Chương 14. Việc nhẹ công cao
Cậu Quân nằm mê man ba ngày mới mở mắt tỉnh, trong lúc ấy, ông Hà không đếm được ông Điền đã hỏi mình tổng cộng bao nhiêu câu vấn đáp rồi.
Cậu Quân tỉnh, ông Hà là người đầu tiên phát hiện ra. Ông xem xét người cậu, thấy không còn vấn đề gì lớn, chỉ cần uống thêm thuốc ông sắc mười ngày là khỏi hoàn toàn.
Ông cũng mắng dặn cậu lần sau phải chú ý, cấm được ăn đồ tầm bậy tầm bạ, chứ cơ địa cậu dễ phản ứng, mà còn phản ứng nặng, nếu ông mà không có nhà, đi các nơi chữa bệnh chưa về kịp thì chuyến này cậu tàn canh gió lạnh.
"Nghe rõ chưa?"
Cậu Quân mệt mỏi, không muốn trả lời, chỉ gật đầu rồi lại nhắm mắt vờ đi ngủ. Tuy lần cuối cùng trước đây gặp ông Hà là ngày còn bé, nhưng cậu vẫn còn ấn tượng sâu, chính ông là người lừa cậu uống thuốc khi xưa, thuốc thì đắng chát, uống hết bát này tới bát khác.
Ông Hà không nhiều lời, vội vàng sắp xếp đồ, tranh thủ viết lại bức thư gửi cho bà Hà và con gái, rằng về muộn hơn dự kiến. Sáng nay ông mới nhận được thư của bà, chỉ vỏn vẹn vài chữ mà cũng nóng ruột muốn phi về luôn.
Trong thư bà viết:
"Con gái sắp đóng cửa hiệu thuốc!"
Trưa mùng sáu Tết, ông Hà viết lại thang thuốc, dặn dò ông Điền cho người sắc từng ngày cậu uống, ngày hai bát, uống đủ thì thôi, không được bớt xén. Mười ngày nữa vẫn chưa khoẻ hẳn thì đánh thư gửi lên Huyện, ông tự khắc đi một chuyến, không cần lên đón làm gì.
Ông Điền không níu giữ, chỉ bảo ông Hà ở lại ăn nốt bữa cơm trưa, chiều thì lên đường về. Ông Hà ngẫm nghĩ cũng đồng ý, đường xá xa xôi, ăn uống đàng hoàng tử tế rồi đi cũng chưa muộn, sớm thêm nửa ngày cũng không giải quyết được vấn đề gì.
Ông cũng không tin con gái mình giỏi đến mức đấy, chỉ là sợ nó phá hỏng thuốc quý của ông nên mới gấp gáp thôi.
Ông Điền vào gặp cậu Quân, ông Hà bèn tìm đường xuống khu người ở. Năm xưa tới đây một lần, ở cũng chục ngày mà chẳng nhớ nổi đường ngang rẽ dọc như thế nào, nhà thì to lắt léo lòng vòng quá thể. Năm nay xuống lại, có vẻ mới sửa sang đằng sau, ông Hà càng nhìn càng chẳng nhận ra đâu với đâu.
Đường nào bây giờ? Trước mặt có hai cái lối đi, ông Hà không biết phải rẽ bên nào! Hôm nay ông Hà gặp may, người ông cần tìm bỗng lọt vào tầm mắt:
"Lại ông bảo!!!"
Ông gọi giật, Lý ngẩng đầu nhìn, ánh mắt thoáng ngạc nhiên:
"Ông Hà, ông gọi con ạ?"
Ông Hà cười tít, gật đầu, vẻ mặt thân thiện. Lý chạy lại. Ông Hà ngó nghiêng xung quanh, lôi nó đi. Đi qua vườn cây quý, ông kéo nó vào. Lý vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra.
"Này, mày tên gì?" Ông Hà hỏi Lý.
"Con tên Lý ạ."
"Năm nay bao nhiêu tuổi?"
"Dạ, mới qua Tết, con 19 rồi ạ."
Ông Hà gật gù, nét mặt tươi tỉnh:
"Làm ở đây công có cao không?"
