TINH THẦN TÂY TIẾN!
Năm 1998, tình cờ trong một lần lục lại tờ sinh hoạt Đoàn của tôi mà mẹ tôi cất trong chiếc rương cũ kĩ ( thường dùng để đựng những kỉ vật của gia đình), tôi nhìn thấy một cuốn sổ nhỏ giấy màu nâu đã xỉn màu năm tháng. Tôi hồi hộp mở ra xem và không kìm nổi nước mắt trước một trang giấy mà trong đó là những dòng chữ đầy tráng khí của cha tôi một thời lịch sử. Đó là một bức vẽ chưa hoàn chỉnh với một cái nhìn từ phía bên này bờ sông trông sang bên bờ kia. Ở đó cha tôi vẽ một ngôi nhà thờ với cây thánh giá vươn cao sau một lùm cây rậm rạp. Sau tháp cây thánh giá là những đám mây nổi cồn lên vần vũ và một đàn chim đang dáo dát bay. Phía dưới, cha vẽ hình một khẩu súng, một mũ tai bèo và mấy dòng chữ in đậm: NHỚ MÃI NĂM 1968, RA ĐI KHÔNG HẸN NGÀY TRỞ LẠI. Trước bức tranh và dòng chữ ấy, không hiểu sao tôi lại khóc rất nên thơ! Dòng chữ ấy đã khảm vào tôi một nốt nhạc trầm hùng như nhắc tôi về một thời oanh liệt mà ở đó có những con người đã mang trong mình lòng quyết tử cho một dân tộc anh hùng sống mãi với thời gian.
Hôm nay đây tôi đang đứng trước một TÂY TIẾN bi hùng, một Tây Tiến đã đi vào lịch sử thơ ca như một hùng ca ngất trời tráng khí. Tôi rất ấn tượng với những câu này:
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Chiến trường là bom đạn khốc liệt là cái chết cận kề là dữ dội nguy nan nhưng sao ở đây câu thơ điềm tĩnh quá và có phần ngạo đời khinh khi. Hai từ "chẳng tiếc" vang lên chắc nịch manng cái vẻ bất cần, mang cái vẻ ngạo nghễ rất lính. Đời xanh - là tuổi trẻ, là cuộc sống non xanh mơn mởn. Tuổi trẻ ai chẳng mang cho mình khát vọng hạnh phúc, tình yêu, ai chẳng mong cho mình được sống với tuổi thanh xuân đầy hoa mộng. Thế nhưng người lính ở đây lại " chẳng tiếc" cho mình. Phải chăng ở họ, cái máu anh hùng của thời đại đã ngấm sâu đã in đậm vào trong trí não, vào dòng máu Lạc Hồng mấy ngàn năm lịch sử. Hiểu lắm chứ, biết lắm chứ những con người của thời đại anh hùng, trong họ chỉ có một điều tâm niệm đó là Tổ Quốc - tiếng gọi thân thương mà gẫn gũi như lời thơ Chế Lan Viên:
Ôi tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta như vợ như chồng
Ôi tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi cuộc đời bỗng hóa núi sông ta
Chết cho tổ quốc chính là chết cho lí tưởng. Còn quyết tâm nào cao quý và thiêng liêng hơn thế nữa chăng ?
Ta chợt nhớ tới tích Kinh Kha sang đất Tần hành thích bạo chúa Tần Thủy Hoàng, bên bờ sông Dịch chàng dứt áo ra đi với khẩu khí yêng hùng tráng sĩ: " Sông Dịch ù ù gió thổi/ Tráng sĩ một đi không trở về". Vậy là người lính cụ Hồ không chỉ mang vẻ đẹp của thời đại mà còn mang một vẻ đẹp cổ kính đượm màu hiệp sĩ xa xưa.
Còn tấm áo bào kia ai ban mà đẹp vậy? Không! chẳng ai ban cho họ cả mà chính là lí tưởng đã khoác lên mình họ tấm áo bào thiêng liêng, tấm áo bào của chính tình yêu tác giả và vạn ngàn con người Việt Nam đang thành tâm trước họ. Chiếc chiếu cói nhàu rách kia đã từng theo họ suốt chiến trường, là vật bất li thân cũng là tấm áo bào của lòng thành kính đưa những người con ưu tú của dân tộc về với đất mẹ. Đất nước ta năm tháng ấy còn nghèo, các anh ngã xuống thì đồ đạc quân trang không chôn theo mà lại để lại cho bạn bè. Những người bạn của họ lại mặc chính chiếc áo của đồng đội mình đã ngã xuống để tiếp tục chiến đấu và cống hiến. Ta chợt cảm động trước lời thơ của Chế Lan Viên:
Con nhớ anh con người anh du kích
Chiếc áo nâu anh mặc đêm công đồn
Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách
Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con
Các anh không chết, các anh chỉ về với đất mẹ sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Đất mẹ giang rộng vòng tay đón họ trở về. Đừng mộng mơ rằng chết là lên thiên đường hay cõi niết bàn nào đó xa xôi. Họ chết là về với mẹ nên cái chết của họ đã hóa thành bất tử, cái chết đã làm cho " cuộc đời đã hóa núi sông ta". Tôi chợt nhớ tới câu thơ của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng sau khi tìm được gần 400 ngôi mộ Liệt sĩ ở Knắc ( Tây Nguyên):
Người hi sinh đất hồi sinh
Máu người hóa ngọc lung linh giữa đời
Vâng! Cái chết của họ, máu xương của họ đã gửi về đất mẹ, làm cho "lá cờ cách mạng thêm đỏ thắm" làm cho tinh thần Việt Nam càng bất khuất kiêu hùng. Thương làm sao con sông Mã, chứng nhân của lịch sử, bạn đồng hành của Tây Tiến, cũng nhỏ dòng lệ cảm thương lay động cả đất trời, đã gầm lên "khúc độc hành" khúc tráng ca bi hùng rực rỡ nét sử thi.
Ôi thật cảm động và kính mến biết bao những anh hùng ấy, những anh hùng đã làm nên lịch sử, đã làm nên tượng đài Việt Nam bất tử với thời gian. Càng thương nhớ ta càng thấm thía lời căn dặn thiết ta của Nguyễn Khoa Điềm:
Em ơi em
Đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên đất nước muôn đời
Vâng! Thời gian đã đi qua, bụi thời gian có thể đã dày lên năm tháng nhưng tinh thần của một thời đại thì còn sống mãi tới muôn đời. Giá trị của Tây Tiến chính là ở đây!
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top