Chương 6
LÀM CÁCH NÀO ĐỂ GIẢM 80% THỜI GIAN HỌC NHƯNG VẪN NHỚ VÀ HIỂU BÀI NHIỀU HƠN
Bây giờ thì bạn đã có khái niệm về sức mạnh não bộ, chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu phương pháp Học Siêu Đẳng đầu tiên – phương pháp đọc để nắm bắt thông tin. Trước khi bạn có thể ghi chú, học thuộc lòng hoặc ôn lại bài, việc đầu tiên bao giờ bạn cũng phải làm là đọc sách giáo khoa và tài liệu môn học để nắm được những thông tin cần thiết, quan trọng. Như thế, bạn mới luôn chắc chắn đạt điểm cao trong các kỳ thi. Việc học "tủ" hay học "vẹt" là hoàn toàn không nên.
Đáng tiếc là đa số học sinh không đọc sách giáo khoa và tài liệu môn học nhằm mục đích nắm bắt thông tin. Họ nghĩ rằng việc đọc sách chỉ giúp họ hiểu thêm bài giảng hoặc biết thêm kiến thức mới. Sau đó, họ thường chỉ cố đọc lại các tài liệu môn học trong thời gian ôn thi để cố gắng ghi nhớ mọi thứ (học "vẹt") hoặc chọn học chỉ một số phần mà họ cho là quan trọng (học "tủ"). Nếu bạn học theo kiểu này, khi kỳ thi đến gần, bạn sẽ thấy mình chìm ngập trong đống bài vở do học "vẹt", hoặc bước vào kỳ thi với tâm lý cực kì căng thẳng do học "tủ".
Nhìn chung, trong bất kỳ quyển sách giáo khoa nào, chỉ có 20% trong tổng số từ chứa đựng những thông tin bạn cần để thu hoạch toàn bộ kiến thức của môn học, đảm bảo giành điểm cao trong kỳ thi. Những từ này gọi là từ khóa. Từ khóa bao gồm các danh từ, động từ, phó từ và tính từ. Một sự thật đáng kinh ngạc là 80% số từ còn lại không hề bao hàm thông tin hữu ích nào. Những từ thứ yếu này thường là những từ nối, ví dụ: "là", "của", "những", "có", "với", và rất nhiều phụ từ khác. Vậy nếu những từ này không mang lại ý nghĩa quan trọng gì, chúng giữ vai trò gì trong quyển sách? Mục đích duy nhất của chúng là liên kết những từ khóa với nhau nhằm tạo thành các câu văn hoàn chỉnh. Chúng chỉ mang lại lợi ích là giúp bạn hiểu được những gì được viết trong lần đọc và học đầu tiên, còn trong những lúc bạn cần học thuộc hoặc ôn lại thông tin, những từ này chỉ làm mất thời gian và phí phạm trí nhớ của bạn.LÀM CÁCH NÀO ĐỂ GIẢM 80% THỜI GIAN HỌC NHƯNG VẪN NHỚ VÀ HIỂU BÀI NHIỀU HƠN
PHƯƠNG PHÁP ĐỌC HIỆU QUẢ LÀ TẬP HỢP NHỮNG TỪ KHÓA
Để học hiệu quả, bạn phải hiểu rằng bạn chỉ cần đọc qua toàn bộ sách giáo khoa hoặc tài liệu môn học một lần duy nhất. Trong khi đọc, bạn phải tách ra được cái "cốt lõi" hoặc "thông tin" dưới dạng ý chính và từ khóa.
Sau đó, bạn chỉ ghi chú những ý chính và từ khóa (dưới dạng Sơ Đồ Tư Duy) để dành cho việc ôn lại sau này. Bạn có thể bỏ qua 80% những từ thứ yếu còn lại. Trong lần ôn bài sắp tới, bạn chỉ việc ôn lại 20% từ khóa trong Sơ Đồ Tư Duy là có thể nắm được 100% thông tin của môn học. Bạn đã giảm bớt được 80% thời gian học mà vẫn đạt hiệu quả cao nhất.
Việc tập hợp những từ khóa trong sách giáo khoa giống như việc thu nhặt những hạt gạo từ cánh đồng lúa mênh mông. Có thể mất nhiều thời gian lúc đầu để thu lượm chúng và sàng lọc ra những hạt gạo trắng ngần. Tuy nhiên, sau khi việc này hoàn tất, chúng ta chỉ cần ăn số gạo đó, vì chúng chính là tinh chất từ cánh đồng mang lại nguồn năng lượng cần thiết. Nếu bạn thấy việc ăn nguyên một bó lúa thay vì một chén cơm thật là nực cười, thì việc bạn cố gắng ghi nhớ từng từ trong sách thay vì các từ khóa cũng thế thôi.
MINH HỌA VỀ TÍNH HIỆU QUẢ CỦA TỪ KHÓA
Tôi sẽ chỉ cho bạn thấy sức mạnh của từ khóa. Bạn hãy đọc đoạn văn gồm 103 từ dưới đây.
Đã từ lâu, người ta biết rằng bộ não của con người có thể được chia ra làm hai phần. Phần não trái và phần não phải. Người ta cũng biết rằng não trái điều khiển phần bên phải của cơ thể, trong khi đó ngược lại, não phải điều khiển phần bên trái cơ thể. Bên cạnh đó, người ta cũng phát hiện rằng việc não trái bị hư tổn sẽ gây ra nửa phần cơ thể bên phải bị tê liệt. Tương tự, nếu như não phải bị hư tổn sẽ khiến nửa phần cơ thể bên trái bị tê liệt.
Sau khi đọc xong đoạn văn trên, bộ não của bạn sẽ nắm được một số thông tin từ nội dung đoạn văn. Tuy nhiên, không phải tất cả các từ trong đoạn văn đều góp phần mang lại lượng thông tin đó. Thông tin chỉ nằm trong các từ khóa được gạch dưới sau đây.
Nếu bạn phải đọc những từ khóa thôi, bạn có thể hiểu được toàn bộ thông tin không? Hãy đọc đoạn văn kế tiếp để tìm lời giải đáp.
Tôi chắc chắn rằng chỉ cần đọc lại những từ khóa trên, bạn vẫn nắm được toàn bộ thông tin. Không một thông tin nào bị bỏ lỡ. Tuy nhiên, việc đọc các từ thứ yếu chiếm phần lớn trong đoạn văn không mang lại thông tin bổ ích nào.
Bao nhiêu thông tin bạn có được khi đọc những từ thứ yếu đó? Câu trả lời là hầu như không gì cả. Vậy mà những từ thứ yếu này lại chiếm phần lớn từ ngữ trong đoạn văn ban đầu. Điều này cho thấy mỗi khi bạn học thuộc bài một cách mù quáng, bạn thật sự đang phung phí một phần lớn thời gian hết sức vô ích. Chưa kể đến việc cố gắng ghi nhớ quá nhiều từ thứ yếu sẽ làm bạn bị sao nhãng khỏi những thông tin quan trọng. Đó là lý do tại sao một số học sinh học rất chăm chỉ nhưng vẫn không đạt kết quả như ý. Trong phần tiếp theo ở chương này, bạn sẽ được học cách đọc hiệu quả để tập hợp những từ khóa cần thiết vào Sơ Đồ Tư Duy.
TẠI SAO CHÚNG TA PHẢI HỌC CÁCH ĐỌC HIỆU QUẢ?
Để nắm bắt thông tin một cách hiệu quả khi đọc sách, chúng ta phải học cách đọc hiệu quả. Phương pháp đọc hiệu quả là kỹ năng đọc sách giúp bạn tăng tốc độ đọc, khả năng tập trung và năng lực lĩnh hội kiến thức khi đọc.
Hầu hết mọi người đều gặp một vấn đề chung là khả năng tập trung và sức tiếp thu thông tin kém trong lúc đọc sách. Bên cạnh đó, một vấn đề khác là chúng ta thường đọc ở tốc độ chậm hơn nhiều so với khả năng đọc thật sự của chúng ta.
Thông qua phương pháp đọc hiệu quả này, bạn sẽ có thể đọc nhanh gấp ba lần tốc độ đọc hiện tại của bạn. Điều này mang lại nhiều lợi thế cho bạn so với bạn bè xung quanh. Bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để thư giãn, hoặc chuyển sang việc ghi chép, làm bài tập, ôn bài.
