Chương 6: (Tiếp)

Tần Bách Xuyên nói với Lưu Tòng Vân: "Thưa sư phụ!  Đây chính là thời cơ để người thăng tiến lên cao hơn nữa. Lão Tưởng đã dàn thiên la địa võng, sau khi quân Cộng sản đột phá được bốn phòng tuyến, lực lượng đã giảm từ 80.000 xuống chỉ còn 30.000. Sư phụ nên nắm lấy cơ hội lần này, dẫn đội quân thần binh của chúng ta chủ động xuất kích. Nếu lập được công lớn trong cuộc vây quét Cộng sản, được lão Tưởng tán thưởng thì có thể thoát khỏi sự kìm kẹp của Lưu Tương, đến lúc đó người có thể tạo dựng được chỗ đứng, thăng quan tiến chức. Như vậy chẳng phải càng tốt hơn sao?"

Lưu Tòng Vân cười nói: "Quả đúng là đồ đệ mà ta tin yêu, có tiền đồ đấy, chẳng hoài công ta đào tạo mấy năm nay, vừa hay hợp với ý ta."

Thế là Lưu Tòng Vân chủ động xin được cùng Lưu Tương vây quét Hồng quân, hắn còn bày ra cái chức "Ủy viên trưởng Ủy ban Quân sự tiễu phỉ Tứ Xuyên."

Kỳ thực, Tần Bách Xuyên biết rõ Đảng Cộng sản không giống như Quốc dân Đảng tham sống sợ chết. Họ có niềm tin cao cả, có sức mạnh đoàn kết, sự hội tụ mạnh mẽ và có khả năng tác chiến siêu việt. Lão Tưởng đối phó với họ còn chẳng ăn thua thì Lưu Tòng Vân là cái thá gì?

Không phải Lưu Tòng Vân không biết điều này, nhưng một khi con người đã ở vào trạng thái hớn hở, đắc ý, rất dễ đánh mất khả năng phán đoán tối thiểu. Nếu là mấy năm trước, chắc chắn lão ta sẽ suy tính kỹ càng, nhưng mấy năm nay leo lên quá thuận lợi, thành công đã làm cho đầu óc trở nên mụ mẫm.

Kết quả chỉ sau một trận giao chiến với Hồng quân, Lưu Tòng Vân bị đánh tan tác. Đặc biệt sau Đại hội Tuân Nghĩa năm 1935, Mao Trạch Đông nắm giữ quân đội, tài thao lược xuất chúng, phá vỡ vòng vây trùng điệp của Quốc dân Đảng, hướng một mạch lên phía Bắc, hội hợp thắng lợi với Lưu Chí Đan ở Thiểm Bắc.

Lưu Tòng Vân liên tiếp thất bại, khiến cho quân Tứ Xuyên náo loạn một vùng.

Đây chính là điều mà Tần Bách Xuyên mong đợi, sau đó hắn dùng thủ đoạn hiểm độc đẩy Lưu Tòng Vân vào chỗ chết. Hắn nói: "Thưa sư phụ! Nay cuộc tiễu Cộng gặp bất lợi, trong hàng quân có nhiều kẻ tìm mọi cách thoái thác trách nhiệm, sau này Lưu Tương truy cứu, e rằng sẽ bất lợi cho sư phụ. Nên người cần phải tìm một con tốt thí mạng, thực thi kế Kim tiền thoát xác."

Lưu Tòng Vân khi đó đã rất hoang mang, vội hỏi: "Đồ nhi có diệu kế gì?"

Tần Bách Xuyên nói: "Sư phụ hãy hạ lệnh cách chức ngay mấy tên quản lý sự vụ trong đơn vị, đặc biệt là mấy thằng đại đội trưởng hay kêu ca oán thán. Cứ quy cho chúng cái tọi không thực hiện đúng theo sách lược, nên mới dẫn đến tác chiến thất bại, rồi đổi người của mình vào. Đến lúc đó, một khi bị truy cứu trách nhiệm, người của chúng ta sẽ nói đỡ cho thầy."

Lưu Tòng Vân hơi chần chừ, hắn nói: "Nếu Lưu Tương đòi thẩm tra lại mấy tên đại đội trưởng đó thì sớm muộn cũng vẫn bại lộ."

Tần Bách Xuyên ghé sát tai Lưu Tòng Vân nói: "Sư phụ, người hồ đồ mất rồi, sau khi loại bỏ mấy tên đó, tước súng của chúng, rồi giam chúng lại một nơi, sau đó ngụy tạo hiện trường sợ tội mà tự sát, thần không biết quỷ chẳng hay, như vậy chẳng phải ổn thỏa rồi sao?"

Lưu Tòng Vân hai mắt sáng lên, hắn cười lớn: "Đồ nhi giỏi quá! Đúng là trò giỏi hơn thầy rồi!"

Tần Bách Xuyên cũng cười nói: "Đều là nhờ sư phụ dạy bảo ạ!"

Thế là Lưu Tòng Vân xin chỉ thị của Lưu Tương cách chức mấy tên đại đội trưởng, nhưng, lão ta chưa kịp trừ khử mấy tên đó thì Tần Bách Xuyên đã mật báo cho Lưu Tương, hắn nói Lưu Tòng Vân có ý làm phản. Lưu Tương vốn đang tức giận về việc tiễu Cộng thất bại, vừa nghe thấy Lưu Tòng Vân tự ý điều động binh quyền thì hắn lại càng tức điên lên.

Kết quả mấy tên tay chân mà Lưu Tòng Vân cử đi diệt khẩu vừa định giơ súng lên bắn mấy viên đại đội trưởng đó, liền bị người của Lưu Tương mai phục sẵn bắt quả tang tại trận. Lưu Tuong nổi khùng lên, đòi giết chết Lưu Tòng Vân.

Nhưng Lưu Tòng Vân vốn là một con cáo già. Lão ta đã nhanh chân chuồn trước một bước.

Lão ta chạy một mạch từ Tứ Xuyên đến Giang Hoài. Cùng lúc đó, cuộc kháng chiến toàn diện bùng nổ. Ông trùm Tứ Xuyên Lưu Tương hồi tưởng lại mấy năm nay cuộc sống như đang ở trong mơ, cuối cùng đã tỉnh dậy, đối mặt với sự chèn ép ngày một gắt gao của quân xâm lược Nhật Bản, ông ta không hề tỏ ra chùn bước, cầm ngay cây súng, dũng cảm kháng Nhật.

Sự ban bài của số mệnh thường không như ý muốn. Năm sau đó, bệnh dạ dày của Lưu Tương đột nhiên tái phát, thổ huyết, chẳng cầm cự được mấy ngày thì chết, trước khi chết còn trăn trối: "Phải kháng Nhật đến cùng, trước sau không thay đổi, ngày nào kẻ địch còn chưa cút khỏi đất nước, thì ngày đó cánh quân Tứ Xuyên thề không hoàn hương." Sau đó lại nói với thuộc hạ: "Truy sát Lưu Tòng Vân, không được để cho tên này làm việc hại nước hại dân."

