Phần III. EVIAN
Tôi thức rất khuya. Khả năng tự sát là 65%. Mạng sống của tôi rất rẻ mạt, với tôi nó chỉ có 30% sự sống. Cuộc sống của tôi đang chỉ chứa 30% sự sống. Nó thiếu mất vài thứ như chân tay, dây nhợ, vài cái cúc áo. 5% được dành tặng cho trạng thái đờ đẫn bán tỉnh táo luôn đi kèm với tiếng lách tách của bệnh thiếu máu. 5% này được gọi là DADA. Tóm lại sự sống rất rẻ mạt. Cái chết thì đắt giá hơn một chút. Nhưng sự sống vẫn có mê lực và cái chết cũng có sức hút tương đương.
- Tristan Tzara[6],
"Tôi đã trở nên quyến rũ, đáng yêu và hân hoan như thế nào"
"VIỆC BIÊN TẬP HẦU NHƯ ĐÃ ĐẾN bước hoàn tất. Trễ nhất thì cũng độ một tuần nữa là xong. Tôi tắt máy tính và bước ra hành lang hít vào một ngụm không khí sang mùa. Xuân đã tới tự lúc nào. Vào thời điểm này trong năm tôi thường có thêm nhiều khách hơn - là do người ta sợ mùa xuân chứ không phải vì họ phản ứng với sự buồn tẻ của mùa đông. Con người ai chẳng sợ mùa xuân. Chẳng có gì bất thường khi ủ rũ suốt mùa đông. Nhưng khi xuân tới, người ta được kỳ vọng sẽ phải vui lên. Kỳ vọng này thường khiến khách hàng của tôi càng cảm thấy bị cô lập. Mọi người đều bị cầm tù trong mùa đông; nhưng chỉ những kẻ bị mắc kẹt mà không thể làm gì được hơn thì mới bị giam hãm khi xuân đã tới.
Ký ức về một gia đình nông dân, một ngôi nhà mái tranh ngày nào hiện về. Điều khắc sâu nhất: tất cả mọi thứ đều nằm dưới một mái nhà, nhà bếp, gia súc, phòng sinh hoạt gia đình và hệ thống sưởi, thậm chí cả kho chứa lương thực. Đến cả khói từ lò sưởi cũng khó mà thoát ra khỏi căn nhà ấy. Khói chỉ có thể thoát ra ngoài sau khi đã đi qua ống khói và hâm nóng không khí bên trong nhà một lần nữa. Tuyết, bắt đầu rơi từ tháng Mười, luôn giữ chân mọi người trong nhà. Nhưng khi mùa xuân tới, tuyết bắt đầu tan, họ liền túa ra khỏi những ngôi nhà tranh, xuống núi đốt lửa dọn quang đất, như thể đang tham gia một lễ hội. Những đống lửa bập bùng nhảy nhót giữa các thung lũng. Nhưng ngày nay chẳng ai còn giữ nổi những lễ hội như thế nữa. Không ai có thể đốt trụi mặt đất chỉ vì lý do là mùa đông ảm đạm đã qua. Do vậy nên con người chỉ còn mỗi cách là tự thiêu chính mình.
***
Tôi gặp Judith cũng là vào một mùa xuân như thế. Vào một tháng Tư, khi nắng đã ấm áp nhưng gió còn lạnh buốt. Hôm đó tôi đang xem phim ở đường Daehak. Phim có ba nhân vật - hai nam một nữ. Một nhân vật nam là họ hàng của cô gái đồng thời là bạn của người nam còn lại. Cô gái là nhân viên phục vụ trong một tiệm bán hamburger, còn hai chàng kia là tay chơi. Cả ba lấy tiền thắng được trong sòng bài để thuê xe đi du lịch. Đó là phim Kỳ lạ hơn cả thiên đường của đạo diễn Jim Jarmusch. Bộ phim không một lần quay cận cảnh rõ gương mặt các diễn viên. Do không thấy rõ mặt diễn viên nên khán giả thấy chán và bản thân mấy diễn viên ấy cũng có vẻ chán nản không kém. Lối thoát duy nhất trong cuộc đời nhạt nhẽo của họ là đánh bạc hoặc đi du lịch. Mà thậm chí ngay cả khi thắng bạc thì họ cũng lại tiếp tục nướng sạch số tiền đó vào một canh bạc khác. Và ngay cả khi họ đi du lịch thì cũng chẳng có gì khác. "Cái hồ đây rồi," cô gái nói khi tới Cleveland, nhưng không thể nào trông rõ hồ nước được nữa, nó đã đóng băng trong cơn bão tuyết. Chẳng trông thấy được gì cả. Một trong hai chàng càu nhàu rằng đi xa thế mà cũng chẳng có gì khác. Trong phim không có lấy một cảnh nóng bỏng hay lãng mạn nào. Có lẽ nếu ta có tráo cảnh cuối với cảnh đầu phim thì khán giả cũng chẳng nhận ra.
Dĩ nhiên trong rạp phim hôm ấy rất vắng khách. Có lẽ chỉ có khoảng ba người. Có một cô gái ngồi trước tôi ba hàng ghế. Chính là Judith. Cô gật gà gật gù ngủ suốt mà không chịu rời rạp cho đến khi hết phim. Phim hết rồi cũng không thấy cô đứng dậy. Vậy nên tôi cũng xem lại bộ phim đó lần hai luôn. "Cái hồ đây rồi." Khi cô gái trên phim chỉ vào hồ nước thì Judith đứng dậy, hơi loạng choạng một chút. Một tiếng động vang lên, có lẽ cô vừa giẫm phải một vỏ lon rỗng. Tôi theo cô ra ngoài. Lúc ấy mới khoảng mười giờ. Cô bước chậm rãi theo hướng công viên Marronniers. Trong lúc cuốc bộ, cô đụng phải vai người khác chừng hai lần. Cô bước vào buồng điện thoại công cộng, cầm ống nghe lên rồi lại đặt xuống.
Cô lại tiếp tục đi một hồi lâu đến công viên Marronniers rồi tìm một chỗ ngồi xem chương trình văn nghệ ngoài trời của công viên. Có hai anh chàng đang ôm đàn ghi ta mộc hát.
"Cô đã đi rất xa, nhưng mọi sự vẫn vậy, chẳng gì khá hơn đúng không?" tôi ngồi xuống bên cạnh và cất giọng.
"Ừ," cô đáp, mắt vẫn hướng về phía mấy chàng ca sĩ. "Này," Judith nói, lôi điếu thuốc ra bỏ lên miệng.
"Gì cơ?"
"Anh đã bao giờ muốn đến Bắc Cực chưa?" Từ miệng cô, một làn khói trắng tỏa ra.
"Cô muốn đến Bắc Cực à?"
"Tôi đã đến đó rồi, cách đây mấy hôm," Judith bắt đầu khúc khích. "Thích lắm. Cả một thế giới phủ đầy tuyết trắng. Nếu ngồi nhìn đám tuyết đó thật lâu thì mọi thứ đều trở nên tối đen. Anh có biết ở đó mặt trời mọc lên như thế nào không? Mặt trời mọc ngay giữa bầu trời và lặn vào bầu trời. Vào mùa đông thì mọc dưới chân và lặn ngay dưới chân mình. Kỳ diệu quá phải không?" Lần đầu tiên cô nhìn tôi.
