#4.
Tôi cố tình chọn một bộ áo dài màu xanh biển, trên có thêu hình những cánh buồm nhỏ ở phía xa nằm rải rác ở phần tà áo. Đây không phải là bộ mới, nhưng rất ít khi tôi mặc nó, tôi sợ người khác sẽ suy nghĩ không hay. Vậy nên, đến phút chót, tôi lại chuyển thành bộ áo dài trơn màu xanh ngọc, vừa nhẹ nhàng, vừa thướt tha, lại không gây chú ý.
Tôi chú ý đầu tóc của mình để chắc chắn rằng chúng không bị rối, giày hôm nay mang cũng là loại đế thuyền êm nhẹ, không gây tiếng động, không bất tiện khi di chuyển. Và đặc biệt, tôi đi làm sớm hơn thường ngày nữa. Trên con đường đến trường, tôi lại thấy lòng mình thoáng đãng, vui vẻ lạ thường.
Biển bao la, xanh mượt mà, chẳng biết tít xa phía ngoài khơi kia sẽ có gì thú vị, sẽ có điều gì có thể giữ chân người lính biển như trong "Chút thơ tình người lính biển" – "Đất nước gian nan chưa bao giờ bình yên/Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng/Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng/Biển một bên và em một bên..."
Là biển hay em?
Học sinh toàn trường có vẻ như đều đã biết hôm nay có cuộc nói chuyện với chiến sĩ Hải quân nên đã gấp rút chuẩn bị chỉn chu từ sớm. Tôi khá bất ngờ, có lẽ là biển, là tình yêu biển.
Tôi ngó xung quanh cũng không thấy bóng dáng bộ quân trang Hải quân nào, chắc họ chưa đến. Tôi bất chợt giật nảy khi chị Trúc từ phía sau vỗ vào vai tôi một cái:
- "Răng mà như người mất hồn rứa cô?"
Tôi xoay người lại, mặt chị Trúc liền dãn ra:
- "Chu choa, hôm ni ăn mặc đẹp quá, định tán quân nhân hả cô?"
Tôi thẹn, vội phản bác:
- "Có mô. Mà người ta chưa tới hả chị?"
- "Chị biết mô! Rứa mà tán được quân nhân thì tốt, cô rứa không phải thích quân nhân hử?"
Tôi chỉ cười chứ không trả lời lại chị nữa. Mà coi bộ hôm nay chị Trúc tươi hẳn ra, không như hôm qua, tôi hy vọng là chuyện nhà chị đã giải quyết xong và Tùng cũng đã vui vẻ trở lại.
Giáo viên chúng tôi đều ngồi thành hàng ở cuối dãy học sinh, vừa xong nghi thức chào cờ là tới ngay phần giao lưu. Tôi như đứa trẻ mong quà, lòng nôn nao, háo hức. Nhưng tất cả đều như đám lửa vừa bùng cháy đã bị phun nước dập tắt ngay tức khắc. Ông "chú của Quỳnh" trong bộ quân phục Hải quân màu trắng, đầu đội mũ kepi đang đi đến giữa trung tâm sân trường để trực tiếp giao lưu với học sinh.
Vẻ mặt nghiêm nghị, ánh mắt nhìn thẳng, dáng đi mạnh mẽ, nghiêm chỉnh, động tác chào rất dứt khoát, tôi có thể nói là bị hút ngay từ những giây đầu tiên. Thế nhưng không thể ngờ, "ông chú" có cá tính dở dở ương ương hôm nọ lại là một quân nhân Hải quân. Còn nữa, đây không phải là quân nhân bình thường, là cấp bậc Trung tá.
Anh ta tự mình giới thiệu, giọng nói sau khi thực hiện hết các nghi thức cần có nghe mềm hơn, dễ chịu hơn rất nhiều. Tôi nói rồi, giọng anh ta là giọng nam trung, không quá nặng nề cũng không quá ẻo lả, cương nhu vừa đủ, rất hợp lý. Ba mươi tuổi, là Trung tá Đặc công Hải quân, công tác tại Quần đảo Trường Sa, hiện đang trong thời gian nghỉ phép.
Quần đảo Trường Sa được xem là điểm nóng chính trị quân sự, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Việt Nam, chiến sĩ Hải quân cơ bản theo tôi thấy thì vất vả hơn nhiều. Chưa kể những tháng mưa bão, hành quân trên biển cũng có thể coi như là đánh cược cả tính mạng. Làm tới Trung tá, lại thường trực trên biển, tôi thực sự xem trọng "ông chú" này.
Giọng nói rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, khả năng giao lưu rất tốt. Nói chuyện với học sinh, không có giọng điệu bậc hàm, thân thiện, dí dỏm, rất có tố chất. Từng nhiệm vụ ở khu vực công tác cùng với quang cảnh Trường Sa hiện ra rõ ràng qua lời kể hết sức cụ thể của Trung tá Võ Trường Sa.
"Chú của Quỳnh" trong bộ quân phục rất khác so với khi mặc thường phục. Tôi yêu quân nhân, đương nhiên lúc này mọi thành kiến đều lập tức không còn.
Nhưng chuyện không dừng lại ở đó.
Sau một lúc lâu vừa xem vừa xét, tôi phát hiện hướng mắt anh ta đang đâm thẳng vào tôi. Tôi không sợ, nhưng có chút không thoải mái và còn có một chút bất an nữa. Tôi chột dạ, len lén đứng lên khỏi ghế, nín thở lê bước đi đến bất cứ chỗ nào có thể, đầu một chút cũng không dám động đậy chuyển hướng.
- "Xin mời đồng chí vừa đứng dậy lên trên này giúp tôi một chút."
Tim tôi như vừa mới rớt xuống mũi chân vậy. Giống như có một bàn tay phủ đá lên người tôi, cứng đờ. Tôi là người duy nhất giữa hơn hai nghìn học sinh và giáo viên đang đứng.
- "Nào, xin mời cô giáo."
- "Ngà ơi, gọi em kìa!"
Trong khoảnh khắc, tôi xem như chị Trúc là đồng lõa với "ông chú của Quỳnh". Tôi cắn chặt răng, nhắm thẳng vị trí Trung tá đang đứng mà tiến đến, mắt hận một nỗi không thể thiêu cháy anh ta. Anh ta vẫn rất ung dung, ngoại trừ không nở nụ cười ra thì mọi cử chỉ đều khoan khoái, nhẹ nhàng. Trước khi đưa cho tôi một xấp hình giấy khổ A0, anh ta đã nói:
- "Cảm ơn cô giáo đã đồng ý giúp đỡ."
Tôi đồng ý lúc nào chứ? Là anh ta tự biên tự diễn cơ mà?
Tôi đương nhiên không thể nói lý lẽ với anh ta ngay lúc này, ngay tại chỗ này được. Nhưng có loại người sau khi tự mình làm đạo diễn kiêm vai chính rồi còn diễn luôn vai "sở khanh" (theo ý tôi) như thế này. Anh ta bước đến gần, nói giọng vừa đủ cho tôi nghe như những lần trước đã từng:
- "Tôi đang hỏi: "Có ai tình nguyện cùng tôi thuyết trình cho các em học sinh ở đây biết thêm về Quần đảo Trường Sa hay không?", vừa hay cô giáo đứng lên ngay sau đó. Tôi thật là vui mừng hết sức."
Đây là loại lý lẽ gì, và tâm hồn tôi đang ở đâu sao còn chưa về? Chưa nói, trên đời còn có quân nhân không đứng đắn đến như vậy sao? Thật là mất mặt quân nhân quá!
Tôi đang trong thế bị động, không thể tiến cũng không thể lui, mọi thứ chỉ có thể cắn răng mà chịu đựng. Trường Sa ơi là Trường Sa, bất kể là người hay là Quần đảo đều khiến tôi phải khốn đốn thế này, thật là...hết bệnh rồi cũng không thể nói nổi.
Tôi mỉm cười với anh ta nhưng anh ta chỉ hơi nhếch khóe môi lên một tí tẹo thôi à, mà dù anh ta có cười đến không thấy mặt trời đi nữa thì tâm tư tôi cũng đã cạn kiệt để có thể thưởng thức.
Về Trường Sa, tôi biết. Mười tám năm sống tại Khánh Hòa, không biết gì về Trường Sa là bôi nhọ danh dự dòng tộc, mà biết quá nhiều chẳng phải tôi đang cầm đèn chạy trước ô tô sao? Tôi hỏi anh ta:
- "Bây giờ anh nói trước hay tôi nói trước?"
