Tình yêu kinh dị duy khanh

Tập truyện ngắn nước ngoài - Khuyết danh : Tình yêu kinh dị

Cái hết bất ngờ

Bóng đêm dày đặc trên thành phố Maiami bang Florida. Trong nhà để xe một biệt thự sang trọng, cánh cửa chiếc xe hòm kính lộng lẫy từ từ hé mở sau tiếng cách nhẹ. Một bóng đen nhanh nhẹn luồn vào trong xe, thò hai tay lần mò trong cốp đựng găng, nắn nắn khắp chỗ. Rồi một chiếc mũi nho nhỏ ghé sát nệm ghế hít hà đánh hơi trên mặt lớp da bọc nệm. Sau đó, ánh một chiếc bật lửa từ lòng bàn tay khum khum hắt sáng lên bảng đồng hồ. Ngón tay thon thon búp măng, móng bôi sơn đỏ chót khẽ nhấn lên nút chiếc đồng hồ phụ đo cây số đưa về từ từ đóng lại, chốt hãm khẽ vang lên tiếng động nhẹ giữa sự tĩnh lặng trong gara.

Bỗng có tiếng gọi:

- Macgaret, em đâu?

Bóng đen đứng khựng. Tiếng đàn ông từ phía vườn hoa vọng đến, nghe hơi xa:

- Macgaret, em ở đâu vậy?

Bóng đen choàng tới núp sau chiếc xe. Tiếng người đàn ông lúc nãy nghe đã gần:

- Macgaret, em ở trong đó phải không?

Cửa gara bật mở, người đó đưa tay bật công tắc đèn. Ánh sáng càng làm sự im lặng trong gara thêm bí ẩn.

Người đàn ông đảo mắt nhìn quanh một lượt, ra vẻ phân vân. Thân hình ông ta cao lớn, chắc nịch, khoảng chừng năm mươi tuổi, trang phục và dáng điệu rất chững chạc, đàng hoàng. Là bác sĩ thẩm mỹ, có bệnh viện trong vùng Maiami, tên là Roy Sylvester Tabay. Gương mặt tuy không được tu sửa qua tay nghề nhưng rất có thể quảng cáo cho bệnh viện thẩm mỹ của ông: trán cao, mũi thẳng quý phái, hai gò má cân đối, cằm vuông cương nghị đầy nam tính, vành môi đều đặn. Chắn chắn khi bàn luận về dung nhan với khách hàng, ông rất thành thạo và đầy sức thuyết phục.

Tabay vẫn đứng ở cửa gara, quay lưng lại nhìn ra mé vườn.

- Macgaret có nghe anh gọi ông? Anh đi đây!

Sau lưng bác sĩ, bóng đen trong gara nhô ra vùng sáng đèn, kiễng đầu ngón chân rón rén tới núp kín sau chồng thùng các-tông và đống vật liệu linh tinh trong góc. Chỉ xuất hiện trong hai giây dưới ánh đèn, nhưng cũng đủ để lộ khuôn mặt hơi choắt như mèo với đôi mắt xanh lét, xếch ngược lên phía thái dương.

Đúng lúc Macgaret vừa khuất sau đống thùng, ông chồng lại quay trở vào trong gara, mồm cằn nhằn:

- Thôi được! Cô muốn chơi trò ú tim thì cứ việc, tôi không chơi. Phải lên đường không thì trễ giờ mất.

Máy rú nhẹ nhàng, xe lăn bánh chạy ra. Roy xuống xe, trở lại đóng cửa gara và gọi lại thật to lần nữa:

- Thôi đừng đùa dai thế, Macgaret! Anh đi đây!

Không thấy trả lời, bác sĩ cáu kỉnh gài số lao xe qua cổng ngôi biệt thự lộng lẫy.

Macgaret dỏng tay nghe tiếng xe xa dần rồi thản nhiên bước ra vườn. Bỗng có tiếng nhỏ nhẹ cất lên khiến chị ta giật mình:

- Sao bố gọi mà mẹ cứ im tiếng không chịu trả lời?

Macgaret trợn mắt nhìn con gái:

- Không xen vào chuyện người lớn! Nhưng mày làm trò gì ngoài này mới được chứ?

- Làm như mẹ thôi: chơi ú tim!

- Mẹ đâu có chơi ú tim! Mày nói gì lạ vậy?

- Không phải con mà bố mẹ chơi ú tim. Bố còn nói là bố không chơi, xem ra bố có vẻ bực cơ đấy.

- Melody, về ngủ ngay lập tức! Giờ này không phải lúc vơ vẩn ngoài vườn.

Cô bé từ nãy chưa hề nhìn lên mặt mẹ, lúc này đột nhiên xẵng giọng:

- Cả mẹ cũng thế! không phải lúc vơ vẩn ngoài vườn!

Người mẹ thét lên:

- Melody, không được hỗn!

Cô bé điềm nhiên nhảy khỏi chiếc ghế bố đang gần như nuốt chửng nó. Mái tóc cũng nâu như mẹ, mắt xanh tựa mắt mèo, nhỏ con và thon thả, Melody dường như là bức ảnh thu nhỏ của mẹ nó. Mới 13 tuổi, suýt soát 14, nhưng đã bộc lộ những nét yêu kiều, dễ thương, hứa hẹn một nhan sắc tuyệt đẹp sau này.

Một lần nữa, Macgaret Tabay mắng con:

- Cấm không được nói với mẹ kiểu đó, nghe chưa Melody? Về phòng ngủ ngay!

Cô bé vừa cười lớn vừa co cẳng chạy:

- Con nhảy xuống bể bơi vài vòng trước đã. Mẹ thấy được chứ?

Chẳng cần mẹ nó trả lời, Melody nhào xuống bể bằng động tác thật điêu luyện. Khi nổi lên, nó kêu to:

- Mẹ cũng nên làm một tua để khỏi nghĩ ngợi lung tung!

* * *

Ngày 4-3-1962, lúc 21 giờ, ánh đèn từ các khách sạn lớn khắp thành phố Maiami túa ra đường phố. Xe của bác sĩ Roy Sykvester Tabay dừng bánh trước một khách sạn loại sang. Ông xuống xe đi vào đại sảnh. Bỗng một người từ đâu đó xông ra cản đường. Định thần nhìn lại, bác sĩ nhận ra người đó chính là vợ mình, Macgaret.

- Anh tới đây làm gì vậy?

