Hương hoa
Trên tầng không , những khối xù xì xám xịt nuốt chửng sắc xanh. Và u tối tràn lan trên quãng trời cao ngất. Từng đốm sáng lóe lên, rọi soi thành phố nhộn nhịp. Nơi cuối đường chân trời , u uất của tự nhiên và ánh sáng trắng nhân tạo đang giành giật không gian với nhau. Nhưng mặc kệ cuộc chiến ấy, người bận vẫn cứ bận , xe máy vẫn lao trên đường ,ánh sáng từ đèn xi nhan lóe lên rồi tắt trong dòng người. Ngay trên đầu là một vùng biển tối đen như muốn nói rằng trời đã về đêm,dưới vùng biển ấy lại vẫn sáng trưng như ban ngày,vẫn rộn rã biết bao.Xe đi xe lại, đèn pha không dứt , đến cả con đường nhỏ cũng mất đi sự tĩnh lặng.
Thời tiết thật kỳ quái , ban ngày chìm trong nắng nhưng đêm đến lại lạnh căm căm, cái lạnh cũng lạ lùng ,cảm giác như một cơn gió ẩm ướt thổi qua làn da làm gai cả người.
Tôi lững thững đi bộ đến tiệm tạp hóa đầu đường,bình thường tôi không đến đây mua đồ vì nó xa nhà quá nhưng hôm nay tiệm tạp hóa gần nhà đã đóng cửa nên tôi chỉ có thể ra tận đây. Cứ coi như mình tập thể dục đi, nghĩ vậy tôi thong dong đi về phía cửa tiệm sáng trưng nơi góc đường. Ánh sáng trắng từ ô thủy tinh của tiệm trở nên nổi bật dưới ánh đèn vàng, bên trái cửa tiệm là quán nhậu nhỏ, vài người ngồi xung quanh chiếc bàn nhựa vừa chạm cốc vừa lè nhè trò chuyện, mùi đồ ăn, mùi khói than và mùi bia trộn lẫn trong không khí.
Tôi bước vào tiệm tạp hóa mua mấy gói mì tôm, thịt hộp ,chuẩn bị cho ngày mai.Lúc thanh toán tôi chần chừ một lúc rồi lấy thêm hộp thuốc .Trả tiền cho nhân viên, tôi bước ra ngoài.
Chợt, tôi nghe thấy một thứ âm thanh buồn bã.
Không phải tiếng nỉ non, tiếng rền rĩ, hay tiếng khóc kinh khủng gì, chỉ là một giai điệu. Thứ giai điệu ấy buồn đến lạ.
Tôi ngẩng đầu nhìn quanh rồi bắt gặp bóng dáng một người đang thổi saxophone trên ban công tòa nhà đối diện. Dáng người ấy chìm trong bóng tối nơi đèn đường không rọi đến nổi. Tôi nghĩ đó là một người trung niên , vài tia sáng từ ô cửa phía sau lưng lờ mờ rọi lên mái tóc hoa râm và dáng người khum khum của ông.
Âm thanh của saxophone vang vọng từ tầng lầu, giai điệu của nó trầm bổng, phiêu du chìm trong tiếng còi xe phố xá . Mỗi nốt nhạc đều réo rắt. Tiếng nhạc thê lương và hư ảo đến lạ.Người nghệ sĩ cúi người, chuyên chú với chiếc kèn trong tay mình, gửi vào trong tiếng nhạc nỗi niềm đau đáu. Tôi không hiểu chuyện gì, tôi còn không biết người đang chơi nhạc là ai nhưng trong phút chốc nghe thấy tiếng kèn réo rắt bén nhọn ấy tôi thấy lòng mình lặng đi.Ngẩng đầu nhìn lên , ánh đèn đường đâm vào nhãn cầu làm mắt tôi nhòe đi ; tôi đứng dưới ánh sáng của ngọn đèn lẳng lặng nghe tiếng kèn từ tòa nhà chìm trong bóng tối, trên con đường lớn ,người và xe vẫn qua lại ,chia cắt thế giới làm hai nửa. Một bên là tòa lầu hai tầng cũ kỹ bị bóng tối vây chặt , một bên là đèn đường sáng trưng và phố xá ồn ã. Người trên ban công kia vẫn cầm chặt chiếc kèn chăm chú truyền hết tình cảm của mình vào từng hơi thở vang trong ống đồng.
Cùng với điệu nhạc,lời bài hát bỗng dưng xuất hiện trong suy nghĩ tôi :
"Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay.
Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say."
Một bản nhạc của Trịnh Công Sơn ,một ca khúc xưa cũ và da diết . Hình như tôi hiểu vì sao nước mắt mình lại chực trào. Trong căn phòng nhỏ, chiếc đài cũ phát ra tiếng kèn, một đôi tay yếu ớt nắm lấy tay tôi, mắt bà mất đi tiêu cự, cố nhìn về lọ hoa dạ lý hương trắng...tiếng kèn trong ký ức như chồng lên với âm thanh thực tại.
Tôi đứng tựa vào trụ đèn, nhắm mắt lại, bỏ mặc ánh sáng vàng trên đầu ,kiềm nén hơi thở dồn dập của mình để nghe người nghệ sĩ già thổi khúc nhạc. Tiếng kèn saxophone ấy kéo dài bên tai tôi, che hết sự ồn ã và náo nhiệt. Âm vang cứ vọng mãi trong tâm trí tôi, tôi tưởng chừng như cả trái tim mình đang run rẩy theo điệu nhạc ấy. Âm thanh và giai điệu của bản nhạc như đang túm lấy trái tim tôi, mời nó khiêu vũ, chơi đùa nó trong tay.
Chợt, tiếng còi xe đâm vào màng nhĩ tôi. Tôi mở mắt ra, trái tim vẫn đang đập mãnh liệt . Khúc nhạc đã kết thúc, giai điệu tiêu tán trong gió.Người nghệ sĩ già trên ban công hình như vẫn ở đấy, ông ôm lấy chiếc kèn tựa người vào ban công.Khúc nhạc kết thúc cũng ném tôi về thực tại, tiếng nói, tiếng xe chạy ùn ùn dội vào tai. Tôi cầm theo túi ni lông lại lững thững quay về nhà.
***
Tôi lại đến tiệm tạp hóa đầu đường nhưng không phải để mua đồ. Tôi kéo cái ghế nhựa gần trụ đèn ra gọi với vào trong:
- Cho hai lon bia và một phần thịt nướng.
- Dạ,anh đợi chút.
Mấy bàn bên cạnh đều có khách, tiếng chạm cốc và mùi thịt nướng cứ tung bay.Sau giờ làm ai cũng thích tụ tập bạn bè, cùng ăn uống lại tán dóc vài ba câu thế chẳng mấy chốc là qua hết một buổi đêm. Tôi không hiểu sao mình lại đến đây, cứ thế mà đến. Thật lòng mà nói tôi đến đây cũng chỉ muốn được thoải mái một chút, bản thảo của tôi lại không được duyệt, tôi tự dưng muốn uống một cốc, cho mình được thoải mái một chút.
Đồ ăn được đưa lên, bàn bên cạnh đã bắt đầu hò hét khí thế .Bọt bia tan chậm trong ly, khí trời se lạnh nhưng trong cái góc nhỏ này lại nóng nực như không biết lạnh là gì.Tôi nâng cốc.
Bỗng, tôi nghe thấy tiếng kèn. Tôi ngẩng đầu lên tìm kiếm. Lúc này đây, khi tôi nhìn lên căn lầu đối diện vẫn đứng trong ánh sáng. Mặt trời dần buông , ngôi nhà hai tầng ngáng mất đường đi của hoàng hôn,bóng của nó in hằn lên khoảng trời chiều. Từ ban công, tiếng kèn lại vọng đến.
Vẫn khúc nhạc đó, vẫn là "Hạ trắng". Hạ đã qua đi nên chỉ còn lại khoảng trắng.Mẹ tôi cũng rất thích ca khúc này, nó giống như linh hồn thiếu nữ của bà vậy, dù già nua vẫn nhớ mãi không quên.
Nhờ tia sáng cuối ngày, tôi cũng nhìn rõ người chơi nhạc . Bóng dáng gầy gò ,đeo chiếc kính đen; lưng hơi gù xuống ,bàn tay đầy vết đồi mồi nhưng vẫn còn sức lắm, bấm những phím thành thạo trên kèn đồng .Ông ấy đeo một chiếc kính đen lúc trời sập tối ,dồn hết sức vào chiếc kèn trong tay. Khi tôi đặt cốc xuống, tôi mới nhận ra có một cụ ông đang đứng dưới trụ đèn mà tôi đứng mấy hôm trước,cụ cũng nhìn về phía đối diện, lặng im nghe khúc nhạc.Lại là ông cụ, mấy hôm nay lúc đi ngang đây tôi đều thấy cụ.Ngẫm lại thì hình như từ lâu cụ cũng hay ở đây rồi nhưng bình thường tôi không chú ý và không phải hôm nào cụ cũng đến.Một hai ngày trong tuần, mới thấy cụ đứng đó.
Tôi có chút tò mò,cụ ông kia đứng gần tôi lắm vì bàn tôi ngay cạnh trụ đèn. Tóc cụ cũng đã hoa râm,những nếp nhăn đổ đầy trên mặt; cụ mặc chiếc quần xanh màu lính và mắt nhắm nghiền say sưa nghe khúc nhạc.Dường như trong thế giới của cụ chỉ còn lại mình và tiếng nhạc.Đèn vụt sáng. Ánh đèn vàng chiếu xuống cái bóng gầy gò và bên kia đường từng chút ánh sáng rời khỏi căn lầu của nghệ sĩ để mặc đêm tối tràn về.
"Đời xin có nhau, dài cho mãi sau, nắng không gọi sầu.
Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau."
Khúc nhạc kết thúc.
Âm thanh hò reo và tiếng động cơ xe máy lại ùa về.Cụ ông mở mắt, đôi mắt mờ đục dưới lớp da nhăn nheo cố mở to nhìn về phía đối diện.Người nghệ sĩ già trên ban công đối diện chẳng thể nào thấy cụ nhưng ông ấy cứ nhìn về phía cụ như thể thật sự thấy cụ ông kia .Cách một con đường nhỏ, ánh sáng và đêm tối bị những chiếc xe máy và ôtô chia cắt.Giống như hai thế giới bị thời gian chia cắt.
Ông lão cuối cùng cũng đi vào nhà.Cụ ông kia vẫn đứng dưới ánh đèn thẫn thờ nhìn về ban công tòa lầu đối diện rồi thở dài. Cụ nhìn mấy bàn ăn trong quán ,muốn tìm chỗ ngồi nhưng hết bàn mất rồi. Tôi có chút tò mò, thế là tôi lên tiếng:
- Ông ơi, ông không ngại thì có thể ngồi chung với con.
Ông cụ cười hiền hòa,không khách sáo , kéo ghế ra ngồi đối diện tôi gọi một chai bia và một phần thịt.
Keng.Nắp chai bia rơi xuống đất, cụ ông rót cho mình một cốc rồi uống từng ngụm nhỏ.Qua mấy cốc bia và đôi ba câu trên bàn nhậu, tôi đánh bạo hỏi ông cụ:
- Ông ơi, ông quen người thổi kèn kia ạ ?
Ông cụ bật cười,những nếp nhăn trên mặt xô lại, che khuất ánh sáng trong đôi mắt già nua.
- Quen!Quen,...
Hỏi ra được câu đầu tiên , tôi cũng bớt căng thẳng, dù biết là hỏi chuyện của người khác trông có vẻ không lịch sự; nhưng tôi có cảm giác câu chuyện này rất quan trọng với tôi. Chỉ một khúc nhạc, một cái nhìn của hai ông lão , tôi lại cảm thấy trong đó chứa đựng nhiều cảm xúc.Trái tim tôi hồi hộp, nôn nao muốn biết; muốn nghe câu chuyện đó.
- Nếu ông quen ông ấy sao ông không chào hỏi hay bắt chuyện ạ?Con thấy ông đứng đây mấy hôm rồi.
- Ha ha, không dám, không dám.
Nói rồi cụ nâng cốc lên.Tôi ngạc nhiên.Quen biết nhưng không dám bắt chuyện ? Cụ ông đặt cốc bia xuống
- Ông từng đi lính, ông già nhà đối diện cũng vậy, là đồng đội cũ của ông.
Tôi không bất ngờ lắm vì chiếc quần xanh quân đội của cụ đã nói lên tất cả.Tôi có điều này thắc mắc hơn nhiều:
- Không phải cựu chiến binh nào cũng biết chơi nhạc đâu, hiếm lắm đấy.
- Dân nhạc viện ra đấy, thiếu gia nhà giàu học nhạc cụ Tây từ nhỏ,cuối cùng bỏ đi lính.Trong nhà cũng rủa dữ lắm.
Ông cụ cười bất đắc dĩ rồi nhìn về phía đối diện.Tia sáng từ cửa kính đối diện nhỏ bé yếu ớt dưới ánh đèn đường .Cụ thôi không cười,nét mặt trở nên đăm chiêu như trôi dạt về quá khứ.Tôi nâng cốc lên, hỏi ra điều mình thắc mắc nhất:
- Ông ơi, có vẻ hai ông khá thân tại sao ông lại không đến gặp ông ấy? Tuổi già có bạn bè cũ không phải rất vui sao?
Ông cụ tiếc rẻ mà "Chậc!" một tiếng.Khuôn mặt già trông càng thêm ủ dột vì những nếp nhăn đổ xuống.
- Không được,vẫn là không cần biết thì tốt hơn.
Cụ lẩm bẩm trong miệng "Dù sao cũng không thể thấy được nữa,...cứ vậy đi,xem như không biết..."
Tôi biết mình không thể biết được đáp án từ cụ. Cũng không sao, tuy tôi tò mò nhưng ai cũng có những chuyện không muốn nói mà.Nếu không muốn nói thì cứ để thế thôi.
- Hình như hôm nào ông ấy cũng chơi Hạ trắng, lạ thật .
Ông cụ nhìn tôi, cười nhạo
- Sao nào, già rồi không được chơi bài này à? Hừ.
Tôi bật cười, điệu bộ ông cụ trông như đứa trẻ cáu kỉnh khi ai đó chê thứ nó thích.
- Ông hiểu lầm rồi, cháu thích bài này lắm. Mẹ cháu nghe mãi đấy. Chỉ là trong ấn tượng của cháu cựu chiến binh vẫn thích nhạc Đỏ hơn.
- Xùy. Ai bảo thế, dù là lính cũng là người cả mà. Bọn ông đi lính khi còn trẻ , toàn sinh viên cả. Người ta bảo đi thì mình cũng đi. Học mấy năm , bỏ hết mà đi. Lúc đi đều là thanh niên trẻ, ôm đủ loại ước mơ. Dù ra chiến trường có khốc liệt mấy ,thì nơi này...
Ông chỉ chỉ lồng ngực trái.
- Nơi này vẫn trẻ lắm!Vẫn mơ mộng một cô gái Hà thành, mơ về tình yêu.Tiểu đội ông thích bài này lắm, nghe vào liền thấy trẻ ra.
Tôi nâng cốc uống một hơi rồi đặt mạnh xuống bàn. Đúng.Dù là lính thì cũng là thanh niên trai tráng. Đâu phải chỉ có một lòng nhiệt huyết còn có cả trái tim biết yêu trong lồng ngực nữa. Lính đâu có khô khan,chỉ biết nhạc Đỏ; họ cũng biết yêu, cũng lãng mạn. Nhìn cụ ông đối diện, tôi chợt hiểu vì sao mẹ tôi lại thích bản tình ca này đến vậy. Đó là tuổi trẻ, là mùa hạ nhanh qua nhưng rực rỡ,cũng chứa đựng ảo mộng tình yêu đẹp đến nỗi hạ qua rồi chỉ còn lại khoảng trắng .
- Ông già kia ấy...
Cụ hất cằm về tòa lầu đối diện.
- Biết anh em trong tiểu đội thích bài này nên lúc nào cũng thổi cả. Anh em trong đội thì kêu ca nghe riết muốn sợ , chỉ có ông biết vì sao ổng thích bài này đến vậy. Ấy,đừng hỏi , bí mật ... bí mật.
Cụ đắc ý uống một hớp bia.Tôi không hỏi nữa. Chỉ chạm cốc với cụ.
***
Mấy hôm sau, tôi tình cờ thấy ông lão đeo kính đen đang đón cháu ở trường mầm non.Lúc rời đi, tôi thấy cụ ông mặc quần lính lặng lẽ đi theo hai ông cháu.Trong phút chốc tôi như hiểu ra điều gì.
Bẵng đi một thời gian , tôi không thấy cụ ông đứng ở cột đèn để nghe nhạc nữa. Cả tháng trời trôi qua, cuối cùng ông ấy cũng xuất hiện nơi góc đường.Khoác lên mình bộ đồ lính, sống lưng già cỗi cố đứng thẳng tắp mê mang nhìn về đối diện. Hôm nay trụ đèn bị hỏng,bóng tối nuốt chửng hai người lính già.Tiếng kèn ngưng bặt , ông lão đeo kính đen cố dùng tốc độ nhanh nhất mò mẫm sang đường,muốn sang đường.Nhưng đèn đường tắt rồi, ông ấy không có ánh sáng để tìm đường. Đến khi sang đường được, thì chẳng còn ai cả...chỉ thấy nơi chân đèn một đóa hoa trắng tỏa hương.
Cuối cùng , bản thảo của tôi cũng được duyệt : Hạ trắng – "Hạ trắng" của Trịnh Công Sơn là cái mê man ảo mộng tình yêu rực cháy khi hè. Còn "Hạ trắng", với tôi là khoảng chói lòa đến trắng xóa sau khi hạ qua.
Vì nắng hạ quá chói nên đằng sau nó chỉ còn khoảng trắng cho đến khi thu về chôn vùi tất cả.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top