Chương 2: SƯ PHỤ TÔI LÀ THẦY TƯỚNG SỐ TIẾNG TĂM LẪY LỪNG THỜI DÂN QUỐC
Thi thể tiên đồng trôi ngược dòng
Tôi tên là Lưu Thiên Lượng. Mẹ nói tôi sinh ra vào lúc trời sắp sáng, do đó cha tôi đã đặt tên cho tôi là Thiên Lượng. Khi mới gia nhập Đường khẩu, mọi người đều gọi tôi là Lượng ngốc, sau này Tổ Gia nói: "Gia nhập Đường khẩu, là huynh đệ một nhà, từ nay về sau không được gọi là Lượng ngốc nữa." Nhị Bá đầu hỏi: "Vậy thì gọi là gì?" Tổ Gia nhìn tôi một lượt rồi mỉm cười nói: "Đầu to như vậy, hãy gọi là Đại Đầu đi." Từ đó về sau, mọi người đều gọi tôi với cái tên Đại Đầu. Nhị Bá đầu thường nói tôi rằng: "Đầu rất to, nhưng bên trong toàn bã đậu." Có lúc Tổ Gia hỏi tôi: "Đại Đầu, có hối hận khi đi theo ta không?" Kỳ thực, nhiều năm trở lại đây, tôi luôn suy nghĩ về vấn đề này, hối hận hay không hối hận? Rõ ràng Tổ Gia biết tôi không phải là người thích hợp làm A Bảo, nhưng ông vẫn cho tôi gia nhập Đường khẩu... Tôi vốn là một tên hầu bàn trong quán trà, nếu không phải Tổ Gia thường xuyên đến uống trà ở quán, tôi cũng sẽ không quen biết ông. Chỗ ngồi của Tổ Gia đều do tôi đặc biệt giữ trước. Trước khi ông đến, tôi thường lau bàn ghế sạch bóng. Ông làm rơi quạt, tôi liền nhặt lên giúp. Ông làm rơi tiền, tôi đều nhặt lấy rồi đuổi theo trả lại. Dần dần, Tổ Gia không còn xem tôi là người ngoài, mỗi lần đến uống trà, đều cao giọng gọi: "Lượng ngốc, cho lão gia ấm trà Long Tỉnh!"
Tôi vui vẻ đáp: " Có ngay đây!"
Con người tôi có phần đẫy đà, dáng vẻ ngây ngây ngô ngô nên người trong quán trà đều goị tôi là Lượng ngốc. Thực ra, ngốc hay không, trong lòng tôi là người rõ nhất, chúng ta đều là dân đen bách tính, rơi vào thời loạn thế binh đao, ngốc nghếch một chút cũng chẳng thiệt thòi gì.
Một lần Tổ Gia đến uống trà, hỏi tôi: "Lượng ngốc, gia đình ngươi có mấy người?"
Tôi đáp: "Thưa Tổ Gia, nhà chỉ có một mẹ già, năm ngoái mắc bệnh đã qua đời. Một em gái đã lấy chồng phương xa. Trong nhà chỉ còn mỗi mình con."
Tổ Gia lại hỏi: "Vậy làm việc ở đây, một năm ngươi được bao nhiêu?"
Tôi cười nói: "Thưa ông, con chẳng có bản lĩnh gì, chỉ biết chạy đi chạy lại. Nhờ ơn của ông chủ quán trà, cho chúng con miếng cơm ăn là tốt lắm rồi, đâu dám đòi thêm tiền chứ."
Tổ Gia trầm ngâm một lát rồi bảo: "Sau khi đóng cửa hiệu, ngươi đến nơi này tìm ta, lão gia ta có điều muốn nói với ngươi." Sau đó đưa tôi một mảnh giấy nhỏ có viết địa chỉ. Tôi may mắn học được ít chữ, không đến nỗi là kẻ mù chữ.
