2


Từ xa xưa, trừ thần tộc thượng cổ cao ngạo trên trời, thì các tộc dưới mặt đất vốn ai biết phận nấy, lãnh địa phân chia rõ ràng. Quỷ tộc nằm ở Hỗn Độn, hấp thụ bóng tối mà sinh tồn, trăm năm cũng không cần thấy ánh mặt trời. Yêu tộc nhỏ nhất sống ở Hảo Vọng, khu rừng thiêng có gốc thần thụ vươn thẳng đến trời. Có con vốn là thú cưỡi của thượng thần, có con là do hấp thu linh khí, tu luyện mà thành. Tuy trăm loài hỗn tạp nhưng thân nào phận nấy, cũng sống hòa thuận cùng nhau. Huyết tộc sống nhờ máu kẻ khác, vốn bị coi khinh, kẻ cấp cao thì chịu được ánh sáng, sinh hoạt như thường, kẻ cấp thấp chỉ có thể ngày ngủ đêm săn, lén lén lút lút. Nhân tộc là cộng đồng nhỏ bé không có dị năng, tự săn bắn hái lượm mà sinh tồn, phân bố thành từng cụm nhỏ bé không đáng kể. Có lúc thì bị quỷ tộc dụ dỗ sa vào Hỗn Độn, biến thành ngạ quỷ, khi thì thành mồi ngon cho huyết tộc và yêu tộc.

Thế nhưng dần dà, nhân tộc sinh sôi càng lúc càng nhanh, tham vọng cũng càng ngày càng lớn. Khi vũ khí trở nên lợi hại hơn, thì huyết tộc và yêu tộc còn bị săn lùng ráo riết. Thủ lĩnh của từng bên từng gạt bỏ hiềm khích cá nhân mà liên hợp lại cùng phản công nhân tộc, đánh đến gần trăm năm vẫn chưa ngã ngũ, tổn thương vô số kể. Rốt cuộc để bảo vệ các đời con cháu, bốn bên đạt được hiệp nghị thống nhất, vạch ranh giới lui về, kể từ nay nước sông không phạm nước giếng.

Trong trận chiến này, huyết tộc vốn hoạt động đơn lẻ, không sống theo cộng đồng cho nên tổn thất cũng lớn nhất. Các đại gia tộc gần như phân tán, lũ quỷ cấp thấp lẩn lút trong quan tài ngủ dưỡng sức trăm năm. Và cũng trong trận hỗn chiến đó, con trai út của một trong các đại gia tộc bị thất lạc trên đường rút chạy.

Hảo Vọng là khu rừng quanh năm xanh mướt, bốn mùa như xuân, được gọi theo tên gốc thần thụ chọc trời kia. Đây là nơi yêu tộc cùng nhau sinh sống, ngoài ba tộc lớn nhất là lang tộc, hồ tộc và xà tộc, thì những bộ còn lại đều không đáng kể.

Có thể giữ được khung cảnh thuận hòa vui vẻ ở đây, một phần là do gốc thần thụ trấn giữ, linh khí thịnh vượng phong cảnh tốt tươi, tự khắc không cần tranh giành. Phần còn lại là nhờ linh thú. Kỳ lân thượng cổ vốn là thú cưỡi của thượng thần, từ xa xưa đã có thể tu thành hình người. Thế nhưng trải qua thương hải tang điền của thần tộc, đến nay cũng chỉ còn một đôi song sinh. Mã Gia Thành ở lại trấn giữ thần cung, thờ phụng cho các đời thượng thần. Mã Gia Kỳ thì theo gốc cây Hảo Vọng xuống yêu giới, canh giữ cho nơi này bình yên.

Đồn rằng phần lớn là vì năm đó hắn đem lòng yêu thiếu chủ của hồ tộc, thế nhưng nay thiếu chủ đã thành vương, mà tuyệt nhiên chưa từng thấy nửa cái sừng kỳ lân nào lấp ló bên cạnh, nên chuyện này cũng chỉ là chuyện phiếm của yêu giới lúc trà dư tửu hậu.

Ba trăm năm trước, đại thiếu chủ hồ tộc là Đinh Trình Hâm cùng cha tham gia trận đại chiến phân chia lãnh thổ, khi trở về tình cờ thấy ánh sáng nhàn nhạt phát ra từ một khóm thủy tiên. Tò mò tiến lại gần xem thì thấy là một đứa bé chừng vài tháng tuổi, tóc bạch kim lấp lánh dưới trăng, gia huy trên bọc tã quấn ngoài là của huyết tộc. Thế nhưng huyết tộc vốn sống xa lánh, tự người trong giới còn khó tìm nhau, thế là đành đem đứa trẻ về nhà tự tay nuôi dưỡng, xem như em trai. Vừa hay, trong nhà có nhị thiếu chủ cũng mới ra đời, mà lang hậu cũng vừa hạ sinh một tiểu tử.

Nghiêm Hạo Tường là nhị thiếu chủ hồ tộc, em trai của Đinh Trình Hâm, vương hậu vốn là hậu nhân cuối cùng của dòng dõi hỏa hồ ly, cho nên một mang họ cha, một theo họ mẹ.

Trước kia lang vương và hồ vương từng sóng vai chiến đấu, cùng vào sinh ra tử, cũng không ít lần cứu giúp nhau. Cho nên tuy lang tộc vốn lạnh nhạt xa cách, hồ tộc ngạo mạn giảo hoạt, thế nhưng đến đời cai trị này, quan hệ giữa đôi bên có thể nói là vô cùng hữu hảo. Đứa trẻ nằm trong bụng lang hậu suốt ba năm còn từng được hứa hôn cho nhị thiếu chủ hồ tộc Nghiêm Hạo Tường. Thế nên khi Lưu Diệu Văn chào đời, lang vương chỉ đành nhìn hồ vương mà cười bất đắc dĩ.

Cuộc chiến kết thúc, Đinh Trình Hâm đưa đứa trẻ huyết tộc lạc loài kia về nuôi dưỡng, chính thức trở thành bố trẻ con ở cái độ tuổi thiếu niên nhân tộc còn đương đi đào dế với đá gà. Y dựa theo ký hiệu trên gia huy để luận ra đứa trẻ này họ Hạ, dùng ba ngày ba đêm suy nghĩ mới đặt được một cái tên, Hạ Tuấn Lâm.

Vẫn hay nói trẻ nhỏ và động vật đều có linh tính, dường như biết được thân phận bị bỏ rơi của mình, nên đứa nhỏ này thật sự rất dễ nuôi, ngoan ngoãn khác hẳn thằng em trời đánh của y lẫn thằng em quỷ vật nhà hàng xóm. Chỉ hiềm cứ đến dịp trăng non đầu tháng thì nhất định phải uống máu. Cái này không thiếu, hồ tộc dư dả nhất là một đám cáo chồn sểnh ra lại cắn cổ gà tha về nhấm nháp. Ngày sau Hạ Tuấn Lâm còn phải hòa nhập với yêu tộc, thế nên lúc này đành ấm ức đứa nhỏ phải lớn lên với máu gà. Chưa kể, máu của tộc nhân yêu tộc có chứa yêu khí. Tu vi càng mạnh, yêu khí càng dày đặc, không phải muốn uống là uống được. Sự xung đột với ma pháp còn chưa ổn định trong người Hạ Tuấn Lâm có thể giết đứa nhỏ như chơi. Độ tương thích tối thiểu phải đạt tám trên mười, bằng không đời này e là vị vương tử huyết tộc lưu lạc này vẫn cứ phải sống bằng máu động vật cấp thấp thôi vậy.

Chỉ có điều, Đinh Trình Hâm cũng không ngờ, ngày tương thích đó của Hạ Tuấn Lâm lại đến sớm như vậy...

Nghiêm Hạo Tường, Lưu Diệu Văn và Hạ Tuấn Lâm cứ thế cùng nhau trưởng thành. Ngày thường cùng học cùng luyện võ, ngày bất thường thì lôi nhau ra chí chóe nhặng xị. Khi thì là Lưu Diệu Văn gặm suýt sứt cái tai nhỏ trắng xám trên đầu Nghiêm Hạo Tường, lúc thì vị nhị thiếu chủ này lại chạy về tìm anh trai khóc oa oa vì tên sói con kia dám dẫn Hạ nhi đi câu cá mà không thèm rủ. Mái tóc bạch kim cùng làn da trắng đến trong suốt của Hạ Tuấn Lâm khiến đứa nhỏ này càng lớn càng xinh đẹp. Ý thức về huyết thống rất rõ ràng, cho nên hiển nhiên tình cảm khác biệt cũng cực kỳ dễ nảy sinh. Trẻ con nhân tộc đôi khi có thể chí chóe với nhau giành món đồ chơi yêu thích, còn Lưu Diệu Văn và Nghiêm Hạo Tường từ nhỏ đã biết giật tóc cắn tai nhau để giành Hạ Tuấn Lâm rồi. Hôn ước năm nào giữa lang vương và hồ vương coi như bỏ, chỉ đành nhìn hai thằng báo con suốt ngày lôi nhau ra làm cọc luyện kiếm mà thôi.

Cứ ngỡ mấy trận ì xèo này cũng chỉ dừng lại ở hai chữ ì xèo, giống như hai con chim công ngu ngốc hết khoe đuôi lại đến quay ra giẫm vào đuôi nhau vậy.

Thế mà hôm đó, Lưu Diệu Văn và Hạ Tuấn Lâm mất tích rồi.

Lang tộc trên dưới gà bay chó sủa, hồ tộc thì lùa hết chồn cáo trong nhà tỏa ra khắp rừng. Yêu khí Lưu Diệu Văn vẫn chưa ổn định, mà sắp đến trăng non, ma pháp của Hạ Tuấn Lâm lại càng khó dò. Hợp thời, trời đổ một cơn mưa, cái mũi thính trăm dặm của lang vương coi như phế. Hảo Vọng nói rộng không quá rộng, nhưng để tìm hai đứa trẻ nít trong hai ngày thì chẳng hề dễ dàng.

Cũng không biết bằng cách nào, cảm ứng tâm linh? Hay định mệnh trớ trêu? Nghiêm Hạo Tường lại là người tìm thấy đầu tiên. Ở cấm địa gần gốc thần thụ, trăng non đã qua, mặt trời rẽ mây tỏa sáng rực rỡ, nhưng trong lòng hắn lại lạnh lẽo khôn tả.

Người trong lòng hắn đang uể oải nằm dựa vào vị "huynh đệ nối khố", cả hai đều toàn thân trầy trụa. Nhưng bắt mắt nhất vẫn là vết máu còn đọng trên cổ Lưu Diệu Văn, cùng hai dấu răng không sâu nhưng cực kỳ chói mắt.

Tương thích đến hơn chín phần. Sau này, ai đó đã nói với hắn vậy.

Nực cười thật.

Thiếu niên huyết tộc ở lại hồ tộc, tu luyện tâm pháp của hỏa hồ ly ngàn năm, cùng hắn nằm một cái giường, lại có độ tương thích đến hơn chín phần với con sói nhỏ ngày ngày cùng hắn đánh lộn.

Rõ ràng điều này cũng chẳng nói lên gì ngoài việc Lưu Diệu Văn có thể coi như bình máu di động của Hạ Tuấn Lâm?

Thế nhưng nỗi ghen tị và bất an khó nói trong lòng Nghiêm Hạo Tường mỗi lúc một lớn, mỗi ngày một mạnh. Cho đến một ngày nọ, hắn thấy trên cổ Hạ Tuấn Lâm là chiếc tù và bạc có hình trăng khuyết của Lưu Diệu Văn.

Đây là biểu trưng của "mate". Phối ngẫu. Bạn đời.

Hắn không rõ tình ý giữa họ, hay nói chính xác là của Hạ Tuấn Lâm đối với Lưu Diệu Văn nảy sinh tự khi nào. Hắn không rõ việc yêu khí lang thiếu chủ chảy trong máu vương tử huyết tộc có tác động lên cả tình cảm hay không. Nhưng hắn biết, vòng tròn giữa ba người họ đã biến động nghiêng trời lệch đất rồi.

Lưu Diệu Văn không còn thích đánh đấm ì xèo cùng hắn, Hạ Tuấn Lâm cũng ít khi yên tĩnh ngồi nghe hắn chơi đàn. Dĩ nhiên bọn họ vẫn cùng chơi, cùng học, cùng du ngoạn. Nhưng hắn nhìn thấy cái đan tay thật chặt, vẻ hạnh phúc đến kiêu ngạo của Lưu Diệu Văn và chút vui vẻ ngượng ngùng của Hạ Tuấn Lâm.

Trong một lần bắt cá ở suối, loáng thoáng nhìn thấy sau gáy Hạ Tuấn Lâm nổi một dấu chu sa, Nghiêm Hạo Tường biết, Lưu Diệu Văn đã đánh dấu "mate" của mình hoàn toàn rồi.

Chuyện có lẽ cũng chỉ dừng lại ở đó, cho đến một ngày, huyết tộc kéo đến đòi người. Da trắng, tóc bạch kim, trên lưng mang ấn ký, bọc tã hãy còn lưu gia huy nhà họ Hạ. Vương tử huyết tộc, Hạ Tuấn Lâm.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top