Chương 2: (Tiếp)
BỊ SỈ NHỤC TẠI LẦU TRÀ
Tổ Gia dành cả một đêm để kể cho tôi về những chuyện đã qua. Câu chuyện vừa kết thúc cũng là lúc hừng đông đang lấp ló phía chân trời.
Từ bé đến lớn, tôi chưa từng nghe câu chuyện nào li kì mà rung động lòng người như vậy. Tôi không biết phải nói gì cho phải, cũng không biết vì sao ông lại kể cho tôi nhiều chuyện đến thế. Tôi ngây người ngồi bất động, chén trà đã nguội tự bao giờ.
"Lượng ngốc!" Tổ Gia nói. "Giờ đây ngươi đã hiểu vì sao vừa rồi ta lại nói trước đây ta còn không được bằng ngươi như bây giờ chưa? Ta chỉ là một đứa trẻ ăn mày, giờ đây đã trở thành ông chủ. Còn ngươi dù sao cũng là một tiểu nhị, ngươi nói xem ngươi có thể là lão gia hay không?"
Tôi không biết phải trả lời ra sao, trong lòng nghĩ: ai có thể bì được với ông, tôi đây đến cắt tiết gà mà hai tay còn run nữa là. Ông giết hai người không chớp mắt, tôi chẳng thể có được cái gan và khí phách đó.
Tổ Gia thấy tôi không nói gì liền hỏi tiếp: "Lượng ngốc, có muốn đi theo lão gia ta không?"
Tôi chấn động trong lòng, lẽ nào hôm nay Tổ Gia gọi tôi đến là muốn tôi đi theo ông gia nhập Đường khẩu? Làm kẻ lừa đảo sao? Tôi lạnh toát sống lưng. Bản thân tôi tuy nghèo thật, nhưng từ nhỏ không biết, mà có biết cũng không dám làm những việc Thương thiên hại lý, tôi sợ hãi nói: "Lão gia, tiểu nhân không có được bản lĩnh đó và cũng không có gan làm. Tiểu nhân chỉ cần có miếng cơm bỏ vào miệng là được rồi. Hơn nữa cũng không thể so được với ngài..."
"Ha ha ha." Tôi chưa nói hết câu, Tổ Gia đã cười lớn, cười đến nỗi khiến tôi rùng mình, nổi cả gai ốc.
Tổ Gia nói: "Ngươi muốn cả đời như thế này sao? Cả đời làm tên tiểu nhị ư? Không muốn kiếm tiền lấy vợ sao? Không con nối dõi là một tội bất hiếu lớn nhất đó ngươi có biết không?"
Câu nói này của Tổ Gia đã hạ gục tôi hoàn toàn. Nam nhi đến tuổi trưởng thành, ai không nghĩ đến chuyện thành gia lập thất? Ở quán trà, hàng ngày kẻ ra người vào tấp nập, nam nữ có cặp có đôi, tôi một mình lủi thủi nấp sau cánh cửa lén nhìn họ. Có lúc một cô nương xinh đẹp đến quán, khi pha trà cho người ta, tôi không thể không liếc nhìn cúc áo ngực phập phồng của cô ta, sau đó giả như không có việc gì rồi lập tức quay về quầy. Buổi tối, tôi cũng thường bó gối ngồi nghĩ, nghĩ đến ngày mình động phòng hoa chúc, sinh con đẻ cái. Nhưng lại nghĩ đến thân phận mình chỉ là tên nghèo kiết xác, bất giác tôi thở vắn than dài, phủi đít đứng dậy, đưa tay ngoáy mũi, sau đó vùi đầu mà đi ngủ.
Tổ Gia bỗng nhiên lại hỏi: "Lượng ngốc, mẹ ngươi qua đời như thế nào?"
Tôi trả lời: "Lao phổi ạ!"
Tổ Gia nói: "Đã tìm thầy lang khám cho bà cụ chưa?"
Nhắc đến việc này, tim tôi buốt nhói, tôi trả lời: "Ban đầu cũng có tìm thầy lang bắt mạch kê đơn mấy ngày, sau đó tiền hết, lại không có chỗ chạy vạy vay mượn, mấy thang thuốc chẳng mấy chốc mà đã uống hết, tiếp sau đó bệnh phát nặng hơn, rồi thổ huyết, cuối cùng là..."
Tổ Gia nói: "Sau khi cụ chết thì an táng thế nào?"
Dường như Tổ Gia đang khoét sâu vào nỗi đau của tôi, đây là việc cay đắng chua xót nhất trong đời tôi. Mẹ già sau khi qua đời, không mua nổi quan tài, phải dùng chiếu bó lại, đặt nằm trong chiếc tủ đựng quần áo, rồi người trong thôn đến khiêng giúp đi, chôn cất một cách sơ sài như vậy. Mẹ già một đời đau khổ, cuối cùng đến manh áo niệm và cỗ quan tài cũng không có. Mỗi lần nghĩ đến việc này, tôi đều không cầm nổi hai hàng nước mắt.
