Chương 2: (Tiếp)
PHÂN CHI THIÊN ĐỊA HỘI - PHÁI GIANG TƯỚNG
Tổ Gia thất kinh.
Chu Chấn Long cũng ngơ ngác không hiểu: "Sư phụ! Tại sao vậy? Cậu ta là ân nhân cứu mạng của chúng ta mà."
Trương Đan Thành vẫn hét lớn: "Trói nó lại!"
Chu Chấn Long không dám trái lệnh, cùng với hai tên tay chân nữa nhất tề xông lên, trói nghiến Tổ Gia lại.
Trương Đan Thành cười nhạt, nói với Tổ Gia: "Chúng ta không thân không thích, ngươi lại liều mạng ứng cứu. Ngươi và Tứ Bá đầu không thù không oán nhưng lại muốn dùng hình phạt thắp đèn trời. Ngươi không thấy rất kỳ lạ sao?"
Trống ngực Tổ Gia đập thình thịch, nhưng vẫn không hé răng nói lời nào.
Trương Đan Thành đi một vòng quanh Tổ Gia lúc này đã bị trói quay ngoặt ra sau lưng, bỗng nhiên chỉ tay vào đầu Tổ Gia nói: "Ngươi chính là tên tiểu tử chạy thoát đó!"
Chu Chấn Long giật mình lùi lại hai bước ngạc nhiên nói: "Là... là tên tiểu tử lọt lưới mà Tứ Bá đầu nói đến sao?"
Tổ Gia nhắm hai mắt lại, trong đầu nghĩ: xong rồi, xong rồi. Nhưng cậu vẫn ung dung nói: "Đã bị các ngươi nhận ra rồi. Hãy ra tay nhanh đi! Ta cũng đã có thể đoàn tụ với gia đình được rồi."
Trương Đan Thành thở dài một tiếng nói: "Có ân không báo, không đáng mặt quân tử, tất sẽ để lại tiếng xấu thiên cổ. Trương Đan Thành ta hành tẩu giang hồ mấy chục năm, thành danh đều nhờ vào chữ nghĩa, ngươi đã cứu mạng ta, ta giết ngươi hóa chẳng phải kẻ bất nhân bất nghĩa sao, ta không giết ngươi, nhưng... cũng không thể thả ngươi ra được."
Trương Đan Thành biết rằng đứa trẻ đứng trước mặt mình đây có lòng hận thù quá nặng, lại vô cùng tàn độc. Thả nó ra chẳng khác nào thả hổ về rừng nên hắn ta quyết định bắt giam lại.
Hậu viện của Đường Khẩu có một nhà lao bí mật, chuyên dùng để giam cầm A Bảo phạm lỗi. Tuần thứ hai sau khi bị bắt giam, Trương Đan Thành cử một ông già què khoảng 50 tuổi đến canh giữ Tổ Gia. Tổ Gia thật không thể hiểu nổi, Đường khẩu nhiều A Bảo chân tay lành lặn như vậy, mà tại sao Trương Đan Thành lại cử một ông già què đến canh giữ.
Sau này, Tổ Gia mới biết, ông già què này không phải là một người tầm thường, ông ta đã đi theo Trương Đan Thành mấy chục năm. Khi Tứ Bá đầu tạo phản, ông ta không có ở bên cạnh Trương Đan Thành. Sau khi được mấy tên tay chân chạy đến báo tin, liền lập tức quay về Đường khẩu, nhưng đã quá muộn, thân cô thế cô, không thể địch lại được số đông. Sau khi hạ gục mấy tên A Bảo, nhân tình thế hỗn loạn, phóng qua tường trốn đi. Sau này, khi Trương Đan Thành lấy lại Đường khẩu, ông ta lại quay về.
Chân què, nhưng kỹ thuật của ông ta không què quặt chút nào. Ông ta cũng có thể coi là một sát thủ đệ nhất của Đường khẩu. Sở dĩ ông ta bị què là vì bảo vệ Trương Đan Thành trong cuộc xung đột với Hắc bang năm xưa, tuyệt kỹ lợi hại nhất của ông ta chính là phi đinh. Vận toàn lực vào tay, ông ta có thể phi đinh sắt cắm sâu vào cây gỗ đến mấy tấc ở khoảng cách mười mấy mét. Nghe nói, môn kỹ thuật này bắt nguồn từ "Yến Tử môn" ở Trung Nguyên. Sau này, có nhiều tin đồn cho rằng kỹ thuật phi đinh được phát triển thành phi dao vô cùng ngoạn mục và lợi hại. Thực ra, thời đó chỉ là phi rìu chứ chưa biết đến phi dao, mặt khác không phải cứ muốn là có thể phi dao được. Trước cuộc Cách mạng công nghiệp, chưa hề có kỹ thuật cắt và cán mỏng lưỡi dao, do đó lưỡi dao đều được mài theo cách thủ công. Muốn làm ra được lưỡi dao mỏng như cánh chuồn, phải tốn rất nhiều thời gian và công sức, cho dù có chế được đúng theo ý mình thì khi lâm trận cũng không thực sự đắc dụng. Vì dao một khi đã phóng ra là khó có thể thu về được, nhiều nhất cũng chỉ giết được một vài người, sau đó chỉ còn cách chịu trận đợi kẻ khác đến giết. Hơn nữa, phi dao phần nhiều là lén lút, phi xong liền bỏ chạy, trúng đích thì không nói là gì, không trúng kể như mất toi vài chiếc mà phải tốn thời gian mười mấy ngày mới chế được một chiếc. Chỉ một trận là chẳng còn lưỡi dao nào, lần hành động sau lại phải mài lưỡi mới.
