tinh thay tro

Dân ta xưa có câu “một ngày nên nghĩa”, lại có câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy), huống hồ thầy đã dạy trò, trò đã học thầy suốt 3 -4 năm. Từng đó thời gian, bao nhiêu kiến thức, bao nhiêu kỷ niệm vui buồn giữa thầy và trò, gắn với tuổi thơ một đi không trở lại của con người.

Vì thế không phải khách đi đò đã sang sông là không bao giờ trở lại bến cũ và người lái đò chở bao lượt khách qua sông, rồi không nhớ gì về những người khách quý đã một lần đi trên chuyến đò của mình. Không! quan hệ giữa thầy và trò không giống như quan hệ giữa người lái đò và khách đi đò (dẫu chỉ là ẩn dụ) mà có ý nghĩa cao hơn nhiều vì đây là quan hệ giữa người có trách nhiệm giáo dục đào tạo và những người được thụ hưởng sự giáo dục đào tạo đó. Phẩm đúc tôn sư trọng đạo được nảy nở, vun trồng từ hàng nghìn năm của dân tộc đã thấm sâu trong huyết quản của mỗi người dân Việt, vì thế quan hệ đó còn vương vấn trong tâm hồn người dạy, người học nhiều năm sau khi đã rời xa mái trường, có khi đến hết cuộc đời.

Xét về lý, thầy đã làm xong nghĩa vụ xã hội của mình mà trò cũng không còn liên quan gì đến người đã đào tạo mình, vì trò lại phải có nhiệm vụ mới, quan hệ mới ở nơi học tập, công tác mới. Tuy vậy, trong nhiều lĩnh vực mới, những quan hệ mới, với những tư cách mới, họ vẫn còn có thể gặp nhau và có khi còn phải quan hệ với nhau. Vì vậy, mối quan hệ thầy – trò sau khi học trò đã ra trường vẫn còn tiếp tục và đòi hỏi thầy và trò phải có sự ứng xử thích hợp với hoàn cảnh mới, thích hợp với đạo lý và tình cảm của con người.

Trước nhất, nói về quan hệ thầy trò trong quan hệ với bản thân mỗi người. Tôi nói quan hệ với bản thân vì ngay trong cả trường hợp sau khi chia tay, thầy trò không bao giờ gặp nhau thì trong tâm tưởng họ vẫn nghĩ đến nhau. Trong đời chúng ta, ai chẳng có lúc nhớ đến một vài thầy cô giáo cũ, một vài học trò cũ và những kỷ niệm thầy trò ấy từng có lúc sưởi ấm lòng ta, như một tài sản tinh thần quý giá của ta. Xưa từng có chuyện những người học trò đã thành danh bỗng chốc một ngày nhớ đến thầy giáo cũ và trở về mái trường xưa để gặp thầy, dù chỉ lần. Chúng ta còn nhớ câu chuyện học ngày nhỏ: “Thưa thầy! em là Cacnô đây” kể chuyện người học trò thành danh trở về thăm thầy giáo cũ. Rồi chuyện cô học trò nhỏ khi trở thành bác học đã về thăm người thầy đầu tiên của mình. (Người thầy đầu tiên – Aimatop)

Ở đây tôi muốn bàn về quan hệ thầy – trò sau khi trò đã ra trường, với những chuyện đang diễn ra hằng ngày, trong thực tế đời sống, trong các mối quan hệ dằng dịt của xã hội đương thời.

Quan hệ đó thường diễn ra như sau:

Trường hợp thứ nhất: Một số học sinh sau khi ra trường, không nhớ về trường cũ, thầy cô giáo cũ nữa, không một lần về thăm trường cũ dù trong những dịp hội trường, những ngày kỷ niệm lớn của trường đã được thông báo rộng rãi và bạn bè nhắc gọi, có thể vì mặc cảm tự ti (không thành đạt), nhưng cũng có thể vì… vô cảm, một căn bệnh có nhiều hơn ta tưởng trong xã hội đương đại.