Tổ Gia thấy tôi khóc, đưa cho tôi một chiếc khăn tay và nói: "Nếu ngươi vẫn muốn sống những ngày như vậy thì hãy trở về quán trà, còn nếu muốn đi theo ta, hãy quay lại đây."
Ra khỏi phủ đệ của Tổ Gia, tôi chạy thẳng một mạch về quán trà. Lời nói của Tổ Gia cứ văng vẳng bên tai, tôi không biết mình phải lựa chọn như thế nào. Không hiểu vì sao Tổ Gia lại chọn tôi, tôi không phải là một người thông minh, bộ dạng trông rất ngốc nghếch, hơn nữa cái gan chỉ bằng con chuột nhắt. Chỉ riêng những điều này thôi đã là không hợp với nghề A Bảo rồi.
Sáng hôm sau, tôi vẫn đến quán trà. Cả đêm không ngủ, hai mắt đờ đẫn thất thần. Cộng thêm những chuyện của Tổ Gia đã nói cứ lảng vảng trong đầu, tôi không tập trung làm việc gì được. Buổi trưa, như thường lệ Tổ Gia đến uống trà, tôi không dám nhìn thẳng vào ông. Vẫn giọng nói quen thuộc, ông gọi: "Lượng ngốc, cho lão gia ấm trà Long Tỉnh!"
"Đến ngay đây!" Tôi cao giọng đáp lại, pha cho ông một ấm trà Long Tỉnh thượng hạng.
Ông vẫn cầm chiếc quạt trắng, vẫn uống trà, vẫn thong thả phe phẩy quạt.
Tôi nhìn vào mắt ông, ông không có phản ứng gì, tôi vội vàng đi tiếp đón những người khách khác.
Một lát sau, có hai người trẻ tuổi với thái độ ngông ngênh bước vào, tôi vội vàng chạy đến: "Hai vị, xin mời vào trong."
"Mang cho chúng ta một ấm trà thượng hạng!"
"Đến ngay." Tôi vội vàng đi pha trà cho họ, sau khi pha xong, tôi cẩn thận bê lên và kính cẩn: "Mời hai vị dùng trà." Vừa quay lưng đi, tôi nghe thấy một tiếng "choang", tách trà đã rơi xuống nền nhà tự lúc nào. Tôi cũng không biết tại sao lại rơi. Khả năng vừa rồi khi tôi quay người đi, tay áo đã vướng phải tách trà.
Ông chủ đã dặn dò, gặp phải trường hợp này, phải nhanh chóng xin lỗi, đồng thời xem nước trà nóng có bắn vào chân khách hay không. Nếu nước và lá trà dính vào chân khách, phải lập tức dùng ống tay áo của mình lau sạch.
Tôi cúi người xin lỗi liên tục: "Xin lỗi hai vị, xin lỗi hai vị." Thấy trên chân một người khách bị nước trà bắn vào, tôi vội vàng ngồi thụp xuống, định bụng dùng ông tay lau sạch.
Vừa mới đụng vào chân, không ngờ hắn ta liền co chân, đạp mạnh tôi một cái vào ngực. Tôi cảm thấy mắt hoa lên, khí huyết đảo lộn, đau đến nỗi không thở ra được.
"Khốn kiếp! Ngươi có biết đôi giày của ta đáng giá bao nhiêu tiền không? Cái bàn tay bẩn thỉu của ngươi, cũng đòi lau sao?" Tên tiểu tử đó cao giọng mắng nhiếc.
Tôi ôm ngực ngồi bệt xuống chân tường, biết hôm nay gặp phải tình huống giống như lần trước, lần đó tôi cũng bị một cái bạt tai. Lúc này tôi chỉ mong sự việc này nhanh chóng qua đi. Tôi không muốn tranh cãi, mà cũng chẳng dám tranh cãi.
Ông chủ quán thấy sự việc không hay, vội vàng chạy lại, tươi cười nói: "Hai vị, xin hãy bớt giận, tên đồ đệ này của tôi không hiểu chuyện, tay chân vụng về. Xin lỗi hai vị, xin lỗi hai vị! Tách trà hôm nay miễn phí, xem như tôi bồi thường cho hai vị." Sau đó quay người lại phía tôi: "Còn không mau cút đi!"
Tôi đứng dậy định đi, không ngờ tên tiểu tử đó nói: "Đợi một chút!" Sau đó vẫy tay về phía tôi: "Ngươi qua đây."
Tôi nghĩ hắn định cho tôi một cái bạt tai, tôi ôm quai hàm chầm chậm đi lại, sợ hãi nhìn hắn.
Hắn cười với tôi và nói: "Ngươi xem bộ dạng của ngươi kìa! Như thế này đi, ngươi liếm hết những cọng trà dính trên giày của ta, ta sẽ cho qua những chuyện này, nếu không, lão gia ta hôm nay sẽ đập nát cả ngươi và cái quán trà này!"
Tôi biết thân phận mình thấp hèn, từ nhỏ đã không ít lần bị người khác ức hiếp, nhưng việc liếm giày lần này quả thực chưa từng gặp bao giờ. Xem ra bọn chúng không coi tôi là người nữa. Tôi nhìn sang ông chủ cầu cứu. Với vẻ mặt vô cùng khó xử, ông chủ quán trà miễn cưỡng gật đầu, ra hiệu cho tôi lập tức liếm giày cho hắn.
Bỗng nhiên tôi nhớ đến Tổ Gia, quay đầu về phía bàn ông đang ngồi với ánh mắt cầu cứu. Tôi nghĩ rằng Tổ Gia nhất định sẽ giúp đỡ tôi bởi ông vốn là người hiệp nghĩa mà.
Không ngờ, Tổ Gia không nhìn về phía này, ông vẫn phe phẩy chiếc quạt, thong thả uống trà, dường như mọi việc đang diễn ra không hề liên quan gì đến mình.
Tôi tuyệt vọng, chầm chậm quỳ xuống, thè lưỡi ra liếm sạch lá trà dính trên giày của hắn. Tên đó thấy vậy khoái trá bật cười ha hả.
Tôi cảm thấy bản thân mình đến chút lòng tự tôn cũng không có. Sau khi liếm xong, tôi liền chạy thẳng một mạch về phía nhà sau, tìm một góc vắng vẻ, òa khóc như một đứa con nít.
Đêm đến, tôi lặng lẽ đi về hướng phủ của Tổ Gia, đi đến nửa đường, lại do dự quay về, về được một đoạn, lại quay lại, cứ như vậy quay đi rồi lại quay lại, cuối cùng cũng đến trước cửa phủ.
Tôi đứng trước cửa, không biết giờ này ông đã ngủ hay chưa, thò tay gõ cửa. Cửa liền mở ra, người quản gia vừa nhìn thấy tôi liền nói: "Mau vào đi, Tổ Gia đang đợi cậu."
Tôi ngây người ra rồi đi theo người quản gia, Tổ Gia đang ngồi một mình uống trà, thấy tôi đến: "Nghĩ thông rồi chứ?"
Tôi cúi đầu không nói, một lát sau, buồn bã nói: "Hôm nay... ngài đều nhìn thấy hết... con còn cho rằng..."
"Ngươi cho rằng ta sẽ giúp ngươi, đúng không?" Tổ Gia ngắt lời, "Ta nói cho ngươi biết, nếu là ta, ta sẽ lập tức giết chết hai tên khốn nạn đó, nhưng đó là ta, không phải ngươi. Bản thân ngươi phải có lòng tự tôn."
Tổ Gia gầm lên một tiếng, tôi im lặng không nói.
"Bản thân ngươi hiểu được là tốt rồi. Trên thế gian này, không phải cứ hiền lành, trung thực là có thể sống tốt. Bắt đầu từ ngày mai, ngươi đến Đường khẩu đi." Tổ Gia nói.
Tôi ngẩng đầu lên: "Tổ Gia, con..."
Tổ Gia nói: "Ngươi yên tâm đi, việc giết người đốt nhà, chẳng đến phiên ngươi làm đâu!
Tôi đi theo Tổ Gia như vậy đó.
NĂM THÁNG VỚI SƯ PHỤ ĐƯỜNG KHẨU
Đi theo Tổ Gia, nghĩa là không phải lo đến vấn đề cơm áo gạo tiền. Cứ cách một tháng Đường khẩu tổ chức "thực lộc" một lần, nghĩa là tổ chức liên hoan. Thông thường chỉ có cấp Bá đầu mới được tham gia, có khi được phép mang theo một vài đệ tử xuất sắc.
Mỗi lần Đường khẩu tổ chức liên hoan, Tổ Gia đều gọi tôi đến hầu bàn. Nhị Bá đầu đương nhiên rất vui mừng, vì tôi là đệ tử của ông ta. Nhưng một vài Bá đầu khác bất mãn, họ không hiểu một kẻ vừa ngốc nghếch, tướng mạo lại xấu xí, lấy tư cách gì để được ngồi cùng bàn tiệc? Tổ Gia nói: "Lượng ngốc trước đây từng là chân chạy bàn ở quán trà, pha trà rót nước đều làm rất tốt. Hãy để cậu ta tham gia!"