Ngược lại, đinh lại chế tạo rất dễ dàng, nhưng đinh khi đó cũng không giống như đinh tây bây giờ, đều là sản phẩm của nước ngoài, giống như diêm và dầu hỏa. Đinh thời xưa khá to, do thợ rèn tự chế, đường kính gấp ba đến bốn lần đinh bây giờ. Lượng cung ứng đinh cũng rất lớn, mỗi lần có thể mang theo mấy chục chiếc. Với một cao thủ công lực thâm hậu, bách phát bách trúng, một trận quyết chiến, chí ít có thể giết được mấy chục người. Lần sau hành động, cũng không phải lo lắng về vấn đề thiếu đinh.
Tổ Gia nói với tôi: "Nếu không tận mắt nhìn thấy, sẽ không tin trên thế gian này có một cao nhân như vậy. Ông già què đó vung tay một cái, đinh sắt bay "vút" ra, "phập" một tiếng, cắm ngay vào cây gỗ trên cánh cửa nhà lao." Tổ Gia bị một phen kinh sợ, đồng thời cũng đã hiểu vì sao Trương Đan Thành cử một người như vậy đến canh giữ mình.
"Sư phụ nói, ngươi là ân nhân cứu mạng của ông ấy, cũng là kẻ thù không đội trời chung, dặn ta tuyệt đối không được khinh thường, càng không được tin ngươi." Ngày đầu tiên gặp mặt, ông già què đã nói với Tổ Gia như vậy.
Ban đầu hai người luôn đề phòng lẫn nhau, một trong nhà lao, một ngoài cửa nhà lao, không hề nói với nhau câu nào, sau này quen rồi, dần bắt đầu trò chuyện.
Ông già què này tên gọi là Đồ Nhất Minh, là hàng đệ tử đầu tiên sau khi Trương Đan Thành xuất đạo. Sau khi bị gãy chân, về cơ bản Trương Đan Thành không sắp xếp cho ông ta làm việc bên ngoài. Chân ông ta gãy là vì Trương Đan Thành, trước mặt anh em Đường khẩu Trương Đan Thành thề rằng sẽ chăm sóc ông ta cả đời. Kỳ thực Đồ Nhất Minh làm việc nhiều năm ở Đường khẩu, tiền bạc cũng tích lũy được một món kha khá, như vậy, ông ta không thiếu tiền, không cần phải nhờ người khác nuôi.
Tổ Gia hỏi vì sao ông ta không nhân cơ hội rời khỏi Đường khẩu, tìm một nơi mà mai danh ẩn tích. Đồ Nhất Minh cười lớn nói: "Ngươi không hiểu rồi. Một người đã lăn lộn ở Đường khẩu mấy chục năm trời thì Đường khẩu chính là nhà, dù có mang tiền ra đuổi cũng không đi. Sống là người của Đường khẩu, chết là ma của Đường khẩu. Từ lâu, ta đã quen với ngày tháng sống cùng anh em huynh đệ. Sau khi ta bị tàn phế, tuy không phải ra ngoài dàn cục, nhưng vẫn là người không thể thiếu trong việc bàn tính kế sách. Ta là người không chịu được sự nhàn rỗi, càng không muốn ăn không ngồi rồi, đúng lúc ngươi xuất hiện, sư phụ muốn ta đến canh giữ ngươi và nói rằng tên tiểu tử nhà ngươi là kẻ vô cùng nguy hiểm."
Tổ Gia cười gượng trong lòng. Một thời gian sau, cuộc sống giam hãm của Tổ Gia cũng thoải mái hơn ít nhiều. Mỗi ngày ba bữa đều có thịt, gặp hôm mùng một, ngày rằm còn được uống vài ba ngụm rượu. Chiêu này của Trương Đan Thành quả thật cao tay. Thời gian có thể mài mòn đi tất cả, cũng vì thế lửa hận thù và sự ức chế trong lòng Tổ Gia bắt đầu nguội đi. Đêm đến, cậu thường độc thoại, nhắc nhở bản thân phải khắc sâu mối thù hận: em trai, em gái tuy không phải do Trương Đan Thành tự tay giết chết, nhưng ông ta là kẻ cầm đầu Đường khẩu... ban đầu nếu như ta không cứu bọn chúng... nhưng giờ đây ông ta cũng không giết mình... Hàng đêm, khi nút thắt trong tư tưởng này vẫn chưa cởi ra được, Tổ Gia đã chìm sâu vào giấc ngủ. Trong giấc mơ, cậu thường thấy những ngày tháng trước đây, được trở về bên cạnh cha mẹ, cả nhà lại rộn rã tiếng cười. Khi tỉnh dậy trong căn phòng giam lạnh lẽo, trở lại với hiện thực, cậu đờ đẫn ngồi ngây ra một hồi lâu.
Tổ Gia cũng từng nghĩ đến việc đâm đầu vào góc tường tự sát, nhưng lại không thể hiểu nổi vì sao mình muốn chết? Gia bại nhân vong?(Gia đình bị diệt vong, người thân bị ám hại), bản thân không muốn kế tục hương hỏa sao? Cậu cũng từng nghĩ đến việc tuyệt thực, nhưng cơm của kẻ thù không thể ăn được sao? Ăn no rồi mới có thể tiếp tục sống, sống mới có cơ hội ra ngoài, ra được ngoài rồi thì mới có cơ hội để trả thù, không những phải ăn, mà còn phải ăn cho thật ngon lành.
Cứ cách dăm bữa nửa tháng, Tổ Gia được ra ngoài hóng gió với một cái xích to dưới chân. Đồ Nhất Minh ngồi trong sân theo dõi cậu, trong tay áo vẫn luôn giấu sẵn đinh sắt. Có lúc Tổ Gia nói với ông ta: "Ông không cần phải căng thẳng như vậy, tôi không chạy được đâu mà lo."
Những lúc như vậy, Đồ Nhất Minh mỉm cười nói: "Người khác thì không thể, nhưng ngươi thì có thể, 15 tuổi dám giết hai mạng người, thắp đèn trời một người. Nếu không cẩn thận, chính ta đây cũng không biết mình sẽ chết như thế nào."
