Chương 04
Tiết trời vào giữa thu, rừng lá khoác lên mình một tấm áo vàng úa. Nắng lọt qua những kẽ hở, rơi thành từng đồng xu nhỏ xíu lác đác trên con đường mòn.
Gót giày lụa màu đỏ liên tục dẫm lên chúng.
Trời đẹp rất thích hợp cho việc bám đuôi.
Cửu Điệp lại lon ton xách váy chạy theo ca ca đi khắp nơi, vừa nhảy nhót đạp lên những đồng xu màu nắng vừa ngâm nga một giai điệu. Quân Huyền gánh nước cũng không được yên, bất lực quay đầu hỏi: "Muội chạy theo ta suốt ngày không mệt sao?"
Cửu Điệp lắc đầu cười toe: "Không mệt! Muội phải chạy theo huynh để tìm đường xuống núi chứ!"
Quân Huyền nheo mắt dò xét khuôn mặt hứng khởi của con bé đoạn đặt xô nước đang xách xuống, cởi áo ngoài đắp lên một tảng đá ven đường. Quay qua thì cậu thấy Cửu Điệp ôm vai đề phòng, dở khóc dở cười nói: "Muội đang nghĩ gì vậy? Đến đây, ngồi lên đây." Cậu vỗ tấm áo phủ trên tảng đá, "Để ta nhìn chân muội."
Cửu Điệp làm dáng rụt rè nhích từng bước đến, hơi ngường ngượng ngồi xuống áo của ca ca. Nó thấy cậu khuỵu gối, vén nhẹ tà váy cầm lấy chiếc giày bị cứa rách từ bao giờ của nó. Thoạt tiên, nó kinh ngạc rồi mới bắt đầu thấy đau.
"Bị từ lúc nào vậy chứ?" Nó thút thít giọng: "Muội không chút cảm thấy gì luôn."
"Tại muội chỉ lo chạy nhảy mà không để ý đến đá sắc nằm lẩn trong lá đấy." Quân Huyền cẩn thận cởi giày lụa ra, lồng ngực xẹp xuống với một tiếng thở phào nhẹ. Chân nó bị xước nông thôi chứ không chảy máu. "Chờ ta chút." Cậu thọc tay vào túi áo trong lục tìm, cầm ra thuốc và băng vải.
Thỉnh thoảng đi trong rừng, cậu vẫn bất cẩn dẫm phải đá sắc hay bị cành cây làm xước nên lúc nào cũng đem bên mình hai thứ này.
Dù vết thương nhỏ nhưng vì xót nên hốc mắt Cửu Điệp ngấn nước, đôi môi hồng xụ xuống mím lại đầy kiên cường. Được băng xong, nó thử đung đưa chân, thắc mắc hỏi: "Sao ca ca biết muội bị thương?"
"Ta nghe thấy." Quân Huyền bắt cái chân quậy phá của nó lại, mang giày vào, cầm lên tà váy cũng bị xẻ đôi từ bao giờ, đáp: "Ta nghe thấy tiếng váy của muội bị rách."
"Từ bao giờ chứ?"
"Khi muội trượt chân suýt thì ngã lúc vừa nãy."
"Oa, tai ca ca thính thế thật luôn? Ca ca làm sao mà hay được như vậy?"
Quân Huyền mỉm cười xoa tai: "Mắt của ta hơi kém nên thính giác tự nhiên cũng trở nên tốt hơn."
Cửu Điệp lại càng hiếu kỳ: "Mắt huynh không tốt ư? Muội đâu có thấy thế."
"Ta không thể nhìn rõ những thứ cách xa." Cậu đứng dậy: "Tùy muội tin hay không, đó là sự thật. Được rồi, muội còn đau nữa không? Chúng ta chầm chậm đi về nhà trúc nhé?"
Nhìn tấm áo dây bẩn bởi vì ca ca trải cho mình ngồi, Cửu Điệp ngập tràn áy náy nói: "Muội xin lỗi... Lần sau muội sẽ cẩn thận hơn..."
"Không sao, buổi chiều ta đi giặt là mai lại mặc được rồi." Lần nữa xách xô lên, cậu dẫn trước trở về nhà trúc.
Cửu Điệp bước chậm theo sau ca ca, trong lòng tuôn trào một dòng suối ấm áp.
Ca ca biết nó không thích váy bị bẩn nên mới trải áo của bản thân ra lót. Ca ca thật chu đáo.
Ngước nhìn ca ca đổ nước vào cái chum béo ú cao quá đầu mình, Cửu Điệp nghịch môi hỏi: "Ngoài tập kiếm thì ca ca chỉ toàn làm việc nhà, huynh không làm gì khác nữa à?"