Kỳ thực, mỗi lần ăn cơm, đều có kẻ hầu người hạ, đúng ra không cần đến tôi pha trà rót nước. Nhưng từ khi tôi gia nhập Đường khẩu, Tổ Gia đều để tôi làm những việc này. Mỗi lần ăn cơm, tôi đều bị hành đến mức mệt bở hơi tai. Người khác vừa ăn vừa uống, còn tôi lúc rót rượu chỗ này, lúc thì châm trà chỗ kia. Vừa ngồi xuống, lại có người muốn hút thuốc, tôi liền vội vàng đi lấy lửa. Tính ra mỗi bữa ăn, bụng tôi chả có được mấy miếng cả, hơn nữa lại còn bận đến nỗi lưng đau, chân tê mỏi rã rời.
Nhưng tôi không hề để ý, chí ít, đó đều là người một nhà, không giống như ở quán trà, bị người khác sai bảo như một con chó, còn ở đây, mọi người đều là anh em. Họ là Bá đầu, là trưởng bối, nên dù mệt thật, nhưng tôi vẫn rất vui.
Tôi phát hiện Tổ Gia là người có tửu lượng rất tốt. Mỗi lần uống rượu, ông đều uống rất nhiều, mỗi khi có một Bá đầu nào đó mời rượu, ông đều uống cạn, nhưng chưa thấy ông say bao giờ. Không giống như Nhị Bá đầu, lần nào cũng như lần nào, uống say đến nỗi bò dưới gầm bàn, nôn ọe bừa bãi và cuối cùng tôi vẫn phải là người đi dọn dẹp.
Thời điểm mới về Đường khẩu, tôi cảm thấy nơi đây một nhà vui vẻ hòa thuận, cảm giác gia đình ấm cúng bị lãng quên từ lâu nay lại ùa về. Nhưng sau một vài lần cùng ăn uống với nhau, tôi phát hiện, giữa những Bá đầu, thậm chí là giữa Tổ Gia và Bá đầu, đều có mâu thuẫn nhất định. Chỉ có điều một số thứ không được bày lên bàn mà thôi, nhưng cũng có lúc không khí giữa mọi người có điều gì đó rất không ổn. Một lần, Nhị Bá đầu và Tam Bá đầu chỉ vì mấy câu nói mà suýt đánh nhau. Chuyện là Tam Bá đầu cười nhạo Nhị Bá đầu là đồ "đầu óc bã đậu", lên mặt dạy bảo Nhị Bá đầu nên học thơ từ ca phú, nếu không sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi cái tiếng dốt nát. Nhị Bá đầu đương nhiên không chịu nổi sự sỉ nhục như vậy, nói lại: "Mẹ kiếp nhà ngươi thì hiểu cái đít gì chứ! Ngươi có biết ông mày đây mỗi năm mang về cho Đường khẩu bao nhiêu ngân lượng không? Mẹ kiếp, còn ngươi chỉ biết ngày lừa gạt đàn bà con gái, đêm chui kỹ viện!"
Mỗi lúc như vậy, Tổ Gia đều ngồi yên lặng xem họ thể hiện. Khi thấy Tổ Gia mặt biến sắc hoặc có biểu hiện tức giận thì bọn họ không dám đấu khẩu nữa. Lúc này, như chưa từng xảy ra chuyện gì, Tổ Gia nhã nhặn nói: "Ăn đi, ăn đi, uống rượu, uống rượu nào!" Tất cả Bá đầu đều đưa mắt nhìn nhau, nghi nghi hoặc hoặc nhìn Tổ Gia. Ngược lại, ông vẫn mỉm cười nói: "Uống rượu, uống rượu nào!" Tất cả mọi người theo ông nâng ly uống cạn. Sau đó, Tổ Gia bật cười ha hả, mọi người trước ngây người ra, sau đó cũng hùa theo cười lớn, không rõ có thực sự hiểu Tổ Gia không, hay chỉ cố tỏ ra như vậy. Tóm lại, tâm tư của Tổ Gia là thứ mà tôi mãi vẫn không thể đoán biết được.
Một thời gian sau, tôi phát hiện trong Đường khẩu có mấy tầng quan hệ. Trước tiên là Tổ Gia, thủ lĩnh của Đường khẩu, có quyền uy tuyệt đối, một khi ông trừng mắt, không ai dám lên tiếng. Tiếp theo là Đại Bá đầu và Nhị Bá đầu, hai người họ đi theo Tổ Gia lâu nhất, là cận vệ của ông. Trên thực tế, quan hệ giữa họ rất tốt. Còn Tam Bá đầu và Ngũ Bá đầu đều là những kẻ đọc sách, có thể ngồi đàm đạo với nhau. Tứ Bá đầu tuy thời gian gia nhập Đường khẩu chưa được lâu như Đại Bá đầu và Nhị Bá đầu, nhưng có mối quan hệ rất tốt với Nhị Bá đầu, vì vậy mà đạo cụ ông ta làm ra đều được Nhị Bá đầu sử dụng nhiều nhất. Còn về Lục Bá đầu, hàng ngày chạy đi chạy lại bên ngoài, không rõ thân sơ với ai. Thất Bá đầu giống như con chó của Nhị Bá đầu, bộ dạng chẳng khác gì kẻ nô tài, tôi chẳng buồn để ý tới.
Ở Đường khẩu ngoài việc không cần lo cơm ăn áo mặc ra, vẫn còn một vấn đề khiến tôi lo lắng. Đó là thời điểm một tháng sau khi tôi gia nhập Đường khẩu. Một hôm, sau khi đường hội giải tán, Nhị Bá đầu nói với tôi: "Đại Đầu, Nhị gia ta hôm nay sẽ cho ngươi mở rộng tầm mắt." Khi đó cùng đi còn có Tam Bá đầu, Ngũ Bá đầu và mấy tên tay chân nữa.
Nói thực, tôi đã 20 tuổi đầu, chưa từng chạm tay vào nữ giới, đến trước cổng một kỹ viện tôi mới vỡ lẽ. Hóa ra "mở rộng tầm mắt" mà Nhị Bá đầu nói đến chính là ý này. Trước khi vào, Nhị Bá đầu nói với tôi rằng: "Hãy nhớ kỹ! Bây giờ ngươi là ông chủ. Tất cả các cô gái ở đây đều phải hầu hạ ngươi. Ngươi chớ nên mềm tay, da mặt phải dày vào."
Phút chốc tim tôi đập loạn xạ, mấy tên tay chân kia, hăm hở xắn tay áo lên, bộ dạng nóng lòng muốn vào ngay.
Bước vào lầu xanh, mụ tú bà đon đả ra đón, trông thật khách khí làm sao. Nhị Bá đầu, Tam Bá đầu, Ngũ Bá đầu đều đã quá quen với chốn này, dáng vẻ ra điều ông chủ lớn một cách rất tự nhiên, mấy tên tay chân tôi tớ như chúng tôi cun cút bám sát theo sau. Khi ngồi uống rượu, được phân thành hai bàn, ba vị Bá đầu ngồi một bàn, chúng tôi ngồi một bàn.
Sau khi mấy vị Bá đầu chọn cô nương xong thì đến lượt chúng tôi. Chúng tôi đâu có dám, tôi thậm chí còn chẳng dám ngẩng đầu lên nhìn. Cuối cùng Nhị Bá đầu nói: "Một lũ nhát gan! Để ta chọn thay." Ông ta chọn đại mấy cô. Xong xuôi, mấy cô nương đó vui vẻ sà xuống ngồi bên cạnh chúng tôi.
Ngồi kế bên tôi là cô nương tên Bích Ngọc, dáng người không cao, nhưng yểu điệu thướt tha, da trắng như tuyết, mắt trong như nước hồ thu. Nàng ta vừa ngồi xuống, một mùi thơm nhẹ dịu tỏa ra làm đầu óc tôi ngất ngây, nhanh như chớp nàng ta nắm lấy tay tôi. Tôi hốt hoảng, không dám nhìn thẳng vào mắt nàng, mặt đỏ rần rần.
Sau đó, một tên tay chân nói với tôi: "Người anh em, cậu biết không? Cái bản mặt cậu đỏ ửng lên trông như hòn dái trâu vậy." Tôi đáp trả: "Nhà ngươi thì được lắm đấy. Mẹ kiếp! Cái mũi của nhà ngươi phập phà phập phồng, chẳng khác gì đít trâu vừa ỉa." (cười ngất *.*)
Nhị Bá đầu thấy chúng tôi đôi co mãi không thôi, liền trừng mắt nạt nộ. Ông ta vừa trợn lên, chúng tôi đã im phăng phắc.
Khi uống rượu, các cô nương ai nấy đều gắp thức ăn bỏ vào miệng chúng tôi. Lớn bằng từng này tuổi đầu, trừ mẹ ra, đây là người phụ nữ thứ hai gắp thức ăn cho tôi. Trong lòng tôi hiểu rằng, lúc này đây tôi là ông chủ, còn thứ mà các cô nương nhìn vào chính là tiền trong túi của tôi. Các cô nương này nhất định nghĩ rằng: gắp cho ai mà chẳng là gắp, cứ coi như bón cho lợn ăn thôi. :))
Ngồi uống rượu được hai canh giờ, mấy vị Bá đầu liền lôi các cô nương lên lầu. Trước khi đi Nhị Bá đầu quay lại nói với chúng tôi: "Đừng có ngồi đực ra đó, chúng ta đến đây không phải để uống rượu suông."
Rượu vào thì chuyện gì cũng có thể làm được, một khi đã uống rượu tự nhiên thấy mình can đảm hẳn. Nhìn mấy tên kia mỗi người ôm một cô lên lầu, tôi không kiềm chế được cũng theo cô nương của mình lên lầu.
Bước vào phòng nàng, lại là một mùi thơm nồng xộc lên mũi tôi. Chăn đệm, màn che đâu đâu cũng tỏa hương ngào ngạt. Tất cả đều thật thơm tho, khiến đầu óc tôi choáng váng ngất ngây.