Sau khi quán trà đóng cửa, tôi cầm mảnh giấy, theo địa chỉ ghi trên đó, tìm đến chỗ của Tổ Gia. Trên đường đi, tôi hồi hộp đến nỗi tim đập thình thịch. Tôi không hiểu vị lão gia này tìm mình có việc gì, nhưng trực giác bảo với tôi rằng, chắc chắn không phải là việc xấu.
Đi qua mấy chỗ ngoặt, cuối cùng cũng đến được nơi ở của Tổ Gia, đó là một trang viên rất lớn. Cổng chính quay về hướng Nam, bước qua cổng thì gặp một cây táo to, giữa hành lang có một cái ang nước lớn, hai phía đông tây mỗi phía một gian nhà kề, đi kế tiếp vào trong là sảnh chính. Đây là Đường khẩu, ở giữa có treo một bức Bát mặc tiên nhân đồ phỏng theo trường phái thời Tống, hai bên là hai câu đối, vế trước là: "Nhân giả nhân tâm nhân nghĩa sự; vế sau là: Bảo hòa bảo thiện bảo thái bình.(1) Sau này tôi mới được biết, câu đối này do Tổ Gia đích thân viết.
(1) Tạm dịch: Người nhân đức, tâm nhân từ, hành việc nhân nghĩa; Giữ hòa thuận, giữ thiện lương, giữ vững thái bình.
Khi tôi đến, Tổ Gia đang bàn việc với một nhóm chừng sáu bảy người. Tôi vừa đến, cũng đúng lúc cuộc họp kết thúc. Một vị quản gia dẫn tôi đến, Tổ Gia phẩy tay một cái, mọi người đều đi ra ngoài hết.
Tổ Gia dẫn tôi vào thư phòng nói: "Lượng ngốc, ngồi đi, Tổ Gia ta có điều muốn nói với ngươi." Ông lại dặn người dưới dâng trà lên.
Tôi chỉ là một chân chạy bàn, bình thường đều quen thói người khác ngồi, tôi đứng. Người khác uống trà, tôi nhìn. Tổ Gia bảo tôi ngồi khiến tôi lúng túng không biết đặt mông vào đâu.
Tổ Gia thấy tôi mặt mày căng thẳng thì cười nói: "Đừng nhút nhát thế! Ngồi xuống, ngồi xuống đi!"
Tôi dè dặt ngồi xuống. Một lát sau, một lão gia nhân khoảng 50 tuổi bê lên một bình trà, rót đầy hau chén, rồi đưa một chén lên nói: "Mời lão gia dùng trà." Sau đó đưa cho tôi một chén, tôi vội vàng đứng dậy, lúng túng đón lấy chén trà. Tổ Gia lại mỉm cười: "Ngồi xuống, ngồi xuống! Hôm nay ngươi là khách của ta."
Tôi cảm thấy các thớ thịt trên mặt mình căng ra, ngượng nghịu cười nói: "Tạ ơn lão gia, tạ ơn lão gia." Bởi trà vẫn nóng nên khi nhấp một ngụm tôi suýt bỏng miệng, khiến Tổ Gia và lão gia nhân bật cười ha hả.
Tổ Gia nói với lão gia nhân: "Lui xuống đi." Lão gia nhân nhìn tôi một cái rồi đi ra.
Trong phòng chỉ còn lại tôi và Tổ Gia. Tôi lúng túng xoay xoay chén trà trong lòng bàn tay, không biết phải nói gì.
Tổ Gia nhấp một ngụm trà, thủng thẳng nói: "Lượng ngốc, ngươi tính cả đời này làm tên hầu bàn sao?"
Tôi trả lời: "Lão gia, con chẳng chút bản lĩnh gì, chỉ có thể làm chân chạy bàn. Kiếm được miếng ăn là quá tốt rồi."
Tổ Gia nói: "Ngươi luôn miệng gọi ta là lão gia... lão gia. Bản thân ngươi đã bao giờ nghĩ đến một ngày nào đó, mình sẽ làm lão gia không?"
Câu nói này khiến tôi suýt đánh rơi chén trà xuống đất, vội vàng nói: "Lão gia, ông nói gì vậy? Con đời này chỉ là kẻ đi hầu hạ những người như ông. Phận con hèn, nào có phúc phận làm ông nọ bà kia."
Tổ Gia sa sầm mặt nói: "Ngươi đúng là kẻ không có khí phách."
Tôi ngẩn người. Đây đâu phải việc có khí phách hay không. Ai chẳng muốn làm ông chủ để người khác hầu hạ, nhưng vấn đề ở chỗ phải có bản lĩnh. Tôi cúi đầu im lặng.
Tổ Gia thở dài một tiếng, nói:" Lượng ngốc, ngươi biết không, ta trước đây còn không bằng nhà ngươi nữa kia."
"Ồ?" Tôi ngẩng đầu lên, không hiểu ý của ông là gì.
Tổ Gia nói: "Ngươi đi theo ta."
Tổ Gia quay người đi, tôi lập tức theo sau, ra khỏi chính đường, sau đó sang gian nhà phía tây. Vừa vào đến cửa, tôi giật mình sợ hãi. Trong phòng đều là bài vị của người đã khuất. Tôi nhìn thật kỹ, có Tiên khảo từ phụ đại nhân, Tiên tỉ từ mẫu đại nhân, còn có huynh trưởng, tiểu muội, tiểu đệ... Tôi mơ mơ hồ hồ, ngây người ra nhìn Tổ Gia.
Tổ Gia thắp một nén nhang, cắm vào bát hương, rồi chậm rãi kể chuyện xa xưa.
Tổ tiên của Tổ Gia từng là thành viên Thiên Địa hội, cuối thời nhà Thanh có tham gia quân Thái Bình (1), đến đời cha của ông, cuộc sống vẫn rất khá giả. Sau Cách mạng Tân Hợi (năm 1911), cha ông giữ chức vụ quan trọng trong Chính phủ Quốc Dân, sau đó còn tham gia "Phong trào bảo vệ Hiến pháp" (2). Do ủng hộ bảo vệ Hiến pháp bằng bạo lực do Tôn Trung Sơn khởi xướng và dẫn dắt, ông bị Quốc dân Đảng thủ tiêu nhằm nhổ cỏ nhổ tận gốc. Vào một đêm, có mấy tên đao phủ xông vào nhà Tổ Gia, giết chết cả nhà từ bé đến lớn, không trừ một ai.
(1) Tức quân Thái Bình Thiên Quốc, là cuộc khởi nghĩa nông dân cuối đời nhà Thanh do Hồng Tú Toàn khởi xướng.
(2) Tức chỉ phong trào bảo vệ Hiến pháp lâm thời, khôi phục Quốc hội với tư cách là Đảng viên Cách mạng giai cấp tư sản mà đứng đầu là Tôn Trung Sơn, từ tháng 7 năm 1917 đến tháng 5 năm 1918.
Ông bà nội Tổ Gia bị chúng đâm chết không kịp kêu một tiếng, mẹ và anh trai ông liều mạng chống lại mấy tên sát thủ. Bà bị đâm mấy nhát vào bụng, xổ cả ruột gan ra ngoài, bò trên mặt đất, gắng chút hơi tàn ôm chặt chân một tên sát thủ, hét to với Tổ Gia: "Mau đưa em trai và em gái chạy đi!" Tổ Gia hoảng sợ đưa hai em chạy liền một mạch mười mấy dặm trong đêm mới dám dừng lại. Sau đó, ba anh em ôm chặt lấy nhau mà khóc.
Năm đó, Tổ Gia 15 tuổi, em trai 10 tuổi, em gái 8 tuổi còn anh trai bị giết chết 18 tuổi. Từ đó, ba anh em may mắn thoát khỏi tai họa, lưu lạc đầu đường xó chợ, ăn xin sống qua ngày.
Một hôm, đang ăn xin trên phố thì phía trước có mấy người đi đến. Trong đó, một người đeo kính đen cho ba anh em mấy chiếc bánh nướng rồi nói: "Bé con, ta có chút việc vặt, các ngươi làm giúp ta, làm xong ta cho các ngươi tiền."
Tổ Gia nhìn bọn họ, rồi quay sang nhìn hai đứa em đang đói lả, rồi hỏi: "Việc gì?"
Người đó nói: "Rửa bát, lau bàn ghế, không có gì nặng nhọc cả."
Tổ Gia nghĩ ngợi một lát, nói: "Được, ở đâu vậy?"
Người đó trả lời: "Gần đây thôi, đi theo chúng ta."
Kể đến đây, mắt Tổ Gia ngân ngấn đỏ, thở dài rồi nói: "Nếu... ta có thể quay lại thời điểm bấy giờ, ta thà để em trai và em gái chết đói, chứ không đưa chúng đi đến nơi đó."
Mấy kẻ đó hết rẽ trái rồi lại rẽ phải, dẫn ba anh em Tổ Gia đến một căn nhà cũ nát không có người ở. Vừa bước qua cửa, ba anh em Tổ Gia bị đám người đó dùng khăn tay bịt vào mũi, sau đó thì không biết gì nữa.
Hóa ra, đây là mấy tên A Bảo ở vùng này. Bọn chúng vì muốn dàn cục, mà không từ cả việc gây nên vụ án mạng mất hết nhân tính. Năm đó, nơi này bị hạn hán, hoa màu đều sắp chết héo cả. Bọn A Bảo tung tin đồn nhảm, rằng đây là ác quả mà nơi này phải gánh chịu do không làm việc thiện. Gần đây xuất hiện "Tiên đồng báo mộng", khi ngủ mọi người phải thật chú ý. Hơn nữa Nhị vị tiên đồng hòa hợp sẽ chọn ngày lành tháng tốt hiển hiện nhục thân trên sông, tức ở giữa sông sẽ xuất hiện "Thi thể trôi ngược dòng", để báo hiệu cho thế nhân biết.
Bọn A Bảo sau khi tung tin đồn này ra, liền bắt đầu tỏa đi khắp nơi tìm kiếm người thế mạng. Bọn chúng không dám đụng vào những đứa trẻ con ở vùng này. Đúng lúc chúng gặp ba đứa nhóc ăn mày, những đứa trẻ lang thang này có chết cũng chẳng ai tìm kiếm. Thế là chúng dùng mê hồn tán đánh thuốc mê ba anh em Tổ Gia. Vì em trai và em gái của Tổ Gia tuổi xấp xỉ nhau, vóc người cũng không chênh lệch là mấy nên chúng nhẫn tâm xuống tay giết chết chúng. Sau đó chúng cho hai thi thể mặc y phục xanh đỏ, đóng giả làm "Nhị vị Tiên đồng hòa hợp", rồi buộc lên lưng thi thể một mảng bè trúc, thả xuống nước, bên dưới mảng bè có một sợi dây dài, kéo thẳng lên tận phía thượng nguồn. Trưa hôm sau, hai tên A Bảo ở trên thượng nguồn chầm chậm kéo sợi dây, những tên A Bảo khác đứng bên bờ sông phối hợp, thu hút rất nhiều người vây đến xem.
Do đây là một con sông lớn, khoảng cách lại khá xa nên không ai có thể nhìn rõ được mánh khóe này. Hai thi thể đồng nam đồng nữ bị kéo trôi ngược về phía thượng nguồn, bọn A Bảo trên bờ hô to: "Thi thể trôi ngược dòng! Thi thể trôi ngược dòng!" Khi thấy người kéo đến bờ sông đông đủ rồi, bọn A Bảo liền cho người bơi ra, kín đáo cắt sợi dây, đem hai thi thể lên bờ.
Bọn A Bảo nói, hai thi thể Tiên đồng này chính là hóa thân của "Nhị tiên hòa hợp", đã nhiều lần báo mộng cho mọi người. Giờ đây là các ngài hiện thân thuyết pháp, mọi người nhất định phải làm thật nhiều việc thiện.
