3. Ngôi Miếu Hoang
Phía đường chân trời, nửa vầng sáng rực nhô lên mặt sông im lìm. Nước sông trong vắt xanh thăm thẳm, khi ánh dương rọi xuống duềnh dàng những đường lấp lánh mà đôi mắt Thanh Mai vẫn luôn cong lên nhoẻn khóe miệng khen đẹp mỗi khi ra bến sông với anh hai. Đàn chim trắng đập cánh hướng tới ánh bình minh, miệt mài rướn đôi cánh nhuộm nắng xuyên thủng màn sương mỏng tang. Người trong làng nghe tiếng chim bay để đoán buổi sáng có bình yên hay không. Nếu chim vỗ cánh tứ tung trốn trong cánh rừng bên kia ắt đêm trước đã xảy ra một vụ nổ súng hoặc trực thăng đã đi qua.
Sáng nay trời bình yên quá độ, trên bến sông những con đò thầm lặng xuôi dòng đón đưa ai đó. Một ngày mới lại bắt đầu với cơn ho không dứt của út Mai. Hà đi từ lúc sắc trời còn tối om, khi về với mái tóc óng ánh màu nắng vàng hoe. Trên tay là một gói xôi lá cẩm.
- Nè xôi còn nóng phỏng tay luôn đó, út ăn đi!
- Còn nóng thiệt nè. - Út Mai xòe tay nhận gói xôi gói trong lớp lá chuối âm ấm lòng bàn tay.
Em mân mê nắm xôi hỏi anh Hà:
- Mà dạo này hai lấy ở đâu ra nhiều đồ ăn vậy? Hổng lẽ hai sinh ý ăn cắp vặt?
Một tháng đổ lại đây, cứ bảy ngày trong tuần là hết năm ngày Hà mang đồ ăn sáng về cho Út Mai. Khi thì nắm xôi, khi thì cái bánh Ích, bánh chuối hay đòn bánh tét. Từ hồi má lên trời, thịt thà luôn là những thứ xa xỉ, ngoài cá đồng ra hai anh em toàn ăn cơm trắng với chao chấm rau luộc. Không hiểu sao tháng trước gà luộc ở đâu ra mà Hà mang về, hỏi thì nói được người ta cho, vậy thôi.
Hà có vẻ ngập ngừng trước ánh mắt trong veo, ngập tràn ý nghịch ngợm.
- Làm gì có, thôi ăn đi cô hai. Tui đi ra bến đây, ở nhà nhớ uống thuốc nghen chưa. - Hà chống chế đôi câu lấy lệ rồi với vội cái nón lá chuồn ra bến sông.
Mới sáng sớm hàng người đã xếp dài trước miếu đầu làng đợi vào thắp nén hương. Giỏ lớn giỏ nhỏ nuối đuôi nhau xếp ngay ngắn trên chỗ thờ một vị thần. Người xưa nói cấm có sai, hai người đàn bà cộng với một con vịt là thành cái chợ. Hàng dài người thế kia, mỗi người một tiếng xì xầm to nhỏ điếc cả tai. Đi từ sớm nhưng đợi mãi vẫn chưa tới lượt, ông Nghĩa hặm hực bê thúng trái cây tươi roi rói qua bến sông ngồi.
Lôi điếu thuốc rê bà nhà quấn cho để sẵn trong túi áo ra hút ngầm tạt dịu cơn bực bội. Muốn cầu cho thằng con đậu Đại học cũng khó, chiều nay là nó đi lên thành phố rồi. Hà nhìn sơ là biết ông Nghĩa mang giận sôi gan. Chòm râu ông co quắp, run run theo những lần nhả khói.
- Chú Nghĩa, mới sáng mà sao mặt chầm dằm như bánh bao chiều vậy chú?
- Bây coi, mới có sáu giờ rưỡi đông thế kia, biết có kịp thắp hương cho bà trước khi thằng con đi thành phố không? Đâu mà lắm người thế không biết.
Nghĩ cũng lạ mười năm nay cái miếu ngự đầu làng gần như bỏ hoang. Không người quét dọn, khói hương. Bao mùa gió chướng sương mù phủ lên ngôi miếu bức rêu phong dày dọp xám ngoét. Hội hè, ngày tết cũng chưa khi nào thôi phủ bụi. Một ký ức dường như đã bị quên lãng chẳng ai còn thiết tha nhớ đến kể cả khi mất mùa hay bầu trời gieo những những làn mưa bom. Hình ảnh về ngôi miếu hình như chỉ còn trong hồi ức của bọn trẻ chăn trâu mỗi khi sấm chớp bén rễ trên bầu trời xám xịt. Chúng trú vội cơn mưa nặng hạt in lại những dấu chân ướt nước nhỏ xíu rồi cũng chóng bị gió hong khô như chưa từng có hơi người tạt qua.
Câu chuyện về một thập kỷ bỏ hoang xảy ra chỉ vì lời đồn đoán vô căn cứ. Và... cũng vì một câu chuyện ngồi lê đôi mách của ai đó mà ngôi miếu bỗng chốc được người người đến cúng bái, giành nhau quét dọn.
Xa xa con đò nặng nhịp chèo từ từ xuôi vào bến. Con đò nhỏ xíu và chênh chao người ngồi sát rạt, sơ vin kĩ càng, đầu đội mũ nhựa màu cam. Lạ hoắc, không phải dân ở đây. Đò đến gần, một kĩ sư nước ngoài với đôi mắt xanh màu biển chỉ trỏ vào người lái đò, cay đắng buông ra một thứ tiếng lạ. Chẳng hiểu nghĩa nhưng nôm thái độ bực bội và có ý chê cười kia hẳn không phải câu tốt lành gì. Chắc là phàn nàn hoặc chửi ngu dốt?
Hà nhõm cổ nhìn với cặp mắt đầy chướng khí, còn ông hai Nghĩa thì phì phèo điếu thuốc rê chốc chốc nói:
- Lẹ dữ bây, sao nghe ông trưởng thôn nói mấy tháng nữa mới bắt đầu xây xưởng mà nay đoàn kỹ sư tới rồi? Chả bao lâu nữa làng mình chẳng còn ai làm ruộng nữa cho bây xem. - Nói đoạn ông dừng lại, ngoảnh đầu nhìn qua ngôi miếu còn dài người đứng đợi, trong dạ ngổn ngang dường như tiếc nuối. - Bà cũng sẽ không còn ở đây phù hộ độ trì cho cái làng này nữa.
- Không có ai có quyền đập bỏ ngôi miếu kia nếu dân làng mình không cho.
Nghe Hà nói giọng đanh như thép, rắn như đá khiến ông hai bật cười. Phải chi thanh niên làng này ai cũng có chí như thằng Hà thì phải biết. Làng có lẽ sẽ rất lâu để tiến bộ nhưng những giá trị xưa cũ vẫn luôn ngự trị ở đây, không bị máy móc, đồng tiền chi phối. Một sự bẽ bàng len lỏi sâu bên trong đôi mắt tèm nhèm của ông.
- Mình thấp cổ bé họng, gọi trời trời không thấu thì làm được gì ngoài việc trơ mắt nhìn chúng xây công xưởng buôn bán với bọn mắt xanh mũi đỏ. Chủ xưởng là cậu ba, người mặt cái áo vest màu lông chuột đó. Cô tư Trà hiền lành đi chùa hành thiện tích đức, lo cho bá tánh chỗ ăn chỗ ngủ thế mà cuộc đời sắp tới đây chôn vùi với một người thất đức như vậy! Đốt chùa phá miếu, nghiệp nặng tới đời sau.
Hà đưa mắt nhìn theo đoàn người có người tây, người mình đi về phía ngôi miếu. Vừa đi vừa chỉ trỏ trong cái tờ giấy bảng to rồi đứng lại nhìn vào khoảng đất đông nghịt người. Lẩn trong đám người tây có một người mình cao xêm xêm bằng, thì ra người đó là cậu ba Văn - chồng sắp cưới của cô Vân Trà.
Hà bất giác nhìn lại bàn tay mình, những đốt chai sạn bong tróc rướm máu đang trồi lên lớp da non, nào có mềm mại như tay người, rõ chai sần không khác tảng đá cục sắt vụn là mấy. Một thằng chèo đò quanh năm làm bạn cùng mặt sông và nắng gắt suy cho cùng không thể sánh bằng một kẻ trí thức cao sang. Nét tủi thân thoáng hiện trong đáy mắt nó rất nhanh tan vào mặt trời gay gắt trên đỉnh đầu.
Thấy hàng người xếp hàng trước ngôi miếu, cậu ba Văn ngoắt tay hỏi thằng An, lóc cóc chạy theo xách đồ cho mình. Hỏi: Cái chỗ phế tích kia sao đông người thế?
An nheo mắt cười, luyên thuyên kể về sự linh ứng của vị thần miếu bằng tất cả say mê.
- Chắc cậu ba có nghe về con ma mù chữ rồi phải không?
- Có nghe sơ sơ. - Hoài Văn không mấy quan tâm chuyện đồn thổi bên ngoài. Dù sao đều là chuyện không có thực.
- Tháng trước cậu con út nhà ông bà Vịnh bị ma mù chữ nhát, mời cả thầy cúng trên thành phố xuống mà cũng không ăn thua còn bị nó nhát ngược lại nữa. Có người mách cho ông bà chủ là nên tới ngôi miếu đầu làng dâng lễ khấn vái. Cái miếu bỏ hoang cả chục năm nay, ông bà khinh khi không nghe. Tới khi thằng Phạm Trí bị con ma mù chữ quăng xuống mương, người nhà nó cũng thử tới khấn vái thần miếu. Nào ngờ linh ứng thiệt, từ rày đó tới nay Trí không gặp lại hiện tượng tâm linh kì lạ nào nữa. Vết thương ở chân cũng mau lành nữa. Cậu xem có kì diệu không?
Hoài Văn hiếu kỳ hỏi:
- Phạm Trí có phải là tay đàn em của cậu Hai nhà mình không?
- Dạ phải, là nó! Hồi trước nó biết chữ nên được gửi đi học trường quân sự ở đâu đó xa lắm, giờ về làm quân dưới trướng cậu Hai.
Cậu ba im lặng vài giây chợt ghé vào tay thằng An nói nhỏ gì đó.
Bầu trời tối om, tiếng chim Trĩ réo gọi vọng tới bên hiên nhà. Thằng Hà trở mình ngồi dậy trên chiếc chõng tre cũ nát, dượm bước đi ra mé bụi cây to.
Lần này không còn cái bóng trắng ẩn hiện trong khoảnh cây rậm rạp tối đen. Những bóng người mặc áo bà ba chụm nhum lại bàn chuyện. Chuyện ngôi miếu lọt vào phần đất mà cậu ba Hoài Văn bên sông mua đều râm rã khắp ngõ ngách.
Thằng Công gãy đầu, cà lăm nói:
- Tụi bây tí... tính, tính, tính sao đi chứ, chứ, chứ hổng lẽ để, để... cậu ba Văn... Văn...
- Mẹ nó! Cà lăm mà cứ hay nói! - Thằng Nhàn đập lên cái mỏ ác thằng Công một cái bóp cho nó thôi giựt giựt mép môi.
Cũng tội! Nó bị cái tật cà lăm bẩm sinh, cứ hễ nói ba chữ là bị vấp một chữ. Người trong làng gọi nó là "Công Ba Chữ" để phân biệt với một người tên Thành Công. Một cái tên nhưng số phận cách bằng vực sâu thăm thẳm. Người kia làm viên chức, còn nó là thằng đi ở đợ cho nhà ông bà chủ Vịnh.
- Còn mày nữa, lần trước chơi gì quá mạng vậy, xô nó xuống mương là được rồi còn đập què giò nó chi?
Hà trách Nhàn. Thằng Nhàn ậm ừ, nó cũng đâu phải cố ý làm chân thằng Phạm Trí bị thương. Chỉ là lúc ấy trời tối mù, lại có tiếng chó sủa nó quán quá đạp Phạm Trí xuống mương rồi ôm túi đạn chạy đi. Chắc là đạp hơi mạnh. Chuyện xui rủi ai mà muốn đâu. Mà cũng nhờ chuyện đó mà ngôi miếu mới được người đó thờ phụng.
- Dù là vậy thì cũng không tránh khỏi việc bị chủ đất họ đập đi lấy đất xây xưởng. - Nhàn buồn hiu nói.
- Nhưng đất đó là đất công, dân mình còng lưng chay tay khai phá chớ đâu, cũng tại ông trưởng làng nghe thằng cha giàu sụ kia dụ dỗ đưa đất mở xưởng.
Hà tức giận bẻ cành cây khô cái rớp. Thề phải làm một vố cho cậu ba Văn đi biệt khỏi cái làng này mới được. Thằng Nhàn làng ở vựa trái cây, dễ dàng hỏi thăm tin tức chuyện mở xưởng. Còn thằng Công Ba Chữ được cái khéo tay để nó vẽ mặt nạ, chuẩn bị đạo cụ. Riêng Hà sẽ truyền những mẫu chuyện linh thiêng của ngôi miếu ăn sâu vào tiềm thức của dân làng qua những chuyến đò trôi sông.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top