Tình Nhỏ Làm Sao Quên
Tình Nhỏ Làm Sao Quên
***************************
Từ Sài Gòn lên Ðà Lạt ở gần một tháng, tôi vẫn chưa tìm được chỗ trọ nhất định. Hết tạm trú nhà người bạn này vài ngày, tôi lại đến ở nhà người bạn khác vài hôm. Ở chung như vậy tôi chỉ có dịp cùng bạn bè tán gẫu, chứ không có thì giờ riêng để viết cho xong một kịch bản còn dở dang.
Một tháng nữa nhóm kịch sinh viên của bạn tôi phải trình diễn buổi ra mắt ở Ðà Lạt cho đúng thời gian đã qui định. Vậy mà tôi vẫn chưa lo xong phần cung cấp kịch bản để các bạn tập dượt. Biết tính tôi chỉ có thể làm việc được khi sống một mình nên Ðăng, người trưởng nhóm kịch, đã vất vả đi tìm cho tôi một chỗ trọ riêng biệt.
Một buổi sáng khi tôi còn đang trùm mền ngủ nướng trên tấm nệm trải ở sàn nhà một người bạn, Ðăng đã đến đánh thức tôi dậy và nói tôi thu dọn đồ đạc gấp đến chỗ trọ mới. Ngồi phía sau xe Vespa do Ðăng lái chạy như bay trong buổi sáng lạnh buốt, tôi chẳng hiểu anh chạy đi đâu vì vẫn còn ngái ngủ. Khi anh dừng xe, đến nhấn chuông điện trước một biệt thự sang trọng, tôi trố mắt hỏi:
- Trọ ở đây à?
Ðăng cười nói:
- Nhà như vậy còn chê sao?
Tôi chỉ tấm bảng xanh kẻ chữ trắng "Nhà bán", đóng trên trụ cổng.
- Không đùa chứ?
Ðăng nhún vai:
- Vào trong rồi sẽ biết.
Tôi định hỏi Ðăng cho rõ chuyện nhưng đã nghe có tiếng chó sủa và tiếng cửa sắt rít lên. Một người đàn ông tóc muối tiêu, mặc áo veste xám cũ kỹ bước ra. Bên cạnh ông là một con chó berger to lớn. Sau khi nghe Ðăng chào hỏi và giới thiệu, người đàn ông bắt tay tôi và mời chúng tôi vào nhà.
Biệt thự không lớn lắm nhưng có vườn hoa rất rộng và những lối đi đều trải đá xanh. Tôi được dành cho một căn phòng xinh xắn ở tầng trệt. Phòng có giường nệm, bàn viết, tủ quần áo, cửa sổ mở ra vườn đầy hoa và một lò sưởi nhỏ nhưng chắc mùa này tôi không có dịp để dùng đến nó.
Khi bác quản gia đi ra ngoài lo công việc, tôi phóng người lên giường nằm và nói với Ðăng:
- Cứ như sống trong mơ. Từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ được ở một nơi sang trọng như thế này. Nhà của ai vậy?
Ðăng chậm rãi kéo ghế ngồi, đốt một điếu thuốc đen rồi hỏi tôi:
- Cậu có sợ ma không?
Tôi hỏi lại:
- Cậu muốn nói biệt thự này có ma?
- Phải.
Tôi phì cười, nói tiếp:
- Vậy càng tốt. Cậu nhớ hồn ma trong vở kịch Hamlet của Shakespeare không? Chính hồn ma đó đã giúp cho Hamlet biết rõ mọi chuyện để chàng dễ dàng giải quyết. Tôi đang phân vân chưa biết giải quyết thế nào cho các nhân vật của tôi được quyền tiếp tục sống đến màn cuối của vở kịch. Nếu có hồn ma ở đây, tôi mong muốn hồn ma đó sẽ giúp tôi.
Ðăng mỉm cười gật đầu:
- Nếu biết cậu không sợ ma, tôi đã dẫn cậu đến đây trọ ngay hôm cậu mới lên Ðà Lạt.
- Bộ đây là nhà "chùa" à?
- Giỡn chơi. Nhà có chủ đàng hoàng. Ðể tôi kể rõ ràng cho cậu hiểu.
