Chưa đặt tiêu đề 1
Đây không phải lần đầu tôi đi chơi qua đêm với lớp. Chúng tôi học cùng nhau, ăn cùng nhau đến giờ chắc phải nửa năm rồi. Mới đã thành quen. Song không phải tất cả. Vì còn Mai Châu - tôi lên núi.
Ngày mới bắt đầu với tiếng mẹ gọi. Tôi phải dậy sớm vì sáu rưỡi là đi rồi. Lần này, mẹ tôi đi cùng. Tôi và bà chuẩn bị va li từ tối qua, sáng dậy chỉ cần cho bàn chải và khăn mặt vào là xong. Thú thật, tôi không buồn ngủ cho lắm. Tôi cũng không hồi hộp. Chuyến này chỉ để viết thơ, rằng tôi muốn cảm nhận non sông Việt Nam nên mới đi. Mặc lên chiếc áo lớp, đeo cái túi sách xinh xinh, tôi sẵn sàng.
Bố đặt taxi cho hai mẹ con. Ngồi trên ô tô, tôi hướng mắt ra ngoài. Thơ, tất cả đều vì thơ. Tôi muốn tận hưởng từng phút giây, kể cả lúc trời tối mịt. Màn xanh kia nhạt dần, đèn đường đã thắp sáng cho nó. Vài người chở hàng lên chợ bán. Vài câu thơ trong tôi hình thành: "Màn trời nâng lên một màu trắng...".
Khung cảnh thân quen hiện ra. Hôm nay tôi đến trường. Nhưng không phải để học, mà để đi trải nghiệm. Bố tôi - một người nhiệt tình trong công việc - xách va li xuống. Mẹ tôi gặp Cường và bà chào nó. Cường là cái tên tôi tránh suốt mấy ngày qua. Tuy vậy, chuyện về nó tôi kể sau. Bố bảo tôi tìm xem lớp ở đâu. Tôi đi trước, vào sân khi trời đã mưa lâm râm. Có biết bao lớp đang xếp hàng. Các anh chị hướng dẫn viên mặc áo cam, cầm biển số xe. Tìm mãi, tìm mãi, lớp tôi như tan trong mưa. Nào là 10D3, 11A1 rồi 11A2,... Hoá ra lớp 10A2 nghịch ngợm ấy đứng cuối hàng. Việc đầu tiên tôi làm là xem mấy đứa con gái đâu. Bốn đứa con gái, vâng, chỉ bốn đứa. Tôi cũng muốn chúng nó đi đông hơn, bởi tôi sẽ chết ngột giữa đám con trai mất. Con gái có Nhi, Trang, Ngân và tôi. Mẹ dặn tôi trông va li. Và khi hiệu lệnh cất lên cũng là lúc tôi phải đưa "cái cục tạ" ấy lên cốp. Không may, tờ giấy ghi "Thảo" bong ra. Tôi vội vơ lấy rồi tự nhủ: "Không nhầm được, chắc chắn không nhầm được" mặc cho có cái giống với của tôi. Tôi nhận ra từ đợt quân sự.
Lên xe, tôi đói meo. Tờ mờ sáng thì kịp nuốt gì chứ. Các bác phụ huynh mang xôi chả cho lớp. Ban đầu, vì không ai ăn nên tôi chẳng dám ho he. Nhưng cuối cùng tôi mạnh dạn nhận lấy một gói. Xôi trắng dẻo mềm, hạt nào hạt nấy xoa dịu cái bụng trống rỗng. Miếng chả vuông đậm đà, vuốt ve chiếc lưỡi đang nhạt vị. Tôi ngồi một mình. Cũng chẳng sao vì còn tuyệt cảnh ngoài kia. Mưa rơi. Và mưa cứ rơi. Xe tôi khởi hành cuối. Nguyên nhân do có người đi muộn. Trong đó có thằng tôi từng thích thầm. Thật hối hận khi cảm nắng An. Tôi chụp lén An rồi gửi cho Phương. Tôi thân với Phương từ lúc lên cấp ba. Hai đứa không chung lớp, ấy vậy bọn tôi vẫn nhắn cho nhau thường xuyên.
Xe số mười lăn bánh. Vị trí vẫn vậy, chỉ khác cái túi bên cạnh được thay bằng một bác phụ huynh. Sau này tôi mới biết đó là mẹ Bảo. Mẹ tôi ngồi trên. Đôi mắt hướng nhìn những giọt nước lăn dài trên kính, vẻ ẩm ướt của bầu trời mưa. Cảnh vật xám lại, kể cả thứ ánh sáng lung linh nhất vẫn không thể thắp sáng không gian ấy. Xe giờ im ru. Đối với học sinh chúng tôi mà nói, dậy sớm là cực khổ. Mắt đứa nào đứa nấy nhắm tịt lại, hai hàng mi dính chặt với nhau. Một số thì nghe nhạc, hoặc làm gì đó tôi không biết. Mẹ Bảo lướt điện thoại. Tất nhiên, tôi không ngủ được. Tôi lại ngâm nga những dòng thơ. "Hạt mưa lặng lẽ khẽ chào Hà Nội...ôi... Vần "ôi"...Là từ gì nhỉ?" - Tôi nghĩ. Rồi tôi tìm ra từ "mối". Phải, chủ nhật tình ta tròn một mối. Khi xe đã ra ngoại thành, tôi tạm dừng làm thơ và nghe nhạc.
