Chương 6: "BỐN VỊ THẦY TƯỚNG SỐ" MỖI NGƯỜI MỘT TUYỆT KỸ ĐỘC MÔN
Âm mưu làm phản của Tam Bá đầu
Trong lịch sử, những cuộc đấu đá trong cung đình luôn có một vài vị hoàng đế, phi tử, thái tử chết một cách không minh bạch. Nguyên nhân nằm trong Thực đơn giết người bí truyền.
Nói một cách chính xác, phương thuốc bí truyền này nằm trong thực đơn trong một bữa ăn. Mỗi một món ăn, từ nguyên liệu đến cách nấu nướng đều không có bất kỳ vấn đề gì, nhưng một khi ăn một món này với món khác lập tức sẽ có vấn đề.
Vạn vật trong vũ trụ đều có thuộc tính âm dương. Ví dụ, nam là dương, nữ là âm, ngày là dương, đêm là âm, mặt trời là dương, mặt trăng là âm, lửa là dương, nước là âm, ngày nắng là dương, ngày mưa là âm... Đồ ăn cũng vậy. Theo Đông y: "Tối ăn củ cải, sáng ăn gừng, thầy thuốc không viếng thăm." Đây chính là đạo lý dưỡng sinh bằng phương pháp ăn uống. Tại sao phải ăn củ cải vào buổi tối vì đêm là âm, buổi tối dương khí trong cơ thể suy dần, khí âm chuyển vượng, mà củ cải vừa hay thuộc âm, lúc này ăn củ cải chính là thuận theo sự tuần hoàn của khí âm trong cơ thể. Tương tự, buổi sáng là lúc khí dương thịnh lên, gừng thuộc dương, ăn vài lát gừng sẽ thúc đẩy sự vận hành của khí dương trong cơ thể. Đây chính là đạo của âm dương. Nếu đi ngược lại đạo âm dương này thì sao? Đông y đã cảnh báo về hậu quả của việc ăn uống đi ngược nguyên lý âm dương rằng: "Sáng ăn gừng, có thể bảo vệ sức khỏe. Tối ăn gừng, chẳng khác gì ăn thạch tín." Có thể thấy, đi ngược đạo âm dương, là vô cùng đáng sợ.
Gần hai tháng nay, thực đơn mà Phong Tử Thủ ăn đều là những món có thuộc tính Ngũ hành tương xung tương khắc, "thịt lợn khai nguyên hầm", cho thêm "củ ấu âm dương", âm vượng gặp dương vượng, Thủy lan tràn Mộc nổi trôi, tổn hại đến gan; "gà xé phay trộn dưa chuột" cho thêm "lạc ngâm rượu cửu âm", Thiếu âm(1) xung với Thái dương(2), Mộc nhiều phá Kim, tổn hại đến phổi; "thịt chó tam dương khai thái" cộng với "đậu song sắc(3), Thái dương lấn át Thiếu âm, tổn thương đến thận... Cứ bảy ngày lại quay vòng các thực đơn này, khiến lục phủ ngũ tạng dần dần bị tàn phá.
(1) Theo Kinh dịch, tứ tượng bao gồm: Thái dương, Thiếu dương, Thái âm, Thiếu âm.
(2) Ít âm xung với toàn dương.
(3) Loại đậu chế biến theo phương pháp bí truyền có hai màu.
Đây chính là mánh khóe giết người dựa vào khí trong Ngũ hành. Một mánh khóe giết người độc địa, thầm lặng.
Thức ăn sẽ tác dụng từ từ, mới đầu không thể nhận ra được, người ăn chúng cùng lắm chỉ bị nóng ruột, đi ngoài. Nhưng thực chất, lúc này lục phủ ngũ tạng đã bị tổn hại, có lúc nạn nhân luôn mệt mỏi, kiệt sức, nhưng lại cứ nghĩ do lao động quá độ gây nên mệt mỏi nên không chú ý lắm. Lâu dần, nguyên khí trong ngũ tạng tiêu hao đến cùng kiệt, chẳng bao lâu cơ thể mất đi sự cân bằng âm dương. Sinh mệnh tồn tại được là nhờ có sự cân bằng âm dương, khi sự cân bằng đó bị phá vỡ, nhẹ thì nhiều bệnh tật, nặng thì sẽ chết.
Từ nhỏ, Phong Tử Thủ đã luyện tập võ nghệ, thân thể cường tráng, lúc mới ăn vào chỉ cảm thấy hơi khó chịu, nên cho rằng đó là hiện tượng sinh lý bình thường. Hơn nữa anh ta vẫn kiên trì luyện võ, điều này lại càng có hại, vì khi luyện võ cũng cần phải vận khí, trong khi đó, khí huyết trong người lúc này đã bị rối loạn. Nếu cố gắng gồng mình vào tình trạng "đá chọi đá", đó là một cuộc chiến vô cùng bi thảm vì chiến trường chính là cơ thể của mình.
Cuối cùng, đến một ngày, khi Phong Tử Thủ đang luyện võ, đột nhiên bị tức ngược, thổ huyết, không đầy vài ngày sau lông tóc bắt đầu rụng, khi tìm đến thầy thuốc thì bệnh đã vô phương cứu chữa. Bởi vậy, đại phu mới chẩn đoán rằng tất cả các cơ quan trong cơ thể đều đã suy kiệt, nhưng lại không thể tìm ra nguyên nhân, không ai có thể ngờ rằng ăn cơm lại có thể khiến người ta bị chết.
Nghe Vương Gia Hiền nói về thực đơn giết người này, Tổ Gia đập bàn, đứng dậy chửi rủa: "Quân khốn kiếp! Một lũ tạp chủng!" Giọng ông run lên vì giận dữ.
Vương Gia Hiền sợ đến nỗi cứ dập đầu xuống nền nhà côm cốp, van xin: "Xin Tổ Gia tha mạng, xin Tổ Gia tha mạng!"
Tổ Gia vốn thông minh hơn người. Ngay từ khi Tiền Diệu Lâm đến Đường khẩu, ông đã đề phòng mọi lúc mọi nơi, nhưng không ngờ lão ta lại dùng đến độc kế này. Bản thân Tổ Gia mãi đến khi xuống nhà bếp Lục Bá đầu tra xét mới nghi ngờ rằng vấn đề có lẽ nằm ở tờ thực đơn.
Thực ra, lúc đó Tổ Gia vẫn chưa biết chắc liệu có phải tờ thực đơn này có vấn đề hay không. Bởi vậy, ngày hôm sau ông mới dùng cách "thực lộc", mời mọi người ăn cơm. Bọn Tiền Diệu Lâm và Tam Bá đầu có nằm mơ cũng không thể ngờ rằng Tổ Gia lại chú ý đến tờ thực đơn vô tri vô giác này. Bởi một năm bốn mùa, mùa nào Phong Tử Thủ cũng thay đổi rất nhiều thực đơn, mười mấy năm nay vẫn luôn như vậy, nên bản thân Phong Tử Thủ cũng chưa bao giờ để ý đến tờ thực đơn mới này. Nhưng Tổ Gia lại khác. Ông ấy quả không hổ danh là Tổ Gia.
Bọn Tam Bá đầu có tật giật mình, chúng biết rõ Phong Tử Thủ thân thể cường tráng, phải mất đến hai tháng mới có thể đưa anh ta vào được quan tài. Còn như với sức vóc của chúng, chỉ cần vài bữa là xong đời, mà cho dù không chết ngay cũng rước bệnh vào người. Giờ đây Tổ Gia lại bày thực đơn này lên, bắt phải ăn, không ăn tất sẽ lòi cái đuôi cáo, chúng biết rõ chỉ cần không kết hợp ăn những món đó với nhau sẽ không có vấn đề gì. Cho nên mỗi tên chỉ ăn đúng một món, hoặc ăn những món đồng nhất về thuộc tính âm dương. Chi tiết này không qua được cặp mắt tinh tường của Tổ Gia, nên khi quay về ông đã nói cho tôi biết, cũng nói cho cả Đại Bá đầu, Nhị Bá đầu và Tứ Bá đầu.
Bọn Tam Bá đầu, Tiền Diệu Lâm chắc mẩm đã qua mặt được Tổ Gia. Không ngờ hôm sau Tổ Gia lại tiếp tục yêu cầu "thực lộc", hơn nữa còn nói sẽ thực hiện liên tục trong vòng một tháng. Trong bữa ăn, bọn Tam Bá đầu và Tiền Diệu Lâm nhận thấy ngoài chúng ra, các vị Bá đầu khác cũng chỉ ăn duy nhất một món, chúng đánh hơi thấy sự việc đã có cơ bại lộ.
Chính vào giờ phút quan trọng nhất, Tổ Gia lại dùng kế hoãn binh, ông cố ý nhắc về chuyện cần thêm một vị Bá đầu mới. Một là để làm cho bọn Tam Bá đầu mơ mơ hồ hồ, khiến chúng không dám chắc là Tổ Gia đã thực sự nghi ngờ chúng hay chưa. Hai là muốn mượn tay Tam Bá đầu lôi ra những phần tử có vấn đề khác, nhờ đó mà lòi ra thêm tên Tiểu Thời Thiên.
Ngay sau đó, Vương Gia Hiền lại khai ra một âm mưu lớn hơn khác. Chúng đã lên kế hoạch sẵn, sau khi trừ khử được Phong Tử Thủ, Tần Bách Xuyên sẽ viết thư cho Tổ Gia, nói đang có vụ làm ăn lớn, lừa Tổ Gia đến Tứ Xuyên, rồi dàn cục trong cục hòng lấy mạng Tổ Gia. Cùng lúc này, Tiền Diệu Lâm và Tam Bá đầu dẫn đầu bọn Ngũ Bá đầu, Thất Bá đầu và cả tên Tiểu Thời Thiên đã bị mua chuộc từ trước cùng tạo phản ở nhà. Phong Tử Thủ đã chết, việc khử Đại Bá đầu, Nhị Bá đầu và Tứ Bá đầu không thành vấn đề. Trong ngoài phối hợp, tiêu diệt gọn Đông phái.
Tổ Gia hỏi: "Thực đơn này làm thế nào mà lọt vào bếp của Lục gia?"
Vương Gia Hiền đáp: "Chúng con khống chế đầu bếp của Lục gia. Nếu hắn không chịu phối hợp sẽ giết chết cha mẹ hắn, hắn ta bị ép phải làm phản."
Tổ Gia quát to: "Đại Bá đầu, lập tức đến giết chết tên đầu bếp họ Vương cho ta!"
Đại Bá đầu thưa: "Vâng!" Rồi xách súng toan đi ngay thì Tổ Gia lại nói: "Truyền lệnh cho Nhị Bá đầu, đã có thể xuất kích." Sau khi Đại Bá đầu nhận được mệnh lệnh, ông ta dẫn theo hai tên tay chân đi cùn. Ngay sau đó, một tiếng súng từ xa vọng lại, tiếp đến là hàng loạt tiếng súng nổ theo.
Một lát sau, Đại Bá đầu trở về, nói với Tổ Gia: "Tổ Gia, tên đầu bếp họ Vương đã tự tử rồi. Hắn ta để lại một bức thư."
Tổ Gia cầm đọc. Trong thư, hắn viết toàn những lời ăn năn, hối lỗi. Đại ý nói là bị ép buộc, bản thân thấy không còn mặt mũi nào mà sống nữa. Sau khi đọc xong, Tổ Gia nói: "Đối đãi tốt với cha mẹ anh ta."
Vương Gia Hiền nói tiếp: "Tiền Diệu Lâm và Tam Bá đầu nhận thấy rằng Tổ Gia đã biết sự thật, chúng định ra tay trước vào ngày mai, hòng vá lại manh lưới bị rách. Đã có mười mấy huynh đệ của Đường khẩu bị Tam Bá đầu xúi giục, mai phục sẵn trong rạp hát rồi. Tổ Gia đối với tiểu nhân ân trọng như núi, nên con không nhẫn tâm khoanh tay đứng nhìn, mà lén đến báo tin trước..."
Anh ta còn chưa dứt lời, mấy tên tay chân khiêng một cái bao lớn từ ngoài bước vào. Họ giật tung miệng bao ra, một đống đầu người lăn lông lốc ra ngoài.
Tôi sợ đến nỗi không kêu lên được, mười mấy cái đầu lâu máu me be bét, có cái vẫn còn trợn trừng mắt.
Tổ Gia chỉ vào đống đầu người trên nền nhà lạnh lùng nói: "Những kẻ mai phục trong rạp hát đều ở đây cả."
Vương Gia Hiền thất kinh: "Đây... Tổ Gia, đây..."
Tổ Gia quay người ngồi lên ghế: "Đại Đầu, pha trà!"
Tôi ngẩn người ra, giờ là lúc nào mà Tổ Gia lại có tâm trí uống trà được?
"Ngươi điếc à?" Tổ Gia quát.
Tôi lật đật đi vòng qua mấy cái đầu lâu, đến bên trà kỷ, lập cập mở hộp trà Long Tỉnh.
Tổ Gia chậm rãi nhấp một ngụm, vừa uống vừa lim dim mắt như đang nghĩ ngợi hoặc như đang chờ đợi điều gì đó. Cả căn phòng im phăng phắc không gian như đặc quánh lại. Đằng xa, lúc lúc lại có một loạt tiếng súng vọng lại.
Chừng nửa tiếng sau, tiếng súng thưa dần, một lúc sau, Nhị Bá đầu mồ hồi nhễ nhại chạy vào: "Tổ Gia, đã giải quyết xong. Tiền Diệu Lâm đã tự sát, những tên còn lại đều bị bắt."
Tôi nhìn ra sân, thấy Giang Phi Yến tay đang cầm khẩu súng, mấy A Bảo đang đẩy Tam Bá đầu và Ngũ Bá đầu đã bị trói quặt cánh tay ra phía sau. Còn có cả tên Tiểu Thời Thiên vừa mới nhậm chức Lục Bá đầu.
"Quỳ xuống!" Nhị Bá đầu quát.
Tam Bá đầu, Ngũ Bá đầu, Tiểu Thời Thiên cùng quỳ xuống trước mặt Tổ Gia.
Tôi ôm ấm trà lặng lẽ nhìn bọn họ. Mồ hôi trên trán Tam Bá đầu túa ra, trên mặt còn có cả vết máu.
Tổ Gia nhấp một ngụm trà rồi nói: "Các ngươi còn có gì để nói nữa không?"
