Tnu

Phân tích nhân vật Tnú trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành

A. Mở bài.

1. Giới thiệu một vài nét ngắn về tác giả, tác phẩm.

- Nguyễn Trung Thành là bút danh của Nguyễn Ngọc trong thời chống Mĩ.

- “Rừng xà nu” là truyện ngắn xuất sắc về đề tài Tây Nguyên, lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Trung Trung bộ, số 2 năm 1965.

2. Giới thiệu nội dung của luận đề.

Truyện kể về cuộc chiến đấu của dân làng Xô Man chống Mỹ – Diệm khát máu, từ bí mật đến vũ trang vì chân lí lịch sử và cách mạng: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Qua đó, Nguyễn Trung Thành đã sáng tạo nên hình tượng cây xà nu kì vĩ và nhân vật Tnú mang tầm vóc dũng sĩ phi thường.

B. Thân bài.

1. Tnú là một con người trung thành, mưu trí, bất khuất và vô cùng dũng cảm.

- Ngay từ thời còn nhỏ, Tnú đã cùng Mai vào rừng tiếp tế, nuôi giấu anh  Quyết cán bộ Đảng “nằm vùng”, và học chữ. Tnú đã đi ba ngày đường tới núi Ngọc  Linh mang về một xà lét đầy đá trắng làm phấn. Đó là lòng “khát chữ” để vươn lên làm người và vươn tới ánh sáng cách mạng của anh, của người Strá quê anh.

- Học chữ thì Tnú không bằng Mai, nhưng đi giao liên thì đầu anh “sáng lạ lùng”. Giặc vây các ngả đường, Tnú leo lên một cây cao nhìn quanh một lượt rồi “xé rừng mà đi”, lọt qua tất cả các vòng vây. Qua sông, Tnú lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, cỡi lên thác băng băng như một con cá kình. Tnú biết là chỗ nước mạnh giặc “không ngờ”. Thật là mưu trí.

- Bị giặc phục kích, họng súng giặc “chĩa vào tai lạnh ngắt”, Tnú nuốt luôn cái thư bí mật của anh Quyết gửi về huyện. Giặc tra tấn dã man. Chúng giải anh về làng, bắt Tnú khai người nào là cộng sản. Anh đặt tay lên bụng mình nói: “Ở đây này!”. Lưng anh đầy những vết dao chém của lũ giặc. Tnú đã bất khuất hiên ngang, trung thành vô hạn với cách mạng. Anh có bao giờ quên lời cụ Mết dạy: “Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn!”.

- Sau 3 năm bị tù ở ngục Kông Tum, Tnú vượt ngục trở về làng. Cả làng vui mừng đón anh ở nhà ưng. Tnú đọc thư tuyệt mệnh của anh Quyết cho cả làng nghe. Lần thứ hai anh lại đi ba ngày lên núi Ngọc Linh, không lấy đá trắng làm phấn mà mang về một gùi nặng đá mài. Cả làng Xô Man, ngày thì phát rẫy, đêm đêm mài vũ khí. Tnú trở thành chỉ huy đội du kích. Với lũ giặc, với thằng Dục ác ôn thì Tnú là “con cọp” nếu không giết sớm, nay nó làm loạn rừng này rồi!.

Nguyễn Trung Thành đã đặt nhân vật vào một tình huống khốc liệt nhất để tô đậm tính cách anh hùng của Tnú. Thằng Dục kéo một tiểu đội về làng Xô Man. Ngọn roi của giặc không từ một ai. Tiếng kêu khóc dậy làng. Xảo quyệt, nham hiểm, thằng Dục bắt mẹ con Mai, với âm mưu bắt “cọp cái và cọp con” để “dụ cọp đực”! Mẹ con Mai bị đánh chết bằng trận mưa cây sắt. Chỉ có hai bàn tay không, Tnú nhảy xổ vào lũ giặc để cứu vợ con. “Hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai”. Anh nguyền rủa lũ giặc là “Đồ ăn thịt người!”. Hai mắt Tnú là “hai cục lửa lớn”. Tnú bị giặc bắt, trói bằng dây rừng. Thằng Dục ác ôn đã dùng giẻ tẩm nhựa xà nu tra tấn anh. Mười ngón tay Tnú đã thành mười ngọn đuốc. Lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng! Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Tnú “cắn nát môi” chịu đựng. Tnú lẫm liệt hiên ngang “không thèm kêu van!”. Khí phách hiên ngang bất khuất của Tnú như một khúc tráng ca anh hùng mang màu sắc sử thi thần kì.

2. Tnú có một trái tim sục sôi căm giận và yêu thương.

- Cụ Mết và đội du kích tràn lên nhà ưng giết hết sạch bọn ác ôn, cứu sống được Tnú. Vết thương lành, ngón nào cũng cụt một đốt, nhưng Tnú còn cầm được giáo, bắn súng được, anh lại đi tìm cách mạng, gia nhập Giải phóng quân, đi tìm Mỹ – Diệm, để trả thù cho mẹ con Mai, cho bà con làng Xô Man. Anh đã xông xuống hầm ngầm đồn giặc, không dùng súng, không dùng dao, mà dùng hai bàn tay, mười ngón tay cụt bóp cổ thằng chỉ huy! Với Tnú, “chúng nó đứa nào cũng là thằng Dục!”. Tnú ra đi đánh giặc với ý thức “Đi trả thù mà không sợ dài lâu!” (“Đất Nước” – Nguyễn Khoa Điềm).

- Nguyễn Trung Thành đã miêu tả nhịp chày giã gạo nói lên thật xúc động tình yêu làng của Tnú. Từ xa, anh đã nhận ra “tiếng chày dồn dập của làng anh”. Đã 3 năm nay, “nỗi nhớ day dứt lòng anh chính là tiếng chày đó”, tiếng chày “chuyên cần rộn rã” của mẹ anh xa xưa, của những người đàn bà và những cô gái Strá, của Mai và Dít, “từ ngày lọt lòng anh ta đã nghe thấy tiếng chày ấy rồi”. Vì căm giận mà Tnú đi đánh giặc, vì yêu thương, vì nhớ làng, nhớ tiếng chày giã gạo nơi chôn nhau cắt rốn mà anh trở về thăm làng, chỉ một đêm thôi, rồi anh lại ra đi với bao lưu luyến.

3. Tnú là người anh hùng của bộ tộc, của quê hương.

- Số phận và cuộc đời đau thương, bất khuất của Tnú gắn liền với vận mệnh sống còn của dân làng Xô Man, là niềm tự hào của quê hương. Như cụ Mết già làng đã nói: “Nó đấy! Nó là người Strá mình. Cha mẹ nó chết sớm, làng Xô Man này nuôi nó. Đời nó khổ, nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta”.

- Tnú là một nhân vật điển hình cho số phận và con đường của nhân dân trong cuộc chiến đấu vì tự do, vì thống nhất Tổ quốc. Nhân vật Tnú đã tô đậm màu săc sử thi huyền thoại truyện “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành.

C. Kết bài

- Câu chuyện về cuộc đời và hình ảnh của Tnú, của bao dũng sĩ làng Xô Man đã tái hiện không khí bi hùng của một giai đoạn lịch sử đánh Mỹ thắng Mỹ đầy tự hào của dân tộc.

- “Rừng xà nu” là một truyện ngắn đặc sắc nhất viết về đề tài Tây Nguyên. Nó là biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kết tinh giá trị nghệ thuật cao, sáng ngời tính sử thi làm rung động lòng người. Nó là “câu chuyện một đời được kể trong một đêm” của một dân tộc, một thời đại oanh liệt và bi tráng.

Kết bạn với Tuyensinh247 trên Facebook để xem thông tin mới nhất!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: