2. Chuyện Bị Ma Nhát Ngày rằm
Thiếu nữ mười tám đôi mươi trong cái thời văn hóa bị xáo trộn thường lả lướt với váy dài kiểu Tây âu, cánh tay phồng cổ điển, chuỗi ngọc trai bóng bẩy điểm xuyến nơi cần cổ trắng ngần. Một nét đẹp thời thượng khiến bao người vun tiền ra chạy theo để có một bộ váy áo sang trọng, chiếc nón rộng vành đính nơ bản to hay mái tóc xoăn lọn giống những người phụ nữ cách mình nửa bán cầu. Ấy thế mà cô tư Trà vẫn áo bà ba, áo dài đi chùa viếng Phật. Ở Vân Trà luôn tỏa ra nét diễm lệ, kín đáo của người con gái truyền thống dù thời cuộc đổi thay, văn hóa của Tây âu đang dần trà trộn vào nước mình.
Ngày rằm, sáng sớm tài xế chạy xe ra sảnh đợi cô chủ. Như thường lệ đúng sáu giờ rưỡi, tà áo dài màu xanh nhạt nhã nhặn bước xuống bậc thang. Dáng người Vân Trà mảnh mai, mỗi bước chân đều như thổi theo làn gió xuân. Duyên dáng không chỉ bởi cái dịu dàng e ấp mỗi bước đi nước bước mà còn là sự ấm áp trên khóe cười rạng rỡ như hoa.
Tay cô tư xách theo chiếc giỏ mây đan mắt cáo, thắt nơ ở tay cầm đơn giản mà đẹp. Chiếc giỏ xách là sản phẩm Vân Trà tự tay làm ra vì sẵn nguyên liệu trong nhà. Sau này nhiều người hỏi về chiếc túi đặc biệt đó quá, anh cả bèn nảy ra con đường làm ăn mới. Thay vì chỉ sản xuất bàn ghế tủ giường thì mở rộng ra những món phụ kiện nhỏ bắt kịp thời đại. Chính tay cô tư tận tình chỉ việc cho công nhân học làm rồi đem cho anh cả chào hàng ở các cửa hàng lớn, dần dà trở thành một món phụ kiện rất được ưa chuộng của những quý bà ở thành thị.
Anh Lâm tài xế đưa cô tư Trà đến viếng chùa đều đặn mỗi tháng một lần vào ngày rằm. Hồi trước anh không bao giờ ăn chay, cảm thấy mấy món thanh đạm kia nhạt toẹt, không rau luộc thì đậu hũ nước tương. Thế mà từ hồi làm cho nhà ông bà chủ Khánh Tâm anh cũng tập ăn theo nhà ông bà. Ban đầu ăn chay theo Nhị trai, mỗi tháng vào ngày mồng một và mười lăm. Sau này ăn quen rồi thì phát nguyện ăn chay theo Tứ trai. Thì ra không phải ăn chay nhạt mà do tay người không biết cách nấu, cũng là món chay nhưng nhà ông bà Khánh Tâm ngon lắm, vừa miệng và còn phong phú nữa.
Viếng chùa cầu bình an xong, Vân Trà đi xe qua hiệu thuốc Long Đức. Người trong làng hay gọi ông là thầy tư Đức. Cái làng này chủ yếu là hốt thuốc nhà ông uống nếu bệnh vặt. Còn bệnh nặng phải qua sông lên huyện khám bệnh viện uống thuốc theo toa của bác sĩ.
- Lúc nãy ở ngoài uống cà phê tôi nghe người ta đồn ầm về con ma mù chữ. Thấy tội thì tội thiệt nhưng mà cũng mắc cười lắm. Cho đáng đời, bị nhát là đáng!
- Chuyện con ma mù chữ thì em có nghe sơ sơ. Mà anh nói ai bị nhát? Lại là cậu Hoàng nhà cô tư Hiên hả anh?
Anh Lâm vừa lái xe vừa la trời, ghẹo: bộ cô tư trên trời mới rớt xuống hôm qua hả? Chuyện thằng Hoàng xưa lắc xưa lơ rồi!
Cành vàng lá ngọc xưởng mây Khánh Tâm ngoài xưởng và chùa chẳng mấy khi ra ngoài. Công chuyện làm ăn với đối tác một tay anh cả, kế toán là anh ba còn cậu con trai út mới lên tám tuổi đang bận gánh vác tuổi thơ con chữ cho kịp chúng bạn. Mẫu mã đồ dùng tất nhiên con gái duy nhất trong nhà phải chăm lo.
- Sao anh cười em? - Vân Trà ngơ ngác hỏi. - Nói nữa chừng ngừng là kì lắm nghen!
Tài xế lắc đầu, kêu lát tới bến sông hỏi thằng Hà là biết ngay. Không chừng chuyện nó biết còn nhiều hơn chuyện ở quán cóc lề đường anh nghe lỏm được.
Xe dừng lại bên bến sông vừa lúc Hà đang chở khách về. Chiếc nón lá hắt nắng cách mấy trăm mét vẫn chói lóa. Từ xa Hà cũng nhìn thấy tà áo dài phất phơ trong gió trưa vội vàng khua mái chèo thiệt nhanh.
- Đợi tui xíu. - Hà cho cho đò cập bến. Lúi cúi quạt tay xuống nước sông rửa sạch hai bàn tay đen nhẻm vì bê mấy túi than giúp khách qua sông chưa kịp rữa.
Dưới cái nắng trưa gắt gao hoa cỏ còn rũ héo, đầu người muốn bốc cháy thế mà nụ cười Hà vẫn rạng ngời trên môi sánh đua với mặt trời. Ở nó chưa bao giờ thấy buồn. Nỗi cơ cực chỉ là một thứ gia vị chang cơm chớ nào phải hoàn cảnh đời người. Ăn no chuyện chi phải buồn, Hà cười nói nhẹ bẵng khi người ta xót thương cho nó.
Anh Lâm vác bao gạo đặt xuống chân nó cái phịch, hiền khô hỏi:
- Sáng giờ chắc chèo được mấy lần đò rồi hen chú em?
- Dạ sáng giờ cũng ba chuyến rồi anh Lâm, hôm nay không lo đói nữa.
Nói rồi Hà ngắc ngứ nhìn bao gạo, thiệt tình nói:
- Bao gạo này chị cho tui xớt một nửa cho người khác được không? Mà nay tui có tiền rồi, đủ lo hai miệng ăn. Tháng sau chị Trà lấy phần tui cho bà ba Thì ở cuối xóm đi đừng cho tui nữa nghen. Dâu với con trai bà đạp trúng mìn chết cả rồi, để lại bốn đứa cháu nheo nhóc. Tui nghèo thiệt nhưng mà mấy đứa nhỏ đó còn nghèo hơn tui, không có ăn phải uống nước sông cầm hơi. Thấy tội lắm!
- Tôi biết rồi, số gạo này Hà giữ lấy để dành, còn nhà bà ba Thì lát tôi với anh Lâm qua cho gạo sẵn thăm mấy đứa nhỏ luôn.
Cô tư Trà mang chục than thuốc đưa cho Hà. Lúc nãy ghé nhà thầy tư Đức thăm mấy đứa nhỏ cơ nhỡ được thầy tư nhận nuôi. Có nghe thầy kể nửa tháng nay không thấy Hà tới hốt thuốc cho út Mai nữa. Mấy tháng đổ lại đây tiền thuốc mắc hơn do có thêm một loại dược liệu quý. Cái tính thằng Hà ông còn lạ gì nữa, nó được cái nghèo mà tự trọng cao. Dù ông tư nói nhiều lần tiền thuốc cứ để đó khi nào có thì trả, vậy mà nó không chịu, thiếu mấy ngày lo làm trả ngay. Không biết dạo này nó có chuyện gì không mà không qua.
Hà không chỉ chèo đò mà còn làm thêm khuân vác hàng, định bụng làm thêm bữa nay mai đi hốt thêm thuốc. Nó nhìn chồng thuốc mắt tủi tủi.
- Chắc nãy ông tư nói với chị mấy tuần nay tui không ghé qua hốt thuốc phải không? Cái ông tư này thiệt tình tui định làm bữa nay đủ tiền mai qua hốt thuốc.
