CHƯƠNG 4: DÀN CỤC MỸ NHÂN, BÁO THÙ CHO VƯƠNG Á TIỀU
Bát tự luận họa phúc
Sau khi Tiên Nhân Thủ chết, Tam Bá đầu cho rằng cơ hội đã đến, liền ra sức tiến cử với Tổ Gia học trò tâm phúc của mình là Vương Gia Hiền, vào ngồi ở vị trí Thất Bá đầu. Sau vài lần bàn bạc, mặc dù Nhị Bá đầu có chút bất mãn, nhưng Tổ Gia vẫn gật đầu đồng ý. Cuối cùng, Vương Gia Hiền được ngồi vào chiếc ghế thứ bảy.
Vương Gia Hiền đi theo Tổ Gia năm 1946. Anh ta có dáng người cao gầy, ưa sạch sẽ, mỗi lần đi ra ngoài đều mặc áo dài nai nịt gọn gàng, tóc bôi dầu thơm chải ngược ra sau, trông rất hào hoa, nho nhã. Vương Gia Hiên bảo rằng tên của anh ta là do cha đặt cho, có nghĩa là gia đạo hiền lương. Tôi nghĩ khi cha anh ta đặt cho cái tên này, chắc chắn không thể ngờ được rằng sau này con trai mình lại toàn làm ra những việc lừa đảo, hãm hại người khác.
Thân phận khi xuất hiện bên ngoài của anh ta là một giáo viên dạy tiểu học gương mẫu trong trường quốc lập của Chính phủ Dân Quốc thuộc phe Quốc dân Đảng. Anh ta đọc sách nhiều, có tài ăn nói hạng nhất, tư tưởng tân tiến, có nhiều bài viết hay, rất được phụ nữ thời kỳ Dân quốc yêu mến, hơn nữa lại là quân sư giỏi của Tổ Gia. Trước mỗi lần dàn cục, Tổ Gia đều hỏi ý kiến anh ta. Ai có thể ngờ được rằng, đường đường một thầy giáo tiểu học đạo mạo lại có thể là một tay lừa đảo có hạng đây?
Lần đầu tiên anh ta giúp Tổ Gia dàn cục là nhằm vào vợ của một viên sĩ quan Quốc dân Đảng. Năm đó, Quốc dân Đảng gặp phải tình hình tiền tuyến nguy cấp, viên sĩ quan kia đã gửi một bức thư về nhà cho vợ. Trong thư tràn ngập lời lẽ thống thiết coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, hồi tưởng chuyện xưa phu thê ân ái. Từ đầu đến cuối thư bao trùm thâm ý sinh ly tử biệt khiến bà vợ ngày nào cũng khóc lóc, lo lắng, không thiết gì đến chuyện ăn uống.
Tâm trạng của bà ảnh hưởng trực tiếp đến đứa con, vừa hay cậu bé này là học sinh trường Vương Gia Hiền dạy. Thời đó ở bậc tiểu học, môn ngữ văn được đặc biệt coi trọng trong hệ thống giáo dục nhân văn. Bài văn đầu tiên gồm năm câu: "Mèo chuyên rình bắt chuột, chó ngoan ngoãn trông nhà, mỗi con có việc riêng, kẻ không nghề không ngỗng, thật chẳng bằng chó mèo." Đại ý là trên thế giới này, mỗi một sinh linh được sinh ra đều có chức trách và nhiệm vụ riêng. Nếu một người bỏ bê công việc, không chuyên tâm vào chức trách của mình thì ngay cả đến loài vật cũng không bằng. Tôi không biết mỗi lần Vương Gia Hiền giảng đoạn văn này cho lũ trẻ nghe, trong lòng anh ta sẽ nghĩ thế nào.
Cậu con trai của vị phu nhân viên sĩ quan kia ngồi trên lớp mà tâm hồn cứ để mãi đâu, không tập trung nghe giảng. Cả lớp 17 người, chỉ có mình cậu không thuộc năm câu này. Vương Gia Hiền hỏi xem có chuyện gì, nhưng cậu bé cúi đầu không nói. Sau đó Vương Gia Hiền gặng hỏi mấy lần, cậu bé mới trả lời vì mẹ nó suốt ngày buồn phiền chuyện của cha nên trong lòng không vui.
Vương Gia Hiền chộp ngay lấy thông tin này. Ngay đêm hôm đó, hắn bàn với Tổ Gia xem có thể làm vụ này hay không. Tổ Gia nói: "Không những có thể làm mà còn phải làm lớn nữa là đằng khác. Việc liên quan đến sự sống chết, chắc chắn giá rất cao."
Vương Gia Hiền lấy lý do đứa bé kia học hành sa sút, trên lớp thường xuyên không chú ý nghe giảng để đến tìm bà phu nhân kia. Người có dáng vẻ khôi ngô, sáng sủa, làm việc gì cũng sẽ thuận lợi, Vương Gia Hiền chính là loại người này. Dáng vẻ nho nhã, phong thái trí thức, ăn nói nhã nhặn lịch sử. Cho nên, ngay từ lần đầu gặp mặt bà phu nhân kia đã trút hết nỗi lòng mình với Vương Gia Hiền.
Vương Gia Hiền nói: "Tướng quân tráng sĩ, chinh chiến mười năm, thân kinh trăm trận, tất ngày khải hoàn. Chồng phu nhân đang chinh chiến nơi sa trường, khiến đám văn nhân hèn mọn như chúng tôi đây thật hổ thẹn."
Bà phu nhân thở dài nói: "Tiên sinh khiêm tốn rồi. Từ xưa tới nay quan văn chết bởi lời can gián, quan võ chết bởi chiến trận sa trường. Văn chương cũng chính là một thứ vũ khí sắc nhọn giành lấy giang sơn. Tiên sinh dạy học trồng người, cũng là mang lợi ích cho đời sau."
Vương Gia Hiền không ngờ vị phu nhân này có trình độ cao như vậy. Bình thường chỉ mỗi mình thao thao bất tuyệt, không ngờ hôm nay lại gặp được vị phu nhân khéo ăn khéo nói như vậy.