Sau khi Lưu Tương chết, kẻ thù không đội trời chung trước đây là Lưu Văn Huy dần dần cũng đã mất lòng tin vào bọn Quốc dân Đảng. Lưu Văn Huy hiểu được đại nghĩa, không chút do dự, ông tạo dựng mối quan hệ bí mật với quân Cộng sản. Năm 1949, ông thống lĩnh các thủ hạ khởi nghĩa, về sau trở thành phó Chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị tỉnh Tứ Xuyên.

Sau khi Lưu Tòng Vân chạy đến Giang Hoài, thì đến tìm Tổ Gia. Lúc đó lão ta vẫn không biết Tần Bách Xuyên đã bán đứng mình. Tổ Gia cho tá túc ở Đường khẩu, tạm thời giấu mọi tin tức. Sau khi Lưu Tương chết, Lưu Tòng Vân quay lại Tứ Xuyên, thấy Tần Bách Xuyên đã tiếp quản Đường khẩu, lại còn làm cho Đường khẩu phất hẳn lên, hắn mừng lắm, đòi nắm quyền hành lại, nhưng Tần Bách Xuyên không cho. Lúc này Lưu Tòng Vân mới tỉnh ngộ, nhận ra mọi việc đều là do tên đồ đệ yêu quý này ngầm giở trò sau lưng. Nhưng khi đó, Long Tu Nha đã bị Tần Bách Xuyên mạnh tay cải tổ, Lưu Tòng Vân một mình yếu thế, chẳng thể chọi lại hắn.

Nhớ lại những chuyện đã qua, Lưu Tòng Vân không nén nổi nụ cười chua chát. Đúng là thầy hay trò giỏi, bản thân lão một đời đã dựng lên vô số cái tròng, cuối cùng lại bị chính đồ đệ của mình cho vào tròng, đành phải Ngậm bồ hòn làm ngọt.


TỔ GIA ĐÍCH THÂN DÀN CỤC PHONG THỦY

Sau khi Lưu Tòng Vân chạy về Giang Hoài ẩn náu, lão từng cầu xin Tổ Gia giúp hắn báo thù. Tổ Gia không đồng ý, ông có ván cờ của riêng mình. Ông chỉ muốn hiểu hơn về con người Tần Bách Xuyên qua lời kể của Lưu Tòng Vân.

Bây giờ, Tổ Gia sắp phải so tài cao thấp với Tần Bách Xuyên. Lịch sử đã sắp đặt ra bao nhiêu chuyện ân ân oán oán, cuối cùng cũng để cho Tổ Gia và Tần Bách Xuyên quyết một trận sống mái? Tổ Gia do Trương Đan Thành dìu dắt, Tần Bách Xuyên do Lưu Tòng Vân. Hai người này đều được xem là "trò giỏi hơn thầy". Trận quyết chiến này rốt cuộc ai bại trong tay ai?

Tôi đang đăm chiêu ngẫm nghĩ thì tên cướp kia lên tiếng. 

Tên cướp đó họ Lưu, bọn thuộc hạ gọi lão là Lưu Tư lệnh, lão ta không cao, vừa gầy vừa xấu xí. Bộ dạng của hắn khác hẳn với một tên cướp trong tưởng tượng của tôi.

Lưu Tư lệnh cười cười nói với Tổ Gia: "Tần gia nói Tổ Gia là truyền nhân của đạo môn Thiết Bốc Tử, tinh thông Thiết bản Thần số, phong thủy, nghiên cứu nhiều về Ngọc Xích kinh. Bởi vậy phải phiền Tổ Gia vượt cả nghìn dặm đường đến Tứ Xuyên giúp lão già này di dời mộ tổ."

Tổ Gia đáp lễ: "Lưu Tư lệnh khách sáo rồi, được phục vụ Tư lệnh là vinh hạnh lớn của bỉ nhân."

Tần Bách Xuyên nói: "Ta đi ra mộ đi."

Thế là, một đoàn người lên đường, cầm theo cả la bàn phong thủy xuất phát.

Đầu tiên, chúng tôi đến chỗ đặt mộ tổ của Lưu Tư lệnh. Ngôi mộ nằm ở trong khe núi, kẹp giữa hai ngọn núi, thấp thoáng màu xanh ngắt. Đúng là một cảnh tượng đẹp đẽ.

Sau khi Tổ Gia nhìn qua, nói: "Lưu Tư lệnh, ngôi mộ này nằm đúng ở nơi tam hợp vượng địa(1), tàng phong tụ thủy, là thế có thể giúp cho con cháu hưng vượng, chẳng trách Tư lệnh có thể nắm giữ trong tay đội quân hùng hậu, cai quản một phương."

(1) Chỗ thu được nhiều lợi ích.

Lưu Tư lệnh cười hể hả: "Tổ Gia quả đúng là cao nhân. Nơi này cũng chính là do tiên phụ đã mời một bậc thầy phong thủy xem cho người để chôn cất sau khi người mất."

Tổ Gia nói tiếp: "Chỗ đặt mộ này cái gì cũng tốt, cũng chính vì vậy mà lại không tốt. Tư lệnh nhìn xem, đỉnh núi ở phía tây có một tảng đá lớn nhô hẳn ra, có thể áp đỉnh, người xưa thường nói "Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, thà để Thanh Long cao vạn trượng, chứ không được để Bạch Hổ thò đầu ra. Xem phần đầu quan tài khi chôn cất lệnh tôn thì thấy tảng đá lớn này chính là Bạch Hổ cất đầu dậy, tất có họa lớn. Năm 1921, năm 1922, năm 1933, năm 1934 càng tệ hơn."

Tư lệnh nói: "Tổ Gia quá giỏi! Năm 1922 tôi và bọn quân phiệt Quế Kế xảy ra xích mích, thiếu chút nữa là mất mạng. Năm 1933, tôi bị một trận ốm nặng, suýt chút nữa đã về chầu trời."

Kỳ thực, những thông tin này đều do Tần Bách Xuyên đã kể trước với Tổ Gia. Trong lòng Tổ Gia biết rõ, Tần Bách Xuyên cũng biết rõ, chỉ có Tư lệnh không biết gì.

Tổ Gia nói tiếp: "Lưu Tư lệnh định chuyển mộ đi đâu?"

Lưu Tư lệnh nói: "Mấy chục dặm quanh đây đều là địa bàn của lão, cứ nghe theo Tổ gia quyết định. Chỉ cần đẹp là được."

Tổ Gia nói, chúng ta đi xung quanh xem thế nào đã. Thế là, Lưu Tư lệnh hạ lệnh, sai bọn phu kiệu khiêng mọi người men theo đường mòn đi vào trong núi.