Nàng ta nói: "Mời ông chủ rửa tay chân." Nói rồi kéo tôi đến cái giá ở góc phòng, trên giá có một chiếc chậu rửa bằng đồng đã có sẵn nước sạch.
Tôi nghĩ, phải rồi, nên rửa mặt mũi một chút. Đầu óc tôi hơi chếnh choáng. Tôi cúi đầu, vốc nước lên mặt, rửa mấy cái, liền thấy tỉnh táo hơn rất nhiều. Quay lại nhìn, phát hiện ra nàng ta đang ngây người nhìn tôi. Tôi không hiểu, liền thuận miệng hỏi: "Sao vậy? Có khăn tay lau mặt không?"
Nàng ta bật cười khanh khách, khiến tôi ngượng nghịu cười theo: "Sao vậy?"
Nàng ta đưa tay che mặt cười nói: "Ông chủ à, chậu nước này không phải dùng để rửa mặt, mà để rửa phía bên dưới kìa."
Câu nói khiến tôi choáng váng, xấu hổ đến nỗi mặt mũi đỏ rần. Rửa bên dưới ư? Nghĩa là đã có rất nhiều người dùng cái chậu này để rửa chỗ đó. Tôi lại vừa dùng nó để rửa mặt, bất giác cảm thấy buồn nôn.
Nàng ta vừa nói vừa cởi bỏ áo ngoài, để lộ vóc dáng nhỏ nhắn với chiếc yếm đào: "Ông chủ, em giúp ngài rửa nhé!" Nói rồi, liền muốn cởi y phục của tôi.
Tôi đột ngột né tránh, nàng ta thắc mắc: "Sao vậy, ông chủ?"
Tôi hỏi: "Cô bao nhiêu tuổi rồi?"
Nàng ta trả lời: "Mười sáu."
Tôi móc trong túi một nắm tiền nhét vào tay nàng ta, sau đó nhanh chóng chạy xuống lầu, sau lưng văng vẳng tiếng gọi: "Ông chủ, xin đừng đi!"
Sau đó, khi mọi người họp lại, Nhị Bá đầu hỏi tôi chơi thế nào, tôi trả lời: "Rất tốt, rất tốt!"
Nhị Bá đầu cười nói: "Tên đầu to óc bằng hạt dưa nhà ngươi, cũng được đấy. Sau này Nhị gia ta thường xuyên cho ngươi đến đây."
Sau khi về đến Đường khẩu, qua mấy hôm sau, có lần họp đường hội xong, Tổ Gia gọi tôi vào phòng, tôi không biết ông muốn nói gì. Người hầu dâng trà lên, Tổ Gia nói: "Trà Long Tỉnh thượng hạng, ngươi nếm thử đi."
Tôi không biết Tổ Gia gọi tôi ở lại có việc gì. đón lấy tách trà, tôi uống liền hai hớp.
Tổ Gia xòe quạt ra, tay phe phẩy, mỉm cười nói: "Tại sao ngươi lại không làm?"
Tôi ngẩn người ra: "Không làm cái gì cơ ạ?"
Tổ Gia hắng giọng một tiếng: "Thì cùng cô nương đó!"
Tôi hốt hoảng: "Hả? Sao người lại biết được?"
Tổ Gia bật cười ha hả.
Tôi chợt hiểu ra: Tổ Gia cử người ngầm giám sát tôi.
Tổ Gia nói: "Nói mau ta xem, tại sao? Chớ có ngại, nói thật ta xem."
Tôi ấp a ấp úng nói: "Cô nương đó mới mười sáu tuổi, khi đó con nghĩ đến em gái mình, đều là khúc ruột của cha mẹ sinh ra, chẳng ai tự nguyện làm những công việc như vậy cả..."
Nụ cười vụt tắt, Tổ Gia nghiêm giọng nói: "Người trong thiên hạ ai mà không có con cái? Đàn ông chỉ nghĩ đến khoái cảm khi chơi gái, nhưng lại chưa từng nghĩ, nếu con gái mình cũng đang làm nghề đó, liệu trong lòng sẽ cảm thấy thế nào? Cổ nhân có câu Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân (Điều mình không thích thì đừng làm cho người khác). Đại Đầu, Tổ Gia ta quả không nhìn lầm ngươi."
Đây là lần đầu tiên được Tổ Gia khen ngợi. Nhưng vừa nghĩ đến ngay cả chuyện như vậy mà Tổ Gia đều rõ như lòng bàn tay thì tôi bắt đầu cảm thấy sợ ông.
Ngày tháng ở Đường khẩu trôi qua thật nhanh, chớp mắt đã mấy tháng qua đi, tên bồi bàn hôm nào đã trở thành A Bảo danh bất hư truyền. Tôi cũng dần thích ứng với cuộc sống ở Đường khẩu. Một hôm vào buổi tối Tổ Gia lại gọi tôi đến, lần nữa hỏi tôi có hối hận không, tôi quả thực không biết được ông hỏi như vậy là có ý gì.
