Có một dòng sông đã qua đời




Gã trở lại Phố vào một chiều cuối thu với cái chân tàn và vết sẹo trên má, nhưng lòng đầy hăm hở, tươi vui. Gã nghĩ về ngôi nhà nằm ở cuối con dốc nhỏ của thành phố nhiều đồi núi. Ngôi nhà xây bằng đá, có hoa ban trước ngõ, có mảnh vườn nhỏ trồng nhiều cúc trắng và cửa sổ nhìn ra bờ hồ.

Giang đang ở đó.

Năm đó, gã là một tay nhạc sĩ lãng du ôm guitar đi khắp nơi, hết tiền lại đặt chiếc nón kiểu Tây xuống đường, để ngửa lên, ôm đàn và bắt đầu hát. Hát tình ca Pháp, hát những bản nhạc mùa xuân của nước Nga, và cả những bài hát lơ mơ, lãng đãng do gã sáng tác. Có tiền thì gã lại say mềm ở một quán ăn, nhà trọ nào đấy. Tàn cơn say, tỉnh hết cả mộng thì gã lại lên đường.

Gã không thích ở một nơi cố định, gã ghét sự ràng buộc, gã sợ hương đất, tình người của một nơi nào đó biến vùng đất xa lạ ấy thành quê hương trong lòng gã. Và rồi gã lại không thể cất bước rời đi.

Có thương có nhớ tức là tự mua dây buộc mình. Một lần như thế vẫn chưa thấm ư? Gã tự nhủ.

Đó là khi quê hương của gã, ngôi làng nhỏ ở Bắc của gã chìm trong một trận dội bom của chính quyền bảo hộ. Làng quê, ruộng lúa, cây đa, giếng nước, và cả ngôi nhà gạch cũ có mẹ gã, vợ gã và đứa con trai tròn một tuổi của gã ở đó, hết thảy hoá tro tàn.

Gã nhờ đi học xa ở trường tỉnh nên thoát nạn. Nhưng kể từ đó, trường tỉnh của chính quyền bảo hộ mất đi một sinh viên, và cuộc đời lại có thêm một tay lãng tử.

Nhưng khi đến Phố gã đã ở lại ba năm ròng.

Không phải vì dân cư ở Phố keo bẩn trong việc thưởng thức nghệ thuật khiến gã không có tiền đi tiếp, cũng không phải ở Phố có nhiều rượu ngon của sơn cước níu chân kẻ nghiện hơi men như gã. Mà là ở Phố có đồn biên của Pháp, nhiều dinh thự của viên chức và quan toàn quyền hay đến đây nghỉ mát.

Phải, làm gì còn cơ hội nào tốt hơn cho gã để trả thù và hoàn thành nhiệm vụ cơ chứ. Với một biệt động của Chính phủ bí mật có nhiệm vụ mật thám, thăm dò và liên hệ giữa các nơi với nhau. Thì Phố vừa là cạm bẫy, vừa lung linh như kho báu đợi người khám phá.

Kho báu có hương máu người, máu của những tên cướp nước, những kẻ giày xéo quê hương gã. Đó mới là thứ men say thơm hương nhất và gã nguyện cả đời theo chân vị rượu máu ấy.

Trong thời gian ở lại Phố, gã gặp Giang. Một sinh viên ngành vẽ, lên Phố để học ở trường Nghệ Thuật nhà Dòng. Gia đình Giang giàu có nên bố mẹ đã mua hẳn một căn nhà ở Phố cho cậu ở lại. Nhưng trong thời gian tá túc tại đây Giang trót phải lòng Phố. Phố với vẻ mơ màng, lãng đãng sương bay khiến lòng người yêu nghệ thuật say đắm. Và từ một khách tạm trú, Giang nguyện thành cư dân của Phố. Bỏ lại thân phận công dân thị thành ở Gia Định phồn hoa sầm uất, Giang thành một kẻ ẩn cư ở Phố.

Lần đầu tiên thấy Giang là khi gã đang đàn hát trên phố, Giang ngừng lại xem. Và khi tặng tiền cho gã cậu không đứng trên cao ném tiền vào nón, Giang im lặng thưởng thức bài hát của gã. Cậu vỗ tay nhiệt tình và khi đưa tờ giấy bạc cho gã, cậu xếp tiền lại gọn gàng và trao cho gã bằng hai tay, kèm theo một nụ cười lấp lánh như nắng mai đang vờn trên khẽ lá, trong một buổi chiều mà Phố chớm thu sang.

Lần thứ hai thấy Giang là khi gã đang nhắm rượu với dĩa lạc rang, Giang ngồi xuống trước mặt gã, dù xung quanh còn bàn trống. Vẫn nụ cười ấm như nắng, Giang nháy mắt tinh nghịch, nói:

- Tôi mời nghệ sĩ vài xiên thịt rừng nữa nhé! Bài hát của anh hay lắm.

Giọng Giang trong vắt như pha lê, tuy nói rất khẽ khàng nhưng lại khiến bao nhiêu ồn ào trong hiệu cơm khách như lặng đi đâu hết. Gã không biết vì cái khiếu thẩm âm của mình đang nghe lầm, hay bởi nụ cười ấm và cái nháy mắt đáng yêu trên khuôn mặt thanh tú kia làm cõi lòng xanh xao của gã ửng hồng như gò má các cô thiếu nữ ở vùng đất cao nguyên này.

Kể từ đó, thỉnh thoảng gã lại gặp Giang, khi ở ngoài phố, khi trong hiệu cà phê, khi lại cùng ngồi uống rượu với nhau. Qua vài cuộc chuyện trò, gã biết Giang là sinh viên nghệ thuật, lớn lên trong nhung gấm, trước có bố mẹ chiều chuộng, sau khi bố mẹ mất lại có anh trai cán đán việc gia đình nên đã quá hai mươi mà tâm tính vẫn như chim non chưa ra khỏi tổ, vui tươi, trong sáng, cởi mở và đầy tình yêu với nghệ thuật.

Giang yêu tiếng đàn, tiếng hát của gã. Giang yêu những ca từ mộng mị, lơ ngơ, lãng đãng của gã. Từ khán giả tình cờ quen biết bên đường, Giang dần thành bạn rượu của gã, rồi lại là bạn chung nhà khi Giang mời gã về ở cùng, trong căn nhà gạch có mảnh vườn trồng nhiều hoa cúc và trước ngõ vào có một cây hoa ban cao hơn mười thước, tiết xuân về lại vẽ lên nền trời xanh xao của Phố một vòm mây trắng xốp thoảng mùi hoa.

Ban đầu gã lần lữa, nhưng rồi suy tính thiệt hơn thì quyết định nhận lời. Gã phải ở lại Phố lâu dài, gã cần một nơi đi về để che giấu tai mắt của địch.

Và ở căn nhà đó cả hai là một đôi tri kỉ say đắm trong đàn ca và nghệ thuật, gã và Giang có những đêm thâu thức trắng bên ánh đèn để đàn và hát cho nhau nghe. Những ca từ mơ hồ, lãng đãng như sương của gã, những bài hát từ trước đến nay chưa từng có ai thưởng thức lại được Giang lắng nghe thật kĩ, và qua mỗi một câu hát Giang như đọc thấu được bao tâm tình gã gửi gắm trong đấy.

Gã cảm giác như mình đã gặp được đồng âm, và đời một nghệ sĩ thì còn mong gì hơn thế nữa. Giả như chả ai thèm nghe gã đàn và hát, thì ở đây vẫn có một khán giả trung thành để gã có thể ôm đàn và cất tiếng hát cho riêng một người nghe mà thôi.

Cứ thế, những đêm dài đàn và hát cho nhau nghe dần gắn kết cả hai lại, gã nghe lòng mình rạo rực, gã thấy tâm hồn mình lâng lâng như có một thứ nhựa sống nào đấy đang chảy tràn về, hối thúc gã hãy lột bỏ lớp vỏ xơ xác của mùa trước đi, để nhận lấy những tươi mát, trong trẻo của đất trời đang độ xuân về.