Tam Bá đầu ngẩng đầu lên xin: "Tổ Gia, xin người hãy ra tay thật nhanh!"
Tổ Gia thở dài, chầm chậm đứng lên, từ từ bước tới trước mặt Tam Bá đầu, xoa đầu ông ta nói: "Lão Tam à, kiếp sau làm người, đừng có thông minh như vậy nữa..." Bỗng, Tổ Gia giơ tay lên rồi đập một cái, Tam Bá đầu kêu hự lên một tiếng, thân người dướn thẳng rồi ngã lăn xuống đất, chết tươi. Tổ Gia đã đâm một cái đinh sắt vào sau gáy hắn ta.
Ngũ Bá đầu và Tiểu Thời Thiên thấy vậy, phủ phục đầu sát đất: "Xin Tổ Gia tha mạng!"
Tổ Gia ngẩng đầu lên, đau lòng nói: "Các ngươi đi theo ta bao nhiêu năm nay, ta có chỗ nào không phải với các ngươi, cớ sao các ngươi lại nghe theo tên Tam Bá đầu một cách ngu muội như vậy? Tình huynh đệ thủ túc, giết các người ta có khác nào ta chặt đứt cánh tay mình, cũng như chặt đứt đường tiền tài của Đường khẩu. Về sau các ngươi hãy liệu mà làm đi!"
Ngũ Bá đầu và Tiểu Thời Thiên nghe được những lời này, nước mắt trào ra: "Tổ Gia! Chúng con xin lỗi!" Họ dập đầu côm cốp xuống nền đến nỗi chảy cả máu: "Tạ ơn Tổ Gia không biết!"
Bọn họ đâu biết rằng, đây là kế hoãn binh của Tổ Gia. Vốn dĩ khoảng thời gian này tình hình Đường khẩu rối ren, vừa mới từ Giang Hoài chuyển đến Quảng Đông, vì cuộc đấu đá nội bộ này mà mười mấy huynh đệ phải chết. Nếu ông lại giết đi nhiều Bá đầu, chẳng khác gì tự phá hỏng nguyên khí của mình.
Sau đó nhiều năm, tôi hỏi Vương Gia Hiền, tại sao khi đó lại biết ăn năn hối lỗi. Vương Gia Hiền chỉ nói một câu: "Một người ngay cả Đại Sư bá của mình mà cũng dám giết, tôi đi theo hắn liệu có kết cục đẹp không? Lão Tam lòng dạ quá hiểm độc." Nhớ lại những chuyện đã qua, tôi vẫn luôn khâm phục trí tuệ và sự lão luyện của Tổ Gia.
Ông ấy có thể nghi ngờ cả tờ thực đơn vô tri vô giác, sau đó dùng cách "thực lộc" để kiểm tra giả thiết của mình, trong suốt bữa ăn liên tục thả ra những lời lấp lửng nước đôi, khiến người ta không biết đường nào mà lần, rồi quan sát phản ứng của từng người một. Sau khi nhìn rõ chân tướng, ông lại tung hỏa mù, đầu tiên thì đồng ý chuyện Tam Bá đầu tiến cử Tiểu Thời Thiên, sau đó lại cố ý nói muốn đi xem kịch, nhằm kéo dài thời gian. Thực ra, trong thời gian này, ông ấy đang khua chiêng gõ mõ bài binh bố trận. Để đề phòng tên Tam Bá đầu chó cùng dứt dậu mà xông vào tận phủ giết mình, đầu tiên, ông trang bị vũ khí cho đội cận vệ trung thành nhất của mình bên chỗ Đại Bá đầu, cho họ ẩn nấp trong phủ, rồi lại phái Nhị Bá đầu tập hợp đám chân tay và người bên chỗ Tứ Bá đầu lại, bao vây chỗ ở của bọn Tam Bá đầu, Tiền Diệu Lâm. Quan trọng hơn, ông còn có sự trợ giúp của Giang Phi Yến. Bà ấy cát cứ vùng Nam Việt mấy chục năm, nên việc ra vào thành phố bằng đường thủy, đường bộ đều rõ như lòng bàn tay. Bà đã gài người mai phục giúp Tổ Gia, Tổ Gia đã căn dặn: "Không được để thoát bất kỳ một tên nào!"
Kết quả khi Tiền Diệu Lâm cùng mấy tên tay chân vác súng tháo chạy liền bị chặn lại ở bến đò. Sau một trận đọ súng, Tiền Diệu Lâm thấy tình thế không thể cứu vãn, bèn nổ súng tự sát.
Điều quan trọng hơn cả đó là việc tên đi đưa thư cho Tây phái Tần Bách Xuyên cũng bị bắt sống. Vì mấy ngày nay, tình hình diễn biến bất lợi, phá hỏng hoàn toàn những toan tính, ý đồ ban đầu của bọn Tam Bá đầu, Tiền Diệu Lâm và Tần Bách Xuyên. Tiền Diệu Lâm xét thấy không thể hành động theo như kế hoạch, vội vàng viết một lá thư, rồi phái người đưa tin nhằm báo cho Tần Bách Xuyên biết đã bị lộ cục. Lão ta định thoát thân bằng đường biển, đi vòng qua Quảng Tây, sau đó đi vào Tứ Xuyên, xin Tần Bách Xuyên tiếp ứng.
Tổ Gia đọc xong thư mới hiểu thêm một điều rằng, Tam Bá đầu tự phụ nghĩ mình thông minh, nhưng lại bị tên Tiền Diệu Lâm chơi xỏ. Hắn ta kích động bọn Tam Bá đầu, Ngũ Bá đầu và Thất Bá đầu liều mạng đấu với Tổ Gia, còn bản thân nhân lúc hỗn loạn sẽ đánh bài chuồn. Vốn dĩ lão ta chưa từng nghĩ đến việc cùng sống chết với Tam Bá đầu.
Bắt được kẻ đưa thư này, đồng nghĩa với việc Tổ Gia nắm được thế chủ động trên toàn cục, ông
ra lệnh phong tỏa mọi tin tức. Đồng thời, sai Tứ Bá đầu là người giỏi sao chép, mô phỏng bút tích và giọng điệu của Tiền Diệu Lâm, viết một bức thư báo tin cho Tần Bách Xuyên rằng: "Mọi việc thuận lợi, hành động theo kế hoạch đã định."
Tổ Gia muốn tương kế tựu kế dàn tiếp cục này, để diệt trừ Tần Bách Xuyên.
Tổ Gia là người thông minh, mưu lược như vậy, nên tôi thường nghĩ không biết ông có hài lòng về bản thân hay không? Tôi cho là không. Ông ấy thông minh, vậy mà Tiểu Lục Tử mà ông rất mực yêu quý vẫn bị chết ngay trước mắt. Tam Bá đầu vẫn cứ làm phản, Đường khẩu mà mọi người dốc bao nhiêu tâm sức mới gây dựng được, bỗng chốc mất đi mấy chục huynh đệ bôn ba khắp chốn. Trong cơn nguy biến của lịch sử và con đường đi đầy tàn khốc của vận mệnh, lần đầu tiên tôi nhận thấy rằng, Tổ Gia cũng rất yếu đuối.
