Chương 1: (Tiếp)
TÂM LÝ HỌC TƯỚNG SỐ
Tôi gia nhập Đường khẩu vào thời điểm mưa gió bão bùng. Vì khi đó Quốc - Cộng giao chiến, việc làm ăn của các Đại Đường khẩu chẳng dễ dàng gì. Đặc biệt ở khu giải phóng, rất nhiều Đường khẩu đều giải thể. A Bảo ở phương Bắc bắt đầu chuyển địa bàn xuống phương Nam hành nghề kiếm cơm. Vì vấn đề này, Tổ Gia đã mấy lần triệu tập Đường hội, nhằm đối phó với cục diện ngày một hỗn loạn.
Người mới vào nghề cần phải có người cũ dẫn dắt. Đội ngũ A Bảo có quy định vô cùng nghiêm ngặt, từ cao xuống thấp lần lượt là Đại học sĩ, Bảng nhãn, Thám hoa, Hàn lâm, Tiến sĩ, Cử nhân... Đại học sĩ là thủ lĩnh cao nhất của một địa bàn, danh xưng đối ngoại gọi là Đại Sư bá. Tổ Gia cũng chính là Đại Sư bá. Danh xưng này chính là một tiêu chí về thân phận và địa vị. Người trong nghề thoạt nghe ít nhiều phải nể mặt vài phần. A Bảo ở những địa bàn khác nhau đụng mặt nhau trên giang hồ, nếu không rõ vai vế thì kẻ ít tuổi thường gọi bậc bề trên nhiều tuổi là Đại Sư bá, biểu thị sự tôn trọng. Đẳng cấp thứ hai là Bảng nhãn, hay còn gọi là Bá đầu.
Trước đây, trong giới A Bảo đầu tiên phải đi lên từ bậc sơ cấp Tú tài và cần phải có Cử nhân dẫn dắt. Nhưng sau Cách mạng Tân Hợi (1949), hệ thống A Bảo chia năm xẻ bảy, rất nhiều quy tắc bị thay đổi. Tổ Gia hủy bỏ đẳng cấp huynh đệ trong Đường khẩu của mình. Ngoại trừ Đại Sư bá và Bá đầu, tất cả những người còn lại đều là tay chân cấp dưới, không còn phân đẳng cấp cụ thể nữa. Đây là một phương thức quản lý của Tổ Gia.
Bọn tay chân sau khi gia nhập hội, đều phải đi theo một Bá đầu, còn đi theo ai là do Bá đầu chọn. Mỗi Bá đầu đều có tuyệt kỹ riêng của mình, họ sẽ xem bạn có thể đào tạo được không, có thích hợp làm việc với họ không. Ví dụ, Đại Bá đầu là một sát thủ, nếu tay mới là kẻ bạo gan hiếu sát, anh ta nhất định sẽ thu nạp dưới trướng. Còn Nhị Bá đầu có sở trường là Trát phi, nếu là người có tài thiên bẩm giả thần giả quỷ, anh ta tất sẽ lựa chọn người đó. Tam Bá đầu là người có chân tài thực học, nếu anh ta không đọc sách, không biết chữ, không hiểu Tứ thư, Ngũ kinh, chắc chắn sẽ không cần anh. Những Bá đầu khác cũng vậy, đều chọn người để đào tạo.
Khi đó bảy Bá đầu quan sát người mới liên tục trong mấy ngày. Mọi người đều có nơi có chốn, riêng tôi chẳng có ai chọn và không đồng ý dẫn dắt tôi.
Cuối cùng Tổ Gia chỉ vào tôi và cười hỏi: "Không có ai chọn cậu ta sao?"
Tất cả Bá đầu đều không ai lên tiếng. Một lúc sau, Nhị Bá đầu ngáp dài một cái, xoa xoa cái đầu rồi nói to: "Theo ta đi!"
Kỳ thực, tôi không muốn đi theo Nhị Bá đầu. Anh ta không giống với người bình thường, chỉ có chín ngón tay. Mỗi lần nhìn thấy chỗ ngón út bị cụt nhẵn bóng là tôi cảm thấy rùng mình.