Thực ra, Đồ Nhất Minh đã sớm có cảm tình với Tổ Gia. Ông ta thường nói với cậu rằng: "Nhóc con, nếu ngươi không phải kẻ thù của chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ trở thành anh em tốt. Ngươi cũng chớ nên cả ngày nghĩ đến việc trả thù. Nói một câu công bằng, khi đó sư phụ ta dàn cục không hề biết đó là em trai và em gái của ngươi, khi Tứ Bá đầu la cà trên phố, đúng lúc gặp các ngươi..."
"Ông chớ có nhắc lại chuyện này nữa!" Tổ Gia ngắt lời ông ta.
"Không cho ta cũng cứ nhắc đấy. Ta nói cho ngươi biết, sư phụ ta đã cử người đến ngôi miếu đó đem tượng đất tro cốt của hai em ngươi về, mua hai chiếc quan tài, rồi cho chôn cất cẩn thận, hơn nữa còn lập bia, hàng tháng đều cử người đến thắp hương, đốt tiền vàng. Hiện nay anh em trong Đường khẩu đều muốn giết ngươi, nhưng sư phụ ta không đồng ý..."
"Đừng nói nữa! Đồ què cụt!" Tổ Gia ngắt lời.
Đồ Nhất Minh cười ha hả nói: "Tên tiểu tử này, nếu ngoài phố có kẻ nào mắng ta như vậy, lão gia đây sẽ cho một phi tiêu vào họng."
Tổ Gia không đôi co lại nữa liền nói: "Trương Đan Thành định giam ta bao lâu?"
Đồ Nhất Minh lắc đầu: "Việc này không biết chắc được, có lẽ là mấy năm, cũng có thể lầ mười mấy năm, biết đâu lại đến mấy chục năm. Chỉ cần sư phụ ta còn sống thì ngươi còn bị giam ở đây, trừ phi ông ấy chết, mà có chết chưa chắc ông ấy sẽ thả ngươi đâu. Ngươi là kẻ địch của cả Đường khẩu, thả ngươi ra, nghĩa là chúng ta chẳng muốn sống nữa. Vì thế, ta đồ rằng ngươi sẽ chết già ở trong này, mà điều này chẳng phải rất tốt sao? Được ăn được uống, đợi ngươi lớn lên chút nữa, không biết chừng sư phụ ta còn tìm cho ngươi một cô vợ cũng nên...haha..."
Tổ Gia bỗng trở nên hoang mang, lẽ nào cả đời này phải như vậy sao?
Mỗi ngày trôi qua, Tổ Gia đã dần củng cố quyết tâm phải tiếp tục sống, hàng ngày ăn xong duỗi tay duỗi chân trong phòng giam, có lúc còn trồng cây chuối, rèn luyện thể lực và sức chịu đựng. Mỗi khi buồn chán, Đồ Nhất Minh lại đứng lên đi lại, ra sân ngồi, chơi trò phóng phi tiêu vào thân cây, sau đó đi cà nhắc đến nhổ ra, rồi lại cà nhắc quay lại, rồi phóng tiếp, cứ như thế, phóng rồi nhổ, nhổ rồi phóng.
Có một lần, Tổ Gia nói với Đồ Nhất Minh: "Ê, hay là ông dạy tôi phi đinh sắt đi?"
Đồ Nhất Minh hấp háy đôi mắt, cười nói: "Ngươi nghĩ ta già nên lú lẫn rồi sao? Ta dạy ngươi rồi, không biết chừng một ngày nào đó ngươi chẳng phóng một đinh vào đầu ta à? Chẳng phải như thế là ta đang tự tìm chết sao?"
Tổ Gia cũng cười nói: "Lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử."
Con người là loài động vật cảm tính, gần nhau, tiếp xúc một thời gian dài sẽ nảy sinh tình cảm, cảm giác đề phòng lẫn nhau cũng sẽ giảm bớt đi. Một lần sau khi Đồ Nhất Minh đến, ngồi trầm ngâm thở dài, Tổ Gia thấy vậy liền hỏi: "Ông làm sao vậy?"
Đồ Nhất Minh nói: "Sư phụ lại cáu giận rồi! Suýt chút nữa là lộ cục! Một lũ tạp chủng, quá tham lam!"
Tổ Gia mỉm cười: "Ông kể đi."
Đồ Nhất Minh liếc nhìn Tổ Gia một cái. Tổ Gia lại cười: "Tôi cũng có thể được coi là người của Đường khẩu, hơn nữa lại không chạy đi đâu được, có nghe biết được chuyện gì chăng nữa cũng chỉ để trong bụng. Ông đâu cần phải căng thẳng như vậy chứ?"
Đồ Nhất Minh thở dài thườn thượt nói: "Cũng được. A Bảo bây giờ không giống như trước đây nữa rồi..."
Tổ Gia hỏi lại: "Thế nào là không giống, chẳng phải vẫn đều là phường lừa đảo sao?"
Đồ Nhất Minh lắc đầu: "Mất đạo rồi, mất đạo rồi."
Tổ Gia hỏi vặn lại: "Phường lừa đảo thì có đạo gì chứ?"
Đồ Nhất Minh sầm mặt lại: "Nhà ngươi thì hiểu gì chứ? Phái Giang Tướng chúng ta, một bái trời làm cha, hai bái đất làm mẹ, có tình có nghĩa. Vô tình vô nghĩa tất sẽ chết dưới muôn đao. Lấy việc cướp của người giàu chia cho người nghèo làm tôn chỉ hành động, tham tài tham sắc tất sẽ bị trời báo ứng. Ngươi hỏi phường lừa đảo thì có đạo gì ư? Sư phụ biết rõ ngươi muốn giết ông, nhưng ông lại không giết ngươi, ngược lại vẫn nuôi ngươi. Đó chính là đạo."
Tổ Gia ngẩn người một lát rồi lập tức nói: "Giết người cũng là đạo sao?"
Đồ Nhất Minh trả lời: "Giết kẻ xấu là đạo, giết người tốt là thất đạo."