ĐỌC NHANH HƠN GIÚP TĂNG KHẢ NĂNG TẬP TRUNG VÀ TIẾP THU THÔNG TIN
Nhiều người tránh việc đọc nhanh vì họ nghĩ việc đọc nhanh làm giảm khả năng tập trung cũng như khả năng tiếp thu thông tin của họ. Thực tế hoàn toàn ngược lại, lý do bạn mất tập trung là vì bạn đọc quá chậm. Xin nhớ rằng việc thiếu tập trung là kết quả của việc tâm trí bạn lang thang nghĩ về những chuyện khác. Lý do tại sao bộ não của bạn (đặc biệt là bán cầu não phải đầy sự sáng tạo) làm việc này là vì nó không được tận dụng triệt để, thế là nó trở nên "buồn chán". Nghiên cứu cho thấy đôi mắt và não bộ của chúng ta có khả năng tiếp thu hơn 20.000 từ một phút nhưng hầu hết mọi người chỉ đọc ở tốc độ 200 từ một phút, ít hơn 1% tiềm năng thật sự trong chúng ta. Nếu bạn có một công ty thuê 100 công nhân nhưng vào bất cứ lúc nào cũng chỉ có đủ việc cho một công nhân, chuyện gì sẽ xảy ra? 99 công nhân còn lại sẽ cảm thấy nhàm chán, bắt đầu nói chuyện với nhau, thậm chí làm nhiều việc vô bổ khiến người công nhân đang làm việc cũng bị mất tập trung. Đây là những gì diễn ra trong não bộ của bạn khi nó đọc quá chậm.
Trải qua nhiều buổi nói chuyện chuyên đề và các khóa đào tạo, tôi đã chứng minh được rằng, khi tôi cắt giảm thời gian cho phép các học sinh của tôi đọc một đoạn văn, khả năng tiếp thu kiến thức của họ lại tăng lên rõ rệt. Kết luận này được chứng thực qua các bài kiểm tra sau đó. Tuy nhiên, điều này chỉ chắc chắn xảy ra khi họ áp dụng phương pháp đọc hiệu quả mà họ được học.
Thêm một ví dụ về vấn đề này. Giả sử bạn đang lái xe trên xa lộ với tốc độ 20 km/giờ. Bạn có tập trung cao độ không? Tôi không nghĩ vậy. Tâm trí của bạn có thể đang tha thẩn dạo quanh và cảm thấy cực kỳ nhàm chán. Còn chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn đang lái xe với tốc độ 50-60 km/giờ. Tôi chắc chắn rằng bạn buộc lòng phải ở trong trạng thái tập trung cao độ nhất. Vậy đó, việc đọc sách cũng tương tự như thế.
TIỀM NĂNG CỦA ĐÔI MẮT
Điều gì quyết định tốc độ đọc sách của bạn? Và làm cách nào chúng ta có thể tăng tốc độ đọc? Câu trả lời nằm ở cách mắt chúng ta di chuyển. Khi được hỏi, nhiều người nghĩ rằng mắt của họ di chuyển liên tục từ bên này sang bên kia như máy quét thông tin khi nó phải đọc một trang sách.
Chuyện gì thật sự xảy ra nếu mắt bạn không di chuyển trôi chảy chút nào? Trên thực tế, khi bạn đọc một trang sách, mắt bạn sẽ di chuyển giống như máy đánh chữ vậy, liên tục dừng lại rồi lại di chuyển tiếp, cứ thế lặp đi lặp lại liên tục.
Khi đọc, mắt chúng ta buộc phải dừng lại thì mới thu thập được thông tin. Thời gian mắt dừng lại mỗi lần khoảng từ 1/4 giây đến 1 giây. Mắt dừng lại càng nhiều lần thì thời gian dừng càng lâu và làm chúng ta đọc càng chậm. Bí quyết của phương pháp đọc hiệu quả là làm giảm số lần và thời gian dừng của mắt khi chúng ta đọc sách.
Với những người đọc từng chữ một, mắt của họ phải dừng lại ở mỗi chữ một lần. Giả sử mỗi lần mắt họ dừng khoảng 1/2 giây, điều này có nghĩa trong vòng một phút, họ chỉ có thể đọc được 120 từ. Tốc độ đọc 120 từ/phút là tốc độ dưới trung bình.