Vương Gia Hiền cũng thở dài nói: "Chỉ hy vọng phu nhân có thể bình tâm trở lại, chờ tin tốt lành của chồng. Nếu không, tâm trạng của bà sẽ ảnh hưởng nhiều đến cậu nhà. Ngày nào ngồi trên lớp cậu nhà cũng không tập trung chú ý nghe giảng, để lâu, sợ sẽ ảnh hưởng đến việc học hành."
Vị phu nhân kia gật đầu nói: "Nói thì nói vậy, nhưng ai có thể làm được đây. Chồng tôi sống chết còn chưa biết thế nào, bảo tôi làm sao có thể bình tâm được."
Vương Gia Hiền nhận thấy cơ hội đã đến, bèn làm vẻ nghiêm túc nói: "Phu nhân có tin vào số mệnh không?"
Vị phu nhân ngây người: "Số mệnh ư? Bây giờ tôi cũng chỉ biết trông chờ vào mệnh trời thôi."
Vương Gia Hiền bắt đầu xuất chiêu: "Thưa phu nhân, tôi có quen một vị tiền bối tinh thông Kỳ môn Bát quái, bấm độn quẻ rất giỏi, nghe nói đã xem cho rất nhiều quan to trong Chính phủ, có thể đoán biết được chuyện sinh tử, phú quý, chính xác lắm. Hay bà mời ông ấy xem cho..."
Vương Gia Hiền thấy bà ta đã cắn câu. Rõ ràng hắn chẳng đi câu, mà cá lại tự tìm đến móc vào lưỡi.
Vương Gia Hiền nói: "Phu nhân đừng sốt ruột, lão tiên sinh đó là chỗ giao tình với tôi đã lâu, tôi có thể hẹn gặp được. Ông ấy rất bận, nhưng tôi sẽ cố gắng sắp xếp giúp bà."
Vị phu nhân này mừng như chết đuối với được cọc, vội vàng nói: "Cảm phiền tiên sinh nhanh chóng hẹn giúp tôi, càng nhanh càng tốt, tốn bao nhiêu tiền cũng được."
Đây mới chính là lời mà A Bảo thích nghe nhất, Vương Gia Hiền nói: "Nhất định rồi, nhất định rồi! Tối nay tôi đến nhà ông ấy xem thế nào. Xin phu nhân cứ yên tâm!"
Vị phu nhân xúc động nói: "Cảm ơn tiên sinh! Cảm ơn tiên sinh!"
Khi người ta đang trong hoàn cảnh quá đau buồn hoặc vui mừng quá độ, đều sẽ trở nên ngốc nghếch. Huống hồ lại là người phụ nữ thân đơn gối chiếc, chồng chinh chiến nơi xa, sống chết là điều khó nói. Vương Gia Hiền nhanh chóng quay về báo cáo lại với Tổ Gia. Tổ Gia nói: "Bà ta có bao nhiêu gia sản?"
Vương Gia Hiền nói: "Điều này khó có thể biết chính xác được. Nhà mang kiến trúc phương Tây, theo phong cách bài trí đồ đạc trong nhà, đoán chừng đây là nhà của sĩ quan chỉ huy cấp trung đoàn trở lên."
Tổ Gia nghĩ một lúc rồi nói: "Cứ để bà ta chờ vài hôm đã."
Ngày hôm sau, Vương Gia Hiền lại đến nhà vị phu nhân kia, hắn nói: "Tối qua tôi đi tìm lão tiên sinh rồi. Gần đây ông ấy rất bận, đáng nhẽ ra phải đi công tác. Nhưng sau khi nghe tôi kể về việc của phu nhân, ông ấy tạm thời hoãn lại, khoảng hai ba hôm nữa có thể gặp được."
Bà phu nhân nói: "Cám ơn tiên sinh! Cám ơn tiên sinh! Xin càng sớm càng tốt cho!"
Ba ngày sau, ba người gặp nhau tại một tiệm trà.
Tổ Gia cốt cách phi phàm, Vương Gia Hiền phong lưu hào sảng. Vị phu nhân này có nằm mơ cũng không thể nào ngờ được rằng hai vị quân tử khiêm nhường trước mặt mình đây lại chính là phường lừa đảo chuyên nghiệp. Ngồi trước hai người đàn ông đạo mạ, vị phu nhân có chút ngại ngùng, thu hết can đảm bà mở lời với giọng run rẩy: "Xin làm phiền tiên sinh ạ!"
Tổ Gia nói: "Người học Kinh dịch, tấm lòng từ bi đại lượng, phu nhân không cần quá khách sáo như vậy. Việc của phu nhân đây, Vương tiên sinh đã nói cho ta nghe cả rồi."
Vị phu nhân nói: "Vậy cảm phiền tiên sinh xem giúp chồng tôi lành dữ thế nào?"
Tổ Gia nói: "Tướng mặt(1) phu nhân, cung Phu thê sắc trạch ảm đạm, cung Quan lộc và cung Minh thấp lõm. Thứ lỗi cho ta nói thẳng, chồng bà đang ở vào hoàn cảnh rất nguy ngập."
(1) Trong tướng mặt: cung Phu thê ở hai bên dưới đuôi mắt; cung Quan lộc nằm giữa trán; cung Mệnh nằm giữa hai chân mày.
Vị phu nhân kia nghe thấy vậy vẻ mặt đờ đẫn hoảng hốt rồi cuống quýt hỏi: "Vậy... vậy có nguy hiểm đến tính mạng không?"
Tổ Gia chậm rãi nói: "Xin phu nhân hãy bình tâm, hãy cho ta biết Bát tự ngày sinh của chồng bà."
Sau khi nghe bà ta trả lời, Tổ Gia ngẫm nghĩ giây lát rồi nói: "Tôi đoán trên trán của chồng phu nhân có một nốt ruồi to, không biết có đúng không?"
"Đúng quá, thưa thầy!" Bà ta cuống quýt trả lời. "Nó nằm lệch về phía bên trái trên trán."
Tổ Gia lại nói: "Ông ấy mắt to, cằm nhọn."
"Tiên sinh nói quả rất đúng!" Vị phu nhân trả lời.
Vương Gia Hiền giả bộ kính nể cũng vội vàng nói: "Lão tiên sinh đúng là đạo pháp cao minh. Văn sinh xin bái phục, bái phục!"
Tổ Gia vẫn nghiêm sắc mặt không hề biểu lộ một chút tình cảm, bấm bấm đốt ngón tay: "Phu nhân cho ta hay Bát tự của phu nhân."
Vị phu nhân vội vàng nói Bát tự của mình. Tổ Gia lại bấm đốt ngón tay, trầm ngâm một lúc rồi nói: "À! Được cứu rồi, được cứu rồi."
Vừa nghe thấy câu "Được cứu rồi", vị phu nhân liền đứng phắt dậy, ánh mắt tràn đầy niềm hy vọng, bà nói: "Tiên sinh vừa nói chồng tôi sẽ được cứu ư?"
Tổ Gia nói: "Bát tự của phu nhân vừa hay có thể hỗ trợ cho phu quân. May mà ông ấy lấy được bà, nếu không thì lần này khó tránh được tai họa."
Đây gọi là Đả trước Long sau.
Vị phu nhân hỏi lại: "Ý tiên sinh là tôi có mệnh vượng phu sao?"
Tổ Gia nói: "Đúng vậy."
"Vậy làm thế nào mới có thể hóa giải được tai họa này?" Vị phu nhân hỏi dồn.
Tổ Gia trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi nói: "Còn phải xem phu nhân có bằng lòng hay không."
Bà ta ngẩn người không hiểu: "Sao tiên sinh lại nói vậy, đương nhiên tôi bằng lòng rồi. Dù đánh đổi cả mạng sống, tôi cũng bằng lòng."
Tổ Gia nói: "Phu nhân quả là một người vợ hiền thục. Ông ấy lấy được bà, thật là phúc phận của ông ấy! Hôm trước ta cũng gặp một trường hợp giống với trường hợp của phu nhân, nhưng người phụ nữ đó vừa nghe thấy việc giải hạn phái dùng đến tiền thì nghi ngờ do dự không quyết. Hây da! Ta không biết phải nói thế nào cho phải, rốt cuộc là tiền quan trọng hay phu quân quan trọng đây. Than ôi!"
Vị phu nhân nói: "Tiên sinh yên tâm. Chỉ cần cứu được chồng tôi, phải bỏ ra bao nhiêu tiền cho tiên sinh tôi cũng bằng lòng. Tôi nào sợ khuynh gia bại sản."
Nghe bà ta nói vậy, Tổ Gia sa sầm mặt nói: "Phu nhân nói thế là ý làm sao? Sao lại cho tôi tiền? Kẻ hèn này tuy rằng cả đời thanh bần nhưng vẫn hiểu thế nào là hai chữ nhân nghĩa."
Vị phu nhân vội nói: "Tiên sinh... vừa rồi chẳng phải nói muốn giải hạn thì cần đến tiền sao?"
Tổ Gia tức giận nói: "Phu nhân coi khinh ta quá! Ta nói dùng tiền giải hạn, ý bảo phu nhân bỏ tiền ra lo cho chồng chứ không phải cho ta tiền. Trong mệnh cục phu nhân, Quan tinh bị Tài tinh khắc chế triệt để, chỉ có bỏ tiền ra mới có thể giải cứu được Quan tinh, như thế phu quân bà mới trở về được, cho nên ta bảo bỏ tiền ra là ý như vậy. Nhưng không thể vung tiền tùy tiện được, mà phải dùng để công đức, như vậy vừa đạt được mục đích tiêu tiền, vừa giúp chồng tích đức hành thiện, đúng là nhất cử lưỡng tiện."
Bà phu nhân liền hỏi dồn: "Làm thế nào mới có thể tích công đức đây?"
Tổ Gia trả lời: "Phu nhân nhìn xem, cây cầu nối liền với Nam Trấn đã bị xuống cấp, hư hỏng nhiều năm. Mỗi ngày người dân đi đi về về bên đó, có lúc còn có lái buôn đánh xe ngựa chạy qua cầu, rất nguy hiểm, nên sớm trùng tu, phu nhân quyên góp một khoản để sửa chữa cây cầu chính là đã giúp chồng giải hạn, hơn nữa lại tạo phúc đức cho người dân. Người xưa có câu, xây cầu sửa đường, công đức vô lượng. Như vậy thật tốt biết bao!"
Không chờ vị phu nhân kia lên tiếng, Vương Gia Hiền đứng dậy trước, cúi gập người trước Tổ Gia, khóe mắt đỏ hoe, làm ra vẻ như mới được thụ giáo đạo lý cao siêu gì đó, hắn nói: "Tiên sinh quả thật là người có tấm lòng từ bi, văn sinh cảm kích vô cùng!"
Vị phu nhân nói: "Tiên sinh quả thật là người có tấm lòng từ bi! Vậy xin hỏi tiên sinh cần khoảng bao nhiêu tiền?"
Tổ Gia nói: "Việc này quả thực ta cũng không biết, phu nhân thử hỏi lính bảo an địa phương xem sao. Quyên góp tiền cho họ, họ sẽ tự cho người sửa chữa lại cây cầu.
Vị phu nhân vui mừng nói: "Như vậy sẽ giải được hạn cho chồng tôi đúng không?"
Tổ Gia quả quyết nói: "Chắc chắn giải được! Phải thành tâm, không được làm qua quýt cho xong chuyện."
Vị phu nhân gật đầu nói: "Nhất định, nhất định rồi! Tiên sinh, tôi đã quấy quả làm mất nhiều thời gian của ngài, tôi... tôi phải trả cho tiên sinh bao nhiêu tiền?"
Tổ Gia lắc đầu: "Phu nhân đang lúc khó khăn, ta chẳng qua chỉ dựa vào chút khả năng giúp phu nhân bớt đi phiền não, vậy mà lại đi lấy tiền khác nào để phu nhân chê cười?"
Vị phu nhân càng cảm thấy bối rối nói: "Vậy tôi phải làm thế nào để tạ ơn tiên sinh đây, ngài đxa phải lao tâm khổ tứ vì việc của tôi, tôi..."
Tổ Gia nghe xong phe phẩy tay áo, rồi chỉ tách trà trên bàn nói: "Được hóng gió lành, nhấp chén trà lạt là đã đủ rồi, đủ rồi!" Nói xong liền uống một hơi cạn sạch rồi phẩy tay áo bỏ đi.
Nhìn theo bóng Tổ Gia mãi đằng xa, vị phu nhân thở dài một tiếng: "Thói đời bạc bẽo, lòng người chẳng được như xưa, nào hay hôm nay gặp được vị lão tiên sinh đây mới biết tình người vẫn nồng ấm."