Anh ta thản nhiên nói với tôi:
- "Cô giáo chỉ việc giúp tôi đưa ảnh minh họa, việc thuyết trình có thể để tôi."
Được, coi như là một cách giải quyết thỏa đáng.
Tôi không biết bài thuyết trình của anh ta có dài đến hàng chục trang và lên đến mấy chục ngàn chữ hay không, nhưng xấp hình mà anh ta giao cho tôi, độ lớn chưa bàn đến nhưng cân nặng chắc cũng tầm tương đương với số bài kiểm tra mà tôi chấm trong năm năm qua cộng lại.
Tôi nhìn anh ta trong vô vọng, có liếc hái căm hờn gì đó đều không thể biểu hiện ra cho anh ta thấy. Bài thuyết trình đã bắt đầu rồi, tôi không biết liệu có ai thương xót cho hoàn cảnh của tôi lúc này hay không, nhưng là một giáo viên, tôi cần giữ bình tĩnh và một thái độ chuyên nghiệp.
Tôi cố gắng không để tâm đến vị Trung tá đó nữa mà dồn hết sự tập trung của mình vào bài thuyết trình của anh ta, để đưa ra những hình ảnh chính xác nhất, thiết thực nhất, giúp học sinh có cái nhìn đúng nhất về Trường Sa và hoạt động của con người trên đó.
Thật ra, việc tôi đứng trên đây, làm công việc này không phải là không tốt. Nhìn xem, tôi chính là người được tiếp cận gần nhất với hình thật, người thật để biết rõ thêm về những điều tôi chưa biết. Rõ ràng cũng không phải là thiệt thòi cho tôi.
Trong quá trình thuyết trình, Trung tá Sa rất nhiệt tình giao lưu với giáo viên và học sinh, đương nhiên tôi không phải là ngoại lệ. Càng về sau thì tinh thần của tôi càng hăng hái, tôi có thể tự hào rằng mình làm rất tốt, không để cảm quan riêng ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền chung. Buổi giao lưu diễn ra hết sức tốt đẹp và sôi nổi. Cả hai chúng tôi đều nhận được những tràng pháo tay nhiệt tình cùng những lời khen có cánh. Đáng chú ý nhất là câu: "Xứng đôi vừa lứa".
Tôi hy vọng sẽ không gặp người nào đã nói ra câu đó, nếu không cơn giận của tôi sẽ trào ra như trận đại hồng thủy, một tuần sau cũng không thể dừng lại.
Cánh tay của tôi sau đó giống như bị một lực rất lớn tác dụng vào, rã rời hết cả, đến viết bảng cũng trở nên run run. Người không giận chỉ có thể là vị thần thánh rất đại từ đại bi!
Được rồi, có oán có than thì sự việc cũng đã xảy ra rồi. Tôi coi như thử một lần làm vị thần thánh đại từ đại bi vậy. Chỉ mong sau này đừng có gặp lại người này nữa. Anh ta chỉ cần làm tốt vai trò quân nhân của anh ta, tôi hứa mọi thành kiến trước đây đều không liên quan.
Giờ sinh hoạt chủ nhiệm, tôi một câu cũng không động tới Quỳnh, mặc dù con bé là lớp trưởng. Đây có thể gọi là "giận cá chém thớt", ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng. Tôi thừa nhận, lúc này tôi không công tư phân minh, nhưng để cơn phẫn nộ của tôi không bùng phát thì có lẽ đây là giải pháp tốt nhất.
Dường như Quỳnh nhận ra được khác biệt trong tôi, nó cất tiếng hỏi nhưng thà là nó đừng nói gì cả.
- "Cô ơi, chú của em làm tốt chứ ạ?"
Cả lớp đều "Ồ" lên:
- "Là chú của lớp trưởng sao? Thật hạnh phúc!"
- "Cậu có chú là Trung tá Hải quân à? Chẳng bao giờ nghe cậu nhắc đến."
- "Này, chú ấy đã có gia đình chưa thế?"
Quỳnh đối với câu này trả lời rất nhiệt tình:
- "Chưa nhé, là quân nhân còn độc thân đấy!"
- "Cả lớp im lặng!"
Tôi bực mình nói lớn, nhưng rồi tôi phát hiện ra sau đó tôi mới là người im lặng, còn cả lớp sau khi tôi đã im lặng vẫn cứ nhao nhao bàn về một vấn đề: "Chú của Quỳnh".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top