CHƯƠNG 1.8
Ông ta chẳng nói lời nào. Ông ta đi lấy thuốc phiện. Lũ trẻ nói ông ta đã nhuộm vàng bộ râu với nó. Có lẽ thế. Điều hiển nhiên với bà là ông lão khốn khổ này không hạnh phúc, đến với họ hàng năm như để chạy trốn; thế nhưng mỗi năm bà lại cảm thấy y như cũ: ông ta không tin bà. Bà nói, "Tôi sẽ vào thị trấn. Tôi kiếm cho ông ít tem, giấy hay thuốc lá nhé?" và cảm thấy ông ta nhăn mặt. Ông ta không tin bà. Đó là do vợ ông ta. Bà nhớ tới tội lỗi của người vợ đối với ông ta, điều khiến cho bà biến thành sắt đá ở đó, trong cái căn phòng nhỏ kinh khủng ở St. John's Wood, khi bà tận mắt chứng kiến người đàn bà kinh tởm đó tống cổ ông ta ra khỏi nhà. Ông ta ăn mặc lôi thôi lếch thếch; ông ta đánh đổ mọi thứ lên áo khoác; ông ta có cái vẻ mệt nhọc của một ông già chẳng có việc gì trên đời để làm cả; và bà ta đã tống ông ta khỏi căn phòng. Bà ta nói, với cái kiểu cách đáng ghét của mình, "Bây giờ, bà Ramsay và tôi muốn trò chuyện với nhau một chút," và bà Ramsay có thể nhìn thấy, như thể đang trước mặt mình, vô số những bất hạnh của cuộc đời ông ta. Ông ta có đủ tiền mua thuốc lá hay không? Ông ta có phải hỏi xin bà ta? nửa đồng crown? mười tám xu? Ôi chao, bà không thể không nghĩ tới những sỉ nhục nho nhỏ mà bà ta trút lên đầu ông ta. Và bây giờ ông ta né tránh bà (vì sao thì bà không thể đoán ra, ngoại trừ rằng theo cách nào đó có thể nó xuất phát từ người đàn bà đó). Ông ta không bao giờ nói gì với bà. Nhưng bà có thể làm gì hơn? Có một căn phòng sáng sủa dành cho ông ta. Lũ trẻ đối xử tốt với ông ta. Bà chưa bao giờ tỏ ra một dấu hiệu nào rằng không muốn ông ta tới. Thật sự bà đã vượt khỏi cung cách ứng xử của mình để tỏ ra thân thiện với ông ta. Ông có cần tem không, có cần thuốc lá không? Đây là một cuốn sách mà có thể ông sẽ thích, vân vân. Và nói cho cùng – nói cho cùng (tới đây bà vô tình vươn thẳng người lên, một cách vật chất, ý thức về vẻ đẹp của chính bà, như đã từng xảy ra nhưng rất hiếm hoi, trở nên hiển hiện đối với bà), nói cho cùng, nhìn chung bà không gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc làm cho mọi người thích bà; ví dụ như George Manning; như ông Wallace; tiếng tăm lừng lẫy như thế, nhưng họ sẽ tới nhà bà một chiều nào đó, một cách lặng lẽ, và nói chuyện một mình cạnh lò sưởi của bà. Bà thấy phát chán bản thân mình, bà không thể không biết điều đó – vẻ đẹp như ánh đuốc rạng ngời của bà; bà mang nó thẳng vào bất kỳ căn phòng nào mà bà bước vào; và nói cho cùng, dù bà cố hết sức che đậy nó, cố lánh xa khỏi cảm giác đơn điệu rằng nó lừa phỉnh mình, vẻ đẹp của bà là hiển nhiên. Bà đã được ngưỡng mộ. Bà đã được yêu. Bà đã từng đi vào những căn phòng nơi những người than khóc ngồi. Những giọt lệ đã rơi trong sự hiện diện của bà. Những người đàn ông, và cả những người đàn bà nữa, luôn tiếp cận với tính chất đa chiều của sự vật, đã tự cho phép họ tìm ở bà sự nhẹ nhõm của tính chất giản dị. Việc ông ta né tránh bà khiến bà bị tổn thương. Nó làm bà tổn thương. Thế nhưng lại không phải theo một cách êm xuôi, một cách đúng đắn. Đó chính là điều mà bà lưu tâm hướng tới trong lúc bất mãn tột độ với chồng mình; bây