Chương 5: HUYỀN CƠ CHU DỊCH TIỀM ẨN TRONG NGHỀ TƯỚNG SỐ

Quân thống  truy sát

Năm 1943, Tứ đại Đường khẩu tổ chức Đại đường hội tại Trùng Khánh, lần đó Tổ Gia dẫn theo Phong Tử Thủ. Do trước đây Chưởng môn Tây phái Tần Bách Xuyên không xử lý tốt mối quan hệ với bọn quân phiệt địa phương, nên thiếu chút nữa thì bị bọn chúng làm cỏ. Tổ Gia túc trí đa mưu suýt nữa cũng đã thừa cơ mượn đao giết người, tiêu diệt Tần Bách Xuyên.

Tần Bách Xuyên là đệ tử ruột của Đại thần tiên Lưu Tòng Vân người Tứ Xuyên, Lưu Tòng Vân là nhân vật như thế nào? Ông ta chính là Chưởng môn nhân đời thứ 14 của Đường khẩu Long Tu Nha thuộc Tây phái, người đề xướng ra "Nhất quán tiên thiên đại đạo". từng làm quân sư của tên quân phiệt Tứ Xuyên Vương Lưu Tương. Năm xưa khi con đường thăng quan tiến chức của Trương Đan Thành rộng mở, Chưởng môn Tây phái khi đó là Đoàn Kim Sơn thì Lưu Tòng Vân chỉ giữ một chức quèn trong Đường khẩu. Nhưng Lưu Tòng Vân thông minh tuyệt đỉnh, can đảm có thừa, túc trí đa mưu. Sau khi Đoàn Kim Sơn qua đời, ông ta nhanh chóng trở thành Chưởng môn của Đường khẩu.

Năm 1936, Lưu Tương nhận ra thủ đoạn của Lưu Tòng Vân nên đã ra lệnh truy sát, Lưu Tòng Vân sợ hãi liền chạy trốn. Năm 1938, Lưu Tương bị bệnh chết, Lưu Tòng Vân lại trở về Tứ Xuyên định tiếp tục cai quản Đường khẩu, nhưng Đường khẩu đã bị Tần Bách Xuyên giải quyết tận gốc từ lâu, nên vị trí của ông ta đã chẳng còn. Lưu Tòng Vân dù căm hận vô cùng, cũng đành bất lực, Tần Bách Xuyên đã nói một câu khiến ông ta chết điếng: "Trước khi Lưu Tương chết có dặn rằng, một là phải chiến đấu đến cùng để rửa sạch nỗi nhục cho bang hội. Hai là truy  sát Lưu Tòng Vân để rửa hận." Giọng điệu ấy rõ ràng có ý nói: Lưu Tòng Vân, ông còn sống là may lắm rồi, sao còn dám xuất đầu lộ diện đòi làm Đại Sư bá? Từ đó Lưu Tòng Vân ẩn náu ở Thượng Hải, sau giải phóng bị Tòa án nhân dân thành phố Thanh Đô kết án tử hình, nhưng hoãn thi hành án, về sau mắc bệnh qua đời.

Tần Bách Xuyên là kẻ lòng dạ nham hiểm, thủ đoạn độc ác, nhưng cũng là kẻ ưa thể diện. Khi đó, hắn không hề để lộ cho ai biết là mình đang có xích mích với quân phiệt. Đường hội họp đến ngày thứ hai thì bọn chân tay gác bên ngoài mang theo súng đang kéo đến đây.

Tần Bách Xuyên lúc đó vô cùng giận dữ, rút súng giắt bên hông quát lớn: "Mẹ kiếp! Ức hiếp người quá lắm rồi đấy."

Tổ Gia thấy sắp có chuyện xảy ra nói:  "Đừng có nóng! Cứ tạm lánh trước đi đã!"

Mấy vị Bá đầu cũng rút súng và lên sẵn đạn, mọi người bắt đầu giải tán. Quân đội chính quy khác bọn thổ phỉ trên núi. Bọn họ hoạt động có sách lược, nhóm người kia chỉ là hư trương thanh thế, đánh động trước nhằm do thám thực lực  đối phương, còn thực hư các nẻo đường quan trọng dẫn lên núi đều đã bố trí sẵn quân mai phục vòng trong vòng ngoài, mấy chục người tham dự Đại đường hội vừa chạy tới chỗ rẽ, thì từ trong rừng một toán người lao ra xả súng.

Phong Tử Thủ vội đẩy Tổ Gia ngã nhào xuống đất, còn mình lãnh một viên đạn, cũng may chỉ bị bắn trúng vào cánh tay trái.

"Tiểu Lục Tử!" Tổ Gia đau lòng kêu lên.

Tổ Gia biết đã xảy ra chuyện lớn. Bọn người này đều là quân đội chính quy. Tần Bách Xuyên phen này chọc vào ổ kiến lửa rồi.

Mấy tên tay chân chạy phía trước đều bị bắn chết, số còn lại nấp trong nhà dân, sẵn sàng bắn trả.

Người Tứ Xuyên thường làm theo kiểu nhà khung có lan can, được xây dựng tựa vào thế núi, vừa cao vừa sâu. Phong Tử Thủ tuy bị thương, nhưng vẫn theo sát phía sau Tổ Gia, luôn sẵn sàng đỡ đạn cho ông.

Tổ Gia cau mày suy nghĩ, tìm cách thoát thân. Ông nhìn những người khác. Tần Bách Xuyên kể cũng là kẻ to gan táo tợn, cầm súng vừa bắn trả vừa chửi rủa. Tiền Diệu Lâm nghe thấy tiếng súng nổ, hai mắt đảo ngược đảo xuôi, trong lòng tuy rất sợ hãi, những lại không muốn để mất đi cái uy của Đại Sư bá nên cố tỏ vẻ không sao. Còn Giang Phi Yến ngược lại vẫn rất bình tĩnh, bà nhìn Tổ Gia, lúc đó Nhị Bá đầu cũng có mặt. Sau khi thoát khỏi nguy hiểm, Nhị Bá đầu nói với các huynh đệ của Đường khẩu: "Lúc đó trong tâm trí của Giang Phi Yến chỉ có mình Tổ Gia mà thôi."

Thực ra, các huynh đệ trong Đường khẩu từ lâu đã bàn ra tán vào rằng Giang Phi Yến có tình cảm đặc biệt với Tổ Gia. Bởi họ thấy bà luôn tỏ thái độ lạnh lùng với tất cả mọi người, nhưng chỉ tươi cười duy nhất với một mình Tổ Gia.

Trong lúc Tổ Gia đang mải suy nghĩ thì bất chợt nghe tiếng hò hét của quân lính ở bên ngoài: "Bắt sống Tần Bách Xuyên!"