Tôi gật gù đồng ý. "Nghe người ta nói ở Bắc Cực không có ai chết hết? Tôi cũng biết một người từng đến Bắc Cực. Hồi còn trẻ, bà từng cùng chồng đi một hải trình trên Bắc Băng Dương, nhưng tàu bị va vào đá ngầm và người chồng rơi xuống biển mất tích. Bà quay trở về nhà và khi bước sang lục tuần lại du hành hướng lên Bắc Cực, chắc là muốn hồi tưởng lại những ký ức về ông chồng. Một lần bà đang đứng trên boong ngắm biển thì thấy từ xa có một tảng băng đang trôi tiến đến. Chồng bà đang nằm trên tảng băng đó. Khi trông thấy ông đến gần, bà liền nhảy xuống biển."
"Sao thế?"
"Bởi vì ông chồng đóng băng vẫn còn y nguyên hình dáng lúc tuổi đôi mươi mà bà thì đã thành bà lão chứ sao."
Cô gật đầu. "Thì cũng đúng thôi. Có thể tôi hiểu được bà ấy đấy."
Đôi khi những chuyện hư cấu lại dễ cảm thông hơn cả chuyện ngoài đời thực. Lắm lúc hiện thực rất bế tắc. Tôi đã học được từ hồi còn rất nhỏ rằng nếu bịa ra một câu chuyện thì sẽ dễ làm rõ một luận điểm hơn. Tôi rất thích thú với việc dựng nên những câu chuyện như thế. Dẫu sao thì thế giới này cũng đã đầy rẫy những chuyện hư cấu rồi.
Chúng tôi nhìn ca sĩ cho ghi ta vào hộp và xếp micro lại sau khi hát bài cuối cùng. Tôi đứng dậy chìa danh thiếp ra cho cô gái.
"Khi cô muốn tâm sự với ai đó rằng cô đang chẳng muốn nói điều gì cả thì hãy gọi cho tôi."
Cô bần thần nhìn tấm danh thiếp rồi nói. "Vậy nếu ngay cả khi tôi còn chẳng muốn nói rằng tôi chẳng muốn nói gì, thì sao?"
"Cô đang cảm thấy như vậy à?"
"Không lạnh nhạt đến mức đó. Nhưng có thể một lát nữa lại thế cũng nên."
Lần đầu tiên cô cười. Nụ cười sắc lạnh như tuyết rơi lâu ngày chưa tan.
"Đi theo tôi đi."
Tôi nắm tay Judith lôi cô khỏi ghế. Cô lặng lẽ đứng dậy đi theo sau. Cô ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế xe tôi. Vừa nổ máy thì vang lên giọng trầm ấm của Chet Baker.
"Cô biết người này chứ?" tôi hỏi.
Cô gái lắc đầu chậm rãi. "Tôi không biết ông là ai, nhưng ông đã khiến tôi cảm thấy như mình đang bị hút về lõi trái đất, như thể tôi sắp biến mất hoàn toàn."
"Đó là Chet Baker, một nghệ sĩ nhạc jazz. Ông sống một cuộc đời không lừng lẫy lắm. Tuy cũng có lúc nổi tiếng nhưng cũng không phải là nhân vật tên tuổi trong lịch sử nhạc jazz. Ông hát không hay, cũng không phải tay trumpet xuất chúng. Suốt thập niên 1960 chỉ chơi nhạc để kiếm tiền chi trả cho cuộc sống nghiện ngập."
"Vậy sao anh còn mua CD của ông ấy?"
"Có lần tôi nhìn thấy bìa album này ở cửa hiệu bán đĩa. Đó là hình một ông già với bộ râu lởm chởm và mái tóc láng coóng vuốt ra sau để lộ hết những vết nhăn hằn sâu trên trán. Một bức ảnh đen trắng thường làm lộ ra phần bóng tối ẩn khuất của con người. Cô có thể hiểu được cả một đời người qua từng nếp nhăn của họ. Trong bức ảnh ấy, mắt ông ta phản chiếu ánh đèn flash của camera, lóe lên sáng rỡ. Ngay giây phút nhìn thấy tấm hình đó, tôi đã thầm nhủ rằng con người này đã sống hết cuộc đời ông ta rồi."
"Sao anh biết?"
"Mắt ông ta có hai điểm sáng lóe lên hy vọng cuối cùng. Có những thứ không thể che giấu ngay cả dưới những nếp nhăn tiều tụy mệt mỏi và chán ngán. Đó là kiểu hy vọng không hướng vào cuộc sống, mà là vào sự nghỉ ngơi."
Trong lúc đó CD đang phát đến bài thứ hai, bài "My Funny Valentine" nổi tiếng. Tên bài hát nghe có vẻ vui, nhưng giọng ông lại trầm và ảo não. Bài hát cũng không phải loại ngọt ngào rẻ tiền. Nó hát về sự trưởng thành của một người từng trải qua cay đắng, sự rộng lượng của một kẻ từng vượt qua lòng tham.
"Đây là album thu buổi biểu diễn cuối cùng của ông. Hai tuần sau đó ông nhảy lầu từ cửa sổ phòng khách sạn."
"Sao ông ta lại tự tử?"
"Cảnh sát Amsterdam kết luận vụ này là một tai nạn. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Càng nghe đĩa nhạc này, và càng ngắm tấm ảnh bìa album, tôi càng nghiêng theo hướng suy nghĩ rằng ông đã chủ ý lựa chọn làm việc đó."
"Ông ta chẳng để lại di chúc luôn à?"
"Không có. Nhưng tôi nghĩ album này cũng giống như di chúc của ông. Có người nói bằng lời và cũng có người chỉ có thể nói bằng âm nhạc. Tôi nghĩ đáng chú ý là album này được thu trực tiếp tại buổi biểu diễn, chứ không phải trong phòng thu. Cảm giác rất khác. Cô không cho rằng trình diễn bản nhạc cuối của mình trước mặt khán giả thật sẽ nhiều cảm xúc hơn thu trong studio mà chẳng biết được ai sẽ nghe sao?"
"Chắc là vậy rồi."
Tôi cho xe nổ máy hướng về ngôi nhà mà cô chỉ. Cô sống trong một căn hộ cho thuê tại một tỉnh lân cận Seoul. Tôi ngồi uống cà phê trong phòng khách, xung quanh là đồ đạc bằng sắt rẻ tiền và một cái ti vi 14 inch. Cô ngồi xuống cạnh tôi, mút kẹo Chupa Chups. Và khi bình minh sắp rạng, Judith đã quyết định trở thành khách hàng của tôi. Sau đó ba ngày, bản hợp đồng giữa tôi và cô ấy được thực thi. Tôi chôn những điều cô đã chia sẻ vào lòng lên máy bay hướng về Vienna.
***
Vienna là một thành phố quyến rũ. Nhiều con người và tư tưởng từng chảy qua đây để tới những nơi khác. Cải cách tôn giáo, chủ nghĩa Biểu hiện và tư tưởng Quốc xã cũng đều thông qua thành phố này mà lan truyền khắp thế giới. Bây giờ người ta gọi đây là cửa ngõ giữa Đông và Tây Âu. Hầu hết khách du lịch đều nhận visa đi Cộng hòa Séc và Hungari tại đây. Tại Vienna, Hitler từng mơ thành họa sĩ. "Nếu vận mệnh không chọn tôi làm Quốc trưởng thì tôi đã trở thành Michelangelo rồi," Hitler từng tự mãn dõng dạc tuyên bố. Mozart cũng đã theo học tại đây. Hitler đã thể hiện năng lực đặc biệt trong việc xây dựng chủ nghĩa phát xít và điều khiển tâm lý đám đông còn Mozart đã ghi dấu tên tuổi mình trong sáng tác và biểu diễn. Cả hai đều có tài năng thu hút quần chúng bẩm sinh. Nhưng ngày đó rất dễ làm người ta động lòng, như kiểu cuốn Nhật ký của Anne Frank đã gây xúc động lớn chỉ vì viết về vụ thảm sát người Do Thái. Ngày nay thì không dễ dàng như vậy nữa. Ngày nay, tin tức về chết chóc trở thành một dạng phim khiêu dâm được phát trực tiếp trên ti vi. Những vụ thảm sát trước đây chỉ được biết đến qua tin đồn thì giờ đã được tường thuật chi tiết và nhanh chóng thông qua vệ tinh.
Ở Vienna có nhiều thứ cùng song song tồn tại. Các dấu vết của đế chế La Mã thần thánh, các di tích của Đức Quốc xã tồn tại cùng ánh hào quang của cung điện hoàng gia Habsburg. Nhiều người coi thủ đô của quốc gia trung lập lâu đời nhỏ bé này là một điểm dừng chân, một nơi cần đi qua trên đường đến nơi nào đó khác. Tại Vienna, tôi cảm thấy như mình có thể ngủ với bất cứ ai. Tôi tưởng tượng mình gặp một người, cùng người đó đi xem hòa nhạc, vở Bóng ma trong nhà hát chẳng hạn, uống một cốc bia, làm tình trên chiếc giường cọt kẹt trong một nhà nghỉ rẻ tiền, rồi sáng hôm sau đường ai nấy đi trên hai chuyến tàu ngược hướng.
Tôi tới Vienna cũng là vì Judith, khách hàng của tôi. Ngay sau khi bắt đầu thực thi hợp đồng với cô, tôi cảm thấy một thôi thúc muốn đến quê hương của danh họa Gustav Klimt, người đã vẽ nên chính nàng Judith. Gustav Klimt vẽ suốt giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ông là một người am hiểu thẩm mỹ, một nghệ sĩ fin de siècle[7] điển hình. Nàng Judith của Klimt đã thể hiện đỉnh điểm của sự suy đồi, được làm nổi bật thêm nhờ mảng nền hoa văn trang trí rực rỡ phía sau.
***
"Anh ta gọi tôi là Judith," Judith bảo tôi.
"Vì sao?"
"Anh ta bảo tôi giống với cô Judith trong tranh của ông họa sĩ nào đấy."
Vào đêm cuối cùng, khi nghe cô kể chuyện này, tôi đoán biết ngay "ông họa sĩ nào đấy" là ai. "Là Gustav Klimt."
Lấy cảm hứng từ Kinh Thánh, rất nhiều họa sĩ đã vẽ Judith, nhưng cô gái này không giống Judith của một ai khác, mà chỉ là Judith của Klimt.
"Tôi chẳng quan tâm họa sĩ đó là ai. Nhưng biết được tên ông ấy thì cũng vui. Mặc dù thể nào tôi cũng quên béng cho xem." Judith cười.
***
Để xem bức Judith của Klimt, tôi hướng đến Bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng ở Cung điện Belvedere. Tôi bắt tàu điện vào trung tâm thành phố, đánh đường vòng về phía Nam, chẳng mấy chốc đã thấy cung điện hiện ra. Tôi thong thả vào bảo tàng. Đông nghẹt bọn trẻ đi tham quan và đám du khách lia camera quay phim khắp chốn. Những chiếc máy ảnh Nhật Bản một thời từng tràn ngập những nơi như thế này giờ đây đã được thay bằng máy quay phim cầm tay. Như hố đen vũ trụ, một chiếc máy quay phim có thể nuốt trọn toàn bộ cung điện và hút cạn cả hồ nước phía trước nó. Trong tâm trí của đám du khách này, cung điện Belvedere bị rút xuống chỉ còn là một khuôn hình vuông vuông không điểm nhấn, phảng phất ánh tím xanh. Tái tạo hiện tại để bất tử hóa ký ức. Thật thảm hại, nhưng khuynh hướng của loài người bây giờ là thế đấy.
Trên phòng triển lãm ở tầng hai, phần lớn khách tham quan đều đang tập trung tại bức tranh Nụ hôn của Klimt. Thật may, bức Judith khá vắng người xem. Mái đầu đen của nàng được phóng to và phóng đến phi thực. Phía sau nàng, những hoa văn màu vàng kim khiến bức tranh hoa mỹ càng thêm phần rực rỡ. Và đôi mắt. Má nàng ửng hồng, nhưng đôi mắt nàng lại đang nhìn xuống, lim dim. Dường như nàng đang chào đón cảm giác ngay trước khi đạt cực khoái, say sưa trong khoảnh khắc ấy. Đôi môi hé mở, thảnh thơi. Phần ngực lộ ra không phải là màu da mà lại tỏa ánh tím xanh. Cái màu tím xanh ấy, rõ ràng một cách tinh tế, một cách ngột ngạt, chính là báo hiệu của chết chóc. Trông Judith như đã chết, mặc dù nàng quá hấp dẫn chẳng hề giống thây ma (hoặc cũng có thể do trông giống cái xác nên nàng hấp dẫn hơn chăng?). Tay trái nàng cầm cái đầu của Holofemes, cái đầu đích thân nàng đã cắt lấy. Cái đầu đen của hắn, mắt nhắm, đã chết.
Judith đã quyến rũ rồi ngủ với tên tướng địch Holofemes và cắt cổ hắn. Nhưng chuyện còn chưa rõ là sau khi hạ sát hắn liệu nàng có còn cảm thấy chút dư âm khao khát nào với tên tướng giặc, hoặc có phải nàng đã đạt được cực khoái đúng vào lúc chặt đầu hắn hay không.
Tôi đang chìm đắm trong bức tranh thì có một cô gái chen vào đứng trước mặt. Là một người châu Á thấp bé, tóc thẳng cắt ngắn để tự nhiên. Cô gái ấy che mất phần dưới bức tranh nên tôi nhẹ nhàng tránh sang bên cạnh. Từ góc nhìn nghiêng, đường nét khuôn mặt và mắt cô gái đều chỉ ra cô có nguồn gốc Đông Nam Á. Khi ấy cũng vừa đúng lúc một đoàn khách du lịch cùng hướng dẫn viên ùa vào đứng trước bức tranh Judith nên tôi rời khỏi phòng trưng bày. Cơn khát kéo đến dữ dội. Hình ảnh cô nàng khách hàng Judith của tôi, và Judith của Klimt cứ chập chờn trước mắt khiến tôi váng vất. Tôi xuống quán cà phê dưới tầng hầm gọi một chai nước khoáng Evian và một phần xa lát thịt xông khói kiểu Pháp. Nước khoáng Evian, được khai thác tại nguồn trên dãy Alps, có phần hăng hơn so với các loại nước khoáng của đất nước tôi. Nhưng tìm được Evian đã là may lắm rồi. Xui rủi thì biết đâu chừng tôi đã phải uống loại nước có ga.
Tôi nhớ có lần đã từng tới tận Praha cùng một cô gái người Hà Lan. Trước khi chia tay ai về phòng nấy chúng tôi hẹn nhau ngày hôm sau sẽ cùng nhau uống trà tại quán cà phê của khách sạn. Khoảng mười một giờ trưa, chúng tôi cùng xuống đó. Quán được bài trí rất sang trọng, có cả ban tứ tấu đàn dây đang chơi một bản cover. Tôi đã giật mình khi cô gái chỉ gọi nước khoáng ở một nơi cao cấp như thế.
Khi tôi sắp ăn hết đĩa xa lát thì cô gái Đông Nam Á cùng xem bức Judith khi nãy bước vào. Cô gọi một Coca và hai cái bánh sừng bò rồi bắt đầu ăn từ từ. Tôi nhìn cô thật kỹ. Tôi chắc ở cô có gì đó giống Judith, nhưng không thể tìm ra.