Đường núi khó đi, những người khiêng kiệu mồ hôi mồ kê nhễ nhại, đi mất chừng hai canh giờ thì vòng hết vùng núi, đến một nơi có nước.

Tổ Gia nói: "Dừng lại!"

Tổ Gia bước xuống kiệu, cầm la bàn. Sau khi đứng bên đường đưa mắt quan sát các khe núi ở xung quanh, ông nói: "Nơi này tuyệt đẹp! Tư lệnh ngài xem, ở đây có thế ỷ sơn bàng thủy(2), rồng cuộn hổ chồm, tả có Thanh Long trợ giúp, hữu được Thái Bạch cát tinh chiếu vây quanh, phía trước có bích thủy hợp tài, phía sau có thanh sơn làm lá chắn. Đây là thế tài nguyên khắp nơi đổ vào, đường quan lộ hanh thông. Cực đẹp, cực đẹp!"

(2) Tựa lưng vào núi, nằm kề gần nguồn nước.

Lưu Tư lệnh vuốt râu, gật gật gù gù: "Chà, tuyệt diệu!"

Tần Bách Xuyên cũng nói: "Tổ Gia thật tài trí hơn người!"

Lúc này, mây đen phủ kín bầu trời, như thể sắp đổ mưa. Lưu Tư lệnh nói: "Nay bàn đến đây đã, chúng ta mau về thôi."

Thế là đám người hầu liền dẹp đường quay về phủ,. Trên đường về bị mưa, chúng tôi ngồi trên kiệu, có người đi ở bên che ô. Chỉ khổ những người phu kiệu và người che ô, họ bị ướt như chuột lột.

Mấy ngày sau, chúng tôi lại đi xem vài chỗ khác để so sánh phong thủy. Cuối cùng vẫn chọn chỗ có thế tuyệt vời mà Tổ Gia đã nhận định từ lúc đầu.

Vì thế, Tổ Gia chọn lấy một ngày tốt, bắt đầu việc dời mộ.

Đây là sự phô trương lãng phí nhất mà tôi được chứng kiến từ lúc được sinh ra cho tới giờ. Lưu Tư lệnh làm theo sự sắp đặt của Tổ Gia, thuê hơn 20 vị đạo sĩ, một đoàn đi trước thổi kèn để mở đường, 20 vị đạo sĩ xếp thành hai hàng, niệm kinh tụng hiệu. Lưu Tư lệnh dẫn theo cả nhà già trẻ lớn bé hơn mất chục người mặc tang phục theo sau. Mãi phía sau là đám giặc cướp hùng hậu gần cả trăm người, một cảnh tượng hết sức hùng tráng.

Lúc bốc mộ, tiền giấy được ném ra bay lả tả, bọn cướp dùng bắn súng lên trời, tiếng súng vang vọng khắp vùng sơn cốc. Lưu Tư lệnh nhặt hết đống hài cốt của cah mẹ trong chiếc quan tài cũ, cẩn thận từng li từng tí một đặt vào chiếc quan tài mới. Tên cướp này rất lắm tiền nhiều của, phía bên trong quan tài được trải lớp đệm được làm từ loại tơ lụa tốt nhất, phía trên cùng được đậy tấm áo liệm khâu bằng chỉ vàng, bốn góc quan tài đều chất đầy đĩnh vàng, đĩnh bạc và vàng thỏi, đầu quan tài để bao nhiêu đồ bằng ngọc tuyệt đẹp. Sau đó, bọn thủ hạ khiêng chiếc quan tài lên, cả đoàn người cùng đi về chỗ đặt mộ mới.

Đến nơi, Lưu Tư lệnh dẫn gia quyến quỳ lạy trước ngôi mộ mới. Bọn đạo sĩ vừa đi vòng quanh huyệt vừa rì rầm tụng niệm. Tổ Gia đứng một bên, tay chắp lại, mắt lim dim, tôi không biết ông ấy đang nghĩ gì nữa.

Sau khi bái lạy xong, Tổ Gia hô to: "Hạ huyệt."

Tám người ở phía trước và phía sau liền hạ chiếc quan tài xuống cái huyệt to tướng. Lưu Tư lệnh cùng người nhà bắt đầu vun đắp đất mộ, bọn thổi kèn lại gióng kèn lên. Tần Bách Xuyên cũng quỳ dưới đất, gào to: "Tiên phụ, tiên mẫu, xin hãy yên nghỉ!"Đúng là huynh đệ kết nghĩa có khác, gào đến cảm động đất trời.

Toàn bộ quá trình di dời mộ được làm trong hai canh giờ. Buổi tối trở về phủ, Lưu Tư lệnh bày tiệc rượu khoản đãi Tổ Gia và Tần Bách Xuyên.

Chứng kiến cảnh tượng ai nấy đều mừng vui như thế, tôi gần như đã quên mất đây chỉ là một vụ dàn cục, chẳng phải tất cả đều hoàn hảo hay sao? Lẽ nào Tần Bách Xuyên đã phát hiện ra điều gì? Sao hắn vẫn chưa ra tay với Tổ Gia, mà lại còn giúp ông lừa người ta chứ?

Tổ Gia vẫn cứ ăn uống thỏa thê, còn nói toàn những lời tâng bốc Lưu Tư lệnh, khiến lão ta cảm thấy sung sướng ra mặt.

Sau khi ăn xong, ngày hôm sau chúng tôi quay về chỗ Tần Bách Xuyên, ông ta nói: "Khoản hắn trả cho chúng ta sẽ chia đôi cho hai Đường khẩu."

Tổ Gia nói: "Vụ dàn cục lần này Tần gia có công đầu, đáng được phần hơn. Đông phái chúng tôi lần này chỉ là dây máu ăn phần, xin được lấy ba phần là đủ rồi."

Tần Bách Xuyên nói: "Cứ chia đều mỗi bên năm phần. Mời được Tổ Gia đến Tứ Xuyên chẳng phải chuyện dễ dàng gì, lần trước đến cũng đã cách đây năm năm rồi, ông nhất định phải ở lại thêm vài ngày nữa. Tôi sẽ dẫn Tổ Gia đi đây đó, Tổ Gia phải nể mặt một lần."

Tôi nhìn Tổ Gia, ông gật đầu: "Được. Chẳng mấy khi rảnh rang."

Nửa đêm, quay về phòng, tôi đưa mắt nhìn ông rồi khẽ hỏi: "Tên Tần Bách Xuyên đang giở trò gì vậy?"

Tổ Gia nói: "Cứ đợi đi, kịch hay sắp bắt đầu rồi."

Sáng sớm hôm sau Tần Bách Xuyên đã đến chỗ chúng tôi: "Tổ Gia, tôi đưa ông đi thưởng ngoạn phong cảnh Tứ Xuyên một chút."