giờ, khi ông Michael lê chân đi ngang qua, chỉ gật đầu đáp lại câu hỏi của bà, với một cuốn sách cặp dưới cánh tay, với đôi dép lê màu vàng, bà có cảm giác rằng mình bị nghi ngờ; rằng tất cả mong muốn cho đi, giúp đỡ của bà chỉ là hảo huyền vô nghĩa. Có phải chính vì sự tự mãn nguyện của chính mình mà bà mong muốn một cách bản năng để cho đi, để giúp đỡ, để mọi người có thể nói về bà, "Ồ, bà Ramsay! Bà Ramsay thân mến..., bà Ramsay ư, dĩ nhiên!" và cần tới bà, kêu gọi bà và ngưỡng mộ bà? Có phải đây chính là điều mà bà kín đáo mong muốn, và do đó khi ông Michael tránh né bà, như ông ta đang làm ngay lúc này, để lẩn tới một góc phòng nơi ông ta sẽ làm những câu thơ acrotic vô tận, bà không chỉ cảm thấy mất mặt một cách bản năng mà còn nhận thức ra sự nhỏ nhen của một phần nào đó trong bà, và về những mối quan hệ con người, chúng thật khiếm khuyết làm sao, ti tiện làm sao, tự tư tự lợi làm sao. Tiều tụy và xác xơ, và hẳn nhiên không còn là một hình ảnh phủ đầy đôi mắt với niềm vui nữa, tốt hơn bà nên dành tâm trí mình cho câu chuyện Vợ chồng người ngư phủ, nhờ đó làm nguôi khuây cái tính nhạy cảm dễ bị tổn thương của thằng James con trai bà (không có đứa nào trong lũ con của bà nhạy cảm nhiều như nó).
"Trái tim của người đàn ông trở nên nặng trĩu," bà đọc lớn, "và ông ta không đi. Ông ta tự nhủ với mình, 'Như thế không đúng,' và thế là ông ta ra đi. Khi ông ta ra tới biển, mặt nước tím và xanh thẳm, xám và dầy, không còn màu xanh lá và vàng, nhưng nó vẫn lặng yên. Ông ta đứng đó và nói..."
Bà Ramsay ước chi chồng bà đừng chọn ngay lúc đó để dừng lại. Vì sao ông ấy không làm như đã nói, đi xem bọn trẻ chơi crikê? Nhưng ông không nói; ông nhìn; ông gật đầu; ông bằng lòng; ông đi tiếp. Ông bị trượt chân, nhìn thấy ở phía trước ông cái hàng giậu cứ bao vòng hết lần này sang lần khác quanh một điểm dừng nào đó, biểu thị một kết luận nào đó, nhìn thấy vợ và con ông, nhìn thấy lại chậu hoa phong lữ thảo đỏ đã nhiều lần trang hoàng cho những quá trình tư duy, và đã viết lại trên những chiếc lá của chúng, như thể chúng là những mảnh giấy mà trên đó người ta viết nguệch ngoạc những dòng chữ trong tiếng đọc vội vã – trong khi nhìn thấy tất cả những điều này, ông trượt một cách êm ái vào sự suy tư được gợi lên bởi một bài báo trong tờ The Times về con số những người Mỹ viếng thăm ngôi nhà của Shakespeare hàng năm. Nếu như Shakespeare chưa bao giờ tồn tại, ông tự hỏi, thế giới có khác gì nhiều lắm so với nó ngày nay không? Tiến trình của văn minh có phụ thuộc vào những nhân vật vĩ đại hay không? Những con người bình thường hiện nay có tốt hơn so với thời của những Pharaoh không? Tuy nhiên, những người bình thường, ông tự hỏi, có phải là tiêu chí để từ đó chúng ta phán xét tầm mức của văn minh hay không? Có lẽ là không. Có lẽ nền văn minh tốt đẹp nhất đòi hỏi sự tồn tại của một giai cấp nô lệ. Người gác cửa tàu điện ngầm là một sự cần thiết muôn thuở. Ý nghĩ này thật ghê tởm đối với ông. Ông lắc mạnh đầu. Để tránh nó, ông sẽ tìm ra một cách nào đó để làm mất mặt ưu thế của các môn nghệ thuật. Ông sẽ lý luận rằng thế giới tồn tại cho con người bình thường; rằng các môn nghệ thuật đơn giản chỉ là một sự trang trí được gán lên đỉnh của đời người; chúng không thể hiện nó. Cả Shakespeare cũng không cần thiết đối với nó. Không biết chính xác vì sao ông lại muốn hạ bệ Shakespeare và hướng tới sự giải cứu cái con người đang đứng vĩnh viễn ở cửa tàu điện ngầm, ông ngắt một chiếc lá từ hàng giậu. Tất cả những điều này sẽ phải được trình bày trước những chàng trai ở trường đại học Cardiff vào tháng sau, ông nghĩ; ở đây, trên sân nhà, ông chỉ cắt cỏ và dạo chơi (ông vứt bỏ chiếc lá mà ông đã bứt một cách cáu kỉnh) như một người rời khỏi lưng ngựa để hái một bó hoa hồng, hay nhét đầy vào túi mình những quả hạch khi anh ta thoải mái cho ngựa đi nước kiệu qua những con đường làng và những cánh đồng mà anh ta đã biết rõ từ thời thơ ấu. Tất cả đều quen thuộc; chỗ ngoặt này, cái bục trèo cắt ngang qua những cánh đồng kia. Anh ta sẽ dành nhiều giờ trong một buổi chiều, với cái ống tẩu, suy nghĩ ngược xuôi mọi lẽ về những con đường làng và những con người bình dân xưa cũ quen thuộc, tất cả đều gắn vào lịch sử của cái chiến dịch ở kia, cuộc đời của tay chính khách này ở đây, với những bài thơ và những giai thoại, với những nhân vật nữa, nhà tư tưởng này, người lính nọ; tất cả đều rất trong sáng rõ ràng; nhưng cuối cùng con đường làng, cánh đồng, kẻ bình dân, cây quả hạch đầy trái và hàng giậu nở hoa dẫn anh ta tới chỗ ngoặt xa hơn của con đường nơi anh ta luôn luôn xuống ngựa, cột con ngựa của mình vào một thân cây, rồi tiếp tục đi bộ một mình. Ông tới rìa bãi cỏ và nhìn ra cái vịnh bên dưới.
Chính số phận của ông, tính cách lạ thường của ông, dù ông muốn có nó hay không, đã khiến cho ông đi ra một mảnh đất mà biển cả đang dần dần nuốt mất, và đứng đó, một mình, như một con chim biển cô đơn. Chính năng lực của ông, thiên tài của ông, đã khiến cho ông đột ngột vứt bỏ mọi thứ thừa thãi, tự co rút và giảm thiểu chính mình để trông ông có vẻ trần trụi hơn và cảm thấy tự do hơn, thậm chí về mặt vật chất, thế nhưng không hề mất đi chút cường độ tinh thần nào, và cứ đứng như thế trên rẻo đất bé nhỏ của mình đối mặt với sự ngu dốt của loài người, chúng ta không biết gì hết và biển cả đang nuốt dần mảnh đất ta đang đứng bên trên – đó là định mệnh của ông, thiên tài của ông. Nhưng sau khi đã xuống ngựa, vứt bỏ mọi điệu bộ và mọi thứ trang trí rẻ tiền, mọi chiến tích về quả hạch và hoa hồng, và co rút lại khiến cho không chỉ danh vọng của ông mà ngay cả cái tên riêng của ông cũng bị lãng quên đi bởi chính ông, chỉ giữ lại ngay cả trong sự lẻ loi hiu quạnh đó một sự cảnh giác đã quét sạch mọi bóng ma và viễn tượng, và chính trong cái lốt mà ông được khơi gợi từ William Bankes (đôi lúc đôi nơi) và từ Charles Tansley (một cách quỳ lụy) và từ vợ ông ngay bây giờ, khi bà ngẩng lên và thấy ông đang đứng ở rìa bãi cỏ, thâm trầm, tôn kính, thương hại, và cả biết ơn, như một cái cọc cắm sâu xuống đáy của một eo biển mà bên trên đó những con chim mòng biển đậu và những lượn sóng hân hoan vỗ nhịp cho một cảm giác biết ơn đối với trách vụ mà nó tự nhận lấy trong việc đơn độc đánh dấu cái eo biển giữa dòng nước lũ ngoài kia.
"Nhưng người cha của tám đứa con không có quyền chọn lựa." Ông lẩm bẩm thành tiếng, kết thúc, quay lại, thở dài, đưa mắt lên tìm kiếm hình dáng của người vợ đang đọc truyện cho đứa con trai bé bỏng, nhồi thuốc vào ống tẩu. Ông quay lưng khỏi hình ảnh về sự ngu dốt của con người, định mệnh của con người và biển cả đang nuốt dần mảnh đất mà chúng ta đứng bên trên mà nếu ông có thể chiêm ngắm một cách chăm chú có lẽ nó sẽ dẫn ông tới một điều gì đó; và phát hiện ra rằng việc tìm sự nguôi khuây trong những điều vụn vặt là quá nhẹ nhàng so với chủ đề uy nghiêm ngay lúc này đang ở trước mặt ông đến mức ông sẵn sàng xóa nhòa đi niềm an ủi đó, phản kháng nó, như thể việc bị bắt gặp đang hạnh phúc trong một thế giới đầy bất hạnh là một trong những tội ác ti tiện nhất đối với một con người trung thực. Đúng thế; đa phần ông thuộc về phía hạnh phúc; ông có vợ; ông có lũ con; ông đã hứa sẽ nói "đôi điều phi lý" trong thời gian sáu tuần với những chàng trai trẻ ở Cardiff về Locke, Hume, Berkeley và những nguyên nhân của Cách mạng Pháp. Nhưng điều này và niềm vui của ông trong nó, sự vinh quang của ông trong những lời giảng của ông, trong bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, trong vẻ đẹp của vợ ông, trong những cống phẩm được chuyển tới ông từ các trường đại học Swansea, Cardiff, Exeter, Southampton, Kidderminster, Oxford, Cambride – tất cả phải bị phản đối và che đậy dưới cụm từ "nói những điều phi lý", bởi lẽ, rốt cuộc ông đã không thực hiện được những điều mà lẽ ra ông phải hoàn thành. Đó là một sự ngụy trang; đó là nơi ẩn náu của một con người e sợ chính những cảm giác của mình, kẻ không thể nói: Đây là điều tôi thích – đây là con người của tôi; và khá đáng thương cũng như đáng ghét đối với William Bankes và Lily Briscoe, những người tự hỏi tại sao những che đậy như thế lại là cần thiết; tại sao ông luôn cần tới lời ca tụng; tại sao một người dũng cảm trong tư tưởng như thế lại quá hèn nhát trong cuộc sống; thật kỳ lạ khi ông vừa đáng kính lại vừa đáng nực cười trong cùng một lúc.
Việc dạy học và giảng đạo nằm ngoài khả năng của con người, Lily ngờ vực nói. (Cô đang dọn dẹp những đồ đạc của mình). Nếu bạn được tán tụng, theo cách nào đó bạn sẽ thất bại thảm thương. Bà Ramsay cho ông ta những gì ông ta yêu cầu một cách quá dễ dàng. Vậy thì sự thay đổi phải rất đáng ngại, Lily nói. Ông ấy bước vào từ những quyển sách của ông ấy và thấy tất cả chúng ta đang chơi những trò chơi và nói những chuyện phi lý. Hãy tưởng tượng sự thay đổi từ những điều mà ông ta nghĩ đến sẽ như thế nào, cô nói.
Ông ta đang tiến về phía họ. Bây giờ ông ta dừng lại bất động và đứng lặng nhìn ra biển cả. Bây giờ ông ta lại quay đi lần nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top