Để đọc nhanh hơn, bạn không thể đọc từng từ một được. Bạn phải đọc ít nhất một cụm từ mỗi lần mắt dừng lại. Nếu bạn có thể đọc 2 đến 3 từ một lần, tốc độ đọc của bạn sẽ là 240-360 từ/phút. Đây chỉ mới là tốc độ đọc trung bình.
Chỉ cần chịu khó tập luyện vài lần, bạn sẽ có thể đọc một nhóm 5-7 từ một lúc, mang lại cho bạn tốc độ đọc 600-840 từ/phút. Việc này hoàn toàn không khó như bạn nghĩ. Các học sinh tham dự khóa học Thiếu Niên Siêu Đẳng đều có thể thực hiện việc này sau vài giờ thực hành, kể cả những học sinh từng học rất kém.
KIỂM TRA TỐC ĐỘ ĐỌC CỦA BẠN
Để đo nhanh tốc độ đọc hiện thời của bạn, canh đồng hồ trong 1 phút xem bạn đọc được bao nhiêu từ.
Nếu việc đọc 600-850 từ một phút không quá phức tạp, và nếu chúng ta đều có thể đọc được một cụm từ, tại sao vẫn có quá nhiều người gặp khó khăn trong việc đọc? Tại sao vẫn có quá nhiều người đọc chậm? Lý do là vì...
NHỮNG THÓI QUEN LÀM GIẢM TỐC ĐỘ ĐỌC CỦA BẠN
Để tìm hiểu thêm về thói quen đọc sách của bạn, hãy đọc lại trang vừa qua. Lần này, bạn hãy chú ý đến mắt của bạn, môi của bạn và những gì trong tâm trí bạn lúc bạn đang đọc. Bây giờ, hãy kiểm tra lại xem bạn có bất kỳ thói quen đọc chậm nào sau đây không.
1. ĐỌC BẰNG MÔI
Khi đọc, bạn có để ý thấy môi của bạn mấp máy không? Nếu chúng mấp máy đọc, nghĩa là bạn có thói quen đọc bằng môi. Đây là một thói quen bạn có từ tiểu học khi phải đọc lớn tiếng trong lớp. Đọc bằng môi làm bạn đọc rất chậm vì bạn bị giới hạn vào tốc độ đọc của môi bạn. Bằng cách chủ động không mấp máy môi khi đọc, bạn có thể dần dần bỏ được thói quen này.
2. GIỌNG ĐỌC THẦM
Một số người không mấp máy môi khi đọc nhưng thay vào đó, họ lại có giọng nói thầm đọc từng chữ trong đầu họ. Thói quen này cũng rất tệ, vì tốc độ đọc của bạn bị giới hạn vào tốc độ của giọng nói trong đầu bạn. Vì đây là một thói quen phổ biến nhất, ăn sâu trong nhiều người chúng ta, bạn khó có thể từ bỏ được giọng đọc thầm này. Thay vào đó, bạn phải bắt đầu thực tập việc chỉ đọc thầm những từ khóa chứ không đọc thầm từng chữ một. Ngoài ra, bạn cũng có thể xua đuổi giọng đọc đó ra khỏi đầu bằng việc nghe nhạc không lời có nhịp độ nhanh khi đọc sách.
3. VIỆC ĐỌC LÙI
Một vấn đề phổ biến nữa của người đọc là có khuynh hướng cứ đọc đi đọc lại một số từ. Thói quen này làm mất nhiều thời gian và thường khiến người đó đọc chậm hơn 100 từ một phút. Hơn 90% thói quen đọc lùi này là do họ sợ tiếp thu thông tin chậm, sợ bỏ lỡ thông tin và thiếu tự tin khi đọc sách. Thói quen này có thể khắc phục bằng việc tập cách đọc nhanh và tin tưởng vào khả năng đọc sách của bạn. Một lý do nữa của thói quen này là người đọc có thể không biết nhiều từ vựng hoặc kém về ngôn ngữ. Vấn đề này phải được giải quyết một cách riêng biệt.
4. ĐỌC TỪNG CHỮ MỘT
Như đã đề cập, việc đọc từng chữ một chỉ cho phép bạn đọc ở tốc độ 120 từ/phút. Nhiều người nghĩ rằng đây là phương pháp đọc sách hợp lý vì tất cả chúng ta đều bắt đầu tập đọc bằng việc đọc lớn thành tiếng từng từ một. Nhưng thật ra, đó chỉ là phương pháp đọc sách... vỡ lòng.
Phương pháp đọc sách hiệu quả phải giúp bạn đọc nhanh mà vẫn nắm bắt toàn bộ thông tin chứ không chỉ đơn thuần là đọc từng chữ. Việc đọc từng cụm từ thay vì từng chữ và chú trọng vào những từ khóa chính là cách đọc hoàn hảo nhất.
5. TẦM MẮT HẸP
Tầm mắt là số từ mà mắt bạn có thể nhìn thấy trong mỗi lần nhìn hoặc dừng lại. Đa số mọi người có tầm mắt rộng khoảng 3-4 từ một cách tự nhiên không cần rèn luyện. Nếu bạn có thói quen đọc sách thường xuyên, bạn nên có tầm mắt rộng khoảng 6-7 từ. Tầm mắt của bạn càng rộng, bạn càng có thể đọc nhiều từ trước mỗi lần mắt dừng lại. Để đạt tới tốc độ đọc khoảng 600-850 từ/phút, bạn phải tập luyện để có tầm mắt rộng khoảng 6-7 từ. Chúng ta sẽ cùng thảo luận về cách tập luyện này ở phần tới.
Bạn có thể kiểm tra tầm mắt hiện tại của bạn bằng việc lấy một mảnh giấy đặt lên trên một câu văn hoàn chỉnh để che lại phần nội dung câu văn. Tập trung nhìn vào câu văn đang bị che lại. Sau đó, bạn rút tờ giấy ra thật nhanh trong vòng một giây rồi lại để vào che lại câu văn đó. Bạn kịp thấy được bao nhiêu từ trong câu văn đó? Số từ bạn nhìn thấy chính là ước đoán tầm mắt của bạn.
PHƯƠNG PHÁP ĐỌC HIỆU QUẢ GIÚP TĂNG TỐC ĐỘ ĐỌC VÀ KHẢ NĂNG TIẾP THU THÔNG TIN
Bây giờ thì bạn đã hiểu các yếu tố quyết định tốc độ đọc và sức tập trung của bạn. Bạn cũng đã tìm hiểu thêm về các thói quen xấu khi đọc sách. Sau đây là một vài kỹ năng đọc sách hiệu quả mà bạn có thể áp dụng ngay từ bây giờ.
1. SỬ DỤNG MỘT CÂY BÚT CHÌ LÀM VẬT DẪN ĐƯỜNG
Khi không có vật gì đi trước dẫn đường, mắt bạn có khuynh hướng nhảy nhót khắp trang giấy làm chậm việc đọc sách của bạn. Do đó, bất cứ khi nào bạn đọc sách, hãy dùng một cây bút chì làm vật dẫn mắt bạn qua từng câu văn. Việc này giúp bạn tập trung hơn vào việc đọc. Một lý do khác của việc dùng bút chì là để điều khiển tốc độ đọc của mắt bạn. Điều này tương tự như việc bạn cần một người khác chỉ đạo tốc độ trong môn đua thuyền truyền thống vậy. Dịch chuyển bút chì nhanh hơn tốc độ đọc bình thường của bạn một chút giúp rèn luyện mắt bạn đuổi theo bút và quen dần với tốc độ đọc nhanh hơn.
2. TÌM KIẾM NHỮNG Ý CHÍNH VÀ ĐÁNH DẤU CÁC TỪ KHÓA
Khi đọc sách, bạn cần lướt qua những từ không chính yếu và đánh dấu những từ khóa quan trọng. Cùng lúc đó, tìm kiếm các ý chính trong mỗi đoạn văn. Thông thường mỗi đoạn văn đều có một ý chính duy nhất được hỗ trợ bởi nhiều ý phụ. Hiểu được điều này sẽ giúp ích cho tiến trình nắm bắt thông tin của bạn.
3. MỞ RỘNG TẦM MẮT ĐỂ ĐỌC ĐƯỢC MỘT CỤM 5-7 TỪ MỘT LÚC
Thực hành các bài tập từ A đến E ở cuối chương sẽ dần dần giúp bạn mở rộng tầm mắt khi đọc sách. Đồng thời, cố gắng chủ động đọc một nhóm 5-7 từ một lúc khi bạn làm bài tập thực hành.