Lúc này, người dân nơi đây tuyệt đối tin vào lời của bọn A Bảo. Bọn chúng đem hai thi thể đi hỏa thiêu, lấy tro cốt trộn với bùn, nặn thành hai pho tượng, cung tiến vào một ngôi miếu. Từ đó người dân địa phương ào ào tới thắp hương, dâng tiền, đặt lễ bái vọng, bọn A Bảo nơi đây nhờ đó cũng đã kiếm được một khoản lớn.
Do Tổ Gia vóc dáng đã lớn, không có tác dụng cho việc dàn cục nên sau khi bị đánh thuốc mê, bọn chúng dùng dây thừng trói chặt lại. Chúng cho rằng Tổ Gia đã bị trói thít chặt nên ném cậu ra phía sau núi cho sói ăn thịt. May mắn thay, đêm hôm đó, một trận mưa lớn đổ xuống, sói không ra khỏi hang nên Tổ Gia thoát chết một cách kỳ diệu.
Sau khi tỉnh lại, không thấy em trai và em gái đâu. Bản thân cũng không biết mình đang ở nơi nào. Cậu điên cuồng gào thét gọi hai em mình trong đêm mưa.
Gọi đến khàn cả giọng, lạc cả tiếng, nhưng đều bị tiếng mưa ào ào, tiếng sấm ầm ầm át đi tất cả. Đứng dưới cơn mưa, Tổ Gia khóc một cách tuyệt vọng.
Sau khi trời sáng, Tổ Gia tìm đường quay về thành. Sợ gặp phải mấy người bọn chúng lần nữa, cậu liền ăn trộm mấy bộ quần áo của một gia đình bên ngoài thành, cải trang thành một đứa con nhà tử tế. Vừa vào trong thành, Tổ Gia nghe người dân bàn tán về sự việc "Thi thể tiên đồng trôi ngược dòng", một dự cảm bất an chạy dọc toàn thân. Cậu theo đoàn người chạy ra bờ sông, lúc này mấy tên A Bảo đã vớt thi thể từ dưới sông lên. Thoạt nhìn, cậu đã nhận ra đó là hai em của mình. Lòng như bị ngàn mũi dao đâm, đau đớn suýt nữa thì ngất đi.
Tổ Gia hận không thể chạy đến cắn chết mấy tên A Bảo đó, cậu muốn nhào ra ôm lấy thi thể hai em mà khóc, nhưng đã kịp kiềm chế lại. Tim cậu như vỡ nát, nhưng ý thức vẫn còn tỉnh táo. Phải báo thù, nhưng trước tiên cần nhẫn nhịn, nếu không sẽ chỉ có con đường chết. Đây là việc người bình thường khó có thể làm được nhưng khi đó Tổ Gia mới 15 tuổi đã làm được điều này. Vì vậy nên sau này, ông được mọi người gọi là Tổ Gia.
Nhìn thi thể hai em bị thiêu cháy, ngửi thấy mùi thịt cháy của hai em, cậu nghiến răng căm hận đến mức cắn nát cả môi. Đứng lặng nhìn tất cả sự việc đang diễn ra, mắt hằn lên những tia máu hận thù.
Đột nhiên, một tên A Bảo nhìn thấy Tổ Gia, bèn đảo mắt ra hiệu cho mấy tên khác. Hai tên đó liền đi về phía cậu. Thoạt nhìn liền biết sự việc không ổn, Tổ Gia quay đầu chạy thục mạng. Hai tên A Bảo đuổi sát theo sau, nhưng thoắt một cái đã không thấy đâu nữa. Cậu đã nhanh chân chui vào một cái ngách để trốn.
Sau khi mặt trời lặn, Tổ Gia quay trở lại bờ sông. Lúc này, đám đông đã giải tán hết. Cậu khóc rống lên đầy bi ai. Trong vòng không đầy một tháng, nhà tan cửa nát, người thân phải chịu cảnh chết thảm là điều mà đến mơ ông cũng không thể nghĩ rằng bất hạnh lại liên tiếp nhau rơi xuống đầu mình như vậy. Lần đầu tiên trong đời, Tổ Gia nghĩ đến tự sát. Chết là hết, mọi đau khổ sẽ tiêu tan. Nhưng nghĩ đến tiếng hét của mẹ khi bị phanh thây, ánh mắt bơ vơ thất thần của em trai, em gái, cậu luôn tự nhắc nhở bản thân: " Không được chết! Chết rồi là chấm hết. Ta phải báo thù. Phải báo thù!"
