Chương 4: Ký ức của Thẩm Dục Luân

Tên chương do mình đặt....... có gì không đúng các bạn nhác nhở ha......... còn đây vẫn nối tiếp chương 1 nên đừng hỏi tại sao nó lung tung...........

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Đã khắc cốt ghi tâm thì sao có thể dần phai nhạt theo thời gian? Có thể nhạt phai thì chắc chắn không phải khắc cốt ghi tâm, hoặc ít nhất thì cũng không khắc sâu như vậy.

Nhưng trên thực tế, lần này ký ức thất bại thảm hại rồi, những điều tốt đẹp bồi hồi khi đó đã dần nguội lạnh, rồi rút lui.

Thời gian là phương thuốc hữu hiệu nhất, sẽ từ từ xoa dịu những vết thương của bạn.

Tôi khi mười chín thường ao ước, bao giờ cho đến tuổi hai mươi.

Hai mươi tuổi, mới là sự khởi đầu của tuổi trẻ.

Nếu thiếu đi những thứ như áp lực học lên cao, yêu đương chia tay, ngỗ ngược phản nghịch, gần gũi với người thân, khát vọng khám phá bản thân, dốc lòng vì sự nghiệp, chăm sóc thú cưng thì không gọi là tuổi thanh xuân nữa.

Chớp mắt một cái đã hai mươi tuổi, lại lập cho mình kế hoạch mười năm: hai mươi hai tuổi khởi nghiệp, hai mươi lăm tuổi đứng vững trên đôi chân của mình, ba mươi tuổi trở thành hình tượng mình hằng theo đuổi.

Theo kế hoạch, tôi sắp trở thành người tôi muốn trở thành rồi.

Nghĩ tới đây, tôi sờ sờ mảnh vải trên tay, cảm nhận rõ tính nghiêm trọng của cái cổ khi khẽ di chuyển vị trí lưng, lại nhìn vào khuôn mặt lởm chởm râu ria của tôi trong gương chiếu hậu. Tôi cười, vắt chân qua một bên, tiếp tục nghe bài giảng miễn phí của tài xế.

"Sắp đến rồi, đừng ngủ nữa!" May Trần Thâm ngựa quen đường cũ, vẫn còn nhớ được đường về nhà tôi.

"Đến Thiên Tân chưa vậy?" Tôi khép mắt hỏi tài xế.

Bác tài sửng sốt quay lại nhìn tôi, lập tức dừng xe lại bên đường, lại nhìn Trần Thâm, ý hỏi có muốn đưa tôi trở lại viện không.

"Bác cứ kệ cậu ta, cái thằng thối thây này!" Cậu ta mau chóng xoa dịu cái tình trạng hỗn loạn vì không gian và thời gian này của tài xế.

"Có tí thời gian mà cũng qua được hai tỉnh á? Đừng nói nhảm nữa, mau ngồi dậy đi, sắp đến nơi rồi." Cậu ta đẩy tôi.

Xe dừng, tôi nhấc chân phải ra trước, nhẹ nhàng vọt ra khỏi cửa xe. Chỉnh sửa khôi phục lại trạng thái, đi thẳng về phía cổng khu. Nửa phút sau mới nhận ra là thiếu cái gì đó, quay lại thì thấy Trần Thâm hành lý xách đầy hai tay, mồm còn ngậm ví, nhìn tôi đầy ác ý.

Cậu cũng giữ thăng bằng giỏi ghê! Trước chưa từng biết đấy!" Tôi vỗ tay khen ngợi.

Đừng bao giờ nói với anh câu "Tạm biệt"

Vì trong thế giới của em và anh

Chúng ta sẽ luôn là:

"Gặp lại nhé!"

"Hẹn mai gặp!"

"Cuối tuần gặp!"

Không sao kể hết được.

Thẩm Dục Luân

"Cái tên thối này!"

Tôi quay đi chỗ khác, không để ý đến cậu ta nữa. Nhìn con đường không biết đã đi qua biêt bao nhiêu lần này, nhìn gốc hòe hồi trung học mới chuyển đến đã sừng sững trước cổng, giờ nhìn lại, dường như cũng không còn sừng sững như xưa nữa.