Tổ Gia thoạt nghe liền hiểu ngay ngọn nguồn của vấn đề. Thứ nhất, đối phương chỉ nhằm vào Tần Bách Xuyên, vì Đường khẩu mở đại hội là việc hết sức cơ mật, không ai biết đó là buổi họp của Tứ đại Đường khẩu, cho nên đối phương chỉ biết rằng Tần Bách Xuyên có mặt chứ không hề biết những người khác làm gì. Thứ hai, bọn chúng cần bắt sống chứ không cần phải xử tại chỗ.

Tổ Gia ngẫm nghĩ một lát rồi nói với Tần Bách Xuyên: "Tần gia! Tôi có một kế có thể giúp mọi người thoát hiểm."

Tần Bách Xuyên khom người nói: "Thoát hiểm hay không không quan trọng, cùng lắm là chết chứ gì!"

Tổ Gia nói: "Chúng ta chết cũng chẳng sao, nhưng còn  mấy chục huynh đệ, nỡ lòng nào lại để họ phải chết một cách oan uổng?" Nói xong, Tổ Gia nhìn khắp một lượt, câu nói này khiến các Bá đầu và bọn tay chân cảm thấy ấm lòng, mọi người đều nhìn Tổ Gia với ánh mắt đầy hi vọng.

Tần Bách Xuyên thở dài nói: "Vậy Tổ Gia có kế sách gì?"

Tổ Gia đưa mắt nhìn ông ta rồi nói: "Tôi nghe thấy đối phương hô hào phải bắt sống Tần gia, tôi đoán chắc giữa Tần gia và đối phương đã xảy ra sự hiểu lầm gì đó, bởi vậy họ không muốn sát hại Tần gia ngay..." Nói đến đây Tổ Gia ngừng lại nhìn chằm chằm vào Tần Bách Xuyên.

 Sự việc đã đến nước này, tuy mọi người đều không nói gì, nhưng trong lòng đã bắt đầu oán hận Tần Bách Xuyên. Đại hội Đường khẩu tổ chức trên địa bàn của hắn ta, kết quả bị người khác bao vây, thế mà hắn chẳng hay biết gì, vậy mà cũng đòi làm Đại Sư bá.

Tần Bách Xuyên nhìn mọi người, nói: "Chắc là chuyện năm xưa của Lưu gia ( chỉ Lưu Tòng Vân). Rất nhiều người đã bị Lưu Tòng Vân lừa. Gần đây Trung đoàn trưởng Trung đoàn Độc lập Quốc dân Đảng đã tới tìm tôi, đòi bắt tôi trả lại số tiền năm xưa đã bị Lưu gia lừa gạt. Tôi nói oan có đầu nợ có chủ, một xu cũng không trả. Không ngờ hắn lại để bụng chuyện này."

Tổ Gia nghe xong, đại khái hiểu đôi ba phần, nhưng ông vẫn cảm thấy có điều gì đó không ổn. Tần Bách Xuyên dù gì cũng là kẻ có máu mặt ở Tứ Xuyên, từng qua lại với bọn quan chức cấp cao trong chính phủ. Một tên Trung đoàn trưởng lại dám ra lệnh cho thuộc hạ bắt sống ông ta thì chắc chắn phải có sự chỉ thị ở trên. Dù gì Trùng Khánh cũng là thủ phủ của chính quyền Quốc dân thời bấy giờ, nên chẳng kẻ nào to gan đến mức dám điều cả quân đội chính quy đến gây chuyện.

Tổ Gia đã đoán ra chút manh mối nhưng vẫn điềm tĩnh nói: "Tôi cảm thấy chẳng có gì to tát cả, chỉ là hiểu lầm mà thôi, tôi có kế hoãn binh, nhưng..."

Tần Bách Xuyên hỏi:  "Nhưng sao? Xin Tổ Gia cứ nói!"

Tổ Gia nói: "Nhưng Tần gia phải chịu thiệt thòi một chút."

Tần Bách Xuyên sửng sốt: "Ông nói sao?"

Tổ Gia nói: "Bây giờ chúng ta đang bị bao vây, trong tay chỉ có vài khẩu súng, hoặc là cùng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, Phái Giang Tướng sẽ diệt vong từ đây, hoặc là Tần gia giả vờ đầu hàng, chúng tôi đóng giả làm thuộc hạ của ông, bắt trói ông lại để giao cho đối phương. Đợi sau khi thoát được, chúng tôi sẽ lập tức móc nối các mối quan hệ để giải cứu cho ông."

Tần Bách Xuyên nghe thấy vậy bần thần cả người, Tổ Gia thấy vậy liền nói tiếp: "Thế này đi, tôi đoán bọn lính ngoài kia chẳng mấy tên biết mặt Tần gia. Tôi sẽ cải trang làm Tần gia. Mọi người trói tôi lại rồi giao nộp cho chúng, sau đó hãy tìm đường mà thoát thân."

Giang Phi Yến nghe vậy, bất giác kêu lên: "Tổ Gia!"

Thực ra Tổ Gia chỉ dùng chiêu lùi một bước tiến hai bước, sự việc đã đến nước này, tất cả mọi người đều nhìn Tần Bách Xuyên. Còn Tần Bách Xuyên đã ở vào thế leo lên lưng hổ khó mà xuống được. Tổ Gia quả là thâm hiểm.

Sống cùng sống, chết cùng chết. Đó là câu cửa miệng của người đứng đầu Đường khẩu. Đến khi xảy ra chuyện thật, thân là Đại Sư bá, hơn nữa lại là kẻ gây ra chuyện rắc rối này, lẽ ra Tần Bách Xuyên phải tự đứng ra giải quyết, thế mà giờ lại phải đợi người ta nhắc nhở đến nơi. Thật không đáng mặt chút nào!

Tần Bách Xuyên vô cùng căm hận Tổ Gia! Nhưng hắn như cá nằm trên thớt nên cũng hết cách, Tần Bách Xuyên đành phải ra vẻ cao thượng: "Sao Tổ Gia lại nói vậy? Người nào làm người nấy chịu. Tần Bách Xuyên tôi từ khi gia nhập Đường khẩu đã xem nhẹ sự sống chết rồi. Những lời Tổ Gia vừa nói đã làm tôi thức tỉnh, các ông cứ trói tôi lại rồi giao cho bọn họ, nếu tôi có gì bất trắc, Long Tu Nha sẽ được giao phó cho đại đệ tử của tôi là Phương Hóa Thiên. Mong Tổ Gia và các vị Sư bá tận tâm giúp đỡ, đừng để cơ nghiệp của Long Tu Nha bị phá hủy trong một sớm một chiều!"

Tần Bách Xuyên cũng thật nham hiểm, trước mặt tất cả huynh đệ Tứ đại Đường khẩu hắn ta tuyên bố rất hùng hồn, lại còn giao phó rõ ràng chuyện hậu sự. Ý là cho dù ta có chết thì Tổ Gia nhà ngươi cũng đừng hòng can thiệp vào việc của Đường khẩu Tây phái. Hôm nay tất cả có lớn có bé ở đây, sau này ông mà có ý đồ gì thì sẽ bị coi là kẻ bội tín bội nghĩa.

Mấy tên tay chân trói Tần Bách Xuyên lại, Tổ Gia hô to ra phía ngoài: "Các vị trưởng quan, chúng tôi đã bắt được Tần Bách Xuyên rồi. Xin giao nộp cho các ngài! Mong các ngài hãy cho chúng tôi một con đường sống!"

Bọn người bên ngoài nghe thấy vậy liền đáp: "Các ngươi hãy quẳng hết súng ra đây!"

Tổ Gia đưa mắt ra hiệu cho mọi người. Mọi người liền quăng mấy khẩu súng ra ngoài.

Bọn người bên ngoài lại hô to: "Giải Tần Bách Xuyên ra đây."

Hai tên tay chân giải Tần Bách Xuyên đi trước, những người còn lại tất cả đều giơ tay theo sau.

Khi tới gần chỗ tên cầm đầu, Tổ Gia mỉm cười nói: "Trưởng quan, Tần Bách Xuyên bị chúng tôi bắt được rồi. Chúng tôi vốn không liên quan đến hắn. Cầu xin trưởng quan hãy cho chúng tôi một con đường sống, chúng tôi vẫn còn cha mẹ, vợ, con ở nhà. Cầu xin..."

Không đợi Tổ Gia nói hết câu tên tiểu tử đó liền xông lên vả một cái vào miệng Tổ Gia: "Mẹ kiếp nhà ngươi! Đừng phí lời nữa!" Sau đó, hắn quay lại nhìn đám thuộc hạ rồi xua tay: "Giải đi hết cho ta!"

Phong Tử Thủ tức điên lên định giết hắn, nhưng Tổ Gia giữ anh ta lại.

Tổ Gia đang băn khoăn không biết nên chạy trốn vào lúc nào, trước đó mọi người đã bàn bạc, nếu chúng tha cho mọi người là tốt nhất. Còn nếu không trên đường áp giải, khi tới chỗ đường núi dễ ẩn nấp, có địa hình thuận lợi, nhân lúc chúng không chú ý, mọi người sẽ tìm cơ hội bỏ trốn.

Tổ Gia nói với mọi người, khi chạy trốn mọi người đừng để ý đến nhau. Mỗi người một ngả, chia thành nhiều tốp nhỏ mà chạy. Như vậy vừa phân tán sự chú ý của chúng, vừa không đến nỗi vì cứu người già mà người trẻ phải bỏ mạng. Sau khi thoát được, mọi người sẽ gặp nhau tại chỗ đã hẹn.

Khi chạy trốn phải nghe khẩu lệnh của Tổ Gia. Ông ho một tiếng, sau đó sẽ cùng Phong Tử Thủ phi tiêu, các huynh đệ trong Đường khẩu đều biết trình độ phi tiêu của hai người rất lợi hại. Tuy đã nộp hết súng, nhưng trong túi vẫn còn phi tiêu. Đợi sau khi Tổ Gia và Phong Tử Thủ cùng phóng tiêu, tất sẽ khiến bọn chúng náo loạn, lúc đó mọi người nhân cơ hội mà chạy trốn.

Tổ Gia nhìn Phong Tử Thủ, cánh tay trái vẫn còn rỉ máu, Tổ Gia nhìn anh ta rồi gật đầu, anh ta cũng nhìn Tổ Gia rồi gật đầu lại. Tổ Gia lại quay sang nhìn Giang Phi Yến, cả hai người đều không nói gì. Đây là thời khắc không biết sống chết thế nào. Một khi cuộc chiến bắt đầu, súng đạn chẳng chừa bất kỳ ai, ai sống ai chết cũng không thể nói trước được.

Ngã rẽ cuộc đời dường như luôn xuất hiện điều kỳ diệu, Tổ Gia đang vừa đi vừa quan sát địa hình xung quanh. Bỗng trên bầu trời có tiếng kêu ù ù, trong thời kỳ chiến tranh, mọi người vô cùng nhạy cảm với thứ âm thanh này, đó là dấu hiệu của một trận tập kích trên không.

Từ năm 1938, Nhật Bản điên cuồng dội bom xuống Trùng Khánh suốt 5 năm ròng, hòng phá hủy thủ đô thứ hai của Quốc dân Đảng. Thực ra, đối với Trùng Khánh, Nhật Bản ngoài ném bom oanh tạc thì cũng chẳng còn cách nào khác. Trùng Khánh được thiên nhiên vô cùng ưu ái. Nơi đây có địa thế vô cùng thuận lợi, vừa có chiến hào Trường Giang hiểm yếu, lại có núi non bao bọc làm bình phong, suốt ngày có sương mù bao phủ dày đặc, dễ phòng thủ khó tấn công.

Vì thế, bọn người Nhật Bản bắt đầu dùng cách "oanh tạc điên cuồng", để chặt đứt ranh giới giữa tiền tuyến với hậu phương, giữa quân giao chiến với dân thường. Sau mỗi đợt oanh kích, đạn pháo bay tứ tung, cả Trùng Khánh chìm trong biển lửa, biết bao dân thường vô tội bị chết vì bom đạn. Trên đường phố, trong các ngõ hẻm, sau mỗi đợt oanh tạc, thi thể nằm ngổn ngang. 

Lúc này máy bay đã cận kề đỉnh đầu, tên cầm đầu hét lên: "Nằm xuống mau!" Hai mươi mấy tên lính lập tức ôm đầu nằm rạp xuống đất.

Tô Gia thấy thời cơ đã đến liền vẫy tay: "Chạy!"

Tất cả các A Bảo chạy tán loạn. Toán lính đang nằm rạp trên mặt đất liền xả súng về phía các A Bảo, vừa bắn được vài phút thì bom dội xuống ngay trên đầu, một quả rơi ngay giữa đường, đùng một tiếng, đất cát bay mù mịt, cây cối nằm ngả nghiêng. Giang Phi Yến và mấy nữ A Bảo vừa chạy khỏi chỗ quả bom rơi không xa thì bị một sức ép dữ dội tràn đến hất họ ngã nhào. Tổ Gia đã chạy được một quãng xa, thấy vậy bất chấp lửa đạn mạo hiểm quay lại. Giang Phi Yến đã bất tỉnh, Tổ Gia bế bà chạy vào trong rừng, lại một quả bom nữa rơi xuống, lửa đạn khiến cho hai mươi mấy tên lính kia không dám ngẩng đầu lên. Phong Tử Thủ luôn theo sát Tổ Gia, họ nhanh chóng mất hút trong cánh rừng mênh mông. 

Đến canh hai, mọi người gặp lại nhau ở sau núi. Các Đường khẩu lần lượt kiểm tra  quân số, tất cả thiếu mất bảy người, bao gồm cả Tần Bách Xuyên. Không biết ông ta đã trốn thoát chưa, hay là bị trúng đạn mà chết trong lúc hoảng loạn.

Giang Phi Yến dần tỉnh lại, một mảnh bom đạn đã găm vào tai trái của bà, Tổ Gia xé áo của mình để băng bó cầm máu vết thương. Ông nói với mọi người: "Yến tỷ và Tiểu Lục Tử đều bị thương, phải nhanh chóng tìm đại phu mới được."

Nhị Bá đầu nói: "Hay là cứ về Đường khẩu của Tần gia trước đã, chưa biết chừng Tần gia cũng ở đó, đến lúc đó hãy tìm đại phu."

Phái Giang Tướng có quy định, phàm là mở Đại đường hội, để chemắt bọn gián điệp, không được hội họp ngay tại Đường khẩu, mà phải tìm một nơi yên tĩnh cách xa địa bàn, để đề phòng có kẻ gây tai họa. Hơn nữa về địa điểm tổ chức, ngoài những người tham dự ra thì không một ai khác biết được. Tham gia Đại đường hội đều là Đại Sư bá và một số thành phần tinh anh của Đường khẩu. Một khi có chuyện xảy ra sẽ can hệ đến sự tồn vong của phái Giang Tướng, cho nên đó là điều hết sức cơ mật. Địa điểm tổ chức lần này cách Đường khẩu Long Tu Nha khoảng 20 dặm, là nơi mà Tần Bách Xuyên đã vất vả tìm chọn.

Tổ Gia nhìn Nhị Bá đầu rồi lắc đầu: "Rất có thể Đường khẩu của Tần gia đã bị xóa sổ rồi."

Mọi người nghe xong đều hoảng hốt kêu lên.

Tiền Diệu Lâm nãy giờ im lặng chợt lên tiếng: "Tổ Gia phân tích rất có lý. Chúng đã có thể bao vây chúng ta, chứng tỏ chúng đã biết rất rõ hành tung của chúng ta. Bọn họ lại dám bắt sống Tần gia, như vậy Đường khẩu của ông ấy chắc chắn đã bị phá hủy rồi."

Lúc này một người trong Đường khẩu Long Tu Nha nói: "Tổ Gia, nói như vậy thì chúng tôi không dám đi tìm đại phu trong thành đâu. Chúng tôi mà thò mặt ra lúc này, chắc chắn sẽ bị tóm ngay, đi qua khỏi ngọn núi này có một ngôi làng, ở đó có thầy lang. Lúc nhỏ tôi vẫn thường mời ông ta tới nhà khám bệnh. Cứ để xem ông ấy có cứu được không đã!"

Tam Bá đầu nghe vậy liền nói: "Ngọn núi này thế rất dốc, vượt núi vào đêm khuya, e là rất nguy hiểm."

Tổ Gia không phản ứng gì, quay sang nói với Tiền Diệu Lâm: "Tiền gia, tôi thấy thế này, tôi sẽ dẫn mấy người đi tìm đại phu , những người còn lại do Tiền gia dẫn đầu, sau khi xuống núi hãy cải trang rồi ẩn nấp nghe ngóng tin tức của Tần gia..." Nói nửa chừng Tổ Gia ghé sát tai Tiền Diệu Lâm nói nhỏ vài câu, Tiền Diệu Lâm gật gật đầu.

Thế là mọi người chia thành hai ngả, đi theo Tổ Gia có Nhị Bá đầu, Tam Bá đầu, Phong Tử Thủ , còn có cả mấy nữ A Bảo của Nam phái Việt Hải Đường và mấy người dẫn đường của Long Tu Nha, Họ lần lượt cõng Giang Phi Yến thay cho Tổ Gia.

Đến canh năm, cuối cùng cũng đến được nơi tên tay chân kia nói. Tổ Gia nhìn quanh, đó là thôn trang của người dân tộc Miêu. Tên tay chân kia tiến đến gõ cửa, một lão thầy lang khoác áo đi ra. Vừa mở cửa ông ta giật thót mình khi thấy có tới cả chục người đứng trước mặt. Tên tay chân vội chào rồi nói: "Làm phiền lão tiên sinh, mấy người bạn của tôi đi buôn ngựa, ban ngày khi đi qua núi, không may gặp phải trận oanh tạc của bọn giặc, lại bị bọn thổ phỉ truy đuổi khiến hai người bị thương.  Xin lão tiên sinh cứu mạng!"

Lão thầy lang liền nói: "Mau vào đi!"

Sau khi vào nhà, dưới ánh đèn lờ mờ, Tổ Gia mới nhìn rõ. Đó là một ông lão khoảng chừng ngoài 50 tuổi, chòm râu phất phơ, trông như một ông tiên.

Lão thầy lang xem xét kỹ vết thương của Giang Phi Yến và Phong Tử Thủ, sau đó đi vào nhà rồi mang ra một cái hộp. Sau khi mở ra, mọi người nhìn vào thì thấy bên trong nào là dao, kìm, nhíp, kẹp, kim, còn có cả một đống lọ đựng thuốc nước.

Lão thầy lang phải xử lý vết thương cho Giang Phi Yến và Phong Tử Thủ. Theo Đông y, việc xử lý bên ngoài vết thương đòi hỏi phải tiến hành hết sức cẩn thận. Vết thương của Giang Phi Yến khá nặng, nên lão thầy lang phải xử lý cho bà trước.

Trước tiên, lão thầy lang lấy một túi thuốc bột đổ vào trong niêu đất rồi cho nước vào, sau đó cho thêm một ít thảo dược, sắc qua một lát rồi lại đổ ra bát, ông bảo Tổ Gia đỡ Giang Phi Yến rồi từ từ bón cho bà.

"Đây là thụy thánh tán(1), uống vào sẽ không cảm thấy đau nữa đâu!" Lão thầy lang lẩm bẩm. Tổ Gia nghe nói thế là biết ngay, trong rất nhiều sách Đông y đều có ghi chép về thụy thánh tán, trước khi mổ vết thương mà uống vào thì người bị thương sẽ bị gây mê ngay lập tức.

(1) Một dạng thuốc mê.

Thấy Giang Phi Yến đã uống xong bát thuốc, lão thầy lang liền lấy con dao nhọn rồi hơ trên lửa than, làm như vậy để khử trùng trong nhiệt độ cao. Lão vừa hơ vừa nói với Tổ Gia: "Hãy để cô ấy nằm thẳng trên giường, rồi cởi áo ra cho cô ấy."