Lý không hiểu vì lý do gì mà câu chuyện đi theo như này, cũng không hiểu sao ông Hà lại hỏi thế. Lý trả lời không chắc chắn:
"Cũng được ạ?"
"Cụ thể là bao nhiêu? Nói rõ xem nào để còn liệu."
Lý một nghìn câu hỏi vì sao phải liệu, phải liệu cái gì, nhưng cũng thành thật trả lời:
"Một tháng trăm đồng, một năm một nghìn hai, chưa thưởng Tết ạ."
Ông Hà bật cười:
"Khà khà, dễ nói dễ nói."
Ông Hà vỗ vai thanh niên đang ngẩn người trước mặt, hào phóng:
"Ông trả gấp đôi, lên trên Huyện làm cho ông."
"Việc nhẹ công cao, đón khách bốc thuốc là xong!"
Lý vỡ lẽ, cũng buồn cười. Thoáng trong đầu hình ảnh hiệu thuốc to vật vã mấy lầu trên Huyện của ông Hà. Người con gái mở cửa có vẻ ngoài xinh đẹp nhưng hung dữ quát ầm từ trong nhà ra hét thẳng vào mặt Lý:
"Tết nhất dở người à mà ốm với chả đau?"
"Có để cho người ta ăn Tết không thế?"
Lúc đấy Lý cũng nhanh miệng hỏi lại:
"Ơ ốm đau có chừa Tết ra đâu cô?"
"Tôi tìm thầy Hà, tôi là người làm nhà ông Điền làng Lỵ."
Người con gái đóng sập cửa lại:
"Không biết, Điền với Đất gì, không tiếp!"
Lý nhanh chân chẹn chân vào mới giữ được cửa:
"Thầy Hà ơi, tìm ông chữa bệnh, bệnh nặng lắm rồi!"
Ông Hà bấy giờ nghe tiếng, chạy từ bên trong nhà ra. Cô gái hung dữ lườm Lý, bỏ vào trong.
Nghĩ lại tự nhiên thấy chân cũng đau đau, Lý cười nhìn ông Hà, từ chối:
"Không được đâu ông ơi. Con bị bố mẹ bán vào nhà ông Điền tính đến nay 15 năm rồi, con ở đây quen rồi. Ông Điền với mọi người tốt với con lắm."
Nét tươi tắn trên mặt ông Hà dần cứng ngắc. Nhiều tiền mà cũng không thích à? Ông cố thuyết phục:
"Không suy nghĩ thật à? Giấy bán thân ông chuộc cho? Việc nhẹ công cao?"
Thời buổi bây giờ, kiếm đâu ra đứa nhanh nhẹn, nói năng dễ nghe niềm nở mà lại còn đẹp trai sáng sủa như này, nó mà về làm nhà mình thì tốt quá.
Khổ nỗi, nhà ông người nào cũng chỉ biết bốc thuốc, nói chuyện với người bệnh tới nhà hay ngứa miệng quen mồm, người bình thường còn đỡ, đây cái Nguyệt mà đôi lần cãi nhau phải cỡ như ông Điền thì ông Hà bán cả hiệu thuốc mất thôi.
Ông Hà buồn nẫu lòng, bị từ chối mà đến bữa cơm ăn cũng không thấy ngon lành gì cho cam.
Ông Hà đi rồi.
Ông còn dặn trước Lý, nếu đổi ý cứ lên Huyện gặp ông, lúc nào cũng được. Con Nụ nghe thấy, nó thắc mắc:
"Lên Huyện gặp ông Hà làm gì thế anh Lý?"
"Lên khám bệnh?" Lý tưởng nói qua qua như thế thì cái Nụ sẽ bỏ qua cho mình, không ngờ nó vẫn còn bắt bẻ.
"Anh ốm gì mà phải tìm ông Hà? Thầy thuốc làng mình không chữa được à?"
"Ê này!!! Anh giấu bệnh với bọn em à?"
Lý gõ đầu nó:
"Chỉ nghĩ xấu thế là nhanh."
"Lỡ ốm thì không được tìm ông Hà à?"
Nụ càu nhàu:
"Phỉ phui cái miệng anh, nói linh tinh ốm đau gì."
Lý nhận sai:
"Thôi được rồi, anh nói sai."
***
Cậu Quân đã tỉnh, nên theo như ông dặn, Tết hạ nêu con Đình bị lôi ra đánh phạt, ông Điền phạt nó mười lăm gậy. Con Đình chỉ nhỏ hơn Lý một tuổi, trước giờ chưa bao giờ bị người ta đánh sờ đến nửa cọng tóc. Lần này, ông Điền phạt nặng, sai người đánh xong quăng nó ra ngoài đường, đuổi thẳng cổ. Ông cũng không cho nó mang theo bất cứ thứ gì đi.
Nó bị đánh trông thảm hơn cả con Tình ngày trước, nó gào khóc om sòm, giọng the thé như lợn chọc tiết, ông Điền sai người buộc vải vào miệng nó, không cho nó gào nhức đầu, ảnh hưởng cậu Quân vừa ốm dậy.
Người nó bê bết máu, được 4 gậy đã ngất, người làm tạt chậu nước, nó tỉnh thì lại đánh tiếp, đánh bao giờ cho đủ 15 gậy thì thôi, đánh không chết là được. Gia nhân trong nhà cũng nể tình nó ăn ở chung bao năm, gậy đánh 10 phần chỉ dùng lực một hai phần, nhưng đánh xong con Đình cũng bã người, nhìn nó như miếng đậu phụ rơi vỡ nát. Mấy ngày trời bị nhốt ở kho, tóc tai nó bù xù, quần áo lôi thôi luộm thuộm, mặt thì lem luốc bẩn thỉu, chẳng có dáng vẻ gì giống với nó của ngày trước. Đánh xong trận này, chẳng còn hình dáng gì con người.
Nụ không đi xem nó bị phạt, chỉ có anh Lý với cái Lành cùng nhau đi. Nụ bảo:
"Thôi! Xem mất công lương tâm bị cắn rứt, em chả thèm."
"Đã ác rồi thì dứt điểm, không ỡm ờ."
Cậu tỉnh, ông Điền cho hai đứa đứng canh cửa gian buồng cậu, chơi cũng được, làm gì cũng được, đứng canh cậu gọi thì hầu hạ cậu. Cậu không gọi thì không được làm phiền. Cái Nụ với một thằng được sai đi. Cả buổi sáng, Nụ nhàn nhã ngồi đợi, lâu lắm nó mới không phải luôn tay luôn chân như hôm nay.
Con Đình bị đuổi ra ngoài đường, Lý thương hại, lén ông mang đặt cạnh người nó mấy bộ quần áo, cũng gọi thầy thuốc bên làng đưa nó đi qua nhà chữa bệnh, tiền nong anh trả. Nó mà chết thì anh cũng phải tội. Đình lúc này đã mê man bất tỉnh, không biết gì.
Lành nói nhỏ một mình:
"Sao anh phải làm thế, không phải nó thì bây giờ người nằm là anh."
Lý nghe thấy, chỉ cười đáp:
"Thôi."
Mọi chuyện cứ thế chấm dứt.
18 tháng Giêng chẳng mấy mà tới, ngày giỗ bà cả với cậu út, cậu Quân sang chiều ngày 15 đã đi đứng bình thường, không khác trước là bao, chỉ có điều mặt cậu vẫn còn dấu hiệu của người vừa ốm nặng dậy.
Ông Điền gọi cậu lên gian ở của ông, nói qua những điều về ngày giỗ bà. Ông hỏi cậu có muốn hôm đó ra mộ thăm mẹ và em không? Cậu Quân không nói gì, ông xem như cậu đồng ý. Cậu ngồi thả lỏng trên ghế, mắt nhìn đi đâu đâu, những lời về sau của ông cậu nghe không quá tập trung.
Ông Điền lặng im, lát sau thở dài, đổi đề tài khác.
"Giờ trong người còn khó chịu ở đâu không?"
"Đỡ nhiều rồi ạ."
Vết xước gãi bị rách chợt da cũng lên da non, chỉ là hơi ngứa.
"Về nghỉ ngơi đi, hôm đấy nói tiếp."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top