Khi người ta ốm, phản ứng của não bộ chậm hơn trước rất nhiều, mà tứ chi lại chịu sự điều khiển của não bộ. Vậy nên tôi tự tìm cho mình một lý do chính đáng mà chậm rãi tiến về phía trước, cố kéo dài thời gian đến gần căn hộ kia.

Trần Thâm mặc dù phải xách rất nhiều hành lý, nhưng với sự thấu hiểu sau bao năm làm bạn, vẫn lặng lẽ theo sau tôi, không hề có ý thúc giục.

Ánh trăng mờ ảo, màn đêm đen tối lại càng khắc sâu hơn nỗi cô đơn sầu muộn của con người.

Mặt Trăng cách Trái Đất hơn 380.000 ki-lô-mét, mà ánh trăng chỉ cần một giây đã có thể chiếu tới Trái Đất rồi. Thế nên những gì ta nhìn thấy là ánh trăng của một giây trước. Tôi bước lên những chấm bóng lấm tấm rơi trên mặt đất khi ánh trăng chiếu xuyên qua những chiếc lá cây, tự hỏi những tia

sáng này đã đi qua nơi nào, để rồi cuối cùng đến bên tôi.

Đêm muộn, khu nhỏ vốn đã ít hộ gia đình nay lại càng yên tĩnh đến kỳ lạ, có thể nghe được cả âm thanh tiếng côn trùng từ bốn phía.

Ở thành phố lớn, ngôi nhà đều như một nguồn bức xạ.

Chỉ cần bước vào phạm vi ảnh hưởng, thì lúc nào cũng có thể cảm nhận được không khí của gia đình.

Tôi xoay người lại một cách bị động, cố ngẩng đầu lên, gắng dựng thẳng cái thân hình yếu đuối này đi về phía trước. Loại hành vi lúc nào cũng phải giữ phong thái thân sĩ này, chính là thói quen của tôi.

Con người ta phải học cách chung sống với người thân ra sao, cách giao tiếp với bạn bè, đàm phán với khách hàng thế nào, mới có thể không bị đối phương làm tổn thương khi ta yếu ớt nhất, mới có thể không đụng chạm tới giới hạn của đối phương khi ta mạnh mẽ nhất?

Tôi có thể dự đoán chính xác cảnh tượng sẽ xuất hiện năm phút nữa sau khi mở cửa. Một bàn đầy thức ăn ngon, những ánh mắt tha thiết ân cần, những lời quan tâm lo lắng, căn phòng thoang thoảng hương thơm với những ánh đèn hắt lại qua tấm thủy tinh, và quan trọng nhất là, cái ôm của người phụ nữ ấy.

Sau khi cha mẹ chia tay, tôi sống với bà nội, rất ít khi được gặp họ.

Mỗi lần về nhà, mẹ tôi lại chuẩn bị từ trước đó rất lâu, hệt như đón tiếp khách quý.

Nghĩ tới vẫn còn những người lớn tuổi trên mình, lại tự nói với bản thân bớt bận lòng những tháng năm vùn vụt đi qua.

Nhưng mấy năm gần đây, quả thật tôi ngày càng sợ hãi chuyện thời gian trôi chảy. Những chuyện trước kia không nói, giờ cũng dần được mở lời.

Ví dụ như, "Chúng ta phải mười mấy năm chưa gặp nhau ấy nhỉ?"

"Chao ôi, con cậu đã lớn thế này rồi kia đấy!"

Hoặc mấy thứ kiểu "Mười năm trước chuyển công tác, giờ cậu vẫn còn muốn thử ư".

Nhưng mỗi câu chuyện của mỗi người đều cần một cái kết, tiến lên trong bối cảnh đầy khó khăn phức tạp, kết thúc với việc thắng lợi trở về, rồi mỉm cười mà vĩnh biệt bản thân.

Những người như Trần Thâm, sau khi mất đi, trên bia mộ sẽ khắc bốn chữ "Trả lại vẹn nguyên", bởi cậu ta sống quá bản năng, quá đơn giản, đơn thuần tới mức khiến người ta phải ngưỡng mộ. Khi nhìn thấy căn phòng ấy ngay sau chỗ rẽ, tôi dừng lại đột ngột, bị tên Trần Thâm không biết có nhìn đường hay không đâm sầm vào người.

"Ôi trời (lên giọng, kéo dài chữ cuối)!" Đồ đạc rơi đầy đất, Trần Thâm hờn dỗi xoa xoa ngực. Nhưng tôi chỉ quan tâm tới chiếc ví Burberry của mình vừa bị cậu ta làm cho một dấu răng.

"Cậu rú cái gì!" Cậu ta vừa nhặt đồ vừa nói mát, cái khoảnh khắc ngồi xuống đất, chỗ kia liền xuất hiện ngay một vết hằn như cái nắp hố ga.

"Cậu bảo tối nay tôi có cần ra nhà nghỉ ở không, đợi khỏe lên chút hẵng về?" Tôi không để ý đến cậu ta, nhìn ánh đèn trên tầng hai mà nghệt ra.

"Trước khi ra viện tôi đã nhắn tin cho mẹ cậu rồi, đoán chừng giờ này nhà cậu cũng toàn mùi phật khiêu tường ấy chứ, cậu đã không nghĩ cho mình thì thôi, cũng phải nghĩ đến mẹ cậu đã mệt đến thế nào chứ, mà nếu không nghĩ đến mẹ cậu đã mệt biết bao nhiêu, thì cũng phải nghĩ cho cái dạ dày đang bị bỏ không quá lâu của tôi đây này." Cậu ta xếp lại chỗ đồ bừa bãi, hất cằm ý bảo tôi cứ đi tiếp.

"Sao cũng được, cũng chỉ là về nhà thôi mà, nào thì về nhà!" Tôi cũng chả buồn nghĩ nữa, không biết là do đầu óc còn chưa tỉnh táo, hay là chả thèm động não nữa.

"Tôi không mang thẻ từ, cậu nhập mật mã đi!" Tôi nói với Trần Thâm.

"Cậu cứ giơ vân tay ra là được mà! Anh giai à, không thấy tôi còn đang xách một đống hành lý đây à?" Cậu ta khó chịu nói.

"Lần trước tôi về muộn, Khải Thỏ nhỏ tức lên khóa luôn vân tay của tôi rồi, sau cũng chưa nhập lại." Tôi trả lời, "Hành lý đưa đây cho tôi, cậu nhập mật mã đi, tôi không muốn đụng tay."

"Hay quá cơ!" Cậu ta cười nhìn tôi, "Mật mã là gì?"

"881231."

"Sao nghe quen thế nhỉ?" Cậu ta nhập xong quay sang liếc tôi một cái, lại cầm lấy chỗ hành lý.

Nhiều khi tôi sẽ sẽ khoe với một đống bạn, tôi có một người anh em cực kỳ tốt, cậu ta tên là Trần Thâm. Ví dụ như vừa nãy, cậu ta nhập mật mã xong, lại để ý mà xách chỗ hành lý trong tay tôi về, không cần tôi phải ra hiệu hay mệnh lệnh nào, hoàn toàn xuất phát từ chính sự quan tâm đến tôi. Thế nên bạn bè chân chính, là cho dù bạn có tay đấm chân đá thế nào, có trêu chọc ác ý ra sao, vẫn sẽ không bỏ rơi bạn.

"Cậu đừng luyên thuyên nữa, cứ đi đi." Tôi đẩy cậu ta một cái, suýt nữa thì bị đám thịt mỡ của cậu ta bật ngược lại.

"Dì à, cháu đưa cậu ta về rồi đây này!" Trần Thâm quả không hổ là người Sơn Đông, vừa mới bước vào nhà đã gào ngay lên, to đến mức ba nhà kế bên cũng phải bật đèn.

Tôi bước qua cánh cửa đã hơn trăm ngàn lần, đập vào mắt là một bàn đầy thức ăn ngon, những ánh mắt tha thiết ân cần, những lời quan tâm lo lắng, căn phòng thoang thoảng hương thơm với những ánh đèn hắt lại qua tấm thủy tinh, còn có cả cái ôm của người phụ nữ ấy.

"Về rồi đấy à! Sao chưa chi đã ra viện sớm thế?" Mẹ tôi hoàn toàn lờ đi việc Trần Thâm còn to gần bằng cả cái cửa mà đi về phía tôi.

"Hai mẹ con dì đúng là người một nhà mà!" Trần Thâm lầu bầu, đưa hành lý cho dì rồi đi theo mùi hương đến chỗ phòng bếp.

"Vâng, về rồi ạ." Tôi trả lời.

"Muốn tắm rửa trước hay ăn cơm trước? Hay là cứ tắm trước đi, cho nó thoải mái, chứ cả người toàn mùi thuốc sát trùng bệnh viện."

"Vâng." Tôi gật đầu, liếc sang Trần Thâm đang ăn cơm không cần đũa chỗ phòng bếp rồi đi thẳng lên tầng trên.

"Ôi, Trần Thâm à, dì nấu canh rồi, múc cho con một bát ăn tạm nhé, đợi lát nữa nó tắm xong, mình lại cùng ăn tiếp."

"Không cần đâu dì, con không đói đâu, dạo này con còn đang giảm béo nữa!"

"Điêu!" Tôi chán đến nỗi không thèm quay đầu lại.

Tiếng nước rơi chảy xuống sàn đá cẩm thạch làm tôi tỉnh táo ít nhiều, tiếng nước ào ào xen lẫn tiếng nhạc giao hưởng từ dưới tầng một vọng lên. Mẹ tôi không thích thể loại nhạc này, chắc chắn là Trần Thâm lại đang ra vẻ am hiểu nghệ thuật.

Tôi đổi thành áo choàng tắm đi xuống dưới, đầu vừa mới gội xong vẫn còn nhỏ nước.

"Sao cậu không sấy tóc? Vẫn còn ướt kia kìa!" Trần Thâm mồm ngậm đầy canh mẹ tôi nấu, nhưng cảm giác như đang uống vang đỏ, tay trái lại bịt chặt mồm, ra vẻ kinh ngạc.

"Để bảo vệ tóc, nói ít thôi, ăn canh đi." Tôi chỉ cậu ta nhưng không thèm nhìn, đi về phía phòng bếp.

Vừa đặt mông xuống tôi đã nhận ra, đồ ăn tối nay tuy nhiều, nhưng không phải dì làm như mọi lần, mà là mẹ tôi tự thân xuống bếp. Bởi trông màu sắc cũng không được vừa ý lắm.

Thưở nhỏ, thứ tôi nhớ nhất chính là bữa cơm tối gia đình.

Hôm nào cha tôi cũng đi "cướp của người giàu chia cho người nghèo" với mấy anh em, sống cuộc sống hỗn loạn. Nhưng có một điều không bao giờ thay đổi, là ông ấy về đến nhà sẽ làm một mâm cơm rất to, chiêu đãi các anh em, bữa tối nào cũng phải sau chín giờ mới xong.

Sau này cha không về nhà nữa, mẹ tự mình nấu cơm.

Cơm càng ngày càng mặn, càng ngày càng khó ăn, bởi mẹ chưa bao giờ nấu cơm, chỉ phải giúp cha mà thôi.

Mẹ không biết cho cả nước tương và muối cùng một lúc sẽ rất mặn.

Sau khi cha mẹ ly hôn, tôi sống với bà nội mấy năm liền.

Cơm lại càng ngày càng ngon, dù không đẹp mắt lắm, nhưng tôi đã ăn rất nhiều năm.

Thế nên đồ ăn hôm nay, nhìn là sẽ biết do chính mẹ tôi tự nấu.

"Mẹ làm canh chân giò hầm đậu nành, với cả mướp đắng xào trứng cho con nữa, con thích ăn đúng không?" Mẹ ngồi đối diện tôi, múc cho tôi một bát canh.

"Vâng, ngon ạ." Tôi không ngẩng lên nhìn mẹ, cắm đầu vào ăn cơm, vì tôi biết, tôi chỉ có ăn hết sức, mẹ tôi mới thỏa mãn.

Những người mẹ trên thế giới này đều như vậy.

"Mai mẹ dẫn con đi viện, xem xem rốt cuộc là làm sao, lần này không giống ngộ độc rượu." Mẹ đặt hai tay lên bàn, như khi chúng tôi nghe giáo viên giảng bài.

"Không cần đâu ạ, con phải về công ty, giờ lại đang lúc bận nhất nữa." Tôi uống một ngụm canh.

"Đừng có lúc nào cũng làm việc không khoa học! Sức khỏe mới là quan trọng nhất, tiền có nhiều nữa cũng để làm gì? Không có sức khỏe thì có phải là mất nhiều hơn được không..." Mẹ lại bắt đầu nói dông dài. Tôi không đáp lại, đấy là thói quen rồi.

Cha mẹ càm ràm, bạn phải học cách lắng nghe, học cách chịu đựng.

Mấy mươi năm nữa, có thể bỗng có một ngày, những lời này sẽ không còn xuất hiện nữa.

Tôi có một người bạn từ thời thơ ấu, may mắn sống sót sau vụ động đất ở Vấn Xuyên. Họp lớp năm ngoái, cậu ấy kể lại sự việc mình đã trải qua, cậu ấy cao số chỉ bị lọt trong góc hẹp tạo giữa xà nhà và giá sách bị đổ. Suốt ba ngày, những gì cậu ấy nhớ toàn là việc vẫn chưa báo hiếu cha mẹ, chưa yêu đương, kết hôn, những việc chưa làm được vẫn còn rất nhiều. Lần ấy, bố mẹ cậu ấy gặp nạn trong trận động đất, cậu ấy tiếp tục sống cùng với dì.

Sau này, tôi thường hay nói với bạn bè và các học sinh của mình, rằng con người ta sống trên đời này cần học cách trân trọng hạnh phúc. Có người càm ràm bạn, ấy là hạnh phúc; có người nhớ mong bạn, ấy cũng là hạnh phúc. Đừng để đến khi tai họa sắp sửa ập đến mới nghĩ: Đời này tôi vẫn chưa bao giờ thúc ép bản thân.

Sống mà không biết tự thỏa mãn, không nỗ lực, thì thật uổng công làm người.

"Con biết rồi, đợi qua cái đợt bận này con sẽ đi kiểm tra sức khỏe, mẹ cứ yên tâm mà." Tôi đáp lời.

Đang nói chuyện thì có tiếng điện thoại, là tin nhắn của cha tôi.

Ông ấy bảo mình lại mua một căn hộ mới, chỉ vì muốn sống gần tôi hơn một chút.

Đã bao lâu rồi chưa từng thử nói chuyện với người này? Nửa năm, một năm, hay lâu hơn nữa? Đàn ông phân nửa đều không giỏi thể hiện tình cảm, tôi lại càng chưa từng cảm nhận được sự tha thiết của một người cha hiền từ. Nhưng tôi biết, ông ấy đang quan tâm xem tôi đã khỏe lại chưa.

Sống trên đời, sẽ luôn có những nơi bạn không hề muốn phải đi một mình, cho dù nhiều năm sau sẽ đau khổ khôn nguôi, nhưng vẫn không ngừng nghĩ tới việc trốn chạy, tự tìm cho mình một lý do hợp lý nhất, để không phải tự trách bản thân.

Ông ấy nợ tôi và người phụ nữ trước mặt này rất nhiều lời xin lỗi.

Tôi nhớ có lần ăn xong đi lấy báo hộ ông ấy, bởi vì lấy nhầm, mà ông ấy hất cả bát canh nóng vào người tôi. Tôi đau đến nỗi lăn lộn khắp sân, mà ông ấy vẫn tiếp tục đọc báo.

Tôi nhớ mỗi tối nằm trên giường xem ti vi với mẹ, mà đầu óc hoàn toàn không để vào nội dung trên ti vi. Bởi tôi và mẹ đều đang cùng nghĩ một chuyện: Tối nay ông ấy có uống nhiều quá không? Lúc về liệu có đánh chúng tôi không? Tiếng còi xe đầu ngõ có phải là dấu hiệu ông ấy đã về hay không?

Tôi nhớ mình từng lấy giấy trường phát cho để vẽ điên cuồng đánh vào đầu ông ấy, lên án ông ấy, thóa mạ ông ấy, nguyền rủa ông ấy không được chết một cách tử tế.

Cuối cùng, họ ly hôn, trong mùa tuyết rơi năm ấy.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top