Chương 1: (Tiếp)
LẦN ĐẦU LÀM THẦY TƯỚNG SỐ
Lần đầu tiên tôi lơ ngơ ra đường là khoảng hai tháng sau khi bước vào nghề. Vì là lính mới, không được hành nghề trong thành nên Tổ Gia sắp xếp cho tôi ở một thôn trang ngoài thành có tên An Gia trang. Ông nói vóc dáng tôi béo mập, hai mắt lại bé, có thể giả làm người mù, như vậy đối phương sẽ có tâm lý không quá cảnh giác. Sau này tôi mới ngộ ra, căn bản lần đó chưa thể coi là vào nghề thực thụ, mà chỉ là một sự "thử tay nghề", kém xa so với việc chỉ cần đi một vòng mà kiếm mấy trăm đồng bạc của Tổ Gia.
Tôi chống gậy trúc, lắc la lắc lư đi vào trong thôn, mấy hộ đầu tiên đều xua đuổi tôi đi chỗ khác. Mãi sau mới có một người nói chuyện với tôi. Đó là một bà lão đang ở nhà một mình. Bà lão khoảng hơn 60 tuổi, gương mặt nhăn nheo khắc khổ. Vừa dắt tôi vào trong nhà bà vừa nói: "Đi từ từ thôi, cẩn thận, để tôi lấy cho cậu một cái ghế ngồi".
Lúc đó trong lòng tôi xen lẫn một chút cảm giác tội lỗi vì đôi mắt của bà lão đã mờ, không còn tinh tường như tôi. Hơn nữa, bà lão còn lật đật đi rót nước cho tôi uống. Tôi thấy đôi tay của bà lão nhăn nheo, nứt nẻ, thô ráp và xù xì giống như vỏ cây vậy. Từ trong sâu thẳm, tôi bỗng nhớ đến người mẹ đã qua đời của mình. Bà chết vì bệnh phổi hồi đầu năm, đôi tay bà cũng giống y như tay bà lão này vậy.
Tôi bỗng thấy mủi lòng, nhưng ngay lập tức cặp mắt Tổ Gia hiện lên, liền nghĩ đến nhiệm vụ mà Bá đầu giao phó.
Bà lão bắt chuyện với giọng quan tâm: " Còn trẻ như vậy mà đi làm nghề này sao?"
Tôi trợn tròn đôi mắt giả mù đầy lòng trắng, trả lời: " Thưa cụ, con bị mù từ nhỏ, theo sư phụ học tướng số, tuy mắt con mù, nhưng lòng con rất sáng."
Bà lão nói: "Đúng vậy! Đúng vậy! Con của ta giỏi lắm."
Tôi nói: "Dạ, con chẳng có bản lĩnh gì ngoài việc biết xem bói. Thưa cụ, cụ xem tướng cho ai? Xem cho cụ ư?"
Bà lão nói: "Không, ta đến tuổi gần đất xa trời rồi, xem bói phỏng có ích gì. Nhờ cậu xem giúp cho con trai ta một quẻ, xem xem hai năm này vận hạn nó thế nào? Có trắc trở, gặp tai họa gì không?"
Lời nói của bà lão để lộ ra cho tôi biết rằng gần đây con trai bà chắc chắn vận hạn không tốt. Hơn nữa khi nói chuyện, giọng bà lão rõ ràng đang run rẩy.
Tôi nói: "Thưa cụ! Vậy lệnh lang nhà ta sinh vào giờ, ngày, tháng, năm nào?"
Thực ra đây cũng chỉ là diễn kịch mà thôi, còn nói thế nào, phán ra sao tất cả đều chuẩn bị trước cả.
Sau khi bà lão cho tôi biết bát tự (1) của cậu con trai, tôi bắt đầu bấm đốt ngón tay tính toán, liếc đôi mắt giả mù đang trợn lên trắng dã. Tôi thấy bà lão đang lo lắng chờ đợi.