Một thời gian sau, Tổ Gia vừa lén lút ăn xin, vừa tìm kiếm tung tích của mấy tên A Bảo đó, cậu vẫn cải trang thành một đứa trẻ con nhà tử tế, lặng lẽ đi theo sau những lão bà, hệt như một đứa cháu ngoan đưa bà đi dâng hương trong ngôi miếu đó vậy. Nhìn tượng đất được nặn từ tro cốt của hai em mình trên hương án, Tổ Gia nén đau khổ, vừa thắp hương, vừa thầm nói trong lòng: "Hai em hãy yên tâm, anh nhất định sẽ báo thù."
Tổ Gia biết rằng, người canh miếu này thông đồng với bọn A Bảo nên không dám lưu lại lâu. Thắp hương xong, liền chạy về luôn. Trước tiên, Tổ Gia phải tìm được mấy tên A Bảo đó, sau đó tìm cách xử bọn chúng. Cậu theo dõi bên ngoài ngôi miếu mấy ngày liền, nhưng không hề tìm thấy chút manh mối nào. Bỗng nhiên, cậu nhớ đến ngôi nhà nát đó, nơi mình và hai người em bị đánh thuốc mê. Vốn là người có trí nhớ rất tốt nên Tổ Gia vẫn nhớ rõ đường đi đến đó. Cậu liền lên kế hoạch quay lại, không biết chừng lại có thể tìm ra chút manh mối nào đó. Sau khi ăn xong, đến nửa đêm, cậu lần mò tìm đường quay lại.
Đó là một ngôi nhà kiểu tứ hợp viện (3) cũ ở ngoại ô, tường có nhiều chỗ bị sụt lún xuống. Tổ Gia bò bên ngoài tường nghe ngóng, không hề có động tĩnh gì cả. Cậu giả vài tiếng chó sủa, vẫn không thấy động tĩnh, liền vượt tường vào trong.
Bên trong là một màn tối đen đặc quánh. Tổ Gia lần mò một hồi và phát hiện ngoại trừ một vài thứ đồ dùng đã cũ nát, còn lại chẳng có gì cả. Cậu định đêm nay ngủ lại đây, trời sáng sẽ ra ngoài nấp trong đống cỏ khô cách không xa ngôi nhà. Đột nhiên có tiếng bước chân vội vã vọng lại, Tổ Gia giật mình, tim đập thình thịch. Bước chân ngày một tiến gần hơn, cậu vội vàng chạy ra ngoài, nhưng lại vấp phải vật gì đó, toàn thân lảo đảo suýt ngã.
Nhờ có ánh trăng, Tổ Gia nhận ra đó là một que cời lò dài, được làm bằng thép, to khoảng bằng ngón tay, dùng để khơi thông đáy bếp lò. Một đầu được gắn cán cầm bằng gỗ, đầu còn lại được mài nhọn. Tổ Gia liền nhặt lấy, rồi vượt tường nhảy ra ngoài. Lúc này, cửa chính bị mấy người bật mở tung, Tổ Gia nấp sau tường nhìn vào, chỉ thấy có mấy người khiêng hai chiếc hòm đi vào, trong hòm dường như có tiếng người kêu khẽ.
Mấy người đó khiêng hai chiếc hòm vào trong phòng. Một người trong đó lấy đá ra đánh lửa, thắp đèn. Ánh đèn lờ mờ rồi dần chiếu sáng cả căn phòng, Tổ Gia nhìn thấy rõ mặt của những người này. Trong đó, có hai tên A Bảo đã lừa ba anh em Tổ Gia đến ngôi nhà này ngày hôm đó. Lúc này, tên thủ lĩnh nói với hai tên A Bảo kia: "Đêm nay hai ngươi canh giữ ở đây chớ có rượu chè. Hãy cẩn thận! Nếu để chạy mất hai người trong hòm, Tứ gia sẽ lấy mạng các ngươi."