Ăn xong, cô chăm chú xem quyển cẩm nang du lịch mua ở bảo tàng khi nãy. Ánh nhìn vẫn chưa rời khỏi những tác phẩm của Klimt. Tôi bắt chuyện với cô. Vienna, đặc biệt là trong một bảo tàng mỹ thuật tại Vienna, là nơi thích hợp để con người chia sẻ với nhau.
***
"Cô thích Klimt à?"
Nghe tôi hỏi, cô gái hơi sững lại nhìn tôi rồi cũng đáp lại bằng tiếng Anh, "Không."
"Thế vì sao cô lại chỉ ngắm có mỗi tranh của Klimt?"
"Đó không phải là việc của anh."
Giọng cô phảng phất âm điệu tiếng Trung. Có lẽ cô đến từ Singapore, hoặc Hồng Kông, hoặc Macao. Cô uống nốt chỗ Coca còn lại trong cốc. Lúc này tôi đã được nhìn thấy gương mặt chính diện của cô. Trên gương mặt không trang điểm đầy những tàn nhang và da mặt ngăm ngăm rám nắng, vẻ mệt mỏi phủ đầy không thể nào giấu đi đâu. Tôi bỗng muốn trải qua một đêm cùng cô, muốn lấy tay mình làm gối cho cô gái đang mệt vì đường xa ấy ngủ rồi cùng nhau đón bình minh. Khi đi du lịch tôi chỉ tập trung vào chính mình. Cuộc sống ở Hàn Quốc của tôi đã được dành cả cho việc phân biệt giữa người có thể và người không thể trở thành khách hàng. Còn đã đến tận đây rồi thì không cần phải sống thế nữa.
"Cô từ đâu đến?"
"Hồng Kông," cô đáp gọn lỏn. "Còn anh?"
"Tôi hả? Tôi từ địa ngục tới."
Cô nhíu mày, rồi bật cười. "Thì ra anh sống ở một nơi thú vị thế?"
"Ở đó chán lắm. Không có gì thay đổi cả. Hình như cô đang du lịch thì phải, trước khi đến Vienna cô đã đi đâu?"
"Berlin. Mưa tầm tã suốt bốn ngày liền. Chỉ có thể ngắm khách sạn mà thôi." Cô gập quyển cẩm nang du lịch lại và lôi một điếu Marlboro đỏ ra quẹt lửa châm. "Anh làm nghề gì?"
Nghề của tôi ư? Đôi khi tôi nói mình là tư vấn viên và cũng lắm lúc tôi nhận mình là nhà văn. Nhưng mỗi khi nhận được câu hỏi thế này tôi lại cảm thấy bối rối.
"Tiểu thuyết gia."
"Thế anh có sách xuất bản bằng tiếng Anh hay tiếng Trung không?"
"Không."
"Cô không tỏ ra quá hứng thú. Khi đi đây đi đó tôi đã nhiều lần gặp phải chuyện tương tự thế. Tiểu thuyết gia không có sách xuất bản bằng tiếng Anh thì tức là vẫn chưa làm nên trò gì cả và bị đối xử cũng như một gã vô gia cư thôi.
"Còn cô?"
"Tôi làm nhiều việc lắm. Bán hàng ở trung tâm mua sắm chẳng hạn. Hồng Kông rất nhiều trung tâm mua sắm."
"Tôi có được phép hỏi cô bao nhiêu tuổi không?"
"Hai mươi mốt."
Tôi hơi bất ngờ. Hai mươi mốt tuổi mà nhìn cô quá đỗi già dặn.
"Lần đầu cô đến Vienna à?" Tôi hỏi.
"Ừm. Ở Hồng Kông mà muốn thoát khỏi Hồng Kông không phải là một việc dễ. Đây là chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên của tôi đấy."
Có những người cả đời chỉ sống tại một thành phố. Với những người sống tại Seoul, thật không dễ dàng gì khi tưởng tượng ra cảnh chôn chân tại đó trong suốt hai mươi năm. Tôi chăm chú nhìn cô gái đến từ Hồng Kông, một vùng lãnh thổ nửa thuộc Anh, nửa lại là Trung Quốc, là thành phố nhưng cũng là một quốc gia ấy. Cô vừa bảo tôi rằng cô đã sống ở Hồng Kông huyên náo suốt cuộc đời mình. "Cô đã tìm chỗ trọ chưa?"
Nghe tôi hỏi, cô lôi bản đồ ra xem lại. "Nhà nghỉ tôi nằm trên đường Mariahilferstrasse."
Mariahilferstrasse là con đường nối trung tâm và mạn phía Tây Vienna. Đa số các khu trọ rẻ đều tập trung ở đây và nhà trọ của cô không xa chỗ tôi ở là mấy.
"Ngày mai cô có muốn tham quan khu trung tâm thành phố với tôi không? Tôi đến đây lần thứ ba rồi."
"Được thôi."
"Vậy hẹn cô mười giờ gặp nhau trước nhà hát lớn nhé."
Tôi chỉ vào vị trí nhà hát lớn trên bản đồ cho cô. Cô mở to đôi mắt hí nhìn bản đồ, rồi đứng dậy. Tôi về chỗ nghỉ thu dọn hành lý rồi xuống bar uống bia. Bà bartender mập mạp khéo léo rót bia còn đầy những bọt cho tôi. Tôi lấy tấm bưu thiếp in bức Judith mua ở bảo tàng ra xem.
***
"Cô có đặc biệt muốn làm theo một cách nào đó không?"
Hôm cuối cùng tôi đã hỏi Judith như thế. Judith ngồi thừ người ra một hồi lâu như thấy việc suy nghĩ thật là phiền phức rồi đẩy quả bóng quyết định sang tôi. Những việc tương tự vẫn thường hay xảy ra nên tôi cũng không ngạc nhiên mấy.
"Theo anh thấy thì phương pháp nào phù hợp với tôi?"
"Ta bắt đầu từ việc loại bỏ các phương pháp mà cô ghét trước nhé?" Tôi lấy máy tính xách tay ra và bắt đầu mở các file hình ảnh dành cho khách hàng xem.
"Cô không muốn bị treo cổ, phải không?" Tôi mở file thứ nhất lên: hình một người treo cổ chết dưới một cây trên đồi."
"Vâng, cảm giác cổ bị siết lại chắc là khó chịu lắm." Cô lấy tay phải xoa xoa vào gáy.
"Nhưng mà thực tế thì rất đơn giản. Người ta thường nghĩ nếu thắt cổ thì phải chịu đau đớn khoảng ba bốn phút rồi mới chết, nhưng không hẳn vậy. Nếu cô tròng thòng lọng quanh cổ rồi đá cái ghế thì thòng lọng sẽ đột ngột siết chặt lấy cổ cô khiến nó gãy luôn. Tại khoảnh khắc đó, hầu hết mọi người đều mất hết ý thức chẳng còn biết gì nữa. Vậy cho nên có người chết khi chân vẫn chạm đất ấy. Nên sao có thể bảo rằng phải vùng vẫy khoảng ba bốn phút rồi mới chết được."
"Dù sao thì tôi cũng ghét cách này."
Tôi mở file tiếp theo. Đó là hình ảnh của một thanh niên đang thả mình trong bồn tắm. Nước trong bồn lan tỏa một màu hồng.