Vương Gia Hiền hùa theo: "Từ trước tới nay, lão tiên sinh vẫn luôn xem thường đồng tiền, người như vậy trên đời này còn được mấy người."
Sau đó, vị phu nhân này đã bỏ ra một khoản tiền lớn để tu sửa lại cây cầu, tên lính bảo an ra nhận tiền đó thực chất đã bị Tổ Gia mua chuộc từ trước. Số tiền dùng để tu sửa cầu chỉ là một phần nhỏ, phần còn lại được chia đều cho Tổ Gia và tên lính kia. Còn việc Tổ Gia bói ra được tướng mạo của chồng bà ta, đều nhờ những thông tin do Vương Gia Hiền thu thập từ trước khi dàn cục, anh ta đã lén quan sát những bức ảnh treo trên tường. Phu nhân đó một lòng lo lắng đến việc an nguy của chồng, nên đâu có biết trò mèo đó.
Tôi rất khâm phục những thủ đoạn, mánh khóe của Tổ Gia, ông đã vận dụng cả Thiên và Long, biến mình trở thành một bậc đại đức trong mắt thiên hạ. Về sau, tôi từng hỏi Tổ Gia: "Ngộ nhỡ chồng bà ta không trở về thì sao?"
Tổ Gia mắng tôi đầu óc bã đậu, ông nói: "Vấn đề không phải là sợ chồng bà ta không về, mà sợ chồng bà ta quay về ấy, chẳng may lão ta về được mới gay. Còn không chẳng có gì phải sợ. Một quả phụ không chồng thì có thể làm gì được cậu? Đầu óc bã đậu, không chịu động não!"
Lúc đó tôi mới ngộ ra, vội hỏi: "Nếu chồng bà ta quay về, đến tìm chúng ta gây chuyện, thì phải làm thế nào?"
Tổ Gia nói: "Cứ đi ắt sẽ có đường, việc gì chẳng có cách giải quyết chứ. Làm A Bảo mà cứ sợ bóng sợ gió, chẳng bằng về nhà chăn lợn cho rồi."
Về sau, Vương Gia Hiền ba lần bảy lượt chạy đến nhà vị phu nhân đó, Tổ Gia thấy có điều gì đó không ổn, nên trong một lần họp Đường khẩu, ông nói: "Tiền đã ôm được về rồi, đừng có đòi ôm thêm thứ khác, tham lam tất sẽ gây ra họa đấy."
Lời của Tổ Gia dọa cho Vương Gia Hiền sợ toát mồ hôi hột, hắn nói: "Con hiểu, con hiểu rồi."
Sau này, có lần tôi cùng Vương Gia Hiền ngồi uống rượu, tán chuyện với nhau. Vương Gia Hiền nói anh ta đã rung động trước vị phu nhân đó. Đang lúc bà ta chới với không có chỗ dựa, nhờ vào khả năng am hiểu tâm lý phụ nữ, cộng thêm tướng mạo và thủ đoạn, không đầy một tháng sau, chắc chắn có thể có được bà ta trong tay. Thực ra, anh ta cũng chẳng muốn tính chuyện lâu dài, chỉ muốn được ngủ với bà ta một đêm, rồi rút êm.
Anh ta nói đó là một phụ nữ trí thức, đàng hoàng đứng đắn, am hiểu thơ ca, chính là mẫu người anh ta thích. Tôi hỏi: "Anh thường xuyên qua lại chốn lầu xanh, vậy mà vẫn có nhã hứng và khẩu vị tao nhã đến thế sao?" Anh ta trả lời rằng: "Các cô gái lầu xanh dù có xinh đẹp nhường nào cũng chỉ là cái bị thịt, qua tay đủ hạng đàn ông. Sao có thể so sánh với người phụ nữ con nhà gia giáo được?"
Cuối cùng Vương Gia Hiền cũng uống đến độ say khướt, luôn miệng lảm nhảm: "Quân tại Tương giang đầu, Thiếp tại Tương giang vĩ, tương tư bất tương kiến, đồng ẩm Tương giang thủy(2)..." Rồi sau đó mê man ngủ thiếp đi.
(2) Bốn câu cổ thi, đại ý là chàng ở đầu sông, thiếp cuối sông, nhớ nhau mà không gặp được, nhưng ta cùng uống chung dòng nước.
Tôi biết, Vương Gia Hiền là người có tâm theo đuổi mục tiêu rất lớn, có tài nhưng chưa gặp thời, cuối cùng bất đắc chí phải đem tài năng thi triển trong hàng ngũ A Bảo, hẳn anh ta rất đau lòng. Kỳ thực, A Bảo nào cũng vậy, chỉ biết sống tạm sống bợ, mượn rượu giải sầu, chơi bời trăng hoa cho qua ngày. Sau những cuộc vui, họ cũng cảm thấy thương thay cho mình, thấy rõ một tương lai không lối thoát. Ai chẳng muốn sống một cuộc sống đàng hoàng, lấy vợ sinh con, sống yên ổn cho đến tuổi già, con trai con gái đuề huề, được vậy sẽ hạnh phúc biết bao. Nhưng các A Bảo làm gì có thứ hạnh phúc xa xỉ đó, họ sống say sưa trong mộng mị bởi lòng tham muốn vật chất, nó đã đục khoét thân thể, đục khoét tâm hồn, vẻ hào nhoáng bề ngoài mãi mãi không thể che giấu được đôi tay đã nhúng chàm và sự tự ti trong lòng. Đêm đến, A Bảo cũng thường hay nghĩ, nhớ đến bản thân mình khi còn trong sạch, tự chất vấn mình rằng nếu ta không đi con đường này thì có lẽ đã trở thành một con người khác...
Hôm nay, Vương Gia Hiền phong độ ngời ngời, kinh luân một bụng cuối cùng cũng đã ngoi lên vị trí Bá đầu. Kể từ đó, mọi người đều gọi anh ta là Thất gia.
ĐỆ NHẤT ÁM SÁT TRUNG QUỐC
Từ tháng 9 năm 1948, cuộc chiến tranh giải phóng bước vào giai đoạn quyết chiến mang tầm vóc chiến lược, đến đầu năm 1949, chiến dịch Bình Tân kết thúc, quân chủ lực Quốc dân Đảng cơ bản bị tiêu tan, hầu hết các vùng từ sông Trường Giang đổ về phía Bắc đều đã được giải phóng. Chưởng môn Tuyết Manh Thảo là Tiền Diệu Lâm bị dồn vào thế chân tường, cuối cùng đành phải từ bỏ địa vị Đại Sư bá, đến cậy nhờ Tổ Gia.
Nhưng, một núi không thể có hai hổ, giống như Tống Giang và Tiều Cái ở Lương Sơn Bạc, cuối cùng cũng phải có một người cầm đầu. Mặc dù Tiền Diệu Lâm cam tâm tình nguyện cúi đầu xưng thần, nguyện làm một Bá đầu dưới tay Tổ Gia, nhưng bảy vị Bá đầu dưới tay Tổ Gia đâu thể để lão ta làm vậy. So về tuổi tác, Tiền Diệu Lâm còn lớn tuổi hơn cả Tổ Gia. Lão ta nham hiểm gian xảo , từng có tà tâm bất chính với Giang Phi Yến - Trưởng môn nhân Nam phái. Nếu không nhờ có Tổ Gia ra mặt điều đình, e rằng đã xảy ra một trận huyết chiến giữa hai Đường khẩu.
Nghe Nhị Bá đầu nói, Giang Phi Yến lớn hơn Tổ Gia một tuổi, Tổ Gia tôn trọng bà ấy nên gọi là Yến tỷ. Khi Kiều Ngũ Muội chết, bọn Hắc bang trong vùng đến phá rối, Tổ Gia dẫn các anh em đích thân đến dàn xếp. Sau khi Tiền Diệu Lâm nương nhờ Tổ Gia, Giang Phi Yến đã gửi riêng cho ông một bức thư, nhắc nhở Tổ Gia phải cẩn thận đề phòng con người này.
Vì thế, mọi người luôn cảnh giác trước sự xuất hiện của Tiền Diệu Lâm. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía Tổ Gia.
Không khí trong Đường khẩu có phần gượng gạo, nhìn bề ngoài có vẻ như vẫn giữ được hòa khí, nhưng thực tế nguy cơ trùng trùng. Đặc biệt sau khi Vương Gia Hiền lên làm Thất Bá đầu, Nhị Bá đầu luôn cảm thấy khó chịu. Mối quan hệ với Tam Bá đầu ngày càng căng thẳng hơn, cộng thêm việc đột nhiên trong Đường khẩu xuất hiện thêm lão Tiền Diệu Lâm này nữa. Mặc dù hắn nói muốn làm một Bá đầu dưới tay Tổ Gia, nhưng Tổ Gia lại không thể làm vậy. Tiền gia vẫn là Tiền gia, Đại Sư bá vẫn là Đại Sư bá. Đợi qua thời gian này, khi điều kiện cho phép, Tổ Gia sẽ lại giúp ông ta lập một Đường khẩu khác. Như vậy, Đường khẩu vô duyên vô cớ lại có thêm một Đại Sư bá, mỗi khi họp Đường khẩu, Tiền Diệu Lâm luôn ngồi bên cạnh Tổ Gia, thỉnh thoảng Tổ Gia còn nghe theo ý kiến của lão ta, khiến các Bá đầu đều cảm thấy chướng mắt.
Khoảng thời gian đó, mỗi lần họp Đường hội, Tổ Gia thường bảo tôi ở lại pha trà cho ông. Không một ai bận tâm đến chuyện này, họ đều biết tôi vừa đần vừa ngốc, nên chẳng ai đề phòng.
Tổ Gia rất am hiểu trà đạo, mỗi lần thưởng trà, chỉ cần một khác biệt nhỏ là ông nhận ra ngay. Có lần, khi pha trà tôi hơi phân tâm một chút, sau khi nhấp một ngụm, ông nói: "Đại Đầu, lần này con để tâm đi đâu vậy?"
Tôi cảm thấy Tổ Gia là người vô cùng tinh tế, chỉ cần nhấp một ngụm trà ông cũng có thể nhận ra được tâm của người pha trà lúc đó đang tĩnh hay phân tâm. Khoảng thời gian đó, lần nào chúng tôi cũng uống trà đến tận khuya, ông không ngủ được, nên thường hay uống trà, tôi thấy rõ một điều rằng ông đang trăn trở vấn đề gì đó.
Có lần, Tổ Gia và tôi đàm luận đôi chút về việc của Đường khẩu. Thực ra tôi nói cái gì cũng không ảnh hưởng đến ai cả, mọi người đều biết tôi ngốc nghếch, chẳng biết giở trò ma mãnh. Nếu đổi lại là người khác, ngày nào cũng trò chuyện với Tổ Gia đến tận khuya, chắc chắn khó tránh khỏi bị người sinh nghi, ít nhất cũng sinh lòng đố kỵ. Bởi vậy, ngốc cũng có cái hay của ngốc, một tên ngốc không đòi hỏi tham vọng, chẳng phải bận lòng bất cứ điều gì. Ngốc, đôi khi cũng là một bức bình phong để bảo vệ cho bản thân mình.
Một tối, Tổ Gia hỏi tôi: "Con thấy tình hình Đường khẩu hiện nay thế nào?"
Tôi không hiểu ý Tổ Gia, ấp úng không dám nói.
Tổ Gia nói: "Đại Đầu, cứ nói đi! Chuyện hai chúng ta nói, chỉ có ta và con biết.
Được Tổ Gia mở lời, tôi thu hết can đảm nói: "Tổ Gia, có vài chuyện con không hiểu, không biết tại sao sư phụ lại làm vậy?"
Tổ Gia mỉm cười nói: "Nói tiếp đi."
Tôi quay sang nhìn ông, run run nói: "Ví dụ như sư phụ không nên cho Tiền gia ở lại, càng chẳng cần để cho ông ta ngồi ngang hàng khi họp Đường hội. Mặc dù đều là anh em, nhưng dù sao cũng không phải người trong cùng một Đường khẩu, để ông ta biết hết những việc lớn nhỏ của Đường khẩu thì không hay cho lắm. Ngoài ra, sư phụ cũng không nên để cho Vương Gia Hiền lên làm Thất gia nhanh như vậy. Vì Tiên Nhân Thủ vừa mới chết, Nhị gia vẫn còn rất đau lòng, làm như vậy sẽ gây nên mối bất hòa trong nội bộ Đường khẩu..."
Nói xong, tôi không dám ngẩng đầu lên, sợ nói gì đó mạo phạm sẽ khiến Tổ Gia tức giận.
Tổ Gia cười ha hả, nói: "Đại Đầu, nếu như con là ta, con mong các anh em trong Đường khẩu đoàn kết một lòng, hay mong họ có bức tường ngăn cách?"
Tôi đáp: "Đương nhiên là đoàn kết một lòng rồi. Mọi người cùng chung sức chung lòng, như vậy mới làm tốt mọi việc được.
Tổ Gia lắc lắc đầu, cười gượng, nói: "Đúng vậy! Chung sức chung lòng, đúng là làm được việc, nhưng cũng dễ làm hỏng việc."
Lúc đó, tôi không hiểu được câu Tổ Gia nói có ý gì, mãi sau này xảy ra việc bốn Bá đầu liên thủ hưởng hương tôi mới ngộ ra được chân lý trong đó. May mà chỉ có bốn vị Bá đầu tạo phản. Nếu như cả bảy vị Bá đầu cùng tạo phản thì Tổ Gia coi như xong đời. Lúc đó, tôi chợt nhớ đến cuốn Thiên Gia Đấu của Tiểu Nhân Thư mà tôi từng đọc khi còn nhỏ, trong đó có câu: "Tự cổ thần tử bất đấu, Hoàng đế yên năng tọa an ổn(1)?" Tổ Gia quả rất sáng suốt!
(1) Xưa nay nếu thần tử không đấu đá lẫn nhau thì hoàng đế sao có thể ngồi yên trên ngai vàng được.
Tổ Gia không trả lời tôi vấn đề liên quan đến Tiền Diệu Lâm, xem ra khi đó vẫn chưa phải lúc.
Trong thời gian đó, Lục Bá đầu Phong Tử Thủ cũng rất ít khi ra ngoài, luôn ở bên cạnh Tổ Gia như hình với bóng. Người trong Đường khẩu đều biết công việc chủ yếu của Phong Tử Thủ là phụ trách khâu liên lạc với người dẫn mối và giới Hắc đạo. Nếu anh ta không đi ra ngoài, cứ rình phục ở Đường khẩu, điều này chứng tỏ trong nội bộ Đường khẩu đang có vấn đề rồi.
Phong Tử Thủ vốn là người trong Phủ Đầu bang của Vương Á Tiều. Từ nhỏ, anh ta đã nghe quen tai, nhìn quen mắt bao nhiêu chuyện trong giang hồ, nên rất can đảm, nghĩa hiệp, luôn giúp đỡ người khác, khí tiết chính trực, nghiêm nghị. Phải khó khăn lắm Tổ Gia mới thu nạp được anh ta về dưới trướng của mình. Việc này cần phải kể bắt đầu từ ông cụ Trương Đan Thành.
Khi Trương Đan Thành chết, Vương Á Tiều đến chia buồn, đem theo một món tiền phúng viếng khá lớn. Người tinh ý thoạt nhìn biết ngay Cửu gia đến để chống lưng cho Tổ Gia. Trước khi Trương Đan Thành chết, ông ta đã dốc hết tâm sức dạy bảo Tổ Gia, hơn nữa còn căn dặn cả Chu Chấn Long, Đồ Nhất Minh phải hết lòng phò tá. Nhưng giang hồ hiểm ác, khi đó Tổ Gia cũng chỉ là một chàng trai hơn 20 tuổi, muốn chèo lái một Đường khẩu, không những phải trấn giữ được nội bộ, mà đối với bên ngoài càng cần phải giữ được mối quan hệ bền vững với cả hai giới Hắc-Bạch. Bởi vậy, Trương Đan Thành mấy lần viết thư cho Vương Á Tiều, nhờ ông ta dìu dắt Tổ Gia.
Ở Trung Quốc, muốn biết một kẻ có máu mặt hay không chỉ cần nhìn vào mối quan hệ của người đó, muốn biết người chống lưng lớn cỡ nào thì cứ việc trông vào đám cưới hay đám ma xem có những nhân vật như thế nào xuất hiện. Vương Á Tiều không những đích thân đến, mà còn mang theo cả đồng tiền. Người trong giới chỉ thoạt nhìn là hiểu ngay đôi ba phần.
Đương nhiên Tổ Gia hiểu rõ việc này. Sau khi Trương Đan Thành chết, năm nào Tổ Gia cũng đến thăm Vương Á Tiều. Ông từng nói với các anh em trong Đường khẩu không biết bao nhiêu lần rằng: "Cửu gia (chỉ Vương Á Tiều) đúng là một vị anh hùng. Cứ trong mười người có được một, hai người như Cửu Gia thì đất nước Trung Quốc không bị diệt vong."
Năm 1935, Tổ Gia đến thăm Vương Á Tiều, cũng là lần đầu tiên gặp Phong Tử Thủ. Khi đó, Phong Tử Thủ mới 14 tuổi. Lúc đó anh ta vẫn chưa được gọi là Phong Tử Thủ, Vương Á Tiều gọi anh ta là Tiểu Lục Tử. Tổ Gia thấy cậu nhóc này tuy nhỏ tuổi, nhưng ánh mắt lạnh lùng nghiêm nghị, dáng điệu cử chỉ toát lên vẻ điềm tĩnh và cương nghị, thoạt trông đã biết ngay là con nhà võ.
Mấy năm nay, Tổ Gia luôn mang một nỗi bận tâm lớn trong lòng. Đó chính là việc cứ mỗi lần người của Đường khẩu và bọn người "trong giới" xảy ra va chạm, ông luôn phải đích thân đến nhờ cậy Vương Á Tiều giúp đỡ, vô cùng phiền phức, nên bản thân ông cảm thấy rất ái ngại. Ông muốn cuỗm lấy một người từ chỗ Vương Á Tiều về với mình, như vậy mối quan hệ giữa hai Đường khẩu sẽ càng thêm gắn bó hơn. Một khi cần dàn xếp việc gì, Tổ Gia không cần đích thân ra mặt nữa, chỉ cần phái người đi là được. Vì đây là việc chung của cả Đường khẩu, thân đã là người của Đường khẩu thì không thể đùn đẩy trách nhiệm sang cho người khác được.
