Tôi em và những chuyến xe bus...
Truyện ngắn
Tôi, em và những chuyến xe bus.
Tôi viết truyện này không phải cho tôi mà là cho em và những chuyến xe bus của tôi…
Những chuyến xe bus đầy những dấu chân em đi về, và đầy những bước đi của tôi. Vội vã và cô độc. Khi tôi đi tìm em nhưng chỉ nhặt lại được những nỗi buồn cho mình.
Con đường em đi đã dài….. Nhưng không thể dài bằng con đường tôi đã đi để tìm em…
&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&
Beginning…..
Tôi không phải là một thằng con trai tử tế, càng chẳng phải là một thằng con trai lí tưởng. Năm nay tôi đang hai mươi tuổi và không biết rằng là mình đang già đi hay là đang trẻ ra. Tôi chẳng cao chẳng đẹp trai, đầu tóc lúc nào cũng có xu hướng dựng đứng lên như cái bàn chông mặc dù tôi không hề dùng đến lọ keo vuốt bao giờ cả. Tôi nặng chừng bốn mươi bảy cân, và chưa bao giờ có vinh dự vượt qua con số năm mươi cân. Như thế thì quả thật chẳng lấy gì làm tự hào đối với một thằng con trai sắp đón sinh nhật lần thứ hai mươi của mình. Tôi biết thế, không chịu an phận cố gắng chống lại mệnh trời nhưng tình hình không khả quan gì cho lắm.
Em là ai? Con gái Hà Nội, đẹp đẽ, xinh xắn giỏi giang, dễ thương, nói chung là hội tụ đủ n+1 tiêu chuẩn để chọn một thằng con trai đẹp trai hơn tôi đến n lần, giỏi giang hơn tôi đến 2 mũ n lần, và mọi điều tốt đẹp hơn tôi đến 2 mũ n+1 lần…
Nhưng em yêu tôi…
Khi tôi cũng chẳng thể hiểu nổi tại sao lại như thế?
Em nghĩ gì?
Tôi không biết. Tôi đã thử tìm ra một lí do nào đó cho tôi. Nhưng thất bại…
Tôi chỉ biết rằng tôi yêu em…
Và em nói yêu tôi…
Thế là đủ….
Đôi khi người ta không cần lí do để người ta yêu nhau….
Và yêu nhau người ta chấp nhận những nghịch lí đến nực cười…
Đối với cả thế giới có thể bạn chẳng là ai cả…
Nhưng đối với một người bạn là cả thế giới…
Và người đó với tôi là em…
Mục lục:
Chap 1. Tự bạch
Chap 2. Chuyến xe bus bất kham.
Chap 3. Lớp học của tôi
Chap 4. Thiên thần của tôi..
Chap 5. Tôi có yêu em từ cái nhìn đầu tiên???????.
Chap 6. Nhập viện.
Chap 7. Ba ngày ở viện
Chap 8. Trở về
Chap 9. Thằng bạn láu cá
Chap 10. Nỗi nhớ không biết đặt tên…
Chap 11. Làm quen
Chap 12. Tôi đi tìm em
Chap 13. Ở nơi đâu là thiên thần của tôi???
Chap 14. Người yêu thằng bạn
Chap 15. Gặp lại…
Chap 16. Con em chết tiệt…
Chap 17. Con đường em đi đã dài. Nhưng không dài bằng con đường tôi đã đi để tìm em….
Chap 18. Con sông Hồng của tôi..
.
Cho em một nhánh bồ công anh
Chap 19. Nếu như tôi không biết nhớ….
Chap 20. Đứa con về nhận mặt quê hương
Chap 21. Lời muốn nói….
Chap 22. Tớ không thích cậu!
Chap 23. Nhập viện lần hai
Chap 24. Tin nhắn của một người không thích tôi…
Chap 25. Tôi phải sống….
Chap 26. Em đi tìm tôi.
Chap 27. Người đâu quay ngoắt 180 độ…
Chap 28. Có phải vì cậu thương hại tớ???
Chap 29. Con không sao đâu, mẹ ạ!
Chap 30. Bạn tôi đến thăm
Chap 31. Cháo này tự cậu nấu hả>>>
Chap 32. Tớ sẽ luôn ở bên cậu……..
Mãi thế…
Chap 33. Cái kim trong bọc lòi ra…
Chap 34. Ra viện
Chap 35. Miss you
Chap 36. Cậu yêu tớ, nhưng cậu cho tớ biết tình yêu là gì?
Chap 37. Sông Hồng em và tôi
Chap 38. Tớ không thích cậu vì tớ yêu cậu….
Chap 39. Nước mắt bồ công anh
Chap 40. Nhớ
Chap 41. Nước mắt của trời và thiên thần dưới mưa….
*******************************************************************
Chap 1. Tự bạch
Tôi ngồi bó gối mơ màng, nhìn lên bầu trời. Hà Nội giờ tôi chẳng nhìn thấy trăng đâu nữa. Tôi chỉ nhìn thấy em và vằng vặc một nụ cười thiên sứ….
Tôi hai mươi tuổi, chẳng cao ráo chẳng đẹp trai. Người thì hơi thấp, cân nặng thì chưa bao giờ vượt qua được con số năm mươi cân. Không thông minh, đầu óc nói chung là chứa nhiều sạn hơn chữ nghĩa, quen ăn nói bỗ bã kiểu đầu đường xó chợ, chẳng lãng mạn chẳng đẹp trai chẳng nhiều tiền lắm của. Nói chung con người cũng chẳng hề tốt đẹp gì, cái quý giá nhất mà tôi có có lẽ là một đống giấy lộn trong tay và không biết đến bao giờ mới có thể làm nên trò trống.
Tôi học Y. Năm này là năm thứ ba. Cái nghề mà người ta bảo là nhìn thấy máu người mà không biết tanh tưởi, bàn tay nhuốm máu giang hồ còn hơn cả Lệnh Hồ Xung và Hùng Bá ngày xưa mấy bậc. Âu cũng là lẽ thường tình. Khi người ta buộc phải gắn bó với vấn đề máu me nhiều đến mức người ta thấy chai lì đi, thì người ta chẳng còn được phép có cái cảm giác sợ nó. Nếu người ta còn thấy sợ, có lẽ nên bỏ nghề sớm đi thì hơn. Với lại có một lẽ cực kì tự nhiên nữa, Hùng Bá gia gia và Lệnh Hồ Xung thiếu hiệp đã quy y ở ẩn không tái xuất giang hồ không biết là bao nhiêu năm rồi, người ta lại có cái câu “ hậu sinh khả uý”, không cớ gì để đám hậu bối lại kém cỏi hơn được. Đấy là đi ngược lại với xu thế phát triển chung của thời đại.
Tôi vào học Y nhưng cũng chẳng phải là vì cái ý nghĩa cao cả gì cho lắm. Nhưng tôi chưa bao giờ phiền lòng và cảm thấy day dứt về điều đó. Phàm những điều gì nghĩ ngợi nhiều quá chỉ có nước đi mua Panadol về uống giảm đau đầu chứ không hơn. Hai mươi năm tồn tại + sống sót cho tôi cái kinh nghiệm quý giá rằng nếu cứ phải nghĩ nhiều về một cái vấn đề chẳng ra đâu chết tiệt nào đó thì đi ngủ cho nó khỏe hơn nhiều.
Tôi ở cách trường khá xa. Một tiếng đi xe bus. Có vẻ rằng như thế quá là lãng phí thời gian đối với một kẻ luôn thiếu thời gian như tôi. Nhưng đó chỉ là một vấn đề nhỏ chẳng lấy gì làm to tát lắm. Tôi ở với bố. Bố tôi lên đây làm ăn buôn bán để nuôi tôi hay như những người hàng xóm tốt tính của tôi thường trêu rằng, như thế là để giám sát tôi khỏi dẫn gái về nhà. Thực sự vấn đề đấy bây giờ cũng nhiều thật, nhưng lại chẳng thể áp dụng được cho tôi. Tôi chưa có người yêu.
Bố tôi chăm lo cho tôi hết mực, ăn uống nói chung là thoải mái,chẳng phải ăn bữa trước phải tính bữa sau như mấy thằng bạn của tôi. Nhưng có một vấn đề khá là nghiêm trọng mà bố tôi vẫn đau đầu và chưa tìm ra lời giải được đó là tại sao ông cho tôi ăn uống như thế mà vẫn không thoát khỏi cái tình cảnh khẳng khiu. Tôi cũng không hiểu. Nhưng tôi nghĩ có lẽ tôi nên ăn cám cò hay là cám tăng trọng thì có lẽ may ra còn thay đổi được tình hình đôi chút.
*******************************
Sáng dậy. Tôi có thói quen dậy không trước 5h30’1s sáng. Tôi dậy đạp chăn ra, mấp máy con mắt bên trái, mờ mờ đưa con mắt bên phải ra nhìn trời. Trời vẫn chưa sáng. Bố tôi đã dậy từ sớm và cắm lại ít cơm còn lại tối qua cho tôi ăn. Ông có thói quen dậy sớm hơn tôi đơn giản vì ông còn phải gọi tôi dậy, vì thường rằng một mình cái điện thoại báo thức của tôi không đủ sức để làm việc đó. Tôi đi ra ngoài. Cái lạnh lẽo đầu mùa len vào những đám sương mỏng manh bay lờn vờn quanh người. Trời tháng mười mà như thế này thì quả có hơi lạnh. Tôi nghe hơi lạnh thổi qua tai và khẽ lùa vào mái tóc như tổ quạ. Đưa đôi bàn tay lên, chà xát vào nhau thật lâu, và thổi phù phù mong đem chút gì đó ấm áp đến.
Tôi chuẩn bị chút đồ linh tinh rồi cho vào cặp, khẽ lắc lắc cái đầu cho mái tóc lăn xuống, rồi lại đưa tay gạt mấy lọn tóc đang chập chờn trước mắt sang một bên. Thường thì tôi chẳng bao giờ phải mất công chải tóc làm gì. Khi nào mái tóc nó dài dài thì cắt béng nó đi còn bình thường thì để nó như cái bàn chông và chẳng bao giờ phải động đến cái lược. Tôi tung tăng đi ra ngoài nhảy chân sáo và khe khẽ ca lên một câu nào đó, chẳng biết nó nằm trong cái bài hát nào nữa. Cái cảm giác lạnh lẽo có chút gì đó thích thú như đê mê, nó tan ra và ngấm vào da thịt. Sương đêm đọng những giọt thật to trên những chiếc lá, ướt át và lạnh lẽo. Con đường như vẫn chưa ngủ dậy, vẫn mê man, mặc cho những chiếc xe buổi sớm gào rú và vội vã lao đi. Chỉ có những làn sương mỏng manh và chập chờn, quấn chân và len nhẹ vào những hơi thở.
Chap 2: Chuyến xe bus bất kham
Bến xe bus buổi sáng sớm nhưng đã vội đông đúc. Người ta đứng chờ xe chật cả một quãng. Đây là con đường vào thành phố, có rất nhiều người đi làm và cũng có không biết bao nhiêu người đi học. Tôi ngán ngẩm đứng chờ những chiếc xe bus của mình, biết chắc chắn rằng nó cũng sẽ lại đông như thế này mà thôi. Mấy chục con người thậm chí là hàng trăm, cùng nhau chia sẻ cái khoảng không hơn mười mét vuông, chật chội và ngột ngạt. Có chăng, điều duy nhất người ta thấy có ý nghĩa bây giờ đó là lên chiếc xe như thế thì người ta chẳng lo bị lạnh nữa. Bao nhiêu người xung quanh, như thế, chia sẻ cho nhau đến từng mililít không khí.
Tôi đưa tay vào túi, rút cái tai nghe ra và khẽ khàng nhét nó vào đôi tai mình, bất chợp bắt gặp cái cảm giác thấy rằng đôi tai mình đang lạnh lẽo. Bố không thích cho tôi đeo tai nghe nhạc như thế này nhiều, vì theo ông như thế thì chẳng tốt tẹo nào cho cái màng nhĩ của tôi. Tôi học Y cận 4 đi ốp, còn mỗi cái tai nữa để mà hành nghề. Giờ đến cái tai mà không biết giữ cho nó được bình thường nữa thì đúng là sau này đến bát cơm cũng không có để mà ăn. Bố tôi cũng hay phàn nàn về cái thói này của tôi. Ông bảo rằng tôi nên biết giữ gìn sức khoẻ đặc biệt là những thứ sau này liên quan thiết thực đến nghề nghiệp của mình. Thường thì tôi nghe được câu đực câu cái, rồi cuối cùng nó cũng theo nhau ra hết cả, nhưng chẳng biết nó ra theo cái lỗ tai nào, bên trái hay là bên phải mà thôi.
Thực ra tôi cũng chẳng phải là kẻ không biết điều. Tôi biết lắm chứ, khi cái màng nhĩ ở ngay kề cận với cái headphone ồm ồm như thế, mặc dù những âm thanh mà nó phát ra chẳng hề chát chúa. Nhưng đôi khi tôi nghĩ bố lo lắng thái quá. Tôi cũng là kẻ biết điều. Và tôi biết chừng mực cần thiết cho mình. Đôi khi con người ta bị nỗi sợ hãi thái quá và mơ hồ về một điều gì đó đánh gục và người ta lại phải gượng ép mình sống trong một cái khuôn khổ mà người ta không thấy thích. Như thế thì đúng là không nên chút nào.
Đang nghe “Only love” cái bài hát mà dạo này phát hiện ra rằng nó hay đến mức không thể cưỡng lại được.
“ 2 am
And the rain is falling
Here we are
At the crossroads once again
You’re telling me you so confused
You can’t make up your mind…”
Tôi ngẩng đầu lên nhìn con bé đang đi tới trước mặt. Nó dừng lại ở vị trí cách tôi khoảng 50cm và lệch một góc tầm 30 độ tính từ bên phải sang. Trông cũng khá xinh. Đeo kính cận, tóc buộc ngang lưng, khuôn mặt trông cũng khá xinh xắn. Nhưng nom có vẻ hơi chảnh. Cũng đang đeo headphone giống tôi. Tự dưng tôi bật cười nhớ đến cái câu nói của ai đó, con gái yêu bằng lỗ tai còn con trai yêu bằng đôi mắt. Con trai rất dễ bị những cái mà được gọi là bề ngoài đánh gục. Còn con gái họ mơ mộng hơn, khi họ bị chính cái lỗ tai của mình làm cho mê muội. Nhưng có một điều khác biệt, đó là con trai sau khi bị đánh gục như thế, người ta đứng lên rất nhanh một là để làm quen, hai là để chạy, vì nhiều khi người ta chỉ giả vờ bị ngã như thế. Nhưng con gái thì khác. Đó là một cái gì đó khắc rất sâu, và khi người ta đặt câu hỏi rằng tại sao con gái lại như thế thì chỉ trả lời qua quýt và thường có một cái đáp án chung chung hoặc là như thế này: “CTMB”. (chú thích, cái câu này thì CÓ TRỜI MÀ BIẾT).
Con xe 42 đi tới phô trương cái chật chội và ngột ngạt của nó, nhưng chẳng có ai sợ cả người ta vẫn cứ ùn ùn kéo nhau lên. Con xe đã chật lại càng thêm chật, cái không khí ngột ngạt tưởng như có thể vỡ bung ra ngoài bất cứ lúc nào. Nhưng nó đã không vỡ, ngày này tháng khác nó vẫn an lành như thế, không biết trong đó có bao nhiêu phần là nhẫn nhịn và chịu đựng. Người ta đứng chen chúc nhau và những cánh tay cố tìm ra một cái cột để bấu víu vào cho khỏi lắc lư. Cái lạnh bị xua bớt, nó chỉ còn là một chấm mờ nhạt trong đầu và bên ngoài chiếc xe.
Cái hơi người ngột ngạt trên chiếc xe có lẽ không khiến người ta khó chịu bằng cái câu nói xẵng của ông lơ xe. Thì kệ người ta nói thì tai người ta gần đấy người ta tự nghe. Con người ta sống với những ngột ngạt bức bối khi con người ta chẳng muốn chịu đựng nó nữa thì người ta để nó hả hê thoát ra ngoài. Người khác có thể sợ có thể đang suy nghĩ lung lắm, có thể họ đang cười, cũng có thể họ đang cảm thông, khi thấy con người ta đang cố gắng vùng vẫy thoát khỏi những thứ lộn nhộn linh tinh hỗn tạp và cố gắng tìm lại một trật tự mới cho mình.
Con sông Hồng mùa nước cạn lặng lẽ hiền hoà, nằm im lìm như chưa từng biết đến những sóng gió. Nó như một dải lụa bao bọc lấy cái thành phố đầy nắng đầy gió đầy xô bồ tất bật nhưng cũng chẳng thiếu những điều lãng mạn đáng để con người ta đeo đuổi. Làn sương sớm mỏng manh, lờn vờn tan ra khắp. Vài con thuyền nhỏ nhoi đơn sơ, đứng nép mình bên những bụi lau. Cái bãi bồi giờ đang mùa trồng rau, xanh mướt, chạy tít tắp là một màu xanh,xen vào đó là chút màu bàng bạc của những cây ngô đang kì trổ bắp. Không gian như loãng ra, ở trên này là chật chội và ngột ngạt, còn ở dưới kia là những yên bình và lặng lẽ đến ngạc nhiên. Vài người đi làm sớm thấp thoáng ẩn hiện trong cái bãi ngô. Có chút gì đó nhỏ nhoi và chấp chới đến kì lạ, khi con người ta trở nên mong manh và nhỏ bé trước đất trời dài rộng.