"Đây là cách phổ biến ở phương Tây. Giới quý tộc La Mã rất chuộng cách này. Khi ngâm mình trong nước ấm thì máu sẽ chảy nhanh hơn nên người ta cũng sẽ đạt được mục đích nhanh hơn họ tưởng nhiều. Cắt động mạch là việc khó, nhưng chỉ cần làm mỗi việc đó xong thì trong chốc lát sẽ được thư thái ngay. Chỉ cần đầm mình trong làn nước đẫm máu đỏ tươi là có thể chết. Lúc này do mất máu nên cơ thể rơi vào trạng thái sốc rồi trở nên yếu dần và dần mất ý thức. Nhưng tôi không khuyến khích cô cách này đâu."
"Sao vậy?"
"Tôi từng gặp vô khối khách hàng khăng khăng chọn biện pháp này nhưng tới lúc làm thì lại yêu cầu tôi cắt cổ tay giúp. Tôi vốn ghét vấy máu vào tay mình lắm. Và chủ động tham gia cũng làm tổn hại đến ý nghĩa công việc của tôi."
"Cũng phải. Vậy là anh không giúp họ?"
"Việc không được làm thì tôi tuyệt đối không làm."
"Thế những người đó phải chọn cách khác?"
"Không, cuối cùng thì họ cũng tự mình làm thôi. Nhưng cũng phải trò chuyện với tôi nhiều hơn nữa thì họ mới đến mức ấy được."
"Ra thế."
Vẻ mặt Judith khi ấy đã khắc sâu trong ký ức tôi. Cô đang cho tôi thấy một diện mạo khác hẳn so với lần đầu gặp mặt. Sức sống. Từ sau khi gặp tôi, lần đầu tiên vẻ mặt cô toát lên sức sống.
"Hứng thú thật đấy. Đối với tôi cuộc sống lúc nào cũng là một đống hỗn độn không thể kiểm soát. Lúc nào tôi cũng ở những nơi mình không muốn. Nhưng bây giờ thì khác rồi," cô nói, trong thoáng chốc bỗng hơi cao giọng.
Sự phấn khích của Judith là bằng chứng cho ý nghĩa của việc tôi đang làm. Cô đã thôi mút kẹo Chupa Chups, gí mắt vào màn hình laptop của tôi như đứa trẻ lần đầu học vi tính.
***
Gặp được khách hàng như Judith là một niềm hạnh phúc. Nghĩ về cô là lòng tôi lại thấy ấm áp. Tôi gọi bà bartender mang ra thêm một ly bia rồi uống liền một mạch. Sau đó tôi lên phòng tắm rửa nghỉ ngơi."
"Sáng hôm sau khi tôi tới nhà hát lớn Vienna thì cô gái Hồng Kông đã đợi sẵn. Cô mang kính mát đen và tay đang cầm một lon Coca Cola.
"Anh sẽ dẫn tôi đi đâu?" Cô hỏi.
"Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật nhé."
"Đi thôi."
Cô uống nốt chỗ Coca còn lại trong lon rồi đi theo tôi. Từ nhà hát lớn đi bộ theo hướng Tây, ta có thể bắt gặp cả Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên. Vienna tháng Tư vẫn còn giá lạnh. Gió thổi rét buốt, đến mức chúng tôi vừa đi vừa phải co rúm người.
Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật là nơi trưng bày bộ sưu tập mỹ thuật của Hoàng gia Habsburg. Đối diện nó là Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, nghe nói xưa nó từng là một hoàng cung. Đứng giữa quảng trường Maria Theresa, chiêm ngưỡng phong cách kiến trúc Phục hưng hùng vĩ, chúng tôi nhất trí rằng so với chúng thì bộ sưu tập quý bên trong bảo tàng khá là vô vị. Nhưng do bên ngoài gió thổi ào ào nên chúng tôi đành quyết định vào trong bảo tàng ấm áp. Gửi lại áo choàng và đồ đạc bên ngoài, chúng tôi đi dọc lối hành lang mà xưa kia bao quý tộc đã từng dạo bước."
"Đúng như chúng tôi đoán, những thứ được trưng bày chẳng có gì hay: xác ướp của các pharaoh Ai Cập, các pho tượng canh giữ xác ướp, những chiến binh Hy Lạp bị cắt mất tay chân.
Chúng tôi nán lại trước bức tượng Kuros được khai quật từ thế kỷ 5 trước Công nguyên.
"Cũng đẹp đấy chứ nhỉ?"
"Không. Những tác phẩm điêu khắc lực lưỡng vậy nhìn kinh lắm." Cô lắc đầu.
Chúng tôi lên tầng hai, nơi chủ yếu trưng bày các tác phẩm thời kỳ hậu Phục hưng. Chúng tôi lang thang trong bảo tàng như thể đang đi ngắm phong cảnh. Trong góc phòng triển lãm có một gian trưng bày đặc biệt. "Những kiệt tác của chủ nghĩa huê tình." Chúng tôi bước vào mà không hề để ý.
Tại đó trưng bày tranh của Titian hay Rubens, Caravaggio, với các nhân vật như Mars, Eros, Venus, Zeus. Tôi thấy thương cho những họa sĩ không thể miêu tả tình yêu thật sự giữa hai con người thật mà chỉ có thể biểu hiện cái huê tình thông qua lăng kính thần thoại. Tôi chẳng thấy hứng thú dù có cố gắng cảm thụ đến đâu. Cái huê tình trong các bức tranh này quá tinh tế và tách biệt nên chẳng mấy tác động đến tôi. Tôi chộp tay cô kéo đi."
"Đủ rồi, ra ngoài thôi."
Cô gật đầu. "Bụng cũng đói rồi."
Chúng tôi vào quán cà phê trong bảo tàng mua sandwich ăn. Tôi uống chai nước khoáng mang theo còn cô uống Coca. Trông cô có vẻ còn mệt mỏi hơn cả khi mới gặp.
"Nghe nói Hồng Kông về đêm đẹp lắm?" Tôi hỏi.
"Thì cũng phải đẹp hơn địa ngục chứ."
Cả hai cùng cười.
"Mà câu hỏi đó ngốc thật. Không có ai bảo rằng nơi mình đang sống là đẹp cả."
"Cô nói đúng. Tôi uống thêm một ngụm Evian rồi lấy thuốc ra châm.
"Sau Vienna anh sẽ đi đâu?" cô hỏi.
"Đến nơi mà cô sẽ đến."
Cô tròn mắt hỏi lại, "Nơi tôi sẽ đi là đâu?"
"Florence."
Vì cô đã bảo cô đến Vienna từ Berlin nên tôi đoán cô sẽ đi tiếp về phía Nam. Thành phố phía Nam mà từ đây có thể đi tới trong đêm chỉ có thể là Florence. Nếu có ý định sang Đông Âu thì đã đi ngay từ Berlin rồi."
"Làm sao mà anh biết được thế?"
"Trực giác mà. Ai đến từ địa ngục cũng đọc được suy nghĩ của người khác."
"Florence chắc là ấm áp hơn. Berlin và Vienna lạnh quá đi mất."
Với người sống ở một nơi ấm áp như Hồng Kông thì thời tiết thế này cũng khiến người ta thấy cóng. Tối hôm ấy cô không về lại nơi trọ.
***Ngày hôm sau trong chuyến tàu hỏa hướng đến Florence, cô và tôi cùng ngồi nhìn ra cửa sổ từ toa khách đã tắt đèn. Trong khoang tàu dành cho sáu người chỉ có hai chúng tôi. Bên ngoài vẫn tối. Khi tàu đi qua đồng bằng Lombardia, cô ngủ thiếp. Tôi vỗ giấc ngủ cho mình không xong bèn xoay người sang ngắm gương mặt cô say ngủ thay vì nhìn ngắm bên ngoài.