Tần Bách Xuyên dẫn chúng tôi đi dạo chơi một vài nơi. Sau đó, ông ta nói: "Chẳng có gì hay ho cả, chúng ta đi xa hơn nhé."

Thế là, suốt mấy ngày liền chúng tôi đi ngao du ở bên ngoài, cuối cùng gần đi ra khỏi tỉnh.

Tôi không biết Tần Bách Xuyên định giở trò gì. Đi đến đâu là tôi lại lo sợ sẽ có một đám người xông ra đòi giết Tổ Gia. Nhưng Tổ Gia vẫn cứ điềm tĩnh như không, thưởng ngoạn cảnh núi non sông nước, cứ chuyện trò, chẳng mảy may có vẻ gì lo lắng cả.

Sau đó, cuối cùng chúng tôi cũng trở về Đường khẩu của Tần Bách Xuyên. Vừa bước vào cửa, thất một tên tay chân của Tần Bách Xuyên hốt hoảng chạy đến: "Tần gia, Tần gia! Không xong rồi, có chuyện rồi."

Tôi thấy chột dạ, tên kia run lập cập nói: "Mộ nhà Lưu Tư lệnh bị kẻ nào đó phá rồi."

Tai tôi ù đi, trong lòng nghĩ thôi hỏng rồi. Bố cục phong thủy ghê nhất chính là xảy ra chuyện ở chỗ đặt mộ, phần mộ mà xảy ra chuyện thì vụ dàn cục sẽ bị lộ tẩy.

Tôi đang mải suy nghĩ thì ngoài cửa có tiếng quát tháo: "Hai thằng mày đã về rồi đấy à?"

Tôi nhìn ra thì thấy Lưu Tư lệnh dẫn theo mấy chục tên nữa vào cùng. Tất cả bọn họ đều mang theo súng, tròng mắt đỏ ngầu.

Tần Bách Xuyên sửng sốt nói với Lưu Tư lệnh: "Đại ca, có chuyện gì vậy?"

Lưu Tư lệnh tức giận đến nỗi cả người lão run lên: "Đừng gọi tao là đại ca!" Sau đó, lão dí súng vào đầu Tổ Gia nói: "Mày là thứ chết tiệt gì vậy? Chẳng phải mày nói ở đấy phong thủy đẹp hay sao?"

Tổ Gia điềm nhiên hỏi: "Lưu Tư lệnh, sao thế?"

Lưu Tư lệnh nói đầy vẻ căm hận: "Sao thế à? Mộ tổ của ông mày đã bị bọn đào mộ trộm phá rồi. Hài cốt của cha mẹ cũng chẳng còn."

Tần Bách Xuyên vừa nghe thấy thế, quỳ sụp xuống, ngửa mặt lên trời xanh mà gào: "Cha! Mẹ! Con trai bất hiếu." Sau đó, hắn ôm lấy chân của Lưu Tư lệnh nói: "Đại ca, để xảy ra chuyện ngoài ý muốn này đệ cũng có trách nhiệm, đại ca. Hãy giết đệ đi, giết đệ đi! Để tế vong hồn cha mẹ trên trời."

Tần Bách Xuyên thừa biết Lưu Tư lệnh sẽ không giết hắn, vì lão ta thấy Tần Bách Xuyên cũng là có ý tốt, chỉ có điều thầy phong thủy mà hắn mời đến lại là kẻ phá hoại.

Lưu Tư lệnh cười gằn nói: "Đây là bậc đại sư mà mày mời về đó sao! Giờ hài cốt của cha mẹ không còn nữa, mày khiến tao chẳng còn mặt mũi nào mà đứng trước liệt tổ liệt tông nữa rồi."

Bỗng nhiên, Tần Bách Xuyên quay sang Tổ Gia: "Ông làm cái trò gì thế? Chọn đúng cái chỗ chết tiệt. Ta và đại ca chịu đựng sao nổi nỗi đau này đây."

Lưu Tư lệnh dí súng lên đầu Tổ Gia: "Tao bắn một phát vỡ đầu thì quá dễ dàng cho quân khốn kiếp nhà mày. Chúng mày đâu? Trói gô cổ thằng khốn này lại cho tao!"

Thấy mấy tên xông lên, tôi liền xộc tới phía trước, định bảo vệ Tổ Gia, nhưng lại bị Tổ Gia kìm giữ lại bên sườn. Cùng lúc đó có tiếng súng phát ra, nếu không phải Tổ Gia giữ tôi lại, thì Lưu Tư lệnh đã bắn chết tôi rồi.

 Tổ Gia nói: "Người nào làm người đó chịu, không liên quan gì đến cậu ta."

Thoắt cái, mấy tên cướp đã trói quặt cánh tay Tổ Gia ra sau lưng.

Lưu Tư lệnh lại quát to: "Đẩy pháo vào đây!"

Tôi nghe thấy, pháo ư? Hắn định làm gì?

Không lâu sau, mấy tên cướp đẩy quả đại pháo kẽo kẹt từ ngoài cổng vào.

Lưu Tư lệnh nói với Tổ Gia: "Tao không cần biết mày có bản lĩnh thật sự hay không, cũng không cần biết rốt cuộc mày có bản lĩnh thế nào, tiếng tăm ra sao, nhưng bố cục phong thủy này mày đã không làm được xong cho tao, còn khiến hài cốt của cha mẹ tao bị mất. Tao phải cho mày nổ tan xác bằng quả pháo này, để tế vong linh của cha mẹ nhà tao."

Tôi vừa nghe thấy thế giật thót người, lão ta muốn cho nổ quả pháo để giết Tổ Gia, tôi bật khóc chen đến dưới chân tên cướp đó nói: "Xin Lưu Tư lệnh nể tình mà nhẹ tay cho. Chuyện này vẫn còn có điều chưa được làm sáng tỏ!"

Lưu Tư lệnh ngửa cổ lên trời cười sằng sặc: "Đến mà giải thích với cha mẹ tao ấy!"

Tổ Gia bị trói quặt tay vào một chiếc cột, bọn thổ phỉ quay miệng pháo, nhắm thẳng vào ông. 

Tôi biết quả pháo này mà được bắn ra thì Tổ Gia sẽ chết, tôi ôm lấy chân ông gào khóc: "Tổ Gia! Tổ Gia!"

Tên đạo đức giả Tần Bách Xuyên cũng khóc lóc nói: "Tổ Gia, tự mình tạo nghiệp thì hãy tự chuộc tội đi. Tôi cũng không thể giúp gì được cho ông rồi."

Bỗng có tiếng súng nổ ngoài cổng khiến cho tất cả mọi người cùng giật mình, một tiếng nói rất to cất lên: "Lưu Tư lệnh dừng tay!"


TẦN BÁCH XUYÊN BỊ VẠCH MẶT

Tôi nhận ra ngay giọng nói của Giang Phi Yến. Sao bà ấy lại đến đây? Đi theo sau bà còn có một người mặc quân phục, khoảng chừng 40 tuổi.