Vân Trà kéo Hà ra chỗ cây dừa ngã ngồi xuống nói chuyện riêng, khuyên Hà bỏ cái tính tự ái đi, chớ không người thiệt là mình. Mà thiệt một mình Hà cũng được, đằng này người khổ hơn ai hết là con bé Mai, nó bị tim nếu không ăn uống, thuốc than đầy đủ bệnh sẽ không dứt được. Hà nể tư Trà lắm! Bằng tuổi nhau nhưng nó luôn kêu tư Trà là chị. Một phần, nghĩ phận mình nghèo hèn làm sao ngang hàng với thiên kim tiểu thư giàu có. Phần nữa, vì Vân Trà là người được ăn học tử tế, biết đối nhân xử thế. Người có học tất nhiên lý lẽ sẽ thấu tình đạt lý hơn một đứa mù chữ. Nghe tư Trà khuyên giải từ từ cũng nguôi, Hà gật gù suy nghĩ.
- Mà Hà có nghe vụ con ma mù chữ không? Chuyện gì mà anh Lâm bảo ghê lắm!
- Có chớ, mà chuyện đó cách đây một tháng rồi chấn động cả cái làng ai mà không biết. Để tui kể cho nghe, đảm bảo chị cười bể bụng luôn, không cười tui đi bằng đầu cho chị coi.
Hôm đó đám người giải tán ai về nhà đó. Khuyên và con Lý soạn đồ cúng cho thằng Đồng lập đàn. Bày biện ngay trong đêm, bàn cúng đặt bên ngoài quay vào cửa sổ phòng cậu út. Bóng người cầm kiếm bạc bước ra mọi người trong nhà lật đật quỳ xuống khấn vái. Thầy Diệu Minh khoác áo vàng dưới vạt áo có thêu hình rồng uốn lượn, mỗi khi duỗi tay ra ống tay áo rộng dài gần chạm đất. Đầu đội mũ có thêu hình bát quái như một đấng tối cao ẩn chứa trong mình nguồn lực phi phàm.
- Lúc ta làm lễ, nếu có nghe thấy bất kỳ âm thanh kì lạ nào cũng không được ngẩng đầu lên nhìn, tuyệt đối không. Nếu không có xảy ra bất trắc gì ta không cứu các ngươi được. - Ánh mắt thầy nghiêm trọng không phải là lời dặn dò mà như là một mệnh lệnh.
Chỉ có mình thằng Đồng là người có căn được đứng gần thầy Diệu Minh để trợ giúp. Cậu Hoàng Minh thần trí không mấy tỉnh táo nằm nghỉ trong phòng cốt để dụ con ma mù chữ đến. Toàn bộ người trong gia đình đều chắp tay cúi đầu. Ai vào việc nấy xong xuôi, từ gian nhà trước vang vọng tiếng chuông đồng hồ quả lắc. Mặc dầu có thầy trừ tà kế bên nhưng mặt ai cũng tái mét, không hẹn mà cùng lạnh sống lưng. Con Lý không sợ ma nhưng nó sợ nhất là tiếng cào cửa, rờn rợn như thể có ai dùng đá cạo vôi răng nghe nhức tê tận khối óc.
Thời khắc khi tiếng chuông dứt, bầu trời tối mịt, khuôn trăng tròn bị mây đen che kín trông âm u, nặng nề. Thầy Diệu Minh giơ kiếm chỉ thiên, tay còn lại vào thế làm phép. Ngoài cái bóng đen và giọng đọc chú của thầy ra mọi người không hay biết gì cả. Lạ thật, năm mười phút trôi qua rồi mà con ma mù chữ vẫn chưa xuất hiện chẳng lẽ ông thầy này có pháp thuật cao cường nên nó không dám bén mảng tới.
Bỗng nhiên sau lưng ông thầy xuất hiện một cái bóng nhỏ, thằng Đồng vội bóc nắm đậu xanh ném vào bóng đen. Đậu xanh rơi tứ tung dưới sân, con ma đứng im như đang thách thức hoặc đứng lại đôi giây xem trò vui ngày rằm. Có vô số thứ ném vào bóng đen, kể cả nước tiểu đồng tử khai ngấy. Tất cả đều vô dụng!
Giọng ông thầy run rẩy, chắc là ông ấy đang rất tức giận. Cơn tò mò nhộn nhạo trong lòng con Lý, nó lén đưa mắt cao hơn để nhìn rõ hai cái bóng phản chiếu dưới nền sân xi măng.
- Chị Khuyên, ông thầy này cao tay thật, coi kìa ổng đuổi con ma chạy mất dép! - Nó xì xầm bên tai chị Khuyên.
- Mày khùng hả Lý ma làm gì có chân mà mang dép? - Thằng Chương nghiêng đầu qua nhỏ to cãi nhau với con Lý, rõ ràng nó thấy con ma đi chân không kia mà?
Chị Khuyên sợ ông bà chủ nghe thấy liền nhỏ giọng nhắc nhở hai đứa nhỏ:
- Thôi đừng có nhìn, nghe lời thầy đi kẻo xảy ra việc không hay.
Lát sau nghe thấy tiếng người hét rát cổ bỏng họng ngoài cổng. Mọi người dù bứt rứt con mắt muốn nhìn lắm nhưng cả chục quả đầu vẫn cắn răng cúi đầu. Đến một đoạn thời gian đột nhiên mọi thứ rơi vào yên tĩnh, không gian lặng đến nỗi có thể nghe rõ mồn một tiếng thở dài hay ngắn, nặng hay nhẹ, tiếng muỗi kêu hay âm thanh của gió luồn qua gác mái.
- Vậy nghĩa là ông thầy Diệu Minh đó đuổi được con ma mù chữ đi rồi hả?
Thằng Hà cười sằng sặc vì câu hỏi ngô nghê của Vân Trà. Nó vỗ cái bóp lên bắp đùi vừa nhịn cười vừa nói:
- Đâu có, khúc mắc cười tới rồi nè!
Lúc con Lý thấy hai cái bóng người như đang đuổi nhau, thực ra là ông thầy "pháp thuật dỏm" bị con ma mù chữ nhát chạy ra tới tận ngoài cổng kêu cứu. Khi nhà ông bà Vịnh ngẩng đầu nhìn lên trên bàn cúng chỉ còn lại đúng mớ tiền vàng giấy bạc. Trái cây, gà luộc, ngay cả nải chuối xanh, bó hương trầm tự dưng không cánh mà bay trong đêm. Từ dạo đó trở đi chuyện trừ tà nhà ông bà Vịnh đi tới đâu cũng nghe người ta bàn tán, người làng bên hay qua sông lấy trái cây còn xì xầm chuyện nữa là.
Cho út Mai uống thuốc xong, Hà quạt dỗ con bé ngủ. Lâu lâu đưa tay lại gần mũi em gái nín thở cảm nhận luồng hơi nóng rang để chắc rằng con bé vẫn ổn. Cái chết của mẹ năm Hà mười hai tuổi ám ảnh tới tận giờ. Tâm trí nó nhớ rất rõ một buổi sáng cận tết, mẹ hứa sẽ dắt nó đi may bộ quần áo mới, nó hí hứng gọi mẹ nhưng gọi mãi mẹ không trả lời. Rõ, tối hôm trước mẹ vẫn như thường vỗ lưng hát ru cho nó ngủ vậy mà sáng ra mẹ đã bỏ nó đi xa thật xa, không bao giờ về nữa. Cảm giác chạm vào thân xác mẹ lạnh lẽo làm sao, mỗi khi nhớ lại Hà không khỏi rùng mình về cái lạnh thấu xương trong ký ức mất mát.
Bỗng đâu đây có tiếng chim Trĩ vọng tới khi xa khi gần. Hà lẳng lặng bước ra ngoài nhìn thử, bóng trắng lấp ló sau tán cây. Một phen giật mình, Hà vội chạy vào nhà cầm theo cái ná bắn chim dò dẫm bước ra ngoài.
Mới sáng, bến sông người qua tiếng lại ầm ĩ, con ma mù chữ nửa tháng nay không thấy xuất hiện tối qua xuất hiện nhát thằng Phạm Trí. Nghe nói nó bị con ma xô xuống mương trật mắt cá, mắt thì sưng chùm bụp. Khẩu súng giắt bên thắt lưng bị đập nát, còn mấy băng đạn thì biến mất. Giấy tờ tuỳ thân, thẻ làm việc ướt nước rã ra trôi nổi trên lớp bùn đất.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top