Trong lúc tôi đang chần chừ chưa trả lời, Tổ Gia cầm ấm trà lên, mỉm cười nói: "Ấm trà này nhạt rồi, con đi pha ấm mới cho ta. Từ ngày đến Đường khẩu, con vẫn chưa pha trà cho ta lần nào."
Nghe nói, Tổ Gia rất cầu kỳ trong việc uống trà. Mỗi lần thưởng trà, chỉ cần thay đổi vị một chút là ông nhận ra ngay. Tôi làm việc ở quán trà được mấy năm, về trà đạo tuy không dám nói là đã đạt đến trình độ tinh thông, nhưng về trà, nước, lửa, dụng cụ uống trà, không gian thưởng trà, tôi đều có chút hiểu biết. Năm đó đi theo ông chủ học nghề ở quán trà, không ít lần bị giáo huấn, thật không ngờ chút tài nhỏ này nay vẫn còn đất dụng võ.
Tôi tỉ mỉ cẩn trọng từng li từng tí pha trà, rót vào tách dâng lên. Sau khi Tổ Gia ẩm trà xong liền nói: "Mấy tháng không pha trà, tay nghề có phần kém đi!"
Tôi đứng ngây người ra, không biết phải nói gì.
Tổ Gia đưa tay ra hiệu bảo tôi ngồi xuống. Sau đó, ông đột nhiên hỏi: "Đại Đầu, con thấy Tổ Gia ta là người thế nào?"
Tôi thật không ngờ Tổ Gia bỗng nhiên hỏi đến vấn đề này. Đường đường một ông chủ của Đường khẩu lại đi hỏi đệ tử rằng mình là người như thế nào. Ngoài câu trả lời tốt ra, đệ tử không còn câu trả lời nào khác nữa đây.
Tôi ấp a ấp úng: "Là người tốt, rất tốt!"
Tổ Gia cười nhạt: "Tốt sao? Giết người tốt? Hay phóng hỏa tốt?"
Đầu tôi túa mồ hôi: "Đều tốt..." Lời nói này vừa thốt ra lập tức thấy mình đã lỡ lời, "Tổ Gia, ý con là..." Tôi vội vàng phân bua.
Tổ Gia cười lớn. Tiếng cười của ông khiến tôi thấy lòng mình hoang mang.
Tổ Gia nhìn tôi một lát rồi nói: "Ta đã giết rất nhiều người, cũng lừa không ít người, trong đó có kẻ đáng phải chịu trừng phạt, có kẻ bất đắc dĩ phải ra tay. Nhưng nay thời cuộc biến động, phái Giang Tướng gặp thời khắc sinh tử tồn vong, vận mệnh của Tứ đại Đường khẩu chưa biết thế nào, có thể nói hiện nay đang là thời điểm khó khăn nhất."
Nghe những lời này của Tổ Gia, lòng tôi chợt buồn tênh, cảm thấy số mệnh của mình sao lại bất hạnh đến vậy. Vừa sinh ra không bao lâu thì cha tôi qua đời. Bản thân vừa bước vào tuổi trưởng thành đã đến lúc báo hiếu công sinh thành dưỡng dục thì mẹ cũng ra đi, vất vả lắm mới gia nhập Đường khẩu, lại còn đúng vào thời điểm khó khăn nhất. Dường như tôi đi đến đâu thì ở đó liền rơi vào suy vong.
Tổ Gia nói không sai chút nào. Mấy ngày trước ông tham gia Đại Đường hội do Tứ đại Đường khẩu Đông, Tây, Nam, Bắc đồng tổ chức, chủ đề là thảo luận về vận mệnh và việc ứng phó với thời cục như thế nào của các Đường khẩu. Từ khi Tổ sư gia Phương Chiếu Dư sáng lập Tứ đại Đường khẩu đến nay, trải qua mấy trăm năm tương trợ lẫn nhau, phong ba bão táp nào cũng đều đã trải qua, mọi người phối hợp hô ứng, vượt qua biết bao khó khăn trở ngại, khiến phái Giang Tướng hương hỏa thịnh vượng kéo dài mấy trăm năm.
Sau khi chiến tranh giải phóng(1) nổ ra, Quốc dân Đảng thất bại liên tiếp, khiến những ngày tháng của Tứ đại Đường khẩu ngày càng khó khăn hơn. Đặc biệt từ năm 1948 đến nay, tình hình trong nước biến động, Quốc dân Đảng bị thua tan tác, đất sống của phái Giang Tướng ngày càng bị thu hẹp. Trong tình hình cấp bách đó, Tổ Gia phát thiệp mời đến cho các vị trưởng môn nhân của ba Đường khẩu, triệu tập Đại Đường hội lần này.
(1) Tức chỉ cuộc nội chiến giữa Đảng Cộng sản và Quốc dân Đảng Trung Quốc, diễn ra từ tháng 8 năm 1945 đến tháng 6 năm 1950.
Tổ Gia là trưởng môn nhân của Đường khẩu Mộc Tử Liên tức Đông phái, dẫn theo mấy Bá đầu đến tham dự. Hơn nữa ông còn mang theo lượng lớn vàng bạc, giúp những Đường khẩu khác vượt ải khó khăn. Kỳ thực, Đại Đường hội mỗi năm tổ chức một lần, các Đại Sư bá của những Đường khẩu khác đều biết những truyền kì của Tổ Gia, nên có phần kính nể ông, do đó lần này Tổ Gia triệu tập hội nghị bất thường, mọi người đều thuận theo. Huống hồ lần này, Tổ Gia còn đem theo nhiều vàng bạc cho họ, họ càng cảm động xuýt xoa mãi không thôi.
Tứ đại Đường khẩu đều có đặc điểm riêng, mỗi vị Đại Sư bá cũng có đặc trưng của riêng mình. Đường khẩu Mộc Tử Liên Đông phái chúng tôi, quả thực giống như đóa hoa sen, có tiếng thơm Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Nhất là từ khi Tổ Gia lên nắm quyền đến nay, giữ vững đạo của A Bảo, lấy của người giàu chia cho người nghèo, tích cực hành thiện. Mà Đại Sư bá - Tổ Gia của chúng tôi rất nho nhã, làm việc gọn gàng, đối xử công bằng anh minh bất luận người mình hay người ngoài.
Đường khẩu Việt Hải Đường tức Nam phái, đều là nữ A Bảo, Kiều Ngũ Muội mà Trương Đan Thành nói đến năm xưa chính là trưởng môn nhân đời thứ 13 của Việt Hải Đường. Sau này Kiều Ngũ Muội chết đi, Đường khẩu được giao cho Giang Phi Yến mệnh danh là "mỹ nhân băng giá". Giang Phi Yến 12 tuổi gia nhập Đường khẩu, thông minh lanh lợi, 31 tuổi tiếp nhận chức trưởng môn nhân, tính cách lạnh lùng như băng tuyết, dùng mỹ nhân kế hạ gục đám quan lớn và Hắc đạo của bốn tỉnh Kiềm (Quý Châu), Quế (Quảng Tây), Việt (Quảng Đông), Tương (Hồ Nam). Dường như cả bốn tỉnh phía nam đều bị Giang Phi Yến san phẳng. Quả đúng là phái nữ không kém gì phái nam! Nhưng bà đặt ra một giới luật: chị em của Đường khẩu không được phép thành thân. Trong mắt họ, nam giới chỉ là thứ đồ chơi, chứ không lấy làm chồng. (ngầu vl :3)
Đường khẩu Long Tu Nha Tây phái, cơ cấu A Bảo cơ bản được trẻ hóa, khả năng có liên quan đến vùng phía Tây nhiều đồi núi, đến độ tuổi chân tay không còn nhanh nhẹn, không biết chừng dàn cục chưa thành, bản thân đã trượt chân ngã mà chết. Trong Đường khẩu của họ, người đến tuổi nghỉ hưu, đều lui về dưỡng lão, do đó khiến cho nhân khẩu tăng nhanh, người già không làm gì cả, chỉ ngồi hưởng lộc. Về lâu dài, phát sinh đấu đá nội bộ, có lúc trong một bữa cơm, có đến mấy cụ ra đi, vì sao vậy? Tất cả do đám trẻ đầu độc, bởi vậy Tây phái là Đường khẩu thiếu sự ổn định nhất. Trưởng môn nhân của họ tên là Tần Bách Xuyên, vóc người cao lớn, râu quai nón, da đen, có mối qua lại với quân phiệt vùng phía Tây.
Đường khẩu Tuyết Manh Thảo Bắc phái, tổng thể rời rạc, có khả năng liên quan đến Bát lộ quân(2) mở chiến dịch truy quét kẻ địch. Từ khi kháng chiến đến nay, Tuyết Manh Thảo chỉ chúi đầu vào kinh doanh. Sau cuộc chiến tranh giải phóng nổ ra, nhân dân khu giải phóng đón nhận tư tưởng giải phóng, không còn mấy người tin vào quỷ thần. Do đó Đường khẩu này trên danh nghĩa còn tồn tại, thực tế đã tan rã từ lâu rồi. Đại Sư bá Tiền Lâm Diệu đem theo mấy tên A Bảo lén lút gây án, đã sớm mất căn cứ địa bàn rồi.
Trong Đại Đường hội, trưởng môn nhân các đại Đường khẩu thống nhất đưa ra kết luận: không được để mất Đường khẩu, có thể khởi động xuất sát, thậm chí có thể sát phú, vượt qua giai đoạn khó khăn này rồi tính tiếp.
(2) Tiền thân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top