4. TẬP NGHE NHẠC NHỊP ĐỘ NHANH TRONG LÚC ĐỌC
Khi đọc sách, bạn có thể nghe nhạc không lời có nhịp độ nhanh để rèn luyện cho não và mắt bạn đọc nhanh hơn. Bạn cũng nên nghe nhạc bằng tai nghe (headphone) nếu bạn đọc sách ở những nơi cần giữ yên tĩnh cho người xung quanh như trong thư viện chẳng hạn. Chúng ta có khuynh hướng đọc sách nhanh để bắt kịp tốc độ nhạc đang nghe. Sau vài lần tập luyện, bạn sẽ phát hiện rằng bạn đọc nhanh hơn mà không cần bật nhạc.
Sự yên lặng không làm tăng sự tập trung của bạn, mà chỉ khiến não bạn đi thơ thẩn ở những nơi khác. Một lý do khác của việc đọc sách trong tiếng nhạc nhanh dồn dập là nhằm mục đích lấp đi các tiếng động làm xao nhãng khác (như tiếng người nói chuyện, tiếng tivi vọng vào từ phòng khách,...), và dập tắt giọng đọc thầm bên trong đang kìm hãm tốc độ đọc của bạn.
5. ĐỌC PHẦN TÓM TẮT CUỐI CHƯƠNG TRƯỚC
Một kỹ năng đọc sách khác mà đa số học sinh đều không nhận ra, đó là bao giờ cũng nên đọc phần tóm tắt cuối chương trước khi quay lại đọc từ đầu chương. Tại sao? Bởi vì ở cuối chương lúc nào cũng có vài đoạn văn tóm lại ý chính, hoặc trong nhiều trường hợp là có cả các câu hỏi kiểm tra về chương đó. Khi bạn đọc phần cuối chương trước, bạn sẽ có một khái niệm chung về nội dung chính của chương. Đồng thời, não của bạn cũng biết được những thông tin cần thiết nào mà bạn cần tìm hiểu trong chương sách. Và bạn sẽ đọc sách một cách hết sức hiệu quả để nắm bắt những thông tin ấy.
Hơn nữa, bạn nên luôn luôn đọc lướt qua những đề mục chính và phụ trong chương sách trước khi bắt đầu đọc từng chữ chi tiết. Việc đọc lướt này sẽ giúp bạn chuẩn bị tâm trí và đọc hiệu quả hơn.
6. LIÊN TỤC THÚC ĐẨY VÀ THỬ THÁCH KHẢ NĂNG CỦA BẠN
Bạn đã từng thấy các vận động viên chạy đua tập luyện như thế nào chưa? Họ buộc các vật nặng vào chân trong lúc chạy. Đây là cách rèn luyện cơ bắp thêm mạnh mẽ, nhưng nó tạo ra cảm giác cực kỳ nặng nề khó chịu khi luyện tập. Tuy nhiên, khi họ tháo bỏ những vật nặng đó ra, họ bỗng cảm thấy nhẹ nhàng bay bổng và có thể chạy rất nhanh.
Bạn có thể dùng một kỹ thuật tương tự để rèn luyện việc đọc hiệu quả. Khi bạn tập đọc hiệu quả, di chuyển bút chì nhanh để thúc đẩy mắt bạn phải đọc ở một tốc độ mà bạn cảm thấy khó chịu. Ví dụ, nếu bạn chỉ đang đọc được 100 từ/phút, bạn phải ép mình đọc được 300-400 từ/phút. Nếu bạn cảm thấy không nắm kịp thông tin hoặc không thoải mái, không sao cả. Mục đích của việc này là làm bạn quá tải và làm căng hệ thống thần kinh của bạn. Sau nhiều lần thử thách như thế, năng lực não bộ của bạn sẽ được nâng cao rõ rệt. Xin nhắc lại rằng bạn phải thực tập việc này thật nhiều lần để đạt kết quả tốt nhất.
Bây giờ, bạn đã được học phương pháp đọc hiệu quả để nắm bắt thông tin. Bước tiếp theo, bạn sẽ được học phương pháp tận dụng sức mạnh toàn não bộ để thành thạo trong việc vẽ Sơ Đồ Tư Duy sau khi thu thập được các ý chính và từ khóa quan trọng trong sách.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top