Hai tên A Bảo vội vàng nói: "Nhị ca yên tâm, Nhị ca yên tâm." Sau đó, tên thủ lĩnh dẫn những tên A Bảo khác nghênh ngang bỏ đi. Hai tên ở lại liền lấy ra một bình rượu to, ngồi bệt xuống đất, đồng thời móc trong túi áo ra một bọc thịt, vừa ăn vừa nói chuyện.
Mắt Tổ Gia dán chặt vào hai tên A Bảo đó trong lòng chợt nghĩ: "Ta nhất định sẽ giết chết chúng."
Nhưng trong lòng Tổ Gia biết rất rõ, lúc này nếu xông bừa ra, chắc chắn sẽ không thể đánh lại được hai tên to con này, nên cần phải đợi cơ hội, đợi đến khi chúng uống kha khá, say ngất nga ngất ngư, khi đó mới động thủ.
Tổ Gia ngồi bất động dán mắt vào chúng chừng hơn một canh giờ. Cậu thấy rượu cũng sắp cạn, lưỡi chúng cũng líu hết cả lại thì mới cầm thanh cời lò lên, chầm chậm từ ngoài trèo vào rồi nhẹ nhàng đi về hướng căn phòng. Khi đến giữa sân, một tên đột nhiên đứng dậy khiến Tổ Gia hoảng sợ, vội vàng chạy nấp sau gốc cây thạch lựu. Tên A Bảo đó lắc la lắc lư cũng đi về hướng đó, miệng lẩm bẩm: "Xả một bãi... tiểu một bãi nào..."
Tên đó đến bên cây thạch lựu, vạch quần, ưỡn bụng, vừa tiểu vừa hát: "Cô nhi quả phụ lên gò đất, mưa phùn rả rích a..."
Tổ Gia nấp sau gốc cây, bị nước tiểu xuyên qua lá cây bắn đầy vào mặt. Tổ Gia vốn định đợi hắn ta đi tiểu xong quay lưng đi, sẽ ra tay từ sau lưng. Nhưng tên này đi tiểu quá lâu, nước tiểu bắn đầy mặt Tổ Gia khiến ông điên tiết, không nhẫn nhịn được nữa, cầm thanh cời lò, đâm thẳng vào bụng dưới của hắn. Tổ Gia dùng hết sức bình sinh, đâm đúng vào bàng quan, vòi phun nước của hắn lập tức tịt ngóm. Bụng dưới của hắn thủng một lỗ, nước tiểu và máu đều phun ra từ cái lỗ ấy.
Tên tiểu tử đó kêu một tiếng "A" thảm thiết, hai tay ôm phần bụng dưới, nằm lăn lộn dưới đất. Tổ Gia liền đứng phắt dậy, đâm tiếp thanh cời lò xuyên qua yết hầu của hắn, máu phun ra. Tên tiểu tử đó muốn kêu, cũng không thể kêu được thành tiếng, một lát sau nằm im bất động.
Tên A Bảo kia nghe thấy tiếng động bên ngoài, vội vàng từ trong phòng cất giọng nhừa nhựa hỏi vọng ra: "Chuyện gì... chuyện gì vậy? Mẹ kiếp nhà ngươi chớ... chớ có dọa ta nhé!"
Tổ Gia nhanh như cắt xông vào, tung một gối khiến đối phương ngã bổ chửng. Còn chưa kịp phản ứng xem chuyện gì xảy ra, hắn đã bị thanh cời lò đâm thẳng vào yết hầu. Cú đâm này còn mạnh hơn lần trước, thanh cời lò đâm thẳng từ trước xuyên ra sau cổ. Tên tiểu tử đó giãy giãy mấy cái, rồi cũng nằm bất động.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top