Không Tên Phần 1
CÂU 1 : Bản chất của hiện tượng tâm lý người
Quan niệm về bản chất của hiện tượng tâm lý người tùy thuộc vào thế giới quan và phương pháp luận của mỗi trường phái.
- Quan niệm duy tâm cho rằng, tâm lý của con người là do thượng đế, do trời sinh ra và nhập vào thể xác con người. Nó không phụ thuộc vào thế giới khách quan cũng như điều kiện thực tại của đời sống.
- Quan niệm duy vật tầm thường cho rằng, tâm lý, tâm hồn cũng như mọi sự vật hiện tượng đều được cấu tạo từ vật chất, do vật chất trực tiếp sinh ra giống như gan tiết ra mật vậy.
- Quan niệm chủ nghĩa duy vật biện chứng khẳng định: Tâm lý người là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người thông qua chủ thể, tâm lý người có bản chất xã hội - lịch sử.
1. Tâm lý người là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người thông qua chủ thể
- Nguồn gốc, nội dung tâm lý người xuất phát từ hiện thực khách quan.
+ Hiện thực khách quan là tất cả những gì tồn tại ngoài ý thức ta. Nó bao gồm hiện tượng vật chất và hiện tượng tinh thần.
+ Hiện tượng khách quan tác động vào não tạo ra tâm lý.
VD: Nhìn một bức tranh xong, nhắm mắt lại có thể hình dung màu sắc, cảnh vật vẽ trong tranh.
"Trí nhớ là hình ảnh của hiện thực khách quan"
- Phản ánh là thuộc tính chung của mọi vật chất đang vận động. Đó là sự tác động qua lại giữa hệ thống này lên hệ thống khác, kết quả là để lại dấu vết (hình ảnh) trên cả hai hệ thống. Phản ánh diễn ra từ đơn giản đến phức tạp và có sự chuyển hóa lẫn nhau: từ phản ánh cơ, lý, hóa, sinh vật đến phản ánh xã hội, trong đó có phản ánh tâm lý.
• Phản ánh là quá trình tác động qua lại giữa hệ thống này và hệ thống khác. Kết quả là để lại dấu vết (hình ảnh).
• Các loại phản ánh:
n Phản ánh cơ học (vật lý)
n Phản ánh phản ứng hoá học
n Phản ánh sinh lý (động, thực vật)
n Phản ánh tâm lý (động vật, thực vật, con người)
n Phản ánh xã hội (chỉ có ở con người)
• Phản ánh tâm lý người là một loại phản ánh đặc biệt, phản ánh cao nhất trong các phản ánh tâm lý, bởi nó là phản ánh của một tổ chức vật chất sống cao nhất và mang bản chất lịch sử - xã hội.
VD: Viên phấn được dùng để viết lên bảng đen để lại vết phấn trên bảng và ngược lại bảng đen làm mòn (để lại vết) trên viên phấn (phản ánh cơ học).
- Tâm lý con người là một hình ảnh tinh thần do thế giới khách quan tác động vào một thứ vật chất đặc biệt có tổ chức cao nhất là bộ não. C.Mác viết: "Tư tưởng, tâm lý chẳng qua là vật chất được chuyển vào trong đầu óc, biến đổi trong đó mà có".
+ Hình ảnh tâm lý mang tính sinh động, sáng tạo.
VD, hình ảnh tâm lý về cuốn sách trong đầu một người biết chữ khác xa về chất hình ảnh vật lý có tính "chết cứng" của cuốn sách đó ở trong gương.
+ Hình ảnh tâm lý mang tính chủ thể. Mỗi cá nhân khi tạo ra hình ảnh tâm lý về thế giới đã đưa vốn hiểu biết, vốn kinh nghiệm, cái riêng của mình... vào trong hình ảnh đó, làm cho nó mang đậm màu sắc chủ quan.
+ Tính chủ thể trong phản ánh tâm lý thể hiện ở chỗ:
Cùng nhận sự tác động của thế giới về cùng một hiện thực khách quan nhưng ở những chủ thể khác nhau xuất hiện những hình ảnh tâm lý với những mức độ, sắc thái khác nhau. VD, cùng xem một bức tranh nhưng có người cho là đẹp, có người cho là bình thường.
Cũng có khi cùng một hiện thực khác quan tác động đến một chủ thể duy nhất nhưng vào những thời điểm khác nhau, ở những hoàn cảnh khác nhau với trạng thái cơ thể, trạng thái tinh thần khác nhau có thể cho ta thấy mức độ biểu hiện và các sắc thái tâm lý khác nhau ở chủ thể ấy. VD, cùng một bản nhạc khi mình nghe ở thời điểm này, hoàn cảnh này, trong trạng thái tinh thần vui vẻ,... thì cảm thấy hay; nhưng khi nghe vào lúc khác với tinh thần buồn chán... thì không cảm thấy hay.
+ Chính chủ thể mang hình ảnh tâm lý là người cảm nhận, cảm nghiệm và thể hiện nó rõ nhất. Cuối cùng thông qua các mức độ và sắc thái tâm lý khác nhau mà mỗi chủ thể tỏ thái độ, hành vi khác nhau đối với hiện thực.
Sở dĩ tâm lý người này khác với tâm lý người kia là do mỗi con người có những đặc điểm riêng về cơ thể, tinh thần và bộ não; mỗi người có hoàn cảnh sống và điều kiện giáo dục, mức độ tích cực hoạt đông và giao tiếp không như nhau trong các mối quan hệ xã hội khác nhau.
* Từ luận điểm trên, có thể rút ra một số kết luận thực tiễn sau:
Tâm lý con người có nguồn gốc là thế giới khách quan, vì thế khi nghiên cứu, hình thành, cải tạo tâm lý người cần phải nghiên cứu hoàn cảnh trong đó con người sống và hoạt động. VD, muốn tìm hiểu tâm lý học sinh, phải nghiên cứu môi trường học sinh đó sống và học tập: gia đình, bạn bè, láng giềng,...
Tâm lý con người mang tính chủ thể, vì thế trong dạy học, giáo dục, trong quan hệ ứng xử phải chú ý nguyên tắc sát đối tượng (cái riêng trong tâm lý mỗi người). Tùy vào từng đặc điểm lứa tuổi của đối tượng mà đưa ra nội dung, phương pháp dạy học, giáo dục phù hợp. VD, học sinh giỏi thì ra bài tập nâng cao, học sinh kém cần quan tâm nhiều hơn và ra bài tập vừa sức,...
Tâm lý là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp, vì thế phải tổ chức hoạt động và các quan hệ giao tiếp để nghiên cứu, hình thành và phát triển tâm lý con người.
2. Tâm lý người có bản chất xã hội - lịch sử
- Tâm lý người có nguồn gốc xã hội. Trong thế giới, phần tự nhiên có ảnh hưởng đến tâm lý, nhưng phần xã hội trong thế giới: các quan hệ kinh tế, các quan hệ xã hội, đạo đức, pháp quyền, quan hệ con người - con người có ý nghĩa quyết định tâm lý con người. Trên thực tế, những trường hợp trẻ em do động vật nuôi từ bé, tâm lý của các trẻ này không hơn hẳn tâm lý loài vật. Mác nói: con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Nếu không được sống trong xã hội loài người, tâm lý con người sẽ không được hình thành và phát triển.
- Tâm lý là sản phẩm của hoạt động và mối quan hệ giao tiếp của con người với tư cách là một chủ thể xã hội. Ngay cả phần tự nhiên ở con người (như đặc điểm cơ thể, giác quan, thần kinh, bộ não) cũng được xã hội hóa ở mức cao nhất. Ph. Ăngghen viết: "sự hình thành 5 giác quan người là công việc của toàn bộ xã hội lịch sử...". Vì thế, tâm lý mang đầy đủ dấu ấn xã hội lịch sử của con người.
- Tâm lý của mỗi cá nhân là kết quả của quá trình lĩnh hội, tiếp thu vốn kinh nghiệm xã hội, nền văn hóa (biến thành cái riêng của mỗi người) thông qua hoạt động, giao tiếp của con người trong các mối quan hệ xã hội mà trong đó giáo dục giữ vai trò chủ đạo.
- Tâm lý của mỗi con người hình thành, phát triển và biến đổi cùng với sự phát triển của lịch sử cá nhân, lịch sử dân tộc và cộng đồng. Tâm lý của mỗi con người bị chế ước bởi lịch sử của cá nhân và cộng đồng.
* Từ những luận điểm trên có thể rút ra một số kết luận thực tiễn sau :
Cần chú ý nghiên cứu môi trường xã hội, các quan hệ xã hội để hình thành, phát triển tâm lý, cần phải tổ chức có hiệu quả các hoạt động đa dạng ở từng giai đoạn lứa tuổi khác nhau, giúp cho con người lĩnh hội nền văn hóa xã hội để hình thành, phát triển tâm lý con người.
CÂU 2: Khái niệm tư duy
1. Định nghĩa tư duy
Tư duy là một quá trình tâm lý phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ và quan hệ bên trong có tính quy luật của sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết.
· Tư duy là một quá trình tâm lý thuộc nhận thức lý tính.
· Tư duy là một mức độ nhận thức mới về chất so với cảm giác và tri giác .
· Tư duy phản ánh những thuộc tính bên trong, bản chất, những mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật của sự vật, hiện tượng.
· Tư duy có quá trình phản ánh mang tính gián tiếp và khái quát.
2. Các đặc điểm của tư duy
2.1. Tính "có vấn đề" của tư duy
+ Biểu hiện: kích thích gây ra tư duy là hoàn cảnh có vấn đề.
Vấn đề là gì? Vấn đề là một công việc cần giải quyết.
Hoàn cảnh (tình huống) có vấn đề, tức hoàn cảnh có chứa đựng một mục đích mới, một vấn đề mới, một cách thức giải quyết mới mà những phương tiện, phương pháp hoạt động cũ, mặc dầu vẫn còn cần thiết, nhưng không còn đủ sức để giải quyết vấn đề mới đó phải tư duy.
Hoàn cảnh có vấn đề đó phải được cá nhân nhận thức đầy đủ, được chuyển thành nhiệm vụ của cá nhân, nghĩa là phải xác định được cái gì đã biết, đã cho và cái gì còn chưa biết, phải tìm, đồng thời phải có nhu cầu (động cơ) tìm kiếm nó.
+ Chú ý: Những dữ kiện quen thuộc hoặc nằm ngoài tầm hiểu biết của cá nhân thì tư duy không xuất hiện. Ví dụ câu hỏi: "thiên cầu là gì" sẽ không làm cho học sinh lớp một suy nghĩ. Hoàn cảnh có vấn đề có thể xảy ra với người này mà không xảy ra với người khác.
+ Ý nghĩa:
• Kích thích tính tích cực nhận thức của người học, thúc đẩy sự phát triển của bản thân.
• Làm cơ sở cho việc đề ra phương pháp dạy học mới hiện nay, dạy học nêu vấn đề.
+ Bài học sư phạm:
• Phải đưa học sinh vào những tình huống có vấn đề để kích thích học sinh tư duy (Lưu ý: cần phải xem xét khả năng hiện có của đối tượng để đặt ra tình huống phù hợp).
• Phải phân loại trình độ học sinh để đưa ra những bài tập phù hợp.
• Trong dạy học "nguỵ trang" một dữ kiện.
• Hệ thống câu hỏi phải gợi mở...
• Một bài toán có nhiều đáp án tự chọn... đều nhằm tạo hoàn cảnh có vấn đề để kích thích học sinh suy nghĩ.
2.2. Tính gián tiếp của tư duy
+ Biểu hiện:
• Tính gián tiếp của tư duy được thể hiện ở việc con người sử dụng ngôn ngữ để tư duy (quy tắc, công thức, quy luật, khái niệm,...).
• Tính gián tiếp của tư duy còn thể hiện ở chỗ con người sử dụng những công cụ, phương tiện (như đồng hồ, nhiệt kế, máy móc,...) để nhận thức đối tượng.
+ Ý nghĩa: Nhờ tính gián tiếp mà tư duy của con người đã mở rộng không giới hạn, con người không chỉ phản ánh những gì diễn ra trong hiện tại mà còn phản ánh được cả quá khứ và tương lai.
+ Bài học sư phạm:
• Không nên cung cấp đầy đủ, rõ ràng các dữ kiện khi ra bài tập cho học sinh để phát huy khả năng suy luận của các em.
• Sử dụng đồ dùng trực quan hợp lý, đúng mực, nếu lạm dụng sẽ làm mất dần khả năng phản ánh gián tiếp của tư duy tập thể của học sinh bằng cách trao đổi, thảo luận nhóm...
CÂU 4:
1.Tình cảm là gì?
Tình cảm là những thái độ thể hiện sự rung cảm của con người đối với những sự vật, hiện tượng có liên quan tới nhu cầu và động cơ của họ.
2. Các quy luật của tình cảm
2.1. Quy luật "thích ứng"
- Một tình cảm nào đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần một cách đơn điệu thì đến một lúc nào đó có hiện tượng thích ứng, mạng tính chất "chai sạn" của tình cảm. Dân gian vẫn thường nói "gần thường xa thương" là vậy.
- Vận dụng:
+ Rèn luyện cho học sinh thích ứng với điều kiện và hoạt động mới.
+ Trong dạy học, giáo dục để tránh hiện tượng "chai sạn", giáo viên cần:
. Thường xuyên thay đổi phương pháp dạy học, giáo dục.
. Sử dụng phượng tiện trực quan.
. Nội dung bài giảng phải được chế biến hấp dẫn và mới lạ.
. Ngôn ngữ phong phú, có ngữ điệu, "giáo viên như một diễn viên" (Makarencô)
Ví dụ: Trong dạy học, không nên phê bình mãi một khuyết điểm, nó sẽ làm cho học sinh thêm gan lì.
2.5. Quy luật "lây lan"
- Tình cảm của con người có thể truyền (lây) từ người này sang người khác. Hiện tượng "vui lây", "buồn lây", "đồng cảm", "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ" là những biểu hiện của quy luật "lây lan" tình cảm.
Lơbon: "Lây lan là một nạn truyền nhiễm, nó phát triển theo nguyên tắc cộng hưởng, nó tỉ lệ thuận với số đông người, càng đông người bao nhiêu càng lây lan bấy nhiêu".
- Vận dụng:
+ Giáo dục trong tập thể và thông qua tập thể.
+ Trong tập thể cần xây dựng những tình cảm tốt đẹp, lành mạnh, xây dựng tập thể học sinh tương thân tương ái "niềm vui nhân đôi, nỗi buồn sẻ nữa", có biện pháp ngăn chặn những dư luận, tin đồn thất thiệt gây hoảng loạn.
Tuy nhiên, việc "lây lan" tình cảm từ chủ thể này đến chủ thể khác không phải là con đường chủ yếu để hình thành tình cảm.
2.6. Quy luật về sự hình thành tình cảm
- Xúc cảm là cơ sở của tình cảm. Tình cảm được hình thành do quá trình tổng hợp hoá, động hình hoá, khái quát hoá những xúc cảm đồng loại (cùng một phạm trù, một phạm vi đối tượng). Ví dụ, tình cảm của con cái đối với cha mẹ là xúc cảm (dương tính) thường xuyên xuất hiện do liên tục được cha mẹ thoả mãn nhu cầu, dần dần được tổng hợp hoá, động hình hoá, khái quát hoá mà thành.
- Vận dụng:
+ Muốn hình thành tình cảm cho học sinh phải đi từ xúc cảm đồng loại.
+ Người thực việc thực là kích thích dễ gây rung động nhất.
CÂU 5:
1.Tính cách là gì?
Là một thuộc tính tâm lý phức hợp của cá nhân bao gồm một hệ thống thái độ của nó đối với hiện thực, thể hiện trong hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng tương ứng.
2. Cấu trúc của tính cách
"Nếu bạn hình dung các nét tính cách riêng lẻ một cách hoàn toàn tách rời, thì tất nhiên bạn không xác định được tính cách của một người, mà phải nắm lấy hệ thống các nét tính cách và hãy nghiên cứu xem trong hệ thống ấy những nét nào nổi lên, những nét nào bị chìm xuống..." (Paplov).
Cấu trúc của tính cách bao gồm: hệ thống thái độ và hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng tương ứng.
- Hệ thống thái độ cá nhân gồm 4 mặt sau:
+ Thái độ đối với tập thể và xã hội thể hiện qua: lòng yêu nước, yêu CNXH; thái độ chính trị; tinh thần đổi mới; tinh thần hợp tác cộng đồng,...
+ Thái độ đối với lao động: lòng yêu lao động, cần cù, sáng tạo, lao động có kỷ luật, tiết kiệm, đem lại năng xuất cao...
+ Thái độ đối với mọi người: lòng yêu thương con người, quý trọng con người, có tinh thần đoàn kết tương trợ, tính cởi mở, tính chân thành, thẳng thắn, công bằng,...
+ Thái độ đối với bản thân: tính khiêm tốn, lòng tự trọng, tinh thần tự phê bình,...
- Hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng: Đây là sự thể hiện cụ thể ra bên ngoài của hệ thống thái độ nói trên. Trong đó thái độ là mặt nội dung, mặt chủ đạo, còn hành vi, cử chỉ, cách nói năng là hình thức biểu hiện của tính cách, chúng thống nhất hữu cơ với nhau.
Cả hai hệ thống trên đều có quan hệ chặt chẽ với xu hướng, tình cảm ,ý chí , khí chất, kỹ xảo, thói quen và vốn tri thức của cá nhân.
3.Biện pháp giáo dục tính cách học sinh :
* Từ mối quan hệ giữa hoạt động và nhân cách, chúng ta nhận thấy rằng: Muốn hình thành nhân cách của học sinh vào những hoạt động nhất định, giáo viên cần chú ý thay đổi làm phong phú nội dung, hình thức, cách thức tổ chức hoạt động cho học sinh, sao cho lôi cuốn thực sự các em tham gia tích cực, tự giác vào các hoạt động đó, nhằm phát huy tính tích cực sáng tạo của học sinh để các em tự chiếm lĩnh tri thức.
* Nhân cách học sinh chỉ có thể được hình thành trong và bằng tập thể học sinh, đoàn thanh niên, đội thiếu niên. Tập thể học sinh tác động vào từng nhân cách là thành viên qua sự theo dõi, kiểm tra, đánh giá hành vi của họ bằng dư luận tập thể. Dư luận tập thể có tác dụng động viên mạnh mẽ, kịp thời các hành vi tốt, ngăn chặn các hành vi chưa tốt. Chính vì vậy, cần phải xây dựng tập thể học sinh đoàn kết, vững mạnh có truyền thống và dư luận lành mạnh là yếu tố quan trọng để hình thành và phát triển nhân cách của học sinh.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top