Tuy trong lòng nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn vội vàng quỳ xuống, khấu đầu nói: "Đa tạ Nhị gia."
Sau đó, Nhị Bá đầu nói: "Trông bộ dạng nhà ngươi vừa xấu vừa đần, chẳng những Bá đầu khác đều không muốn chọn, nhưng ta thấy Tổ Gia rất thích ngươi. Trong đám mới vào nghề này, chỉ có ngươi là ít bị Tổ Gia mắng nhất. Kể cũng lạ, Nhị gia ta cũng thấy thích nhà ngươi đấy."
Qua một khoảng thời gian rèn luyện cọ xát, những người mới như chúng tôi bắt đầu được học Lục tự chân ngôn (1). Đây là cảnh giới chí cao của tâm lý học lừa đảo, do đích thân Tổ Gia truyền thụ.
(1) Bí kíp 6 chữ
Lục tự chân ngôn là : Thẩm, xao, đả, thiên, long, mại.
Tức là:
Tiên thẩm hậu xao, cấp đả mạn thiên
Long mại tề thi, xao đả bính dụng
Thập thiên cửu hưởng, thập long cửu thành
Tiên thiên hậu vãng, vô vãng bất lợi
Hữu thiên vô long, đế thọ chi tài
Lục tự chân ngôn này có nguồn gốc từ thiên Anh Diệu trong cuốn Mật quyết giang hồ. A Bảo hành nghề chủ yếu dựa trên sáu chữ này. Nếu có thể vận dụng Lục tự chân ngôn này đến mức xuất quỷ nhập thần thì đó là một thiên tài, đánh đâu thắng đó.
Nói một cách đơn giản, Thẩm chính là thẩm tra phán đoán, bao gồm y phục, khí chất, phong thái của đối phương. Phú quý hay bần tiện đều thể hiện từ đó ra cả. Thoạt nhìn là có thể nhận định được đẳng cấp, thứ bậc của một người. Ý nghĩa thứ hai của Thẩm là lắng nghe đối phương nói. Họ nói càng nhiều, thông tin tiết lộ cũng càng nhiều.
Xao nghĩa là thăm dò, vừa thăm dò, vừa đánh theo một gậy, thăm dò nhưng không được để lộ sơ hở. Xao là nền tảng của Thẩm, nếu thăm dò một câu chính xác, có thể dùng Đả để hạ màn. Còn nếu hai lần đều không chính xác thì sẽ vô cùng nguy hiểm, giống như vạch cỏ tìm rắn vậy, không khéo sẽ bị rắn cắn lại. Khi rơi vào trường hợp vạch cỏ tìm rắn, thông thường A Bảo sẽ phải vứt dao (tức rút êm).
Đả là suy đoán 1 cách kiên định. Đả hay là phải nhanh, xuất khẩu câu nào, mỗi chữ trong ấy đều phải tựa như tiếng kim ngân. Cao hơn nữa, ý nghĩa của Đả chính là đập tan ý chí của đối phương. Vì ta Xao chuẩn xác nên họ sẽ tuyệt đối tin vào lời nói của ta. Vậy nên với người bình thường, ta nói sắp tới họ gặp vận xấu; với quan chức, ta nói họ sắp mất chức; với thương nhân, nói sắp phá sản; với người phụ nữ có nỗi niềm chất chứa, nói họ sắp bị bỏ rơi. Như vậy là Đả thủng hoàn toàn phòng tuyến tâm lý của đối phương.
Thiên là lừa người. Có thể xuất chiêu lừa ngay tại trận, cũng có thể thông qua cách sắp xếp dàn cục. Thiên được dung hòa trong năm chữ kia, hoặc ở sự chậm rãi. Xuất Thiên không được nóng vội, nếu không sẽ lộ sơ hở, do đó mới có câu cấp Đả, mạn Thiên.
Long là vỗ về an ủi, nói những điều đối phương thích nghe, mang lại cho họ một tia hy vọng. Vì ta đã Đả họ nên họ rất sợ hãi, tâm tư rơi xuống cùng cực. Lúc này, ta phải Long họ một chút, nói với họ rằng nếu vượt qua giai đoạn gập ghềnh này, sẽ đại phú đại quý, thọ đến trăm tuổi. Đương nhiên họ vô cùng vui mừng. Đả đối ứng với Long, trước tiên làm cho tuyệt vọng, sau đó lại gieo hy vọng, cuối cùng đối phương sẽ hoàn toàn bị trói chặt.
Thực chất Đả và Long đều là thủ đoạn của Thiên, không thể tách rời nhau. Nếu chỉ có Đả Thiên thì dù có ra chiêu lừa đẹp thế nào chăng nữa cũng vô dụng. Vì đối phương đã rơi vào tuyệt vọng, nghĩ rằng dù sao đó chính là số mệnh của mình, đành chấp nhận vậy nên có nói thế nào họ cũng không mắc câu nữa. Do đó nói: "Hữu Thiên vô long, đế thọ chi tài". Đế thọ là tiếng lóng, nghĩa là phạm phải sai lầm ngớ ngẩn.
Cuối cùng là chữ Mại, một cảnh giới viết văn, vẽ tranh tự nhiên phóng khoáng. Lúc này ta nói gì, đối phương liền nghe theo vậy. Hàm nghĩa thứ hai của nó là đã đến thời điểm thu tiền rồi. Mục đích cuối cùng đều là những thỏi ngân lượng sáng lóa của đối phương đang chìm trong mê muội, do đó có bán chác gì cũng phải sạch sẽ, gọn gàng.
Khi Tổ Gia truyền thụ khẩu quyết, ông kết hợp lý luận với thực tiễn, giảng một cách tường tận kinh nghiệm của chính bản thân, cộng thêm những dẫn chứng sinh động.
Lục tự chân ngôn này nói thì dễ, nhưng thực sự để thông hiểu tất cả được nó lại rất khó. Nếu đã vận dụng đủ sáu chữ, mà đối phương vẫn chưa thực sự tin tưởng hoặc vẫn tỏ thái độ xem thế nào đã, thì vẫn còn một chiêu cuối cùng, đó là xuất sát.
Tiền đề của xuất sát là đối phương như một con gà béo, vẫn còn chút hoài nghi, không hoàn toàn tin vào ta, thái độ và lời nói cũng không thực sự rõ ràng.
Vậy, thế nào là xuất sát? Suy cho cùng cũng một khâu của Thiên. Ví dụ, ta nói họ gần đây sẽ gặp "họa đổ máu", họ nửa tin nửa ngờ. Ta muốn giải hạn cho họ, họ không đồng ý. Cuối cùng họ chỉ trả cho ta một ít tiền, mà không cắn câu bỏ khoản tiền lớn để giải hạn, lúc này ta có thể thỉnh thị Tổ Gia xuất sát.
Tổ Gia sẽ phái một vài tay chân đi theo người đó, tìm hiểu cuộc sống thường ngày của đối phương, khoảng vài ba tháng sau, tìm mấy tên lưu manh cố ý kiếm cớ va chạm, đánh cho mặt mũi bầm dập. Ngày hôm sau người đó nhất định sẽ ngoan ngoãn quay lại, nói: "Đại sư, ứng nghiệm rồi, ứng nghiệm rồi! Thật hối hận vì ban đầu đã không nghe theo ngài!"
Hoặc ta xem tướng số cho một ông chủ lớn và phán rằng sắp tới sẽ gặp họa. Ông ta không tin thì Tổ Gia sẽ cho người đến phóng hỏa hậu viện nhà ông ta, không đầy mấy ngày sau, ông ta sẽ ngoan ngoãn quay lại giải hạn.
Sau khi vào nghề được ba năm, tôi leo được lên vị trí Bá đầu. Tổ Gia nói: "Người có lương tâm mới có thể làm Bá đầu." Ông nói cái tâm của tôi không hoàn toàn mất hết, tương lai có thể thay vị trí của ông.
Khó có thể khái quát tính cách của Tổ Gia chỉ bằng một vài câu đơn giản. Khi hung tính nổi lên, ông sẵn sàng ra tay giết người không chớp mắt, nhưng khi lòng từ tâm xuất hiện, ông lại giống như một vị Bồ Tát.
Thường ngày, Tổ Gia đều giúp đỡ người nghèo, ông không phải giúp đỡ theo kiểu làm cho có, qua loa đại khái, mà giúp đỡ một cách thực sự. Tôi cũng không biết ông làm như vậy có phải vì sám hối lương tâm hay để chuộc tội trong tâm hồn.
Tổ Gia nói, cảnh giới tối ca của A Bảo là chỉ lừa kẻ ác, kẻ xấu, như bà lão mà lần đầu tiên tôi hành nghề, không phải là đối tượng của A Bảo. Đó chỉ là lần luyện tay nghề, mà cũng có thể gọi là luyện cái tâm, dám lừa cả người lương thiện thì cũng dám lừa cả kẻ ác.
Kỳ thực, trong lòng tôi luôn cầu nguyện cho bà lão đó. Ông trời có mắt, mùa xuân năm sau, con trai bà lão bỗng nhiên trở về thật và khi đó cả nước nhanh chóng được giải phóng. Sau này, Tổ Gia cho tôi quay lại nhà bà lão, kín đáo bỏ rất nhiều tiền trong sân nhà. Khi đó, tôi cảm thấy mình đã tìm lại được chính bản thân mình.
Làm A Bảo hiếm khi có được giấc ngủ trọn vẹn, thường xuyên bị tỉnh giấc trong cơn mơ. Có khi tỉnh giấc vì cười lớn, có khi tỉnh giấc vì sợ hãi. Khi rảnh rỗi không có việc gì làm, mọi người tụ tập uống rượu, vào lầu xanh. Nhưng có một quy định, các A Bảo muốn chơi thì ra ngoài chơi, có thể chơi hết mình, nhưng không được phép xuất hiện tại địa bàn hành nghề.
Bình thường A Bảo hành nghề với phong thái trang trọng, đạo đức mẫu mực, đặc biệt là các Bá đầu. Nơi hành nghề của họ đều ở những nơi đông đúc sầm uất như cổng thành, phố thị... Hàng ngày, họ ngồi ở đó với tư thế đạo mạo đường hoàng, nếu bị người khác bắt gặp ở chốn ăn chơi trụy lạc, đại họa tất sẽ rơi xuống đầu.
Khi ra ngoài ăn chơi, hoặc nhiều hoặc ít đều phải hóa trang. Điều này không hề khó với A Bảo. Mỗi người đều có vài bộ trang phục, mấy bộ râu tóc giả bởi lẽ đã đi lừa đảo tất phải hóa trang.
Đi chơi thì có thể, nhưng không được phép tẩu phong, tức là trực tiếp hành nghề ở bên ngoài, hoặc gia nhập giới A Bảo ở nơi khác. Đây là điều đại kỵ. Trong hơn 20 năm Tổ Gia cai quản Đường khẩu, chưa từng xảy ra tẩu phong một lần nào.
Có một tay chân ăn chơi bên ngoài, bị mắc bệnh hoa liễu, cuối cùng toàn thân phát bệnh mà chết. Trước khi chết, có ý nguyện muốn gặp cha mẹ, nhưng Tổ Gia không đồng ý. Ông nói: "Ngươi gặp hộ với bộ dạng này, họ sẽ chết vì đau lòng mất."
Sau khi tên này chết, Tổ Gia cho hỏa thiêu. Về phần gia đình, hàng tháng Tổ Gia đều cử người đến đưa tiền, nói rằng anh ta ở ngoài làm ăn rất tốt. Vì công việc quá bận rộn nên không về thăm cha mẹ được.
Tôi hỏi vì sao Tổ Gia không đưa ra quy định, cấm không cho ai được phép đến kỹ viện. Tổ Gia trả lời: " Ăn chơi, gái gú là bản tính của con người. Làm A Bảo là phải đem cả tính mạng ra để đánh cuộc, ta làm vậy là vì điều gì hả? Nếu áp chế bản tính của họ, sớm muộn gì cũng sẽ tạo phản. Ăn no, uống đủ, đĩ điếm thoải mái, có như vậy họ mới có sức lực làm việc."
Khi đó, tôi mới nhận thấy nhân tính của Tổ Gia thật đáng sợ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top