Đêm qua ở Vienna cô cũng đã thiếp đi như thế. Vừa mây mưa xong là cô chộp ngay lấy chai nhựa đựng Coca đặt cạnh giường mà tu ừng ực. Dường như cơn khát của cô không có cách nào dịu đi. Cô uống, uống mãi, đên tận lúc chai rỗng thấy được sàn nhà. Khi đã nốc cạn chai, cô lập tức thiếp ngủ, như thể đã xong hết những việc cần làm.
Thật thoải mái khi làm tình với một người mà ta không thể thực sự giao tiếp. Thật hay khi có thể chỉ tập trung vào cảm giác mà không có tạp niệm. Thoải mái vì thật ra cô chỉ lặp đi lặp lại mấy từ tiếng Quảng Đông mà tôi không có nhu cầu cũng như nghĩa vụ phải hiểu, phải nghe. Có lẽ cô cũng cảm thấy tương tự.
Khi tàu đến biên giới nước Ý, một tốp hải quan và cảnh sát lên kiểm soát hộ chiếu. Hộ chiếu cô gái được cấp nhân danh nữ hoàng Elizabeth II. Cô giật mình tỉnh giấc tìm Coca. Nhưng chai Coca của cô đã hết từ trước đó. Cô bắt đầu cuống lên. Tôi chìa chai nước của mình sang. Cô nhăn nhó cau mày từ chối.
"Không, tôi không uống các loại nước lọc."
Đúng là như tôi thấy từ khi gặp cô, không có khi nào cô uống nước cả. Cô luôn uống Coca, không thì cũng là những thứ nước ngọt khác.
"Lạ nhỉ. Sao không uống chứ? Ở Hồng Kông người ta không uống nước à?" Cô nhìn tôi gay gắt. Nét phản đối trong ánh mắt sắc lẹm ấy khiến tôi bỗng rụt người lại. "Sao thế?"
"Đừng bao giờ ép tôi uống nước. Tôi không muốn uống nước. Đừng bao giờ."
Cô nhấn mạnh cụm "Đừng bao giờ" đến những hai lần bằng giọng đanh đá nên tôi bắt đầu thấy bực mình. Tàu đi qua vùng biên giới Ý, dừng một lát tại Padua rồi tiếp tục hướng thẳng đến Florence.
Tôi chợp mắt được chốc lát. Khi tôi tỉnh dậy, trời vẫn là đêm. Những ngôi sao bên ngoài khung cửa sáng lấp lánh. Tôi đưa tay nhẹ nhàng mở cửa sổ. Tiếng bánh tàu va vào đường ray vọng vào ồn ào hơn, nhưng cũng không đánh thức nổi cô. Cô vẫn đang say giấc. Tàu có lẽ đã tiến đến gần Florence, vì cơn gió đêm thốc vào cũng không còn buốt giá nữa.
Khi ấy chợt có tiếng "rầm" vang lên kèm theo phanh gấp và rồi tiếng hành lý của khách trên tàu rơi xuống khắp nơi. Cô giật mình tỉnh giấc. Tôi đứng dậy thò đầu ra ngoài cửa sổ nghe ngóng nhưng chẳng thấy được gì. Gác tàu líu ríu gì đó một cách khẩn cấp bằng tiếng Ý và tiếng Đức qua hệ thống loa, nhưng tôi chẳng hiểu gì.
"Cô có biết tiếng Đức hay tiếng Ý không?" Tôi hỏi.
"Không."
Chúng tôi ngồi yên chờ cho đến lúc tình hình khả quan hơn. Có vẻ như tàu đã đụng phải vật gì đó hay ai đó đã hãm phanh gấp. Chúng tôi ngồi trong khoang tàu trống nhìn nhau và đếm thời gian qua. Cứ thế một giờ, rồi một giờ nữa trôi qua.
"Anh đã từng yêu ai chưa?" Cô hỏi tôi.
"Chưa."
"Tôi thì rồi. Khi làm việc ở khu trung tâm mua sắm thì sẽ có rất nhiều đàn ông tán tỉnh. Khó mà từ chối họ thẳng thừng được vì mình đang làm ngành dịch vụ mà. Không thể nổi đóa. Mà cứ phải cười. Tôi từng bán trà tại một trung tâm mua sắm nọ. Có một anh chàng ngày nào cũng sang mua trà và bắt chuyện với tôi. Chẳng biết anh ta thực sự muốn mua trà hay chỉ muốn nói chuyện với tôi. Rồi một hôm nọ không thấy anh chàng đó đến nữa. Đó là mối tình đầu của tôi. Và cũng từ đó mà tôi không uống trà."
"Vậy sau đó chắc cô bán nước khoáng hả?"
Cô gái lườm tôi. "Anh đúng là thằng đểu."
Tôi giật mình khi nghe những từ đó từ miệng cô thốt ra. Cô đúng là biết chửi người ta bằng tiếng Anh. Nói rồi cô giật phắt chai nước khoáng Evian khỏi tay tôi, đưa lên miệng tu ừng ực, như thể vừa bị thách thức. Tôi nhìn cô đăm đăm, cảm thấy bất an. Nốc sạch chai Evian xong, cô trừng mắt nhìn tôi một lần nữa rồi chạy ra hành lang. Tôi dõi theo hành động của cô. Cô loạng choạng bước về phía nhà vệ sinh rồi ngã khuỵu giữa lối đi. Những người thấy chán do tàu trễ đang ở ngoài hành lang ùn ùn túm tụm lại xung quanh cô. Tôi chạy ào đến dạt đám đông ra ôm lấy cô. Tôi cố vực cô dậy. Cô gạt ra rồi bắt đầu nôn ngay ở đấy. Tôi không biết phải làm sao. Tôi chạy về toa lấy khăn giấy và túi ni lông. Đến khi tôi quay lại, cô vẫn còn nôn liên tục.
Tàu dừng đã được hai giờ. Không phải bị say tàu. Thế thì vì sao? Cô giật lấy khăn giấy và túi ni lông mà tôi mang đến, dọn sạch chỗ mình vừa nôn ra. Rồi cô vào nhà vệ sinh quát ầm lên, "Tôi đã bảo là đừng có đưa tôi nước rồi mà."
"Sau này tôi sẽ cẩn thận hơn," tôi lúng búng.
Tàu từ từ chuyển bánh trong lúc cô vẫn ở trong nhà vệ sinh. Loa lại phát ra thông báo bằng tiếng Đức và tiếng Ý; và dĩ nhiên tôi cũng chẳng thể nghe hiểu được.
Tôi lại thấy mình nghĩ về Judith. Cô băn khoăn giữa vô vàn phương thức, cuối cùng cũng chọn được khí gas. Tôi bày tỏ sự ngần ngại: "Cái đó hơi nguy hiểm đấy."
"Nguy hiểm ấy hả? Ha ha." Judith cười. Kể cũng hơi buồn cười thật. Tôi lại đưa ra cảnh cáo nguy hiểm cho người đang mơ ước tự tử cơ đấy.
"Gas nặng hơn không khí nên sẽ lắng xuống dưới. Giả sử căn hộ chỉ có một khe hở nhỏ thôi thì khí cũng có thể lọt qua đó xuống nhà bên dưới và thậm chí có thể phát nổ khi ai đó tông cửa vào."
"Nổ ấy à, vậy thì hay chứ sao. Nhưng mà tôi chẳng muốn làm phô trương đến mức đó. Phòng tránh những chuyện ấy chẳng phải là việc của anh sao?"
Không phải là không có cách. Tôi chỉ cần chờ một lúc nhất định rồi gọi Tổng đài cứu hộ là xong thôi. Cô thích ý tưởng này. Tôi bèn nói thêm về trình tự từng bước cụ thể.
"Khoảng mười một giờ đêm, cô dùng vải bít cửa phòng và cửa sổ lại. Phải làm sao cho gas đừng rỉ ra ngoài. Sau đó là rút hết các ổ cắm điện, tháo cả dây điện thoại ra. Vì nếu nhỡ có chập mạch thì e rằng sẽ gây nổ. Rồi tiếp đến, cô sang nhà hàng xóm báo rằng sẽ đi du lịch đâu đấy và nhờ họ trông nhà giúp, để nhỡ khi bất chợt có khách đến nhà tìm cô thì họ sẽ bảo rằng cô đã đi du lịch rồi. Rồi cô nên viết di chúc. Có viết trước để sẵn cũng không vấn đề gì. Nếu có chúc thư thì người ta dễ dàng xử lý nó như một vụ tự sát. Nếu được thì nên viết càng cụ thể càng tốt. Chúc thư mà không cụ thể thì cảnh sát lại sinh ra nghi ngờ. Trong các yếu tố để cảnh sát phân tích tự sát và mưu sát thì trước tiên là có chúc thư hay không, sau đó là đến nội dung của bức thư tuyệt mệnh ấy. Vì biết đâu sau khi giết người, ai đó đã dàn dựng viết chúc thư giả. Đặc biệt nhắc tới những người thân cận với cô sẽ tốt hơn. Chẳng hạn như, abc à, tôi thực sự xin lỗi vì đã làm việc xyz. Cứ theo cách ấy. Như vậy sẽ giúp tôi xử lý mọi việc sau này dễ dàng hơn."
"Nghe mệt nhỉ."
"Nếu thấy khó thì cô cứ chọn trong đống bài mẫu của tôi một bản thích hợp rồi viết theo cũng được, nhưng những dòng chữ cuối đời do tự tay mình viết vẫn có ý nghĩa hơn chứ."
Cô bắt đầu viết bức chúc thư ngay lập tức. Cô xé hết vài trang rồi lại viết ngấu nghiến. Trong khi ấy, tôi vừa xem ti vi vừa uống whisky.
***
Lúc chúng tôi đến thành phố hoa Florence là đúng mười một giờ trưa. Tàu trễ mất khoảng ba giờ đồng hồ. Việc đầu tiên khi chúng tôi đặt chân xuống Florence là tìm mua Coca cho cô. Cô nốc chai nước ừng ực. Chúng tôi thong thả cuốc bộ đến Duomo - nhà thờ lớn, công trình biểu tượng của Florence. Trước nhà thờ tráng lệ trang trí bằng đá cẩm thạch trắng và xanh ấy là nhà rửa tội được dựng nên bởi cùng một loại đá cẩm thạch. Trên những cánh cửa ở cả bốn mặt của nhà thờ mô phỏng hình mặt nạ ấy đều chạm nổi tác phẩm của các nhà điêu khắc thời Phục hưng, như Ghiberti chẳng hạn.
"Tôi ghét đền tháp." Cô nhìn lên tháp chuông Duomo và cất tiếng.
"Sao thế?"
"Nhìn mà muốn nôn."
Chúng tôi ngồi xuống những bậc thang ở phía trước Duomo và hút thuốc. Cô bẻ đôi điếu thuốc đang hút dở chừng phân nửa vứt đi rồi bảo, "Hễ tôi yêu ai sâu đậm là lại thấy buồn nôn."
"Thế cô yêu cái tháp rồi á?"
"Ngốc. Ai lại đi yêu cái tháp. Tôi muốn xem cây cầu Ponte Vecchio."
Cô chìa cho tôi xem bức ảnh cây cầu Ponte Vecchio trong quyển cẩm nang du lịch. Tôi cùng cô cuốc bộ ngang qua bảo tàng Galleria degli Uffizi đến cây cầu Ponte Vecchio cổ kính với những hàng lều quán tả tơi tuổi đời hàng thế kỷ san sát hai bên.
"Tôi đã muốn xem cây cầu này từ lâu."
"Cô biết nó từ lúc nào thế?"
"Tôi có một tấm lịch của hãng Hàng không Anh, tờ tháng Một chính là ảnh cây cầu Ponte Vecchio ấy. Những ngôi nhà ọp ẹp trên cầu nhìn rất hay. Bức hình chụp lại cảnh mặt trời lặn trên cây cầu. Chẳng phải đẹp lắm sao?"
Nhưng thực tế thì cây cầu không đẹp như vậy. Trông nó giống như một làng nghèo sơ tán trước chiến tranh. Cây cầu không giấu nổi những thăng trầm mà nó từng trải qua năm tháng.
"Tôi thích cái lối mọi thứ trộn lẫn lộn xộn như thế này. Và ở đây cũng ấm áp nữa." Giọng cô phảng phất nước mắt bị kìm nén. Cũng đúng; so với Vienna thì Florence đẹp hơn hẳn. Chúng tôi đi tham quan vài khu chợ trời và vài bảo tàng nghệ thuật rồi chọn một khách sạn nhỏ tồi tàn làm nơi nghỉ chân. Vừa đến nơi là cô tắm rửa rồi thay quần áo. Còn tôi thì uống lon bia không ướp lạnh mua ở bách hóa.
"Ở địa ngục anh làm tình thế nào?" Cô vừa uống bia vừa hỏi.
"Ở địa ngục tôi không làm tình."
"Nói dối. Ở đó anh chắc chỉ có mỗi việc làm tình thôi ấy chứ."
"Sao cô lại nghĩ tôi chỉ có mỗi việc làm tình thôi?"
"Vì anh khiến tôi thấy buồn nôn."
"Thế sao cô còn ngủ với tôi?"
"Anh chưa bao giờ muốn nôn hết mọi thứ trong bụng ra à? Trong bụng tôi lúc nào cũng ứ đầy những thứ kỳ quặc. Đó cũng là lúc tôi cảm thấy thôi thúc muốn làm tình."
"Sau khi nghỉ việc ở trung tâm mua sắm thì cô làm gì?"
"Làm ở quán bar."
"Bartender à?"
"Không, tôi còn bé quá. Họ không cho làm."
"Vậy thì cô làm gì?"
"Ma nơ canh."
"Ma nơ canh?"
"Lúc ấy tôi liền nghĩ đến bộ phim Ma nơ canh. Câu chuyện về một người yêu một cô ma nơ canh và nàng đã hóa thành người. Con người thực sự tốt đẹp hơn ma nơ canh sao? Tại sao những loài yêu quỷ và đám quái vật nửa người nửa máy trong phim ảnh lại khao khát muốn được hóa thành người như thế?
"Tôi là một con ma nơ canh ngồi trong quán bar. Không phải ngồi trên ghế trước quầy mà là ngồi trên cao."
"Ngồi trên đấy để làm gì?"
"Tôi mặc quần áo làm bằng giấy."
"Gì cơ, nghe thú vị đấy nhỉ?"
"Bộ quần áo làm bằng giấy để người ta có thể xé nó ra từng mảnh, từng mảnh một. Trên mỗi mảnh giấy ấy có ghi giá. Người ta nhìn tôi, uống rượu rồi chi tiền để được xé ra mảnh giấy ghi giá bằng số tiền họ chi. Tôi không được nói lời nào cả. Còn mọi người thì cứ thích chọc cho tôi lên tiếng. Họ muốn theo dõi sự biến sắc trên mặt tôi mỗi khi xé một mảnh giấy ra."
"Nếu là tôi chắc cũng thế thôi."
"Thì thế. Nhưng mà hồi đấy tôi còn quá nhỏ không thể hiểu ra điều đó. Anh biết đấy, con người kỳ lạ lắm. Khi mặc bộ quần áo ghép từ các mảnh giấy ấy tôi trở nên rất khác. Tôi ghét cái lúc người ta xé mảnh giấy trên người tôi rồi nhìn tôi dâm đãng, nhưng rồi có lúc tôi lại ước sao cho họ xé hết đi. Tôi thấy buồn khi chúng tôi đóng cửa rồi mà trên người tôi vẫn còn giấy. Tôi chỉ là tổng hợp của một đống mảnh giấy tả tơi, và rồi tôi ngồi đó, một con ma nơ canh với những mảnh giấy không thể đổi thành tiền. Anh hiểu được cảm giác đó không? Chắc chẳng hiểu được đâu. Ai mà hiểu ma nơ canh cho được."
"Ừm."
"Một hôm có một anh chàng xuất hiện. Từ hôm đó, ngày nào hắn cũng tới uống rượu trước mặt tôi. Có điều hắn chẳng nói lời nào. Hắn uống một chai bia rồi xé một mẩu giấy trị giá ba mươi đô la Hồng Kông dán trên ngực trái của tôi. Rồi nhìn phần ngực lộ ra ấy và uống một chai bia nữa. Hôm sau, rồi hôm sau nữa cũng thế. Hắn chỉ là một nhân viên văn phòng quèn. Tôi đoán vậy vì thấy hắn mặc bộ com lê nhàu nhĩ và thắt cái cà vạt rởm. Tôi muốn cho hắn ngực trái của tôi phứt đi cho rồi. Hắn muốn sờ mó, mút nó đến tấy đỏ suốt đêm hay ôm nó mà ngủ cũng được. Nhưng mà tôi không làm vậy được. Tôi mà bị bắt quả tang ngủ với khách là họ xẻo ngực trái của tôi luôn ấy. Cứ thế suốt một tháng ròng ngày nào hắn cũng đến chỉ để ngắm ngực trái của tôi rồi ra về. Tôi như muốn phát điên lên được."
Cô giật lấy lon bia tôi đang uống và nốc một ngụm.
"Thế rồi một hôm có anh chàng khác xuất hiện. Gã mặc bộ vest hiệu Armani và nhìn hệt như một tay xã hội đen tép riu. Gã ngồi xuống ngay phía trước tôi và giật ngay mảnh giấy trị giá ba trăm đô la. Mảnh giấy đắt nhất đấy. Gã để lại tất cả các mảnh khác. Tôi cảm thấy mình đỡ xấu hổ hơn. Nhưng rồi gã bắt đầu xé tiếp, từ phần đắt nhất cho đến mảnh giấy rẻ nhất. Xong xuôi gã ra hiệu và có người chạy đến mặc áo cho tôi, tống tôi lên xe đưa đi. Đó là người đầu tiên lột hết những mảnh giấy trên người tôi xuống. Tôi đã tự nhủ rằng mình phải yêu người đó."
Cô tu Coca thẳng từ chai, ừng ực.
"Tôi bắt đầu chung sống cùng gã. Ở nhà gã tôi vẫn phải mặc đồ giấy. Chỉ vì một người, vì gã mà thôi. Lần nào gã cũng quẳng tiền rồi xé giấy, và tôi bắt đầu phục vụ gã. Nhưng tôi chưa từng ngủ cùng gã. Thay vào đó, tôi chỉ phải uống tinh dịch của gã, có lẽ phải hơn một lít trong suốt ba tháng sống chung. Chẳng khi nào gã cho vào cả. Chỉ là xé hết áo giấy đi rồi bắt tôi quỳ xuống nuốt tinh dịch của gã rồi lăn ra ngủ. Sau mỗi lần như thế tôi lại uống loại nước gã trữ sẵn trong nhà - Evian. Miệng tôi lúc nào cũng có mùi tinh dịch, rồi sau đó đến cả nước Evian ấy cũng bốc mùi ấy nốt. Một hôm tôi bắt đầu gom tinh dịch của gã lại. Gã thích chí. Tôi bảo là để dành uống dần đó mà. Lúc gã xuất tinh, tôi lại gom tinh dịch vào một chai Evian rỗng rồi cho vào tủ lạnh cất trữ. Cuối cùng đến ngày chai chứa đầy tinh dịch, tôi mặc áo giấy. Gã đưa tiền và xé hết áo giấy của tôi ra. Rồi gã ngồi trên ghế chờ tôi quỳ xuống. Tôi bước ra sau lưng, chĩa súng vào đầu gã. Tôi bắt gã phải uống cho sạch chai Evian đầy tinh dịch ấy. Gã đã nôn mửa ra đấy. Xong tôi bỏ mặc gã và trốn thoát ra ngoài. Sau đó là chuyến du lịch này đây."
Câu chuyện của cô có thoảng chút mùi hư cấu. Nhưng tôi không biết được từ đâu đến đâu là nói dối, đâu đến đâu là sự thật. Có thể phần kết là phần được bịa ra chăng? Có khi cô bị anh chàng kia bỏ rơi cũng không chừng. Hay do cô đêm đêm tự dựng nên viễn cảnh dùng súng lục uy hiếp bắt anh ta phải uống chỗ tinh dịch ấy. Nhưng dẫu cho lời cô nói là thật hay có phần nào đó bịa đặt, song rõ ràng là hễ cô uống nước là lại nôn mửa - hẳn đã có chuyện gì đó xảy ra với cô gây nên phản ứng đó.
Tôi định bụng an ủi cô, "Chúng ta đều là kẻ chạy trốn cả nhỉ."
"Anh trốn gì mà chạy đến đây?"
"Hoàn cảnh của tôi không đến nỗi tuyệt vọng như cô. Tôi thì lúc nào cũng phải tự trốn chạy bản thân mình. Ở địa ngục thì phải thế."
"Thử uống tinh dịch của mình đi. Để khỏi phải chạy trốn thêm làm gì."
Cô cười chua chát, và trèo lên lòng ngồi đối diện tôi rồi hôn tôi. Giữa chúng tôi vẫn tồn tại một hố ngăn cách, mênh mông và cơ bản như chính khả năng uống nước vậy. Nó là con sông mà chúng tôi sẽ không thể vượt qua, dù cho môi có chạm môi, dù cho cơ thể có hòa vào nhau đi nữa.
Làm tình với nhau ở tư thế ngồi xong, chúng tôi loạng choạng đứng dậy khỏi ghế. Cô với lấy chai Coca nhưng lại vớ nhầm chai Evian. Trong bóng tối có lẽ cô đã nhầm chai Evian ấy là Coca. Tôi để mặc cô. Cứ nôn nữa đi. Cứ nôn cho đến khi mệt nhoài thì sẽ không còn nôn nữa thôi.
Ngày hôm sau chúng tôi đường ai nấy đi. Tôi tới Brindisi rồi đi Hy Lạp còn cô thì đến Venice. May thay tàu đi Brindisi đến trước. Cô vẫy chào tôi trên sân ga. Tôi băn khoăn không biết cô có về lại Hồng Kông hay không.
Tôi quay lại máy tính, mở file lên. Phải chỉnh sửa đến phần cuối của tiểu thuyết thôi. Hy vọng tôi có thể hoàn thành công việc trước khi trời sáng. Khi làm việc buổi đêm, tôi chỉ bị phân tâm lúc mặt trời lên. Tôi xếp những dòng suy nghĩ về Judith và cô gái đến từ Hồng Kông lại, quyết định trói mình vào công việc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top