Bên cạnh cái bãi cũ là cái doi đất mới trồi lên, dài nhưng chẳng đủ rộng. Nó kết thúc bằng một cái đuôi chạy dài như đuôi con cá chuối, nép sau cái cột chân cầu Long Biên. Cái bãi đất mới chẳng có gì cả, loáng thoáng thấy một vài cây cỏ dại chúng mới vừa mọc lên, chẳng đủ sức để làm giảm bớt cái đơn điệu ở đây. Bao trùm lên trên hết là một màu vàng đụng đục, trắng trắng của phù sa, và những mịn màng chạy dài trong sương.
Lẽ ra cái buổi sáng mùa thu đẹp đẽ đầy sương khói đó sẽ rất trọn vẹn nếu con xe bus này không phanh gấp vội vã như thế. Người ta đang yên lành chia se cho nhau những khoảng không nhỏ nhoi, khi mà mọi thứ dường như đã đi vào trật tự thì chiếc xe thắng gấp, mọi người lao về phía trước, con xe trở nên nhốn nháo đến mức khó tin. Nhưng người ta chẳng đủ chỗ để mà ngã, người ta đưa tay vào nhau và theo cái phản xạ cố hữu để bấu víu cho mình khỏi đổ. Những đôi chân khuỵ xuống và ngả nghiêng. Và những cánh tay vung đi chẳng biết là có chủ đích không nữa. Một bà béo dong dỏng cao, không biết là vô tình hay hữu ý, đưa tay đập trúng đầu một con bé học cấp ba. Nó có vẻ đau lắm, nhưng đôi mắt dịu đi chút khi bà béo kia nói lời xin lỗi muộn màng. Tôi cũng nằm trong danh sách những kẻ không may. Đầu tôi đập vào cái cột, mặc dù tôi chẳng có ý thử xem cái cột này cứng hơn hay là đầu tôi cứng hơn. Tôi ngã dúi người về phía trước, chân khuỵ bước vội vã dẫm lên một vật thể lạ. Khi kịp định thần nhận ra rằng đó là một bàn chân khác thì tôi vội giụt chân lại. Cái tay bất trị, yếu đuối quá thể, chẳng thể giữ nổi được mình trong cái cú ngã đấy nữa, hơn thế nó còn tiện đường tặng luôn con bé ở trước mặt tôi một cái vào đầu, nhưng tôi biết chắc chắn rằng nó không đau lắm, vì tôi đã cố gắng hết sức để giữ nó lại. Tôi rối rít xin lỗi, cái điệu lóng ngóng khi biết mình sai của tôi vẫn chưa sửa được. Và đáp lại là một nụ cười ý nói không sao đâu và một đôi mắt đẹp đẽ, dường như nó cũng biết cười thì phải.
Tự nghĩ thấy ra mình cũng có chút tử tế. May mà vừa rồi bàn tay mình không quờ quạng lung tung nên chẳng đụng chạm vào chỗ nhạy cảm nào. Nếu mà thật như thế thì cái mà tôi nhận được chắc chắn không phải là nụ cười đẹp đẽ kia mà là một khuôn mặt giận dữ và khuôn mặt tôi chắc chắn cũng sẽ đỏ gay khi lãnh đủ bài năm ngón tay trở về với má. Tôi có thằng bạn, nó cũng là dân đi xe bus chuyên nghiệp, chuyên nghiệp hơn cả tôi, với đầu óc mang tính kinh doanh cao siêu của mình, nó đã đúc rút nên được một pho bí kíp đi xe bus đình đám, làm thế nào để người ta có được lợi lộc cao nhất trong những lần chẳng may ngã nhào ra như thế. Trong trường hợp xung quanh toàn là con gái thì nên ngã như thế nào để mà khỏi bị ăn tát mà vẫn thấy mình phong lưu, còn trường hợp xung quanh toàn là con trai thì nên ngã thế nào để không phải vào bệnh viện. Nó bảo rằng nghề đi xe bus này cũng lắm gian nan, nhưng nếu người ta biết cách luồn lách qua những gian nan đó thì người ta cũng gặt hái được không ít niềm vui riêng. Tiếc là tôi vẫn chưa đủ trình độ cao thâm như nó. Nhưng nhờ đó mà thấy tự hào cho mình, ít ra mình vẫn là một kẻ tương đối là quân tử.
Ông lái xe lúc này bắt đầu phát huy công suất của cái miệng của mình. Cái khuôn mặt đỏ tía lên , và tôi chắc rằng nếu mà soi kính lúp chắc chắn sẽ thấy những vằn máu nổi lên. Ông hét ra cái thứ tiếng khàn khàn đục đục và với cái giọng bực bội:
“ Thằng mất dạy! Nó đi đứng thế à? Tiên sư nhà nó chứ. May mà dừng xe kịp lúc không thì nó nát bét như tương rồi.”
Mấy người cũng thêm vào mỗi người một câu, dường như họ đã trở lại bình thường và thấy thích thú với cái đề tài này :
“Thanh niên bây giờ nói đi đứng ghê thật đấy!”
“Thằng đấy mà là con tôi, tôi đánh cho nó nhừ đòn!”
“Trông cái con bé ngồi sau nó, sao mà khiếp thế, đầu với tóc hoe hoe đỏ đỏ, trông đến khiếp. Con gái tôi mà như thế thì tôi cạo trọc nó luôn.”
“Ôi thôi mấy bà ơi im lặng cái nào nhức đầu quá!”
Ông lơ xe quay lại, cái giọng bè bè và và chậm dãi vang lên. Không khí trở nên im ắng hơn đôi chút. Con bé lúc nãy tôi đập tay vào đầu nó vẫn thỉnh thoảng lén quay ra nhìn tôi cười. Tôi chẳng hiểu nó cười cái gì nữa, chỉ thấy rằng đôi tai mình đang nóng lên. Đến lúc nó xuống xe thì nó quay ra thì thầm với tôi một câu:
-Anh gì ơi áo anh bị rách kìa.
Tôi nhìn lại, khuôn mặt trở nên méo mó. Chẳng phải rách. Là đứt cúc áo thôi mà.
An toàn đi đến trường. Mất một cái cúc áo và 1 tiếng 2 phút. Không lấy gì làm vinh dự cho lắm. Tôi gục đầu xuống bàn. Xưa nay tôi là đứa thiếu ngủ cái mắt lúc nào cũng lờ đờ như thằng nghiện ( nguyên văn mấy đứa bạn tôi nói thế, bạn bè thế đấy phát ngôn mất hết cả lập trường giai cấp, dù gì thì tôi cũng là bạn của chúng nó cơ mà). Nhưng được cái tôi luôn biết tận dụng thời gian của mình, nhất là vào những lúc như thế này. Còn 12 phút nữa là vào lớp. Vẫn còn đủ thời gian cho một giấc ngủ con con và một cơn mơ dang dở. Sáng nay tôi mơ thấy thiên sứ nhưng lại phải dậy sớm, giờ mơ tiếp không biết thiên sứ kia có đợi tôi không?
Chap 3: Lớp học của tôi
-Dậy! Mày ngủ gì ngủ khoẻ thế? Ngủ như con lợn ý. - Thằng Quang làu bàu, đôi tay to mum múp những thịt của nó không quên gõ gõ vào đầu tôi. Nó không có việc à, sao lại đánh thức người khác dậy với một cái thái độ đáng bị trời đánh thế nhỉ. Đúng là vô duyên. Tôi đang có một giấc mơ đẹp. Thiên sứ của tôi đã bay xa nhưng tôi có một giấc mơ khác đẹp không kém. Trong giấc mơ của tôi, tôi suýt nữa thì gặp được một cô xinh như mộng dưới cái bến đợi xe bus thì nó gọi tôi dậy. Nể tình nó có chút công lao gọi tôi dậy, hơn nữa là bạn tôi những suốt gần ba năm học nên tôi không thèm tính truyện với nó. Còn nếu không, tôi đã cho nó một chưởng Hoá cốt miên chưởng, đánh vào cây cây không gãy ba ngày sau cây tự rụng lá mà chết, đánh vào người người không hộc máu, ba ngày sau lục phủ ngũ tạng thối rữa mà chết.(cái này nhan nhản nhan nhản trên mấy cái truyện kiếm hiệp mà, còn nhớ đúng hay nhớ nhầm cái câu này cũng không rõ nữa). Để cho những buồn ngủ lăn vào trong trí óc, tôi cố đánh thức mình dậy. Sắp vào lớp rồi mà…
Thầy giáo vẫn đang thao thao bất tuyệt trên bục giảng còn tôi thì chẳng rõ là thầy đang nói gì nữa. Tôi thấy như thế thì thực tâm là có lỗi, có lỗi nhiều lắm, nhưng phải thú thực là nó chẳng hấp dẫn gì cả. Tôi ngáp dài đến cái thứ năm ở trong tiết học và đang cố ru mình không lăn vào trong giấc ngủ lần nữa. Tôi nhìn sang bên cạnh, thằng bạn quý hoá của tôi, cái thằng mà nó vừa bảo tôi ngủ không khác gì con lợn thì bâygiờ nó đang làm một con lợn đúng nghĩa. Cái giọng nó phì phèo và tôi dám chắc rằng tôi đang nghe tiếng nó thở ra còn to hơn cả tiếng ông thầy giáo ở trên bục giảng. Cái giảng đường này không có loa..