Lưu Tư lệnh sững người: "Bà là...?"

Giang Phi Yến cười: "Tại hạ là học trò của Tổ Gia, Giang Phi Yến." Sau đó bà chỉ vào người đang đứng phía sau mình nói: "Vị này là Thiếu tướng Phùng của Cục Quân thống."

Lưu Tư lệnh sững người lần nữa, nhưng vẫn nói vẻ rất căm phẫn: "Hôm nay dù ai đến cũng mặc. Ông đây phải giết chết thằng khốn này!"

Giang Phi Yến vẫn cười nói: "Lưu Tư lệnh đúng là một người con có hiếu, bà con mấy chục dặm quanh đây đều biết. Việc dời mộ cha mẹ được xem là ngài đã tận hiếu rồi. Nay phần mộ đã bị phá, vàng bạc châu báu đều bị trộm sạch, hài cốt của hai cụ cũng bị nổ tan tành, dù là ai cũng không thể chịu đựng nổi, cho nên phải giết tên này, phải giết chứ!"

Lưu Tư lệnh ngơ ngác chẳng hiểu Giang Phi Yến có ý gì.

Bà nói tiếp: "Nhưng, Lưu Tư lệnh không muốn biết ai phá nổ phần mộ tổ nhà mình sao?"

Lưu Tư lệnh rối trí, liền hỏi: "Ai? Không phải là bọn đào mộ trộm à?"

Giang Phi Yến cười nhạt, bà quay ra cửa nói thật to: "Dẫn vào đây!"

Lập tức có hai tên bị đánh bầm dập được giải vào giữa sân, chân chúng mềm nhũn khuỵu xuống đất, mặt cúi gằm.

Giang Phi Yến quay sang nói với Tần Bách Xuyên: "Tần gia, chắc ông nhận ra hai tên này chứ?"

Tần Bách Xuyên giật phắt khẩu súng giắt ở hông ra, chĩa thẳng vào hai tên đó định bắn. Vị thiếu tướng họ Phùng nhanh tay hơn, rút súng bắn trúng tay hắn, khẩu súng rơi ngay xuống đất.

Tần Bách Xuyên ôm lấy tay, giận dữ: "Mày...!"

Giang Phi Yến nói với Lưu Tư lệnh: "Xin Tư lệnh minh xét! Tất cả đều là trò bịp bợm do một mình tên Tần Bách Xuyên làm. Hắn chính là một tên lừa đảo, từ lâu đã muốn lừa lấy tiền của ngài. Bản thân hắn không hiểu gì về phong thủy mới phải mời Tổ Gia đến, hòng mượn tay Tổ Gia để lừa lấy tiền bạc. Chuyện này từ đầu đến cuối Tổ Gia không hề hay biết, ông ấy là đại sư tinh thông Kinh dịch chân chính, nhân dân khắp vùng Giang Hoài đều ca ngợi ông. Sau khi điều chỉnh phong thủy cho ngài xong, Tần Bách Xuyên cố ý sai hai tên này, nửa đêm đến phá nổ tung mộ cha mẹ ngài, dựng hiện trường giả như bị bọn đào mả trộm làm, để ngài trút giận lên đầu Tổ Gia. Lúc đó, hắn cố ý dẫn Tổ Gia đi thăm thú khắp nơi. Mục đích là để làm như mình chẳng liên quan gì. Đợi sau khi ngài giết chết Tổ Gia, hắn ta sẽ nói chính Tổ Gia đã tuồn hết số vàng bạc kia đi trong mấy ngày rồi! Còn về phần hắn, hẳn ngài sẽ nghĩ hắn là huynh đệ kết nghĩa , nhiều lắm chỉ bị cái tội không tìm hiểu kỹ càng, chỉ cần nói vài câu dễ nghe thì ngài sẽ không giết hắn nữa. Cuối cùng, ngài vừa mất tiền, lại mất cả hài cốt của cha mẹ, còn Tổ Gia thì mất mạng, chỉ có hắn là kiếm bộn tiền. Tư lệnh à! Ngài hãy mở mắt mà trông! Chính là thằng huynh đệ kết nghĩa của ngài đấy."

Tần Bách Xuyên nổi khùng: "Ngươi... ngậm máu phun người!"

Lúc này, thiếu tướng Phùng cố ý chắp tay nói với Tổ Gia: "Tổ Gia, lâu quá không gặp vẫn khỏe chứ? Năm ngoái ông giúp điều chỉnh phong thủy cho mộ tiên phụ tôi, giờ đã có hiệu quả rồi. Đa tạ Tổ Gia!"

Giang Phi Yến cầm súng chỉ vào người hai tên tay chân đã phá mộ nói: "Nói cho mọi người biết, ai sai các ngươi làm?"

Hai tên khóc lóc nói: "Là Tần Gia, là Tần Gia! Xin bà tha mạng!"

Lưu Tư lệnh nghe xong, chĩa thẳng súng vào Tần Bách Xuyên, quát lớn: "Đúng là mày làm không! Nói! Nói!"

Tần Bách Xuyên cuống cuồng, hắn nín một hơi nói: "Đại ca, huynh đừng nghe con mụ này nói láo. Huynh là người hiểu đệ mà. Chính là đệ, Tần Bách Xuyên đệ mới là người học Kinh Dịch chân chính. Tên Tổ Gia kia lòng dạ nham hiểm, từ lâu luôn đố kỵ với tài năng của đệ nên luôn muốn tìm cách hạ bệ đệ. Đệ mời hắn đến đây chỉ là muốn lừa hắn, rồi tiêu diệt tên lừa đảo trong giới học Kinh Dịch này!"

Tổ Gia ngửa cổ lên cười lớn: "Lưu Tư lệnh ngài đã nghe thủng chưa, huynh đệ của ngài có bản lĩnh thật, một kẻ có bản lĩnh mà lại đem hài cốt của cha mẹ người anh kết nghĩa của mình ra làm cái giá vì muốn giết một người đấy!"

Tần Bách Xuyên nghe thế biết mình vừa mới tự thắt cổ mình, vội chữa: "Đại ca! Việc đó chỉ là bất đắc dĩ thôi."

Tổ Gia cười nói: "Thật hay giả đã không còn quan trọng nữa. Sự thật ông chính là kẻ vong ân bội nghĩa, táng tận lương tâm. Lưu Tư lệnh! Đây chính là huynh đệ tốt của ngài đấy."

Ngọn lửa trong người Lưu Tư lệnh đã được châm lên, lão nhìn Tần Bách Xuyên đầy căm phẫn.