Gã thay áo mới cho tâm hồn, gã như sống một cuộc đời khác. Không có chiến loạn, không có đau thương, ở đây chỉ có những tháng ngày say sưa cùng nhau.

Trong những ngày tháng đầy rượu nồng, tình đậm, đàn hát cùng nhau ấy, thỉnh thoảng Giang lại lấy giấy bút ra mà vẽ gã, vẽ gã lơ ngơ bên hoa cúc trắng, vẽ gã dưới tàn hoa ban đung đưa trong gió, để gió gửi một cánh hoa trắng lên đôi vai khách lãng tử, vẽ cảnh gã ôm đàn...

Nhưng Giang vẽ nhiều nhất là cảnh cậu choàng tay ôm cổ gã trong lúc gã ôm đàn, má tựa vai, tóc kề môi, hương tình vương vấn, chẳng cần rượu cũng nghe chếch choáng men say.

Và rồi trong những đêm lấy rượu nồng san sẻ cùng nhau, có bao nhiêu loại rượu, từ rượu cần, sâm-panh đến rượu nho Pháp, cả hai đều mang ra mà trộn lẫn vào nhau, để hơi men thấm vào người mạnh thêm một tí, để nụ hôn vụng của lần đầu nghe tròng trành như sóng vỗ. Và để khi gã đè lên người Giang mà cởi cúc áo đầu tiên của cậu, Giang chẳng những không ngượng mà còn cười khúc khích:

- Đêm nay anh đừng hòng thoát nạn.

Gã cười gằn, ngấu nghiến Giang trong một nụ hôn kiểu Pháp, gã muốn cho Giang biết ai mới là người không chạy khỏi.

***

Sau đêm xuân tình ấy, gã và Giang sống cùng nhau như một đôi tình nhân thực thụ với bao nhiêu yêu thương, hạnh phúc, ngọt ngào.

Gã sinh ra cảm giác quyến luyến với Phố, gã yêu thành phố với nhiều đèo dốc, yêu cái lạnh sẽ sàng của cao nguyên, không rét cắt da cắt thịt như ngoài Bắc, không nóng bức đến khiến người ta phải có một tấm khăn rằn ở luôn trên cổ mà thấm mồ hôi như phương Nam, cái lạnh của Phố chỉ đủ xua đi cái nóng ngày hạ và làm ửng hồng gò má các thiếu nữ vào ngày đông.

Nhưng gã yêu hơn cả là ngôi nhà có nhiều hoa cúc, xuân về thoang thoảng mùi hoa ban theo gió đưa vào, và cậu trai trẻ có nụ cười ấm như nắng hạ giữa trời đông kia. Cậu trai làm cho trái tim đã lạnh, cõi lòng đã tàn tro của gã như cháy lại. Những thứ tình cảm của hạnh phúc tưởng đã tàn phai trong gã kể từ ngày vắng quê hương, gã nghĩ cả đời sẽ chẳng bao giờ có thể sống lại được nữa.

Một cộng sự làm việc cho Chính phủ bí mật, vốn nên lấy sự cô độc làm vỏ bọc chắc chắn cho mình và không nên vướng bận vào đời ai để gây thêm luỵ phiền. Đó điều mà gã đã nhất trí với bản thân khi bắt tay vào cuộc đời hoạt động trong bóng tối.

Nhưng xưa nay ái tình đã muốn chăng tơ thì ai chối từ cho được. Ở bên Giang, gã nghe lý trí như lặng đi đâu hết, chỉ có những nhịp đập nồng nhiệt của yêu thương.

Ở Phố, tình đã tẻ lạnh trong gã sống lại, gã chẳng còn là một tay lãng tử lang thang hay một lính biệt động lấy hận thù làm lẽ sống. Gã trở lại là một con người giản dị với nhiều ước mơ, gã bắt đầu ước ao cuộc sống ấm áp, êm đềm ở ngôi nhà nằm trên con dốc thoải của Phố. Nơi mà gã có thể mặc kệ bao nhiêu miệng lưỡi của người đời, bao nhiêu sóng gió thời cuộc để nắm lấy tay một người, để cõi lòng chỉ biết đến tình yêu và sống trọn cho tình yêu ấy.