Trường hợp thứ hai, phổ biến hơn là trong những dịp hội trường, hội lớp, học sinh cũ thường hội họp, có mời một số thầy cô giáo cũ đến gặp mặt. Đây là dịp thầy trò, bè bạn gặp nhau rất vui vẻ, cùng ôn lại kỷ niệm cũ, cùng thăm hỏi nhau về cuộc sống hiện tại. Đó là một tập quán tốt đẹp thường có trong xã hội ta vốn có tính cộng đồng cao. Các lớp đồng môn đó còn có kế hoạch thông tin cho nhau về tình hình thầy, bạn và tổ chức thăm hỏi khi thầy, bạn có việc hiếu, việc hỉ, đó là điều rất tốt làm cho mọi người gần nhau hơn và có thêm niềm vui trong cuộc sống.

Cá biệt, có học sinh tình cờ gặp thầy cô giáo cũ trên đường thì lờ đi, tránh mặt vì sợ thầy cô giáo nhờ vả…Thậm chí có học sinh oán hận thầy giáo khi xưa đã từng phạt mình vì lỗi gì đó nên có hành động cử chỉ “trả đũa” như xui bạn gọi tên thầy cô giáo giữa đường, giữa phố rồi cười hô hố với nhau. Ta loại trừ những trường hợp vô văn hóa, vô đạo đức này mà chỉ bàn đến những con người bình thường có đạo đức, có văn hóa trong quan hệ với các thầy cô giáo cũ của mình.

Ngày 20/11 hằng năm, nhiều thầy cô giáo được tiếp đón những người khách quý là những học trò cũ đã học mình từ vài chục năm về trước, trong đó có nhiều người đã đứng tuổi, đã thành danh và điều này thiết tưởng không chỉ có tác dụng động viên đối với thầy mà cả đối với trò vì nói như ai đó, trong hạnh phúc, tình yêu, cho cũng chính là nhận, huống chi đây lại là sự đền đáp và hơn nữa là sự nêu gương đối với thế hệ sau.

Bản thân thầy không mong chờ sự đền đáp vì xét cho cùng mình dạy trò cũng vì nghĩa vụ xã hội, nhưng nếu lúc nào đó nhận được sự đền đáp thì đó là một quà tặng của cuộc sống, một thứ “của để dành” về tinh thần.

Trên đời, mỗi người có một con đường, một số phận, học trò thuộc thế hệ mới, có điều kiện phát triển hơn trên nhiều lĩnh vực mới của cuộc sống, còn thầy thường vẫn đứng mãi trên bục giảng cũ với cấp học cũ. Vì thế không khỏi nảy sinh trong thầy sự mặc cảm, tự ti, còn trong trò có thể mặc cảm “thương hại”. Cả hai thứ mặc cảm đó đều nên loại trừ vì mỗi người có một hoàn cảnh, một nhiệm vụ do xã hội quy định, thậm chí một ngưỡng đã được số phận mã hóa. Tiêu chí đánh giá con người là trên cương vị được giao, trên công việc đang làm. Một ông chủ tịch tỉnh hoàn thành không tốt chức trách thì không được đánh giá cao bằng một người thợ rèn cần cù lành nghề, hằng ngày cho ra lò nhiều sản phẩm dao, kéo bén sắc. Nói như thế không có nghĩa là người thầy không phát triển , không cần  phát triển. Người thầy dạy tiểu học 30 năm không thể chỉ dạy bằng đồng nghiệp hành nghề mới có 10 năm. Về trình độ văn hóa cũng vậy, người thầy tiểu học ngày xưa tốt nghiệp sư phạm sơ cấp (7+1) nay cũng nên có trình độ ĐH Sư phạm. Như thế, trong con mắt của trò cũ, người thầy càng lớn cao hơn và tình cảm mến phục cũng nhiều hơn. Thầy giáo văn cũng vậy và hơn ai hết, thầy văn phải sống nhiều, hiểu nhiều, đọc nhiều…nếu không khi gặp lại trò cũ đã trải qua đường đời và được nâng cao trình độ, thầy không hòa nhập được và câu chuyện giữa thầy và trò trở nên nghèo nàn tẻ nhạt.

Mặt khác, thầy và trò gặp nhau sau khi trò ra trường, có khi trên những cương vị hoàn toàn khác, với tư cách hoàn toàn khác.