Tổ Gia ngẩn người một lát, rồi vội vẫy tay gọi nữ A Bảo đứng bên cạnh: "Các người hãy tới giúp lão tiên sinh một tay." Sau đó, nói với những người khác: "Các người theo ta ra ngoài đợi."

Sau khi uống thuốc, Giang Phi Yến dần chìm vào cơn mê, nhưng vẫn còn tỉnh táo đôi chút. Bà cố kéo tay Tổ Gia lại, tỏ ý không muốn Tổ Gia rời đi, Tổ Gia nhẹ nhàng gỡ tay Giang Phi Yến rồi nói khẽ: "Yến tỷ, chúng ta đứng chờ ở bên ngoài, chẳng mấy chốc mà xong thôi."

Mất chừng khoảng thời gian một tuần nhang, lão thầy lang đi ra, ông vừa lau tay vừa nói với Tổ Gia: "Mảnh đạn đã được gắp ra rồi. Vết thương đã được đắp thuốc và khâu lại, nhưng vẫn phải uống thuốc trong vài ngày, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng một tuần thì mới khỏi hẳn."

Tổ Gia bước vào thấy Giang Phi Yến vẫn nằm thiêm thiếp trên giường, vội chắp tay thi lễ nói: "Đa tạ lão tiên sinh."

Lão thầy lang không nói gì, lại bắt đầu sắc thụy thánh tán, Phong Tử Thủ thấy vậy bèn cười, nói: "Lão tiên sinh, không cần đến thứ thuốc gây mê đó đâu, tôi có thể chịu được. Vết thương của tôi không sâu, ông chỉ cần gắp viên đạn ra là được."

Dường như thầy lang không nghe thấy lời Phong Tử Thủ, sắc một lát ông đổ thuốc vào bát rồi đưa cho Phong Tử Thủ. Anh ta chỉ còn biết nhìn Tổ Gia rồi ngẩng cổ lên uống một hơi.

Lão thầy lang lúc này mới nói: "Ta đã cho thêm chỉ huyết liên, nó không chỉ có tác dụng gây mê, mà còn có hiệu quả cầm máu." Tổ Gia nghe nói vậy liền gật đầu.

Một lúc sau Phong Tử Thủ cảm thấy buồn ngủ, liền nằm xuống giường, từ từ đi vào giấc ngủ.

Lão thầy lang cũng cầm dao hơ trên lửa than để khử trùng, sau đó rạch vết thương, thời gian mổ vết thương hơi lâu, máu tụ bên trong đã đen sì. Lão thầy lang cẩn thận rạch từng lớp da thịt một rồi từ từ dùng nhíp gắp viên đạn ra, sau đó bôi một ít thuốc mỡ màu vàng vào vết thương, cuối cùng dùng một cái kẹp nhỏ gắp một sợi chỉ tơ trong một cái lọ nhỏ rồi xâu vào kim, sau đó từ từ khâu kín vết thương.

Loại chỉ tơ này Tổ Gia đã từng nhìn thấy. Năm xưa, khi Đại Bá đầu gây gổ với bọn phản động rồi bị thương cũng phải dùng sợi chỉ tơ này để khâu vết thương, gọi là tang bì tuyến. Chính là dùng vỏ rễ cây dâu, bóc bỏ lớp vỏ thô bên ngoài, từ từ tách lấy những sợi gân mảnh và dai bên trong, sau đó dùng một sợi khác bọc bên ngoài, vuốt vài lần rồi lấy ra. Lúc này, sợi gân rễ cây dâu sẽ biến thành từng sợi óng ánh và mềm mại, cho những sợi tơ này vào lọ thuốc để giữ ẩm và độ mềm, khi dùng thì lấy ra xâu vào chiếc kim nhỏ là có thể khâu kín vết thương.

Ưu điểm lớn nhất của tang bì tuyến đó là không cần tháo chỉ, khi vết thương liền miệng, sợi chỉ này sẽ tự tiêu vào trong cơ thể.

Sau khi trời sáng, Giang Phi Yến và Phong Tử Thủ đều tỉnh dậy, Tổ Gia mừng rỡ nói: "Cuối cùng cũng tỉnh rồi, Yến tỷ và Tiểu Lục Tử cứ ở đây nghỉ ngơi tĩnh dưỡng vài ngày. Còn ta sẽ dẫn các huynh đệ khác quay về thành nghe ngóng tin tức."

Vì Giang Phi Yến bị mất quá nhiều máu nên vẫn còn rất yếu, bà khẽ nói: "Đa tạ đệ đã liều chết cứu tỷ."

Tổ Gia nói: "Đều là người một nhà cả, đừng nói những lời khách sáo như vậy! Yến tỷ cứ yên tâm nghỉ ngơi dưỡng thương."

Phong Tử Thủ ngồi dậy, duỗi duỗi cánh tay rồi cười nói: "Con không sao rồi. Tổ Gia! Con sẽ quay về thành với sư phụ."

Tổ Gia xua tay: "Không được. Ta bảo ngươi ở lại là để bảo vệ cho Đại Sư bá Yến tỷ đó."

Giang Phi Yến nghe nói vậy, hai mắt đỏ hoe, ngoảnh đầu quay đi.


CHỈ THỊ TIÊU DIỆT TỐI CAO CỦA QUỐC DÂN ĐẢNG

Sau khi cải trang xong, Tổ Gia dẫn theo mấy tên A Bảo xuống núi, quay lại nơi tổ chức Đại Đường hội ngày hôm qua.

Nhị Bá đầu thấy vậy ngẩn người ra thắc mắc: "Tổ Gia! Chúng ta quay lại đây làm gì? Hôm qua vừa xảy ra chuyện ở đây mà."

Tổ Gia cười cười rồi nói: "Thế ngươi nói xem lúc này ở đâu là an toàn nhất?"

Nhị Bá đầu nói: "Về nhà. Trở về Đường khẩu của chúng ta."

Tổ Gia nói: "Sai rồi! Ở đây mới là an toàn nhất."

Nhị Bá đầu vẫn ngơ ngác không hiểu.

Tam Bá đầu lập tức hiểu ra ngay, hắn ta nói: "Tổ Gia nói đúng đấy. Hôm qua chúng ta đã bị bắt ở đây, bọn người kia có nằm mơ cũng không nghĩ rằng chúng ta lại dám quay trở lại."

Tổ Gia tiếp lời: "Lần này quân đội chính quy ra tay vây quét Tần gia, ta luôn cảm thấy có nhân vật nào đó đứng đằng sau. Tình hình của chúng thế nào chúng ta không hề hay biết, tốt nhất mọi chuyện đều phải hết sức cẩn thận."