Những yêu thương học trò đến rất sớm nhưng nó cũng mỏng manh dễ vỡ. và người thường không tin tưởng vào nó nhiều lắm mặc dù người ta chẳng hề phủ nhận rằng những yêu thương học trò mới là đẹp đẽ nhất, nó không toan tính, nó trong sáng thuần khiết và mang những dịu ngọt mà chỉ ở lứa tuổi này mới có thể nhận được. Tôi chưa có may mắn để cảm nhận nó, để mà yêu thương và đắm đuối cùng với nó. Nên đôi khi thử tưởng tượng ra cái tình yêu chỉ có ở trong mơ để thoả mãn những nghĩ suy của mình. Yêu thương??? Xa lắm.
Ông thầy giáo dạy giải phẫu bệnh của tôi là một con người đặc biệt. Xét về hình dáng đại thể thì như thế này: thầy giáo tôi cao khoảng 1m72 người chẳng béo chẳng gầy nặng khoảng tầm 65, 66 kg gì đó, không có cái bụng phệ to đùng như mấy ông sếp chức to mà tôi thường thấy. Thầy có đôi kính cận to quá khổ ngự trị trên mũi, và mái tóc dài buông thõng xuống đậm chất nghệ sĩ + giáo sư. Quả thực ông thầy giáo của tôi có một kiến thức chuyên môn cực kì uyên bác, và rất có cá tính. Nhưng ông thầy này cũng có chút gì đó như là bất mãn với thực tại, thầy luôn xen giữa những bài giảng của mình để mắng những kẻ vô dụng chẳng biết làm trò trống gì chỉ giỏi gõ mõ khua chiêng. Tôi thực sự ấn tượng với ông thầy giáo đầy cá tính ấy. Những mê muội len vào trong óc, có cái cảm giác như mình đang thưởng thức một món ngon lạ miệng.
Nhưng ông thầy giáo tôi cũng được lưu truyền với một cái biệt danh không lấy gì làm tử tế và hay ho cho lắm. Các anh chị khoá trên gọi thầy là dũng sĩ diệt học sinh. Cái môn thi kiểm tra kiểu vấn đáp như thế này luôn luôn là một cái án lơ lửng trên đầu, hơn nữa, ai mà gặp vị thầy giáo đáng kính này thì kết quả có lẽ biết trước đến 50% là trượt. Thầy không cho điểm chẳng cao lại còn chẳng bao giờ cho điểm ba bốn. Qua là chỉ có 6 điểm, hoạ chăng mới được 7, còn đã trượt là chỉ có được 0 không cần phải 3,4 . Tôi nghe cũng có chút bất an trong lòng.
Tôi di di cái đầu thước lên cái bàn đã cũ xỉn và đầy những vết bút bi với bút xoá. Đây là những dấu tích mà những thế hệ đi trước để lại cho thế hệ đi sau. Nhưng tôi không hiểu lắm là người ta muốn để lại cái gì nữa. Chỗ là “anh nhớ em nhiều lắm” chỗ thì mấy câu thơ viết vội, chắc chắn là chép ra từ một cuốn sổ tay nào đó, chỗ là tên mấy anh diễn viên Hàn Quốc với những nét chữ loằng ngoằng khó hiểu chẳng thể biết mô tê gì. Tôi đang xoá cái dòng chữ “Hận trời vô đối” được viết bằng bút xoá rất công phu trên đầu góc bàn. Nét viết còn mới và xem chừng cũng đẹp, nói chung là có chút nghệ thuật nhưng cái ý nghĩa dòng chữ ấy thì quá là khập khiễng và buồn cười. Chắc chắn là của một kẻ nào đó đang bất mãn với thực tại thấy mình kém cỏi nên muốn lên mặt kiếm chút hư danh ảo tưởng.
Bất chợt một cái thước không to lắm đáp xuống cái bàn tay xương xẩu và nhỏ nhắn của tôi. Tôi đau điếng kêu lên, thu bàn tay mình lại, cái thước kẻ trong tay chòng chành rơi ra. Tôi suýt xoa. Kẻ nào dám đánh mình thế nhỉ???
Tôi ngẩng mặt lên. Một khuôn mặt to lớn và nổi bật là cái cặp kính Versace ngự trị trên đôi mắt híp híp. Nó đang có vẻ tức giận lắm, bắn liên thanh ma chẳng chịu để ra một giây để suy nghĩ xem liệu tôi nghe được bao nhiêu phần trăm cái lời nói đó:
-Thằng điên này, sao mày dám phá cái công trình nghệ thuật đó của tao hả, mày có biết rằng đấy là một công trình mang tầm cỡ quốc gia không, mày có biết là tao đã mất bao nhiêu là mồ hôi công sức không? Mày thích ăn đòn hả?
Thằng Quang đưa nắm đấm dứ dứ vào mặt tôi cái bàn tay to bản đấy nó chĩa ngay vào chỗ đầu tôi nhưng mà chỉ nhìn qua cũng đủ biết nó chẳng có một tẹo sát khí nào cả.
Tôi đứng dậy nhẹ nhàng và phủi áo quần như một bậc quân tử thứ thiệt, đưa tay vuốt vuốt lại mấy lọn tóc vừa rơi xuống che vào mắt, rồi xắn tay áo lên và nhanh như cắt, tôi đánh bật cái bàn tay to lớn của nó ra khỏi đầu, đồng thời giờ là bàn tay tôi đang đưa ngang đầu nó, và trông nó có sát khí hơn rất nhiều:
-Mày thích chết hẩ, sao mày dám đánh tao?
Rồi tôi ngẩng đầu lên hất hàm về phía một thằng béo to con khác, nó hơn hẳn thằng này về mặt kích thước:
-Đoàn đâu, ra đây dần cho thằng này một trận cho nó biết phải lãnh hậu quả như thế nào khi động vào anh em mình.
Dạ có em!
Một thằng béo to con lù lù chạy đến, nó đưa đôi tay của nó đan vào nhau và tiếng kêu răng rắc vung ra. Nó đang khởi động chuẩn bị quá trình tăng tốc.
Thằng Quang đần mặt thối lên trước khi kịp hiểu ra vấn đề. Nó gạt cái nắm tay tôi xuống và nghi ngờ:
Chúng mày là anh em với nhau từ hồi nào vậy, sao tao không biết?
Muộn rồi mày ạ, nhưng mà biết thì còn hơn không?
Nhưng thằng này được cái rất bình tĩnh. Nó đưa cái tay to bản của nó lên, và ngón tay trỏ đưa lên chỉ vào tôi như một thằng xã hội đen thứ thiệt:
-Mày – rồi nó quay sang chỗ thằng Đoàn cũng đang ngơ ngác hệt tôi – và mày! Tao chấp cẩ hai thằng!
Rồi nó chạy biến đi. Thế là tự dưng có một cảnh khôi hài diễn ra giữa những nhàm chán cảu buổi học, hai thằng con trai, một thằng béo va một thằng gầy đuổi theo một thằng bự con chạy vòng quanh lớp. Mà công nhận rằng thằng này nó cũng béo thế mà nó chạy nhanh thật. Chúng tôi đuổi nhau hai vòng chạy quanh lớp. Rồi tôi ngừng lại thở hồng hộc:
-Thôi tha cho nó để sau mày ạ, tính tội nó sau!
Thằng Đoàn cũng thở hồng hộc nhưng tôi thầm nghĩ, cứ chạy như này thì chỉ tốt cho chúng nó, tha hồ mà giảm cân, còn mình thì có được lợi lộc quái gì đâu cơ chứ, chỉ chuốc mệt vào người.