Nhưng vấn đề ở chỗ, nếu trực tiếp đòi cuỗm mất kẻ tâm phúc của Vương Á Tiều, chưa cần nói Vương Á Tiều có đồng ý không, mà bản thân Tổ Gia cũng chẳng dám mở miệng. Mặt khác kẻ tâm phúc đã thề chết đi theo Vương Á Tiều kia cũng sẽ không chịu đi theo Tổ Gia, hoặc hắn có thể chẳng coi Tổ Gia ra gì. Cho nên, Tổ Gia muốn tìm một người thích hợp giúp mình trong chuyện này. Còn về tiêu chuẩn tìm người, cũng không cần phải tìm người có máu mặt và từng trải, nhưng đến bậc cha chú của anh ta là đã có thể khiến cho người người trong giang hồ nể sợ vài phần, như vậy là đã đạt được mục đích ban đầu. Người này được trưởng thành trong mạng lưới quan hệ của bậc cha chú, bất cứ lúc nào cũng tận dụng được những mối quan hệ đó. Sau này lớp người đi trước rửa tay chậu vàng, lui về ở ẩn, anh ta có thể kế tục, dốc hết tài năng, đắc dụng cho mình.
Hôm đó, Tổ Gia vừa gặp đã nhắm ngay Tiểu Lục Tử, ông ướm lời hỏi Vương Á Tiều: "Cửu Gia, cậu này là..."
Vương Á Tiều cười nói: "Đây là cháu ruột một người huynh đệ của ta, nó tuy còn nhỏ nhưng khá đấy. Luyện võ từ khi còn để chỏm, tinh thông Tông Hạc quyền, Bát Quái, Hồng Quyền và cũng rất giỏi Khinh Công."
Tổ Gia ngẫm nghĩ một lát, rồi không kìm nén được liền chắp tay nói với Vương Á Tiều: "Cửu gia, tiểu đệ có một việc muốn thỉnh cầu, không biết có nên nói ra không?"
Vương Á Tiều cười: "Tiểu đệ muốn nói đến Tiểu Lục Tử?"
Tổ Gia không khỏi ngỡ ngàng, nhưng cũng nói thẳng vào vấn đề không dám giấu giếm: "Người quân tử không nên hớt tay trên của người khác, nhưng Đường khẩu gần đây nhân tài như lá mùa thu, tiểu đệ đúng là đang khao khát cầu người hiền tài. Đệ thấy vị tiểu huynh đệ này đúng là một nhân tài có một không hai, lại là thế hệ sau trong Đường khẩu của Cửu gia, tất được Cửu gia dạy bảo đến nơi đến chốn, trọng tình trọng nghĩa, tiểu đệ có muốn cũng chẳng được."
Vương Á Tiều cười ha hả nói: "Giữa huynh đệ chúng ta, đệ không phải dùng cách Long với ta, cứ nói thẳng là muốn có nó là được."
Với Vương Á Tiều, quả thật Tổ Gia vẫn còn hơi non nớt, lại bị nói trúng tâm nguyện như vậy, mặt ông đỏ bừng. Nhưng được lời như cởi tấm lòng, ông đi thẳng vào mục đích: "Dám xin Cửu gia đồng ý!"
Vương Á Tiều nói: "Ta thì không có ý kiến gì, vấn đề là bản thân nó kia, thằng bé này khá cứng đầu đấy." Nói đoạn, liền vẫy Tiểu Lục Tử lại hỏi: "Tiểu Lục Tử à! Vị Đại Sư bá đây muốn thu nạp ngươi, người có muốn đi theo ông ấy không?"
Tổ Gia khi đó mới hơn 30 tuổi, Tiểu Lục Tử liếc nhìn Tổ Gia một cái nói: "Ông có bản lĩnh gì?"
Tổ Gia cười cười, vặn lại: "Vậy ngươi có bản lĩnh gì?"
Tiểu Lục Tử nhếch mép nói: "Tôi có thể tránh được đường đạn". Cậu ta nói có thể tránh được đường đạn, thực ra không phải là cậu ta có thể chạy nhanh hơn cả viên đạn. Ý cậu ta chỉ là cậu ta nhanh nhẹn, nhạy bén, có thể đoán được chính xác đường đạn mà người ta sẽ bắn nên trước khi đối phương bóp cò, cậu ta đã vận sức dưới thân, chạy thoát trước một bước. Có một lần, cậu ta theo thúc thúc đi hành thích, kết quả là bị đối phương bắn lại, thằng nhóc này cứ nhảy lên nhảy xuống thoăn thoắt như con thoi, không viên đạn nào bắn trúng được nó.
Tổ Gia nhìn quanh, thấy trên bàn có một đĩa dương mai liền cầm lấy vài quả, mỉm cười nói: "Như thế này đi, nếu cậu có thể né được mấy quả dương mai này thì ta sẽ không thu nhận cậu nữa. Nếu cậu không né được thì hãy ngoan ngoãn đi theo ta."
Tiểu Lục Tử vừa nghe thấy thế đã tức đỏ mắt, thầm nghĩ đúng là khoác lác, liền xắn ống quần, vén tay áo lên, hùng hổ nói: "Nào, chúng ta bắt đầu đi!"
Vương Á Tiều ngồi bên cạnh cứ lim dim mắt cười.
Tổ Gia nói: "Chờ chút đã."
Tiểu Lục Tử sững lại: "Sao? Ông sợ rồi à?" Tổ Gia đếm mấy quả dương mai trong tay, nói: "Tất cả có năm quả, ta ra thêm một điều kiện, nếu trong số năm quả này mà có một quả không trúng thì coi như ta thua!"
Tiểu Lục Tử nghe thấy tức đến nỗi hơi phí cả ra qua lỗ mũi: "Đừng lải nhải nữa! Nào! Chơi!"
Tổ Gia vừa dùng chiêu khích tướng cho cậu ta mất bình tĩnh, sẽ khiến chân tay loạng quạng, cậu ta càng nóng vội, Tổ Gia càng điềm tĩnh, bình thản. Tổ Gia nắm chắc mấy quả dương mai, lắc lắc trước ngực, tay vận lực, đột nhiên cánh ta vung lên một cái, ông hét lớn một tiếng: "Đỡ này!"
