Chương 2. Tình, về, bà ngã.

Tháng Giêng qua đi, tháng hai tới. Mùa vụ cấy xuân, phải ra đồng nhiều, dạo này tối mịt Tình mới về nhà, đã qua năm mới, giờ Tình 14 tuổi rồi, vóc người vẫn bé nhỏ, mặt giấu trong nón mê, tóc ngắn cắt nham nhở.

Qua Tết, Tình đã không cho bà đi làm, kì kèo mươi mười lăm ngày bà mới đồng ý. Chân bà đau, Tình thấy bà đứng dậy khó khăn, đã để bụng từ rất lâu. Bà bảo Tình không cần làm việc quá sức, hai bà cháu có rau ăn rau, cháo ăn cháo. Tình ngoài mặt không nói năng gì, sau lưng lại lén xin nhà ông Điền thêm việc làm. Tình muốn mua thuốc cho bà.

Cấy lúa vụ xuân, chân lội trong bùn lạnh điếng, mưa nàng Bân đã mấy ngày nay chưa dứt. Tay chân Tình đều đã ửng đỏ, cái lạnh miền Bắc như dao cắt cứa dai dẳng, Tình bị thương nghiêm trọng nhất là chân. Đã vậy hôm nay ngoài đồng Tình còn dẵm chân vào vỏ ốc sên, vỏ ốc cứa rạch một đường sâu, máu chảy. Tình giấu không để ai hay, quăng vỏ ốc, vẫn khập khiễng lội bùn cấy lúa.

Chiều nay ông Cả bảo cấy xong qua chuồng trâu, ông Cả nhờ đếm trâu, sẵn tiện đưa cho ít vải cát bá vụn ông xin được trên Huyện. Vậy là cấy xong, Tình đội nón mê đi qua đó. Từ ruộng tới chuồng trâu nhà ông Điền gần hơn, lúc Tình qua trời vẫn chưa tối.

Ông Cả thấy chân Tình rỉ máu.

"Bị làm sao thế này?"

Ông Cả không vợ không con, làm thuê cho nhà ông Điền từ thời trung tuổi, giờ quản lý mấy việc lặt vặt giúp ông Điền ngoài ruộng. Ông Cả thương cho cảnh hai bà cháu Tình côi cút, luôn có phần để tâm hơn.

Tình chào ông, đáp qua loa:

"Dạ không sao ạ."

Tình giúp ông đếm xong trâu vùng này, tổng 473 con, ông Cả ghi lại sổ sách, đưa cho Tình cái túi bọc vải, vải cát bá vụn xin được trên Huyện, về may chắp vá cũng được cái chăn, may từ giờ tới đông là kịp, mùa đông ở miền Bắc là khắc nghiệt nhất, mấy năm nay năm nào ông Cả cũng xin cho Tình ít vải về đưa bà may.

"Mày xem lại cái chân đi, rửa sạch cho kĩ rồi lấy mảnh vải trong túi quấn tạm vào, không có ngày què thì lại khổ bà mày ra."

"Ông về đây, mai không đỡ qua đây ông đưa mày ít thuốc."

"Vâng."

Tình gật đầu, cảm ơn ông. Ông Cả đi rồi, Tình mới đi sang bên giếng nước, lấy gáo múc ra rửa chân, vết cắt sâu, còn ít vỏ ốc sên vụn lẫn bùn đất, rửa tới mấy lần mới trôi ra hết, vết cắt trắng bệch khó coi, Tình nhịn đau, xuýt xoa khẽ, chọn miếng vải ngắn ngắn buộc chặt. Xong xuôi tập tễnh đi về.

Tình giấu kĩ, nhưng không qua nổi mắt bà ngoại, đêm bà lật chăn, đặt cái đèn dầu hột vịt bên bàn cạnh giường, xem vết thương cho Tình. Bà biết Tình cứng đầu, bà có nói thì sáng mai Tình vẫn sẽ dậy đi làm, nhưng xót cháu, bà Vạn vẫn càm ràm, than thở vài câu.

Trong làng, nhà nào có con gái cũng cưng nựng một chút, dẫu phải đi làm việc đồng áng, quần áo vẫn cố gắng mỗi năm đôi ba bộ, nhà nào có con gái cũng phơi bồ kết, tóc dài đen nhánh, không như Tình của bà.

"Mai con xin ông Cả thuốc, bà đừng lo."

Tình cam đoan chắc chắn sẽ bôi thuốc, bà Vạn mới thôi muộn phiền.

Kéo bà nằm xuống, Tình cất giọng đều đều:

"Ông Cả cho con vải vụn may chăn."

"Năm nay để con may." Vì mắt bà yếu rồi.

Bà Vạn vuốt mái tóc ngắn cũn cỡn của Tình, không đáp lời. Tình cũng không chờ đợi, mệt liền thiếp đi mất.

Tình của bà là đứa trẻ ngoan, chưa bao giờ Tình hỏi bà về cha mẹ, từ bé, nó luôn nhìn xung quanh bằng cặp mắt quan sát lặng lẽ, nó biết hết, nhưng cũng xem nhẹ hết.

Tình của bà như cây gai tầm, còn bà là rặng tơ hồng cuốn chặt, tơ hồng đứt hết chỉ còn một chút, cũng cố cùng bám chặt tầm gửi leo lên.

Hai bà cháu sống tựa vào nhau, nhưng thân già nua bệnh tật của bà, kể từ ngày mẹ Tình mất, mỗi ngày một nặng thêm, bà chua chát nhận ra, mình trở thành gánh nặng cho đứa cháu gái bà yêu nhất trên đời.

***

Ngày nào cũng phơi nắng ngoài đồng, da Tình chả mấy chốc đen nhẻm, người nó cũng bé hơn nhiều so với tuổi thật. Ngoảnh đi ngoảnh lại, trời chớm thu. Năm nay thu đến sớm, mùa hè vừa rồi, giông bão lớn, bếp nhà bà Vạn sập, còn chưa dựng lại được.

Tình hay tranh thủ nhóm bếp trong buồng, nhà bốn phía vắng người, phải đi năm mười phút mới thấy một nhà khác, tối ở làng mùa này hút gió, bên ngoài khó nhóm bếp. Bà ngoại với Tình chỉ có một cây đèn dầu, Tình sợ trời tối, mình mang đèn đi, bà loay hoay lại ngã. Nấu nhanh chóng rồi dẹp củi lửa, mở cửa cho thông khói là được.

Người già với trẻ con, dựng lại gian bếp cũng khó khăn, nhất là chân bà ngày càng đau, giờ đứng lâu cũng không đứng vững.

Hôm trước ông Cả qua thăm lúa ngoài đồng, tiện ghé ngang hai bà cháu, nhìn thấy Tình vừa dẹp bếp, bèn hỏi han, ông bảo hôm nào có thời gian, ông đi đốn ít gỗ với tre nứa, sẽ dựng lại cho Tình một gian nấu cơm.

Tình nghĩ ông Cả nói vậy, không ngờ, mới sang thu, đã thấy ông chở ít gỗ nứa qua nhà bà, dựng lại một gian nhỏ xíu bên sườn buồng.

Bà Vạn mừng mừng tủi tủi:

"Cảm ơn ông nhiều quá."

"Hai bà cháu tôi lại làm phiền ông."

Ông Cả buộc nốt tấm nối trên mái, đáp lại:

"Chuyện nhỏ có là gì, bà giữ sức khoẻ cho con Tình yên tâm đi làm."

Tối đó, Tình níu ông Cả ở nhà ăn cơm, có mấy con cá Tình giăng lưới ngoài mương bắt được, Tình bắc nồi canh cá với làm cá chiên.

Ông Cả ăn cơm khen không ngớt:

"Mày làm cơm ngon quá Tình. Bên nhà ông Điền mà thiếu người, ông bảo mày qua nấu nhé, mày nấu ngon hơn mấy ông bếp bên đó nhiều."

Tình gắp miếng cá bỏ vào miệng:

"Tiền công cao hơn cấy lúa thì con đi."

Ông Cả với bà Vạn bật cười. Con bé Tình thật đáo để.

Mùa thu việc nhẹ hơn, ông Cả không cho ra đồng, Tình chủ yếu đi chăn trâu, lúc đợi trâu trên sườn đồi, Tình tranh thủ mang vải ra khâu vá. Tình may đường khâu đẹp, tay liền thoăn thoắt, cũng được già nửa cái chăn rồi, phải xong trong giữa thu này để còn chần lớp bông, giặt phơi đôi lần chăn mới mềm, như vậy mới đắp được vào đông.

Những đứa trẻ trong làng không ưa Tình, Tình cũng mặc kệ chúng nó, chúng nó chăn trâu đồng gần, Tình liền chăn trâu ở đồng xa, nước sông không phạm nước giếng. Bởi phải lùa trâu đi xa, nên lúc đuổi trâu về, Tình lúc nào cũng là đứa cuối cùng.

Hôm nay xua trâu về, không thấy ông Cả đứng ở ngoài đợi như mọi khi, Tình mới dợm bước vào chòi gác. Chòi gác trâu là cái nhà gỗ dựng gần giếng, cách chuồng trâu một đoạn, bình thường ông Cả nghỉ trưa ở đây, ghi chép sổ sách số trâu cũng để ở đây.

Đặt được nửa chân vào chòi, Tình đã nghe tiếng ông Cả hớt hải gọi to bên kia đồng, cách chuồng trâu 1 đoạn xa:

"Tình ơi, về, bà ngã."

Tình ba chân bốn cẳng quay người chạy. Môi Tình mím chặt, đầu óc không nghxi được gì nên hồn. Tim Tình treo lên như trống đánh dồn.

Ông Cả cũng chạy theo, mà không nhanh bằng Tình, nghe ông nói với đuổi theo:

"Mày từ từ thôi, đợi ông."

Con đường bình thường đi rất lâu, nay Tình cắm cúi chạy, chưa được nửa canh giờ đã về tới gần cổng. Lúc Tình chạy đến nhà, bước nhanh mở cửa buồng, bà Vạnđang nằm trên giường, sắc mặt bà hơi tái trắng mệt mỏi, bà giấu mặt quay vào trong, quở trách:

"Bà có sao đâu, ông Cả cứ làm quá lên."

Tình ngồi bên giường giở chăn xem, thấy bà không giống như thương nặng, tảng đá trong lòng mới được chuyển đi. Hơi thở nặng nề cũng dần bình tĩnh, dịu lại.

"Sao bà lại ngã ạ?"

"Bà vấp hòn đá thôi, làm gì có nghiêm trọng như thế."

Ông Cả một lúc lâu sau mới đuổi tới nơi, thở hổn hển bên cửa buồng vì chạy theo Tình, con Tình bé mà chạy nhanh quá, ông theo không kịp, nhìn bà Vạn đang nháy mắt, muốn nói lại thôi, mãi một lúc sau ông Cả cất lời:

"Bà đỡ chưa?"

Bà Vạn nhìn ông Cả bằng ánh mắt van nài, Tình đang xem chân bà, không để ý tới:

"Tôi có sao đâu, nhẹ ấy mà."

Ông Cả đành gật gù.

"Bà không sao thì thôi, tốt rồi, Tình chăm bà nhé!"

Tình đáp "Vâng."

Ông Cả ngồi chưa ấm chỗ đã nhấp nhổm.

"Này, thôi tôi về đây."

Hai bà cháu giữ lại ăn cơm ông cũng lắc đầu, bảo bên trại còn chưa xong việc. Lúc tiễn ông ra cổng, Tình kéo vạt áo ông hỏi:

"Ông Cả ơi, bà con bị sao thế, sao lại ngã ạ?"

Ông Cả nhìn nó một lúc, trong trời nhá nhem tối, mắt con bé sáng đến lạ thường, bướng bỉnh chờ đáp án. Ông Cả nhìn vào buồng, lại dời mắt nhìn mặt cái Tình, cuối cùng hắng giọng xoa đầu nó:

"Chắc không việc gì, ông thấy bà Vạn ngã ở cổng nên dìu vào, không sao đâu, bà có đau thì mày bảo với ông."

Tình không đáp lời, nó đứng ở cổng đợi ông Cả đi khuất mới trở lại vào trong nhà. Còn ít gạo, Tình vo nấu cháo, mang măng chua với cà muối dọn ra mâm. Măng Tình bẻ lúc đi chăn trâu, lọ ngâm cũng chẳng còn nhiều.

Tối đó bầu không khí nặng nề. Sau khi ăn cơm, Tình lại lôi vải ra may vá, thoáng chốc liếc nhìn bà đang ngủ, mối bận tâm bất an cứ trồi sụt.

Liên tiếp mấy ngày sau, Tình chăm bà cẩn thận, mãi tới khi thấy không có vấn đề gì, Tình mới xin ông Cả cho đi làm.

Những ngày ở nhà, Tình đều lôi vải ra khâu, chẳng mấy mà chăn Tình đã may xong, kịp giữa thu, trời trở gió se, giặt phơi một nắng, bà ngoại bảo để bà chần bông nốt, Tình cũng không phản đối, nhưng lén bà khâu chần bông lúc bà ngủ, để kịp đông.

Mấy hôm nay, Tình bận bịu ngoài đồng không may được, lúc thì cắt cỏ bờ thuê, lúc thì dẫn trâu đi đồng xa, trưa cũng không về nhà.

Bà ngoại Tình ở nhà chần xong chiếc chăn bông, một tối cuối thu bà đem cho Tình xem, chăn đẹp quá, vải tuy chắp vá nhưng Tình khéo gập cắt may thành những cánh hoa, nó ghép lại, thành cả vườn hoa bé bé xinh xinh. Bà giặt chăn phơi cho Tình.

Năm nay, bà với Tình đã có chăn mới, chăn gấp gọn ở đầu giường chờ đông về.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top