Cuộc đấu đá nội bộ này khiến Tổ Gia già hẳn đi. Khoảng thời gian đó, nhìn ông, tôi thấy rất thương cảm. Giang Phi Yến sai người mang loại Tổ Yến thượng hạng đến, nhưng ông không nuốt nổi, bà liền mời ông đi xem kịch. Tóm lại, trong thời gian đó, Giang Phi Yến luôn bên cạnh bầu bạn, chuyện trò với Tổ Gia.
Thực ra, ban đầu Giang Phi Yến giúp đỡ Tổ Gia là vì chữ tình, bà ấy yêu Tổ Gia, mặt khác cũng vì báo đáp ơn cứu mạng bà hai lần. Khi Thất Bá đầu Vương Gia Hiền khai ra chuyện bọn Tiền Diệu Lâm muốn cướp địa bàn của bà, chia rẽ tỷ muội trong Đường khẩu, bà mới biết lần này cũng là giúp chính bản thân mình.
Giang Phi Yến mang một vẻ đẹp khiến cho tất cả bọn đàn ông đều phải siêu lòng. Ánh mắt bà lạnh như băng, nhưng không những không tạo ra được khoảng cách, mà ngược lại khiến cho đàn ông khao khát tìm mọi cách làm tan chảy khối băng đó.
Người trong giang hồ đều biết đến mỹ danh "Bông hoa Nam Việt", năm xưa là Kiều Ngũ Muội. Nay bông hoa đó chính là Giang Phi Yến, người trong giang hồ vẫn đùa rằng: "Ngũ nương chi hậu hữu Yến tỷ, Nương Doanh tỷ tỷ tam phân mạo, tỷ thẳng não nương nhất mạch nương." Nghĩa là, nếu luận về dung mạo, Kiều Ngũ Muội đẹp hơn Giang Phi Yến, nhưng Giang Phi Yến có một ưu điểm mà những người phụ nữ khác không thể sánh bằng đó là mùi hương. Cho dù bà không thoa phấn, nhưng khi bà đi lướt qua, là anh có thể nhận thấy cả một làn hương phảng phất.
Thực ra, Kiều Ngũ Muội và Giang Phi Yến đều là những người đẹp nhất trong những người đẹp, tiêu chuẩn quyết định một nữ A Bảo được làm Chưởng môn nhân là phải thật đẹp. Vì muốn dàn cục, muốn tạo mối quan hệ hay dùng mỹ nhân kế thì về cơ bản những cô gái kém nhan sắc không thể lên sân khấu được.
Năm xưa, khi Kiều Ngũ Muội chết, có đến mấy trăm tên Hắc bang địa phương bao vây Đường khẩu. Tổ Gia đã phải dùng kế "vây Ngụy cứu Triệu", khéo léo hóa giải được cơn nguy biến này, khiến Giang Phi Yến vừa gặp đã sinh lòng ái mộ. Nhưng Tổ Gia nhất mực từ chối đón nhận tấm chân tình này, ông luôn giữ lễ, hết mực cung kính với bà. Khi đó, Giang Phi Yến 31 tuổi còn Tổ Gia 30 tuổi. Hơn mười năm nay, bà thầm yêu trộm nhớ Tổ Gia đến mức khổ sở, nhưng ông luôn giữ khoảng cách, tuy gần mà xa.
Đây đều là những chuyện mà Nhị Bá đầu to nhỏ với tôi trong những cuộc rượu chỉ có hai sư đồ. Về sau, cả Thất Bá đầu cũng nói như vậy.
Giang Phi Yến đặt ra một quy định trong Đường khẩu của mình là tất cả các nữ A Bảo đều không được phép lấy chồng. Nhị Bá đầu nói bà ấy là kẻ lập dị. Sau khi đất nước Trung Quốc mới được thành lập, những Bá đầu như chúng tôi được ra khỏi tù, ngồi uống rượu với Thất Bá đầu, đề cập lại chuyện này. Thất Bá đầu nói: "Không cho phép lấy chồng là nói để cho các A Bảo nghe, bà ấy cũng chỉ vì nghĩ cho lợi ích của Đường khẩu. Con người đâu phải là gỗ đá, ai mà không có chữ tình chứ. Bao nhiêu năm bà thầm yêu Tổ Gia, nhưng Tổ Gia vẫn không đón nhận, bà ấy mới là người khổ tâm nhất."
Số mệnh của nữ A Bảo thực ra rất bi thảm, đặc biệt là Chưởng môn nhân, chớ thấy bề ngoài họ đeo đầy kim ngân vàng bạc, ung dung cao quý thì ao ước ngưỡng mộ. Để có được những thứ đó họ phải mang cả tấm thân và cái đầu ra để đánh đổi. Tuổi xuân của Giang Phi Yến đã dâng hết cho phái Giang Tướng. Hai mươi năm nắm giữ Việt Hải Đường, người ngoài thì thấy vinh quang biết mấy, nhưng kỳ thực bà đã phải nghiến răng chịu đựng, khổ đau, chỉ có mình bà mới biết.
Hai tháng sau, bà giúp Tổ Gia tiêu diệt Tần Bách Xuyên, sau đó bà thổ lộ hết những lời tự đáy lòng, khiến Tổ Gia rơi nước mắt vì sầu não. Trút bỏ được hết nỗi lòng, bà quay bước ra đi, rời xa Đại Lục, bỏ lại Việt Hải Đường nơi mà bà đã chôn vùi bao nhiêu năm tuổi trẻ. Mùa xuân năm 1987, bà lâm bệnh và qua đời ở Đài Loan.
VỜ TRÚNG KẾ, THẲNG TIẾN TỨ XUYÊN
Do Tổ Gia đã phong tỏa mọi tin tức và còn gửi cho Tần Bách Xuyên một bức thư giả, nên hắn ta như ngồi trong thúng, không hề hay biết chuyện gì đã xảy ra.
Hơn nửa tháng sau, Tần Bách Xuyên phái người đua thư mời Tổ Gia đến Tứ Xuyên dàn cục. Đương nhiên Tổ Gia nhận lời. Ông dặn dò Đại Bá đầu, Nhị Bá đầu, Tứ Bá đầu ở lại trông nom Đường khẩu, chỉ mang theo một người đi cùng, đó chính là tôi. Đây là lần khảo nghiệm lòng dũng cảm cuối cùng ông dành cho tôi. Từ khi theo Tổ Gia đến nay, ông lần lượt thử thách lòng kiên trì, thói háo sắc, tâm tham lam, lòng nhân từ và sự gan dạ dũng cảm của tôi. Có lẽ, một kẻ không tham lam, không háo sắc, có lòng can đảm mới là người mà ông ấy muốn gửi gắm cuối cùng.
Chưa kẻ nào đoán ra được cái bẫy mà Tổ Gia giăng ra. Trên đường đến Tứ Xuyên, ông nói với tôi: "Này Đại Đầu, chuyến đi này, không thành công thì cũng thành nhân."
Tôi nói với Tổ Gia: "Sao sư phụ không mang theo nhiều huynh đệ hơn?"
Tổ Gia nói: "Càng ít càng an toàn."
Tôi thật không hiểu thế nào là càng ít càng an toàn, nhưng cũng không thắc mắc gì thêm nữa.
Tổ Gia nhìn tôi, hỏi: "Sợ rồi sao?"
Tôi đáp: "Sợ thì không ạ, chỉ thấy không vững tâm."
Tổ Gia cười: "Đại Đầu, theo ta lâu vậy rồi, ngươi có hối hận không?"
Lòng tôi như chùng xuống, tôi nói: "Tổ Gia, con không hối hận, bao lâu nay, người đối với con ân trọng như núi, thế mà con lại khiến người thất vọng. Gia nhập Đường khẩu đã lâu, con vẫn không thể san sẻ bớt nỗi lo cho người."
Tổ Gia nhìn tôi thở dài nói: "Người đáng hổ thẹn phải là Tổ Gia ta đây, thường ngày ta vẫn nghĩ, trước đây ngươi làm ở quán trà cũng rất tốt rồi, mặc dù nghèo một chút nhưng được sống những ngày yên ổn, đi theo tam không tránh khỏi việc phải lo lắng sợ hãi, ta không biết rồi sẽ đưa ngươi đi tới đâu nữa. Ta thường nghĩ, nếu ta không làm ăn kiểu này, ngươi đi theo ta, thì thật tốt biết mấy."
Nhìn chỗ tóc mai đã bạc trắng của Tổ Gia, tôi chợt thấy nhói lòng: "Tổ Gia, đây chính là duyên phận."
Tổ Gia trầm ngâm một lát rồi nói: "Đại Đầu, nếu có cơ hội ra đi, ngươi sẽ chọn nơi nào?"
Tôi giật mình: "Ra đi ư? Đi đâu?"
Tổ Gia thở dài một tiếng: "Hồng Kông, Đài Loan, Nam Dương đều được. Hiện nay, có rất nhiều huynh đệ đồng đạo đã chạy ra ngoài, sau khi tìm được chỗ dừng chân đều viết thư về bảo ta đi cùng họ, nhưng ta không thể, bởi vẫn còn nhiều việc chưa hoàn thành..." Nói đến đây, Tổ Gia lặng người đi một lát: "Nếu có thể... có một ngày ta ra đi, ngươi có muốn đi cùng ta không?"
Nghe thấy vậy nước mắt tôi đã chực trào ra. Đây không phải là việc muốn hay không, mà là Tổ Gia chưa bao giờ có ý định bỏ rơi tôi. Ai cũng biết việc ra ngoài chẳng phải là chuyện đơn giản. Như tôi đây, không tiền không tài, không có người giúp đỡ, cứ cho là đến đó cũng khó mà sống nổi.
Tôi biết trong lòng Tổ Gia cũng rất buồn, không nỡ rời bỏ, sau khi đến Nam Việt, lạ nước lạ cái, việc làm ăn cũng chẳng phải dễ dàng gì, đã vậy Phong Tử Thủ thì đã chết, Tam Bá đầu và mười mấy huynh đệ cũng theo sau, giờ đây lại Tây tiến đến Tứ Xuyên đấu với Tần Bách Xuyên, thắng thua khó liệu trước.... Giai đoạn đó, thời cuộc rối ren, chưa thể đoán biết được tiền đồ sẽ thế nào. lần đầu tiên tôi thấy Tổ Gia băn khoăn, do dự.
Thực ra, đây cũng là khoảng thời gian cả đất nước Trung Quốc bị mất phương hướng. Đi hay ở đã trở thành nỗi trăn trở đeo đẳng trong tâm trí biết bao người. Sau khi Quân giải phóng vượt sông Trường Giang, đánh đổ Tưởng dễ như đẽo cây gỗ mục. Nhiều người đã dao động trước sự tuyên truyền của Quốc dân Đảng. Vào khoảng thời gian trước và sau năm 1949, khi nước Trung Quốc mới được thành lập, hàng trăm vạn người đã mang theo gia đình vợ con trốn ra nước ngoài.
Trong số này, có đám binh tàn tướng bại Quốc dân Đảng, bám đuôi Tưởng Giới Thạch còn có cả bọn thương gia giàu có, trùm xã hội đen, bọn thổ phỉ vùng Tây Nam và một bộ phận người dân không rõ lai lịch. Họ chạy đến bất kỳ nơi nào có thể dung thân lánh nạn như: Đài Loan, Hồng Kông, Nam Dương và khắp nơi trên thế giới.
Đặc biệt là những tên trùm xã hội đen, chúng biết rõ, Cộng sản Đảng đã đến và giành thiên hạ về cho nhân dân. Những ngày tháng bọn họ có thể làm mưa làm gió, cưỡi đầu cưỡi cổ dân thường đã một đi không trở lại.
Tổ Gia cũng được liệt vào hàng xã hội đen, tay ông dính đầy máu, nhưng có nhiều tiền bạc. Cho nên ông cần phải chạy trốn và có điều kiện để chạy trốn.
Ngày 2 tháng 8, chúng tôi tới Tứ Xuyên. Lần đầu tiên tôi gặp Tần Bách Xuyên, ông ta trông to con, để râu quai nón, rất có khí phách của bậc đại gia. Vừa thấy chúng tôi đến, ông ta mừng rỡ chìa tay đón: "Tổ Gia, người huynh đệ tốt của ta."
Tổ Gia cũng cười tươi: "Tần gia, đã lâu không gặp, ông vẫn phong độ như ngày nào."
Tối hôm đó, Tần Bách Xuyên mở tiệc thiết đãi, giữa buổi tiệc, ông ta giải thích kế hoạch về vụ dàn cục lần này.
Ông ta nói lần này phải dàn cục lớn, trước mắt sẽ giải quyết được vấn đề thiếu hụt tiền bạc của các Đường khẩu. Rằng, ông ta đã bố trí dàn cục này 5 năm rồi. Mục tiêu chính là một tên đại thổ phỉ có máu mặt ở Tứ Xuyên.
Thời cận đại, thổ phỉ nổi lên như nấm sau mưa. Sau Cách mạng Tân Hợi, nhà Mãn Thanh sụp đổ, Quốc dân Đảng còn yếu kém, Trung Quốc rơi vào thời kỳ đại loạn, bọn quân phiệt xưng hùng xưng bá, tron bối cảnh này, thổ phỉ nổi lên khắp nơi, chúng chiếm cứ một cùng núi rồi tự xưng làm vua.
Về gốc gác thổ phỉ cơ bản có hai loại. Một là đại địa chủ, trong tay sẵn có tiền, chiêu binh mãi mã, tổ chức quân đội, vừa để tự bảo vệ mình, vừa để đi ức hiếp, bóc lột nhân dân. Còn loại kia là bọn ác bá, tội đồ trốn lưu vong, bí mật kết bè kết đảng với nhau, cũng bao gồm cả những người túng quẫn làm liều, những loại người này tụ họp lại với nhau, bất chấp mạng sống, năm tháng trôi qua, dần dần chúng cũng thu được ít nhiều "chiến tích".
Thổ phỉ cũng có cái thú vị của nó, sau khi kéo bè kết đảng, chúng tự xây dựng cơ cấu, tên cầm đầu tự xưng là Tư lệnh, dưới hắn có Đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng, nhưng trong tay chẳng có bao nhiêu người.
Điều đáng nói trong số thổ phỉ có một bộ phận thổ phỉ chính nghĩa. Mặc dù là cướp bóc, nhưng tôn chỉ hành nghề là cướp của bọn cường hào ác bá, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Trương Bạch Mã vùng Đông Bắc chính là một tổ chức thổ phỉ chính nghĩa nổi danh trong lịch sử cận đại. Quân đội của hắn ta có kỷ luật nghiêm minh, không được phép giết người nghèo, nhân sĩ cách mạng, không được phép cưỡng hiếp phụ nữ, hà hiếp người dân.
Tần Bách Xuyên chửi tên thổ phỉ này là thằng khốn nạn chính cống. Hắn đã chiếm cứ vùng tây Tứ Xuyên mười mấy năm nay, cùng với mấy tên đầu sỏ có tiếng khác vùng Kiềm Tây, Điền Tây xưng là Ngũ Hổ vùng Tây Nam. Tần Bách Xuyên nói: "Tôi đã rình con gà béo này lâu lắm rồi. Gia sản có đến mấy trăm vạn, hiện giờ hắn tuyệt đối tin tưởng tôi. Gần đây, hắn muốn di dời mộ tổ, chúng ta sẽ dàn cục phong thủy lừa hắn.
Tổ Gia hỏi: "Sao lại phải dời mộ?"
Tần Bách Xuyên nói: "Là muốn cải vận cầu phúc. Quân giải phóng đã đánh qua Trường Giang rồi. Lão Tưởng định làm thế nào rất khó nói. Sau khi bọn Cộng sản đến, đám thổ phỉ còn được sống yên thân sao?"
Tổ Gia cười hỏi: "Sao hắn không bỏ chạy?"
Tần Bách Xuyên nói: "Thời cuộc còn chưa biết thế nào. Ai dám chắc lão Tưởng không thể ngóc đầu lên được nữa?"
Lời Tần Bách Xuyên đã nói trúng tâm lý mâu thuẫn của bọn phản động ở Trung Quốc khi đó. Nếu bỏ chạy, sẽ bị mất sản nghiệp to lớn, chuyển nhà khác gì đánh mất chỗ đứng. Hơn nữa dù là người tốt hay kẻ xấu cũng khó mà rời bỏ quê hương. Nhưng nếu không chạy, bản thân đã làm bao nhiêu việc ác, chắc chắn sẽ bị trừng trị.
Cùng với việc này, trong cuộc họp quân sự vùng Đông Nam, Tưởng Giới Thạch còn tuyên bố om sòm về "Phản công chiến lược". Hắn đã đưa ra khẩu hiệu "Huấn luyện chỉnh đốn nửa năm, phản công một năm, thành công trong ba năm." Kết quả là đến lúc chết vẫn chưa thành công, ngay từ đầu hắn đã không hiểu rằng việc đi ngược với mong ước của quần chúng, là hắn đã đứng ở phía đối lập với nhân dân.
Kỳ thực, khi đó tình hình trong nước bất ổn, ngay cả sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, trên gần một phần ba đất Trung Quốc vẫn còn đội quân tàn dư của Quốc dân Đảng. Vùng duyên hải có một vài nơi như quần đảo Chu Sơn vẫn còn không quân của Quốc dân Đảng đồn trú, ngoài đội quân chính quy này ra, nhiều nơi vẫn còn rất nhiều bọn thổ phỉ, đặc vụ ẩn náu, rình mò chờ thời cơ thực hiện hành động phá hoại và ám sát, hòng lật đổ nước Trung Quốc mới, lật đổ Chủ nghĩa Xã hội. Chỉ trong tháng 2 năm 1950, không quân Quốc dân Đảng ở Chu Sơn đã 17 lần tập kích trên không ở khu vực thành phố Thượng Hải, ném bom làm chết và bị thương hơn một nghìn người dân, đồng thời phá hủy nhiều nhà máy điện và khu dân cư.
Tổ Gia cười nói với Tần Bách Xuyên: "Với bản lĩnh của Tần gia thì tự mình cũng có thể hạ được đối phương."
Tần Bách Xuyên nói: "Không đâu! Tôi dù có làm tốt thế nào cũng không bằng Tổ Gia ra mặt. Người Trung Quốc quan niệm rằng 'Bụt chùa nhà không thiêng' , càng không biết rõ thì càng thần bí. Tôi ở đất Xuyên bao nhiêu năm nay, cứ thật thật giả giả, giả giả thật thật. Bọn chúng tuy không thể biết được bản lĩnh của tôi là thật hay giả, nhưng nếu tiền chui thẳng vào túi tôi, tất sẽ sinh nghi ngờ. Huống hồ tôi đã kết nghĩa anh em với tên thổ phỉ này, giống như dao sắc không thể gọt được chuôi vậy, việc dời mộ tổ này là việc lớn nên cứ để người ngoài làm là hay hơn cả."
Tổ Gia cười to: "Tần gia thật cao minh. Bái phục! Bái phục! Nhưng, Tần gia đã là anh em kết nghĩa với người ta, tức là đã ngẩng mặt lên trời mà thề nguyện, nếu dàn cục như vậy, ông không sợ bị báo ứng sao?"
Tần Bách Xuyên cười cười: "Tổ Gia có tấm lòng Bồ Tát như thế từ khi nào vậy? Ông với tôi mới là huynh đệ tốt từng uống máu ăn thề, bọn khác chỉ là bày trò mà thôi."
Tổ Gia chắp tay: "Tần gia nói rất phải."
Ngày hôm sau, khi hóa trang xong, Tổ Gia cùng với Tần Bách Xuyên đến nhà tên thổ phỉ kia.
Tôi cầm la bàn, đi kè kè ngay sau Tổ Gia, tôi biết ông làm bất cứ chuyện gì cũng có sự chuẩn bị trước. Nhưng lần này, tôi lại không biết Tổ Gia để đường lui cho mình ở chỗ nào. Tôi cứ nghĩ đến đây tất sẽ có người tiếp ứng, nhưng tính đến thời điểm này vẫn chỉ có hai thầy trò. Hai người đối phó với Tần Bách Xuyên và băng thổ phỉ. Đây chẳng khác nào "Dê vào hang cọp lại còn đòi vuốt râu hùm."
Nghĩ thì như vậy, nhưng tôi lại thấy vô cùng nhẹ nhõm, đã đi theo Tổ Gia tức là đã phó mặc chuyện sống chết. Nếu ông không nay gặp nạn, thì tôi nguyện sống chết theo ông. Đồ đệ được chết theo sư phụ, có gì phải đáng tiếc.
Vì thế, suốt đường đi tôi cứ bình thản ung dung. Sau khi bước vào cửa, tôi tỏ ra rất chủ động, đẩy ghế cho Tổ Gia ngồi, khi tên đầy tớ của bọn chúng dâng trà, tôi làm như mình là vệ sĩ, chặn hắn đứng cách xa ba bước, rồi nhận lấy chén trà. Đợi sau khi Tần Bách Xuyên và tên thổ phỉ kia uống xong, tôi mới đưa cho Tổ Gia, tôi sợ trong trà có độc.
Sau đó này Tổ Gia nói với tôi: "Đại Đầu, lúc đó, ta thấy con đã thực sự trưởng thành rồi." Câu nói này khiến tôi cảm thấy rất ấm lòng, đi theo Tổ Gia làm một kẻ vô tích sự lâu như vậy, cuối cùng cũng có ngày làm được việc cho ông.