Tiểu Lục Tử cứ nhìn chằm chằm xem Tổ Gia ra chiêu gì, vừa thấy cánh tay ông vung lên, cậu ta liền cúi giật đầu xuống, rồi lập tức xoay người một vòng, tránh sang một bên, rồi lập tức đứng thẳng người trở lại thì phát hiện ra chẳng có cái gì đánh trúng người mình. Vừa định sung sướng hét lên thì Tổ Gia vẩy tay một cái, một quả dương mai bay vù ra, trúng ngay trán. Lực đủ mạnh khiến quả dương mai đỏ choét kia nát bét dính trên trán Tiểu Lục Tử. Thì ra vừa rồi Tổ Gia chỉ phát hư chiêu chứ không hề ném quả nào cả, đợi sau khi Tiểu Lục Tử xoay người né tránh rồi đứng yên, ông mới ném thật.
Tiểu Lục Tử gào lên: "Ông chơi xấu! Vừa rồi ông không..."
Chưa nói dứt lời, Tổ Gia lại hất tay một cái: "Lại trúng rồi!" Lần này còn nhanh hơn, mạnh hơn nữa. Vù một cái, một quả trúng ngay họng Tiểu Lục Tử. Cổ họng như có vật gì chẹn ngang khiến Tiểu Lục Tử phát ra một tiếng "ự", đến nói cũng không nói được.
Tổ Gia lại vẩy tay lần nữa, lần này cả ba quả dương mai cùng bay ra một lúc. Mặc dù Tiểu Lục Tử ra sức né tránh, nhưng một quả vẫn trúng ngay giữa ngực, còn hai quả kia trúng vào bụng.
Vương Á Tiều cười ha hả, nói với Tổ Gia: "Không ngờ lão đệ còn có bản lĩnh này, nếu ta không lầm thì đây chính là tuyệt kỹ của Đồ Nhất Minh!"
Tổ Gia chắp tay: "Đã khiến Cửu gia chê cười rồi. Đây chính là tuyệt kỹ do lão tiền bối Đồ Nhất inh truyền thụ."
Lúc này, Tiểu Lục Tử đứng bên cạnh hậm hực, tay xoa xoa cổ họng, trông có vẻ vẫn còn chưa hạ hỏa.
Vương Á Tiều mỉm cười nói với Tiểu Lục Tử: "Còn nhìn cái gì, ngươi thua rồi. Mấy quả dương mai vừa rồi, quả nào cũng bắn trúng vào chỗ hiểm, nếu ông ấy dùng phi đao hoặc đinh sắt thì nhà ngươi xong đời rồi."
Tiểu Lục Tử nhếch miệng nói: "Ông ta chơi xấu."
Vương Á Tiều nói: "Giang hồ giết nhau, chưa bao giờ xuất chiêu theo một quy tắc, luật lệ nào cả, Thắng làm vua thua làm giặc, thua thì phải nhận thua. Đến Đường khẩu của Tổ Gia, ngươi phải ngoan ngoãn nghe lời ông ấy, giữ cho tròn bốn chữ nhân, nghĩa, lễ, tín, không được thiếu sót một chữ. Nếu không, ta sẽ không tha cho ngươi." Câu này là nói Tiểu Lục Tử, nhưng cũng là dành cho Tổ Gia. Vương Á Tiều tuy lên núi làm cướp, nhưng một đời chính trực lẫm liệt. Bây giờ ông ta giúp đỡ Tổ Gia đấy, nhưng một khi Tổ Gia dám đi chệch đường, chắc chắn ông ta sẽ là người đầu tiên tiêu diệt Tổ Gia.
Tổ Gia nghe thấy thế vội đứng lên hành lễ: "Tạ ơn Cửu gia!"
Tiểu Lục Tử nói: "Tôi sẽ theo ông, nhưng với một điều kiện."
Vương Á Tiều sầm mặt nói: "Quân tử nhất ngôn, đừng có quanh co, lấp liếm."
Tổ Gia vội lên tiếng: "Không sao cả, không sao. Cậu cứ nói xem điều kiện gì nào?"
Tiểu Lục Tử nói: "Ông phải dậy tôi trò ném này."
Tổ Gia và Vương Á Tiều nhìn nhau cười ha hả. Thế là Tiểu Lục Tử đi theo Tổ Gia như vậy đó. Về sau, ở Đường khẩu, anh ta được Tổ Gia chuyên tâm dạy bảo. Cuối cùng anh ta cũng có thể một mình đảm đương một trọng trách. Nhờ giỏi quyền thuật, lại giỏi khinh công, Tiểu Lục Tử chuyên đảm nhiệm việc qua lại với giới Hắc đạo và thường được điều đi nghiên cứu địa hình trước khi dàn cục. Anh ta như một con ngựa không biết mệt mỏi, cho nên Tổ Gia gọi anh ta bằng cái tên rất hay là Phong Tử Thủ.
Phong Tử Thủ đến Đường khẩu được hai năm thì Vương Á Tiều bị ám sát. Phong Tử Thủ đau buồn khóc suốt cả đêm, muốn lập tức ám sát kẻ đó để báo thù, nhưng bị Tổ Gia cương quyết ngăn cản! Tổ Gia nói: "Ngươi đấu được với người của Cục Quân thống ư? Cửu gia là vua ám sát bậc nhất ở Trung Quốc, cuối cùng cũng chết trong tay chúng, ngươi muốn đâm đầu vào chỗ chết sao? Cửu gia đã giao ngươi cho ta, với tư cách là Đại Sư bá, ta không cho phép ngươi đi."
Tuy ngoài miệng nói cứng như vậy, nhưng trong lòng Tổ Gia rất buồn. Với ông, người mà ông khâm phục nhất trong cuộc đời chính là Cửu gia Vương Á Tiều, hơn nữa, Cửu gia còn nhiều lần đưa tay cứu vớt, trợ giúp khi Tổ Gia gặp nguy. Tổ Gia cũng muốn báo thù, nhưng đối thủ lần này lại là Quân thống nên ông không dám hành động khinh suất, lỗ mãng.
Đúng lúc này, xuất hiện một vị Đại Sư bá khác ở vùng đất Giang Hoài, hai vị Đại Sư bá này đã cùng bắt tay dàn cục. Đó là lần dàn cục mỹ nhân nhuốm màu sinh ly tử biệt.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top