Tổ Gia trầm tư một lúc: "Vậy còn giết những đứa trẻ bất hạnh thì sao?"
Đồ Nhất Minh biết Tổ Gia lại nhớ đến hai em của mình, cúi gằm mặt trong chốc lát rồi nói: "Đó là thất đạo. Con người nhiều lúc rất khó để khống chế được bản thân, vì lợi ích của Đường khẩu, nhiều khi không thể quản được nhiều như vậy..."
Tổ Gia nghe vậy tức giận nói: "Không quản được sao? Không quản được thì lạm sát người vô tội ư? Đó chỉ là những đứa trẻ con chưa hiểu biết sự đời, không thù không oán với các ngươi đó."
Đồ Nhất Minh cũng tức giận đáp lại: "Ai biết được đó là hai em của ngươi? Ngươi thử nhìn xem trên đường đầy rẫy kẻ ăn mày, không chết vì đói cũng chết vì rét, sớm muộn gì cũng phải chết. Giờ đây, ngay chính đêm nay, có biết bao nhiêu kẻ ăn mày phải chết vì đói rét, ngươi có biết không, ngươi có quản hết được không? Đây là thế giới ăn thịt người. Bọn chúng không bị A Bảo ăn thịt, cũng sẽ bị cái thế giới này nuốt chửng."
Tổ Gia nói một cách lạnh lùng: "Đó chính là đạo của các ngươi sao?"
Đồ Nhất Minh thở dài nói: "Ngươi cho rằng sư phụ ta không hối hận sao? Ngươi có biết mỗi năm Đường khẩu bỏ ra bao nhiêu tiền cứu thế người nghèo không? Ngươi có biết sư phụ ta hàng năm làm phúc bao nhiêu bát thuốc không? Ngươi có biết người dân ở các thôn trong vòng mười dặm quanh đây đều coi sư phụ ta là Bồ Tát sống không? Đem mạng của mấy tên ăn mày để đổi lấy sự no ấm của hàng trăm hàng nghìn người, không đáng sao?"
Tổ Gia nói: "Nếu người bị chết là con cái của ngươi thì sao?"
Đồ Nhất Minh ngỡ ngàng im lặng không nói.
Tổ Gia nói tiếp: "Đều là cha sinh mẹ dưỡng, là núm ruột của cha mẹ."
Đồ Nhất Minh nói: "Ngươi không biết đó thôi, sư phụ là người tốt, ngươi thử nhìn xem mấy Đường khẩu quanh đây, đều trở thành những kẻ như thế nào rồi? Lừa tiền lừa sắc, giết người cướp của, hãm hiếp phụ nữ, không điều ác nào không dám làm, đúng là một lũ súc sinh."
Tổ Gia đế theo: "Các ngươi cũng chẳng khác gì một lũ súc sinh."
Đồ Nhất Minh giơ tay phải lên cao, tức giận nói: "Ngươi..."
Tổ Gia nói: "Muốn giết ta sao? Súc sinh! Các ngươi là lũ súc sinh. Súc sinh!"
Đồ Nhất Minh nhìn thẳng vào Tổ Gia, thu đinh sắt vào trong ống tay áo: "Ta với ngươi có cách nghĩ hoàn toàn khác nhau."
Hai người im lặng không nói, một lúc lâu sau, Đồ Nhất Minh mới mở miệng trước: "Ngươi muốn hận cứ hận, nhưng ta nói cho ngươi biết, A Bảo chân chính không phải kẻ súc sinh. Năm đó khi Tổ sư gia Phương Chiếu Dư, một trong Ngũ tổ Hồng Môn sáng lập phái Giang Tướng, hô hào anh hùng hảo hán trong thiên hạ, hành hiệp trượng nghĩa, cướp của người giàu chia cho người nghèo, "Phản Thanh phục Minh", lê dân bách tính vô cùng cảm kích. Sau khi Tổ sư gia quy tiên, đệ tử của bốn nhánh Càn, Khôn, Khảm, Ly vẫn luôn theo lời dạy của ngài, tâm hoài thiện niệm, không tham tài, không tham sắc, thưởng thiện phạt ác, cướp của người giàu chia cho người nghèo."
Tổ Gia trầm ngâm, những lời ông ta nói đều là sự thật, vì tổ tiên của Tổ Gia cũng là người của Thiên Địa hội. Thiên Địa hội chính là Hồng Môn. Hồi nhỏ Tổ Gia thường được nghe ông nội kể những câu chuyện về "Phản Thanh phục Minh" của Thiên Địa hội. Chỉ có điều nhánh phái Giang Tướng này càng ngày càng xa rời Thiên Địa hội nên ông nội rất ít đề cập đến.
Đồ Nhất Minh thấy Tổ Gia im lặng, không hiểu cậu đang nghĩ gì liền hỏi: "Sao ngươi lại không nói gì vậy?"
Tổ Gia trầm tư một lúc lâu, tâm trạng nặng trĩu nói: "Thực ra... tổ tiên của ta cũng thuộc Thiên Địa hội..."
Câu đó chẳng khác nào sấm nổ giữa trời quang, khiến cho toàn thân Đồ Nhất Minh chấn động. Trong mắt ông ta, Tổ Gia chỉ là một tên ăn mày không rõ lai lịch. Trước đó, Trương Đan Thành cũng từng sai ông hỏi tên họ thật và thân thế của Tổ Gia, nhưng Tổ Gia không nói. Họ cũng chẳng có cách nào, sau đó không hỏi đến nữa. Không ngờ lại là người một nhà.
Xã hội phong kiến rất coi trọng nhận tổ quy tông. Đồ Nhất Minh vội vàng hỏi tường tận. Tổ Gia kể một cách mạch lạc cho ông ta nghe, kể đến năm đó tổ tiên mình "Phản Thanh phục Minh" ra sao, sau này lại gia nhập quân Thái Bình (1) như thế nào... duy có chuyện cha mình bị hại là không nói.
