tôn giả. Sau đó Tôn giả Anuruddha đi đến viếng Đức Phật và bạch hỏi nhân duyên nào nữ nhân được sanh làm những thiên nữ khả ái.

Hãy thường yêu thương chồng, Luôn nỗ lực cố gắng
Người đem lại lạc thú, Chớ khinh thường người chồng
Chớ làm chồng không vui, Chớ làm chồng tức tối
Với những người ganh tị, Chồng cung kính những ai
Hãy đảnh lễ tất cả , Vì nàng người có trí
Hoạt động thật nhanh nhẹn, Giữa các người làm việc
Xử sự thật khả ái, Biết giữ tài sản chồng
Người vợ xử như vậy, Làm thỏa mãn ước vọng,
Ưa thích của người chồng, Sẽ được sanh tại chỗ
Các chư Thiên khả ái[8]

5.    Sau khi Đức Phật viên tịch : Khi Đức Thế Tôn nhập diệt ở Kusinārā, Tôn giả Anuruddha cũng có mặt tại đấy. Chính Tôn Giả là người biết chính xác Thế Tôn đang nhập thiền như thế nào, đang xả thiền như thế nào, và biết Thế Tôn nhập diệt vào thời khắc nào. Vào thời khắc Thế Tôn viên tịch, Tôn giả Anuruddha đã thốt lên bài kệ cảm thán :

Không phải thở ra vào, Chính tâm trú chánh định
Không tham ái tịch tịnh, Tu sĩ hướng diệt độ
Chính tâm tịnh bất động, Nhẫn chịu mọi cảm thọ
Như đèn sáng bị tắt, Tâm giải thoát hoàn toàn[9].

Và cũng chính tôn giả đã khuyên nhủ các vị Tỳ kheo về con đường phía trước :

Thôi các Hiền giả, chớ có sầu não, chớ có khóc than. Này các Hiền giả, phải chăng Thế Tôn đã tuyên bố ngay từ ban đầu rằng mọi vật ưu ái thân tình đều phải sanh biệt, tử biệt và dị biệt. Này các Hiền giả, làm sao có thể được như vầy: "Những gì sanh, tồn tại, hữu vi, chịu sự biến hoại mà lại mong khỏi có sự biến dịch? Thật không có sự trạng ấy". Này các Hiền giả, chính chư Thiên đang trách đó.

- Thưa Tôn giả Anuruddha, Tôn giả đang nghĩ đến hạng chư Thiên nào?

- Hiền giả Ananda, có hạng chư Thiên ở trên hư không nhưng có tâm tư thế tục, những vị này khóc than với đầu bù tóc rối, khóc than với cánh tay duỗi cao, khóc than thân bổ nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: "Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm".

- Hiền giả Ananda, có hạng chư Thiên ở trên đất với tâm tư thế tục, những vị này khóc than với đầu bù tóc rối, khóc than với cánh tay duỗi cao, khóc than thân nằm nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại: "Thế Tôn nhập diệt quá sớm, Thiện Thệ nhập diệt quá sớm, Pháp nhãn biến mất ở trên đời quá sớm". Còn những chư Thiên diệt trừ ái dục, những vị này chánh niệm tỉnh giác, chịu đựng với tâm suy tư: "Các hành là vô thường, làm sao có thể khác được? [10]"

Tôn giả Anuruddha là vị có thiên nhãn tối thắng nên Ngài được dân chúng thỉnh ý về những sự kiện trong lễ trà tỳ của Đức Thế Tôn, vì chỉ có Ngài hiểu được ý định của các vị chư thiên muốn như thế nào.

Sau khi Đức Thế Tôn viên tịch 3 tháng, Hội nghị Kết tập Tam Tạng đã được tổ chức tại Rājagaha, dưới sự chủ trì của Tôn giả Mahākassapa cùng với sự trùng tụng Pháp và Luật bởi hai vị Tôn giả Ānanda và Tôn giả Upāli. Sau đó, các vị Trưởng lão đã phân chia ra nhiều nhóm để duy trì mỗi phần của Pháp và Luật mà Đức Thế Tôn đã giảng dạy.

Tôn giả Upāli có trách nhiệm trì tụng, duy trì và gìn giữ tạng Luật.

Tôn giả Ānanda có trách nhiệm trì tụng, duy trì và gìn giữ Trường Bộ Kinh.

Nhóm đệ tử của Tôn giả Sāriputta có trách nhiệm trì tụng, duy trì và gìn giữ Trung Bộ Kinh.

Tôn giả Mahākassapa có trách nhiệm trì tụng, duy trì và gìn giữ Tương Ưng Bộ Kinh.

Tôn giả Anuruddha có trách nhiệm trì tụng, duy trì và gìn giữ Tăng Chi Bộ Kinh.
500 vị Thánh tăng A-la-hán có trách nhiệm chung để trì tụng, duy trì và gìn giữ Tiểu Bộ Kinh và Tạng Vi Diệu Pháp[11].

Chú thích:

[1] Theg.911
[2] DhpA.382
[3] Theg.155-156
[4] Tăng Chi Bộ Kinh 1. Chương một pháp. Phẩm người tối thắng. Phần Các Vị Tỳ Kheo.
[5] Theg.916-917
[6] A.iv.228 – Tăng Chi Bộ Kinh. Chương Tám Pháp. Phẩm Gia Chủ. Phần Tôn Giả Anuruddha.
[7] S.iv.240 đến 245.
[8] A.iv.262 – tăng chi bộ kinh. Chương tám pháp. phẩm ngày trai giới. phần tôn giả anuruddha.
[9] D.ii.181 – kinh đại bát níp bàn.
[10] D.ii.182 – kinh đại bát níp bàn.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: