Tự giết.
Bắt đầu một buổi sáng nhàm chán như thường lệ. Một buổi sáng tháng bảy không còn quá nóng, thậm chú còn có chút se lạnh.
7 giờ 00 phút sáng, lật đật chạy xuống nhà vệ sinh cá nhân, nhồm nhoàm vài miếng bích quy. Uống một cốc sữa nhạt.
7 giờ 19 phút, căn nhà rộng im ắng tiếng người. Mẹ tôi nằm trên võng xem phim, còn tôi vẫn dạo quanh trên wordpress như thường ngày. Không ai nói câu nào vì cả hai đều có thứ hứng thú riêng để chăm chú. Bầu không khí cứ thế nhẹ nhàng phảng qua.
8 giờ 16 phút, một người đàn ông với cái chân "có thể" bị tật, nói sỗ sàng hơn là bị "què". Ông ta bận một bộ đồ sờn màu và ống quần bên phải được sắn cao đến đầu gối để lộ ra phần chân giả. Ông ta lê từng bước khập khiễng và khó nhọc bước vào nhà tôi, miệng ú ớ nói gì đó tôi không nghe rõ. Tôi tức tốc chạy ra mở tấm cửa kính chắn âm. Ông ta ngước khuôn mặt đáng thương lên nhìn tôi. Khuôn mặt sạm lại, những vết chân chim quanh mắt và vài ba đốm tàn nhang trên da mặt, da tay. Ông ta cao, và rất gầy. Một con người "đáng thương, bần hàn và bất hạnh".
Đối diện với tôi, ông ta ngập ngừng một lát, rồi chìa một bàn tay to ra trước mặt tôi. Bàn tay cầm mấy bao bông vệ sinh tai và vài bịch tăm. Chính xác là 3 bao bông và 2 bịch tăm nếu như đôi mắt tệ hại của tôi nhìn không sót thiếu. Cánh tay còn lại của ông ta ôm một giỏ nhựa nhỏ đựng đầy hai thứ đồ kia. Có vẻ như ông ta đang phải đi bán dạo vài thứ vặt vãnh để "cứu sống" chính mình.
Tôi hoảng quá. Thật sự hoảng và bối rối. Đứng trước những người "có số phận không may" như thế này, tôi luôn phải cố hết sức để cho họ thấy rằng, mình yêu thương họ chứ không phải là tia cảm xúc thương hại. Và lúc nào tôi cũng rối trí hết cả lên. Trong túi tôi không có đồng nào cả, tôi cầu cứu mẹ.
Bà nghe thấy tiếng tôi gọi thì chạy ra, nhìn thấy bộ dạng ông ta thì có hơi bất ngờ, rồi nhanh chóng ổn định lại. Tôi thấy dáng vẻ bà có gì đó "cảnh giác". Khi ông ta cất tiếng van nài một lần nữa, mẹ tôi đã không do dự mà từ chối thẳng thừng:
- Không, tôi không mua gì cả. Nhà tôi cũng có bán kia kìa!
Ông ta vẫn cố gắng khẩn thiết thêm một lần nữa. Nhưng mẹ tôi kiên quyết đến lạ. Tôi bắt đầu đoán được ý nghĩ của mẹ.
Ông ta chán nản, bỏ cuộc chỉ sau vỏn vẹn đúng 3 câu mời chào, hay phải nói là "cầu xin". Đúng ba câu. Một câu với tôi và hai câu còn lại là với mẹ tôi. Ông ta lại tiếp túc lê đôi chân "giả" bằng nhựa(?) của mình đi sang ngôi nhà bên cạnh tiếp tục "công việc".
Tôi nhìn theo bóng dáng khập khiễng ấy hồi lâu, và cứ thất thần đứng trước cửa như thế. Đợi khi ông ta đã đi khuất dạng vào nhà hàng xóm bên cạnh, tôi mới quay vào.
Tôi đánh mắt nhìn sang phía mẹ tôi. Bà hiểu ý và cho tôi một câu trả lời mà tôi đã thầm đoán rõ trong lòng:
- Sợ lắm con ạ. Bây giờ lừa đảo đầy rẫy. Cái gì cần cảnh giác thì nên cảnh giác.
Mẹ tôi nói cũng phải thôi. Ở chỗ tôi, đã có mấy nhà bị mất tiền cũng là vì thế. Chúng cứ giả dạng đáng thương, hay khoác lác ba hoa về một tài cán nào đó, ví như bốc thuốc chẳng hạn, rồi sau đó lừa lấy cảm tình hoặc lòng thương hại của những kẻ mềm lòng dễ tin. Mất vài ba chục nghìn kể cũng chẳng nói làm gì, cứ coi như là ta đang bố thí đi. Nhưng mục đích của chúng là nhằm vào đống tiền dày cộp trong két sắt kìa. Và thế là thủ thuật "thôi miên" được sử dụng cho mục đích đen tối này. Tiền, cũng vì thế mà bay. Đến lúc tỉnh lại, khóc cũng không kịp, lại chỉ có thể trách bản thân quá tin người.
- Nếu nhưng họ bị khuyết tật thật, thì nên vào hội khuyết tật. Ở đó người ta sẽ có trách nhiệm tìm công ăn việc làm cho, chăm sóc cẩn thẩn, việc gì mà phải lăn lộn ngoài đường cho khổ. Con ạ, nếu muốn làm việc thiện, thì nên đến các hội từ thiện mà làm theo đúng quy trình của họ. Đừng để bị mắc lừa, xã hội bây giờ thật giả lẫn lộn lắm, làm sao mà biết được. _ mẹ tôi tiếp tục nói.
Cũng phải thôi. Tôi không trách mẹ tôi, và các bạn nếu có đọc, cũng xin đừng trách bà. Bà chỉ đang cảnh giác với cái xấu mà thôi, chứ con người bà không xấu. Xã hội này đã khiến cho bà phải hành động như vậy. Chao ôi, tôi cứ nghĩ cái sự cảnh này sẽ chỉ xảy ra trong quá khứ đau buồn của nước nhà thôi, từ cái thời "lão Hạc", cái nhân vật "thị" vợ của "ông giáo". Thế mà đến tận bây giờ cái hoàn cảnh đáng buồn ấy vẫn cứ xảy ra. Xã hội đang giết chết cái tốt, giết chết lòng thiện. Người ta trở nên cảnh giác hơn và không dễ dàng đem cho lòng tốt một cách tuỳ tiện. Cũng phải thôi, xã hội bây giờ toàn lừa lọc nhau, hãm hại nhau cả mà. Mặt tối của xã hội.
Loài người đến khi nào mới thôi giết chết lẫn nhau? Một lời nói cũng có thể cướp đi một sinh mạng. Huống hồ, còn có những kẻ "rắp tâm" hại người. Ngoài những bọn "còn chút nhân tính" chỉ lừa lọc lấy tài sản, còn có bè lũ ác độc hơn nữa kìa. Vô nhân tính, rắn rết đến mức độ bắt cóc, ấu dâm, cướp nội tạng...và, ăn thịt người. Loài người luôn có một phần quỷ lẩn dấu sâu trong bản ngã, phần lớn con người có thể không chế và kìm hãm trước khi nó kịp lớn, cũng có số lượng "không nhỏ mấy" chẳng đủ "phần người" để ngăn điều xấu xảy ra.
Thật ra, loài người mới là sinh vật đáng sợ nhất.
Tôi hiểu những gì mẹ tôi nói. Và tôi thông cảm cho bà. Thế nhưng tôi lại chẳng thể thông cảm cho chính mình. Có rất nhiều lập luận cho thấy có vẻ như ông ta đang "giả bộ". Ví dụ như khuôn mặt ông ta rất lạ, tôi chưa gặp bao giờ và có thể ông ta không phải người ở đây. Một kẻ ở nơi xa lặn lội một mình đến tận đây chỉ với một cái chân què? Có vẻ vô lí. Thứ hai là cách ông ta cố phô ra cái vẻ đáng thương của mình ngay từ cái quần sắn ống cao để lộ phần chân giả. Ừm, cái này có vẻ không thuyết phục lắm, nhưng tôi nghĩ chẳng có một người nào mong muốn đem phần đời bất hạnh của mình phô diễn ra để đón nhận những ánh nhìn soi mói hay tia thương hại trong mắt kẻ khác đâu. Ai cũng đều có cái tôi cả.
Thế nhưng, vẫn luôn có một cái gì đấy khiến tôi tin vào cái vẻ khổ sở của ông ta. Và có lẽ tôi sẽ bị ám ảnh về lâu dài. Ám ảnh bởi nỗi day dứt và ân hận. Không phải chỉ một lần, tôi đã tự hỏi rằng: "nếu như người đàn ông quá tứ tuần ấy là một kẻ bất hạnh thật? Một kẻ bần hàn, khổ sở chỉ mong kiếm được một chút ít tiền lẻ từ lòng thương của những con người mang danh "đồng loại" với ông ta. Nếu như ông ta không phải là kẻ lừa đảo hay cố ý diễn trò mà ông ta đang phải hứng chịu sự đau buồn thật thì sao?"
Nếu quả thật đúng là như vậy thì chúng tôi mới là những kẻ độc ác đã dẫm lên lòng tự trọng của một người khuyết tật. Đã đánh đổ vỡ niềm tin vào lòng tốt việc thiện sâu trong tâm khảm của ông ta. Và có thể, chúng tôi đã vô tình, hay cố ý, rạch thêm cho ông ta vài vết thương sâu hoắm đến ghê người.
Chúng tôi, cũng là những kẻ giết người.
Thật và giả, tốt và xấu, cứ lẫn lộn đánh nhau trong cái xã hội nhơ nhớp này. Cái thật bị nghi ngờ bởi sự lộng hành quá mức của cái giả. Điều tốt bị kiềm hãm dè dặn lại bởi tính nguy hiểm của điều ác. Người ta đang dần trở nên hoài nghi lẫn nhau và dấu nhẹm cái tốt đi chỉ vì sợ. Sợ bị lừa và bị thiệt.
Loài người, đến bao giờ mới thôi giết chết lẫn nhau?
.
.
.
_10/07/2017_
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top