(1) Tức chỉ Thái Bình Thiên Quốc, cuộc khởi nghĩa nông dân nửa cuối thời nhà Thanh do Hồng Tú Toàn khởi xướng.
Bấy nhiêu thôi đã đủ khiến cho Đồ Nhất Minh tròn mắt ngạc nhiên, ông ta run run hỏi: "Nhóc con, ngươi có biết đến đời ngươi là thuộc hàng chữ gì không? Hoặc ngươi có biết cha ngươi đứng hàng chữ gì không?"
Đó là một chữ cố định nằm trong tên gọi của mỗi người trong gia phả dòng tộc thời phong kiến. Thông thường chỉ chữ ở giữa, phản ánh trực tiếp vai vế của một người. Những chữ này là do lão tổ tông đặt cho, mục đích để thiết lập nên vai vế, đời này truyền sang đời khác. Ví dụ một người họ Trương, đến đời của anh ta thuộc hàng chữ "Vân", vậy anh ta và anh em của mình đều được đặt tên Trương Vân, như Trương Vân Sơn, Trương Vân Đằng, Trương Vân Liệt... Đời sau nếu là chữ "Khánh", ví dụ Trương Khánh Văn, Trương Khánh Tài.... Người cùng họ thoạt nhìn tên là biết ngay thân phận ai lớn, ai nhỏ.
Vai vế là nền tảng của luân lý cương thường. Tam cương, ngũ thường(2) chính là nền tảng tư duy của xã hội phong kiến, do đó vai vế hỗn loạn là đại nghịch bất đạo. Mắng chửi, giết hại, thông gian hãm hại trưởng bối đều là trọng tội không thể dung thứ.
(2) Tam cương: khái niệm đạo đức xã hội của Nho giáo. Nho giáo coi giữa người và người có 5 mối quan hệ (ngũ luân): vua-tôi, cha-con, anh-em, vợ-chồng, bè-bạn. Ngũ thường: là khái niệm đạo đức Khổng học, chỉ năm đức cơ bản của đạo làm người: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Tổ Gia nhớ rất rõ cậu đứng hàng chữ "Quán", cha đứng hàng chữ "Lâm", Tổ Gia trả lời một cách thật thà, lời vừa thốt ra, hai chân Đồ Nhất Minh như muốn quỵ xuống, liền vội vàng bò lên trên đi báo tin cho Trương Đan Thành.
TỔ GIA NHẬP ĐẠO
Sau khi nghe tin, Trương Đan Thành vô cùng hoảng hốt, vội vàng lấy gia phả của Thiên Địa hội ra, tra ngược đến giữa năm Ung Chính(3). Quả nhiên đúng như lời Tổ Gia nói, cả tên gọi cũng đều khớp, Trương Đan Thành ngẩn người, như vậy suy ra, hàng chữ "Đan" của ông ta vừa vặn đứng sau chữ "Quán", thấp hơn một bậc so với Tổ Gia. Theo thứ bậc Tổ Gia phải là Sư bá của ông ta mới đúng.
(3) Tức Thanh Thế Tông - tên húy: Dận Chân - vị Hoàng đế thứ tư của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc, trị vì từ 1722-1735.
Trong một gia đình bình thường, vai vế cũng rất được coi trọng. Ở Đường Khẩu, nó lại càng coi trọng hơn. Trương Đan Thành đang rơi vào nghịch cảnh bắt giam trưởng bối, hơn nữa còn giết hại hai người thuộc hàng thúc phụ của mình. Việc này mà đồn ra ngoài, ông ta đâu còn mặt mũi nào đứng trên giang hồ nữa. Nghĩ đến đó, toàn thân Trương Đan Thành toát mồ hôi lạnh.
"Làm thế nào bây giờ, sư phụ?" Đồ Nhất Minh hỏi.
Trương Đan Thành suy nghĩ hồi lâu, rồi thở dài một tiếng: "Nghiệp chướng. Đúng là nghiệp chướng!"
Ngược lại, Tổ Gia không mấy để ý đến việc này, chỉ thấy Đồ Nhất Minh nhắc đến Thiên Địa hội, nên trong lòng bất giác dâng lên cảm giác thân thuộc, do đó, ông mới mang chuyện của cha mình ra nói. Sau khi Đồ Nhất Minh bỏ đi, Tổ Gia cứ ngẩn người ra, không hiểu chuyện gì sẽ xảy đến với mình tiếp sau đó.
Bỗng nhiên cửa nhà lao bật mở, tiếng bước chân vội vã vọng lại, Trương Đan Thành dẫn theo Chu Chấn Long, Đồ Nhất Minh và mấy tên A Bảo hấp tấp chạy vào. Tổ Gia vừa nhìn thấy đã giật mình hoảng sợ. Tất cả bọn họ đều ở trần, sau lưng là một thanh đao sáng loáng, không đợi Tổ Gia lên tiếng, nhất loạt quỳ xuống.
"Trương Đan Thành, trưởng môn nhân thứ 13, Đường khẩu Mộc Tử Liên, phái Giang Tướng bái kiến Sư bá. Vãn bối có mắt không tròng, phạm vào tội đại nghịch bất đạo, hôm nay dẫn theo chúng đệ tử đến xin chịu tội. Xin Sư bá thi hành gia pháp, Trương Đan Thành nguyện xin được tạ tội." Trương Đan Thành cúi đầu, hai tay cung kính nâng thanh đại đao lên trước mặt Tổ Gia.
Tổ Gia ngẩn người, không thốt lên được lời nào, hàng loạt suy nghĩ vòng quanh trong đầu, đột nhiên hiểu ra: đều là con cháu Thiên Địa hội, vai vế của mình nhất định cao hơn bọn họ.
Lúc này, Tổ Gia không biết phải nói câu gì, cũng không biết bản thân mình nên làm thế nào, một không gian im lặng bao trùm cả đại lao.
Một lúc lâu sau, Tổ Gia vội vàng bước lên đỡ Trương Đan Thành đứng dậy. Dù sao ông ta cũng là ông lão tuổi gần thất thập, Tổ Gia không nhẫn tâm nhìn ông ta ở trần quỳ mãi như vậy.
Trương Đan Thành nhất quyết không đứng dậy, nói: "Đây là tội đại nghịch, trời không dung, nguyện chặt cái đầu của vãn bối xuống để tế vong linh hai vị trưởng bối trên trời!"
Cảm xúc của Tổ Gia hỗn loạn. Nhớ đến hai em bất giác hai hàng lệ rưng rưng. Gặp phải nghịch cảnh này, làm sao ông có thể xuống tay được: "Lão tiên sinh, xin hãy đứng dậy! Oan oan tương báo khi nào mới dứt đây."
Trương Đan Thành ngẩng đầu nhìn Tổ Gia rồi nói: "Sư bá tấm lòng nhân hậu, tính cả lần này là đã hai lần có ơn cứu mạng lão hủ, tội chết có thể miễn, tội sống khó thể tha." Nói xong, Trương Đan Thành tay trái đặt lên chiếc ghế gỗ, tay phải giơ đao lên, phập một tiếng, tự chặt đứt ngón tay út của mình, một dòng máu đỏ thẫm phun ra.
"Sư phụ!" Chu Chấn Long, Đồ Nhất Minh và những người đang quỳ đồng thanh kêu lên rồi lao đến vây quanh Trương Đan Thành.
Trương Đan Thành nhặt đoạn ngón tay của mình giơ lên nói với mọi người: "Các ngươi hãy tự chặt ngón tay đi." Chu Chấn Long và Đồ Nhất Minh nhất loạt nhìn nhau, rồi đặt ngón tay út lên ghế, ánh đao sáng loáng lóe lên, hai ngón tay rớt xuống lăn trên mặt đất. Mấy tên A bảo còn lại, đưa mắt nhìn nhau, cuối cùng đồng loạt đưa tay lên miệng cắn mạnh một nhát đứt phăng ngón tay út.
Quân quân thần thần, phụ phụ tử tử, Tổ Gia bị luân lý cương thường này làm cho chấn động. Ông không kìm được nước mắt, đỡ Trương Đan Thành dậy rồi nói: "Mọi người đứng cả lên đi. Oan oan tương báo khi nào mới dứt, chúng ta hãy quên hết mọi việc không vui trước kia đi."
Chu Chấn Long vừa khóc vừa nói: "Đúng! Dù gì cũng là người một nhà!"
Trương Đan Thành nói: "Nhanh truyền lệnh mở tiệc, ta và Sư bá phải uống một trận cho thật đã."
Giờ đã là giờ Tý nửa đêm, tên quản gia hò hét dựng nhà bếp dậy, nhóm lò, thịt gà làm ngỗng, loáng một cái mâm cỗ thịnh soạn được đưa lên.
Trương Đan Thành để Tổ Gia ngồi lên ghế thượng tọa, bản thân đứng bên phải, Chu Chấn Long đứng bên trái, Đồ Nhất Minh đứng phía dưới.
Lúc này, Tổ Gia mới nói ra toàn bộ thân thế của mình, kể đến sự việc toàn gia chết thảm dưới tay bọn quân phiệt. Trương Đan Thành mắt bừng bừng lửa giận: "Quân khốn kiếp! Lũ quân phiệt này đều cùng một giuộc với bọn Mãn Thanh."
Qua ba tuần rượu( ba lượt rượu), Trương Đan Thành than thở, hỏi Tổ Gia: "Sau đây, Sư bá có dự định gì không?" Câu hỏi này khiến Tổ Gia trầm tư bồi hồi. Trước đây, trong đầu luôn nghĩ đến việc báo thù cho đệ muội, nhưng nay mối thù này đã được hóa giải, tiếp theo chính là mối huyết hải thâm thù của cha mẹ. Bây giờ đi giết lũ quân phiệt là điều không thể nên ông không biết phải trả lời thế nào.
Trương Đan Thành thấy Tổ Gia im lặng không nói, liền hỏi: "Sao Sư bá không ở lại Đường khẩu?"
Tổ Gia ngây người: "Ở lại Đường khẩu? Làm A Bảo? Đi lừa đảo sao?"
Trương Đan Thành nói: "Không giấu gì Sư bá, lần đầu tiên gặp mặt, ta đã nhận thấy người là một anh hùng trí dũng có thừa, gan dạ mưu lược. Ta đã già rồi, chỉ vài năm nữa là bước sang tuổi bảy mươi ba. Bảy ba, tám tư, dù Diêm vương không gọi, tự mình cũng sẽ đi. Ta quản Đường khẩu này cũng đã mấy chục năm, hơn nữa làm cũng không thực sự tốt, như vậy còn mặt mũi nào đi gặp Tổ sư gia đây. Than ôi!... Nhớ năm đó, Trương Đan Thành ta uy phong biết bao, khi đó Đông có Trương Đan Thành, Tây có Đoàn Kim Sơn, Nam có Kiều Ngũ Muội, Bắc có Khang Thiếu Hoa, Tứ đại Đường khẩu nhất hồ bách ứng, quyền quý Đại Thanh cúi đầu nghe theo, giang hồ hảo hán tranh nhau đi theo. Ai có ngờ rằng có một ngày ta bị lộ cục? Kết quả không chỉ làm cho bản thân mình trở thành kẻ nam không ra nam, nữ không ra nữ, mà còn liên lụy đến anh em ở Đường khẩu khác. Tất cả phải bỏ chạy tháo cục, than ôi!..."
Chu Chấn Long và Đồ Nhất Minh nghe đến đây đồng thanh thốt lên một tiếng đầy bi thương: "Sư phụ!"
Trương Đan Thành nói: "Chấn Long, Nhất Minh, các ngươi đi theo ta đã lâu như vậy, nhất mực trung thành. Ta chẳng còn sống được mấy năm nữa, Đường khẩu phải có người đứng ra đảm trách, cơ nghiệp của tổ tông không thể đứt đoạn bởi tay ta. Từ sau khi Tứ Bá đầu tạo phản, trong lòng ta càng thấy buồn bã, chưa tìm được người kế tục... Chấn Long thật thà trung thực, được mọi người tín nhiệm, nhưng lại quá nhân từ, lòng dạ mềm yếu, chung quy không thể thống lĩnh được đại cục, không cẩn thận còn tự rước họa vào thân. Nhất Minh võ nghệ siêu quần, nhưng thiếu mưu lược, hành sự lại quá manh động, cũng khó có thể ngồi chấn giữ được Đường khẩu. Ngày ngày đều phải lo nghĩ đến việc sau này của Đường khẩu, thật khó cho người làm sư phụ ta đây."
Chu Chấn Long và Đồ Nhất Minh mặt không giấu nổi vẻ hổ thẹn: "Sư phụ!"
Trương Đan Thành tiếp tục nói: "Sư bá, hôm nay trước mặt hai đồ đệ của mình, vãn bối thỉnh cầu người hãy ở lại. Dù gì đi chăng nữa, chúng ta cũng là người một nhà. Sau khi vãn bối chết, xin người đứng ra chủ trì Đường khẩu, có Chấn Long và Nhất Minh phò trợ, không biết ý của Sư bá thế nào?"
Không đợi Tổ Gia mở miệng, Chu Chấn Long và Đồ Nhất Minh đồng thanh nói: "Xin tuân theo lời Sư bá dạy bảo. Chúng con sẽ dốc hết sức khuyển mã!"
Một cảm giác mênh mang dấy lên trong lòng Tổ Gia. Tâm tư ông hỗn loạn, không nói lên lời, Trương Đan Thành cứ mở miệng ra một câu Sư bá, hai câu Sư bá, nhiều đến mức Tổ Gia rùng mình từng hồi như gió buốt quất vào người. Trong xã hội phong kiến, cháu cung kính trước thúc thúc có rất nhiều, nhưng ở vào tình cảnh tuổi còn nhỏ, vai vế lại cao, bản thân Tổ Gia cũng có chút gì đó lạ lẫm: "Để ta suy nghĩ đã. Ngoài ra... lão tiên sinh tuổi tác lớn hơn ta rất nhiều, cứ gọi ta bằng tên là được, nếu không..."
"Sao có thể thế được, trước đây không biết không nói, xưng hô thế nào cũng được, nhưng nay vai vế đã rõ ràng, xưng hô lung tung, há chẳng phải là đại nghịch bất đạo ư?"
Tổ Gia không biết nói gì hơn.
Tổ Gia mất đến ba ngày suy nghĩ mông lung, ông nhớ đến cha mẹ, nhớ đến hai em mình đã chết chính tại Đường khẩu này. Bây giờ bản thân lại gia nhập Đường khẩu thì vong linh của họ ở trên trời nhìn mình thế nào đây?
Nếu không gia nhập Đường khẩu, vậy sẽ đi về đâu? Nhà đã không còn, nếu nhận tổ quy tông, nơi đây sẽ chính là nhà, Trương Đan Thành một lòng chân thành, từ chối thế nào đây?
Nhưng chung quy đây không phải là chính đạo, là phường lừa đảo, bản thân từ nhỏ đã đọc Tứ thư, Ngũ kinh, hiểu thế nào là lễ nghĩa liêm sỉ, phái Giang Tướng tuy xuất thân từ Thiên Địa hội, nhưng nay đã thất đạo rồi...
Khi Tổ Gia còn đang suy nghĩ thì Đồ Nhất Minh tìm đến. Ông ta là người lỗ mãng, nhưng lời nói luôn đặt đúng chỗ. Mấy câu nói của ông ta đã khiến Tổ Gia đưa ra quyết định cuối cùng: "Sư bá chẳng phải đã từng hỏi thế nào là đạo sao? Người kế thừa vị trí của sư phụ, đó chính là đạo. Hiện nay giới A Bảo đều thất đạo cả rồi, nên cần một người dẫn dắt về chính đạo. Anh em của Sư bá đã chết, không biết người đã nghĩ đến điều này chưa? Nếu Đường khẩu do kẻ không có lương tâm nắm giữ, vậy thì sẽ còn biết bao người vô tội bị giết? Bao người vô tội bị lừa? Những loại A Bảo này còn gây ra bao nghiệp chướng nữa? Đại đạo có được chấn hưng hay không, đều trông chờ cả vào Sư bá."
Câu nói này đã đánh trúng tâm lý của Tổ Gia, chấn hưng đại đạo, diệt trừ cái ác, biểu dương cái thiện, vực lại tôn chỉ đạo nghĩa lấy của người giàu chia cho người nghèo của Ngũ Tổ Hồng Môn, khiến lũ A Bảo súc sinh ấy quay lại chính đạo làm người. Đây có lẽ chính là đạo lý mà bản thân Tổ Gia theo đuổi.
Tổ Gia cuối cùng cũng gia nhập đội ngũ A Bảo. Xuyên qua một rừng đao, uống rượu tiết gà, một bái trời làm cha, hai bái đất làm mẹ. Tổ Gia đã chính thức nhập đạo.
Trong Phật kệ nói: "Vi nhân mạc tác khuy tâm sự, cử đầu tam xích hữu thần minh; thiện ác đáo đầu chung hữu báo, chỉ tranh lai tảo dữ lai trì."(4) Năm năm sau, Trương Đan Thành qua đời. Trước khi ra đi, trong lòng ông ôm một nỗi thống khổ dằn vặt, nhưng luôn có Tổ Gia kề cận ở bên những giây phút cuối đời. Ông ta ra đi vào ngày mùng 7 tháng Chạp. Bệnh tật giày vò đến nỗi chẳng ra hình người nữa, người khô đét như que củi, ngực bụng hõm xuống, hai bên xương sườn nhô lên, không cất nổi đầu lên nữa, chỉ có thể nhờ Tổ Gia bón nước bằng một chiếc thìa nhỏ.