Đang ngạc nhiên nên bác sĩ không nhận ra giọng nói ác ý của vợ.

- Ủa, em làm gì kỳ vậy? Bây giờ lại dò xét anh nữa sao?

- Đâu cần dò xét cho mệt! Trong tuần này anh tới đây lần này là ba lần. Chẳng cần phải là thám tử cũng biết tỏng mọi chuyện.

- Thôi thôi Macgaret! Em đừng quát lên như thế, xung quanh người ta nghe hết! Có chuyện gì nào? Em tưởng tượng ra chuyện gì vậy?

- Tôi không ngu như anh tưởng đâu! Anh có bồ ở đây, tôi còn lạ gì!

Bác sĩ nắm chặt cánh tay vợ lôi ra cửa.

Nhân viên gác cửa nhếch mép, nghiêng ngó cố nghe rõ hai vợ chồng thì thầm cãi lộn

- Em điên rồi chắc?

- Không, rất tỉnh, rất sáng suốt. Bây giờ tôi đã hiểu mọi chuyện.

- Nhưng hiể cái gì mới được chứ? Có gì cần hiểu đâu!

- Anh Roy! Từ giờ chấm dứt hết, nghe chưa? Phen này thì anh đường anh, tôi đường tôi! Không chịu nổi nữa rồi!

- Tôi cũng vậy, không sao chịu nổi nữa! Cô tưởng tôi không biết mưu sâu của cô hử? Cô định buộc tôi phải chịu trách nhiệm về vụ ly dị này chứ gì? Rõ ràng là như vậy nên cô mới nặn ra chuyện bồ bịch, dựng đứng lên như thật. Dám chắc cô đã thuê một thằng thám tử tư thường xuyên bám đuôi tôi! Nó báo cáo với cô rồi chứ?

- Đây cóc cần phải làm như thế. Thừa sức biết sự thật. Cái này tự mình tìm hiểu cũng được

- Thì ra chính cô đã vặn lại đồng hồ xe để xem tôi có đi đâu khác ngoài việc tới bệnh viện?

- Chính cô gọi điện tới cô thư ký hỏi xem tôi có ở đó không, đòi nói chuyện với tôi nhưng lại cúp ngay khi tôi vừa cầm máy?

- Phải, chính tôi!

- Và không phát hiện được gì, cô mò tới đây rình?

- Là vợ, tôi có quyền biết sự thật.

- Nghe đây, Macgaret! Tôi không thể cho cô biết lý do tôi đến đây. Đó là chuyện làm ăn của tôi, là bí mật nghề nghiệp. Vậy cô hãy trở về nhà trông coi con nhỏ, và để tôi yên!

Cái tát trời giáng làm bác sĩ Roy nảy đom đóm mắt trước khi ông kịp đoán biết. Macgaret ra đòn như một con mèo, rất nhanh, rất bất ngời và ngay sau đó cụp hết móng vuốt, chạy ra xe rồ máy chạy như điên, để lại ông chồng nổi cáu, rát mặt trước cái nguýt dài của nhân viên gác cửa.

Macgaret đã đạt được mục đích: gây một vụ xì-căng-đan trước mặt mọi người. Từ một năm nay, nhiều người đã tận mắt chứng kiến những vụ tương tụ giữa hai vợ chồng. Một số người cho chuyện Macgaret đánh ghen là vô căn cứ, nhiều người khác cho là chính đáng tuy họ chẳng có bằng cớ rõ rệt, chỉ nhận xét theo cảm tính. Vả lại, đêm 4-30-1962 này, bác sĩ Roy thực sự không tới khách sạn kiếm bồ mà tới gặp khách hàng của ông. Một bà già khô đét 70 cái xuân, tỷ phú, từ hơn một tuần nay vẫn cố van nài bác sĩ thẩm mỹ phải bằng mọi cách và bằng bất cứ giá nào trả lại cho cụ vẻ yêu kiều đã mất! Khốn nỗi bác sĩ đã ba lần làm thủ thuật căng da cho cụ rồi mà hcẳng nhằm nhò gì. Tối nay bác sĩ định tới nói cho cụ khỏi hy vọng hão huyền, nói sao cho thật khéo vì bà cụ tỷ phú này đã vài lần hăm he: sẽ làm bác sĩ không còn một người khách nào nữa, nếu không kiên trì giúp cụ.

Sau khi chị vợ biến đi, bác sĩ Roy sực nhớ tới công việc đang chờ. Ông cau mày đắn đo một lát rồi quyết định: không mân mê mớ da nhăn nheo của bà cụ làm gì nữa cho tội thân. Mặc xác, cho dù cụ đã khẩn khoản nhắn gọi đến ba lần. Sau vụ cãi lộn vừa rồi, đầu óc bác sĩ đã căng lên như dây đàn, ông thấy cần đi hóng mát một lúc cho khuây khoả. Bác sĩ lên xe, nổ máy, sau chị vợ chừng hai ba phút đồng hồ gì đó. Và cũng chạy về hướng chiếc xe của chị vợ hồi nãy. Nhân viên gác cửa khách sạn sẽ xác nhận trước toà đúng như vậy. Lúc này là 21: 15. Quyết định đó làm bác sĩ Roy mất đi một bằng cớ hiển nhiên chứng tỏ ông không hề gây tội ác trong khoảng thời gian giữa 21: 15 và nửa đêm hôm đó. Khốn thay bác sĩ Roy đã bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng ấy, nên sẽ phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề...

Bộ mặt của Macgaret Tabay nhăn nhó trông thật ghê rợn dưới cặp mắt viên cảnh sát đang cúi xuống nhìn. Bộ mặt mới đây xinh đẹp là thế, bây giờ không còn. Đôi mắt mèo xanh biếc lúc này đã nửa nhắm nửa mở. Những ngón tay búp măng nhăn nheo, màu sơn đỏ trên móng càng tô đậm vẻ nhợt nhạt của da thịt. Mùi phấn son dường như thoang thoảng mùi tử khí lạnh tanh... Phòng ngủ bị xới tung, các ô kéo lật ngược, bàn ghế lỏng chỏng, dường như tại đây xảy ra ẩu đả kịch liệt. Trong một góc phòng, cô bé Melody 13 tuổi, con gái duy nhất của Macgaret, đang ngồi thu lu. Chính cô bé đã điện cho bác sĩ gia đình, bác sĩ gọi điện cho cảnh sát vì ông phát hiện đây là án mạng chứ không phải một ca bệnh nặng dẫn đến đột tử.

Bác sĩ giải thích với nhân viên cảnh sát:

- Anh thấy vết này trên cánh tay nạn nhân chứ? Vết làm garô đấy. Bà ta bị tiêm một mũi thuốc. Nhưng trước đó đã bị đánh ngất: trên đầu có chỗ nổi u, da đầu trầy hết. Theo tôi xác định, nạn nhân chết cách đây một tiếng rưỡi, tức vào khoảng nửa đêm. Lúc này chưa thể xác định nạn nhân chết mau hay lâu sau khi bị hại, vì cần phân tích chất tiêm vào người mới biết chắc. Nhưng nhìn nét mặt, tôi cho rằng cơn hấp hối kéo khá dài...

- Bị tiêm thuốc độc?

- Tôi không nghĩ tới thuốc độc, có thể là một thứ thuốc an thần hàm lượng cao... Tiếc rằng không tìm thấy bơm tiêm, lọ đựng thuốc cũng không nốt.

Viên cảnh sát điện thoại gọi cảnh sát hình sự tới tăng cường. Bác sĩ gia đình tới bên con nhỏ vẫn thu lu trong góc phòng.

- Không nên ngồi đấy, cưng! Ta ra ngoài kia đi.

Cô bé phóng cặp mắt xanh lét, cặp mắt của mẹ nó, nhìn thẳng mắt bác sĩ. Nó cất giọng cứng cỏi, chắc nịch như giọng người lớn:

- Bác bảo cháu đi đâu giờ? Cháu phải ở đây đợi bố.

- Con sang phòng khác ngồi đợi tốt hơn. Các chú cảnh sát sắp tới làm việc ở phòng này, ta không nên làm họ vướng chân.

- Sao bác sĩ lại nói mẹ cháu bị người ta giết?

- Vì thực sự nó như vậy.

- Vậy là đã có người vào đây giết mẹ cháu, nhưng cháu chẳng nghe thấy gì?

- Con ngủ mà, chính con nói với bác là con ngủ. Có thể mẹ cháu thấy không có gì đáng ngại nên mở cửa cho nó, cũng có thể nó có chìa khoá buồng.

- Bác có nghi bố cháu không? Nếu có, bác nói ngay bây giờ cho cháu biết với.

- Nghe đây Melody! Chuyện này không phải là chuyện của tuổi cháu đâu. Nếu sợ, cháu vào ngủ với bà quản gia. Để bác đi kêu cho, bà sẽ chăm sóc cháu.

- Cháu không sợ. Cháu thích ở đây cơ.

Bác sĩ cố gắng gượng cười, lắc mái tóc hoa râm:

- Đây đâu phải chỗ trẻ con! Thôi, đi với bác. Cháu đang căng thẳng đấy, để bác cho uống chút gì...

- Khỏi! Cất mấy thứ thuốc ghê tởm ấy đi!

Viên cảnh sát can thiệp:

- Xin bác sĩ thứ lỗi. Theo tôi có lẽ để cô bé ở đây tới khi ông thanh tra tới thì hơn. Ông ấy sẽ cần hỏi đôi điều. Nào bé, đi với chú sang phòng khách. Ngồi đó chờ tốt hơn.

Cô bé để viên cảnh sát dắt đi, từ đó cho tới khi thanh tra cảnh sát tới, nó không hé miệng lần nào nữa.

Một giờ hai mươi phút sáng, ê-kíp nhân viên lấy dấu bắt đầu công việc tỉ mẩn của họ. Viên thanh tra chạc năm mươi tới ngồi bên Melody:

- Để cho bác nghe đi cưng. Cháu là người phát hiện ra mẹ trước?

- Thưa vâng.

- Cháu không ngủ sao?

- Có chứ... Nhưng chợt tỉnh giấc. Ban đêm cháu vẫn bị thế luôn. Cháu xuống bếp định kiếm miếng sữa uống. Lúc đi ngang qua thì thấy trong phòng mẹ sáng đèn.

- Lúc vào phòng, chaú thấy gì?

- Thấy mẹ chết rồi.

Những câu đối đáp tới miệng cô bé rất nhanh lại cộc cằn khiến thanh tra ngạc nhiên. Ông hỏi:

- Cháu trông thấy mẹ ngay khi vào? Có thấy sợ không?

- Có, có sợ. Bảo là bị choáng cũng được, nếu bác thích dùng từ đó. Thế là cháu gọi ngay bác sĩ của mẹ

- Cháu năm nay mấy tuổi?

- Mười ba, gần mười bốn...

Kẻ tình nghi số một

Thanh tra ngắm đứa nhỏ, nửa trẻ con nửa đàn bà, trong bụng không khỏi sửng sốt. Mới nứt mắt mà đã nói năng như người lớn, và không hề nhỏ một giọt nước mắt nào gọi là có từ lúc phát hiện thi thể mẹ nó. Thanh tra nghĩ bụng: Chẳng ra gì! mới từng đó tuổi mà như vậy thì thật quái quỷ. Nhưng rồi thanh tra chợt nghĩ: Hay có chuyện gì đó khiến nó căm ghét mẹ? Căm ghét mẹ nên nó dồn hết tình yêu cho người bố, cho người phụ nữ bố nó đang theo đuổi? Và nó đang tìm cách bao che cho hai người này? Có người phụ nữ đó không? Người đó là ai? Tạm thời chưa tìm hiểu chuyện này vội, hãy thử xem quan hệ giữa con bé với mẹ nó ra sao trước đã... Thanh tra cao giọng hỏi:

- Cháu có yêu mẹ không?

Con bé ngước mắt nhìn vẻ ngạc nhiên và có phần xem thường:

- Tất nhiên!

- Cháu biết lúc này bố ở đâu không?

- Không!

- Tối qua mẹ cháu ở nhà cả buổi à?

- Không, mẹ cháu ra phố rồi về. Nhưng mẹ đi đâu, cháu làm sao biết được?

- Thế bố cháu đi khỏi nhà lúc mấy giờ?

- Trước mẹ, ngay sau khi ăn tối.

- Bố cũng không nói cho cháu biết bố đi đâu à?

- Có chứ! Bố đi thăm khách hàng, bà cụ Toócnam. Cụ đòi căng da lần nữa, nhưng bố cháu không chịu. Bố nói đúng, bà cụ chỉ còn da bọc xương, như cái xác ướp ấy, lấy gì mà căng!

- Mẹ cháu đi ngay sau đó?

- Vâng, bố vừa ra khỏi nhà là mẹ bám theo liền. Mẹ ghen.

- Ghen với cụ già cháu vừa nói?

- Không. Mẹ ghen bóng ghen gió thế thôi. Lúc nào cũng bám theo bố, rình mò bố, xem thử bố có cặp bồ với ai không.

Thanh tra do dự một lúc, cân nhắc kỹ xem có nên hỏi sâu thêm không. Dù sao, con bé này cũng không còn là trẻ con nữa. Nghĩ như vậy, ông hỏi thẳng:

- Bố cháu có bồ nhí không?

- Làm sao cháu biết? Với lại, đó là chuyện riêng của bố.

- Bố hay về nhà muộn không?

- Bữa muộn bữa không. Nhưng nếu tới chỗ mụ già thì lúc này chưa về là dĩ nhiên. Ông biết không, mụ già đó có phần hùn trong bệnh viện của bố. Thành thử mỗi lần mụ đòi sửa sang sắc đẹp, bố phải làm tất cả những thứ mụ đòi. Đã vậy, mụ ta còn bắt phải giữ kín không cho ai biết. Có bữa, bố phải làm cho mụ vào đúng nửa đêm để nhân viên của mụ không hay biết chuyện mụ sửa sang sắc đẹp nữa cơ... Mù già kỳ cục hết chỗ nói, nhưng bố cần tiền của mụ. Cực vậy đó. Nhưng lần này chắc bố phải chào thua thôi, mụ có còn da đâu nữa mà căng!

- Bố kể cho cháu nghe như vậy hay sao?

- Vâng, hai bố con thường bàn luận với nhau...

- Bàn cả về mẹ cháu nữa chứ?

- Đôi khi, nếu bố có chuyện trục trặc với mẹ.

- Trục trặc về chuyện gì?

- Ông đi mà hỏi bố cháu... Cháu không thích nói chuyện này với người ngoài!

- Cháu vừa nói chuyện này nghĩa là loại chuyện nào?

- Chuyện trục trặc của mẹ.

- Theo cháu, tối qua mẹ có trục trặc chuyện gì không?

- Dĩ nhiên có, nếu không thì đã không chết... Nhưng ông hỏi bố cháu thì hơn, cháu không biết.

Sau đó Melody im bặt, nhất định không trả lời thêm một câu hỏi nào nữa. Thanh tra ngồi suy nghĩ về những điều cô bé vừa nói, rồi tới hỏi nhân viên tìm dấu vết. Họ không tìm ra chiếc ống tiêm, chưa biết thuốc độc nào đã giết chết nạn nhân, tuy đã đào bới gần khắp ngôi biệt thự. Bỗng có tiếng xe ngoài cổng. Mọi người ngẩng đầu, lặng lẽ nhìn ra ngoài. Chỉ một mình Melody lên tiếng, giọng nói pha lẫn chút lo âu:

- Bố về, chắc bố sẽ bị sốc nặng!

Tại sao con bé đoán như vậy, một suy luận thường tình hay có điều gì khiến nó lo lắng?

* * *

Quả nhiên bác sĩ Roy bị sốc rất nặng: mặt tái nhợt, nhớp nháp mồ hôi, miệng méo xệch, tay chân run lẩy bẩy. Thanh tra cảnh sát tấn công liền, không để bác sĩ kịp chấn tĩnh:

- Khoảng giữa hai mươi mốt giờ tới nửa đêm tối qua, ông ở đâu?

Bác sĩ Roy thuật lại vụ tới khách sạn, trạm trán vợ tại đó, cuộc cãi lộn...

- Rồi sau đó ông tới gặp bà cụ khách hàng?

- Không. Quá mệt mỏi, căng thẳng, tôi đi kiếm một ly rượu và suy tính xem thử nên xử trí ra sao.

- Ở đâu?

- Tại một quán nhậu bên bờ biển.

- Bác sĩ ngồi đó lâu không?

- Khoảng 15 phút rồi đi tản bộ trên bãi biển.

- Một mình?

- Vâng, một mình

Viên thanh tra nhận xét:

- Một quyết định kỳ cục.

- Có gì mà kỳ cục? Chẳng qua là tôi cần suy nghĩ thật chín trước khi hành động. Rõ ràng Macgaret hành tôi, muốn ly dị trong điều kiện tôi phải chịu thiệt thòi mọi mặt... Hơn nữa, vụ ly dị này sẽ đưa tôi vào tình thế phức tạp hết chỗ nói: bệnh viện không do tôi sở hữu Macgaret mới là cổ đông chính.

Thanh tra cảnh sát ghi lời khai, tỏ vẻ nghi ngờ

- Bác sĩ Tabay, chắc bác sĩ hiểu rõ tình hình rồi phải không? Vợ ông bị giết lúc nửa đêm, bằng một liều thuốc ngủ cực mạnh... Còn ông thì khai: vào giờ đó ông đi dạo một mình trên bãi biển... Tôi biết ông đang có xung đột nghiêm trọng với bà vợ, đó có thể là động cơ gây án...

- Ông thanh tra có ý cho tôi là kẻ giết Macgaret?

- Không... Chỉ nói rằng ông có thể làm chuyện đó. Rằng ông có đủ thì giờ và phương tiện. Ông là nhà phẫu thuật, ông thừa biết cách trích một mũi thuốc... Ông đang đứng trước nguy cơ bị bà ấy ly dị vì tội bồ bịch, ông sẽ mất chỗ hành nghề, đúng không?

- Thưa thanh tra, vợ tôi quả thật đã trái tính trái nết thế nào ấy, tôi không sao hiểu nổi! Tôi đâu có nhân tình nhân ngãi gì! Tự cô ấy tưởng tượng, tới mức trở thành một ám ảnh, một định kiến. Suốt tháng nay cô ấy không lúc nào buông tha tôi, cứ theo dõi rình mò cả ngày lẫn đêm...

- Theo bác sĩ, vụ này đã xảy ra như thế nào?

- Tôi làm sao, biết thưa ông thanh tra? Nhiều lắm cũng chỉ nghĩ rằng cô ấy đã tự tiêm một mũi... Cô ấy rất thạo việc này. Thuốc có thể lấy trong bệnh viện...

- Nghĩa là bà nhà tự sát? Ông cho là như vậy?

- Đang căng thẳng thần kinh, suy sụp tinh thần, rất có thể vợ tôi đã...

- Thế tiêm đâu? Thuốc ngủ đâu? Nếu như bà nhà tự sát, chúng rôi đã kiếm ra tang vật chứ! Và căn phòng tại sao lại rối tung lên như có xô xát?

- Tôi không rõ. Có thể quang cảnh này được dựng lên nhằm buộc tội ai đó.

- Giải thích của ông quá rối rắm... và không đứng vững nổi. Theo bác sĩ pháp y, nạn nhân tắt thở khá nhanh, sau một hoặc hai phút là cùng, và ngay sau khi thuốc vào cơ thể, nạn nhân lập tức ngất xỉu. Làm gì có thì giờ và sức lực vứt ống tiêm và lọ thuốc!

Người chồng không có bằng chứng ngoại phạm nhưng lại có động cơ thúc đẩy, nên bị coi là kẻ tình nghi số một, hơn thế nữa có thể là hung thủ.

Cảnh sát lôi bác sĩ Roy Sylvester Tabay đi thẩm vấn. Bác sĩ có quyền gọi điện báo luật sư, có quyền từ biệt con gái Melody và dặn dò trước khi bị giải đi

- Melody, con gái cưng của bố! Con sẽ có đủ cam đảm trong tình thế này chứ? Chuyện vừa xảy ra cho nhà mình thật là kỳ cục... Bố cho rằng mẹ con đã làm một chuyện ngu ngốc...

- Khỏi lo, bố ạ. Mọi chuyện sẽ ổn thôi. Con ở đây với bác quản gia, bố yên tâm. Bố sẽ trở về nhà ngay ấy mà. Con biết chắc bố không can dự vào chuyện này, tin chắc không có người nào giết hại mẹ... Con sẽ tới thăm bố... Hai bố con sẽ bàn về vụ này...

Hai bố con ôm nhau thắm thiết. Rõ ràng hai bố con rất thương yêu nhau, rõ ràng mẹ Melody đã tự tách mình ra khỏi tổ ấm này, hoặc đã bị hai bố con cô lập. Thế nhưng Macgaret không thể tự sát, không thể tự tay dựng nên quang cảnh này. Và nếu không có kẻ tình nghi nào khác thì bác sĩ Tabay chính là kẻ đã giết vợ.

Đơn xin tại ngoại hậu cứu bị bác. Luật sư của Tabay, một trong những luật sư giỏi nhất bang Florida, thẳng thừng bảo bác sĩ:

- Không có bằng cớ ngoại phạm, ông không làm sao tự bảo vệ được? Câu chuyện về cuộc dạo mát trên bãi biển thật ngớ ngẩn hết sức! Tốt hơn hết là khai thật... Ông hãy thú tội!

- Khốn nỗi tôi không phạm tội, tôi dạo mát trên bãi biển thật!. Macgaret tự sát để tôi phải ngồi tù cho bõ ghét. Không chắc cô ấy định chết thật, có lẽ chỉ muốn dựng cảnh tôi định giết cô ấy. Đúng thế, chắc chắn là thế... Nhưng vì không biết rõ liều lượng vừa đủ nên quá tay. Thuốc này rất mạnh, tôi chỉ sử dụng trong những ca đại phẫu như ghép da chẳng hạn...

- Vậy ông thừa nhận thuốc ngủ là của ông?

- Đúng, mà cũng có thể từ một phòng mạch, một bệnh việc khác. Muốn lấy của tôi cũng không khó. Cô ấy có thể lấy trộm nhân một bữa tới bệnh viện. Dễ ợt, tủ thuốc đặt ngay trên bàn giấy của tôi, chìa khoá tôi giữ...

- Một mình ông có chìa khoá?

- Nhân viên gây mê cũng có một cái. Macgaret biết rõ mọi thứ trong phòng bệnh viện, nếu cần có thể đánh tráo lọ thuốc ngay dưới mũi tôi. Chẳng ai để ý đâu.

- Ông khai như vậy, chúng ta khó lòng xoay chuyển được tình thế. Giải pháp tốt nhất là xác định thật chính xác thời điểm chích thuốc, và kiếm ra một người làm chứng ông ngoại phạm vào đúng thời điểm đó. Vậy thân chủ thân mếm, hãy nói rõ nơi ông đi dạo, tôi sẽ phái ngay một tốp tới tìm kiếm... Biết đâu đã có ai trông thấy ông...

- Bản thân luật sư cũng không tin tôi đúng không?

- Nói thẳng ra là tôi không tin. Cho dù điều ông nói là sự thật.

Cuộc điều tra vụ án Macgaret Tabay gây tranh cãi sôi nổi trong giới báo trí vì nhân vật chính trong vụ án là một bác sĩ đẹp trai, giàu có, làm cái nghề hấp dẫn giới phụ nữ: nghề giải phẫu thẩm mỹ. Ông đã thành công trong nhiều trường hợp khác thường: cấy da cứu sống những người bị phỏng rất nặng, tái tạo nhận dạng cho những bộ mặt quỷ sứ của nạn nhân các tai nạn giao thông khủng khiếp... Nhưng cũng có những người quên phứt công lao của bác sĩ, coi ông là lão phù thuỷ cao tay ấn, có thuật dùng dao mổ để làm giàu bằng những nhát căng da và những vụ bơm xillicôn vào ngực mấy bà nhẹ dạ.

Lời khai của nhân chứng 70 tuổi, cụ bà Toócman đặc biệt đè nặng lên bị can:

- Đáng lẽ ông ta phải tới gặp tôi bàn những chuyện ở bệnh viện nhưng tôi chờ cả tiếng đồng hồ mà vẫn không thấy. Mà cũng chẳng buồn xin lỗi! Trong khi chính ông ta lại là người chủ động xin gặp.

- Như vậy có nghĩa cụ thừa nhận bị cáo đã nói dối, và cuộc hẹn của cụ chỉ là cái cớ?

- Đúng!

- Nhưng bị cáo đã khai: trong vài ngày trước đó bác sĩ đã tới gặp cụ hai lần, lần nào cũng sau bữa ăn tối trong khách sạn cụ trọ... và theo yêu cầu của cụ?

Bà cụ bình thản phản bác đi:

- Chuyện nghe tức cười! Chính mồm ông ta yêu cầu như vậy, kêu không có thì giờ, không có nơi nào khác để bàn chuyện làm ăn với tôi.

Lời khai của nhân chứng được cơ quan điều tra tin hơn lời khai của bị cáo. Họ còn cho rằng những cuộc hẹn gặp bà cụ Toócman chẳng qua chỉ là cái cớ để bác sĩ Tabay thoát khỏi sự kiểm soát của bà vợ, đi gặp người tình.

Một hướng điều tra mới được triển khai: tìm kiếm người tình bí ẩn của bác sĩ Roy Sylvester Tabay.

Nhưng mặc dù các thám tử ra sức lùng sục khắp nơi nghi ngờ, thăm dò mọi mối quan hệ thân sơ của bác sĩ Roy, họ vẫn không sao phát hiện ra người tình đó.

Trong khi đó các nhân chứng tiếp tục khai báo. Họ đều thừa nhận hai vợ chồng có nhiều cuộc đụng độ công khai trước bàn dân thiên hạ, thừa nhận có cuộc xô xát nảy lửa trước khi xảy ra án mạng. Nhân viên bệnh việc xác nhận lọ thuốc ngủ đã biến khỏi tủ, bác sĩ Roy và nhân viên gây mê là hai người duy nhất có chìa khoá, nhưng nhân viên gây mê bữa đó về quê nghỉ phép... Tất cả mọi tình tiết đều qui về một mối.

Một năm rưỡi sau cái chết của Macgaret, toà mở phiên xét xử bác sĩ thẩm mỹ Roy. Hầu như tất cả giới báo chí đều cho rằng ông ta là thủ phạm giết vợ.

Kết luận của phiên toà ra sao? Bác sĩ Roy Tabay có thực sự là hung thủ hay không? Tại toà, cô bé Melody sẽ tiết lộ thêm một số tình tiết hết sức quan trọng.

* * *

Cuộc xét xử bác sĩ Roy diễn ra đúng vào lúc Tổng thống J. F. Kennedy bị ám sát nên ít được công luận chú ý.

Lúc này Melody đã gần 15 tuổi. Cùng với bà quản gia, cô bé vào ngồi trong một góc phòng xử án, tham dự các cuộc tranh luận không bỏ sót buổi nào.

Cũng như trước đây, ngay từ buổi đầu tiên, đoàn bồi thẩm nhận thấy ngay đây là một cô gái có khẩu khí hết sức lưu loát, linh hoạt, có khả năng tự chủ thật kỳ lạ. Nhiều người lớn tuổi khi ngồi giữa khung cảnh hết sức trang nghiêm, căng thẳng của chốn pháp đình cũng cảm thấy choáng ngợp, bối rối, nhưng Melody thì không. Khi toà lấy lời khai, Melody vẫn giữ nguyên giọng nói cứng cỏi, hơi khô khan:

- Phát hiện mẹ đã chết, cháu gọi ngay cho bác sĩ của gia đình cháu, sau đó tự bác sĩ thấy cần báo cảnh sát. Riêng cháu thì coi đó là sự nhầm lẫn của bác sĩ thôi, bởi lẽ chẳng có ai giết mẹ cháu. Mẹ ra phố trở về lúc 21: 15 và đi ngủ. Lúc đó cháu nằm đọc sách trên giường, trong phòng ngủ của cháu, bà quản gia trong phòng riêng của bà ấy trong cái nhà ngoài vườn, bố thì đi gặp bà cụ Toócman, cháu biết rõ như vậy. Nếu có ai lẻn vào nhà, cháu phải nghe tiếng động ngay chứ!

- Nhưng rồi cháu ngủ thiếp đi phải không nào? Bố cháu... hoặc một người nào khác hoàn toàn có thể vào nhà mà cháu không nghe thấy gì hết.

Melody lắc mấy bím tóc nâu:

- Không thể! Lần nào bố về, dù rất khuya, cháu cũng biết hết. Vậy thì bất cứ kẻ nào lẻn vào nhà cháu cũng nghe biết liền. Đúng là mẹ cháu đã tự sát, cháu tin chắc như vậy. Bố cháu vô tội, cháu cũng tin chắc trăm phần trăm như vậy.

- Hồi đó cháu còn nhỏ, còn là một đứa trẻ con, làm sao biết hết mội vấn đề của bố mẹ cháu?

- Xin quý tòa vui lòng đừng nói thế. Cháu hoàn toàn hiểu hết mọi chuyện. Cháu đã từng bắt gặp mẹ rình rập theo dõi bố hàng chục lần chứ không ít. Bố không để ý nên không biết, chứ cháu thì biết rất rõ. Mẹ cháu dần dần bị điên loạn, có bữa còn nghiến răng kèn kẹt mà bảo cháu: Tao căm ghét mày! Sao mày giống bố mày thế không biết! Thế nào cũng có ngày tao trả thù hai bố con mày!

Quan toà dẫn dắt Melody vào vấn đề ông cho là quan trọng hơn chuyện quan hệ giữa hai mẹ con:

- Mẹ cháu cũng căm ghét bố cháu sao?

- Cháu nghĩ như vậy.

- Theo cháu thì nguyên nhân do đâu?

Melody quay đầu nhìn bố bằng đôi mắt xanh lét đầy ưu tư... Cô đưa tay vuốt mái tóc, có vẻ đắn đo chốc lát. Rồi ngửng cao đầu rắn rỏi đáp:

- Bố cháu chắc rõ hơn cháu.

Quan toà gặng:

- Nhưng toà muốn biết ý riêng của cháu...

Ông quay sang phía bồi thẩm đoàn:

- Để quý vị bồi thẩm đoàn tham khảo, xin được phép nhắc lại với quý vị: nhân chứng đang còn ở tuổi vị thành niên.

Nhân chứng vị thành niên đang nhìn trân trâm vào mắt người bố, quay sang nhìn bồi thẩm đoàn:

- Các bà các cô tới nhờ bố cháu chăm sóc nhiều lần hỏi bố có muốn sửa sang lại gương mặt của mẹ không... và than thở không muốn nhìn mặt mình trong gương, muốn biến đổi thành con người khác... Thoạt đầu bố chỉ cười thôi, và tất nhiên bố không muốn mẹ thay đổi thế. Còn cháu thì cho rằng mẹ đã loạn óc mất rồi, đã điên mất rồi. Có một bữa hai bố con đã bàn chuyện này.

- Theo cháu nhận định thì mẹ đã tự sát vì điên loạn, vì căm ghét bố, căm ghét cháu? Sao cháu có thể nói là mẹ căm ghét cháu được?

- Vì chính mồm mẹ cháu nói ra. Cũng còn vì cháu quá giống mẹ, mà mẹ thì lại không thể chịu đựng được điều này.

Giá như cái chết của Macgaret không xảy ra trong những điều kiện khác thường như ta đã biết, lời khai của cô gái sẽ khiến cán cân nghiêng về phía tự sát. Khỗn nỗi, chiếc bơm tiêm và lọ đựng thuốc ngủ vẫn không tìm thấy. Hơn nữa vị bác sĩ gia đình một mực cải chính những ý kiến của cô bé. Ông nói:

- Ta không nên lẫn lộn giữa cảm tưởng và thực tiễn. Có thể quan hệ giữa hai mẹ con bà Tabay không êm xuôi, nguyên nhân sâu xa thế nào phải qua phân tích tâm lý mới làm rõ được, nhưng tôi dám quả quyết thân chủ tôi không điên, thần kinh không bị rối loạn hơn mọi người bình thường. Thật tình tôi vẫn phải thường xuyên điều trị chứng mất ngủ của bà ta, nhưng thử hỏi trong thời đại hiện nay, có người nào thoát khỏi chứng mất ngủ? Bà Macgaret tỏ ra không mấy vui vẻ về cuộc sống gia đình, điều đó đã rõ, nhưng có thể vì những lý do mà cô con gái không biết. Khi gặp cảnh ngộ như vậy, người mẹ không thể bộc lộ hết với con gái.

- Tôi hiểu, thưa bác sĩ. Vậy là theo ý ông thì giả thuyêt tự sát không tồn tại?

- Tôi cho là thế. Trừ phi có những bằng chứng chính xác, tôi thấy khó chấp nhận giả thiết bà Tabay tự sát.

Sau năm phiên họp, toà tuyên án Roy Sylvester Tabay tù trung thân. Thoát được án tử hình nhờ có hai phiếu chống của hai bồi thẩm cho rằng không đủ tang vật và bằng cớ cụ thể chứng tỏ bác sĩ giết vợ.

Từ chỗ ngồi tận cuối phòng xử, Melody ngước đôi mắt xanh đẫm lệ nhìn bố bị giải đi. Khi ra khỏi phòng, cô vùng vằng gặt phắt các phóng viên, không trả lời phỏng vấn, không cho chụp ảnh, núp sau bà quản gia, biến mất.

Luật sư của bác sĩ Roy tuyên bố ngắn gọn:

- Tôi sẽ chống án. Thân chủ tôi vô tội.

Quả nhiên bác sĩ Roy hoàn toàn vô tội. Hung thủ giết Macgaret bất ngờ bị phát giác trước sự kinh ngạc đến cực điểm của mọi người.

Mẹ chết, bố vào trại giam, Melody về ở với ông ngoại theo quyết định của toà. Ông ngoại cô là một ông già khá đặc biệt, sinh sống bằng lợi tức, lo sưu tập đủ mọi thứ vớ vẩn hơn là lo chăm sóc cô cháu gái. Thấy cháu mình bỏ ra quá nhiều thời giờ đi thăm nuôi bố trong tù, một bữa kia ông rụt rè khuyên bảo thì bị Melody quát: Ngoại hãy lo cho mình đi, khỏi can thiệp vào việc của cháu!

Vừa bực vừa nản, ông già than thở với hội đồng đỡ đầu:

- Con cháu gái Melody của tôi giống mẹ nó như đúc, bướng bỉnh và cực kỳ mất dạy. Nhưng nó lại quá thông minh nên tôi không sao quản nổi. Đề nghị cho nó vào ký túc xá cho tôi khi học xong.

Hội đồng đỡ đầu đồng ý, gửi Melody vào một ký túc xá sang trọng. Tuy nhiên Melody vẫn có điều kiện lui tới thăm bố trong tù. Nhiều tháng trôi qua... Từ năm 1965 trở đi, người ta không thấy Melody tới thăm bố nữa.

Phiên toà phúc thẩm nhóm họp hai năm sau khi toà xử sơ thẩm. Tuy có giấy gọi nhưng Melody không tới. Hội đồng đỡ đầu báo với toà: trừ phi toà có lý do triệu tập đặc biệt, nếu không cô bé vị thành niên sẽ không tham gia cuộc xét xử này.

Luật sư đích thân tới gặp Melody.

Bà giám đốc trường nội trú nơi Melody học năm cuối bậc trung học tiếp đón ông luật sư với vẻ miễn cưỡng. Vừa trông thấy luật sư bước vào văn phòng, bà đã chặn họng:

- Gia đình cháu không muốn Melody bị quấy rầy, ảnh hưởng tới việc học của cháu...

- Tôi hiểu thưa bà giám đốc. Nhưng chính gia đình cháu cho phép tôi đi gặp. Đây là thư ông ngoại cháu.

Trong phòng tiếp khách bài trí khắc khổ, luật sư nhìn chằm chằm cô thiếu nữ đang bước tới. Gương mặt kín như bưng, trông cô bé già hẳn đi, tuồng như đã trải qua một quãng đời dài trong bi kịch nội tâm.

- Chào ông, bố nhờ ông tới đây gặp cháu?

- Đúng đấy Melody! Đúng là bố cháu bảo bác tới. Lâu không gặp cháu, bố rất buồn và sợ chính cháu cũng cho là bố phạm tội.

- Bố thừa biết không đời nào cháu nghi cho bố.

- Sao cháu không tới thăm bố nữa? người ta cấm à?

- Nếu cấm, cháu vẫn cứ tới như thường.

- Vậy sao cháu không tới?

- Cháu không còn giúp gì được nữa. Tới thăm nuôi để nhìn bố bị giam cầm, để chỉ được phép nói chuyện qua tấm kính, qua điện thoại, trước mặt cai tù, cháu chịu không nổi. Điều cháu nói với bố không dính dáng tới bất kỳ ai.

- Điều gì vậy? Cháu có gì cần nói với bố?

- Nói cháu yêu bố, bố mãi mãi là bố củacháu, nói cháu rất cần bố và... và những điều khác nữa rất riêng tư giữa hai bố con với nhau.

- Cháu nói với bác được chứ?

- Không! Nhất định không được.

Melody nói bằng giọng dứt khoát khô khốc đã từng gây ấn tượng khó quên cho cảnh sát. Nhưng vị luật sư lần này tới gặp đã mang theo một ý tưởng riêng, một ý tưởng giày vò mà ông không thổ lộ với ai, kể cả với thân chủ ông, bác sĩ Roy Tabay.

- Melody này, bác định nói với cháu một điều bác nghi nghi hoặc hoặc mãi...

- Nghi hoặc chuyện gì? Bác định nói gì lạ vậy?

- Định nói cháu nghe chuyện này: bác biết người giết mẹ cháu là ai rồi...

Cô gái bất giác né người lùi lại... tựa hồ có con rắn độc vừa mổ giữa mặt, cô nắm chặt hai tay, và dường như muốn chạy trốn... Cuối cùng cô định thần lại được và hỏi với giọng khản đặc:

- Bố cháu đoán ra à?

- Không đâu Melody! Không phải thế.

- Thế thì bác chẳng biết được! Chỉ bố cháu mới đoán ra.

- Bác cũng đoán được chứ, Melody! Vì là nghề của bác mà. Nghề của bác là đoán biết sự việc và say mê những người mà bác có nhiệm vụ bênh vực. Bác cảm thông với họ, hiểu họ hơn các quan toà nhiều... Trong khi trò chuyện với bố cháu về con người cháu, bác đã hiểu cháu hơn... và đoán ra...

- Thì ra ông đã nói cho bố biết hết! Ông là đồ khốn nạn!. Đồ khốn nạn...

- Bác không nói gì với bố cháu, nhưng cháu thấy đấy, bác cho rằng bố đã suy nghĩ về chuyện này rất nhiều rồi. Nhưng không nói ra, sợ nói đúng là sự thật và sẽ làm hỏng cuộc đời cháu...

- Chẳng cần phải thế! Dù gì đi nữa, cuộc đời tôi cũng hư hỏng mất rồi.

- Nếu vậy cháu hãy làm một việc gì đó cho bố cháu!. Về phần cháu, chắc sẽ không có hề ấn gì, bác sẽ lo cho cháu.

- Bác bảo cháu làm gì bây giờ được nữa? Chậm mất rồi, chậm cho bố, cho cháu, cho cả hai bố con... Đi đứt hết, bố sẽ không còn yêu cháu, không coi cháu là con nữa...

- Thế cháu thích để bố ngồi tù sao? Không cho bố biết sự thật? hoặc để bố tiếp tục im lặng?

- Như vậy ít ra bố con vẫn yêu nhau như trước.

- Nghe đây cưng!. Xử sự như vậy, cháu sẽ chẳng khác gì mẹ cháu hồi xưa. Ở vào tình thế của cháu, hẳn mẹ cháu cũng sẽ bỏ mặc bố cháu tù rũ xương. Vì cũng như cháu, bà ấy chỉ nghĩ đến bản thân, nghĩ làm cách nào ly dị cho có lợi nhất, chiếm được nhiều tiền nhất, tóm lại, điên cuồng vì ích kỷ...

- Không đúng, cháu không giống mẹ!

- Vậy thì khai đi! Nếu cháu thực sự yêu bố thì hãy khai thật đi! Nếu cháu không phải là con búp bê ích kỷ, một con nhỏ cứng đầu và độc địa thì hãy nói ra sự thật! Hãy cùng đi với bác đến gặp quan toà! Haỹ xử sự như người lớn xem nào. Cháu đâu còn là đứa trẻ mười ba!

Đôi mắt xanh lét của Melody chợt sáng loé ánh man dại như mắt con mèo nổi giận... Cô hét lên:

- Được! Đồng ý!

Melody lạnh lùng khai với quan toà:

- Tôi đã giết mẹ! Tôi rất yêu bố, mẹ thì lại làm khó cho cả hai bố con. Tôi lấy trộm lọ thuốc và bơm tiêm trong bệnh viện, dùng vợt tennis đập cho mẹ ngất lịm trên giường ngủ. Tôi rút hết thuốc trong lọ vào bơm tiêm, biết rõ như vậy mới chắc vì đã từng thấy nhân viên chỉ cần cho vài giọt pha lẫn thứ thuốc khác cũng đủ gây mê. Sau đó giấu bơm tiêm và chiếc lọ trong vườn. Về sau tôi lại bới lên và vứt vào sọt rác, nhưng không tìm thấy chiếc kim tiêm, chắc bị vùi dưới đất. Nếu cần các ông có thể tìm... Tôi thu xếp phòng làm mọi người nghĩ có một hung thủ lạ mặt nào đó, vì vậy mới giấu chiếc bơm tiêm và chiếc lọ... Nhưng khi bác sĩ gia đình tới và nói không có ai có thể vào nhà nếu không có chìa khoá cửa, tôi đâm sợ vì rõ ràng ông ấy ám chỉ bố tôi. Vì thế tôi cố lái sang chuyện tự sát, nhưng cũng không êm. Hồi đó còn quá ấu trĩ, tôi không nghĩ hết mọi tình huống... Về sau thì đã chậm, tôi xấu hổ không dám thú nhận vụ này với bố.

Toà họp kín xử Melody theo đề nghị của họ hàng nội ngoại và bố đẻ.

Chiếc kim tiêm được tìm thấy, vùi dưới đất đúng như con bé chỉ.

Bác sĩ Roy đã biết từ trước nhưng vì thương con gái, ông cam chịu lãnh án tù chung thân - chút xíu nữa thì lãnh án tử hình - chứ không tố giác con.

Vụ án gây chấn động dư luận nước Mỹ sau khi vụ án Kennedy tạm thời lắng xuống. Báo chí bình luận sôi nổi vì đức ghen kỳ lạ của Macgaret. Tất cả đều thừa nhận: Ghen tuông âu cũng người ta thường tình, nhưng ghen tới mức như Macgeret thì không còn là chuyện thường tình nữa mà là chứng ghen tuông bệnh hoạn, một căn bệnh mà thần kinh học hiện đại gọi là bệnh ghen hoang tưởng, với đặc điểm chủ yếu: sợ người khác tước đoạt vị thế làm vợ, làm mẹ của mình, từ lo sợ đó dẫn đến những hành động cực kỳ ích kỷ, tàn nhẫn với xung quanh, với chồng con. Chính Macgaret là thủ phạm gây nên thảm kịch trong gia đình đồng thời là nạn nhân của thảm kịch đó.

Còn Melody? Một nhà phân tích tâm lý xã hội bình luận: Nó là một trong những sản phẩm quái gở nảy nòi từ xã hội điện loạn của nước Mỹ, của phương Tây trong thời đại mà các giá trị đạo đức truyền thống bị đảo ngược từ gốc đến ngọn.

Vĩnh Hồ dịch

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top