Xe dừng. Cả lớp xuống ăn sáng. Tôi và một vài đứa ngồi trên xe. Dần dần, xe ngày càng nhộn nhịp. Tiếng cười nói, trêu đùa ríu rít. Chị hướng dẫn viên nêu lịch trình chuyến đi, nói qua về các dân tộc, rủ mấy đứa chúng tôi hát karaoke. Đôi lúc, tôi còn tưởng bác phụ huynh háo hức hơn con mình. Vì phải vậy mới có một cái loa để hát. Chúng nó chủ yếu hát bài thất tình cho An. Nó thích một đứa con gái trong lớp nhưng chưa tán, nói đúng hơn, không bao giờ tán được. Bất chợt, tôi nhận ra mình đã quên thứ quan trọng. Tôi quên chiếc áo sơ mi. Tối nay là đêm gala nên tôi muốn khoác lên bộ cánh tâm đắc nhất, và rằng sẽ thật tệ khi thiếu áo sơ mi. Tôi còn quên nơ nữa, nhưng không tệ bằng áo. Đáng lẽ mọi thứ đã đẹp nếu mẹ không giục tôi nhớ hai bộ quần áo. Cứ chuẩn bị đi đâu đó là mẹ tôi lại than vãn. Trong khi đó lần quân sự đâu có tệ như thế này. Bây giờ quan trọng là cách xử lí. Tôi tự nhủ thay bằng áo lớp cũng không sao. Điều đó vẫn thật kinh khủng. Như vậy có quá nhiều màu đen. Thế là tôi hỏi mẹ có áo trắng không. Trời ạ! Mẹ cũng không có. Mẹ Giang ngồi cạnh bảo:
- Chỗ mình ở gần chợ nên đầy.
Tôi bình tĩnh hơn phần nào. Nếu không, đành cố bằng áo lớp.
Thiên nhiên thoáng rộng hơn. Xa kia là núi, còn đây là ruộng. Núi nhấp nhô chìm trong biển sương, chia hai khoảng trời. Lúa non xanh tươi, đều tăm tắp. Nhìn chung quanh là màu xanh. Xanh tưới mát tâm hồn tôi, xanh dịu nhẹ, xanh êm đềm, xanh đằm thắm. Về với cây cỏ là về với cội nguồn. Một bức tranh không tĩnh mà động, thật tuyệt vời khi tôi là một phần trong nó. Cội nguồn.
Xe chúng tôi qua đèo Thung Khe. Bức tranh ấy nhỏ lại, nhường chỗ cho bức tranh kỉ niệm. Tôi đến Mai Châu.
Chúng tôi mang hành lí lên xe điện. Tất cả đến nhà sàn. Trong đầu tôi giờ chỉ có áo sơ mi. Ngay khi về nhà sàn,tôi hỏi mấy đứa bạn có áo sơ mi không. Nhưng chẳng gì thay đổi, tôi và mẹ đi mua áo. Đi qua vài cửa hàng, tôi chỉ thấy toàn đồ thổ cẩm. Mẹ trách tôi không chuẩn bị đồ kĩ. Trong khi chính bà làm tôi phân tâm. Hai người ra thị trấn. Tôi cuối cùng cũng có chiếc áo sơ mi.
Đã đến giờ ăn, bọn tôi ngồi vào bàn. Đặt lên mâm xanh là thịt, rau, trứng. Đĩa sứ xếp hình cánh hoa, mỗi cánh một tinh túy của trời. Đó là bữa trưa đậm chất Việt Nam, thơm hương thiên nhiên tươi mát. Nhi bắt đầu xới cơm cho mọi người. Còn Việt thì lấy nước. Chúng tôi coi nhau như một gia đình, hoặc chơi trò "đóng giả gia đình". Việt là bố, Nhi và Ngân là con. Còn mẹ và những đứa con khác một là không đi, hai là ngồi bàn còn lại. Nhi thật hoạt bát:
- Bố đưa bát tao xới cơm.
Thế là Duy bảo:
- Con gì mà xưng "tao".
Bữa cơm rộn ràng tiếng nói.
Ăn xong, va li được xách lên gác. Còn riêng tôi được Nhi mang hộ. Cầu thang khá dốc nên chúng tôi phải cẩn thận. Nhà sàn bằng gỗ kiên cố với chiếc cửa ra vào lớn, những ô cửa sổ chữ nhật khép lại. Bên trong khá tối, chỉ hai trên ba chiếc đèn tuýp bật sáng. Như tôi đoán trước, một nhà sàn được phân làm ba khu. Bốn đứa con gái cùng hai chị nằm góc trong bên phải. Ban phụ huynh ở giữa, còn lại của bọn con trai. Ôi! Không gian vừa tối vừa trật. Điều hoà trên đầu chẳng mát là bao. Nghĩ lại, nơi đây cũng tạm được. Vì điều này mà tám đứa kia không đi. Tôi thì chấp nhận từ lúc có thông báo.
Chúng nó đứa chơi bài, đứa thì nằm lướt điện thoại. Tôi chán. Điện thoại đang sạc còn tôi cứ ngóng xem mọi người làm gì. Đoán xem, tôi quyết định ngồi nhìn nhóm Nhi chơi bài.
Tôi phải nói rằng các bác phụ huynh quá đỗi tuyệt vời. Mẹ Giang đã tìm cho bọn con gái chỗ trú chân mới. Đó cũng là nhà sàn nhưng sang trọng hơn nhiều. Phòng ốc thoáng mát. Giường nệm êm, phòng tắm sạch. Chúng tôi để đồ đạc ngoài ban công, ấy rồi cũng đều dọn vào trong. Loanh quanh luẩn quẩn một hồi, bọn tôi ngủ trưa. Ban đầu, bốn đứa đặt báo thức, nghĩ xem chuông ai kêu lạ nhất. Đèn tắt, tuy đặt lưng xuống nhưng tiếng nói cười không ngừng. Mãi chúng tôi mới ngủ. Vài phút sau, chuông đã kêu. Theo tôi, tiếng chuông báo cháy Nhi đặt là hay và độc nhất.
Trời nóng như mùa hè. Nắng lởn vởn nơi miền núi. Nắng vàng ươm trên mái nhà, ánh lên qua tán lá. Đồng hồ điểm ba giờ chiều. Dù đoàn lùi lịch, nắng vẫn làm mọi vật như bốc hơi. Cả bọn ngồi ghế sau xe điện. Lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng một đoạn phim đời thực quay ngược.
Tiếng loa to kinh khủng. Xe dừng ở bãi trống. Phía trên sân khấu treo biển "TEAM BUILDING/Khát Vọng Trẻ". Các lớp xếp hàng lên chụp ảnh. Nhạc bật sẵn từ lâu. Một người nào đó cầm mic nó: "Một, hai, ba!" theo nhịp điệu. Buồn thay, lớp tôi mất cái loa. Theo lời kể lại, cái loa bị để quên trên xe, không một ai trông và không một ai nhớ đến nó. Đến tận đầu chiều, các mẹ mới tá hoả về loa. Các bác ngồi ở bậc thềm giữa trời nóng cháy da cháy thịt, lần lại từng dấu vết. Từ hỏi người dân đến xem đoạn video, tất cả mới biết một người đã trộm chiếc loa. Sau một hồi chở xe này xe kia, nó cũng về tay chính chủ.
Lớp tôi xếp thành hàng. Tôi đứng đầu tiên, may không phải đội trưởng. Bởi ngay sau đó, khi bắt đầu hoạt động, chức danh ấy phải làm nhiều việc. Nói chung có chục đứa chơi. Trông cũng vui phết. Tôi muốn thử nhưng thôi, đứng xem một lúc rồi cùng Nhi và Ngân ra ghế ngồi. Tùy từng vòng mà độ dễ thay đổi, chúng nó lúc nhanh lúc chậm. Tất thảy sẽ có người về trước mặc cho quy định.
Trò chơi kết thúc. Nhóm tôi chờ mấy thằng con trai về trước. Phải khó khăn lắm Nhi mới sắp xếp rồi giục chúng nó lên thành công. Lớp đông con trai là vậy đấy, toàn những đứa trẻ không chịu lớn, vô lo vô nghĩ còn hay vạ miệng. Khi bọn kia đi, Nhi dặn Ngân đưa năm mươi nghìn về cho mẹ Giang, bảo đặt xe điện còn thừa. Còn nó thì đi tập cho tối gala. Tuy vậy, Ngân lại nhờ tôi. Vì hết xe nên học sinh chúng tôi đi bộ về.
Tôi thích yên tĩnh, rằng sự xô bồ thường ngày quá mệt mỏi. Mỗi bước đi như gần hơn với thiên nhiên. Tôi bước, bước và bước. Hai bên là cánh đồng lúa trải rộng bát ngát. Lúa còn xanh non. Và mùa lúa đến, mẹ lớn sẽ cho ta màu vàng của hạnh phúc. Lúc ấy, chiếc khăn lụa của niềm hân hoan chắc chắn sẽ dài hơn. Cây trổ bông, cho gạo, cho bát cơm ấm nóng thơm bùi. Với tôi, bình yên đơn giản là vậy. Nắng kia quyến luyến bầu trời và hoa lá. Cảnh ngập sắc xuân. Tôi và đồng bọn dạo bước. Bỗng nhiên, chúng tôi gặp xe điện ngang qua. Số tiền trong tay đủ để đặt một chuyến. Ngân muốn đặt xe từ lúc còn ở sân trống, lần này ý định ấy vẫn chưa dứt. Khi nãy vì thấy bọn nó quyết định đi bộ nên tôi thôi, còn lần này do gần đến nơi rồi. Hơn nữa, tôi muốn vận động chút. Thế rồi cả bọn đi tiếp. Qua cầu, tôi gặp ngôi nhà bao phủ bởi hoa giấy. Hoa hồng thắm, nở rộ giữa tháng ngày tươi đẹp. Hàng trăm bông cạnh nhau, tạo chiếc vòm cho ngôi nhà. Cành mọc dài xuống mặt đất, lá vươn mình chào đón khách. Mẹ bỗng gọi từ xa, hỏi tôi đang đi đâu. Tôi trả lời mẹ, rồi bà dặn tôi số việc. Tôi chạy về phía đứa bạn. Chúng nó đứng lại vì không thấy tôi. Tôi vội xin lỗi, đáng lẽ tôi nên bảo một câu.
Lên phòng, Trang tắm trước vì nó tham gia buổi diễn thời trang tối nay. Bạn tôi sẽ mặc bộ váy từ túi nilon và ruy băng. Cô Lan phân những đứa không tham gia làm trang phục. Tôi thấy chúng nó vất vả như thế nào, dán mảnh nilon rồi thắt nơ. Hễ có thời gian rảnh là vào việc. Trang cao, dáng cân đối nên được chọn làm người mẫu. Ngược với vẻ đẹp của Trang, bộ váy không xứng chút nào. Phần chân váy cắt không khéo, áo thì thiếu thẩm mĩ. Phần áo lẽ ra nên cắt hình hẳn hoi. Nó tệ đến nỗi đứa nào cũng phải trêu nhau. Thật ra, tôi muốn làm. Ước mơ của bản thân mà lại! Tôi có vô vàn kiểu mẫu. Cuối cùng vẫn thôi, lí do là tôi không chắc có đủ thời gian thực hiện. Quan trọng hơn cả, nhóm tôi đã cố hết mình. Trong lúc chờ bạn tắm xong, tôi ngồi ngâm thơ: "Núi đá đồ sộ như tiên cảnh". Bản thân tôi ấn tượng với dáng núi miền Bắc Việt Nam. Qua bao thời kì, trầm tích luôn khiến con người ta kinh ngạc. Với một chút mưa, chút gió, ta đã có bức kiệt tác. Nhìn xem, đá trồng đá, cây cạnh cây, tiên cảnh là đây chứ đâu.
Trong lúc tắm thì tôi nghe tiếng Ngân cài áo hộ Trang. Có vẻ hai đứa gặp rắc rối. Tất nhiên khi gặp vấn đề, người ta sẽ gọi cho nhà thiết kế. Phương Anh chỉ Ngân cách cài áo. Loay hoay mãi không được, tôi đành giúp. Không riêng Trang mặc lạ, bộ gala tôi chẳng khác mấy. Tôi mặc áo sơ mi, chân váy ngắn đen thêm áo blazer và áo choàng. Chính tay mình tự trang trí nên tôi thích lắm. Bộ này cũng là phong cách tôi ưa. Nhưng thật trớ trêu thay, phong cách ấy không thịnh hành, thậm chí có hơi kì quặc. Ngân bất ngờ khi tôi mặc bộ này. Nó nói:
- Nhìn kìa!
Vốn là "thỏ nhát gan" tôi luôn miệng hỏi:
- Trông có kì không?
Trang vừa tân trang lại vừa đáp:
- Không. Đẹp mà.
Tôi an tâm được phần nào, nhưng cũng là tạm thời. Một người phụ nữ cột tóc mở cửa. Mẹ Giang hỏi tình hình của bọn tôi. Ngay khi bác ấy bước vào, tôi nhanh tay gửi năm mươi nghìn tiền thừa. Thấy khuôn mặt bác, tôi càng lo. Tôi chẳng thể biết người khác đang nghĩ gì. Ấy rồi cái thói nghĩ lung tung chợt xuất hiện. Tôi sợ mất thể diện trước mặt người lớn. Tôi lo bộ đồ ấy trở nên quái dị.
Tôi ngồi bên nỗi sợ trong suốt bữa ăn. Nó bám tôi không rời, úp mặt tôi xuống. Tôi chẳng dám nhìn ai, cứ đi thẳng. Nhà hàng đông người. Nhiều lúc tôi ngỡ tiếng trò chuyện doạ nạt tôi. Âm thanh ấy chú tâm vào tôi không tha một giây một phút nào. Chúng tôi xuống muộn nên còn ít chỗ. Bốn đứa ngồi phân tán các bàn. Đứa chậm chạp này suýt chuốc hoạ vào bản thân. Trang ngồi với bọn con trai nó chơi. Ngân và Nhi ngồi cùng với anh chị. Chị hướng dẫn viên bảo còn một chỗ cạnh An. Ngồi với thằng đấy đã đành, đối diện còn là Cường nữa. Nếu vậy tôi sẽ ngồi với chúng nó trong bộ dạng cô hề. Tôi run quá, quay bật sang Ngân bảo:
- Tôi có vấn đề với An và Cường nên bà đổi chỗ được không?
Có vẻ cô gái ấy chưa hiểu chuyện, tôi ba chân bốn cẳng chạy về chỗ Nhi và nói y hệt. Một đứa tâm lí sẽ hiểu ngay. Tôi có thể thấy sự đồng cảm trong mắt Nhi. Ấy rồi cô bạn đổi chỗ ngay lập tức. Lí do tại sao tôi cuống lên ư? Cường gây cho tôi nhiều phiền phức. Nó nhiệt tình thái quá, tính toán thiếu thực tế. Thằng ấy bảo tôi hại nó đến lần thứ mười mấy trong khi sự thật có một lần. Và tôi đã xin lỗi nó, còn nó thì chưa. Còn An nó hùa theo Cường, đôi lúc coi tôi như trò đùa. Có vẻ, tôi không khéo léo nên để lộ sự nghi ngờ. Thấy mặt anh chị, tôi lại run. Câu hỏi ấy hiện lên, lảng vảng trong đầu tôi mãi. Mặt đơ ra, mắt cứ nhìn vào khoảng không trên bàn, có khi nhìn Nhi, có lúc nhìn Ngân. Trong tâm tôi là cuộc đấu tranh giữa hai phe: mặc và không. Lúc ấy, hồn như rời khỏi xác, tôi đắm chìm vào sự lo âu. Tôi tách làm hai trường hợp. Nếu mặc, tôi cảm thấy ngại, có lời nói vào ra. Tệ hơn thì tôi thành trò hề. Nếu không... Bỗng dưng tôi buồn man mác. Đây thật sự là bộ cánh tôi thích. Cái áo choàng trắng tinh khôi mới đẹp làm sao! Nơ hồng sao dễ thương quá! Tôi ước bấy lâu nay được mặc chiếc váy mình thiết kế. Với lại, sáng nay tốn tiền mua áo mà giờ không mặc sao? Tôi yêu trang phục này.
Tối ấy có một ngọn lửa cháy rực. Không ai thấy nó, không ai cảm nhận hơi ấm. Và có thể chỉ là đốm sáng, nhưng thắp lên một niềm tin.
Tôi ngẩng cao đầu, tuy có e dè nhưng thoải mái hơn. Không gian trở nên dễ thở. Các anh chị nói chuyện vui vẻ. Một chị lớp mười hai bảo:
- Hai em ăn đi, chín rồi đấy.
Tôi khẽ trả lời:
- Vâng ạ.
Tuy vậy, chỉ khi thấy Ngân gắp tôi mới dám đụng đũa. Các anh chị đều thân thiện, già dặn hơn bọn tôi nhiều. Mọi người quan tâm, hỏi hai đứa em ăn gì. Tôi và Ngân có điểm chung. Cả hai đều ngại người lạ. Chúng tôi không nói năng gì trong bữa ăn ngoại trừ mấy câu "Vâng ạ". Thậm chí, bọn tôi còn đoán khẩu hình miệng đứa còn lại. Tôi biết, mặt tôi vẫn hiện nét ủ rũ. Nỗi lo chỉ giảm đi chứ chưa hết. Cứ vài phút tôi lại chỉnh áo choàng. Nếu không nó sẽ tuột ra khỏi người, tôi nghĩ vậy. Quai túi cũng khá vướng. Tôi luôn mang theo túi xách bởi mẹ dặn vậy. Vụ cái loa ý, tôi biết mà.
Hai chị lên thay đồ. Ngân cũng đi đâu đó. Thấy vậy, tôi đứng bật dậy, không quên chào anh rồi theo Ngân. Đêm buông xuống hẳn, không gian trang hoàng bằng ánh đèn lung linh. Giữa cái trầm mặc, bóng áo xanh lên nhà. Khi tôi nhìn qua cửa kính, Nhi đã ở trong phòng.
- Còn anh ở trong buồng tối gạt nước mắt, khoé môi gượng cười. - Nhi hát.
Trang ăn xong từ lâu, đang sửa soạn bước cuối cùng. Khổ thân Nhi. Nó ngồi trên giường cứ hát, vẫn câu đấy, vẫn là nỗi giày vò không nguôi. Người con gái ấy hát khàn cả cổ. Nhi nằm xuống giường, vẻ giận dỗi:
- Thôi, không hát nữa.
- Nghỉ đi, cố quá không tốt đâu - Trang khuyên.
Tôi thêm:
- Đúng vậy, tôi nghĩ bà nên nghỉ ngơi xíu đi.
Nhi vẫn cứng đầu hát tiếp. Trang trang điểm xong. Nó hỏi:
- Trông lớp nền có mốc không?
Nhi soát xét thật kĩ:
- Mốc rồi. Má hồng hơi đậm nữa.
Trang vào nhà vệ sinh sửa lại. Một hồi, gương mặt ấy ổn áp hơn. Điện thoại Nhi bỗng reo lên. Tôi nghe một chị giục Nhi, còn nó thì dạ vâng. Kết thúc cuộc gọi, nó kể nhiều chuyện lắm. Nhưng tôi sẽ kể một số. Nhi bảo với bọn tôi:
- Lúc nãy tao ăn một bát mì rồi chạy lên đây tập hát. Kiểu tao bị đẩy sang ban hát ý.
- Sao vậy? - Tôi hỏi.
- Ban hát có hai người. Mà các anh chị cứ thấy ai năng động là cho vào luôn.
- Mọi người không quan tâm đến năng lực đúng không? - Trang thấu hiểu ngay tức khắc.
- Đúng, tao vốn đâu giỏi hát. Gạt nước mắt khoé môi gượng cười... - Nhi tiếp tục hát.
- Thôi, tao xin mày, nghỉ đi. - Trang không ngừng khuyên răn.
- Tao ra ban công hát vậy.
Có lẽ cô học sinh ấy không muốn gây phiền. Tôi và Ngân cứ nhìn qua cửa kính. Trang lo buổi diễn:
- Chắc tao phải thử giày trước cho quen.
Cô nàng xỏ đôi cao gót trắng vào. Trang từng đi thử trước đó, đôi giày vừa y với bàn chân cô. Giờ thử lại, khi đã mặc quần tất, Trang thấy đôi giày hơi rộng. Vốn dĩ quần tất là thiết yếu. Bởi thời gian quá gấp nên chân váy không được dài. Nếu vướng vật nào đó, hay một cơn động mạnh, thậm chí chiếc nơ nhỏ xinh trên váy sẽ bung ra. Tất nhiên, có hai, ba cái rụng ra rồi. Nhi giống chị cả trong hội, nó quan tâm, chăm sóc bạn mình chu đáo lắm. Cô giúp Trang cài, chỉnh trang phục sao cho ổn nhất có thể. Nhắc vụ đôi giày, hoá ra là do Trang đi nhầm quai.
Giọng Nhi khàn ngày một rõ. Nó ngồi trên chiếc ghế gỗ hát vang. Giọng hát vươn đến trời cao, rằng có thể, trên ấy sẽ thương nó. Tôi hiểu, cô nàng luôn cố hết mình. Một người lo cho lớp, cho câu lạc bộ đến bát mì chẳng ăn hẳn hoi. Một người bạn đáng tin cậy. Một tâm hồn mãnh liệt hiếm khi mệt mỏi. Khi có ý thức trong công việc, không ai sẽ bị phai mờ. Trong thế gian này, ta có thể mất đi vì cơn đau quằn quại bệnh dịch gây ra, nhưng cách hành xử giữa người với người luôn sống mãi. Loài người sinh ra vốn đẹp đẽ. Ta có mắt nhìn, tai nghe và trái tim lương thiện. Vẻ đẹp đích thực xuất phát từ cội nguồn ấy, nuôi nấng để rồi nhớ cả đời. Thử mỉm cười xem, bạn sẽ thấy điều kì diệu của sự cho đi. Tại sao vậy ư? Vì đó là màu xanh tươi của tâm hồn.
Đến giờ tôi vẫn nhớ mình đã dũng cảm như thế nào. Tôi hỏi ba đứa bạn lần nữa vì sự e ngại của bản thân:
- Trông có kì không?
- Là đồ cos à? - Nhi hỏi.
- Ừ.
Nhi thẳng thắn nói:
- Tao thấy đẹp mà. Nhưng với bọn con trai thì không. Thật ra, lúc bố mẹ mày đăng ảnh mày cos lên, chúng nó bàn tán suốt.
Nghe vậy, tôi càng lo. Tôi biết, đáng lẽ mình nên trang điểm. Nhưng Phương thì bận đột xuất mà tôi không có đồ. Dù vậy, tôi không ngạc nhiên. Chúng tôi nghe thông tin bị lũ đó nói xấu sau lưng ba lần rồi. Đối với học sinh đây là chuyện bình thường. Lớp nào chẳng có những thành phần bất hảo. Tôi suy nghĩ rồi nói:
- Chắc tôi thay đồ vậy.
- Sao lại thay đồ? - Nhi hỏi.
- Kệ đi, cứ là chính mình thôi. - Nó tiếp.
Phải, Nhi đúng. Sao phải quá để tâm đến người khác chứ? Đây mới là tôi. "Tôi" ấy không trốn tránh. Không cần thay trang phục nữa. Vậy là ổn rồi.
Nhắc đến tôi mới nhớ, vụ trang phục nam tệ hơn nữ rất nhiều.
- Bộ nam sao rồi? - Tôi hỏi.
- Thằng Phúc Khánh đặt đồ trên mạng. Mà nó đặt trang phục nhân vật anime - Nhi không mấy dễ chịu.
- Thà để Thảo lên trình diễn còn đỡ. - Trang nói.
- Thật, đó còn không phải đồ tái chế. - Ngân thêm.
- Lúc đầu chọn thằng Bảo, nhưng Khánh cứ đòi làm. Kiểu nó thích gây ấn tượng. - Nhi giải thích mọi việc.
Phúc Khánh là cựu bí thư trong lớp. Nó nhiệt tình nhưng lại bất cẩn, không nghiêm túc. Cô Lan thấy điểm nó tụt lùi, Vinh thành bí thư mới của lớp. Giờ thằng đấy vẫn loi choi, lười học. Thú thật, tuy ở riêng phòng, đôi khi bọn tôi nghe tiếng của bọn con trai. Lúc ấy tưởng Khánh nó mò ra chỗ này chúng tôi mới ngỡ ngàng.
Tôi nhớ như in khi Nhi và Ngân mượn đồ cho Trang. Cánh cửa đóng lại, Trang an ủi tôi:
- Thảo không cần quan tâm đến lời chúng nó quá. Bọn nó không dám làm gì mình đâu, có phụ huynh ở đấy mà. Trang nói có lí. Việc bây giờ là phải tự tin. Ba người đã nhắc tôi rồi, không, là bốn người. Cô nàng nhờ tôi cầm giày hộ. Cả bọn bảo ban nhau mang đồ cho Trang.
Nhanh thôi, mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp. Ít nhất trong đêm tối, một ánh sao loé lên, dẫn lối cho thành công.
Chúng tôi đều lên xe, tôi ngồi cạnh Việt.
Đến nơi, biển chiều nay được thay bằng dòng chữ "Thanh xuân rực rỡ". Thanh xuân... Ai cũng yêu, cũng quý cả. Tuổi trẻ là phải cháy hết mình với thứ gọi là đam mê, tối nay chẳng hạn. Trên kia, ngay gần với sân khấu, một bóng đèn toả sáng dịu nhẹ. Đèn trăng treo trên mây trời, ánh trăng rọi thẳng vào linh hồn nhỏ. Tôi, trăng mặt đối mặt. Những thi sĩ xưa coi trăng là tri kỉ. Trăng luôn nói thật, đồng tâm, đồng lòng với nhà thơ. Kể cả khi chết chóc cận kề, trăng là thơ, là niềm tin tương lai hoà bình. Và đến lúc nhà cao tầng mọc không đếm xuể, trăng vẫn tròn vành vạch. Lần này, trăng muốn nói điều gì đó. Phải chăng đó là bản thân tôi? Tâm điểm hiền hoà đang động viên "tôi" nhỏ bé này. Rằng Kanna luôn tươi cười, nhí nhảnh hoặc ít nhất tin chính mình. Cả lớp lại lên sân khấu chụp hình. Tôi, với bộ váy lộng lẫy, tạo dáng của Kanna.
Buổi diễn mở màn với tiết mục thời trang. Mỗi lớp phải thiết kế một bộ nam và nữ tái chế từ vật liệu bỏ đi. Lớp khác tựa như những công chúa, hoàng tử. Trong khi lớp tôi thì tệ đến mức giải khuyến khích không có. Còn Nhi ổn hơn chút. Lúc nhớ, lúc thì quên song tiếng pháo tay vẫn giòn rã. Tất nhiên, tôi cũng hát theo. Ấn tượng nhất là cô Liên hiệu trưởng có tiết mục riêng. Thuở chân ướt chân ráo nhập học, trong tâm tôi, cô giống như bà tiên. Mái tóc dài đen nhánh, xoã hai vai. Nói đến cô là không thể quên đi sự dễ mến của một người cầm phấn yêu nghề. Cô và thầy song ca, các anh chị hướng dẫn viên múa phụ hoạ. Nét ngây thơ, hóm hỉnh góp phần tạo nên màn trình diễn, khắc ghi khoảnh khắc vui tươi của tuổi hồng. Họ như một lần nữa quay ngược về quá khứ, phá vỡ cái quy luật khắc nghiệt của thời gian để được là đứa trẻ. Bởi lẽ, bất cứ đâu, hạnh phúc luôn hiện hữu, bất biến giữa dòng chảy của cuộc đời. Và tôi chẳng ngờ: anh, chị lớp trên thật thân thiện. Anh đi cùng lớp tôi, không rõ tên, cầm chú cún bông. Tôi và anh có nói chuyện qua, vì nơi đó quá ồn nên tôi có chút khó nghe. Tôi là người mê thú bông. Tất thảy, chú cún ấy thật dễ thương. Tôi biết mình lo lắng về điều gì. Cường, phải, hành động khi ăn tối của tôi như là cái cớ cho sự nghi ngờ ấy. Nó từng giúp tôi trong chuyện tình cảm. Tôi biết gần như rất rõ sự giả vờ. Ánh mắt nó hướng về phía tôi và Ngân. Tại sao nó không đứng cùng An, Quang hay Bách chứ? Ngoài việc nó muốn để tâm đến tôi. Hình như nó nói An điều gì đó. Ấy vậy, tôi thầm tự chấm dứt mối quan hệ này lâu rồi. Không sao, cứ quên đi bởi giờ vui là trên hết.
Đôi lúc tôi lại ngóng trăng còn hay tan biến trong hư vô. Trăng lúc ẩn hiển sau đám mây mù. Tôi không còn nấp mình, trăng một sáng hơn.
Khác với gala quân sự, tôi cố hoà nhập với ba đứa còn lại. Chúng tôi nắm tay chạy quanh đống lửa. Lửa rực lên bao hi vọng, phản chiếu trong nơi sâu thẳm của thế giới tâm hồn một tình cảm chân thành. Rồi lửa tắt thì pháo lên, mưa rơi hạt óng ánh. DJ lên nhạc còn bọn tôi về.
Đi bộ qua bóng tối, nhà sàn hiện lên. Cô Lan đang nướng thịt với vài đứa, bảo chúng tôi lên gác thay đồ rồi xuống ăn. Khi đi, Trang và tôi không khoá cửa được, chỉ khép lại. Ấy vậy lúc về, thấy cửa mở tưởng chuyện gì, hoá ra là bác Thanh. Bác là mẹ Giang. Tranh thủ khi bác đang tắm, tôi sắp xếp đồ cho gọn. Tối nay thật vui, tôi đã quên nỗi sợ lúc nào không hay. Cả bọn đều hẹn sang phòng Duy chơi ma sói trừ Trang. Nó định thay đồ rồi đi ngủ. Tôi thay vội chân váy, cởi áo choàng và áo blazer cho đỡ vướng, sang chơi cùng chúng nó.
Bọn tôi định chơi mặc cho giờ giới nghiêm. Nhưng cô Lan nhắc về phòng. Tôi không biết chơi ma sói. Nhi phổ biến luật chơi, ấy vậy đôi khi tôi vô tình để lộ vai trò của mình. Chơi vài ván thì bọn con gái phải về. Trước đó, cô Lan cho bọn tôi đĩa thịt nướng.
Nhi mở cửa làm Trang giật mình. Ở trong phòng một mình ai chẳng sợ. Cô lấy chiếc khăn tắm che gương, do nó chiếu vào giường. Thịt nướng có nhưng không phải ai cũng ăn được. Trang đã đánh răng xong còn tôi hạn chế ăn đêm. Nhi bảo:
- Giờ quay time lapse đi. Nhưng máy tao sắp hết pin rồi.
- Ấy mà giờ còn pin rồi quay thế nào mai cũng hết - Trang nói.
- Đứa nào đủ can đảm để quay không? - Nhi hỏi.
Rồi Nhi vừa sạc vừa quay. Dù vậy cũng không dám bởi máy nóng. Nằm xuống, Nhi bắt đầu kể chuyện nó hứa khi sáng:
- Chuyện là tao quyết định không yêu nữa. Nhưng tao lại để ý một người.
Cơn buồn ngủ ngăn nó lại:
- Thôi, buồn ngủ quá. Tao đi ngủ đây.
Nó nằm lướt điện thoại. Tôi thực sự muốn Nhi kể. Chuyện mà nó kể cuốn với hấp dẫn lắm. Biết sao được, nhân tiện tôi cũng muốn nói một chuyện. Tôi nghĩ vu vơ kiểu gì. Về giọng trầm ấm, tính ga lăng, hoà đồng lại giỏi Toán của một đứa con trai, tôi bỗng đỏ mặt.
Tôi thích Việt.
Giống Nhi, tôi đã từng nghĩ mình không thích ai nữa từ vụ An. Dù vậy, Việt vô tình mở khoá con tim tôi. Chẳng biết nó lấy chìa ở đâu nữa, chắc do sự thân thiện vốn có trong cậu ấy. Tôi cất giọng giữa không gian vắng lặng:
- Tôi nói chuyện này nhé. Hình như tôi thích Việt.
- Hả? Cái gì?
- Tao không muốn có mẹ kế đâu.
- Ây, đừng.
- Ê mà hồi đầu bảo về Việt còn chê ỏng chê eo cơ mà. - Trang nhắc lại chuyện cũ.
- Nói vậy thôi chứ tôi định uncrush nó. - Tôi suy nghĩ lại.
Hơn nữa, từ trước tới nay, tình yêu chỉ tổ làm hỏng mối quan hệ giữa tôi và bọn con trai. Khi biết, tụi nó tránh tôi ra mặt. Lần này, tôi không muốn chuyện tái diễn. Đành nén lại vậy, dù sao cũng chẳng cần thiết.
Mặt trời lên cao tận đỉnh đầu. Cảnh vật như tô sắc. Điểm thêm làn gió xuân nhè nhẹ, bầu không khí thanh mát hơn. Lẽ ra, chúng tôi định hẹn nhau ngắm bình minh. Từng đứa một vệ sinh cá nhân, tôi, Trang và Nhi xuống mua đồ.
Luồng khí mát mơn man da thịt, trong lành hơn ở thủ đô nhiều. Con đường đá thưa người qua lại. Nhi mua cơm lam. Nghe nói, nơi đây nổi tiếng có cơm lam và thịt trâu gác bếp. Hạt cơm trắng nằm gọn trong ống tre. Tre xanh bao đời, gắn bó với người miền ngược, xuôi. Gạo thơm là món quà của đất trời. Có chăng, thiên nhiên hoa cỏ gói gọn trong những món ăn và tay ta làm nên mùa màng bội thu? Thấy người bán hàng mời, tôi cũng mua ủng hộ. Bọn nó định mua thịt trâu gác bếp nhưng không thấy chỗ bán. Chúng tôi về cất đồ. Về nhà sàn của bọn con trai, đập ngay vào mắt tôi là Việt. Bỗng dưng, tôi ngại ngùng. Nhi và Trang nói chuyện với nó. Có vẻ bên này ngủ không ngon. Việt kể lũ kia cứ trò chuyện, mãi mới ngủ được. Đã vậy, bốn giờ sáng thằng Anh Quân đã đánh thức cả bọn. Chúng nó kể chuyện buồn cười lắm. Đứa mơ thấy mình đá penalty vào người bạn mình. Anh Quân mơ thấy ba con chó hoá thành người. Quả là những giấc mơ kì lạ! Còn có hội uống rượu nữa. Tôi đoán ngay là Hữu Khánh. Đến bữa ăn là nó lại đi mời rượu
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top