(4) Tạm dịch: Làm người chớ làm việc trái lương tâm
Giờ Hợi hôm đó, Trương Đan Thành bắt đầu rơi vào trạng thái hôn mê, hơi thở đứt quãng, có lúc bỗng nhiên nhấc được hai cánh tay lên, vừa như muốn đẩy cái gì đó, lại như muốn thoát khỏi cái gì đó, khi đi vào cõi hư vô, một dòng nước mắt chảy ra từ khóe mắt. Tổ Gia biết ông ta không có con cái, người chết mà không có con cái đưa tiễn là một cái chết thê lương nhất. Hơn bao giờ hết ông ta mong mỏi một đứa con. Khi tuổi trẻ hào hoa phong nhã, chỉ nghĩ đến việc đi lừa đảo. Sau này khi muốn có con cái, ông lại bị người ta cắt phăng mất tinh hoàn, đến ngay cả lòng tự tôn của nam nhân cũng bị tước đoạt mất. Trước lúc hấp hối, ông ta có lần hồi dương, nắm chặt tay của Tổ Gia, gắng gượng nói được hai từ, tuy giọng rất nhỏ, nhưng Tổ Gia nghe rất rõ ràng, đó là hai từ "báo ứng".
Trương Đan Thành đi rồi, Tổ Gia chính thức đăng cơ. Trong năm năm, Tổ Gia học được tất cả kỹ năng cần có của một A Bảo. Ngoài ra, ông còn có tố chất mà một A Bảo bình thường không có được. Đó là trí tuệ hơn người, đảm lược phi phàm, nhất là ý niệm hành thiện thâm căn cố đế, khiến ông từ trong ra ngoài đều trở thành Đại Sư bá không kẻ nào sánh được.
Sau khi Trương Đan Thành đi rồi, Chu Chấn Long cũng cảm thấy chán ghét hồng trần, ông ta theo Trương Đan Thành đã hơn 30 năm, trải qua biết bao sóng gió. Lúc này, ông ta cảm thấy đã đến lúc cần phải ra đi. Chu Chấn Long thỉnh cầu Tổ Gia cho phép rời khỏi Đường khẩu. Tổ Gia hỏi ông ta dự định đi đâu, đây không phải có ý ngăn cản, mà lo ông ta đã già cả, không người chăm lo. Ông ta nói đã sắp xếp đâu vào đó cả rồi, sau này sẽ cho Tổ Gia biết. Tổ Gia không hỏi thêm câu nào nữa. Trước khi đi, Tổ Gia chuẩn bị cho ông ta một khoản ngân lượng lớn, nhưng ông ta không cần, ông ta muốn Tổ Gia đem tất cả những thứ ông ta có phân chia hết cho người nghèo, một mình ra đi không chút vướng bận.
Đồ Nhất Minh thì ngược lại, ông ta một mực coi Đường khẩu là nhà, đem toàn bộ công phu phi đinh của mình truyền lại cho Tổ Gia. Giờ không có việc gì thì đến hầu trà Tổ Gia, có lúc lại cùng nhau đàm luận, rèn luyện phi đinh. Tổ Gia luôn nhường nhịn, khiến ông ta rất vui.
Sau khi Tổ Gia lên quản lý Đường khẩu, ông tiến hành hàng loạt cuộc chỉnh đốn nhân sự, loại bỏ chế độ đẳng cấp của Đường khẩu đã tồn tại hàng trăm năm nay, lập nên chế độ thưởng phạt mới. Từ đó, Tổ Gia đã thổi một luồng gió mới vào phái Giang Tướng, tác phong, hành xử đều giống với Ngũ tổ Hồng Môn năm xưa. Có tên tay chân đề nghị tân trưởng môn nhân đổi sang gọi là Tổ Gia, như vậy vừa biểu thị sự tôn kính, vừa thân thiết. Vậy là cái tên Tổ Gia được ra đời từ đó. Đúng lúc này, Vương Á Tiều báo tin rằng tên quân phiệt hạ lệnh giết cả nhà Tổ Gia đã bị chết trong một cuộc đấu đá nội bộ, nghe nói hắn ta bị trúng bảy phát đạn, một phát vào đầu, sáu phát vào ngực.
Cuối năm đó, Tổ Gia mang theo mấy tên tay chân trở về quê. Sau khi hỏi thăm mới biết, khi những tên sát thủ bỏ đi, chính hương thân hàng xóm giúp đỡ chôn cất người thân của ông. Những người hàng xóm dẫn Tổ Gia đến khu mộ chôn cất cả nhà của ông, nơi đây nhiều năm không có người coi sóc, cỏ mọc quá đầu người. Tổ Gia quỳ phục xuống, ngẩng mặt lên trời, hai hàng lệ chứa chan.
Sau khi tế lễ xong, chúng hương thân mời Tổ Gia về nhà họ ăn bữa cơm tất niên, nhưng ông từ chối. Ông cho họ một ít tiền, rồi quay về nhà mình, ban ngày ông đã cho người quét dọn sạch sẽ, phòng ốc đã được sắp xếp gọn gàng hơn rất nhiều.
Ngồi trong căn phòng trống rỗng, bao kỷ niệm ngày xưa ùa về trong tâm tư ông như nước thủy triều dâng. Tiếng nói, tiếng cười, những gương mặt thân thương tràn ngập trong tâm trí ông. Đêm khuya cô tịch, trời đất bước vào thời khắc giao thừa, xa xa vọng lại từng tràng tiếng pháo đì đùng, nhà nhà hân hoan trào đón năm mới, Tổ Gia bước ra sân nhìn lên trời, phía đường chân trời là những vệt sáng của pháo hoa lóe lên điểm xuyết trong thế giới cô độc của ông, một nỗi thương cảm vô hạn bao trùm lên tâm trí.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top