"Thưa cụ, lệnh lang mệnh Thủy, hai năm nay phạm vào Thái tuế, mọi việc không được thông thuận cho lắm." Nói xong, tôi chờ xem phản ứng của bà lão như thế nào. Theo quy luật, về căn bản câu trả lời là câu khẳng định, nếu là câu phủ định cũng chẳng sao, tôi nói là "hai năm nay", cũng có thể bao gồm năm nay, mà giờ mới là đầu năm, nếu bà lão phủ định, tôi sẽ nói đợi đến cuối năm mới ứng vận.
Kết quả không nằm ngoài dự liệu, bà lão thảng thốt nói: "Đúng vậy."
Tôi lập tức tiếp lời: "Thưa cụ! Lệnh lang nhà ta là một người rất hiếu thuận."
Câu nói này chắc chắn đánh trúng tâm lý bậc làm cha mẹ trong thiên hạ. Vì cha mẹ thương yêu con cái mười phần, dù con cái báo đáp lại chỉ một phần thì trong mắt người làm cha mẹ, người con đó rất hiếu thuận, trong lòng vô cùng mãn nguyện. Hơn nữa trên thế gian, những đứa con nghịch tử chỉ chiếm số ít, nếu con trai bà lão là kẻ bất trung bất hiếu thì bà lão sẽ không lo lắng như vậy, càng không có ý định xem tướng cho anh ta.
Bà lão rưng rưng đôi mắt đã mờ đục nói: "Đúng vậy, nó hiếu thuận lắm, dáng người dong dỏng cao và rất khỏe mạnh."
Tôi nhìn đôi mắt mờ đục đã ngấn lệ của bà lão rồi nói tiếp: "Trong hai năm nay, con trai cụ phạm vào sao Tẩu Mã."
Bà lão lập tức hỏi dồn: "Là sao gì vậy?"
Tôi hắng giọng trả lời: "Là sao Tẩu Mã, tức chủ về bôn tẩu khắp nơi, vừa vất vả vừa khổ cực."
Vào thời đó, vì mưu sinh, ai mà không phải bôn tẩu ngược xuôi chứ.
Bà lão nước mắt lã chã rơi nói: "Đúng vậy, năm ngoái nó bị sung quân, đến nay vẫn không có tin tức gì, chẳng biết sống chết ra sao."
Nhìn bà lão đau khổ khóc than, tôi bỗng dưng khóc nấc theo. Tôi không biết mình khóc vì điều gì, vì thương cảm bà lão hay thương cảm chính bản thân mình nữa!
Bà lão nhìn thấy tôi khóc liền vội vàng lấy chiếc khăn tay cáu bẩn vừa lau nước mắt cho tôi, vừa nói: "Con trai à, đừng khóc! Nín đi con!"
Tôi nói: " Thưa cụ, con khóc thương thay cho số phận, cảnh ngộ của cụ."
Bà lão vỗ về tôi: "Con trai ngoan, con trai ngoan của ta."
Tôi nói: "Hiện con trai cụ đang ở vào thời điểm khó khăn và vô cùng nguy hiểm."
Bà lão hốt hoảng hỏi: "Sao cơ, nó vẫn còn sống chứ?"
Tôi nói: "Sống thì vẫn sống, nhưng gặp rất nhiều nguy hiểm. Cụ cũng biết đấy, chiến tranh mà, mũi tên hòn đạn lại không có mắt, chúng có kiêng nể một ai đâu. Vận hạn này của lệnh lang nhất định phải giải, không giải e rằng không thể trở về được nữa!"
Bà lão vô cùng hoảng sợ, mặt mày biến sắc: "Mau phá giải đi, mà phá giải bằng cách nào?"