Tôi là cái thằng có tính cách tương đối không tử tế lắm. Đấy là tôi tự nhận mình như thế. Nhưng tôi tốt số, lại có mấy thằng bạn thân cực tốt. Béo béo, to to kia là thằng Đoàn. Người nó béo đến nỗi mà người ngoài nhìn vào không hiểu sao mà chúng tôi có thể là bạn. Kể ra nó san sẻ cho tôi ít mỡ của nó thì tôi sẽ quý và biết ơn nó lắm lắm. Thằng Hà, thằng Quang, thằng Sơn vào cùng đợt sau như tôi (quên chưa nói, chúng tôi thuộc lớp người đi sau vì lúc trước thi không đủ điểm, sau nhà trường thấy nhiều bàn ghế quá, mà không có sinh viên ngồi cũng phí phạm ra. Thế là sau gọi tiếp những sinh viên mà hồi trước không đến cái trình độ cao chót vót trước kia. Chúng tôi là kẻ đến sau là do cái nguyên cớ đấy.). Nhưng quả thực chúng nó là những đứa rất giỏi. Thằng Quang trước thi Tin quốc gia, nó bảo hôm đi thi bước ngay cái chân trái đang bị bó bột ra trước, thế là sôi hỏng bỏng không. Thằng Hà cũng là một chuyên gia máy tính thực thụ. Nó đã từng có một năm chinh chiến, mài đũng quần bên giảng đường Bách Khoa, giờ lại quay ra học Y>>>. Nghe nói bên đó nó cũng học hành ổn lắm, vào công nghệ thông tin rôi đấy chứ nhưng tự dưng dở người lại quay sang đây học.. Thằng Sơn mặt lúc nào cũng bí xị như kiểu lúc nào cũng mang một nỗi niềm thiên cổ ý. Nó cũng rất giỏi về máy tính. Mấy thằng chẳng có cái mốc xì gì liên quan đến Y thế mà vẫn đâm sầm đầu vào học. Kể ra như thế kẻ được lợi nhiều nhất là tôi. Tôi nhớ có mấy bận máy tính của tôi hỏng, chẳng muốn mang ra quán thế là mang vác nó đi khắp thành phố vào nhà từng thằng một. Vào nhà chúng nó vất máy ở đấy, ăn ngủ qua đêm ở đấy luôn, lúc nào nó sửa cho xong thì lại vác về. Nhiều lúc nghĩ lại cũng thấy mình nên áy náy đi chút chứ nhỉ. Áy náy thì có áy náy, nhưng không phải vì làm phiền chúng nó mà nghĩ nếu thằng nào cũng như mình thì mấy cái quán sửa vi tính đóng cửa sớm cho khoẻ.
Chap 4: Thiên thần của tôi.
Bến xe bus Phạm Ngọc Thạch. Mùa đông, đến cả màn đêm cũng đến sớm hơn. Cái lạnh như có thêm đồng minh, càng đưa tay đi khắp mọi chỗ. Mới có hơn sáu giờ tối nhưng cảm tưởng có lẽ đã hơn bảy giờ rồi. Bình thường thì tôi chẳng phải về muộn thế này. Nhưng đôi khi cái bất thường như một vị khách chẳng được mời lẽo đẽo theo đến, như để xua bớt cái nhàm chán đi.
Bến xe không đông lắm. Có hai bác trung niên với một ông lão. Hai thằng con trai áng chừng cấp ba, và hai đứa con gái không thể xác định được tuổi tác. Không biết bọn này học năm mấy. Một đứa thì hơi béo, nhưng chưa đủ tiêu chuẩn để đi dự thi hoa hậu béo. “Nó mà biết mình đang nghĩ thế này, chắc nó sẽ dần cho mình không còn cái xương nào ra hồn”. Tự lẩm bẩm cười một mình. Còn một đứa khác hơi gầy dong dỏng cao, tóc búi, lại đeo kính cận (giống mình, nhưng chẳng biết nó cận bao nhiêu nhỉ?), cũng xinh. Nói chung là đẹp, rất dễ khiến người khác có cảm tình và thấy thích nhưng để mà mê muội thì chắc là chưa đến mức đấy. Con trai thì dễ yêu bằng mắt. Nhưng đôi mắt đó lúc nào là nhắm lúc nào là mở thì còn lâu mới biết được.
Trời hơi lạnh. Cái lạnh bàng bạc về đêm càng dễ ngấm vào da thịt. Nay đi học mặc mỗi một cái áo khoác mỏng tèo với lại một cái áo trắng. Giờ thấy hơi lạnh. Tôi khẽ đưa tay và túi áo suýt xoa. Hai đứa con gái có quay ra nhìn lại tôi một cái. Và lúc đó tôi cũng có quay ra nhìn cả hai đứa. Rồi chúng nó quay đi, nói với nhau truyện gì đó. Không biết chúng nó có gửi gì cho tôi qua cái ánh mắt nhìn bâng quơ đấy còn tôi thì gửi cho chúng cái này: “ nhìn cái gì mà nhìn, không thấy người ta đang rét à”.<<<<<<<<<
Ánh đèn điện sáng làm con phố lấp lánh như chiếc đèn lồng. Những chiếc xe chạy hối hả. hơi lạnh. Không biết giờ này bố về chưa nhỉ? Mẹ ở nhà không biết ăn cơm chưa nữa. Nghĩ đến mẹ tôi thấy lòng mình hơi xót xa. Lâu lắm rồi tôi chưa về thăm mẹ. Cái ý nghĩ đấy len lỏi trong đầu tôi. Tôi thấy mình có lỗi. Nhà còn mỗi mình mẹ với thằng em chẳng biết mọi truyện như thế nào nữa. Tôi bấm điện thoại tút tút:
-A lô, mẹ à?
-Ừ, Phong đấy à? Ăn cơm chưa con?
-Dạ giờ con đang về nhà ạ!
- Về muộn thế? Học về muộn thế à con?
-Vâng – tôi chẳng muốn giải thích rằng tôi có việc nên mới về muộn thế này – mẹ à, giờ lạnh lắm đấy mẹ nhớ mặc đủ áo ấm vào nhé.
-Ừ, mẹ biết rồi. Khi nào nghỉ lâu lâu thì về nhà nhé. Lâu lắm rồi con không về đấy. Mà thỉnh thoảng gọi điện về xem em nó học hành như thế nào chứ!
-Dạ vâng. Con biết rồi. Thôi con chào mẹ.
-Ừ thôi chào con.
Tiếng điện thoại tắt nghe tít tít. Tôi thấy lòng mình hơi xót xa. Mẹ chẳng biết giờ thế nào nữa. Mấy hôm nữa nhất định phải về…..
Mải nghĩ linh tinh. Con xe 35 vù vù chạy tới, đỗ xịch ngay trước bến. Không hiểu rằng nó có lạnh không nữa, còn tôi thì đang rét run lên, hai tay đưa vào túi áo mà vẫn chẳng thấy đủ ấm. Hai đứa con gái kia lên trước. Tôi lên sau. Tôi khôg có thói quen tranh giành, và nhất là tranh giành với con gái. Và tôi thường tự hào rằng đó là phong cách của bậc quân tử. >.< >.<
Lên xe. Ôi trời muộn thế này mà vẫn đông người thế. Chả nhẽ hôm nay nhiều người có việc phải về muộn thế à????
Tôi len xuống chỗ đuôi xe. Chiếc xe này được cái tẹo nữa sẽ vắng như chùa bà Đanh. Tôi tin như thế. Vì đơn giản, tẹo nữa đến cái chố bến chợ Giời người ta sẽ tranh nhau xuống hớn hở và tấp nập không kém gì lúc người ta tranh nhau lên. Chỗ tôi đứng có mấy đứa con gái. Chúng đang nói chuyện với nhau, tất nhiên chuyện chúng nó nói chẳng có một gram nào liên quan đến tôi cả. Nhưng tôi chú ý đến một con bé khá xinh. Nói là con bé nhưng hình như nó bằng tuổi tôi thì phải. Nó mặc cái áo khoác rất cá tính và không cài khoá để lộ ra cái áo phông, in hình biểu tượng không thể lẫn được đi đâu của học viện Ngân Hàng. Chiếc áo còn in thêm hình thần Tình yêu Cupid trông rất chi là cá tính. Mái tóc chẳng dài, chẳng ngắn, vóc người nhỏ nhắn, nhưng trông rất cân đối. Khuôn mặt trái xoan xinh xắn, cái mũi cao cao, đôi mắt trong veo, và đặc biệt là có nụ cười đẹp như một thiên thần. Tôi bất chợt thất thần trong mấy giây khi nhìn thấy nụ cười đấy, cái nụ cười mà tôi dám chắc rằng nếu đi chiếc xe đi qua đường hầm Kim Liên thì nó sẽ sáng hơn cả ánh trăng đêm Rằm tháng tám. Chỉ tiếc rằng giờ đang ở chỗ bến Bách Khoa, toạ độ 108,5 độ vĩ bắc, 12,8 độ kinh Đông, cách cái chỗ kia một đoạn quá dài. Trông cô gái đó thật xinh xắn, và nụ cười thì thật đẹp. Bất chợt cô ấy quay ra nhìn tôi. Tôi giật mình quay mặt đi, nhưng tôi tin cô ấy có thể nhìn thấy khuôn mặt tôi dường như đang đỏ dần lên, trong khi đêm tối càng trở nên lạnh lẽo. Rồi cô ấy như khẽ mỉm cười và quay lại nói chuyện với bạn. Tôi đứng im đấy tảng lờ như không biết gì cả (giả vờ đấy) nhưng nghe hết câu truyện giữa mấy đứa.
-Nhóc dạo này trông xinh nhỉ càng ngày càng xinh nhá. Má càng ngày càng hồng đấy – Tiếng của một đứa bạn khác không phải của cô ấy.
Còn cô ấy thì cười cười. Lại cái nụ cười khó đỡ đấy. Tôi giả lờ quay mặt đi nhưng vẫn thỉnh thoảng liếc nhìn về phía cô ấy nên càng không thể để lỡ những giây phút hiếm hoi đấy.
-Ừ công nhận ngày càng xinh ra thật đấy!
Cô ấy cười cười đáp trả:
-Thôi khỏi phải nịnh nữa, mấy cô!
-Ừ dạo này học hành thế nào rồi?
-Cái Huyền vẫn học trung cấp kế toán à?
-Không, hình như giờ tao nghe thấy là nó đang học để thi lại thì phải. Sắp thi rồi đấy!
-Vậy hả? Nó thi cái gì ý mày nhỉ?
-Hình như là cũng Ngân Hàng thì phải! Mày sướng nhé, sắp có bạn rồi.
-Xí!
-Ôi trời trông càng ngày càng đáng yêu , tao phải lòng mày mất thôi. Phải chi tao là con trai nhỉ? – Một cô bạn kêu lên. Cô này không xinh lắm, nhưng chỉ được cái nói đúng (keke).
Tiếng cô ấy đấm lưng bạn thùm thụp. Rồi tiếng cười vui vẻ vang lên. Và kết thúc là tiếng anh chàng lơ xe trẻ măng:
-Thôi mấy cô im nhờ cái nào. Đang trên xe bus đấy.
Chiếc xe im được một tẹo ( áng chừng chẳng biết bao nhiêu giây nữa) rồi lại vang lên tiếng của mấy đứa con gái:
-Nhóc, tẹo nữa mày về xe nào đấy? (khỉ thật, sao chẳng gọi tên thật bao giờ nhỉ)
-Ừ thì xe 10!
- Long Biên - Từ Sơn hả?
-Ừ, sao!
- Không sao. Tẹo bọn tao về 47.
-Thế mấy đứa định bỏ tao đi một mình hả?
-Ừ thì sao nào! Nhưng mà mày xinh thế này cũng sợ bị chúng nó bắt cóc lắm! Hì hì. Con trai bây giờ chẳng tin được thằng nào . ( đúng là kém tầm hiểu biết thật, ít nhất là trên xe này vẫn có một thằng con trai có thể tin được, đó là tôi mà. >>.<<)
Chap 5: Tôi có yêu em từ cái nhìn đầu tiên???????
****
Thế là sau khi xuống bến xe chỉ còn lại mình tôi và cô gái ấy. Nói như thế cũng không đúng lắm, vì cái bến xe bus đấy cũng có mấy người nữa. Nom họ có vẻ vội vã, xem thời gian liên tục. Còn tôi thì chẳng vội vã gì. Vì ngay cạnh tôi, đã có một mĩ nhân ở bên, cách xa chừng 3m25cm và chẳng hề biết tôi là cái thằng khỉ ho cò gáy nào, hay là từ chỗ nào chui ra.
Đêm càng trở lên sâu hơn. Mới có hơn bảy giờ tối. Nhưng cái lạnh như là vị khách không mời cứ lặng lẽ kéo đến nhè nhẹ, xuyên qua những tán cây, và bao trùm lấy những con người bé nhỏ bên dưới. Có cái gì đó mơ màng ở đây, hay ít nhất là ở chỗ này. Một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn, đẹp đẽ, đang ngóng chờ chiếc xe bus, thỉnh thoảng, cô gái dướn người đưa đôi mắt thoát ra khỏi những cây sấu cổ thụ để nhìn xem có chiếc xe bus nào không, mái tóc lưa thưa bay theo gió vài sợi, đủ để cảm nhận thấy cái đẹp đẽ nhưng lại có vẻ mong manh dễ vỡ. Cô đưa tay vén mái tóc trở lại. Cái ánh sáng của buổi đêm, hay đúng hơn là ánh sáng của những ngọn đèn đường chiếu vào cô, leo lét và mảnh mai, trông cô gái đẹp như một thiên thần. Một thiên thần thật sự dưới hình hài một con người. Vì thiên thần này không có đôi cánh. Chốc chốc, cô gái thở hắt ra những hơi thở bay trong gió như những làn khói mỏng. Rồi cô đưa tay suýt xoa, khẽ đút vào trong áo. Cây sấu già lặng lẽ nhìn cô, trong cái tiết trời lạnh lẽo, mảnh mai đẹp đẽ ấy. Nó có vẻ trầm mặc, ngọn gió lạnh lẽo nhưng nhỏ nhoi chẳng đủ để khua những cánh tay vẫn còn mướt xanh một màu lá của nó. Đây thực là một loài cây kì lạ khi mùa thu nó chẳng hề rụng lá, vẫn xanh mướt một màu. Và chẳng thể hiểu làm thế nào để nó bước qua cái lạnh lẽo của mùa đông như vậy.
Cô gái chắc không biết cây sấu già đang lặng lẽ nhìn mình và cũng chẳng thể biết được rằng dưới ngay cây sấu già đấy cũng có một thằng con trai đang lặng lẽ ngắm nhìn mình. Đôi mắt như xa xăm vô định, nhưng cô gái đấy ở ngay trước mặt nó. Có chăng, chỉ cách nhau chừng ba mét cộng với một chút lạnh lẽo đầu mùa . Một thằng con trai chẳng cao ráo chẳng đẹp trai. Nhưng nó đang nhìn cô. Và trái tim đang đập những nhịp mà nó chẳng thể định nghĩa. Có gì đó xao xuyến, nhẹ nhẹ lan qua trong đầu. Trái tim loạn nhịp không theo chu kì nào cả. Nó muốn tin rằng đó chỉ là cái phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể khi người ta thấy lạnh. Nhưng nó biết chắc chắn không phải như vậy.Có gì đó xao xuyến nhẹ nhàng đậu lại chỗ nào đó trong trái tim.
Chợt lặng lẽ những giọt bụi nhỏ nhỏ lấm tấm như phấn, lặng lẽ rơi. Đầu tiên là những chấm nhỏ rồi sau đó mỗi lúc một dày. Mưa? Cơn mưa đầu mùa. Cơn mưa mà đáng ra chỉ có mùa xuân mới có. Như sương khói. Những hạt bụi cứ thế lất phất bay, vương lên áo lên tóc của cô gái. Cô hơi khẽ rùng mình. Chắc tại lạnh. Cô khẽ đưa tay lên che mái tóc. Những giọt bụi vẫn cứ thế rơi xuống hờ hững và vô tình. Rồi cô bước đến chỗ tán cây sấu, chỗ tán to nhất để trú. Chỉ còn hơi gió. Ngửi thấy cả cái rét đầu mùa trong đó. Lạnh lẽo.
Thằng con trai đứng yên lặng như môt pho tượng. Nó nhìn thấy tất cả những cảnh đẹp đẽ đó, thấy cả cái lạnh lẽo đó nhưng nó chẳng biết làm gì. Nó còn thậm chí chẳng biết rằng trên đầu nó, cái mái tóc bàn chông đã cụp xuống và bết lại, chiếc áo khoác đã thấm nước, và người nó bắt đầu run lên vì thấy lạnh. Nó thấy cô gái đó vẫn một mình lạnh lẽo, đứng đó. Cái cảm giác muốn được chở che cho người khác của một thằng con trai trỗi dậy. Nó muốn bước đến chỗ cô gái và nắm bàn tay cô thật chặt. Cái lạnh lẽo sẽ ở rất xa. Nhưng nó chẳng bước tới. Giá mà nó mang một chiếc ô. Không nó chẳng có cái gì cả. Trái tim vẫn đập với những nhịp của riêng nó, không hề biết đến người chủ vụng về của nó đang nghĩ những gì. Thu hết dũng cảm bất giác, nó cởi chiếc áo khoác mỏng tèo ra. Nhưng…
Chiếc xe bus 43 đi tới phá vỡ sự im lặng.
Cô gái vội vã bước lên xe. Tôi cũng bước lên. Đến lúc này phát hiện ra người mình hình như đang là một chiếc máy run tự động. Nước đã thấm và bết chiếc áo lại. Cơn lạnh lẽo đã thực sự đến. Tôi co ro, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Nhìn cô gái. Cô ấy vẫn xinh xắn đẹp đẽ, dưới ánh đèn của chiếc xe bus cũ kĩ. Cô ấy ngồi ghế thứ ba từ dưới lên, gần sát ngoài cửa sổ, mắt hướng ra ngoài. Có vẻ mơ màng. Cô nhìn gì ngoài đấy? Khi có kẻ đang nhìn cô trên chiếc xe bus này, cái nhìn lặng lẽ, trầm mặc…..
Chap 6 : Nhập viện.
Tối hôm đấy về tôi sốt cao. Bố đưa đi bệnh viện. Tôi không nhớ rõ lắm. Chỉ nhớ rằng lúc về nhà thấy mình mơ mơ màng màng, lạnh lẽo. run rẩy và muốn ngủ. bố vẫn chưa về nhà. Tôi mở cửa, không muốn bật điện lên và nằm vật ra giường. Mọi khi tôi về cái đầu tiên là tôi phải kiểm tra có gì ăn được không rồi sau đó mới làm những thứ khác. Còn hôm nay đối với tôi là ngủ. Quần áo vẫn ướt. Tôi vẫn còn cảm nhận rõ điều đó. Nhưng chẳng để làm gì. Người tôi mềm ra. Và tôi thiếp đi. Trong cơn mê man, tôi lờ mờ thấy một người đàn ông đã đứng tuổi bế xốc tôi chạy vào bệnh viện, bàn tay ông lạnh lẽo và thô ráp. Tôi còn thấy một cô gái đứng đợi xe bus, mái tóc chấm eo, những hơi thở hắt ra mỏng như làn khói, đôi mắt trong veo nhưng đượm buồn, khuôn mặt xinh xắn và nụ cười đẹp như một thiên thần. Cô gái đưa tay ra như muốn nắm lấy tay tôi. Nhưng khi tôi đưa tay ra thì cánh tay cô rời xa dần xa dần. Tôi cố níu kéo nhưng càng ngày cô ấy càng xa và dần mất hút. Chỉ còn lại xung quanh tôi là lạnh lẽo và cơn mưa bụi cứ thế rơi. Những hạt bụi nhỏ nhoi, lất phất và vô định. Tôi choảng tỉnh giấc.
Đã một giờ sáng. Tôi cảm thấy đầu ong như búa bổ. Và thấy người như tê dại chẳng còn chút sức lực gì. Toàn thân mình mẩy đau ê ẩm. Tôi cố gắng nhấc người trở dậy. Thò tay ra khỏi chăn thấy hơi lạnh. Trên người mặc một chiếc áo đông xuân và chiếc áo của viện. Tôi nhớ là lúc tôi đi học tôi đâu có mặc cái áo đấy nhỉ. Chắc là bố tôi mặc vào cho. Bố tôi đang ngồi trên chiếc ghế nhựa ông mặc chiếc áo khoác đã cũ, nó sơn màu, đầu ông tựa vào lòng bàn tay và thiu thiu ngủ. còn tay kia ông đút vào túi áo khác, cái dáng người co ro. Không có chiếc chăn nào đắp cho ông cả. Đến cả trong giấc ngủ, ông vẫn phải mệt nhọc. Tôi khẽ thở dài. Có chăng không biết bao giờ ông sẽ thôi vất vả như thế này nữa. Tôi nhìn khắp căn phòng. Bên cạnh còn một chiếc giường bệnh nữa. Một thằng bé con và mẹ của nó. Nó có vẻ ngủ ngon lành. Giá mà mẹ nó dạy nó cách san sẻ, chia cho tôi một ít cái ngủ ngon của nó. Nó chẳng có tinh thần san sẻ gì cả. Tôi đưa tay quơ lấy cốc nước. Giờ mới phát hiện mình đang khát khô cổ. Chợt nhận ra cánh tay mình đang truyền nước, nó vướng vào cái cốc khẽ rơi xuống, khô khốc.
Bố tôi thấy tiếng động, ông giật mình tỉnh dậy:
-Khát nước hả con, sao không bảo bố bố lấy cho.
-Sao mà mày ốm không bảo bố, mày biết bố lo lắm không? Bố điện về cho mẹ mày, mẹ bảo định lên đây trông mày, nhưng bố bảo thôi.
-Mà ốm từ lúc nào đấy con?
-Mà mày không biết chăm lo cho sức khoẻ gì cả, con trai hai mươi tuổi rồi chứ còn ít ỏi gì nữa, sao để người ướt hết như thế, mà trời có mưa to đâu chứ?
Ông hỏi tôi liên hồi. Tôi chẳng trả lời. Khẽ khàng nhận cốc nước từ tay bố. Cốc nước ấm ấm, cái hơi ấm truyền qua tay. Còn tay bố khô ráp, và hơi lạnh lẽo. Tôi thấy lòng mình như có cái gì cứa vào, xót xa. Hơi nước bay lên nghi ngút làm tôi đỡ thấy lạnh chút. Uống nước xong tôi khẽ nằm xuống hỏi bố:
-Bố à người ta bảo con bị làm sao đấy?
-Cũng chẳng rõ lắm. Họ bảo cũng không có gì nghiêm trọng cả. Hạ đường huyết, với lại bị cảm lạnh, sốt nữa. Thế thôi.
Ông có vẻ run run, giọng ông hơi trầm, như đang cố muốn giấu một điều gì đó. Tôi cố nhìn sâu vào khoé mắt ông, mong tìm ra được điểu gì. Nhưng vô ích. Tôi chẳng tìm thấy được gì trong đấy ngoài tháng năm nhập nhằng đã in hằn lên đó những khắc khổ và đôi mắt sâu chất chứa những ưu tư.
-Sao lúc nãy bố không lên giường nằm cho đỡ lạnh. – Tôi hỏi bố, vẫn không thôi hoài nghi về những cử chỉ khác lạ của ông.
-Ừ tại bố sợ mày dậy mà bố lại ngủ quên mất nên ngồi ở ghế để trông. Trời lạnh đấy đắp cái chăn vào không lại rét bây giờ. - Ông đưa cánh tay ra kéo lấy cái chân và chỉnh lại, ra hiệu tôi nằm xuống.
-Còn cần gì nữa không con? Nếu không cần gì nữa thì thôi ngủ đi. Nửa đêm rồi đấy!
-Vâng thôi ạ! Bố cũng ngủ đi. Bố cũng mệt rồi đấy ạ! Bố lên giường mà ngủ!
Tôi nằm sát vào trong góc tiện thể kéo luôn cái cột truyền nước sang bên cạnh. Ông đỡ nó giúp tôi, rồi ông nằm lên giường. Có lẽ ông lạnh thật rồi. Tôi đưa cái chăn ra đắp cho ông. Bàn tay tôi khều khào. Cái đầu giờ vẫn ong ong như búa bổ. Và mình mẩy giờ vẫn đau như bị thằng nào dần cho một trận.
-Thôi ngủ đi con!
Ông khẽ khàng. Tôi cố gắng nhắm mắt. bên ngoài vẫn nghe thấy tiếng gió rít ngoài cửa sổ. Và cái lạnh đầu mùa chẳng thể lẫn đi đâu. Lặng im chút đi mày giận dỗi gì chứ. Khuya rồi đấy, không để cho người ta ngủ yên một chút sao. Tao đang ốm, làm ơn đi, please…..
Tôi chập chờn khoảng hai mươi phút sau mới ngủ được. Bố đã ngủ. Nghe rõ cả tiếng thở ồm ồm của bố, cái tiếng thở chẳng đủ to để người ta gọi là ngáy, chẳng đủ nhỏ để người ta gọi là bình thường. Tôi đưa tay quàng người bố tất nhiên là vẫn rúc trong cái chăn. Bố vẫn nằm im. Có lẽ bố đã ngủ say.
Trong cơn mộng mị, tôi lại gặp lại cô gái ấy. Vẫn đôi mắt đấy, vẫn nụ cười đẹp như thiên thần. Khi tôi nhận ra mình đủ can đảm để gọi cô thì cô quay lại nhìn tôi và lặng lẽ bước đi. Bước thật xa. Còn tôi, một mình hụt hẫng. Trời bắt đầu mưa. Cơn mưa phùn nhẹ nhàng chẳng vội vã. Chỉ còn một mình tôi đứng dưới gốc sấu già, và nhìn theo bóng cô gái khuất sau màn mưa. Bước chân người nhỏ nhoi rồi dần mất hút. Và bước chân đấy để lại những gì, tôi không biết rõ lắm, chỉ thấy có một vết xước lớn trong lồng ngực mình. Và nó biết đau.
Chap 7 : Ba ngày ở viện.
Tôi tỉnh dậy khi trời đã sáng rõ. Bố đã dậy từ lúc nào và chẳng biết bố đã đi đâu. Ngửi thấy mùi cháo thơm nức bay khắp phòng. Thì ra thằng bé con bên cạnh đang ăn cháo, nhìn thấy tôi tỉnh dậy, nó toe toét miệng cười. Ôi trời, xấu hổ thật nó còn dậy sớm hơn cả mình. Để mấy đứa bạn nó mình nó mà biết, nó loan um lên không biết sau này có lấy được vợ không nữa….
Sờ ra cánh tay. Cái dây truyền đã được rút từ lúc nào. Chỉ còn lại một vệt máu đã khô dính ở đó và cái vết cắm kim chưa lặn hẳn đi. Đã đỡ đau đầu chút, người cũng đã đỡ đau. Và hình như cũng đã đỡ sốt. Chết tiệt thật, lần sau mình đi học nhất định phải mang cái ô đi. Dù là vì việc công hay vì việc tư đi nữa.<.> > . <
Tự dưng thấy đói cồn cào. Ôi trời ơi, giờ mới nhớ ra là tối qua mình chưa bỏ được cái gì vào bụng. Thảo nào giờ đói thế. Có lẽ lần sau nên rút kinh nghiệm trước khi ốm nên ăn no no một chút, để còn có chút dự trữ. Tôi nhìn xung quanh. Chẳng có gì cả, chỉ có một cái bình nước trắng. Chẳng lẽ lại phải lấy cái này để hoà loãng dịch vị dạ dày. Tôi ngán ngẩm. Nhìn sang chỗ thằng bé nó vẫn ăn ngon lành. Chẳng lẽ lại phải xin nó ăn một miếng.>>>>>>>>>>>>>>>>>>>
-Cháu nó ăn ngon quá chị nhỉ?
-Ừ, cháu nó ở mấy ngày ở đây rồi đấy, mấy hôm nọ bón mãi mà nó có chịu ăn đâu, giờ mới ăn uống khá một chút! Em cũng bị sốt nên vào đây hả?
-Dạ... vâng. - Tôi chẳng biết trả lời như thế nào cho phải. Sốt, đau đầu, hạ đường, hay là vì cái tội đi mưa. Chẳng biết nữa – Cháu nó được mấy tuổi rồi chị???
-À cháu nó được bốn tuổi rồi đấy thế mà trông còi lắm chú nhỉ?
Thằng bé này mà bảo là còi hả. Bất giác nghĩ đến mình. Không biết ở cái tuổi của nó mình có được như nó không nữa, mười sáu năm rồi chứ có ít ỏi gì đâu. Nhưng tôi có nhớ mẹ tôi bảo tôi hồi bé cũng trông mập mạp và béo khoẻ lắm, bảo hồi đó tôi còn đi thi bé khoẻ bé ngoan cơ mà. Chỉ là sau này lớn lên không biết là tại cái chết tiệt gì mà người nó lại gầy đét như que củi như thế. Thằng bé này mà bảo là còi thì không biết mình sẽ được vinh dự mang cái tên gì nữa. Buồn. Chẳng thèm nghĩ.
Tôi với tay lấy cái điện thoại nằm lăn lóc ở giường. Hôm nay là học lí thuyết nghỉ cũng được. Hôm nay là thứ năm, nay là học môn tâm lí, cái môn học mà nghe thấy đã thấy là trừu tượng. Mai thứ sáu sáng nghỉ, chiều học kí sinh trùng. May mắn là chẳng có cái buổi thực tập nào. Nếu dính thực tập mà không đi được thì hôm sau phải đi bù mệt mỏi và rách việc lắm. Xem ra ông trời vẫn có mắt ( nhưng chẳng biết là có mấy con nữa). Coi như là nghỉ cuối tuần sớm hai hôm. Không thành vấn đề. Coi như là đi nghỉ trong bệnh viện, mấy hôm nữa xuất chuồng sẽ làm bù những việc cần phải làm trong mấy hôm nay. Cuộc đời vẫn đẹp sao. Dù đạn bom mưa dội thét gào, dù ăn uống thế nào không biết, dù ta biết hôm nay có bị xin tí tiết....
Tôi bấm điện thoại. Không nghe thấy tiếng tít tít chỉ nghe thấy tiếng bàn phím đằm đằm thở nhẹ sau những ngón tay. Nó không biết nói tiếng như người. Nhưng nếu nó biết nói chắc chắn nó sẽ ca thán cái thằng vũ – xờ - phu là tôi: “ tôi là điện thoại không phải là người, làm ơn nhẹ nhẹ giùm cái tay cái đi. Please. Xin chân thành cám ơn.
<Tao vào viện. Chắc mấy hôm nay sẽ nghỉ>. Tôi nhắn tin cho thằng Quang.
<Cái gì mày xin được vào thực tập ở đâu rồi cơ à?>
<Thực tập cái con khỉ. Tao chẳng hiểu sao cái thằng IQ thấp như mày lại có thể vào được cái trường này nhỉ. Tao ốm nằm viện>
<Thế hả. Ốm sao, sắp chết chưa?>
Tôi điên tiết lên húng hắng ho vài tiếng. Thằng này đúng là không biết trời cao đất dày là gì. Vụ này không xử dân nó khinh. Sau đợt này, có lẽ phải về cho nó một trận, cho nó thế chỗ tôi nằm ở cái bệnh viện này cũng tốt.
< Mày lại thích đánh nhau hả? Bạn bè tốt nhỉ?>
<Đùa thế. Gì mà nóng. Thế ốm sao rồi, ăn uống gì chưa>
<Thì cũng chỉ bảo sốt với đau đầu thôi. Cũng đỡ rồi, chưa ăn gì. Đang đói sắp chết đây.>
<À thế hả? Tao có gói xôi gà con em tao mới mua có ăn thì đến chỗ tao mà lấy, hehe. Mà ốm xoàng thế sao không đến chỗ tao tao chữa cho.>
<Đến chỗ mày có mà bị điên. Mày chữa bò lành, à quên người lành thành người què. Thôi ăn đi mà còn đi học, chúng nó có phát giấy tờ gì thì cầm cho tao nhé!>
<Okê, ăn uống rồi nghỉ đi. Bye.>
Bố về. Trong tay bố cầm cái cặp lồng. Chắc lại cháo rồi. Mình ghét ăn cháo. Kinh nghiệm nằm viện một lần ở đây năm ngoái cho thấy, cháo ở đây ăn chán ngắt chả ngon nghẻ gì cả. Thôi ăn tạm. Thà chết vì ngộ độc còn hơn là chết vì đói, làm một con ma đói. Tôi đưa cái xìa cháo lên miệng, chợt dừng lại:
-Bố ăn chưa – tôi ngước lên nhìn bố. Mái tóc ông chưa bạc, nhưng nét khắc khổ trên khuôn mặt ông có thể nhận ra rõ.
-Ăn đi, bố ăn ngoài quán rồi. Năm này trời rét sớm nhỉ, lại có vẻ lạnh hơn nữa
Rồi ông quay sang chỗ hai mẹ con thằng bé con:
-Thế chị cho cháu ăn chưa?
-Cháu ăn rồi ông ạ, ở đây cũng được bốn ngày rồi đấy, hôm nay đỡ rồi, xin bác sĩ cho ra viện, chứ ở viện mãi như thế này cũng chẳng hay.
-Đây thằng này chẳng biết thế nào, tẹo nữa bác sĩ vào khám, mới biết được. Con trai hai mươi tuổi đầu rồi mà chẳng biết lo cho sức khoẻ gì cả.
Ông thở dài. Tôi không dám nhìn thẳng vào khuôn mặt ông. Có gì đó suy tư mà tôi sợ….
Tôi ở viện tròn ba hôm. Thứ hai xin ra viện. Mấy hôm nằm viện chán ngắt, chẳng có việc gì làm. Chỉ thấy lạnh. Và một nỗi nhớ vô hình mênh mang. Người con gái kia giờ này ở đâu nhỉ? Và cơn mưa kia giờ này ở đâu? Chỉ còn một mình tôi và cái lạnh lẽo.
Tổ trưởng tổ tôi rất chi là tâm lý, hôm trước tôi nằm viện, hôm sau đã biết hỏi thăm tôi luôn, rồi hỏi tôi nằm ở đâu để tổ đi thăm. Tôi chối đây đẩy, bảo không phải đi thăm làm gì, tôi sắp được ra viện rồi, đi thăm làm gì, chúng nó lại ở xa thế nữa chứ. Tôi xua như đuổi hủi (nguyên văn sau này ra viện nghe con bạn nó nói đấy nhé). Nó hình như tức lắm, trước khi cúp máy nó còn đốp cho tôi một câu: “ không cho đi thăm thì thôi, gì mà phải có vẻ khó chịu thế”. Tôi khó chịu gì đâu nào, đấy là tôi nghĩ cho chúng nó, với lại tôi nghĩ cho cái hầu bao quỹ tổ đấy chứ. Chúng không biết cám ơn tôi rồi lại còn. Đúng là nhân tình thế thái khó lường….
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top