Thực ra, việc làm đó của tôi là thừa, Tần Bách Xuyên sẽ chẳng dùng cách đó để giết Tổ Gia. Nếu Tổ Gia chết theo cách đó, chứng tỏ Tần Bách Xuyên chẳng có tài cán gì. Hắn ta muốn gây thanh thế, dàn cục trong cục, để các huynh đệ của Tứ đại Đường khẩu khắp Đông Tây Nam Bắc đều thấy rằng Tổ Gia đáng chết, chết một cách đáng đời. Có như vậy, hắn mới có thể giơ cái bộ mặt vô can và nhân từ ra để thu dọn tàn cuộc một cách gọn gàng.
LIÊN HOÀN CỤC CỦA TẦN BÁCH XUYÊN
Sở trường của Tần Bách Xuyên chính là dàn cục trong cục, đặt cái bẫy này lồng móc vào cái bẫy kia, thật thật giả giả đan xen lẫn lộn vào nhau. Hắn nấp đằng sau âm mưu của mình, quan sát diễn biến, đơi thời cơ chín muồi liền thò đuôi cáo ra quẫy mạnh cái phá vỡ toàn cục, khiến người cùng dàn cục với hắn chết mà khong biết vì sao mình chết.
Vụ dàn cục kép đắc ý nhất trong đời hắn chính là vụ hạ bệ sư phụ Lưu Tòng Vân.
Lưu Tòng Vân cũng được liệt vào loại cáo già, nhưng con cáo già này lại bại trong tay con cáo con. Hơn nữa còn thua một cách tâm phục khẩu phục.
Lưu Tòng Vân là nhân vật như thế nào? Đó là nhân vật khét tiếng có số má trong giới lừa đảo miền Tây. Lão ta sinh năm Quang Tự thứ chín, tự xưng là Bạch Hạc tiên sinh, mười tám tuổi gia nhập Long Tu Nha, sáng lập ra Nhất quán tiên thiên đại đạo. Sau khi trưởng môn Tây phái Đoàn Kim Sơn qua đời, lão ta kế thừa chức Chưởng môn. Năm 1922, khi Chưởng môn Đường khẩu Mộc Tử Liên là Trương Đan Thành chết, lão ta đích thân dẫn bọn phía Tây phái đến chia buồn, trong số đó có cả Tần Bách Xuyên.
Khi về già, Trương Đan Thành thường dặn dò Tổ Gia: "Trong số Tứ đại Đường khẩu khắp Đông Tây Nam Bắc, hiện giờ có Lưu Tòng Vân của Tây phái giỏi nhất. Người này có chí lớn, làm A Bảo không phải mục tiêu cuối cùng của ông ta. Đích mà ông ta nhắm đến là quân sự và chính trị. Sư bá cứ trông mà coi, chỉ vài năm nữa, nhất định hắn sẽ thâm nhập vào hàng ngũ quân đội."
"Tên Lưu Tòng Vân này, Sư bá chớ nên thân cận quá và cũng đừng xa cách quá. Ông ta có nhiều điều đáng để cho Sư bá học tập. Là người xảo trá, quỷ quyệt, thông tuệ khác thường, tinh thông cả Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Ông ta có khả năng nhìn một lần là ghi nhớ ngay, đặc biệt có tài ngụy biện vô địch. Sư bá trước mặt nên tỏ ra cung kính nhưng sau lưng phải luôn đề phòng. Tuyệt đối không được đối địch với ông ta. Chí ít hiện nay ta chưa phải là đối thủ của hắn." Trương Đan Thành đã ân cần dặn dò Tổ Gia như vậy.
Những lời Trương Đan Thành nói quả không sai. Lưu Tòng Vân đúng là nhân vật danh bất hư truyền. Người này đọc hết cả Tứ Thư, Ngũ Kinh, am hiểu đạo âm dương, lúc trẻ từng làm thầy giáo tư thục, rất giỏi nắm bắt nhược điểm tâm lý con người.
Nhiều năm nay, ông ta tiếp cận một nhân vật đặc biệt tin vào quỷ thần, đó chính là Lưu Tương - một tên đại quân phiệt được mệnh danh là vua Tứ Xuyên, thế là ông ta lựa thời cơ xuất Thiên. Sau mấy lần tự tiến cử, nhưng Lưu Tương vẫn không nhìn đến dù chỉ là nửa con mắt. Sau này, mặc dù tiếp nhận một vài đề nghị nhỏ, nhưng chưa bao giờ tin tưởng giao phó quân quyền cho ông ta.
Lưu Tương cũng được xem là nhân vật "nổi danh" trong lịch sử cận đại Trung Quốc. Hắn ta chiếm cứ vùng Tứ Xuyên ngót mấy chục năm, tài năng quân sự và thủ đoạn chính trị đều đã đạt đến độ lão luyện, ngay cả đến Tưởng cũng phải nể lão ta vài phần, nhưng hắn ta có một nhược điểm đó là quá mê tín.
Năm 1932, Ủy ban quân sự Quốc dân Đảng đã bổ nhiệm Lưu Tương làm Quân đoàn trưởng Quân đoàn Lục quân 21. Lúc này, Lưu Tương đang đấu đá quyết liệt với một tên quân phiệt có thế lực khác ở Tứ Xuyên là Lưu Văn Huy, đây chính vào thời điểm hắn ta cần người tài như nắng hạn chờ mưa. Lưu Tòng Vân nhân dịp này xuất Thiên một lần nữa. Việc này thể hiện khả năng nắm bắt thời cơ hơn người của lão ta với thời cuộc, vì trước đó không lâu, tại Đồng Xuyên, Quân đoàn 28, 29 của Tứ Xuyên đã kết thành đồng minh với quân đoàn 21 của Lưu Tương, lúc này thực lực của Lưu Tương bỗng chốc được tăng cường, Lưu Tòng Vân đã rất nhạy bén, nắm bắt được tình hình chính trị này.
Lưu Tòng Vân nói với Lưu Tương: "Gần đây, kẻ hèn này đã khổ luyện xong thuật Kỳ môn độn giáp Cửu thiên chi thượng hảo dương binh. Cửu địa tiềm tàng khả lập doanh(4), tôi có thể huấn luyện cho tướng quân một đội thần binh, trợ giúp tướng quân thống nhất nghiệp bá.
(4) Thuật ngữ trong Kỳ môn độn giáp.
Nhưng Lưu Tương cũng chẳng phải thằng ngu, nhà ngươi nói có thể huấn luyện được thần binh, vậy ta giao cho ngươi một đội quân, lần sau khi đánh nhau với Lưu Văn Huy, đội quân của ngươi cứ đi tiên phong, xem xem rốt cuộc có phải là thần binh vô địch không.
Mùa thu năm 1932, "Chiến dịch Bình định" do Lưu Tòng Vân là kẻ chủ mưu khích động Lưu Tương tấn công đám quân phiệt Lưu Văn Huy bùng nổ.
Lưu Tòng Vân chủ động đề nghị được cầm đầu đội quân 3000 thần binh do chính mình huấn luyện đi tiên phong. Trước khi cuộc chiến nổ ra, Lưu Tòng Vân cho mỗi binh lính uống "nước thánh trời ban", đồng thời cho thêu bùa hộ mệnh lên trang phục. Trong làn gió thu xào xạc, Lưu Tòng Vân đứng trước trận tiền, dõng dạc phét lác: "Uống nước thánh, quỷ ma khó lại gần. Bùa thiêng hộ mệnh, đao thương bất phạm. Đạn chẳng bắn trúng."
Dưới tiếng thét của ông ta, mấy nghìn tên binh lính hùng hổ tiến về Thành Đô, dốc hết sức bình sinh mới hạ được thành đô.
Lưu Tương mừng lắm, sau khi tiến vào Thành Đô, hắn đã bỏ ra ba vạn đồng bạc để mua tòa đại dinh thự ở số 32, đường Tân Hòe Thụ, sửa sang lại thật hoành tráng để làm món lễ hậu tặng Lưu Tòng Vân. Cuối cùng, Lưu Tòng Vân cũng đã thực sự trở thành quân sư nắm giữ binh quyền.
Thực chất, thắng lợi trong chiến dịch lần này chẳng liên quan gì đến thần binh thần lính gì cả. Lưu Tòng Vân thông hiểu binh pháp, trước trận chiến, hắn đã tiến hành phân tích tỉ mỉ và so sánh kỹ lưỡng thế mạnh của đôi bên. Khi tác chiến, hắn chỉ việc tập trung tấn công đánh vào chỗ yếu của đối phương. Còn về việc hắn nói đao súng không thể chạm đến người chỉ là nói khoác. Cả 3000 tên lính đều bị tẩy não, họ như một đội quân cảm tử. Tiếng súng báo hiệu cuộc chiến vừa gióng lên, tất cả bọn họ đều xông lên phía trước bất chấp mọi thứ, kết quả là trong làn mưa bom bão đạn, quân số bị chết mất hơn một nửa. Lưu Tòng Vân đứng trên đồi, giơ súng lên, hô lớn: "Từ bỏ thân xác, linh hồn thăng thiên, từ trên trời cao lại có thể triển khai quân!" Lời nói này mang hàm ý rằng đây không phải là cái chết, mà là một sự thoát xác, linh hồn chiến binh thoát khỏi thân người qua các lỗ khướu(5), bay lên trời tiếp tục tác chiến. Đây chính là cuộc chiến đấu ở cả dưới đất và cả ở trên trời của mỗi chiến binh. Sau khi cuộc chiến kết thúc, hắn ta còn bày trò lập đàn chiêu hồn cho các chiến binh.
(5) Theo Đông y là các lỗ trên cơ thể con người: hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, miệng được gọi là Thất khiếu.
Chiến dịch lần này, có thể may mắn giành thắng lợi, suy cho cùng, vẫn là do binh lực của Lưu Tương mạnh hơn Lưu Văn Huy. Nói cách khác, Lưu Tòng Vân thắng trong lần đặt cược này là do có cái gan của A Bảo, lại vừa có khí phách của một nhà chính trị, để thực hiện giấc mộng chính trị, ông ta phải đánh cược. Nhờ vậy, hắn đã ngoi lên đỉnh cao của sự nghiệp.
Trước sự leo lên đều đều của Lưu Tòng Vân, Tần Bách Xuyên lo cuống lên. Theo lý mà nói, Tần Bách Xuyên do một tay Lưu Tòng Vân dìu dắt, lại còn là đệ tử ruột. Thấy sư phụ phất dần lên, kẻ làm đồ đệ phải vui mừng mới đúng, đằng này ngược lại, giữa hai thầy trò đã nảy sinh một mâu thuẫn vô cùng lớn - mầm họa của mâu thuẫn bắt nguồn từ một bóng hồng, bởi vậy người xưa nói mỹ nhân nghiêng thành đổ nước quả không sai.
Gia nhập Đường khẩu Long Tu Nha cùng thời điểm với Tần Bách Xuyên, có một nữ A Bảo tên là Tưởng Bích Châu, một mỹ nhân mang vẻ đẹp điển hình của đất Tứ Xuyên, làn da mềm mại, mịn màng, tiếng cười lanh lảnh tựa tiếng chuông ngân. Tần Bách Xuyên thân thể cao lớn, cường tráng, từ lâu đã thèm khát tiểu sư muội yêu kiều của mình.
Nào ngờ, lão trâu già Lưu Tòng Vân cũng muốn gặm cỏ non Tưởng Bích Châu. Ông thường xuyên kiếm cớ truyền đạo, tiếp khí, đưa Tưởng Bích Châu về phòng mình mặc sức phóng túng, thỏa mãn dục vọng, món đồ mà sư phụ đã chọn, đồ đệ há có thể lao vào tranh giành sao. Bởi vậy, Tần Bách Xuyên luôn chờ đợi cơ hội, đợi đến một ngày sư phụ ngã ngựa, sẽ lên thay thế.
Nếu Tưởng Bích Châu một lòng một dạ với Lưu Tòng Vân đã đành. Đằng này, một mặt nàng ta vừa muốn được sự sủng ái của Lưu Tòng Vân, mặt khác, ngầm đong đưa Tần Bách Xuyên. Dù gì Lưu Tòng Vân cũng đã già, chẳng còn trẻ trung, đẹp trai, phong độ như Tần Bách Xuyên, hơn nữa Tần Bách Xuyên lại là đệ tử của Lưu Tòng Vân. Sau khi Lưu Tòng Vân trăm tuổi, hắn ta sẽ là người kế nhiệm. Cho nên, nàng ta cũng chẳng dại gì mà đắc tội với Tần Bách Xuyên cả. Vì thế Tưởng Bích Châu thường tranh thủ thời gian dụ dỗ Tần Bách Xuyên, nhiều lần giọt châu thánh thót, vừa lau nước mắt vừa nói mình cũng không còn cách nào khác, mệnh lệnh của lão già đó ai dám không làm theo.
Về sau, sự việc này bị Lưu Tòng Vân phát giác, lão ta nhận thấy người đàn bà này chính là một mối họa. Lưu Tòng Vân vốn là kẻ có mộng làm việc lớn, đời nào lại để cho tiền đồ bị hủy hoại chỉ vì một người đàn bà.
Giết Tưởng Bích Châu rồi, tất sẽ chặt đứt được dã tâm của Tần Bách Xuyên, Lưu Tòng Vân vốn nghĩ làm như vậy mầm họa sẽ chẳng còn, Đường khẩu cần phải đoàn kết, nhưng không biết rằng Tần Bách Xuyên đã có ý định làm phản từ lâu. Cuối cùng Tần Bách Xuyên thấy rõ sự khác biệt giữa lão đại và lão nhị. Lão nhị chỉ ở dưới một người, ở trên vạn người, lão nhị dù có tài giỏi đến đâu, cũng chỉ là một trong rất nhiều thuộc hạ của lão đại mà thôi. Chỉ cần lão đại còn, lão nhị không bao giờ ngóc đầu lên được.
Vì thế, Tần Bách Xuyên luôn chờ đợi tìm cơ hội xuất Thiên với sư phụ.
Khi đó, đúng vào dịp Quốc dân Đảng tiến hành cuộc vây quét Hồng quân. Vì chủ nghĩa giáo điều cánh "tả" của Vương Minh, dẫn đến sự thất bại lần thứ năm của Hồng quân trong cuộc phản kháng chống lại sự vây quét của Quốc dân Đảng, khiến cho Hồng quân bao gồm các tầng lớp công nông binh Trung Quốc bị ép phải bước vào cuộc hành quân Trường chinh dài 25000 dặm.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top