Thế mới biết nói trước bước chẳng qua, lòng người có phải thứ gì hữu hình đâu mà muốn nắm trong tay, muốn ép nó phải lạnh lẽo, phải điêu tàn. Khi gặp đúng mầm lửa yêu thương thì cõi lòng đã tắt lửa bao lâu cũng có thể cháy lại

Gã lấy vợ sớm do gia đình mai mối cho, không có quá nhiều yêu thương nhưng nghĩa vợ chồng mấy năm cũng chẳng cạn. Nên sau khi hẹn hò với Giang, gã đã mua nhang đèn mà làm một mâm cỗ cho người vợ chết trẻ, khẩn mong nàng hãy thứ tha nếu gã có trót "tục huyền".

Có lẽ lời khẩn cầu của gã có linh, nên mấy ngày sau, Giang bí mật kéo gã vào phòng với nụ cười tủm tỉm trên môi. Trong gian phòng ấy, là một đôi nhẫn được đánh rất khéo, vừa vặn với hai ngón áp út của đàn ông. Giang đã phải bán chiếc xe bốn bánh của mình để mua đôi nhẫn ấy.

Căn phòng ấy được trang trí theo lối tân phòng vu quy, với nệm chăn thêu uyên ương, tường dán chữ hỉ, tên đôi tân nhân "Đông Giang" và "Minh Nhiên" được lồng vào nhau như hai người đang ấp iu nhau trong hạnh phúc vô hạn bên dưới chiếc giường vừa được thay nệm mới.

Cứ thế, ba năm của gã trôi qua như chớp mắt trong ngôi nhà nhiều hoa cúc kia. Nhưng với gã ba năm ấy chỉ như một giấc mơ mà gã biết có ngày mình phải tỉnh giấc. Trong ba năm qua, các cộng sự và gã đã thu thập đủ tình báo về lịch trình di chuyển của tên toàn quyền, nếu gã mang mật thư ra Bắc kịp thời gian thì Chính phủ bí mật có thể lập kế hoạch ám sát viên chức quan trọng kia.

Gã phải đi với cái cớ về thăm nhà. Nhưng gã biết lần này về Bắc mình sẽ phải ở lại lâu. Kế hoạch lớn đã cận kề, trận chiến cuối cùng sắp diễn ra, cái thân phận khách lang thang của gã đã không còn cần thiết nữa.

Giang tiễn gã đi với nụ cười tươi và ấm như ngày đầu gặp mặt. Chắc cậu nghĩ gã sẽ chóng quay về. Còn gã, gã phải cười nhanh, nói vội, phải nhắm mắt khi đặt nụ hôn lên trán người tình, bởi gã sợ ánh nhìn đau xót của mình sẽ tố cáo hết tâm tư đang rối bời vì cuộc chia li chưa hẹn được ngày hội ngộ của gã.

Gã quay đi nhanh và leo vội lên xe lửa. Ở sân ga, Giang vẫn phất phơ mảnh khăn mù xoa tiễn gã. Chiếc khăn thêu thành một đôi với mảnh khăn nằm trong túi gã, khăn thêu uyên ương và hoa hồng, một đôi khăn Giang sắm cùng lúc với nhẫn cưới, đôi khăn thêu dành cho những cặp tân nhân.

Trên xe lửa, gã lôi mảnh khăn trong túi mình ra, hít hà hương hoa cúc còn vương trên ấy. Gã cố dằn hết những vấn vương của ái tình vào sâu trong xó xỉnh nào đấy của tâm hồn. Gã cần phải giữ lòng mình lạnh trước cuộc chiến sắp tới, gã tự nhủ sự chia li này là để cho những ngày sum vầy của mai sau. Khi đất nước đã thành một mối, khi cảnh thanh bình đã đến với từng nhà dân, gã và Giang sẽ gặp lại nhau. Và ngôi nhà ở Phố sẽ lại có một đôi người mỗi sớm thức giấc cùng nhau trên một chiếc giường và trao nhau nụ hôn buổi sáng. Sẽ có tiếng đàn của gã và những bức tranh của Giang ghi lại cảnh êm ấm của lứa đôi.