Nói xong, Tổ Gia bảo mọi người giải tán, còn mình giương một bức phướn bán thuốc, làm ra vẻ giống như một thầy lang giang hồ, vừa đi vừa hô: "Diệu thủ hồi xuân, chuyên trị tổn thương do va đập. Đậu nhi nha nhi xuất, lão không lão khoan vô."

Đó là ám hiệu, thông thường sau khi Đường khẩu giải tán, nếu lại muốn tái xuất giang hồ thì phải đọc ra ám hiệu này ở nơi có các A Bảo tụ họp. Ở đây có mấy từ tiếng lóng: đậu nhi chỉ cô nương, tức nữ A Bảo. Nha nhi chỉ chàng trai, tức nam A Bảo. Lão không và lão khoan đều chỉ đối thủ, kẻ thù. Trọng điểm của câu nói này nằm ở vế sau, ý muốn nói với mọi người rằng, gió lớn đã qua rồi, các A Bảo lại có thể bắt đầu trở lại.

Một lúc sau, có một ông lão tóc bạc phơ bước về phía Tổ Gia: "Tiên sinh có phương thuốc gia truyền gì vậy?"

Tổ Gia cười nói: "Một phương thuốc gia truyền có thể tạo phúc cho muôn đời."

Ông lão cười: "Tiên sinh hãy đi theo lão, tới khám cho cái chân của thằng út nhà lão."

Tổ Gia liền theo ông lão đi vào một con hẻm nhỏ, các A Bảo còn lại cũng lần lượt bám theo.

Ông lão khoảng bảy tám mươi tuổi này là Tiền Diệu Lâm cải trang. Mấy câu mà tối hôm qua Tổ Gia nói thầm vào tai ông ta chính là bảo ông ta hãy dẫn các huynh đệ về nơi Đại đường hội bị vây bắt vừa rồi. Chỗ đó tạm thời là nơi an toàn nhất, sau đó mọi người sẽ dùng ám hiệu để gặp nhau. Tại sao phải dùng ám hiệu, bởi Tổ Gia không biết lúc đó trong số những người có mặt có kẻ nào làm nội gián hay không. Tổ Gia còn nhắc nhở Tiền Diệu Lâm phải trông chừng mọi người, không cho phép bất kỳ ai đi lung tung.

Họ đi vào một căn nhà được ngụy trang kín đáo, tất cả mọi người đều có mặt, duy chỉ thiếu một mình Tần Bách Xuyên. Tổ Gia cau mày hỏi: "Vẫn chưa có tin về  Tần gia sao?"

Mọi người lắc đầu.

Tổ Gia không phải sợ ông ta chết, mà là sợ ông ta bị bọn Quốc dân Đảng bắt được, vì lúc này vẫn chưa biết rõ rốt cuộc đối phương muốn gì, ngộ nhỡ chúng muốn triệt phá phái Giang Tướng. Khi bắt được Tần Bách Xuyên tất sẽ dùng cực hình. Một khi Tần Bách Xuyên không chịu nổi tất sẽ khai ra hết, như vậy Tứ đại Đường khẩu sẽ tiêu đời. Tổ Gia chỉ mong Tần Bách Xuyên sẽ bị bắn chết trong lúc hỗn loạn.

Những năm qua, điều mà Tổ Gia luôn lo lắng đó chính là việc Đường khẩu Tu Long Nha thuộc Tây phái do Tần Bách Xuyên cai quản. Tần Bách Xuyên bước đi khá mạnh bạo, gan góc, thâm hiểm và cũng rất thông minh, có thể kết thành bè đảng với các cánh quân của bọn quân phiệt ở phía Tây và những nhân vật quan trọng trong chính phủ. Đó tuy là việc tốt nhưng cũng có phần không tốt. Tổ Gia không bao giờ muốn để phái Giang Tướng xích lại quá gần bọn Quốc dân Đảng. Tuy lợi ích cùng chia, nhưng có thể xảy ra mâu thuẫn xung đột bất cứ lúc nào, đối phương biết rõ anh như lòng bàn tay thì muốn tiêu diệt anh cũng quá dễ dàng.

Trước đó, Tổ Gia cũng đã từng cảnh báo Tần Bách Xuyên, nhưng ông ta không chịu nghe, trái lại còn tỏ ra xem thường. Ông ta không phải là không nghĩ đến những điều Tổ Gia lo lắng, chỉ là vì quá tự tin, ông ta nói: "Tôi đã gột sạch rồi, có vẻ như không có ai cho rằng tôi là kẻ lừa gạt đâu."

Lời nói của Tần Bách Xuyên quả không sai. Ông ta có sở trường về xuất Thiên, dàn cục vô cùng hoàn hảo. Thật thật giả giả, giả giả thật thật, cuối cùng biến giả thành thật, đến nỗi khiến cho nhiều nhân vật quan trọng trong Quốc dân Đảng đều cho rằng ông ta thật sự có tài. Một ví dụ điển hình đó là khi sư phụ của ông ta là Lưu Tòng Vân bị Lưu Tương vạch trần âm mưu rồi truy sát, ông ta không những không ra khỏi môn phái, mà trái lại còn giữ chức Đại Sư bá của Đường khẩu. Nguyên nhân chính là do có rất nhiều người của Quốc dân Đảng chống lưng cho ông ta.

Việc ông ta khiến cho Lưu Tòng Vân bị truy sát có thể coi là một cuộc đấu tranh chính trị, nguyên do sâu xa không phải Lưu Tòng Vân tính toán không chuẩn xác, mà là quá chuẩn. Lưu Tòng Vân vốn là trợ thủ đắc lực của Lưu Tương, do có người ghen ghét, muốn tách Lưu Tòng Vân ra khỏi Lưu Tương. Mà Lưu  Tương lại sợ không giữ được Lưu Tòng Vân ở lại, cho nên mới nảy ra ý định sát hại.

Ngoài một số A Bảo già trong Đường khẩu biết về con đường phất lên của Tần Bách Xuyên. Những người khác đều bị che mắt bởi những cảnh tượng giả tạo bên ngoài. Họ đều cho rằng ông ta là người kế nghiệp của Lưu Tòng Vân, lại là một vị đại tiên chân chính, một người thông hiểu Chu Dịch.

Nhưng đã là giả thì chung quy lại vẫn là giả, đúng như câu nói của Tổ Gia: "Con người làm bất cứ điều gì cũng có trời chứng giám." Tần Bách Xuyên cuối cùng cũng bị rơi vào tầm ngắm của Cục Quân thống. Đầu đuôi sự việc, về sau do chính Giang Phi Yến điều tra làm rõ.

Hôm đó, sau khi Tổ Gia với Tiền Diệu Lâm bàn bạc xong liền quyết định: Xét thấy tình hình hiện nay hết sức rối ren, nên toàn thể Tứ đại Đường khẩu đồng loạt giải tán! Khi chưa có lệnh, không ai được phép tái xuất hành nghề!

Một tháng sau, Tổ Gia cùng với Giang Phi Yến về Nam Việt.(1) Tổ Gia biết Giang Phi Yến có mối  quan hệ mật thiết với vài người của Quân thống. Nếu muốn biết Tần Bách Xuyên rốt cuộc đã gây ra tai vạ gì thì chỉ có Giang Phi Yến mới có thể nghe ngóng được thông tin.

(1) Tức Quảng Đông.

Mối quan hệ làm ăn bao nhiêu năm của Giang Phi Yến đã phát huy tác dụng ở thời điểm này. Mấy hôm sau, một viên Thiếu tướng của Quân thống cho biết tin, tin tức này không nghe thì thôi, nhưng một khi đã nghe thì cả Tổ Gia lẫn Giang Phi Yến đều sợ toát mồ hôi.

Phán đoán ban đầu của Tổ Gia không sai chút nào. Hôm đó đội quân chính quy đòi bắt sống Tần Bách Xuyên không chỉ đơn giản là vì chuyện Lưu Tòng Vân đã lừa tiền năm xưa, mà đó là chỉ thị tiêu diệt do bộ chóp của Quốc dân Đảng trực tiếp phát ra. Toàn bộ sự việc bắt nguồn từ khoản lương thực và lương bổng của quân đội.

Khi cuộc kháng chiến đang ở vào thế giằng có, tình hình tài chính của Quốc dân Đảng đã vô cùng eo hẹp. Hơn nữa sự tham ô hủ hóa và lạm phát khiến cho dân chúng lầm than, tiếng oán than vang khắp nơi. Tứ liên tổng xử - cơ quan tài chính cao nhất của thời chiến của Quốc dân Đảng đã khéo lập nên các khoản mục cho một loạt các chế độ và chính sách đục khoét của cải của người dân, kết quả khiến cho nền kinh tế quốc dân gần như kiệt quệ.

Mùa xuân năm 1943, khó khăn lắm mới xoay được một khoản tiền để giải quyết vấn đề lương thực và lương bổng cho quân đội, nhưng lại có người báo rằng, khoản này đã bị thất thoát một khoản lớn mà không rõ nguyên do. Tưởng Giới Thạch nổi xung lên, yêu cầu điều tra sự việc này. Về sau có người bên Cục Quân thống đã cung cấp manh mối, khiến Tưởng hết sức kinh ngạc. Một viên quan cấp cao phụ trách tài chính đã dùng số tiền này vào việc điều hòa phong thủy cho nhà hắn để cải vận, mà thầy phong thủy đó chính là Tần Bách Xuyên.

Tưởng Giới Thạch cũng là người rất yêu quý quốc học. Nghe đến chuyện này, ông ta cứ tưởng rằng đó là một vị cao nhân hay thần tiên nào đó, hỏi kỹ ra mới biết tên Tần Bách Xuyên này lại là đồ đệ của tên lừa đảo Lưu Tòng Vân năm xưa đã từng lừa gạt Lưu Tương.

Đến lúc này, một số người của Quân thống vẫn đứng ra nói đỡ cho Tần Bách Xuyên: "Người này không giống như Lưu Tòng Vân, ông ta thực sự là người có bản lĩnh."

Tưởng Giới Thạch nghe vậy thì tức giận đập bàn quát lớn: "Khốn kiếp! Một lũ đầu óc bã đậu! Thượng bất chính, hạ tắc loạn, một tên đệ tử của kẻ lừa đảo có thể là người tử tế được sao? Điều tra cho ra việc này, phải tìm rõ ngọn nguồn để tóm gọn bọn chúng."

Tưởng Giới Thạch nổi khùng vì Quân thống quá cả tin. Nhưng mạng lưới quan hệ được Tần Bách Xuyên thiết lập trong nhiều năm qua lại vô cùng phức tạp. Trong Cục Quân thống xuất hiện nhiều phe cánh, người phụ trách điều tra việc này cũng không dám liều lĩnh hành động. Ban đầu họ định phái một tên gián điệp trà trộn vào trong nội bộ của Tần Bách Xuyên. Nhưng Tần Bách Xuyên đã thắt chặt việc tiếp nạp thêm thành viên mới vào hội, nên một dạo không thể thâm nhập vào được. Vì thế, Cục Quân thống liền cho người theo dõi, luôn bám đuôi Tần Bách Xuyên. Nhưng thời gian đó Tần Bách Xuyên lại đi Tân Cương, nên tung tích mất tăm trong mấy tháng liền. Người của Quân thống vẫn cho rằng Tần Bách Xuyên bản lĩnh thông thiên, thần cơ diệu toán, nên chắc đã ẩn náu ở đâu đó.

Về sau, một tên đặc vụ chuyên theo dõi Tần Bách Xuyên, bắt gặp ông ta đang trên đường tới dự Đại đường hội của Tứ đại Đường khẩu. Khi nhìn thấy Tần Bách Xuyên đi vào một khu nhà dân, tên này liền báo tin ngay cho Cục Quân thống.

Cục Quân thống không rõ Tần Bách Xuyên tới đó làm gì, cũng không biết ở đó có những ai, nhưng chúng thấy không thể bỏ qua cơ hội này. Vậy là quyết định cất vó, phái ngay một đại đội tới đòi bắt sống Tần Bách Xuyên, định sau khi bắt được sẽ dùng cực hình tra khảo xem liệu còn đồng đảng nào hay không, sau đó một mẻ hốt trọn ổ.

Cục Quân thống có nằm mơ cũng không ngờ rằng, những người tham dự hôm đó đều là nhân vật cốt cán của phái Giang Tướng. Các ông trùm lừa đảo trong cả nước đều tụ tập ở đây. Nếu chúng biết tất cả những người cần tìm đều ở đây thì không đời nào ra lệnh "bắt sống Tần Bách Xuyên", mà đã cho ngay mấy quả đại bác phá tan tành nơi này rồi.

Cục Quân thống đã để vuột mất cơ hội hiếm có đặt dấu chấm hết cho phái Giang Tướng.

Về sau, máy bay của Nhật tới oanh tạc, những người bị bắt đều chạy thoát. Người của Cục Quân thống đành phải quay lại Đường khẩu Long Tu Nha, bắt các Bá đầu và bọn tay chân trông nhà, sau khi tra tấn dã man họ mới biết rằng mình đã bỏ qua cơ hội có một không hai, lúc này hối hận thì cũng đã muộn.

Điều khiến Tưởng càng tức giận hơn đó là Tần Bách Xuyên cũng đã chạy thoát, lại không rõ tung tích, sống phải thấy người, chết phải thấy xác, nhưng cũng không tìm thấy thi thể ở đâu.

Vậy rốt cuộc Tần Bách Xuyên đã đi đâu?

Nửa năm sau, cuối cùng Tổ Gia cũng tìm thấy Tần Bách Xuyên, hay nói đúng hơn chính là Tần Bách Xuyên tự tìm đến Tổ Gia.

Sau khi Tứ đại Đường khẩu giải tán, mọi người đều trở về quê. Tổ Gia cũng vậy và không tùy tiện xuất đầu lộ diện, mỗi khi ra phố đều phải cải trang. Một hôm, Tổ Gia đang cùng với Phong Tử Thủ quan sát động tĩnh ở trên phố, bỗng nhiên một người từ phía sau bước tới, vỗ vai gọi: "Tổ Gia!"

Tổ Gia giật thót người nhìn hắn. Mặc dù đã cải trang nhưng ông vẫn nhận ra ngay chính là Tần Bách Xuyên: "Tần gia!"

Tổ Gia đảo mắt nhìn quanh rồi nói nhỏ: "Không nên nói chuyện ở đây, đi theo tôi."

Sau khi về tới nơi ẩn náu bí mật, Tổ Gia mừng rỡ nói: "Tần gia, rốt cuộc ông đã đi đâu vậy? Làm cho các huynh đệ đều phải lo lắng."

Hóa ra vào cái hôm mà máy bay địch oanh tạc, Tần Bách Xuyên đã liều mạng chạy tuốt vào trong núi, chỉ một lát đã lặn mất dạng. Nhưng lúc đó tay ông ta đang bị trói quặt ra phía sau, càng chạy càng dễ bị ngã. Kết quả do mải chạy nên không may bị trượt chân xuống một khe núi, sâu chừng hơn chục mét, nếu không có đám cây dây leo ở giữa cản lại thì đã chết rồi. Nhưng ông ta chỉ bị ngất, nằm hôn mê suốt hai ngày. Sau đó một trận mưa lớn đã làm ông ta tỉnh lại, khi định thần lại mới biết là mình đang ở đâu, rồi lần mò tìm được một tảng đá sắc cạnh, cứa đứt sợi dây thừng, khó nhọc lắm mới bò lên được khỏi khe núi.

Khi bò lên được khỏi khe núi, lúc này đầu óc đã tỉnh táo hẳn, Tần Bách Xuyên nghĩ lại sự việc đã qua. Cuối cùng, ông ta phát hiện, việc tên Đoàn trưởng Trung đoàn Độc lập đòi trả lại số tiền bị lừa có thể không liên quan đến việc bắt mình, chỉ có điều hai việc này lại xảy ra cùng một lúc, Tần Bách Xuyên cảm thấy có điều gì đó không ổn, bởi ông ta thừa hiểu rằng, với tiếng tăm của mình ở Tứ Xuyên thì một tên Trung đoàn trưởng sẽ không bao giờ dám động đến ông ta dù chỉ là một cọng lông chân.

Tần Bách Xuyên rất thông minh. Trước tiên ông ta tìm đến nhà một người dân kiếm đồ ăn, sau đó lại dùng mấy nén bạc mua lại mấy bộ quần áo cũ. Cải trang xong, nửa đêm Tần Bách Xuyên mò về  Đường khẩu nghe ngóng động tĩnh thì phát hiện Đường khẩu đã bị niêm phong. Ông ta cảm thấy sự việc đã trở nên rất nghiêm trọng, điều này chứng tỏ bên trên có người muốn thanh toán mình. Lúc đó, bọn Tổ Gia cũng đã đi rồi, ông ta không tìm thấy một ai, liền đào lấy một ít tiền bạc mà trước đây ngầm giấu trong khu rừng ở ngoại thành và ngay trong đêm đó chạy một mạch về quê ẩn náu.

Nửa năm sau, khi tình hình có phần lắng xuống, Tần Bách Xuyên đi về phía đông xuôi xuống Giang Hoài tìm Tổ Gia, phát hiện Đường khẩu của Tổ Gia cũng không còn, ông ta cảm thấy sự việc vô cùng tồi tệ. 

Trước đây các Đường khẩu cũng đã có lần phải giải tán, ông ta biết sau khi giải tán, Tổ Gia thông thường sẽ về quê, nhưng cụ thể là ở đâu ông ta cũng không biết. Chỉ biết đó là một thị trấn, mà thông tin này cũng chỉ có nhân vật cấp Đại Sư bá mới biết được, còn các Bá đầu và đám tay chân thì không đủ tư cách để biết. Lúc đó, chẳng còn cách nào khác, ông ta đành lê la gần quê của Tổ Gia, hy vọng có thể gặp được. Kết quả lang thang suốt một tuần trời, cuối cùng cũng gặp được Tổ Gia.

Sau khi Tổ Gia nói với Tần Bách Xuyên những tin tức mà Giang Phi Yến có được. Tần Bách Xuyên cũng toát mồ hôi, cuối cùng ông ta cúi đầu nói: "Tổ Gia, tôi đã làm liên lụy tới mọi người."

Tổ Gia nói: "Tần gia quá lời rồi. Người cùng một nhà không nên nói những lời này. Huynh đệ chúng ta được gặp lại nhau mới là việc đáng mừng nhất. Tạm thời Tần gia cứ ở lại đây, chúng ta uống mừng thoát khỏi kiếp nạn."

Năm 1945, Nhật Bản thất bại đầu hàng quân đồng minh, cuộc chiến tranh giải phóng bắt đầu bùng lên, Quốc dân Đảng đánh mất lòng dân nên thất bại liên tiếp, phải tháo lui. Cục Quân thống (sau đổi thành Cục Bảo mật) cũng chẳng còn sức đâu để điều tra việc của phái Giang Tướng nữa.

Tổ Gia thấy thời cơ đã chín muồi, sau khi bàn bạc với ba vị Đại Sư bá khác, liền tuyên bố phái Giang Tướng tái xuất giang hồ. Thế là Tứ đại Đường khẩu bắt đầu chiêu binh mãi mã, thời kỳ gây dựng lại bắt đầu. Cuộc xung đột lần này với Quân thống có thể nói là chỉ bị một phen hoảng sợ chứ không nguy hiểm. Phong Tử Thủ lại một lần nữa được lĩnh hội tài trí của Tổ Gia. Kẻ ngu xuẩn chỉ nhìn thấy hiện tượng bên ngoài, người thông minh sẽ nhận thấy rõ bản chất. Phong Tử Thủ 21 tuổi đã rất thông minh, anh ta đã nhìn rõ Tổ Gia có ý đồ muốn đẩy Tần Bách  Xuyên vào chỗ chết. Còn một người cũng nhận ra điều này, đó chẳng ai khác chính là Tần Bách Xuyên.  Từ sâu thẳm trong tâm khảm ông ta bắt đầu nhen nhóm ý định phục thù.





Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top