Phần 2: Kết cục (3) - Đường sống (6)

Trọng Khôn Nghi đang suy nghĩ có nên tìm cớ để rời đi hay không, tránh cho đối phương lại đề cập tới Mộ Dung Ly rồi cuối cùng mình lại giống như một kẻ tiểu nhân vu cáo.

Nhưng không ngờ Công Tôn Kiềm lại lên tiếng trước: "Trọng huynh, huynh có thể trả lời ta mấy điều không?"

Trọng Khôn Nghi trong lòng căng thẳng, muốn nhẹ nhàng chuyển đề tài: "Trình độ binh pháp của ta không thể sánh với Công Tôn huynh, Công Tôn huynh cũng đừng làm khó ta."

"Ta bây giờ không muốn nói đùa với huynh." Công Tôn Kiềm nghiêm túc, "Người khác lừa gạt ta thì thôi, nhưng huynh không giống như vậy, ta muốn huynh nói thật."

Không biết bởi vì một lời "người khác", hay là vì "huynh không giống như vậy" mà trong lòng Trọng Khôn Nghi đột nhiên bị kích thích khiến hắn có chút chấn động: "Được, đêm nay, ta sẽ chỉ nói lời thật lòng với Công Tôn huynh."

"Ta xin hỏi huynh, trước đây hai nước Thiên Tuyền Thiên Ki kịch chiến với Nam Túc, vì sao huynh chỉ khoanh tay đứng nhìn? Đừng nói với ta về lá thư của Mộ Dung Ly, trước đó huynh đã án binh bất động một tháng ở biên giới Thiên Ki, ta muốn biết huynh rốt cuộc đang băn khoăn điều gì?"

"Công Tôn huynh đừng vội, ta và huynh cũng đều vì chủ tử, tuy đã kết minh nhưng thời khắc mấu chốt vẫn phải lấy lợi ích bản quốc làm đầu. Mộ Dung Ly cũng có điểm nói không sai, ta tội gì chỉ vì một Thiên Ki mà đắc tội Nam Túc, ngược lại tự gây tai họa cho mình. Huống hồ ngày đó ta chỉ hứa sẽ cung cấp chiến mã cho liên quân, còn chuyện xuất binh là nể tình mấy nước chúng ta là đồng nguyên, nếu không xuất binh thì các người có thể làm gì ta?"

"Hôm đó trên núi Phù Ngọc, bốn nước cũng không viết quốc thư, vốn tưởng rằng chư vị đều là người đáng tin, không nghĩ tới Trọng huynh lại như vậy." Công Tôn Kiềm lắc đầu than thở, "Hôm nay huynh vội vàng hạ lệnh rút quân, cũng là vì nguyên nhân này?"

"Đúng vậy, Thiên Xu ta binh nhỏ tướng ít, đương nhiên phải lưu lại cho mình một đường lui, cần gì phải vì chuyện của người khác mà đánh cược tài sản tính mạng của mình?"

"Ta còn nghe nói huynh ở Thiên Xu đã triệu tập một nhóm sĩ tử hàn môn làm phụ tá cho mình, công khai đối đầu với tam đại thế gia, có chuyện này sao?"

Trọng Khôn Nghi giống như bị chọc giận, giọng điệu trở nên kích động: "Công Tôn huynh chẳng lẽ còn muốn nói đỡ cho tam đại thế gia sao? Huynh có biết bọn họ đã phái bao nhiêu thích khách để ám hại ta, nếu không phải Trọng Khôn Nghi này mạng lớn, hôm nay chỉ sợ cũng không có phúc cùng uống rượu với huynh và Tề Tướng quân. Sao vậy, ta không thể phản kháng sao? Hay Công Tôn huynh cho rằng ta là một kẻ thấp kém đáng để người đời chà đạp?"

"Trọng huynh cần gì phải nói những lời như vậy!" Công Tôn Kiềm vội nói: "Ta dĩ nhiên đứng về phía Trọng huynh, nhưng các ngươi mang ân oán cá nhân lên triều đình như vậy, sẽ khiến Thiên Xu vương khó xử."

Trọng Khôn Nghi hừ một tiếng, lạnh lùng nói: "Công Tôn huynh không cần giải thích, ta hiểu ý của huynh. Huynh đầu tiên chỉ trích ta không vì nghĩa mà vì lợi, còn ám chỉ ta 'Xảo ngôn lệnh sắc'(*), bây giờ lại khuyên ta 'Quân tử bất đảng'(**). Lời trong lời ngoài, không phải đang muốn nói ta bất nhân bất nghĩa, hành vi tiểu nhân sao?"

(*)巧言令色: Chỉ những kẻ có lời nói hoa mỹ và bề ngoài kiểu cách.

(**)君子不党: Người quân tử phải lo cho cái chung, lo cho thiên hạ, mà không nên chăm chăm lo cho quyền lợi của mình.

Công Tôn Kiềm khó xử: "Không nghĩ tới Trọng huynh sẽ xuyên tạc lời của ta như vậy, ta cũng không nói Trọng huynh đã làm sai, chỉ là ta cũng có lập trường của riêng mình."

Bầu không khí nhất thời bị đóng băng, đống lửa cháy bập bùng phía trước nhưng không thể truyền nhiệt độ vào giữa hai người. Một khi đã nóng giận, ngay đến rượu đã vào bao tử cũng trở nên châm chích.

Cuối cùng vẫn là Công Tôn Kiềm bình tĩnh trước: "Thân mật khuyên bảo, nhẹ nhàng vui vẻ có thể là kẻ sĩ. Quân tử bất hòa vốn là chuyện thường, huynh cần gì phải vì mấy lời tranh luận nhất thời mà để bụng chứ?"

Trọng Khôn Nghi nghiêm túc nói: "Chỉ có quân tử mới có thể thấu hiểu chí hướng thiên hạ. Ta cho rằng trên thế gian này chỉ có quân tử tài đức như Công Tôn huynh mới có thể chân chính hiểu ta, không nghĩ tới quân tử cũng có những lúc bảo thủ như vậy. Nếu hôm nay Công Tôn huynh nguyện thành thật với ta, chúng ta sao không mượn cơ hội này để luận đạo. Giống như bàn về chính trị trong học cung vậy, chỉ tỏ chính kiến, không phân cao thấp."

Công Tôn Kiềm khen ngợi: "Hay cho câu 'chỉ tỏ chính kiến, không phân cao thấp'! Chỉ là chúng ta trước khi nói hết, bất kể như thế nào, cũng không được làm tổn hại hòa khí giữa hai người."

"Tất nhiên rồi."

"Mời Trọng huynh nói trước."

"Cung kính không bằng tuân mệnh. Nếu Công Tôn huynh cảm thấy ta 'bất nhân', vậy ta trước hết xin hỏi Công Tôn huynh, 'nhân' là gì?"

Công Tôn Kiềm đáp lời không chút nghĩ ngợi: "Thương người là nhân; khắc chế bản thân theo lễ là nhân; điều mình không muốn, chớ làm cho người là nhân; khi nhàn cư phải khiêm cung, khi làm việc phải nghiêm trang thận trọng, giao thiệp với người phải trung thực, đây cũng là nhân."

"Ồ?" Trọng Khôn Nghi nheo mắt, "Vậy vì sao Tử Văn ba lần làm quan lệnh doãn nước Sở mà không vui mừng, ba lần bị bãi quan mà không oán hận lại không phải là nhân? Vì sao Trần Văn tử dám vứt bỏ xe ngựa rời bang lại không phải là nhân? Mà vì sao Quản Trọng quy ra ba lỗi, không cần kiệm, có phản điếm(*), không biết lễ, Khổng tử vẫn cho đây là nhân?"

(*)反坫: Bệ đặt chén khi có yến tiệc.

Công Tôn Kiềm mỉm cười: "Câu hỏi rất thú vị, xin được nghe cao kiến của Trọng huynh trước." Vừa nói, hắn làm động tác mời.

Trọng Khôn Nghi phấn chấn, thẳng thắn nói ra, trong thoáng chốc cảm thấy mình lại trở về là một sĩ tử bình thường trong học cung: "Đó là bởi vì Quản Trọng phụ tá Tề Hoàn đại an thiên hạ, dùng sự uyên bác để cứu tế dân chúng. Còn việc có phản điếm trong ba lỗi, chính là việc lớn không được vượt quá giới hạn, việc nhỏ thì có thể thêm bớt một chút. Thánh nhân không câu nệ, theo đời mà biến thông. Quân tử sống trong thiên hạ, không kể lớn nhỏ, sang hèn, đều phải ngẫm xem có hợp đạo nghĩa hay không. Trọng Khôn Nghi ta tự cho có khả năng quản nhạc, bên trong nguyện trừ bỏ gian trá, ban ơn bách tính; bên ngoài thì nguyện Vương nghiệp thành, bốn bể thanh liêm, thiên hạ thái bình. Muốn làm chuyện phi thường, đương nhiên phải dùng thủ đoạn. Đây cũng là lý lẽ 'Người biến thông phù hợp xu thời."

Công Tôn Kiềm nâng chén: "Trước tiên ta xin kính một chén vì lăng vân tráng chí của Trọng huynh." Hắn ngửa đầu, trên vạt áo rơi xuống một chút rượu.

Nhưng uống xong, hắn lại lắc đầu: "Đáng tiếc chữ 'biến' trong 'biến thông' này không phải là 'Cùng tắc tư biến'(*), mà lại là 'biến' trong 'Dục tốc' hay 'tham lợi nhỏ."

(*)穷则思变: Nghịch cảnh dẫn đến thành công, cái khó ló cái khôn.

Trọng Khôn Nghi nhíu mày: "Công Tôn huynh có ý gì?"

"Ngày trước Trọng huynh trù tính giảm sản lượng lương thực Thiên Ki, có từng dự liệu được tai họa Nam Túc xâm phạm Thiên Ki hôm nay không? Đó chẳng lẽ không phải là 'Dục tốc bất đạt'? Huynh nắm đại quân trong tay mà chỉ bình chân như vại, có từng nghĩ tới một khi Thiên Ki bị diệt, hai nước chúng ta sẽ là tình cảnh môi hở răng lạnh thế nào không? Đây chẳng phải là 'Tham lợi nhỏ mà hỏng đại sự' sao?"

Trọng Khôn Nghi vội nói: "Đây chỉ có thể nói là người tính không bằng trời tính, ta cũng không phải người có khả năng tiên tri! Chuyện liên minh, chính là Mộ Dung Ly âm thầm gây chia rẽ, còn kế da chồn đen lông bạch hạc, còn không phải huynh không muốn cùng ta nhân cơ hội tấn công Thiên Ki..." Hắn tự thấy bản thân có chút mất kiểm soát, chợt dừng lại lời tiếp theo.

Công Tôn Kiềm khẽ cười: "Nếu ta đồng ý tấn công Thiên Ki cùng huynh thì sao? Để Nam Túc và Thiên Quyền tọa sơn quan hổ đấu, sau đó sẽ ngư ông đắc lợi?"

Trọng Khôn Nghi không nói lời nào.

Công Tôn Kiềm tiếp tục nói: "Trọng huynh, đây cũng là điểm hạn chế của huynh. Ta luôn cho rằng huynh là người thức thời, hiểu thiên mệnh. Ngày đó huynh đã từng nói, nếu phải chờ người khác tới động thủ, chi bằng mình động thủ trước, ta cũng đồng ý với quan điểm của huynh, chuyện huynh lên kế hoạch thông thương càng khiến ta bội phục không thôi. Nhưng sao lần này huynh lại không thấy rõ những lợi ích quan trọng hơn? Sau này nếu thời cơ chín muồi, ta tự nhiên sẽ cùng huynh hợp lực đối chọi Thiên Ki, nhưng bây giờ chưa đến lúc. Trước mắt, sự cân bằng giữa các nước không thể bị phá vỡ, đây cũng chính là lý do vì sao ta luôn cố gắng muốn liên hiệp với huynh, Tề Tướng quân, còn có..." Hắn dừng lại một chút, "Còn có Mộ Dung Ly."

"Hơn nữa, hành sự bất tín thì danh tiếng tất bại. Tư lợi quên danh, chưa chắc đã vì người trong thiên hạ. Thế nào là 'tiểu đức'? Thế nào là 'đại đức'? Trọng huynh thất tín với ta là nhỏ, mà Thiên Xu thất tín với thiên hạ thì là lớn sao? Thành tín thì được người tín nhiệm. Nương theo lợi mà hành động thì nhiều oán thù. Sau này nếu Thiên Tuyền và Thiên Xu cùng xuất binh đánh Thiên Ki hay Thiên Quyền, ta còn có thể yên lòng tín nhiệm Trọng huynh sao?"

Trọng Khôn Nghi cẩn thận nghiền ngẫm lời hắn nói, chợt thở dài: "Công Tôn huynh giỏi hùng biện, ta cũng không biết phải biện luận từ đâu."

Công Tôn Kiềm cười: "Vậy chi bằng đổi lại ta hỏi Trọng huynh, Trọng huynh nghĩ thế nào đối với việc thế gia tranh lợi với bách tính?"

Những lời này như chạm đến tâm khảm Trọng Khôn Nghi, hắn không suy nghĩ mà mở miệng đáp: "Trong loạn thế mà thế gia đại tộc lại tham vinh hoa phú quý, chính là một nỗi ô danh cho nhân thần.《Quân sấm》có viết: 'Cành lá lớn mạnh, thế lực bành trướng, ti tiện chèn ép, lợi ích lâu dài, quân không dám phế, nước bị diệt vong.'"

"Phế như thế nào? Phạt sao? Giết ư?"

"Đạo quân tử, bần thì thấy liêm, phú thì thấy nghĩa. Nếu làm giàu bất nhân, làm thần bất trung, tất nhiên phải trừ bỏ sớm. Phải biết rằng, có thể giận mà không giận, gian thần sẽ tác quái, có thể giết mà không giết, kẻ gian sẽ sản sinh."

"Đây chính là nguyên nhân huynh tập hợp sĩ tử hàn môn, tự lập thành một đảng?"

"Đúng vậy, ta muốn cho tất cả mọi người biết, những sĩ tử xuất thân hàn môn có thể vì quân vương bày mưu tính kế, cũng có thể sống sót trong loạn thế này, hơn nữa còn sống rất tốt."

"Vậy nếu như Trọng huynh sau này quyền cao chức trọng, nắm trong tay quyền bổ nhiệm bãi nhiệm nhân sự, sẽ dùng con cháu thế gia đại tộc làm quan không?"

Trọng Khôn Nghi xem thường: "Đời trước dùng lễ nhạc coi trọng phối hợp nội dung và hình thức, về sau bị coi là quê mùa. Đời sau coi trọng hình thức hơn nội dung thì được xem là quân tử. Khi dùng lễ nhạc, chẳng lẽ ta vẫn phải theo đời trước sao?"

"Xem ra nếu ta làm thủ hạ của Trọng huynh thì sẽ không được lợi ích gì?" Công Tôn Kiềm bật cười.

Trọng Khôn Nghi đột nhiên nhớ tới Công Tôn thị tuy gia cảnh sa sút, nhưng Công Tôn Kiềm vẫn coi như con cháu sĩ tộc, một lời vừa rồi của mình đúng là đã mạo muội.

"Ta vô tình mạo phạm, mong Công Tôn huynh thứ lỗi."

Hắn muốn đứng lên hành lễ bồi tội, lại bị Công Tôn Kiềm giữ lại: "Hai chúng ta chỉ luận đạo mà thôi, tại sao lại mạo phạm? Chỉ là Trọng huynh cảm thấy con cháu thế gia như ta lại là loại người tội ác tày trời như vậy sao? Còn có Tô Nghiêm nữa." Công Tôn Kiềm liếc nhìn sắc mặt hắn, "Nếu huynh có thể nhận ra thủ hạ của Mộ Dung Ly, chắc hẳn vẫn luôn quan tâm đến cái chết của Tô Nghiêm phải không?"

Không đợi Trọng Khôn Nghi nói lời phản đối, Công Tôn Kiềm lại hỏi một câu: "Hắn là kẻ tội ác tày trời sao?"

Trọng Khôn Nghi bị hỏi đến sửng sốt, chỉ cúi đầu lắc chén rượu làm tan vỡ bóng trăng khuyết.

Hắn nhớ lại, dường như có một lần dưới ánh trăng tàn, Tô Nghiêm đã từng nói với mình không ít lời:

"Khổng tử nói: 'Bất thiên nộ, bất nhị quá.'"

"Thế gia cũng không tệ hại như ngươi nghĩ đâu."

"Nếu ta nói mai sau ta quản lý Tô gia, sẽ tận lực làm những việc có ích cho bách tính, ngươi có tin không?"

"Ta có thể bỏ qua cho ngươi, nhưng ngươi vì sao không thể nể mặt ta?"

...

Trọng Khôn Nghi chưa bao giờ coi Tô Nghiêm là bằng hữu, nhưng lúc này bất giác lại nảy sinh một chút thương tiếc.

"Hắn tuy có chút ngạo mạn, nhưng cũng không tính là người xấu, ít nhất còn chưa kịp trở thành người xấu."

"Hắn học tốt, sách luận nhiều lần đều đứng đầu bảng, cũng không vì vậy mà xem thường người khác, có một lần hắn thậm chí còn muốn tiến cử ta với thúc phụ của mình."

"Có một việc, ta chưa từng nói với người ngoài. Thật ra ở Điển khách thự Thiên Ki, ta và Tô Nghiêm đã từng tranh cãi một lần. Hôm đó hắn gặp sơn tặc, dù có chết cũng không chịu trốn đi, nói muốn để ta biết được khí phách của thế gia, đại khái cũng vì đang giận ta mà thôi. Nếu đêm đó ta không nói những lời kích động hắn, có phải hắn sẽ không chết hay không?"

"Công Tôn huynh, huynh nói đúng, ta đúng là không thể quên được."

Nhưng nếu như Tô Nghiêm còn sống, mình còn có thể thuận lợi ngồi đến vị trí ngày hôm nay sao? Trong lòng mình rốt cuộc là hy vọng hắn còn sống, hay là mong đợi hắn chết sớm một chút đây?

Hắn còn chưa kịp suy nghĩ thì Công Tôn Kiềm đã nhẹ nhàng vỗ vai: "Trọng huynh không nên tự trách, chuyện này không liên quan đến huynh. Ta chỉ muốn nhắc nhở huynh hai chuyện, thứ nhất là 'Quân tử bất dĩ nhân phế ngôn'(*), đừng coi toàn bộ con cháu thế gia là thù địch của mình, nên dùng thì phải dùng, nên lôi kéo cũng phải lôi kéo, như vậy sẽ càng có lợi đối với Thiên Xu vương. Thứ hai là 'Kẻ hiếu dũng mà ghét cảnh nghèo hèn thì sẽ làm loạn. Kẻ bất nhân mà bị ghét bỏ thái quá cũng dễ nổi loạn', người cầm quyền, cần gì phải giết người? Giận không quá mức, vui không quá mừng, phải lấy chính trực báo oán, lấy pháp thắng tư."

(*)君子不以人废言: Ý nói người không có đức mà có lời hay thì người quân tử không vì người đó không ra gì mà bỏ lời nói hay của họ (Luận ngữ - Khổng tử)

Trọng Khôn Nghi lẩm bẩm: "Lấy pháp thắng tư..."

"Ta lại hỏi Trọng huynh, 'Quân tử có thể lấy công nghĩa thắng tư dục', Trọng huynh ngày trước sầu muộn vì gia cảnh, công nghĩa thì sao? Tư dục thì sao?"

Trọng Khôn Nghi khôi phục tinh thần, hắn cũng nhìn thấu tâm tư của Công Tôn Kiềm, trên khuôn mặt lộ ra một nụ cười yếu ớt: "Dĩ nhiên là công nghĩa. Điều ta muốn làm chính là dẫn đầu những sĩ tử hàn môn phá bỏ sự bành trướng của môn phiệt đại tộc đối với kinh tế, đối với lũng đoạn chính sự, mưu cầu vì bách tính, mở ra một con đường thăng tiến cho kẻ sĩ bần bàn, cái này chẳng lẽ không tính là công nghĩa sao?"

"Vậy huynh nói mưu cầu vì bách tính, là chỉ có bách tính Thiên Xu sao? Hay là bách tính thiên hạ?"

"Trước mắt tất nhiên chỉ là bách tính Thiên Xu ta, có cái gọi là 'Dân không tận lực, không phải dân của ta'. Dĩ nhiên, nếu có một ngày Thiên Xu thâu tóm thiên hạ, thì đó chính là 'Người khắp cõi này, ai chẳng là bề tôi của Vương'."

Công Tôn Kiềm cảm thấy người này đêm nay đã thật sự rất thẳng thắn: "Trọng huynh khẩu khí lớn, dã tâm còn lớn hơn. Những lời này đúng là 'biến' hóa kỳ diệu."

Trọng Khôn Nghi cười đắc ý: "Công Tôn huynh khen lầm, ta ngược lại cũng muốn nhắc nhở Công Tôn huynh một câu: Người quân tử giữ vững chính nghĩa, không cố chấp điều tín nhỏ nhặt. Đừng quá câu nệ những nguyên tắc kia, những lúc nên biến báo thì biến báo. Đặc biệt đối với con người, đừng quá bao dung, nếu không trong loạn thế, người phải chịu thua thiệt chính là huynh."

Công Tôn Kiềm cười khổ: "Ta vốn tưởng rằng đã nắm chắc phần thắng, không nghĩ tới cuối cùng lại bị huynh chiếu tướng. Đành vậy. Trên thuật quyền biến, ta quả thực không bằng Trọng huynh. Còn con mắt nhìn người," Hắn lắc đầu. "Lại không chính xác được như Tề Tướng quân."

Trọng Khôn Nghi thấy hắn như vậy, chợt sinh lòng an ủi: "Công Tôn huynh không cần nói như vậy. Ý của huynh ta đã hiểu đại khái, huynh muốn ta phóng tầm mắt, chờ thời cơ hành động, đừng quá nóng vội hấp tấp; còn muốn ta bao dung thiên hạ, tàng phong thu mình, đừng quá cố chấp một mặt. Lời dạy bảo hôm nay của Công Tôn huynh, ta xin ghi nhớ."

"Không dám nói dạy bảo, Trọng huynh cũng đã nói, mỗi lời hôm nay không phân cao thấp. Ta chỉ muốn hỏi Trọng huynh một câu cuối cùng, nếu có một ngày huynh nắm trong tay quyền cao chức trọng, liệu có giống như thế tộc hôm nay, lấy tư dục thắng công nghĩa?"

Trọng Khôn Nghi nghe lời này, cũng không lập tức đáp lại.

Trước kia dường như Tô Nghiêm cũng từng hỏi hắn một lời như vậy, khi đó hắn đã đáp lại không chút nghĩ ngợi: "Trọng Khôn Nghi ta mặc dù bất tài nhưng tuyệt đối sẽ không cùng một giuộc với sĩ tộc đại gia các ngươi, không từ thủ đoạn để đạt được lợi ích."

Mà nay câu trả lời của hắn có còn được như trước hay không?

Hắn không khỏi nhớ đến lần gặp mặt khó xử với phu tử mấy ngày trước.

Hôm đó, hắn đến học cung chiêu nạp môn khách, vốn muốn tận lực tránh phu tử, nhưng cuối cùng vẫn gặp mặt.

Trọng Khôn Nghi tự nhận, có thể leo tới địa vị ngày hôm nay, mỗi bước tiến đều dựa vào bản lĩnh thật sự, từ trước đến nay chỉ có người khác có lỗi với hắn, hắn tự cảm thấy chưa bao giờ phụ bất kỳ ai. Chỉ riêng đối với phu tử, hắn lại cảm thấy có mấy phần hổ thẹn.

Nhớ lại ngày đầu tiên ở học cung, phu tử đã từng nói với bọn họ: "Ta không làm điều gì mà không cho các trò hay biết.", ông quả thật đã lấy hành động để chứng minh. Những năm này, phu tử đều đối xử chân thành với mọi sĩ tử trong học cung, không giữ lại điều gì, đối với Trọng Khôn Nghi lại càng ân cần dạy bảo, chiếu cố có thừa.

Nhưng Trọng Khôn Nghi rốt cuộc lại không thể thẳng thắn đối với ông như vậy.

Hôm đó phu tử chạm vào cây bút của Tô Nghiêm, nói đến tiết khí cốc vũ năm ấy. Trọng Khôn Nghi nhìn ra được, thật ra phu tử rất đau lòng. Nhưng ông cũng không can thiệp vào sự lựa chọn của hắn, đây là quy tắc giáo dục nhất quán của ông, không bao giờ áp đặt ý nguyện cá nhân của mình lên học trò. Cốc vũ ngày đó, phu tử đã từng nói, ông nguyện ý nhìn học trò của mình trưởng thành theo thiên tính, không cần nịnh bợ thế tục, càng không cần nịnh bợ ông.

Đây chính là điểm cao siêu của phu tử.

Vì vậy hôm đó ông cũng không nói nhiều lời, chỉ là lúc sắp từ biệt đã tặng cây bút của Tô Nghiêm cho mình. Trọng Khôn Nghi mơ hồ hiểu ra dụng ý của phu tử, bởi vì địa vị ngày hôm nay của mình dù sao cũng là đạp trên thi thể của Tô Nghiêm, vì vậy phu tử hy vọng mình cũng có thể mang theo một phần lý tưởng chưa kịp đạt thành của Tô Nghiêm mà bước đi trên con đường danh vọng này.

Trọng Khôn Nghi dĩ nhiên sẽ không giả bộ cam kết với phu tử rằng mình sẽ thừa kế ý chí của Tô Nghiêm. Hắn khổ tâm trù tính là vì vương thượng, vì bản thân mình, bất kể thế nào cũng không phải vì Tô Nghiêm. Nhưng từ đó về sau, hắn vẫn luôn mang theo cây bút kia bên người. Tô Nghiêm đã từng muốn chứng minh khí phách của thế gia đại tộc với hắn, hôm nay hắn dĩ nhiên cũng phải chứng minh khí tiết của sĩ tử hàn môn với Tô Nghiêm. Nếu như Tô Nghiêm ở trên trời có linh thiêng, vậy Trọng Khôn Nghi phải để hắn tận mắt nhìn thấy mình sẽ phá vỡ những ràng buộc của thế gia đại tộc, mở ra một vùng trời mới ở Thiên Xu. Hắn chính là muốn nói với Tô Nghiêm rằng Trọng Khôn Nghi hắn mới là người thắng cuộc cuối cùng, hơn nữa còn thắng một cách trong sạch!

Nếu mình thật sự trở nên giống thế tộc hôm nay, chẳng phải sẽ khiến Tô Nghiêm chê cười sao?

Hắn theo bản năng chạm vào cây bút trong tay áo, trái tim dần trở nên an định.

Trọng Khôn Nghi trầm tư hồi lâu mới dùng giọng điệu kiên định như ngày hôm đó để nói ra hai chữ: "Sẽ không."

"Hy vọng Trọng huynh sẽ không nuốt lời!" Công Tôn Kiềm nâng chén rượu: "Đêm nay luận đạo, tâm tình thông suốt. Trọng huynh ngày trước có nói 'Tu dưỡng bản thân để làm yên bách tính', đây chính là con đường tại hạ nguyện bước đi cả đời này. Chúng ta tuy ai vì chủ nấy, nhưng lại gặp gỡ trên con đường này, trăm nỗi lo mà nhất trí. Ta chúc Trọng huynh sớm được toại nguyện."

Nhưng cùng là học giả, có thể không đi chung đường, cho dù đi chung đường, có thể không cùng lập trường; có thể cùng lập trường, nhưng có thể không cùng quyền lợi.

Trọng Khôn Nghi học cùng Tô Nghiêm mấy năm nhưng không đi chung đường. Hôm nay, hắn may mắn được đi chung đường với Công Tôn Kiềm, nhưng có thể cùng "lập trường" hay "quyền lợi" hay không? Đây còn phải tùy vào cơ duyên sau này của bọn họ.

Bất kể như thế nào, mắt xanh giọng hát đều chưa lão, cùng người đêm nay ta cùng say.

Trọng Khôn Nghi cũng rót một chén rượu: "Người quân tử dùng văn họp bạn, dùng bạn bồi dưỡng nhân đức, cần phải như vậy."

"Lời nói đồng lòng, thơm như hoa lan, cạn!"

Hai người lúc này hông mang bội kiếm, miệng lớn uống rượu, không giống như văn sĩ mà giống như một đôi hiệp khách hành tẩu giang hồ.

"Đáng tiếc đêm nay trăng không đẹp, lần sau uống rượu nhất định phải tìm một đêm trăng tròn." Công Tôn Kiềm tâm tình sảng khoái, lại bắt đầu nói đùa.

Nhưng Trọng Khôn Nghi lại thực tế hơn nhiều: "Hôm nay luận đạo tuy không phân cao thấp, nhưng giữa chúng ta chung quy vẫn phải có kẻ thắng người thua. Đợi đến ngày phân thắng bại, bất kể tình cảnh của chúng ta khi ấy ra sao, sẽ lại ước hẹn đối ẩm sảng khoái như ở nơi này, thế nào?"

"Một lời đã định!"

Vào đêm trăng tàn, hai người mong mỏi trăng tròn, cũng giống như con người khao khát thái bình trong những tháng ngày loạn thế.

Nhưng loạn thế này khiến một số người phải nuốt trái đắng thất bại, đồng thời cũng khiến những người khác có được những cơ hội mới.

Hai vị sĩ tử trẻ tuổi dưới ánh trăng đêm nay, bọn họ đều tìm được người hợp ý trong loạn thế này.

May sao trong mắt bọn họ không chỉ có những nấc thang danh vọng, bọn họ cũng nhìn thấy loạn ly, cũng thấy được khổ nạn.

Bọn họ đã từng tìm kiếm con đường của mình qua sách vở, và cũng để lại dấu ấn riêng của bản thân trên con đường gian khổ này. Bọn họ có lẽ sẽ thất lạc trên giao lộ, nhưng có lẽ sẽ lại gặp nhau, nhân sinh luôn khó dự liệu như vậy.

Điều duy nhất có thể xác định chính là bọn họ sẽ tận lực thay đổi loạn thế, vì mình, cũng vì rất nhiều người khác mà đi tìm một con đường sống, có lẽ con đường kia sẽ phải trải rất nhiều máu tươi xương trắng, có lẽ hai người bọn họ cả đời này cũng không có cách nào đi tới cuối đường, hoặc là một ngày nào đó, ở một nơi nào đó, dưới ánh trăng vàng, bọn họ sẽ gặp lại nhau một lần nữa, nâng chén cộng ẩm, sảng khoái luận đạo.

------------------------------------------------

Chap ko dài mà mất sức quớ :)))

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top