toàn cầu hóa của fpt
Toàn cầu hóa là chiến lược chính của Công ty cổ phần Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) trong giai đoạn phát triển 10 năm tới. Phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Phùng Việt Thắng, Phó tổng giám đốc FPT IS về những thông tin có liên quan đến chiến lược này.
Thưa ông, lý do nào khiến FPT IS mở văn phòng đại diện tại Lào và Campuchia?
Trong chiến lược của FPT IS đến năm 2020, toàn cầu hóa là hướng chiến lược chính. Do đó, FPT IS sẽ mở rộng thị trường hơn nữa ra các nước trong khu vực và trên thế giới. Sau Singapore, FPT IS chọn Campuchia và Lào là hai nước để chính thức công bố sự hiện diện và tăng cường hoạt động kinh doanh. Đây cũng là hai thị trường tiềm năng đối với FPT IS do gần gũi về khoảng cách địa lý, tương đồng về văn hóa…
Hai văn phòng này sẽ hỗ trợ như thế nào cho hoạt động kinh doanh của FPT IS?
Với sự hiện diện tại Campuchia và Lào, FPT IS sẽ giúp khách hàng nâng cao hiệu quả quản lý, năng lực cạnh tranh, cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh bằng việc cung cấp hệ thống công nghệ thông tin toàn diện. Bên cạnh đó, việc mở văn phòng đại diện cho thấy, cam kết phục vụ khách hàng tận tụy và lâu dài của FPT IS tại các thị trường này. Hơn nữa, FPT IS mong muốn trở thành công ty tích hợp hệ thống và cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu tại đây.
FPT IS đánh giá như thế nào về tiềm năng của hai thị trường trên so với thị trường trong nước, cũng như với thị trường các nước trong khối?
FPT IS có chiến lược đầu tư mạnh mẽ, dài hạn vào hai thị trường này, tập trung chính vào việc tham gia cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin tổng thể trong các lĩnh vực ngân hàng - tài chính, viễn thông, Chính phủ và doanh nghiệp.
Để thâm nhập hai thị trường trên, FPT IS phải đối mặt với những khó khăn nào?
Tìm hiểu nhu cầu khách hàng, nghiên cứu thị trường là những thách thức đầu tiên đối với FPT IS khi thâm nhập hai thị trường này. Khả năng tiếp nhận, vận hành hiệu quả hệ thống cũng là vấn đề, khi nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở hai nước còn hạn chế. Một khó khăn nữa đến từ các công ty địa phương là mô hình hợp tác cùng có lợi giữa các bên. Tuy nhiên, chúng tôi đã có chiến lược phối hợp với họ để cùng nhau phục vụ và đem lại lợi ích cao nhất cho khách hàng sở tại.
Hiện FPT IS đã có mặt tại 3 nước trong khối ASEAN, liệu thời gian tới, FPT IS có dự định mở rộng hơn nữa sự hiện diện tại thị trường ASEAN?
Nếu thị trường Campuchia và Lào được coi như là những thị trường gần gũi, thì Singapore như một trung tâm giao dịch và hoạt động mang tầm khu vực. Trong thời gian tới, FPT IS sẽ tăng cường hơn nữa hoạt động tại Singapore, đầu tư và phát triển nguồn lực tương xứng với tầm quan trọng và tạo lợi thế để phát triển sang các nước lân cận khác.
Toàn cầu hóa ở FPT: Sóng đã nhấp nhô, chỉ chờ gió cả
Hiện diện tại 14 quốc gia với gần 300 người làm việc tại nước ngoài cùng hàng nghìn nhân viên hỗ trợ cho thị thị trường này là kết quả ban đầu của FPT trong hành trình chinh phục thế giới.
Tại Việt Nam, FPT là doanh nghiệp đầu tiên nghĩ đến toàn cầu hóa (globalization). Năm 1998, tại Hội nghị tổng kết 10 năm công nghệ FPT, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình công bố rằng giai đoạn đầu đã kết thúc, FPT chuyển sang giai đoạn hai - Toàn cầu hoá. FPT đã thống nhất quyết tâm toàn cầu hóa, với sự dịch chuyển trọng tâm sang xuất khẩu phần mềm.
Lần đầu tiên, khái niệm “Toàn cầu hóa” được nhắc đến ở FPT. Tập đoàn đã nghĩ tới khái niệm này ngay cả khi nó chưa phổ biến trên thế giới. Khái niệm trên chỉ thực sự phổ biến trên diện rộng khi cuốn sách "Chiếc Lexus và cây Ô-liu" của Thomas Friedman ra đời và trở thành best-seller trên thị trường Mỹ vào năm 2000.
Những năm đầu (1998-2002), mỗi bước tiến ra “toàn cầu” của FPT đều là “lần mò” và hy vọng. Thời điểm năm 2000, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, FPT đứng trước khả năng kinh doanh thua lỗ do việc đầu tư cho những bước đi ban đầu quá lớn.
Trong giai đoạn toàn cầu hóa lần thứ nhất, FPT tập trung cho xuất khẩu phần mềm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, chuẩn bị cho mục tiêu xuất khẩu phần mềm FPT hầu như chẳng có gì. FPT đi ra biển lớn với con số 0: Thương hiệu không, nguồn lực yếu, mối quan hệ hạn hẹp, kinh nghiệm quốc tế ít ỏi…
Thế nên không khó hiểu khi làn sóng toàn cầu hoá lần đầu của FPT đã thất bại. Hai văn phòng ở Ấn Độ (thành lập tháng 11/1999) và Mỹ (tháng 1/2000) không kéo về được hợp đồng như dự tính và đã “tan” sau gần một năm hoạt động. Phần lớn những gì FPT thu lượm được ở lần xuất chinh đầu tiên chỉ là những bài học.
Đương nhiên toàn cầu hoá không phải là “một thương vụ ngon ăn”. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thất bại trong quá trình mở rộng thị trường ra quốc tế và cũng chẳng hiếm những thương hiệu nước ngoài gục ngã trên con đường chinh phục thị trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Điều đáng chú ý là ở lần toàn cầu hoá lần thứ nhất, FPT cũng chưa rõ khái niệm về toàn cầu hoá mà tất cả chỉ là “ném đá dò đường”, làm một cách chủ quan, bắt chước nước ngoài mà thiếu đi sự nghiên cứu, chuẩn bị cần thiết.
“Mọi việc bắt đầu khá đơn giản. Một đêm tháng 11/1998, tôi với anh Bình ngồi ăn mì tại sân bay Bangkok, chờ máy bay về Việt Nam. Cả hai im lặng tha thẩn nhai. Chúng tôi đều đang ở trong trạng thái shock sau tất cả những gì được chứng kiến ở Bangalore, Ấn Độ, một đất nước đang còn rất nghèo nhưng đã hiện nguyên hình là một cường quốc CNTT trong thế kỷ 21. Hồi lâu, anh Bình nói: 'Em lấy một đội và thử đi'. Tôi gật đầu, không cảm xúc”, Nguyễn Thành Nam, nguyên TGĐ FPT Software, hiện là Phó Chủ tịch ĐH FPT, đã viết về làn sóng toàn cầu hoá lần thứ nhất ở FPT trong bài “Đi tìm sức mạnh cốt lõi của FPT”.
Dù thương vụ kinh doanh không thành công, nhưng văn phòng ở Ấn Độ và Mỹ mở ra ở thời kỳ này đã mang về cho FPT nhiều kinh nghiệm trong lần toàn cầu hóa tiếp theo.
Làn sóng toàn cầu hoá lần hai, từ năm 2006, bắt đầu với rất nhiều thuận lợi. Việt Nam đã gia nhập WTO và mỗi doanh nghiệp được hưởng lợi từ “ba làn sóng dân chủ": Dân chủ hóa công nghệ, dân chủ hóa tài chính và dân chủ hóa thông tin” (Thomas Friedman - "Chiếc Lexus và cây Ô-liu"). FPT đã “lên sàn” và trở thành một trong những công ty cổ phần có thị giá cổ phiếu lớn nhất Việt Nam. Trong nhiều năm liền, công ty có mức tăng trưởng 50 đến 70%, làm dày thêm tiềm lực để ra biển lớn.
FPT đã chuẩn bị được một nguồn nhân lực đủ mạnh và có thể cạnh tranh được với các công ty nước ngoài. Nếu trong năm 1998, FPT mới chỉ có khoảng vài chục lập trình viên thì vào năm 2006, riêng FPT Software đã có hơn 1.500 lập trình viên với hàng trăm bằng cấp giá trị quốc tế, bao gồm cả Microsoft, Cisco, Oracle…
Trên hết, tập đoàn đã có những bài học cay đắng từ làn sóng lần một và những mối quan hệ được mở ra ngày càng rộng, một phần nhờ vào việc Việt Nam trở thành thị trường được nhiều hãng nước ngoài quan tâm.
“Cơn gió Đông Du” tạo ra những nhịp sóng đầu tiên. Tháng 11/2005, FPT thành lập Công ty TNHH FPT Software Nhật Bản, “đóng đô” ở Osaka. Với tiêu chí công ty “toàn cầu” là phải có văn phòng ở toàn cầu, FPT Software phát triển chi nhánh ở đất nước mặt trời mọc nhằm bám chặt vào “đai lưng địch mà đánh”.
Thị trường Nhật Bản mở ra quá nhiều cơ hội. Việc chuẩn bị để mở văn phòng lần này khá chu đáo, từ lựa chọn địa điểm, chuẩn bị lực lượng lập trình viên biết tiếng Nhật đến cử người nằm vùng, khảo sát ở Nhật lâu ngày. Với FPT Software, đi onsite ở Nhật đã trở thành chuyện “cơm bữa”.
FPT Software không quá khó khăn để thành lập tiếp văn phòng chi nhánh thứ hai ở Singapore. Tháng 3/2006, từ việc lần đầu tiên làm chủ thầu nước ngoài trị giá 6,42 triệu USD với tập đoàn dầu khí Petronas (Malaysia), FPT Software đã phác thảo ngay kế hoạch thành lập pháp nhân ở khu vực giàu tiềm năng này. Ngày 13/3/2007, FPT Singapore (FAPAC) đã ra đời trong khí thế hừng hực của "thủy triều lên".
Khác hẳn với làn sóng toàn cầu hóa lần thứ nhất, FPT tiến lên “toàn cầu hóa” không chỉ tập trung vào chiến lược phần mềm. Mảng dự án, triển khai sản phẩm cũng bắt đầu được đẩy mạnh. Trước kia, “toàn cầu hóa” gắn với FPT Software và phần mềm. Bây giờ, người FPT biết đến những trận “đánh Tây” của FPT IS, FPT Software Solution (FSS)… FPT IS đã tung lưới ở cả những ngư trường xa xôi như Congo, Tazania, Nam Phi. FSS liên tục đưa người đi bán SmartBank ở Lào, Campuchia, Thái Lan.
“Nếu năm 1998, doanh thu toàn cầu hóa được xây dựng và xuất phát từ gia công phần mềm thì đến năm 2006, chúng ta lại mong muốn khoản doanh thu này còn thêm cả dịch vụ. Hiện nay, FPT IS là làn sóng thứ hai của FPT về toàn cầu hóa với nhiều dịch vụ”, anh Bình từng chia sẻ.
Đầu năm 2007, FPT IS, FSS và FES được sáp nhập như một phản ứng phù hợp cho sự phát triển bền vững của FPT, tạo ra sức mạnh mới để “đi làm toàn cầu”. Hợp nhất đã tạo nên một “bộ mặt mới” của đơn vị tích hợp hệ thống, đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài.
FPT bước đầu được tạo dựng thương hiệu trên trường quốc tế sau hàng loạt cái bắt tay chiến lược với các “siêu đại gia” kinh tế, chính trị thế giới. FPT là một trong 20 công ty đối tác cao cấp của Microsoft, được nhắc đến nhiều lần trong bài phát biểu của người giàu nhất thế giới Bill Gates, của “công thần số một Microsoft” Steve Ballmer, của Tổng thống Mỹ G.W.Bush. Tất cả đang dần tạo cho FPT chỗ đứng vững chãi, một tầm vóc mới, một thế và lực mới trong hội nhập, cạnh tranh quốc tế - phần tất yếu của toàn cầu hóa.
Làn sóng toàn cầu hóa lần thứ hai đã mang về cho FPT hàng trăm triệu USD và hiện diện tại 14 quốc gia với nhiều cơ hội kinh doanh mới.
Hiện, toàn cầu hóa đã trở thành khẩu hiệu, là điểm đến bắt buộc của bất kỳ công ty thành viên nào thuộc FPT, khi thị trường trong nước trở nên hạn hẹp. Sau FPT Software và FPT IS, FPT Telecom, FPT Trading, ĐH FPT, FPT Retail cũng đang tìm đường mở cõi.
Tuy nhiên, dù có không ít kinh nghiệm toàn cầu hóa, FPT vẫn gặp thất bại ở những thị trường mới, với văn hóa kinh doanh khác biệt, điển hình như Nigeria hồi năm 2011.
Dù còn nhiều thách thức, nhưng toàn cầu hóa là xu thế tất yếu khi quy mô FPT đã lớn mạnh, thị trường trong nước bắt đầu bão hòa và trở nên nhỏ bé với con số hơn 15.000 nhân viên. FPT lại chuẩn bị cho một cuộc trường chinh mới.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top