Tần Bách Xuyên bị Tổ Gia và Giang Phi Yến dồn đến đường cùng. Hắn như kẻ mất trí, buông thõng cánh tay đầy máu xuống, hung hăng chửi: "Mẹ kiếp! Tất cả đều là lừa bịp. Việc đã đến nước này tao sẽ nói toạc hết ra. Cho chết cả lũ."

Hắn chỉ vào Giang Phi Yến nói với Lưu Tư lệnh: "Nó, con mụ đó là kẻ lừa đảo, trùm lừa đảo Nam Việt." Sau đó quay sang chỉ vào Tổ Gia: "Còn hắn cũng là một tên bịp bợm. Chúng tao đều cùng một băng nhóm. Một băng nhóm đấy, mày biết không? Thằng ngu!"

Tổ Gia vẫn cười to, nói: "Tư lệnh thấy đấy, nếu cùng là bè lũ với nhau, mà hắn lại muốn giết tôi, ông có tin không?"

Việc đã đến nước này, Tần Bách Xuyên có nói gì cũng chẳng có ai tin nữa. Hắn nổi điên lên.

Tư lệnh quát to: "Hãy trói thằng khốn này lại cho ta." Bọn cướp cùng tiến tới trói gô cổ Tần Bách Xuyên lại.

"Chĩa quả đại pháo vào thẳng thằng khốn này!" Lưu Tư lệnh hạ lệnh, hai tên cướp lại quay quả đại pháo, chĩa miệng pháo vào thẳng ngực của Tần Bách Xuyên.

Tổ Gia liếc mắt nhìn Tần Bách Xuyên: "Tần gia, lên đường nhé. Đến mà trò chuyện, bầu bạn với Tiền Gia."

"Mẹ..." Tần Bách Xuyên vừa mở miệng nói thì Lưu Tư lệnh ra lệnh: "Giết!"

"Đùng!" đất trời chao đảo, rung chuyển. Tần Bách Xuyên nát vụn, trên mặt đất chỉ còn lại vài miếng thịt, cả một khoảng trời yên ắng hẳn đi. Tần Bách Xuyên cả đời luôn tự cho mình là kẻ khó lường, thật giả lẫn lộn, cuối cùng lại chết trên cái thật thật giả giả do chính hắn thêu dệt lên.

Giang Phi Yến đi tới giúp Tổ Gia cởi trói: "Tổ Gia, ông đã chịu cực khổ rồi."

Tổ Gia đi đến trước mặt Lưu Tư lệnh, nói với vẻ mặt rất áy náy: "Lưu Tư lệnh, xảy ra chuyện ngoài ý muốn thế này tôi cũng rất lấy làm hổ thẹn. Tục ngữ có câu Người tính không bằng trời tính. Tôi không ngờ Tần Bách Xuyên lại là con người như vậy, tôi xin hoàn trả lại đủ số tiền của ngài. Nếu vẫn chưa thể hóa giải được nỗi uất hận trong lòng, kẻ hèn này xin tùy ý ngài xử lý." Nói đoạn, ông nắm tay Lưu Tư lệnh, chĩa họng súng thẳng vào đầu mình.

Lưu Tư lệnh ngây người ra, mãi một lúc lâu mới nói: "Tổ Gia nói gì thế? Việc này không liên quan gì đến ông, là do tôi không thận trọng khi kết giao bạn bè, nên mới rơi vào tình cảnh này thôi."

Giang Phi Yến nói nhỏ với Tổ Gia: "Tổ Gia, chúng ta đi thôi."

Lưu Tư lệnh nói: "Không được đi!"

Giang Phi Yến giật mình: "Sao  vậy?"

Lưu Tư lệnh cười nói: "Âm trạch đã bị phá rồi, dương trạch vẫn còn. Trước đây, khi Tổ Gia xem phần mộ cho tôi đã nói đúng những đại họa mà tôi gặp phải trước đây. Tổ Gia là người có bản lĩnh thật sự, bởi vậy... xin Tổ Gia đừng chấp nhất chuyện vừa rồi. Hãy xem giúp lão già này phong thủy dương trạch!"

Tổ Gia nhìn nhìn Giang Phi Yến, cười nói: "Cảm ơn sự tin cẩn của Tư lệnh!"

Sau khi Tổ Gia giả vờ điều chỉnh lại phong thủy dương trạch cho Lưu Tư lệnh, ông đã không lấy tiền của ông ta. Tổ Gia nói với Giang Phi Yến: "Mộ tổ nhà ông ta đã bị phá rồi. Khoản tiền này chúng ta không lấy nữa."

Về sau, Tổ Gia lần lượt thu nạp và tổ chức lại quân của Tần Bách Xuyên. Vụ dàn cục kép này thật giả khó phân. Bọn tay chân trong Đường khẩu cũng không biết rõ rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, nhưng bọn họ đều có ấn tượng tốt đẹp về Tổ Gia. Bao nhiêu năm nay Tổ Gia bỏ tiền mua chuộc lòng người, đến giờ đã phát huy hiệu quả, ai nấy đều muốn đi theo Tổ Gia.

Một tháng sau, tôi và Tổ Gia trở về Nam Việt. Tổ Gia đã xóa bỏ cơ cấu tổ chức trong Đường khẩu của Tần Bách Xuyên. Ông lập lên một phân đà(3) ở Tứ Xuyên, cất nhắc một thủ hạ của Tần Bách Xuyên lên làm đà chủ(4), có cấp bậc ngang hàng với Bá đầu. Sau khi trở về Nam Việt, ông lại phái Nhị Bá đầu đến Tứ Xuyên đảm nhiệm việc đôn đốc phân đà này, cùng trợ giúp đà chủ làm ăn kinh doanh. Nhưng kỳ thực đây là cách ông cài người của mình vào, để đề phòng sinh biến.

(3) Chi nhánh

(4) Người cầm lái

Cho đến lúc này, trong Tứ đại Đường khẩu ở Bắc Nam Đông Tây, ngoài Nam phái Việt Hải Đường ra, tất cả đều đã quy về dưới trướng của Tổ Gia.

Chưa đầy một tuần sau, Đường khẩu Việt Hải Đường cũng về tay Tổ Gia. Đó là do Giang Phi Yến tự nguyện.

Giang Phi Yến đã quyết định ra đi. Sau khi từ Tứ Xuyên trở về, một lần Giang Phi Yến và Tổ Gia đã trò chuyện với nhau rất lâu. Năm 1952, trước khi Tổ Gia mất, ông đã kể lại chuyện này cho tôi nghe.

Từ lần đầu tiên Giang Phi Yến gặp Tổ Gia, bà đã yêu ông. Nhưng số phận đã an bài để hai người họ cùng vào vai những kẻ lừa đảo, đã vậy còn là trùm lừa đảo. Họ đã bước chân vào giới giang hồ thì không thể làm chủ bản thân mình được nữa. Có biết bao điều phải đắn đo, lo ngại về thân phận, tiền đồ của Đường khẩu, còn phải nghĩ cho các huynh đệ nữa...

Từ lâu Giang Phi Yến đã nói muốn cùng Tổ Gia cao chạy xa bay, giao lại Đường khẩu cho người khác. Còn hai người sẽ ra nước ngoài, nhưng Tổ Gia không đồng ý. Khi đó, trong đầu Tổ Gia chỉ chứa toàn những thứ mà ông ấy gọi là "đạo", sau khi tiếp nhận Đường khẩu từ tay Trương Đan Thành, là ông đã gánh trên vai sứ mệnh đưa phái Giang Tướng đi tiếp, lý tưởng của ông là  muốn đưa phái Giang Tướng đi theo con đường chính đạo. Nhưng khi đã bước chân vào, ông không làm được như vậy.

Thậm chí Giang Phi Yến còn muốn có được niềm vui bên Tổ Gia một đêm, nhưng Tổ Gia nhất quyết không đồng ý.

Giang Phi Yến từng hỏi Tổ Gia: "Có phải vì thân thể tôi không trong sạch, Tổ Gia mới không thể thương yêu?"

Tổ Gia cúi đầu nói: "Yến tỷ vì phái Giang Tướng mà đã đánh đổi tất cả, tôi phải tôn kính mới phải. Đâu có lý nào mà ghét bỏ." Tổ Gia biết, không thể nào làm được việc đó, bởi nếu làm rồi thì sẽ không thể dứt ra được.

Về sau, Giang Phi Yến đồng ý giúp Tổ Gia diệt trừ Tần Bách Xuyên, sau đó bà rời xa ông mãi mãi.

Tổ Gia không thể lấy Giang Phi Yến, nhưng có người khác muốn lấy bà. Đó cũng là một cuộc tình khắc cốt ghi tâm. Chuyện tình cảm không thể nói rõ ràng được, bởi vậy người xưa đã nói: "Hỏi thế gian tình ái là chi. Để cho đôi lứa nguyện thề sống chết."

Vị Thiếu tướng họ Phùng của Quân thống đã yêu bà từ khi mới 25 tuổi sau khi bị bà tóm được. Khi đó, Giang Phi Yến đã 31 tuổi, để có được các mối quan hệ rộng lớn hơn nữa, bà đã dùng mỹ nhân kế để bắt được vị Phùng Thiếu tướng đó, mặc dù khi đó ông ta vẫn chưa là Thiếu tướng. Nhưng khi Giang Phi Yến tiếp nhận mạng lưới các mối quan hệ của Kiều Ngũ Muội, bà đã nhằm đúng người này. Giang Phi Yến không hề nhìn lầm người, gần hai mươi năm nay, ông đã chạy theo khắp nơi giúp đỡ bà, tình yêu chính là như vậy, dù biết rõ đối phương là trùm lừa đảo mà vẫn yêu. Có lẽ yêu một người là có thể yêu tất cả những gì thuộc về người đó.

Mới đầu, Giang Phi Yến chỉ coi ông ta là một quân cờ. Về sau, bà mới phát hiện mỗi khi xảy ra chuyện, người này yêu mình thật lòng, hơn nữa luôn dốc hết lòng vì mình.

Giang Phi Yến từng nói thẳng với ông ta: "Phi  Yến chính là kẻ lừa đảo đi lạc vào chốn hồng trần. Không đáng để tướng quân yêu thương như vậy."

Phùng Thiếu tướng nói: "Trong mắt tôi, chị chỉ là Giang Phi Yến. Tôi không cần biết người ấy là kẻ lừa đảo hay không."

Mỗi ngày như thế trôi đi, Giang Phi Yến sống trong sự mâu thuẫn giữa sự dằn vặt, tâm lợi dụng và tình thương yêu.

Giang Phi Yến nói với Tổ Gia: "Việc mà con người luôn phải đau khổ nhất trong cuộc đời đó là người mà mình yêu không yêu mình, người yêu mình mà mình lại không yêu."

Những trận thua liên tiếp của Quốc dân Đảng khiến cho Phùng Thiếu tướng càng thêm âu lo. Từ đầu mùa xuân năm 1949 đến nay, ông nhiều lần bảo Giang Phi Yến bỏ đi cùng ông. Ông nói: "Chúng ta đều đã từng làm những điều ác, chị đã lừa rất nhiều người, tôi từng giết rất nhiều người. Chúng ta hãy rời khỏi cái nơi đầy rẫy những chuyện thị phi này không tốt sao?"

Chính vào giờ phút quan trọng này, Đường khẩu của Tổ Gia lại xảy ra biến lớn. Sau đó, Tổ Gia muốn tương kế tựu kế diệt trừ Tần Bách Xuyên. Nhưng để diệt Tần Bách Xuyên chẳng phải là chuyện dễ dàng, Tổ Gia lập kế hoạch phối hợp với Giang Phi Yến, kỳ thực là muốn để bà khởi động nguồn sức mạnh có Quân thống đứng chống sau lưng bà. Tổ Gia biết lần này người mà ông phải đối phó không chỉ có Tần Bách Xuyên, còn có cả bọn cướp có súng đạn trong tay. Ngộ nhỡ có gì bất trắc, mình không thể ứng phó được.

Vì thế ông bàn bạc với Giang Phi Yến, cần phải đưa thêm cả quân đội chính quy đến. Một mặt. mai phục ở vòng ngoài chỗ bọn cướp, nhỡ hỏng việc còn có quân đội đứng ra, bản thân mình sẽ không đến nỗi bị mất mạng. Mặt khác mai phục ở gần Đường khẩu của Tần Bách Xuyên, trong quá trình dàn cục hoặc sau khi kết thúc việc dàn cục, cải tổ lại Đường khẩu của Tần Bách Xuyên, nếu chẳng may có kẻ làm phản thì có thể tóm gọn một mẻ.

Tổ Gia phân tích, Tần Bách Xuyên muốn tạo bố cục phong thủy. Trong khi đó khả năng duy nhất có thể dồn người ta vào chỗ chết đó chính là để xảy ra chuyện tại chính nơi được sắp đặt theo phong thủy. Ví như, anh vừa mới điều chỉnh phong thủy âm trạch cho người ta mà phần mộ lại bị nước cuốn trôi mất hay nếu anh vừa mới điều chỉnh phong thủy dương trạch, mà nhà người ta lại bị cháy. Đây đều là những việc đại kỵ, là đòn chí mạng. Ngoài những điều này ra, những lời để lừa gạt người ta như có phúc có lộc, con cháu đời sau vinh hiển, phát đạt, thì cần phải có thời gian kiểm chứng, có thể phải mất mấy năm, cũng có thể mấy chục năm, khi đó người có liên quan đều đã biến mất.

Cho nên, Tổ Gia bảo Giang Phi Yến bí mật đi theo mình tới đất Tứ Xuyên. Cùng lúc đó, vị thiếu tướng kia cũng phối hợp với Giang Phi Yến, điều động mấy trăm lính ở xung quanh sẵn sàng tiếp ứng.

Hôm đó, sau khi hài cốt của cha mẹ Lưu Tư lệnh được chôn cất xong, Giang Phi Yến dẫn theo vài người nấp ở trong khe núi bí mật theo dõi. Kết quả sau đó ba ngày, vào buổi tối xuất hiện hai bóng đen, bọn chúng cài mìn cho nổ sập ngôi mộ. Giang Phi Yến cố ý chỉ đứng theo dõi việc chúng làm. Phải để chúng cho sập ngôi mộ thì mới có thể dồn Tần Bách Xuyên vào chỗ chết.

Sau khi cho nổ, hai tên kia lấy hết vàng bạc trong đó, vừa định bỏ chạy thì bị Giang Phi Yến chặn lại. Nhờ đó mới có được màn kịch làm chấn động lòng người kia tại Đường khẩu của Tần Bách Xuyên.

Tổ Gia không hề biết, lần giúp dàn cục này cũng là lần cuối cùng bà giúp ông trên danh nghĩa tình yêu.

Khi Giang Phi Yến đến tìm Phùng Thiếu tướng, ông mừng đến rơi lệ nói: "Tôi đã đợi em gần 20 năm, từ khi 25 tuổi đến giờ đã là 42 rồi. Vụ này tôi giúp em, tôi cầu xin em đi cùng tôi."

Giang Phi Yến cũng đã nghĩ đến chuyện ấy. Bà biết mình nợ Phùng Thiếu Tướng quá nhiều. Mấy năm nay, bà cứ lần lữa hết lần này đến lần khác, bà định sẽ cứ mãi như vậy cho đến hết cuộc đời, cho đến khi nhan sắc tàn phai thì có lẽ người ta sẽ không còn yêu mình nữa. Nhưng điều mà bà không ngờ được rằng, Phùng Thiếu tướng lại quá si tình. Năm tháng trôi đi chẳng thể xóa nhòa tình cảm của ông dành cho bà, mà càng ngày càng sâu đậm. Chỉ cần Giang Phi Yến chưa lấy chồng, ông sẽ vẫn cứ chờ đợi.

Giang Phi Yến cũng nói với Tổ Gia: "Như tôi, mấy năm nay vẫn luôn một lòng yêu thương Tổ Gia, tôi cũng đã cố gắng thay đổi bản thân mình, nhưng vẫn chưa làm được, cuối cùng lần này cũng đã làm được rồi. Hai mươi năm, coi như đã được giải thoát. Sau khi tôi ra đi, sẽ không còn Phi Yến bên cạnh, Tổ Gia hãy bảo trọng."

Tổ Gia đã khóc. Một người phụ nữ đã đánh đổi mọi thứ vì mình, cho dù đi lấy người khác cũng vẫn là vì mình. Tổ Gia trong lòng cảm thấy rất day dứt.

"Yến tỷ, kiếp này có duyên không nợ, mong kiếp sau sẽ gặp lại!" Tổ Gia lau nước mắt.

Có lẽ câu "kiếp này có duyên không nợ, mong kiếp sau gặp lại" là cách giải thoát tốt nhất cho những người có tình cảm với nhau mà không thể đến được với nhau.

Khi Giang Phi Yến ra đi, bà giao lại cuốn Việt Hải Đường phong tướng Trát ký đã được 300 tuổi của Đường khẩu cho Tổ Gia. Cuốn sách này rất có tiếng trong giới lừa đảo, nó cũng gây xôn xao trên giang hồ, nhưng chỉ được truyền lại cho nữ giới, không truyền cho nam giới, nghe nói nó là do hiệp nữ Đường Vịnh Hà - người sáng lập ra Việt Hải Đường năm xưa viết. Đường Vịnh Hà tài mạo song toàn, võ nghệ hơn người, bà là đà chủ của phân đà Thiên Địa hội, khi Phương Chiếu Dư sáng lập ra phái Giang Tướng, dưới ông ta có Tứ đại môn phái là: Càn, Khôn, Khảm, Ly. Chưởng môn của Ly môn (phái Ly) chính là Đường Vịnh Hà, Ly Môn cũn chính là Việt Hải Đường sau này.

Việt Hải Đường phong tướng Trát ký thực ra là cuốn sách nói về tâm lý học lừa đảo, nó giống như cuốn sách rất thông dụng có tên Anh Diệu Thiên mà các A Bảo thường dùng. Khác nhau ở chỗ: Việt Hải Đường phong tướng Trát ký thiên về lừa đảo bằng cách tạo bố cục phong thủy. Nó là sự kết hợp đỉnh cao giữa thuật phong thủy và tâm lý học, đạt đến cảnh giới xuất thần nhập hóa.

Trong Tứ đại Đường khẩu ở khắp Đông Tây Nam Bắc, mỗi đường khẩu có sở trường và bảo bối trấn trạch của riêng mình, sở dĩ Nam phái Việt Hải Đường đưa tâm lý học vào thuật lừa đảo và phát triển đến cảnh giới cao nhất là còn vì nó không tách rời khỏi đặc trưng của Đường khẩu. Việt Hải Đường chỉ toàn nữ giới, phụ nữ không khỏe mạnh bằng nam giới, việc đánh đấm, chém giết không thể "thạo nghề" bằng nam giới, cho nên thông thường họ không thể lấy đá chọi đá. Họ có sở trường dành phần thắng nhờ vào khả năng phán đoán, nắm bắt tâm lý đối phương, rồi kết hợp phong thủy học với tâm lý đối phương, rồi kết hợp với phong thủy học với tâm lý học để tạo thành cuốn sách tâm lý học có dùng cả những mánh khóe phong thủy rất độc đáo, đặc biệt. Đó chính là cuốn Việt Hải Đường phong tướng Trát ký.

Trước khi Tổ Gia mất, ông có nói với tôi rằng người mà ông cảm thấy có lỗi nhất trong cuộc đời chính là Giang Phi Yến. Ông không thể trả hết món nợ tình cảm cho bà, không biết có kiếp sau hay không, nếu có thì liệu có thể được gặp người mang cái tên Giang Phi Yến, không biết họ có thể trở thành một cặp đôi bình thường và được ở bên nhau hay không.

Khi nghe những chuyện Tổ Gia nói, tôi không khỏi ngậm ngùi thương cảm. Nhiều năm sau, tôi lấy vợ sinh con, một lão trượng thường nói với tôi thế này: "Con người trong cuộc đời này đừng tham lam phú quý, cứ sống bình an là tốt rồi. Bình an mới là hạnh phúc." Tổ Gia chinh chiến một đời, cuối cùng điều ông ấy muốn lại chính là được sống một cuộc sống bình thường. Tại Tổ Gia đã sai hay số phận đã sắp đặt lầm?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top