Tôi nói: "Cụ lấy một miếng vải đỏ, bên trên viết tên tuổi của lệnh lang. Đúng 12 giờ đêm, cụ buộc miếng vải này lên một cây hòe cổ thụ, rồi khấn: 'Cây hòe ơi, con trai ta nhận ngươi là mẹ nuôi, hãy bảo vệ nó khỏi hiểm nguy, đừng để nó bị thương gì.' Sau đó khấu đầu ba cái, rồi về nhà đem miếng vải đỏ phủ lên trên một cái ổ gà là được. Cụ phải nhớ kĩ nhé." Sau khi nói đến lễ giải hạn, thầy tướng số càng nói sinh động bao nhiêu, càng mang lại cảm giác chân thật bấy nhiêu. Mánh khóe nhận cây hòe làm mẹ nuôi, nhận gàu tát nước làm cha nuôi, thường được các nhà tướng số sử dụng.
Bà lão nói: "Làm thế sẽ bảo vệ con trai ta khỏi tai nạn chứ?"
Tôi nói: "Cụ à! Cách làm này chỉ mang tính chất tạm thời mà thôi. Vì trên chiến trường, lệnh lang giết quá nhiều người, hồn ma của những người này thường hiện về đòi mạng."
Nỗi lo sợ lại hiện rõ trên gương mặt bà lão: "Vậy phải làm thế nào?"
Tôi nói: "Làm việc thiện, thật nhiều việc thiện, giúp lệnh lang, ở hiền gặp lành."
Bà lão gật đầu nói: "Đúng! Đúng! Con nói rất đúng! Vậy ta phải giúp con trai ta như thế nào?"
Tôi trả lời: "Cụ giúp lệnh lang quyên một chút tiền nhang đèn, con sẽ giúp cụ cung tiến vào chùa. Hơn nữa con đã tiết lộ thiên cơ, nên con cũng phải quyên góp chút đỉnh. Quyên góp xong mọi việc sẽ tai qua nạn khỏi, muộn nhất là mùa xuân sang năm lệnh lang nhà ta sẽ trở về!"
Bà lão nhoẻn miệng cười tươi, vui vẻ quày quả đi vào nhà, một lúc lâu sau cầm hai tờ Pháp tệ (1) quay ra. Nhưng hiện nay tình trạng lạm phát đã ở mức báo động, đồng tiền ngày càng mất giá, hai tờ Pháp tệ của bà lão chẳng đáng giá một xu.
Tôi nói: "Cụ à, loại tiền này của cụ hiện không còn tiêu được nữa rồi. Rất nhiều nơi từ lâu đã không còn dùng đến nữa, con chẳng thể nào giúp cụ cung tiến tiền nhang đèn. Hơn nữa, chúng ta không thể lừa Phật Tổ."
Bà lão ngại ngùng nói: "Ở đây ta vẫn còn mấy xu tiền đồng."
Tuân theo lời dạy của Tổ Gia, đồng bạc trắng và tiền đồng đều có thể lấy được, Quốc dân Đảng có cải cách thế nào đi chăng nữa đều không ảnh hưởng đến giá trị tiền kim loại.
(1) Một loại tiền giấy của chính phủ Quốc dân Đảng phát hành từ năm 1935.
Tôi nhận mấy đồng từ tay bà lão, vẻn vẹn chỉ có ba xu, tôi nói: "Cụ à, nếu quả thực chỉ có ngần này thôi cũng tạm gọi là có, quan trọng là lòng thành. Con vất vả đi giúp cụ một phen vậy."
Bà lão vội vàng nói: "Không được, không được, đợi ta một chút con trai, ta vẫn còn mấy thước vải để dành." Bà lão lật đật chạy vào trong nhà lật tung một hồi, lôi ra được một mảnh vải thô nhuộm màu xanh nhạt tận đáy một chiếc hòm mà ở nông thôn thường dùng để may vỏ chăn.
Tôi nói: "Ai da, như này là quá tốt rồi. Vậy con xin phép mang đi quyên giúp cụ."
Bà lão vô cùng vui vẻ, luôn miệng nói: "Vất vả cho con quá, vất vả cho con quá!"
Nói xong bà lão còn đưa tôi ra tận cổng, nói với theo: "Con trai, đi đường cẩn thận nhé, đầu thôn có một cái giếng đó."
Tôi trả lời: "Con biết rồi, thưa cụ."
Tôi dò dẫm chống gậy trúc, giả mù tìm đường ra khỏi thôn, vừa đi vừa khóc.
Lần đầu tiên hành nghề thu hoạch không nhiều. Ngoại trừ hai tờ Pháp tệ chẳng đáng giá một cắc, còn lại là mấy thước vải thô và ba xu tiền đồng.
Nhưng so với hai tay mới khác cũng vẫn còn hơn chán. Một tên chẳng kiếm chác được gì, còn bị người ta đánh mắng cho một trận tơi tả. Còn tên kia, sợ Tổ Gia và Bá đầu trách phạt, liền ăn trộm cái búa sắt đóng cọc trong vườn hạnh nhân của một nhà ở đầu thôn, về giao nộp.
Tổ Gia nói: "Chúng ta là 'tướng', không phải là kẻ trộm cắp. Không kiếm được gì thì quay về tay không, tuyệt đối không được làm những việc trộm gà trộm chó."
Lời Tổ Gia khiến kẻ trộm cắp kia sợ hãi quỳ mọp xuống, luôn mồm nhận lỗi.
Tổ Gia nói: "Không phải lỗi của ngươi."
"Nhị Bá đầu!" Tổ Gia gọi. Nhị Bá đầu lập tức khúm núm chạy lại quỳ xuống thưa: "Tổ Gia!"
Tổ Gia quát to: "Tay chân của ngươi, ngươi phải có trách nhiệm dạy bảo cho tốt chứ!" Nhị Bá đầu sợ hãi mồ hôi vã ra như tắm.
Mỗi khi hành nghề trở về, các Bá đầu đều phải báo cáo tường tận. Một là kiểm tra người của mình, hai là tránh va chạm địa bàn. Mỗi Bá đầu đều phải ghi chép rõ ràng, nhưng không được sai lệch với con số của Tổ Gia.
Tổ Gia là người có con mắt quan sát vô cùng tỉ mỉ, sau khi đường hội giải tán, ông kêu một mình tôi ở lại.
Tổ Gia nói: "Ngươi quá mềm yếu."
Tôi nghĩ: "Sao ông ta biết được?"
Tổ Gia tiếp tục: "Ngươi đã khóc."
Tôi vội vàng trả lời: "Thưa vâng! Vì hoàn cảnh bà lão thật đáng thương."
Tổ Gia nghiêm giọng: "Đáng thương? Ngươi thấy ta có đáng thương không?"
Tôi ngây người ra nhìn Tổ Gia, không hiểu ông nói như vậy là có ý gì.
Tổ Gia nói: "Ta còn đáng thương hơn! Mỗi ngày có đến cả chục khẩu súng dí vào đầu ta, chỉ cần sơ sảy là mất mạng!"
Tổ Gia nói không sai. Để có thể hành nghề ở đây, việc đầu tiên cần làm đó là tạo mối quan hệ tốt với nhân vật quan trọng của cả hai phái Hắc-Bạch. Hàng tháng tiền cống tốn kém không ít, nhất là khi thay cũ tuyển mới, phải tăng gấp đôi.
Những nhân vật của hai phái Hắc-Bạch này không chỉ đứng ra bảo kê cho ta, mà khi cần thiết còn có thể giúp ta dàn cục (2). Chỉ cần dúi vào tay họ một số lợi lộc , đến ngay cả viêc bán rẻ cha mẹ những nhân vật này cũng dám làm. Quan viên Quốc dân Đảng, ông chủ bến Thượng Hải, thậm chí đến cả chủ ý của Tống Mỹ Linh họ cũng dám động đến. Dàn cục nhỏ có thể được thực hiện ngay khi đó, còn dàn cục lớn có khi phải cần đến vài ba tháng, hoặc đến vài năm, nhưng đổi lại thu hoạch từ những trận dàn cục lớn lại vô cùng hấp dẫn. Hoàn thành một vố lớn, thường đủ để cả đường hội tiêu xài thoải mái trong vài năm.
(2) Tức tạo những chuỗi thòng lọng móc lại với nhau để tạo nên cú lừa ngoạn mục.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top