Không khí đã chuyển lạnh mà Quân Huyền chỉ khoác hai lớp y phục vẫn đổ mồ hôi được. Cậu lau trán đáp: "Làm việc nhà có thể giúp rèn luyện thể lực."
Cửu Điệp nghiêng đầu nhìn cánh tay trần của cậu, hỏi: "Ca ca không thấy lạnh sao? Huynh mặc ít lắm luôn ấy. Muội không đắp hai lớp chăn thì không ngủ được đâu."
"Vận động sẽ làm người ấm lên." Quân Huyền bình thản đáp: "Với lại, muội là người xứ cát nóng, tất nhiên không quen với khí hậu đất trong. Thế nên ta mới nói muội đừng bám theo ta làm gì."
"Muội sợ huynh cô đơn đấy chứ. Tuy muội không biết làm việc nhưng có thể hát cho huynh nghe." Cửu Điệp lại chạy theo ca ca.
"Chân của muội đang đau mà."
"Không đau đâu. Mẹ của muội nói cứ hát thật to thì sẽ không còn cảm thấy đau nữa." Nó giống như một mặt trời nhỏ, cười toe toét rạng rỡ át nắng vàng.
Quân Huyền xách xô nước đi trước, dọc theo con đường mòn đậy nắp lá vàng. Cửu Điệp theo đuôi, chiếc chuông nhỏ trên lắc chân vang lên đinh đang.
Khẩu âm của Tây Vực càng khác với khẩu âm của người Tư khi cất thành tiếng hát. Quân Huyền từng bắt gặp những đoàn du mục tìm kiếm ốc đảo trên sa mạc, từng nghe giọng hát hành tẩu của họ tha thiết vang vọng như lời cầu nguyện lên thần minh để tìm thấy sự sống.
Mặc dù mỗi lần gặp đoàn du mục thì gánh hát đều phải trốn nhưng tiếng hát của họ vẫn khiến tâm hồn non nớt của Quân Huyền nảy sinh sự đồng cảm.
Từ sau khi nhìn thấy cảnh bọn họ giết người cướp bóc thì cậu không còn cảm xúc ấy nữa.
Tuy nhiên lúc này, ngoài mẹ ra, đây là giọng hát thứ hai có thể chạm đến nơi chai sạn cằn cỗi trong lòng cậu.
.
Nguyên nhân khiến mắt của Quân Huyền kém đi rất đơn giản, là vì cậu đã từng học chữ trong bóng đêm một thời gian dài. Mẹ cậu không thích cậu nên cậu chỉ có thể nép mình ở một xó phòng tối tăm, nương nhờ ánh sáng yếu ớt để học chữ. Vô tri vô giác, mắt cậu đã kém đi.
Cậu nhìn những thứ cách xa như nhìn tranh vẽ bị nước đổ vào, màu sắc mờ nhạt và hình dáng đồ vật cũng nhòe nhoẹt.
Quân Huyền cầm thanh kiếm của mình ra kiểm tra, thấy cạnh kiếm bị mẻ một chút, nhăn mày đoán rằng bản thân đã không cẩn thận đập kiếm vào đá.
Cậu chợt nghe thấy tiếng bước chân rón rén bước đến cửa sổ, bất đắc dĩ đứng dậy nâng tấm trúc che cửa lên, thấy đỉnh đầu đen nhánh của nữ hài đang núp dưới ô cửa.
"Muội đang làm gì vậy?" Ngữ khí của cậu tràn ngập bất lực, không hiểu nổi tại sao Cửu Điệp lại thích theo dõi mình như thế này.
"Muội có quà cho ca ca." Cửu Điệp cười toe đưa lên một chiếc áo mới tinh được gấp gọn gàng, ngọt ngào nói: "Vì lần trước muội làm bẩn áo ca ca nên bây giờ muội đền bù huynh."
"A? Không cần..."
Chớm nghe chữ 'không', Cửu Điệp lập tức bật dậy, phồng má ngước nhìn Quân Huyền: "Ca ca không được từ chối! Người ta tự tay chọn áo nên ca ca phải nhận!"
Quân Huyền càng thêm lúng túng, đồ nữ nhi người ta tự tay chọn thì làm sao có thể tùy tiện nhận?
"À mà, ai đưa muội xuống núi để chọn đồ?"
Cửu Điệp tỉnh bơ đáp: "Đâu có ai. Muội bảo Mi cô cô mua về để muội chọn cho huynh ấy." Tự hào khoe, "Phòng muội còn hơn mười chiếc áo nữa đó. Huynh không thích thì muội sẽ về chọn lại cái khác."
"... Giả sử ta nhận chiếc này thì muội sẽ làm gì với những chiếc còn lại?"
Cửu Điệp nghiêm túc đáp: "Vứt đi, chứ làm sao con gái người ta mặc được?"
"Mà, không lẽ ca ca thích muội mặc đồ của huynh?" Nó rụt vai lùi một bước.
"Không, không, không... Muội làm ơn đừng nghĩ lung tung."
Cửu Điệp còn nhỏ mà đã tiêu xài phung phí là điều rất không tốt nhưng tiền là tiền của người ta thì làm sao Quân Huyền có thể chen miệng vào? Cậu trầm tư một chút mới nói: "Được rồi, ta sẽ nhận cái này, với điều kiện muội đừng vứt những cái còn lại đi."
"Tại sao chứ? Rương đồ của muội chật cứng rồi."
Quân Huyền cũng không thể mặt dày nói nó đưa qua phòng mình nên đành lấy sư đệ làm bình phong: "Muội để tạm bên chỗ Thanh Đàm đi. Chúng ta tính - ..."
"Không!" Cửu Điệp phản đối: "Đồ muội mua cho huynh thì tại sao lại phải để ở chỗ thằng nhóc đó chứ?"
Quân Huyền tiếp tục tính toán tiết kiệm: "Vậy thì... để tạm ở chỗ sư phụ của ta đi. Dù sao muội cũng đang nương nhờ nhà người nên... hiếu kính một chút."
Cửu Điệp đảo mắt ngẫm nghĩ rồi đáp: "Rất có lý."
.
Tối đến, Yến Sở cầm mấy chiếc áo trẻ con đủ màu sắc trên tay, buột miệng hỏi: "Rồi mai nó tính mua búp bê cho ta chơi hay thế nào?"
Đồ Mi dựa vào cạnh cửa sổ cười nắc nẻ, mái tóc nâu lòa xòa che khuất nửa khuôn mặt. Cười xong, nàng ta hất tóc về đằng sau, dựa lưng vào tường mà ưỡn bộ ngực đẫy đà khoe mẽ. Dù tuổi không còn trẻ nhưng dấu vết năm tháng không đọng lại chút gì trên nữ tử này, giọng nói của nàng vẫn ngọt ngào như trước: "Hoa Thiền chưa rút khỏi giang hồ mà ngươi đã thực sự rửa tay gác kiếm rồi sao?"
"Liên quan gì đến ngươi?"
"Mỹ nữ hỏi thăm mà ngươi làm gì lạnh lùng thế? Hứ, y như hồi trẻ." Đồ Mi yểu điệu sấn đến sau lưng Yến Sở, như vô tình như hữu ý đè ngực lên vai người kia, hạ giọng thầm thì: "Ngươi đó, năm xưa ôm Hoa Thiền đến chỗ ta, dập đầu mười lăm cái cầu cứu... Ai nha, ta rất dễ động lòng với những mỹ nam thâm tình như ngươi nên mới ra điều kiện là một đêm hoan lạc. Vì ngươi cứ sống chết không chịu, ta đành phải cứu người không công ấy nha..."
Ngữ điệu càng ám muội, Đồ Mi cọ xát càng quá đáng, nam tử trẻ trung bị kích thích đến mức này hẳn đã không nhịn được. Nàng ta quá đáng hơn nữa thổi khí vào lỗ tai Yến Sở: "Vậy nên ngươi còn nợ ta một mối ân tình nhỏ đấy..."
"Muốn thế nào?" Yến Sở từ đầu đến giờ không hề cử động dù chỉ chút xíu, ngoài chớp mắt thì vẫn ngồi vững như tòa núi.
Đồ Mi nghe ngữ khí thản nhiên này thì mất hứng bĩu môi đáp: "Muốn ngươi dạy kiếm pháp Táng Niên cho thiếu cốc chủ của chúng ta."
"Vì sao?"
"Bởi vì kiếm pháp Táng Niên có thể hóa giải Tuế Nguyệt Sinh Hoa của Thủy Kính trang."
"Ngươi ra đề nghị thế này có nghĩa là đã tính đến trường hợp xấu nhất rồi?"
Đồ Mi khép mi kề môi vào tai Yến Sở, nói cực nhỏ: "Thủy Kính trang chủ Thủy Hàm Nghi chết không rõ nguyên do. Giang hồ Tây Vực đang bất ổn."
Đồng tử của lão nhân thoáng co rút, ông chớp mắt một cái rồi nói câu khác: "Ngày mai ta sẽ bảo Quân Huyền dạy Cửu Điệp kiếm pháp Táng Niên. Nó học được thì cứ học, không cần bái sư."
"Ngươi không trực tiếp dạy à?" Đồ Mi ngạc nhiên thẳng lưng dậy.
Lúc này Yến Sở mới phủi vai và lưng áo của mình như vừa bị thứ không sạch sẽ bám vào, điềm tĩnh đáp: "Khẩu quyết căn bản của Táng Niên là một chữ 'lặng'. Nó vốn không đơn thuần chỉ là kiếm pháp, nó còn ẩn chứa tâm pháp ngầm bên trong. Không phải ai cũng có thể học Táng Niên, trừ khi ngươi muốn quên đi quá khứ. Nói một cách tóm lược là, lòng ngươi không xao động thì làm sao học được cách tĩnh lặng?"
Đồ Mi đột nhiên hiểu được lý do kiếm pháp Táng Niên có thể hóa giải trận pháp Tuế Nguyệt Sinh Hoa. Trận là trận thời gian lưu chuyển, vạn vật sinh sôi; kiếm là kiếm mai táng quá khứ, chặn đứng thời gian nên tất nhiên tương phản, đối nghịch với nhau.
"Nếu nói như vậy," Nàng hỏi, "nghĩa là ngươi sáng tạo ra Táng Niên vì muốn quên đi quá khứ sao?"
"Đừng khiến ta đổi ý." Yến Sở lạnh lùng đáp.
Đồ Mi dùng ngón tay quấn quấn tóc kể lể: "Năm xưa Tứ Tuyệt Tri Âm các ngươi vang danh, ta ở Tây Vực cũng nghe ngóng được không ít chuyện. Tỷ như Tống - ..."
"Đi ra ngoài!"
"Ra ngoài thì ra ngoài. Làm gì dữ vậy?" Đồ Mi lẳng lơ lắc vai áo trễ xuống, nghiêng đầu cười khanh khách hất tóc: "Ta nghĩ mình sẽ kiểm tra lại tin đồn ngày xưa Sinh Kiếm một thân cầm kiếm xông vào hoàng thành Tư quốc, kê kiếm lên cổ Quỷ đế có phải sự thật hay không?"
Tiếng cười ma mị của Đồ Mi xa dần, trả cho gian phòng một mảnh lặng im nặng nề.
Yến Sở ngồi thinh giữa phòng hồi lâu rồi chợt xắn ống tay áo của hai tay lên vai. Trên mỗi cánh tay nhăn nheo đều có một vết sẹo dài bắt đầu từ cổ tay chạy dọc lên tận bả vai. Đôi mắt ông như đang nhìn về một quá khứ cực kỳ đen tối.
Hơn mười năm nay, giang hồ yên tĩnh an phận một cách quái dị. Từ sau sự kiện 'phá cổng cung, diệt nội thù', giang hồ đến tận bây giờ dường như vẫn chưa thể khôi phục lại nguyên khí. Chưa kể hoàng đế đương triều cũng không thích người giang hồ lắm.
Tuy nói giang hồ và triều đình bình thường nước sông không phạm nước giếng nhưng người giang hồ vẫn sống dưới Quốc pháp, vẫn làm ăn buôn bán, đóng thuế cho triều đình. Càng là thế gia danh môn càng phải biết chừng mực, nhìn thái độ của thiên tử mà lựa cách cư xử.
Giang hồ không bao giờ có thể chết dưới tay thiên tử nhưng thiên tử thì luôn thừa sức khiến giang hồ không ngóc đầu dậy nổi.
Sự kiện 'phá cổng cung, diệt nội thù' là lần đầu tiên giang hồ nhúng tay rất sâu vào triều đình.
Thời thế loạn lạc bắt buộc thôi.
Yến Sở không tham gia phong trào này nhưng lại vô tình bị kể như người tiên phong, vì ông xông vào hoàng cung trùng với thời điểm phong trào được khởi xướng. Nhìn đó, nhiều người bắt đầu hưởng ứng và dẫn đến những cuộc tìm diệt đẫm máu của triều đình.
Tứ Tuyệt Tri Âm gồm bốn anh tài chơi thân với nhau vào hồi ấy trong giang hồ: Cầm Tiên - Tống Tri Dao, Sinh Kiếm - Yến Sở, Độc Điệp - Hoa Thiền, Diệu Thủ - Nhạn Hồi.
Kết cục của Tứ Tuyệt Tri Âm là Cầm Tiên chết, Độc Điệp mất trí nhớ, Diệu Thủ bị phế và mất tích đến nay.
Chỉ còn Sinh Kiếm ghi nhớ tất cả chuyện ngày xưa, sáng tạo ra kiếm pháp Táng Niên chôn cất năm tháng cũ...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top