Ví dụ trò cũ có con đang học thầy cũ thì ngoài quan hệ thầy trò cũ còn có quan hệ mới giữa phụ huynh và thầy giáo. Vậy phải ứng xử cho đúng quan hệ mới đó, vì lợi ích giáo dục con mình. Trò không vì tình cảm thầy trò cũ mà yêu cầu thầy nương nhẹ với con mình và thầy cũng không vì tình cảm ấy mà nuông chiều con của trò. Trái lại làm sao mối quan hệ đó được đứa con nhận biết – tất nhiên – càng làm cho nó tự hào, kính mến thầy hơn và cố gắng tu dưỡng học tập.

Có khi thầy phải quan hệ với trò cũ như một công dân với người có chức trách của nhà nước. Trong trường hợp này thầy phải tạm cất đi cái quan hệ thầy – trò mà đề đạt và đề nghị giải quyết công việc trên cương vị công dân, trong phạm vi nguyên tắc. Chính tư thế đó càng làm cho trò cảm phục, suy nghĩ và giải quyết thấu đáo, có tình có lý. Nên nhớ rằng trong đáy lòng người học trò, một người Việt Nam vốn có truyền thống duy cảm, thì tình cảm thầy trò cũ vẫn có một vị trí đáng kể. Còn nếu người học trò đó hoàn toàn gạt bỏ tình cảm mà chỉ một mực xử theo lý thì người trò đó cũng nên xem lại mình ngay cả trên tư cách người cán bộ nhà nước chứ chưa nói trên tư cách người học trò cũ. Bao giờ cũng vậy, đạt lý thì phải thấu tình. Lại nữa, người thầy cũ khi đó là người dân, mà người dân thì được quyền đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của công dân đã được pháp luật quy định.

Một trường hợp tế nhị nữa là theo sự phát triển của xã hội, có khi người thầy cũ trở thành trò của người học trò cũ. Trong trường hợp này có hai mối quan hệ lồng vào nhau, quan hệ thầy cũ – trò cũ, quan hệ thầy mới – trò mới, nhưng ở đây quan hệ mới phải đặt lên hàng đầu, nhất là trong các yêu cầu của giáo dưỡng, của trau dồi kiến thức. Người thầy khi đó hơn ai hết phải gương mẫu trong học tập, nghiêm túc thực hiện yêu cầu học tập và không mong chờ (chứ không đòi hỏi) một sự chiếu cố. Đã có câu chuyện thầy làm bài yếu, trò cũ (lúc này là thầy dạy) đã nâng điểm, nhưng thầy cũ (lúc này là trò) đã xin rút điểm cho đúng thực chất của bài làm. Người trò cũ càng cảm thấy cảm phục thầy với ý nghĩ “thầy vẫn là thầy giáo của em” và tất nhiên, anh sẽ tìm cách phụ đạo, cung cấp tài liệu…để thầy nắm chắc bài hơn và đó là cách ứng xử đúng với trách nhiệm mới, đúng với tình cảm thầy – trò.

Có trường hợp thầy – trò cũ lại cùng công tác trong một cơ quan, một chi bộ với tư cách đồng nghiệp, đồng chí hoặc thủ trưởng – nhân viên…Ta không có thời gian để đi vào từng trường hợp cụ thể nhưng phương hướng chung là quan hệ hiện tại với những nguyên tắc của nó phải đặt lên trên, nhưng quan hệ cũ vẫn không mất đi mà phải càng làm cho quan hệ mới tốt hơn. Bên cạnh đó, ngoài công việc chung và trách nhiệm trên cương vị mới ở cơ quan, hai người vẫn có thể duy trì quan hệ tình cảm cũ trong đời sống riêng, điều đó càng làm cho họ có thêm nguồn tình cảm, một nguồn lực sống.

Tóm lại, quan hệ thầy cũ – trò cũ là mối quan hệ trong sáng, đẹp đẽ nếu không nói là thiêng liêng. Hãy giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp đó như một vốn quý của đời, một nguồn tình cảm động viên ta trong cuộc sống. Trong sự phát triển của đời sống xã hội, trong dòng chảy của thời gian, quan hệ đó không mất đi mà đan cài vào các quan hệ mới giữa người đã là thầy và người đã là trò, nó không làm sai lệch của quan hệ mới mà chỉ làm cho quan hệ mới đó mềm mại hơn, tế nhị hơn, tốt đẹp hơn và đó cũng là điều mong muốn của chúng ta khi bàn đến mối quan hệ thầy – trò sau khi học trò đã ra trường, bước vào cuộc sống./.

Nhà giáo, nhà văn Đặng Hiển

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: