Oneshot
"Nhặt một cây kim vì tình yêu cũng có thể hoán cải một linh hồn"
(Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu)
Vào lần đầu tiên tiếp xúc với truyền hình, thông điệp thứ nhất mà cô bé nhận được chính là, môi trường ngày càng ô nhiễm vì sự tàn phá của con người. Thông điệp thứ hai là, những loài động vật gần như tuyệt chủng bởi sự săn bắn vô độ và trái phép. Suy nghĩ của một đứa trẻ bảy tuổi còn quá đỗi non nớt vào lúc ấy chính là, loài người thật ghê tởm làm sao.
Năm cô bé mười tuổi, cô bé bắt gặp những người bạn cùng trường của mình quây lại ném đá vào một con ếch trong thứ niềm vui độc ác mà cô bé không thể nào hiểu nổi. Cô bé la hét, gào khóc, cầu xin bọn chúng dừng lại, nhưng chẳng một ai trong số họ nghe thấy lời van vỉ của cô bé. Kể từ ngày ấy, cô bé nảy sinh một ý nghĩ, khốn nạn làm sao, giá mà mình không phải sinh ra là một giống loài độc ác như con người.
Năm cô bé mười một tuổi, cô bé nhìn thấy hai bên bờ sông ngập rác. Những hộp nhựa tan chảy và thủng đáy, đồ ăn thừa vữa nát và bốc mùi, những túi nilon úng nước lềnh phềnh trên mặt sông. Một người bước ngang qua cô bé, thản nhiên ném thêm một hộp sữa xuống mặt sông kia. Cô bé quay mặt đi để dằn xuống sự giận dữ đang trào dâng trong lòng mình.
Mười hai tuổi, lần đầu tiên cô bé nếm trải sự phản bội từ bạn bè của mình. Trải nghiệm đó khiến mặt đất bên dưới cô bé như rạn vỡ. Cô bé rơi vào một vực thẳm sâu hút, những cánh tay từ trong vực thẳm kia vươn lên kéo cô bé vào một nơi đầy rắn rết và bóng tối. Cô bé không còn có thể tin tưởng ai được nữa.
Mười ba tuổi, cô bé nói với bạn mình rằng: "Nếu phải chọn sự sống giữa một sinh vật đã tuyệt chủng với một người lạ mà tớ chẳng hề hay biết, tớ sẽ không ngần ngại mà chọn lấy sinh vật đã tuyệt chủng kia. Con người là loài vật tội nghiệt và không đáng sống nhất trên cõi đời này.". Bạn cô bé nhìn cô bé bằng ánh mặt lạ lùng tựa như thứ cảm xúc lẫn lộn giữa sợ hãi và thương hại. Cô bé không hiểu mình đã sai chỗ nào.
Sự oán ghét thân phận của chính mình ngày càng bị đẩy lên đến cùng cực. Từ trước cả khi bước vào tuổi dậy thì, cô bé đã ý thức được rằng giống nòi của mình là giống nòi đáng bị bỏ đi. Một thứ ung nhọt tráo trở đã phản bội tự nhiên và đáng bị cắt bỏ khỏi trái đất. Hầu hết bọn họ chẳng ai tốt lành gì, chẳng một ai.
Năm mười bốn tuổi, hầu hết mọi người đều xa lánh cô bé. Thái độ của cô bé luôn hằn học, cay độc, khiến bạn bè sợ hãi và những người xung quanh khó chịu, cứ như thể tất cả mọi người đang nợ cô bé điều gì đó. Sự cô lập đó khiến cô bé càng thêm cay đắng. Dần dần, cô bé khép mình lại trong sự thù hận với thế giới này. Cô bé oán ghét cả bố mẹ mình, cô bé không yêu cầu được sinh ra, cô bé chẳng muốn được sinh ra trong cái nơi đầy rẫy thống khổ và bế tắc này.
Cô bé nghĩ rằng, vào năm mười tám tuổi, cô bé sẽ kết thúc cuộc đời mình vào thời điểm cô bé đẹp nhất và tương lai rạng ngời nhất như một sự trả thù. Trả thù ai, trả thù cái gì? Ngay cả cô bé cũng không rõ, cô bé chỉ biết rằng cô bé cần phải trút giận lên chính cuộc đời mình và lấy đó làm hả hê. Sự xấu hổ và dằn vặt vì sinh ra là một con người khiến cuộc đời cô bé khốn khổ. Cô bé cảm thấy mình thấp kém hơn cả những con bọ chui rúc dưới bùn, và khinh thường mọi lẽ đời mà cô bé gặp biết được. Những thói thường và thẩm mỹ của con người, xét cho cùng cũng chỉ là thứ giả hình che đậy bản chất đồi bại và băng hoại của bọn họ.
Cô bé tính rằng mình sẽ răm rắp tuân theo con đường đã vạch ra phía trước cho đến năm mười tám tuổi, và cô bé đã làm rất tốt. Vào năm cô bé nhập học trường phổ thông, cô bé khoác lên mình một vỏ bọc thân thiện và vô hại. Mọi người đều yêu quý cô bé, mặc dù một vài người trong số họ vẫn cảm thấy có gì đó rờn rợn, không đúng ở cô bé này.
Cứ ngỡ rằng mọi chuyện sẽ theo đúng kế hoạch, cho đến một ngày kia.
Trên con đường đi học của mình, hàng ngày cô bé nhìn thấy một người đàn ông chống nạng, khập khiễng lê từng bước đến chỗ ngồi của mình trên vệ đường. Người đàn ông ấy lầm lũi ngồi đó từ ngày này sang ngày khác. Lưng ông còng xuống, làn da của ông sạm đen, nhăn nhúm như đầu ngón tay bị nhúng nước quá lâu. Tất cả mọi người đều lướt qua và phớt lờ ông, cả cô bé cũng vậy.
Thế nhưng, hình ảnh người đàn ông đó cứ ám mãi trong đầu cô bé. Vào một buổi chiều rảnh rỗi và đầy chán ngán nọ, cô bé quyết định mang đến cho người đàn ông một ổ bánh mì.
Nhận lấy ổ bánh mì từ tay cô bé, ông lão ngúc ngắc đầu, miệng lẩm bẩm gì đấy cô bé không nghe rõ. Cô bé cúi sát người hơn mới hiểu được rằng ông lão đang nói cám ơn.
Cô bé dùng sự thân thiện giả hình của mình để hỏi chuyện ông lão. Ông lão phát âm rất tệ, từng âm phát ra đều nhọc nhằn và khó khăn.
Cô bé nghe chữ được chữ mất. Ông lão nói, ông không có nhà, không có gia đình, không có vợ con, chỉ một mình ông thôi. Nụ cười luôn treo trên môi của cô bé dần cứng đờ vì mệt mỏi, và vì một cảm xúc mà cô bé không thể gọi tên.
Những ngày sau đó, mỗi lần đi qua đoạn đường kia, cô bé đều cố tình đi thật nhanh để người đàn ông kia không nhìn thấy mặt mình như thể đang chạy trốn điều gì đấy. Cho đến một ngày nọ, ông lão biến mất hoàn toàn, và không bao giờ còn xuất hiện trên đoạn đường ấy nữa.
Cô bé tự hỏi ông ta đã đi đâu? Ông ta là ai, làm nghề gì, cuộc đời của ông ta thế nào? Tại sao ông ta không ngồi ở đấy để xin ăn như mọi khi nữa?
Hay là, ông ta đã qua đời mất rồi?
Nghĩ đến đấy, cô bé rùng mình. Không người thân thích, không nhà cửa, không áo quần ấm, tiết trời thì dần trở lạnh. Viễn cảnh người đàn ông ấy trút hơi thở cuối cùng trên lề đường một cách cô quạnh khiến cô bé rơi vào khủng hoảng. Cô bé cảm thấy như chính mình đã hại ông lão đến bước đường cùng.
Làm thế nào cơ chứ? Làm thế nào mà một người có thể sống trong chừng ấy năm một cách cô độc và nghèo đói như thế? Làm thế nào ông ấy có nghị lực sống tiếp với hơi thở nhọc nhằn và lối phát âm chẳng tròn câu chữ như vậy được?
Tại sao thế giới này lại có những người phải cố gắng từng ngày để được sống cơ chứ?
Cô bé bàng hoàng nhận ra, ông lão kia đâu đó gần sáu mươi tuổi rồi, cái tuổi mà ông phải ở trong một ngôi nhà ấm cúng khang trang, được con cháu chăm sóc, vậy mà lại phải khổ sở, lê lết từng ngày để sống, trong khi chính cô bé thì lại được bảo bọc từ thuở lọt lòng và chẳng bao giờ phải lo nghĩ về cái chết lẫn sự cô đơn rình rập mình như cách nó đã vồ lấy ông lão kia.
Xét ra thì, nhân loại, để có thể tồn tại đến ngày hôm nay, quả thật cũng đã rất khó khăn. Chỉ có cô bé ở trong cái lồng quá đỗi sung sướng của mình, mà xem thường sự cố gắng của mọi người mà thôi.
Có điều gì đó bên trong cô bé bắt đầu thay đổi. Cô bé không còn mơ tưởng đến cái chết như một nghệ thuật hay một nhiệm vụ cao cả của cuộc đời mình nữa. Từng chút một, thế giới quan của cô bé dần dần sụp đổ.
Cô bé cảm thấy mình vỡ vụn và lạc lối. Nào cô bé có cao quý gì hơn ai? Nào cô bé có tư cách gì để mắng chửi loài người nên bị tận diệt, khi cô bé được no đủ từng bữa cơm chỉ nhờ vào sự may mắn của mình trong lúc rất nhiều, rất nhiều người ngoài kia phải bới rác để sống sót qua từng ngày? Cô bé phải đối mặt thế nào với những người cô bé phán xét là phá hoại, độc ác đây? Chửi mắng họ là phá hoại môi trường chăng, khi họ là người ăn phải những con cá đầy chất độc nhờ những hạt vi nhựa mà chính cô bé đã đổ xuống cống? Nói với họ rằng họ là đồ tàn bạo, phá hoại chăng khi họ đang đói rã từng ngày và chẳng thể nghĩ đến gì ngoại việc làm ấm bụng mình? Cô bé không còn xấu hổ vì sự tồn tại của mình với tư cách là một con người nữa. Cô bé cảm thấy mình không có tư cách làm người.
Từ bây giờ cô bé phải tồn tại vì điều gì, nếu không còn là vì sự căm ghét đầy mâu thuẫn cô bé trút lên loài người?
Đúng như sau này cô bé nghĩ lại, lúc ấy, cô bé chỉ là một đứa nhóc tuổi dậy thì tràn đầy khủng hoảng và giận dữ. Một đứa nhóc kiêu ngạo, chỉ muốn chứng tỏ mình cao quý hơn người khác và viện cớ để chạy trốn khỏi trách nhiệm của mình mà thôi.
Một thời gian dài sau đó, cô bé như dò dẫm từng bước một trong bóng tối. Cô bé không còn cố gồng mình với hình ảnh hoàn hảo ai cũng thích. Cô bé cũng chẳng quá giận dữ với những sai lầm vụn vặt của người khác. Mà nếu có chăng, cô bé cũng chẳng còn chút hơi sức nào để phản ứng một cách gay gắt nữa. Thái độ hờ hững của cô bé khiến mọi người bắt đầu nghi ngại rằng cô bé là một kẻ vô cảm và dửng dưng. Không, cô bé không dửng dưng. Chỉ là cô bé mệt, rất mệt, sức ì đè nặng xuống từng bước chân của cô bé.
Sao cũng được. Ai chỉ đằng nào, cô bé đi đằng đó. Ai nói gì, cô bé cũng gật đầu. Cô bé để mặc cho người khác thít lấy số phận của mình và đẩy mình theo con đường họ mong muốn. Dù sao thì, " "Tôi nên đi đường nào đây?" cô bé hỏi. "Cô muốn đi đâu?" chú mèo trả lời. "Tôi không biết," Alice đáp. "Thế thì," chú mèo nói, "đi đường nào cũng vậy thôi." [1]
Tuổi mười bảy ập đến như một cơn lốc. Cô bé thậm chí còn không thể nhớ nổi mình đã trải qua tuổi mười sáu như thế nào. Cô bé chẳng kết bạn với ai, cũng chẳng có ai muốn chơi cùng cô bé. Cô bé thường đi ăn một mình, đi chơi một mình, và thơ thẩn một mình trên những con đường ngang dọc trong công viên.
Trong công viên cây xanh đó, rác rưởi vứt bừa bãi ngay cạnh thùng rác, tiếng mắng chửi của những con người cả đời chỉ biết đày đọa nhau đập vào tai cô bé một cách ồn ã, ống kim tiêm lăn lóc ẩn mình sau trảng cỏ công viên. Tâm hồn héo rũ của cô bé không còn bận tâm hay tức giận nữa. Ai cũng thế mà thôi.
Và rồi, xảy ra trước mắt cô bé một cảnh tượng quá đỗi lạ lùng.
Như đang trải qua một giấc mơ được lặp lại (déjà vu) từ thuở ấu thơ, cô bé nhìn thấy một cặp đôi ném hộp thức ăn của mình lăn lóc ngay cạnh thùng rác mà chẳng mảy may quan tâm. Thế rồi, một cậu thanh niên đi đến. Cậu ấy chẳng nói gì cả, chỉ lặng lẽ nhặt hộp thức ăn lên và từ tốn cho vào thùng rác.
Cặp đôi kia như bị kích thích nổi khùng lên, lớn tiếng mắng chửi cậu thanh niên kia. Cậu thanh niên kia chỉ im lặng. Cậu tiếp tục thu dọn những mẩu rác rưởi vào thùng rác, mặc cho đôi tay mình trở nên lấm lem và bẩn thỉu vì những rác rưởi do người khác thảy ra.
Cậu thanh niên ấy đi một mình, chẳng theo một hội đoàn, tổ chức nào. Cậu làm việc đó ngay trong ngày thường nhật chứ chẳng hề đợi đến những ngày nghỉ. Cậu làm mà chẳng lớn tiếng kêu gọi, hay sỉ nhục, oán trách ai, hay khoe khoang cho ai biết. Chẳng một ai biết đến công việc của cậu, cậu chẳng cần cho ai biết những việc mình làm.
Trước sự khiêm nhượng của cậu, cặp đôi kia bỗng cảm thấy xấu hổ. Sau khi lớn tiếng trách mắng cậu, họ im lặng đến phụ cậu nhặt rác vào thùng.
Vào cái lúc bọn họ nhặt sạch khu vực xung quanh đấy, cậu thanh niên nhẹ nhàng nói với cặp đôi kia: "Cám ơn nhé."
Hai bên bất giác mỉm cười với nhau. Cặp đôi kia xin lỗi cậu vì ban nãy đã lỡ lời, còn cậu thì ngượng ngùng vì những lời khen mà họ tặng cho cậu. Cậu từ chối khi anh bạn trai hỏi đến danh tính của cậu, và vội vã bỏ đi trước khi hai người kia nài ép cậu thêm.
Cô bé chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh tượng kỳ quặc đó. Cô bé lạ lùng quan sát gương mặt cậu trước khi cậu rời đi.
Tại sao, gương mặt cậu lại rạng ngời niềm vui đến thế?
Nhặt những thứ rác rưởi, hôi hám đó khiến cậu vui đến vậy sao? Cậu vui trong lúc chẳng hề cho ai cơ hội được vinh danh cậu sao?
Cái niềm vui thuần khiết hiển hiện trên gương mặt cậu thanh niên tựa như nhắc lại một điều gì đó từ rất lâu cô bé đã quên mất. Điều gì vậy nhỉ? Điều gì khiến cậu thanh niên kia tràn đầy phấn khởi và lạc quan như vậy, điều gì khiến cậu không nổi nóng trở lại khi bị cặp đôi kia chỉ trích một cách nặng nề đến thế?
Sương mù bên trong tâm trí cô bé đã tản đi một ít, nhưng cô bé vẫn phải dò dẫm từng bước một trên con đường vô định của mình. Cuộc đời nhanh chóng trao cho cô bé cơ hội thứ hai.
Ít lâu sau sự kiện ấy, trường cô bé tổ chức buổi lao động tập thể cho học sinh các lớp. Lớp cô bé được phân công lao động ở một góc bẩn thỉu gần phòng vệ sinh. Tất cả mọi người, ngay cả giáo viên chủ nhiệm đều phải lắc đầu ngán ngẩm với khu vực mà lớp được phân cho.
Theo lẽ thường, cô bé dự định rằng mình chỉ đứng quanh quẩn ở đấy, hoặc giả vờ cúi xuống nhặt lá cho đến khi hết giờ như bao người khác. Thế nhưng, vào chính lúc ấy, cô bé nhớ lại cảnh cậu thanh niên kia kiên trì nhặt lấy những mẩu rác rưởi bẩn thỉu quanh thùng rác, và niềm vui thuần khiết mà cô không thể hiểu được hiện lên mặt cậu ấy.
Cô bé lại nhìn xuống dưới đất. Cô bé thấy một núi rác gồm lá cây mục rữa, vỏ cam mốc meo, những hộp sữa lăn lóc chẳng biết ở đấy từ năm nào, rêu phong bám trên tường phòng vệ sinh và cả cái mùi hôi thối thoát ra từ đó. Cô bé tự hỏi, nếu mình nhúng tay vào vùng đất mục rữa đầy ghê tởm này, liệu mình sẽ có được niềm vui như cậu thanh niên kia chứ?
Cô bé quyết định xắn tay áo lên, và lao vào vùng đất hôi hám kia như một chiến binh lao vào trận địa của kẻ thù. Dần dà, cô bé không còn màng đến sự bẩn thỉu, hôi thối nữa, mà bạo dạn nhặt từng mảnh rác ám mùi chất thải, từng cái một, không chừa cái nào. Cô bé làm một cách chăm chỉ, cần mẫn, lưng áo của cô bé ướt đẫm mồ hôi. Tất cả mọi người sững sờ nhìn cô bé, và rồi, một vài người trong số những người đang đứng xa kia cũng xắn tay áo lên để cùng giúp đỡ cô bé.
Một người bạn cùng lớp đã nói rằng:
"Không ai để ý hay chấm điểm đâu, cậu không cần phải nỗ lực như thế."
Và cô bé đã thốt lên câu nói mà chính cô bé cũng không ngờ đến:
"Không quan trọng! Nếu không ai làm, thì mình làm! Mình phải làm cho đến khi sạch mới thôi!"
Ngay đúng khoảnh khắc cô bé bật ra câu nói đó, mây mù bên trong cô bé bỗng quang tạnh để nhường chỗ cho ánh sáng. Giờ đây, cô bé đã hiểu tất cả, tại sao cô bé luôn lầm lũi và tuyệt vọng suốt bao năm trời, và niềm vui của cậu thanh niên ngày ấy.
Mãi đến bây giờ, cô bé mới có thể định nghĩa được niềm vui đó: đấy là niềm vui được cho đi, được quên mình vì người khác. Vì tình yêu, mà cậu vui lòng hiến dâng những điều tốt đẹp nhất của mình cho mọi người. Vì tình yêu, mà cậu sẵn sàng mỉm cười ôm vào lòng những gì bẩn thỉu nhất, để trả lại cho con người mảnh đất sạch sẽ không còn rác rưởi. Thứ tình yêu âm thầm không mong cầu vinh quang, mà chỉ mong muốn những gì tốt đẹp nhất, thứ tình yêu khiến muôn người đồng lòng như một người.
Không phải là hận thù, mà là tình yêu mới có thể thay đổi thế giới này.
Đáng lẽ ra, thay vì căm hận con người, cô bé phải yêu lấy bọn họ mới đúng.
Nhận ra điều ấy khiến trái tim cô bé run lên như sẻ nhỏ giữa trời đông. Cô bé bật khóc ngay giữa buổi lao động.
Tất cả mọi người đều nghĩ rằng cô bé bật khóc vì nhọc nhằn và mệt mỏi. Tự thấy xấu hổ, họ bắt tay vào cùng nhau nhặt rác ở cái nơi mà vài phút trước họ chỉ muốn tránh xa.
Không một ai trong số họ biết rằng, những giọt nước mắt của cô bé là những giọt nước mắt của niềm vui, bởi lẽ, cô bé vừa phát hiện ra một kho báu vô giá và tuyệt vời nhất mà tự cổ chí kim Thượng Đế đã hào phóng ban tặng cho con người và chỉ cho con người mà thôi: đức ái vô vị lợi, rằng con người chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc đích thực khi biết nỗ lực vì người khác và biết yêu thương thế giới này bằng cả con tim.
"Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại."
(Mẹ Têrêsa Calcutta)
-------------
[1] Tríchtừ tác phẩm Alice's Adventures in Wonderland
-------------
Author's note:
Đây là truyện ngắn mình gửi dự thi. Sau một năm không thấy ban tổ chức phản hồi thì mình biết mình bị loại rồi nên mình đăng lên đây.
Huế
Hoàn thành 30/12/2022
Đăng tải 3/1/2024.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top