Bảo là không lâu, nhưng một trận đánh đã được trù bị hơn hai mươi năm, vẫn phải mất mười năm mới hoàn thành.

Trong trận chiến ấy, gã mất đi một chân, thêm vài vết sẹo trên người, trong đó có một vết thương sâu bên gò má.

Nhưng chẳng hề gì, gã tin đã là "vợ chồng" cùng nhau, thì một cái chân và một vết sẹo có là gì. Nên sau khi nhiệm vụ hoàn thành, gã từ chối gia nhập hàng ngũ mừng công mà đón xe về Phố ngay lập tức.

Và trong căn nhà có hoa ban trước ngõ vào, một cô gái trẻ tuổi tay bế đứa bé chừng ba tuổi ra chào gã. Khi nghe đến tên Giang, cô quay vào nhà nói lớn:

- Chồng ơi, có ai đến tìm anh này.

Và chồng cô chạy ra, vẫn nét mặt quen thuộc với gã, nhưng giờ đây những đường nét ấy đã trở nên phốp pháp. Còn đâu đôi bàn tay thon mà gã vẫn cầm lấy để dạy bấm từng phím đàn, còn đâu đôi mắt đen láy to tròn, thăm thẳm yêu thương vẫn hay chăm chú nhìn gã. Giờ đây Giang trở thành một quý ông vạm vỡ, với đôi mắt híp và cái đầu bóng mỡ.

Người đàn ông nhìn gã, kêu lên:

- Anh Nhiên đấy à?

Rồi người đàn ông lùi lại một bước. Như nghĩ ra được điều gì, quý ông ấy kéo cả vợ vào và đóng sầm cửa lại.

Gã cũng lui lại một bước, chẳng buồn gõ cửa nữa. Gã nghe bao nhiêu tươi sáng, háo hức trong lòng mình như vụt đi đâu hết cả. Gã nghĩ đến tương lai thắm đượm hạnh phúc của tình yêu mà gã vẫn hằng tơ tưởng suốt mười năm, lấy đó làm lẽ sống cho mình trong trận chiến ác liệt vừa qua. Cái mộng tưởng không tàn trong khói lửa chiến tranh nhưng lại hoen mờ, nhàu nát và thành mớ giấy vụn trước cảnh ấm êm của một ngôi nhà đã không còn chào đón gã.

Gã lang thang khắp mọi nơi ở Phố, gã bước trên những con dốc có bậc thang lát đá phủ rêu, gã ngắm hàng thông già bên phố, gã nhìn những hoa lá trong kí vãng của mình vẫn còn nguyên vẹn cái màu tươi xanh của mười năm trước. Cảnh vật quen thuộc giờ lại trở nên xa lạ, vì có người đã tắt lửa lòng ở ngay nơi tràn ngập những kỉ niệm thiết tha.

Gã nhìn Phố vẫn như trước, nhưng gã thấy trong lòng mình có một dòng sông đã qua đời. Con sông với dòng nước xanh trong mát lành, sưởi ấm trái tim cằn cỗi của gã giờ đã hoà vào biển cả mênh mông, chẳng tìm lại được. Gã nghe lòng mình hiu hắt, và trên Phố của buổi chiều thu ấy, có một gã thương binh bật cười rồi lại bật khóc như đứa trẻ.

Khóc hận, cười đau, để tang cho một mối tình đã chết, một dòng sông đã qua đời.

***

Hôm sau, gã nhận được một bức thư của Giang, với nét chữ quen thuộc, cậu nhắn gửi gã rằng năm xưa chỉ là một sự dại dột của tuổi trẻ, là một kỉ niệm đáng xấu hổ cho những trò "a dua đua đòi", cậu bảo rằng giờ mình đã vững dạ cho một gia đình yên ấm và sự nghiệp riêng của mình. Và cậu và gã nên buông nhau ra, nên quên nhau đi để mà sống mới là tốt nhất.

Hoá ra ba năm bên nhau năm xưa chỉ là trò "đua đòi tuổi trẻ" của một cậu ấm con nhà giàu. Gã cay đắng cười, vò nát bức thư và ném vào một góc. Ừ nghĩ cũng phải, hai thằng con trai ở bên nhau, với thân mồ côi quê hương như gã thì chẳng ai ngó đến, nhưng với Giang, một công tử nhà giàu thì một cô vợ xứng đôi có thể mang đi khoe khoang với đời, có thể sinh ra những đứa trẻ mang dòng máu của cả hai mới là đích đến cho cuộc đời cậu.

Phố là một đô thị giữa đồi, chỉ có hồ có thác chứ chẳng có sông. Nhưng hôm nay ở Phố, có một dòng sông đã qua đời. Dòng sông trong lòng gã đã phai tàn ở Phố.

Đó là điều cuối cùng gã nghĩ khi lên xe rời khỏi Phố. Năm xưa, cũng tại nhà ga này, gã rời đi với chiếc khăn thêu uyên ương và cõi lòng chứa chan hi vọng. Hôm nay, gã đi trong khi chiếc khăn ấy đã ở lại thùng rác của nhà trọ, và lòng đầy những mệt mỏi, chán chường. Tâm hồn gã lúc này là một đám tro tàn của lửa trại, cái vui vẻ hạnh phúc đã đâu hết cả, chỉ còn lại những ê chề, trái tim đã đau một lần mất mát, giờ lại thêm vết tì ố của sự bạc bẽo ái tình.

***

Mấy năm sau, khi đã thành một người có vị thế trong xã hội, gã về Phố công tác và có khi gặp Giang. Cậu nhìn gã quyền cao chức trọng thì khúm núm, sợ sệt như bao người khác khi gặp người có chức quyền.

Nếu là trước đây, khi chút tình vẫn còn hiu hắt trong lòng gã, hẳn gã sẽ thấy có đôi phút chạnh lòng. Nhưng giờ đây trước cảnh chua chát ấy, gã chỉ bình thản mà nở ra một nụ cười đầy mỉa mai. Hai người đã từng kề cận bên nhau, từng tặng nhau những nụ hôn tình nồng và bao nhiêu đêm quyến luyến, đã trao nhau đôi nhẫn tự xưng là bạn đời giờ có thể trở nên xa lạ đến thế. Hoá ra thời gian có sức tàn phá không tưởng, chỉ có gã thơ ngây nghĩ rằng đấy là một mối tình đậm sâu đến muôn đời.

Mà thứ đổi thay nào chỉ có tâm tình, gã là thương binh với cái chân tàn, vết sẹo trên mặt. Còn Giang, cậu đã là một quý ông bệ vệ với vợ con và những lần chè chén xã giao trên bàn tiệc.

Còn đâu những đem thức trắng để say cùng nhau, với rượu nho trộn lẫn sâm-panh và vài xiên thịt rừng nướng. Lúc ấy, là một cậu sinh viên nghệ thuật có nụ cười trong và ấm như nắng, làm ấm lòng một gã nhạc sĩ lang thang. Và tay nhạc sĩ ấy sẽ lấy lời ca lãng đãng của mình ra làm quà đáp lễ. Những bài ca sáng tác để tặng riêng cho một người.

Còn bây giờ, cả hai trong mắt nhau đều tầm thường như bao kẻ tầm thường khác của cuộc đời, chẳng còn gì quý giá để tặng nhau. Đến một câu nói, một nụ cười còn ngại trao nhau.

Gã thấy mình như một kẻ mắc lừa, gã là một kẻ bị lừa mất ba năm tình cảm, và mười năm thương nhớ cho một ảo ảnh không có thật.

Gã quay người lên ô tô, và khi đối mặt với lãnh đạo của mình, trong câu chuyện về việc riêng tư mà một cấp trên thân mật có thể hỏi cấp dưới tín cẩn của mình, gã trả lời:

- Anh biết mà, vợ con em chết trong trận càn của địch. Lòng em chết từ đó.

Gã cả đời này chỉ có một người vợ duy nhất mà thôi, lòng gã nên chết ở lúc ấy rồi. Là gã dại dột làm sống lại trái tim khô của mình bởi một dòng sông mát lành nào đó. Nhưng hoá ra đấy chỉ là ngọn nước theo mùa, đến kì khô hạn thì sông đã đắp cỏ trăm năm.

Từ nay về sau, gã chỉ nên giữ tâm tư của mình cho sự nghiệp phía trước. Gã sẽ chẳng để lòng mình chao thêm lần nào nữa, gã cảm thấy an tâm với sự quạnh quẽ của cõi lòng, giữ lòng kín như bưng rồi sẽ chẳng có điều gì có thể tàn phá trái tim đã tràn ngập những vết sẹo lồi, sẹo lõm của gã nữa.

Gã ép tâm hồn mình phải xa lạ trước những thứ tình cảm ở đời, cũng giống như những thứ đàn ca hát xướng, đều chẳng còn cần thiết cho đời gã nữa.

Cây đàn guitar của gã, gã đã từng mang nó ra cả chiến trường để đánh bài Tiến quân ca nhằm cổ vũ sĩ khí của quân ta, những sợi đàn đến cả nơi chiến tuyến vẫn có thể vọng vang âm hưởng, giờ đã bị gỡ hết khỏi thân đàn phủ bụi và vĩnh viễn phải sống đời lặng câm của một thứ nhạc khí đoản mệnh.

Và những bản tình ca lãng đãng của gã, sẽ chẳng bao giờ đến được tai của những người yêu nhạc. Bởi vào thuở gã mang những bài ca ấy đi khắp đường trường để tìm vài đồng tiền còm thì chẳng ai nhớ đến. Còn cái người duy nhất từng thưởng thức những làn nhạc mơ màng ấy đã liệt chúng vào một quá khứ đua đòi xấu xa mà mình phải quên đi.

Gã tự tin là ép được lòng mình như thế, nhưng gã đã quên rằng mười ba năm trước, cũng ở ngay Phố này, có một gã lãng tử từng thề thốt với lòng là chẳng còn tha thiết với ái tình, nguyện làm một cái xác sống đã rạo rực mà sống lại, mà say đắm với yêu thương thế nào khi tìm được người tri kỉ đồng điệu về tâm hồn.

Có một dòng sông đã làm cuộc đời tro lạnh của gã nảy mầm sống yêu thương. Giờ lòng gã lại tiếp tục héo tàn, là vì gã ép được lòng mình như người ta ép sắt in khuôn, hay bởi chẳng còn một dòng sông nào có thể mang đến mát lành cho tâm hồn gã như dòng sông đã chết kia?

***

Tây Giang về nhà, lại thắp một tuần hương lên chiếc bàn thờ treo trên vách:

- Hôm nay tao lại gặp anh Nhiên của mày. Lão ta trông tốt lắm, không có vẻ gì nhớ mày cả. Mày an lòng đi, đã chết rồi còn bày vẻ lắm chuyện.

Người đàn ông nhìn khung ảnh của thanh niên trên bàn thờ, tức giận nói.

Hỏi hắn ta sao tức tối đến thế. Thì hắn sẽ ấm ức mà nói rằng em trai sinh đôi của mình, người từ bé đã sinh ra trong êm ấm lại vì một mối tình vụng dại mà bị gán tội giấu quân Cách Mạng, khi bị bắt vào tù chịu tra tấn, sợ rằng mình sẽ chẳng chịu nổi những đau đớn của xác thịt mà lỡ mồm cũng như sợ mang vạ đến cho gia đình, em hắn đã tự sát.

Quân Tây bảo nếu em của hắn khai ra tin tức về tên phiến loạn kia sẽ chẳng việc gì, nhưng Đông Giang trước các đòn tra tấn tàn bạo của chúng chỉ cắn răng chịu đựng.

Cho đến ngày hắn nhận được tin em mình lấy cán bút chì bẻ gãy thành đầu nhọn, đâm vào tim để tự sát trong nhà tù.

"Anh ấy có việc lớn cần phải làm, nếu lộ ra sẽ hỏng hết." – Em trai của hắn trước ngày tự kết án cho bản thân, trong lúc hắn đến thăm tù đã mỉm cười nói thế. Nụ cười không có chút gì sợ sệt, vẫn tràn ngập tin yêu vào cái gã Minh Nhiên chết tiệt nào đấy mà hắn chỉ thấy qua những bức vẽ truyền thần.

Những bức tranh em hắn vẽ với bao nhiêu yêu thương trong từng nét bút, trong đêm bị bắt, chuyện cuối cùng cậu làm là châm lửa đốt tranh, đốt hết bao nhiêu bức vẽ ra tro để giấu danh tính và khuôn mặt của người trong tranh.

Trời ơi, rốt cục cái thứ gọi là tình yêu nó lớn mạnh đến dường nào. Mà khiến em trai của hắn, đứa bé quen được cưng chiều từ bé đến lớn, da thịt non mềm chưa bao giờ chịu vất vả, lại có thể lì đòn trước những màn tra tấn, và thản nhiên trước cái chết.

Em hắn còn trao lại một phong thư cho hắn, bảo rằng giả như Nhiên có về, hãy thay mình lấy thân phận Đông Giang mà gửi lá thư đoạn tuyệt này cho người yêu. Em hắn sợ cái chết của mình sẽ làm người trong lòng tiếc nuối, xót xa và tự trách.

Nếu đã như thế, nếu buộc cả một đời người phải giam mình trong ngục tù của tiếc hận, buồn thương thì thà cả đời lừa dối để người ấy tin là mình bị phản bội, để người ấy trong một cơn giận dữ vì phụ tình mà bước qua mối tình đã cũ để trở lại với cuộc đời dài rộng phía trước. Thà như thế còn hơn.

Chết đến nơi, vẫn phải tính toán chút đường về cho người còn sống. Sợ rằng tình yêu của mình thành cái ách tội lỗi tròng lên cuộc đời người trong lòng. Phải có bao nhiêu yêu thương để một người cắn răng ép người mình yêu phải quên mình đi?

Em hắn cả đời chỉ yêu một lần, và dường như thằng bé đã gom hết yêu thương cả kiếp người có được để dành cho duy nhất một người.

Tây Giang lặng người trước khung ảnh của người đã khuất. Vẫn nụ cười ấm áp và hồn nhiên của tám năm về trước. Hắn nói thêm:

- Nhưng mày làm việc này xem chừng công dã tràng rồi. Anh Nhiên của mày vẫn không lấy vợ mới, hắn cũng chán cảnh yêu đương rồi.

Dòng sông trong lòng của tên ấy đã qua đời, nhưng vết tích của con sông chết ấy hãy còn sâu lắm. Có khi cả đời cũng không phai. Dẫu hắn đã giữ gìn cẩn thận phong thư ấy, để tám năm sau trao cho người nhận nó vẫn y nguyên như mới, để Minh Nhiên không phát hiện ra chút sự thật gì.

Rồi chừng như nghĩ thêm được gì đó, lòng người anh trai đang tràn ngập tiếc thương em mình buông thêm một câu cuối cùng:

- Tao sẽ đợi, nếu như anh Nhiên của mày lấy vợ mới thì thôi. Nhưng nếu đến khi lão ta nghỉ hưu mà vẫn cô độc thì tao sẽ tìm đến nói sự thật cho lão ấy. Một người sống cả đời trong trò lừa của mày mà vẫn không quên được mày, vẫn không mở lòng được thì đến cuối đời cũng nên cho người cô độc ấy biết hoá ra tình yêu từng sâu đậm của mình không phải một mối tình bạc bẽo.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top