15. Tự Do

Tiếng súng liên thanh xả liên tục ở gần đó, bọn lính chạy đi ngay không còn quan tâm đến bên dưới lớp bông súng hồng tim tím kia liệu có đang che giấu thứ gì không.

- Hà, chèo nhanh đi.

Canh khoảng cách an toàn rồi, người của đội áo bà ba vùng dậy khỏi lớp bông súng, rút chốt lựu đạn ném về hướng bọn lính chưa đi xa. Tuy bị thương ở bụng do dao gâm nhưng lực ném và hướng canh rất chính xác, gần như cột lửa khói đã nuốt trọn bọn chúng. Do lực mạnh nước động làm thuyền lắc lư, Hà khốn đốn lắm mới cho thuyền ra sông cái, nước chảy mạnh đưa xuồng bông súng xuôi dòng, Hà đỡ phải nhọc nhằn hơn.

Tới đây thằng Hà vẫn chưa hết bần thần, đầu nó trống trơ đến khi nghe tiếng rên rỉ ở đầu xuồng bên kia. Ánh trăng sáng trong soi khuôn mặt người đó, tóc long tong chảy nước. Vải che một nửa khuôn mặt để lộ ra đôi mắt rất quen. Một đôi mắt chính trực. Nhận thấy cặp mắt Hà vẫn luôn dõi theo từng cử chỉ của mình, Văn chột dạ ho một tiếng quay lưng đi.

- Mà hồi nãy sao anh biết tên tôi mà gọi vậy?

Lần này cậu ba Văn ậm ừ không dám lên tiếng sợ bị phát hiện. Hà nghĩ do vết thương quá đau khiến người đó nói không nên lời.

- Anh có sao không? Đau lắm hả?

- Nhưng mà sao anh lại bị bọn nó truy bắt vậy?

Đứng trước bao câu hỏi dồn dập Hoài Văn luôn im lặng. Càng nhìn kỹ càng thấy dáng lưng ấy quen làm sao, cảm giác như thể Hà đã từng nhìn thấy ở đâu rồi nhưng Hà không nhớ ra là ai. Mải mai suy nghĩ một lúc, đột nhiên đầu xuồng chao nghiêng rồi tõm. Hoài Văn nhảy xuống nước phút chốc lặn mất tăm hơi.

Quả nhiên phía trước có một đoàn lính đang đi tuần tra bằng cano dọc theo con sông, dường như bọn này chỉ đơn giản là đi tuần, không phải chung một đoàn với tụi lính bị người áo bà ba ném lựu đạn. Hà nhận ra trong đám lính ấy có một người nó từng xem là anh em, là người thân ấy thế mà...

Nhàn cũng nhìn Hà, tự biết mình đã sa vào guồng quay làm tay sai. Chắc là Hà đang giận nó lắm, nó làm việc cho lũ bán nước kia mà. Chính Nhàn còn thấy bản thân bỉ ổi nhưng hoàn cảnh đã buộc nó đi theo một hướng biết trước là bạo tàn, không bao giờ có đường lui. Khoảng cách giữa hai thằng bạn không còn là khoảng cách từ bờ ra giữa sông. Đó là ranh giới vô hình giăng ra chia cắt lý tưởng của mỗi người.

Dạo này bên trên ráo riết bắt người rải truyền đơn. Bọn chúng đi tuần gặp ai cũng phải kiểm tra qua.

- Kêu nó vào xét xem có gì không?

Nhàn nói:

- Không cần đâu, nó là bạn tôi, không dám liên quan gì đến người của bên kia đâu.

- Vậy hả? - Bọn nó cũng có chút rượu trong người, đang mệt nên phất tay cho đi ngay. - Tao tin tưởng mày đấy. Bạn mày vậy thôi đi đi.

...

Sáng chủ nhật bầu trời có vẻ thoáng đạt hơn. Tuy nắng không chói chang trời vẫn trong và xanh đến vô tận. Trận giông gió được thai nghén lâu nay như thể nó mang thay những ấm ức, giày xéo của muôn kiếp người gom lại xả xuống. Mưa như thác nước gầm gừ trắng xóa cả vùng trời. Từ hiên nhà nhìn ra cổng chỉ thấy mảng trắng đục ngầu, lâu lâu tạt ngang qua mặt lạnh lùng, có chút hơi tàn nhẫn.

Gió quật ngã tơi bời cây cỏ, mạnh bạo bứng đi gốc Điệp già cỗi trước nhà. Nhà lá qua trận đêm qua chắc không dễ dàng gì. Có ai dám ngủ với lắng lo, bất an liệu giông có cuốn bay tài sản duy nhất đời mình đi không. Họ thức canh, canh thứ xập xệ nằm giữa đồng không mông quạnh suốt đêm bão bùng.

"Đả đảo chính quyền tay sai. Đã đảo chính quyền tay sai."

Đoàn sinh viên trong sắc trắng tinh khôi xếp hàng dài hết con đường chắn hai lối ra vào trước Đại sứ quán. Đồng lòng giơ cao băng rôn, khẩu hiệu dứt khoát mong muốn có thể gây sức ép cho những kẻ tráo trở với quê hương. Người đi đầu là thầy cô giáo - những người có đầy đủ tri thức, trong đó ít nhiều có người từng du học ở Tây về. Và người tiên phong cho cuộc biểu tình chính là thầy giáo họ Phạm, bên cạnh là thầy giáo Thành Hiếu. Hai người bạn với hai tấm áp phích vẽ lại cảnh nhân dân ở các đồn điền cao su bị bóc lột, trận càn quét đẫm máu ở những ngôi làng.

Đoàn biểu tình ngày càng tiến gần đến cánh cổng của Đại sứ quán. Binh lính co cụm ở giữa chĩa súng vào hai đầu đoàn biểu tình liên tục la hét:

- Dừng lại, hãy mau giải tán!

- Nếu không chúng tôi sẽ nổ súng.

Chúng không dám nổ súng đàn áp nếu không muốn tít báo ngày mai chỉ toàn là chỉ trích và những gì mà tấm áp phích kia vẽ là sự thật. Cánh báo chí sẽ dùng những luận điệu về tự do dân chủ làm nhân dân mất lòng tin.

Tình hình căng thẳng kéo dài suốt hàng tiếng đồng hồ. Các cuộc biểu tình diễn ra không còn là chuyện mới mẻ, nhưng lần này thì khác nó kéo dài từ sáng sớm đến tận tám chín giờ đêm với quy mô lớn chưa từng thấy. Như là hiệu ứng cánh bướm đoàn người nối đuôi nhau mỗi phút mỗi dài và rộng ra bắt buộc phải phải nhờ đến sự can thiệp từ quân đội.

Một trung đoàn, gần năm trăm binh lính lực lưỡng được điều tới giải tán cuộc biểu tình bằng vũ trang. Hoài Duy năm ấy vừa được thăng hàm Thiếu tá giữ chức phó chỉ huy Trung đoàn 2, hắn bắt buộc phải lập được công trạng để danh tiếng của mình vang xa.

- Bao vây tất cả cái lũ người cố chấp này. Không được để một người thoát.

Khi nhìn thấy nhân vật cầm đầu biểu tình lại là em trai mình. Hoài Duy nổi đóa.

- Ăn cơm nhà, lo chuyện thiên hạ. Anh cho chú mày ba phút để biến khỏi đây trước khi một cuộc tắm máu diễn ra.

- Đây là quyền tự do dân chủ của cá nhân tôi. - Hoài Văn không ngần ngại giơ cao áp phích.

Cuộc biểu tình như sóng vỗ, kịch liệt vỗ bờ. Khi những cuộc ẩu đả nhỏ giữa lính và sinh viên xảy ra cũng là nguồn cơn lan rộng ra rồi trở thành cuộc chiến giữa tay không và súng đạn. Đạn không có mắt, không có tình người. Nó xé toạc trái tim, khối óc cũng những người yêu nước, mong muốn được tự do, không phải lệ thuộc vào bất cứ đất nước nào khác.

Lớp lớp người đã ngã xuống ngay trước mắt Thành Hiếu và Hoài Văn. Họ trơ mắt, chết lặng tay nắm chặt áp phích. Quá sức tưởng tượng, là mạng người, hàng chục, hàng trăm mạng người!

- Văn, đi đi Nguy hiểm lắm. - Hiếu đẩy Văn đi.

- Sao mà đi được, ông ở đây, tôi còn ở đây.

- Chúng ta... - Đạn ghim vào ngực Thành Hiếu. Một dòng máu đỏ thấm ướt lớp áo trắng làm cậu chao đảo rồi gục xuống trước mắt Hoài Văn.

- Hiếu! Thành Hiếu!

Giọt nước mắt rơi trong đêm muộn với cơn quặn thắt người đau đớn. Cơn ác mộng lại đến, réo gọi đêm kinh hoàng ấy trở về như mới hôm qua.

Nước tạt ướt sân, đất cát bắn lên lớp gạch tàu lố đốm dơ. An thức sớm quét dọn, lau sạch sảnh trước nhà. Loay hoay làm xong nó chợt nhớ ra hôm nay là chủ nhật đến ngày dọn phòng cho cậu ba. Ngày nào cậu cũng ra khỏi nhà, cửa phòng đóng kín, chỉ có thứ năm và cuối tuần có cậu ở nhà mới vào quét dọn. Nói dọn phòng cho ra công việc, thật ra cậu ba sẵn tính ngăn nắp chưa khi nào thấy cậu quăng bừa quyển sách hay cây bút đi đâu. Phòng chỉ cần quét kỹ dưới hóc bàn, giường, kệ sách rồi đổ rác là xong.

Từ ngày cậu ba Văn về nhà, không ở phố dạy học nữa lần đầu tiên thằng An thấy cậu dậy trễ quá bảy giờ sáng. Cậu ba trùm chăn kín người, co lại hệt con tôm luộc.

Chắc đêm qua cậu làm việc đến khuya. Kể ra hồi ông chủ đi công tác về cậu ba tự dưng đàng hoàng hẳn ra, không còn la cà hộp đêm với người tình, đến nhà hàng ruột cũng bỏ xó trong kí ức. Sợ cậu thức giấc An mang sọt rác nhỏ trong phòng xuống đổ, lát lên dọn phòng sau vậy. Tới tầng trệt gặp cậu cả Hoài Duy bước lên lầu.

Cậu cả hỏi, cậu ba thức chưa. An lắc đầu, lưỡng lự nói:

- Chắc hôm qua cậu ba làm việc khuya lắm mới ngủ. Bộ cậu có chuyện gì gấp hả cậu, hay để con vào gọi cậu ba dậy?

- Thôi được rồi.

Không khí ẩm ướt, mùi máu tanh thoang thoảng chui ra từ sọt rác. Ngửi kĩ hình như còn có mùi cồn sát trùng thì phải. Hoài Duy nhíu mày, bước đến xốc lớp giấy nháp lên. Quả nhiên mùi tanh bốc lên từ miếng băng gạc dính đầy máu đã khô đen từ mấy ngày trước. Khuôn mặt cậu cả nghiêm lại, rất nguy hiểm làm An lạnh cả sống lưng.

- Cậu ba mày bị thương hả?

Làm gì có, cậu ba vẫn bình thường. Nếu có bị thương thì thằng An là đứa biết đầu tiên. Rách da chảy máu chớ có phải muỗi chích kiến cắn đâu mà không biết.

- Vậy đóng băng gạt máu me này ở đâu ra?

Thái độ đáng sợ như đang tra hỏi tù nhân. An lắp bắp giải thích:

- Con cũng không biết nữa. À chắc là con Mít bị thương đó cậu, mấy bữa trước nó cắn lộn với chó hàng xóm, cắn sao mà nát mình nát mẩy, còn đi cà nhắc tới bây giờ luôn.

Mít là con chó cưng của cậu ba mang từ phố về. Như lời thằng An nói, bị cắn đến mức như thế thì đóng băng gạt này đúng là của nó rồi. Hoài Duy bĩu môi quay người đi xuống.

- Đem đốt hết cái đống gớm ghiếc này đi, để trong nhà xui xẻo.

Hoài Văn nép sau cánh cửa phòng nhẹ nhõm thở ra một hơi. Thằng An coi khù khờ vậy mà cứu cậu một mạng. Cậu không dám tưởng tượng đến viễn cảnh Hoài Duy phát hiện vết thương trên người mình sẽ ra sao.

Buổi trưa cậu ba qua xưởng đô đốc thợ. Bến sông vắng người, Hà ũ rũ ngồi trên đò đợi cậu từ bao giờ. Đàn bồ câu bu quanh chiếc xuồng, lượm lặt ít thóc vương vãi trong lòng xuồng. Lúc sáng, có người nhờ cậu chở mấy bao thóc, bọn bồ câu khôn lanh kéo cả đàn đến mót cho bằng hết. Không phải tự nhiên bồ câu ở đây không sợ người. Nó vẫn ăn, có khi là ăn giựt ngay nắm gạo, nắm bắp trên tay người ta. Không ai đặt ra luật lệ nhưng từ mấy năm nay người ta không bao giờ bắt bồ câu nữa. Bởi những ngày bầu trời yên ổn, không trực thăng, không chuyên cơ đánh nhịp ù ù, bồ câu sẽ xuất hiện. Thấy bồ câu người ta sẽ an tâm cho một ngày không có súng nổ, đạn lạc hay ai đó bị bắt.

Thấy cậu ba Hà đứng vẫy tay, xua bồ câu bay đi.

- Cậu ba! Lên đò đi.

Sao Hà biết cậu ba Văn qua sông giờ này? Khỏi nghĩ chi cho dài dòng xa xôi chắc chắn là thằng ở nhà cậu nói cho Hà biết.

Miễng cưỡng leo lên đò. Xuôi theo dòng nước, hai người không nói với ai câu nào. Không khí trầm lắng quá đỗi có đôi chút giống với tối mấy hôm trước. Hà cũng nhẹ nhàng khua mái chèo lặng nhìn người của đội áo bà ba. Cậu ba tưởng Hà sẽ năn nỉ hoặc chí ít là nhắc cậu về bửa trước nó xin cậu dạy học. Đằng này Hà như biết thân biết phận không dám học đòi cái chữ bỏ bụng cho riêng mình nữa.

- Câu hỏi hôm trước cậu hỏi đã có đáp án chưa?

- Dạ rồi.

Hà mượn đàn chim đang bay ngang qua khung trời bèo nước, thành thật nói:

- Con muốn được tự do, muốn bảo vệ mảnh đất này và cả miếu thờ bà đầu làng nữa.

Không chút nghi ngại về con của kẻ phản quốc, Hà tuôn ra những lời từ tận đáy lòng mình. Chính thứ chân thành và khát khao ấy ẩn hiện một phần của Thành Hiếu. Hy vọng lấp lánh trong mắt của Hà. Cậu ba bất giác xúc động vội quay lưng đi để không ai trông thấy hàng nước sắp chực chờ rơi xuống.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top