Ðăng rút một điếu thuốc, châm nối rồi anh kể:
- Chủ nhân của biệt thự này là một thương gia giàu có. Cách đây hai năm không hiểu vì lý do gì ông đã tự tử bằng súng săn ở một phòng ngủ trên lầu. Sau cái chết của ông, người vợ và cô con gái đã về sống ở Sài Gòn. Biệt thự được cho thuê. Có một vài người đã đến ở nhưng rồi họ đều lần lượt dọn đi vì lý do thường bị đau ốm vô cớ và nhất là thường thấy hồn ma ông chủ hiện về. Bà chủ đã đổi ý muốn bán luôn biệt thự này với giá rẻ. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai đến mua.
Tôi ngạc nhiên ngắt lời Ðăng:
- Bộ cậu mua lại biệt thự này với giá rẻ?
Ðăng bật cười lắc đầu:
- Rẻ thì rẻ chứ tiền đâu mà tôi mua. Giá cả trăm cây vàng chứ ít sao. Cách đây vài hôm tôi nhớ ra bà chủ biệt thự này là một trong những mạnh thường quân cho nhóm kịch, nên tôi đã liên lạc bằng điện thoại xin phép bà cho cậu ở tạm đây một tháng để làm việc. Chính bà đã điện thoại từ Sài Gòn lên cho người quản gia thu dọn phòng này cho cậu ở. Cơm nước cậu có thể ăn với gia đình người quản gia ở nhà dưới hay đi ăn cơm quán tùy ý. Tôi mong rằng cậu sẽ ở đây cho đến khi viết xong vở kịch, đừng cuốn gói ra đi ngay trong buổi sáng ngày mai.
Tôi đứng dậy, bước loanh quanh trong phòng và nói:
- Sức mấy mà ngày mai tôi ra đi. Một chỗ ở ngon lành như thế này, thánh đuổi tôi cũng không chịu đi chứ đừng nói chuyện ma đuổi.
Ðăng siết chặt tay tôi, chào ra về. Tôi mở túi xách lấy quần áo bỏ vào tủ và miệng huýt sáo một đoạn nhạc vui.
Nửa tháng trôi qua. Mỗi ngày tôi đều làm việc rất chăm chỉ, bắt đầu từ 10 giờ sáng cho đến nửa đêm. Ðã nhiều lần tôi cố thức dậy sớm hơn để làm việc, nhưng vẫn không sao bỏ được thói quen ngủ nướng vì thời tiết quá lạnh vào buổi sáng.
Trong suốt thời gian ở đây mặc dù thức rất khuya tôi vẫn chưa có dịp gặp hồn ma như lời Ðăng nói. Không biết đó chỉ là tin đồn thất thiệt, hay là tại số tôi nghèo hèn nên không có diễm phúc được hồn ma ông chủ giàu có tiếp kiến?
Vở kịch kể như tôi viết sắp xong chỉ còn một màn cuối. Tôi phân vân không biết có nên để cho nhân vật chánh là một thiếu nữ tự tử để giải quyết sự việc, hay tiếp tục phấn đấu sống, đấy cũng là một cách giải quyết sự việc?
Có lý do chính đáng để người ta được quyền tự tử không? Suốt ba đêm liền, ngồi trước trang bản thảo trắng tinh, đầu óc tôi lẩn quẩn mãi câu nói bất hủ của Hamlet? "To be or not to be, that is a quesion". Sống hay không sống đấy là vấn đề. Và tôi đã rơi vào một khoảng trống mù mịt khi cố gắng giải quyết vấn đề.
Những lúc đó tôi thật tình thầm mong hồn ma của ông chủ nhà hiện ra, cho tôi biết lý do chính đáng về cái chết của ông, để tôi có thể giải quyết cho nhân vật của mình trong vở kịch. Nhưng sự chờ mong của tôi chỉ hoài công.
Ðêm thứ tư, không chịu nổi khoảng trống mù mịt trong đầu cuốn hút, tôi rời khỏi bàn viết đứng dậy mặc áo khoác, quấn thêm khăn quàng cổ rồi bước vội ra ngoài phòng trọ.
Bên ngoài gió thổi mạnh, giật nghiêng chòm cây mimosa trồng ở gần cổng. Mùa này cây không nở hoa vàng mà chỉ có những chiếc lá xanh trắng mốc. Sương đêm như tấm khăn ướt, phả vào mặt tôi mát lạnh khiến tôi tỉnh người sau một ngày giam thân trong phòng làm việc mệt nhọc.
Tôi đứng yên trong bóng tối trước hiên nhà, hít thở chậm rãi từng hơi dài, không khí đầy hương thơm những bông hoa nở đêm trong vườn. khoảng trống mù mịt trong đầu dần dần được lấp đầy bởi gió, sương mù và hương thơm của các loài hoa. Trong giây phút này tôi chợt hiểu chẳng có lý do nào chánh đáng để người ta được quyền tự tử. Nhân vật nữ của tôi phải sống, không vì một lý do cao cả nào mà vì một lý do rất bình thường, nàng đã sinh ra đời.
Tôi gần như gào lên sung sướng vì đã giải quyết được vấn đề. Chẳng thèm mở cổng, tôi chống tay nhảy vọt qua hàng rào thấp bao quanh biệt thự. Tôi bước thật nhanh về hướng trung tâm thành phố hy vọng một nhà hàng còn mở cửa, tôi sẽ vào uống một chai bia và ăn một đùi gà chiên bơ béo ngậy. Tôi thích khen thưởng sự thành công của mình bằng một bữa ăn ngon hơn là những lời tán tụng.
Mặc dù tôi bước đi hối hả, khi đến bờ hồ Xuân Hương cũng đã hơn 10 giờ đêm. Ở Ðà Lạt giờ này các nhà hàng đều đóng cửa. Tôi ngồi nghỉ chân ở một bệ xi măng xây quanh một gốc anh đào, để lấy sức trước khi leo dốc lên khu chợ Hòa Bình, tìm một quán cháo gà bán khuya ở trong hẻm mà có lần Ðăng đã dắt tôi đến ăn.
Gần phía cầu gỗ có buộc những chiếc pédalo, tôi chợt nhìn thấy một cô bé mặc áo khoác trắng đang đi thơ thẩn trên bờ hồ dưới ánh đèn vàng nhạt. Chắc em đang giận dỗi gia đình nên ra đây giải khuây.
Chú ý theo dõi cô bé một lúc, tôi thấy thỉnh thoảng em cúi xuống bới tìm một vật gì đó ở trong bụi cỏ. Có lẽ cô bé đã đánh rơi cái bóp hay đồng hồ gì đó, nên em không dám về nhà sợ ba má đánh. Tôi đoán vậy và đứng dậy đi đến định tìm kiếm giúp em.
Khi tôi đến gần phía sau lưng cô bé, tôi nhìn thấy rõ một giải khăn quàng cổ màu xanh lá cây có những đường kẻ ô vuông màu đỏ nổi bật trên vai chiếc áo khoác trắng. Cô bé cúi đầu chăm chú bới tìm ở một bụi cỏ xanh mướt. Tôi hỏi nhỏ nhẹ để em khỏi giật mình:
- Này em, em tìm kiếm gì đó?
Cô bé có vẻ không nghe thấy lời tôi nên em không quay lại nhìn. Em thản nhiên bước đi một đoạn rồi lại cúi xuống bới tìm ở một bụi cỏ khác. Tôi định đến hỏi lại em thì một người ngồi từ lâu trong bóng tối bên gốc thông bước ra.
- Xin cậu để mặc em ấy.
Nhìn người đàn bà già nua trong chiếc áo khoác bằng nỉ đen, tôi hỏi:
- Xin lỗi, bà là ai?
- Tôi là vú nuôi của em ấy.
Nghĩ bà cụ này mắt đã kém, khó mà nhìn rõ một vật nhỏ bé trong đêm tối, tôi nói:
- Cô bé đã đánh rơi vật gì vậy? Bà có thể cho biết, tôi sẽ tìm giúp cho.
- Cám ơn cậu. Nó đã đánh rơi một vật chẳng đáng gì.
- Một vật chẳng đáng gì mà phải mất công tìm trong đêm khuya! Cô bé đã đánh rơi đồng hồ phải không?
Bà cụ lắc đầu.
- Ồ, không. Nó đánh rơi một cái gì đó mà tôi cũng không biết.
Tôi bật cười.
- Này bà cụ, bà sợ tôi tìm thấy rồi lấy mất chiếc đồng hồ à.
- Cậu không tin tôi thì thôi. Ðừng nói đánh rơi đồng hồ, nếu nó có đánh rơi vòng ngọc hay dây chuyền, má nó cũng không để nó phải khó nhọc tìm kiếm trong đêm khuya như thế này. Bà ta dư tiền mua cho nó một cái khác.
Chợt có tiếng cô bé réo gọi:
- Vú ơi.
Bà cụ vội chạy đến chỗ cô bé đứng.
- Gì vậy con?
- Vú nói chuyện với ai vậy?
- Một người qua đường.
- Vú coi chừng ông ấy lấy mất của con nghe.
Nghe hai người nói chuyện lạ lùng, tôi không ngăn được tò mò bước đến hỏi cô bé:
- Này em, em đánh mất cái gì vậy? Tôi sẽ tìm giúp em.
Cô bé nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Ông hứa không được lấy của em nghe.
Ðể cho cô bé tin, tôi làm bộ giơ cao một tay lên thề thốt:
- Nếu tôi lấy của em, thiên lôi sẽ đánh tôi bể đầu.
Cô bé gật đầu tỏ vẻ bằng lòng:
- Em tin lời ông. Vậy ông tìm giúp em đi.
- Nhưng em phải nói rõ đã đánh rơi cái gì, tôi mới tìm giúp được chứ.
- Ông cứ tìm đi. Gặp nó ông sẽ biết ngay nó là cái gì.
Tôi nghĩ cô bé này khùng rồi. Chẳng nên nói chuyện với người khùng làm gì cho mất thời giờ, hãy đi ăn một tô cháo gà rồi về nhà trọ trùm mền ngủ một giấc cho khỏe. Nhưng khi nhìn vào đôi mắt em, đôi mắt đen lóng lánh mở rộng trong đêm, đầy vẻ chân thành khiến tôi chẳng thể bước chân đi. Tôi vẫn thường tin vào đôi mắt của người khác hơn là vào lới nói của họ. Tôi hỏi:
- Có chắc em đã đánh rơi một vật gì đó không?
Cô bé cau mặt tỏ vẻ bất mãn:
- Ông không tin em?
Sợ cô bé buồn, tôi vội nói:
- Tin chứ. Nhưng em đã đánh rơi cái gì đó ở đâu?
- Nếu em biết đã đánh rơi nó ở đâu, em không cần nhờ ông tìm giúp.
- Vậy sao em lại đi tìm ở nơi này?
Cô bé giơ tay chỉ quanh:
- Lúc nãy ngồi trên xe, em đã nhìn thấy nó nằm ở đâu khoảng này. Bây giờ em đến tìm ở bãi cỏ đằng kia, còn ông tìm giúp em ở chỗ gần gốc cây thông.
Tôi gật đầu và chúng tôi quay lưng đi ngược chiều nhau. Tôi đoán chắc là cô bé đã đánh rơi một kỷ vật nào đó, em muốn giấu nên không nói tên. Một kỷ vật có thể đem theo trong người và dễ dàng đánh rơi là một chiếc vòng đeo tay, một cái kẹp tóc, một cây viết máy hay một cái gì ngồ ngộ rất dễ nhận ra.
Tôi đang lúi húi tìm ở những bụi cỏ quanh gốc cây thông, chợt nghe có tiếng còi xe kêu vang trong đêm im vắng khiến tôi giật mình. Tôi ngoảnh lại thấy một chiếc xe hơi màu đỏ thẫm đậu sát lề đường. Tiếng bà vú gọi:
- Xe đến rồi, về đi con.
Cô bé nói:
- Con chưa tìm thấy mà.
- Khuya rồi, con về đi ngày mai tìm tiếp. Má con đang đợi ở nhà.
Cô bé đưa tay vẫy gọi tôi:
- Này ông.
Tôi chạy đến hỏi:
- Chuyện gì đó?
- Em phải về. Ông hứa ở lại tiếp tục tìm kiếm giúp em nghe.
Tôi giơ tay lên định thề thốt, cô bé vội níu tay tôi.
- Thôi ông khỏi thề. Em tin ông mà. Mai chúng ta sẽ gặp lại. Chào ông.
Bà vú kéo cô bé vào xe rồi đóng cửa lại. Chiếc xe phóng vụt đi và mất hút ở một khúc quanh. Tôi trở lại gốc thông tiếp tục loay hoay tìm kiếm ở những bụi cỏ. Một lúc sau tôi bật cười vang. Bố khỉ ! Thằng ngốc. Nếu ai nhìn thấy mày lúc này chắc họ sẽ nói mày điên. Khi không nghe theo lời cô bé làm quái gì vậy. Biết cô bé có thật tình đánh rơi một cái gì đó hay đây chỉ là trò đùa của em?
Ðồng hồ đeo tay chỉ 11 giờ đúng. Quán cháo gà chắc đã đóng cửa. Tôi đành trở về nhà trọ với cái bụng trống rỗng và cái đầu đầy những câu hỏi vu vơ của cô bé.
******************************************
Khi Ðăng đến lấy bản thảo màn cuối của vở kịch về tập dượt, để thưởng công lao chăm chỉ làm việc của tôi, anh mời tôi đi ăn sáng ở nhà hàng Palace.
Chúng tôi ngồi ở một bộ bàn ghế đan bằng mây, sơn trắng, đặt ngoài hiên rộng. Ðăng uống cafe đen, tôi uống cafe sữa và chúng tôi cùng ăn bánh paté chaud.
Ðẩy tách cafe đã cạn một nửa sang bên, Ðăng móc túi lấy sổ tay có kẹp một cây bút chì nhỏ đặt trên bàn. Anh cúi xuống vẽ hí hoáy một hồi rồi giảng giải cho tôi biết ý định dàn cảnh trên sân khấu cho màn đầu của vở kịch.
Một tấm màn xám nhạt căng ở phía cuối sân khấu, tượng trưng cho bầu trời ban đêm. Một tấm bìa sơn đen cắt hình những mái nhà, tượng trưng cho thế giới ở xa. Một hàng rào màu trắng, phía sau có những bóng đèn màu tím chiếu hắt lên để tạo khoảng cách giữa thành phố và công viên. Ở phía trái sân khấu có một gốc cây vươn thẳng lên cao, tàn cây sẽ căng bằng những chiếc dù có mắc những bóng đèn xanh. Ở phía phải sân khấu đặt một ghế đá, đèn spotlight màu vàng sẫm sẽ chiếu thẳng xuống ghế đá có đôi tình nhân đang ngồi. Phần nhạc đệm sẽ dùng bài Biển Nhớ của Trịnh Công Sơn, độc tấu bằng kèn saxo để có âm hưởng lê thê thích hợp với không khí màn đầu của vở kịch...
Nghe Ðăng nói, tôi luôn gật đầu tán thành. Tuy là người viết ra vở kịch, nhưng thú thực tôi cũng không biết phải làm thế nào cho vở kịch được sống động trên sâu khấu đúng như ý mình muốn. Khi xem một vở kịch, khán giả thường chú ý đến các diễn viên để nhận xét vở kịch thành công hay thất bại. Họ không biết một phần lớn của sự thành công hay thất bại đó chính là đạo diễn, người luôn luôn núp phía sau hậu trường.
Uống xong ngụm cafe, Ðăng nói:
- Dàn cảnh vậy có đúng ý tác giả?
Tôi cười:
- Còn hơn tác giả nữa vì tôi chưa nghĩ ra những điều đó trong khi viết.
Ðăng nói:
- Kịch mà. Nó đòi hỏi nhiều người cùng góp sức với nhau để xây dựng. Không như viết văn, chỉ một người lầm lũi làm việc.
Tôi nói:
- Chính vì vậy tôi thích viết kịch hơn viết văn làm thơ. Sau khi một mình cặm cụi làm việc trong phòng, tôi thích được ra ngoài cùng các bạn làm việc. Không khí bằng hữu giúp người ta dễ thở hơn.
Nhìn đồng hồ đeo tay, Ðăng nói:
- Tôi có hẹn lúc 8 giờ nên đi trước. Buổi chiều cậu nhớ đến hội trường lúc 4 giờ xem anh em tập dượt. Bây giờ cậu cần đi đâu, tôi chở cho một đoạn.
- Cám ơn. Tôi sẽ ngồi đây đến gần trưa rồi đi ăn cơm ở một quán cơm bình dân gần đây.
- Cậu làm gì trong suốt thời gian chờ đợi?
- Tôi nhìn bãi cỏ trước mặt.
Ðăng nhún vai:
- Cậu khó mà trở thành đạo diễn với tâm hồn thi sĩ.
Tôi cười:
- Cậu cũng khó mà trở thành người viết kịch nếu thiếu tâm hồn thi sĩ.
Ðăng cười, đứng dậy bắt tay tôi:
- Có lẽ tại kẻ thừa người thiếu nên chúng ta phải cộng tác với nhau.
Ðăng đi vào quầy tính tiền rồi anh đi ra bãi đậu xe lấy chiếc vespa. Nhà hàng xây trên đồi cao nên một lúc sau tôi thấy Ðăng phóng xe chạy trên con đường phía dưới thấp. Tóc anh để dài, gió thổi bay bồng bềnh về phía sau như một cụm mây. Trông dáng anh rất nghệ sĩ nhưng anh luôn luôn làm việc với một tinh thần khoa học. Ðó chính là lý do giúp anh thành công trong những công việc.
Còn một mình, tôi nâng tách cafe lên uống chậm rãi và ngắm nhìn bãi cỏ xanh trước mặt. Ở Ðà Lạt màu xanh có quá nhiều khiến tâm hồn con người thoải mái. Khác hẳn khu phố tôi ở Saigon, nơi màu xanh quá hiếm hoi nên đầu óc tôi thường căng thẳng.
Nắng buổi sáng vàng óng phủ lên bãi cỏ như một lớp mật. Những ngọn cỏ xanh mướt như những chiếc lưỡi nhỏ bé xinh xắn đang khoan khoái nếm hương vị mật ngọt dịu kia.
Tôi ngồi im say mê nhìn bãi cỏ gần nửa giờ. Rồi đầu óc quen hoạt động của tôi bắt đầu nhàm chán khung cảnh tĩnh lặng trước mặt. Tôi không biết phải làm gì để khỏa lấp khoảng thời gian chờ đợi đến giờ cơm trưa. Tôi không có thói quen ngồi viết ở nhà hàng như một vài nhà văn và phóng viên. Có lần đang ngồi viết trong phòng riêng, chợt ngẩng mặt lên nhìn thấy bóng mình trong gương, tôi đã phải đứng dậy đem chiếc gương soi để xa bàn viết vì không chịu được khuôn mặt của tôi trong gương. Khuôn mặt đó khi suy nghĩ trông "thộn" ra và ngu đần kinh khủng.
Tôi không có can đảm khoe "khuôn mặt đang suy nghĩ" ở chốn này.
Tôi móc túi lấy một món đồ chơi trẻ con mà tôi vẫn thường đem theo để đùa vui khi ngồi một mình rảnh rỗi.
Ðồ chơi là một chiếc hộp dẹp lớn bằng bao thuốc, mặt trên bằng nhựa trong suốt, đáy là lớp nhựa dày màu đen có đường rãnh chạy quanh co và nhiều ngõ ngách. Một hòn bi nhỏ mạ kền sáng loáng nằm sẵn trong lòng rãnh. Muốn chơi trò này chỉ cần lắc chiếc hộp cho hòn bi lăn đến đích nằm ở trung tâm chiếc hộp. Trò chơi rất giản dị nhưng không phải dễ thành công. Có lần tôi đã ngồi chơi suốt buổi sáng mà vẫn không đạt được kết quả. Ðường rãnh trơn trượt, nếu không khéo tay chỉ cần động nhẹ chiếc hộp, hòn bi sẽ lăn vào các ngõ ngách dẫn đi xa dần đích đến.
Ðồ chơi này tôi đã mua ở hè đường Lê Lợi Saigon. Chính người bán hàng cũng không biết gọi nó tên gì và tôi đã đặt cho nó cái tên "trò chơi giết thời giờ". Cái tên nghe hung bạo nhưng trò chơi rất hiền lành.
Tôi châm một điếu thuốc và bắt đầu trò chơi. Một tay nâng chiếc hộp lên, tôi giữ nó nằm ngang rồi khẽ nghiêng cho hòn bi chạy về điểm khởi hành. Tôi rung nhẹ bàn tay và hòn bi lăn đi, lăn đi...
- Lan Hương, con làm gì vậy?
- Con đi tìm nó.
Tôi giật mình bỏ hộp đồ chơi xuống bàn. Giọng trả lời vừa rồi chính là giọng của cô bé tôi đã gặp đêm qua. Tôi nhìn ra sân cỏ và nhận ra ngay cô bé nhờ chiếc khăn quàng cổ màu xanh lá cây có những đường kẻ ô vuông màu đỏ. Sáng nay em mặc áo len màu vàng nghệ và chiếc váy dài màu trắng, trông em rạng rỡ hơn đêm qua mặc y phục màu xanh đen. Người đàn bà nói chuyện với em đang đứng chống tay ở lan can ngoài hành lang. Bà ăn mặc rất sang trọng và kiểu cách.
- Ði vào con. Nó không có ở đó đâu.
Cô bé vừa bới tìm ở những bụi cỏ vừa trả lời:
- Con mới thấy nó nằm ở đâu đây mà.
- Má nói con đi vào, nghe chưa.
Giọng người đàn bà nghe có vẻ gay gắt. Cô bé ngước nhìn mẹ rồi đứng dậy. Người đàn bà rời lan can đi vào nhà hàng trước và cô bé cúi đầu lững thững đi từ sân cỏ vào hành lang một cách miễn cưỡng. Khi cô bé đi ngang qua bàn tôi đang ngồi, không ngăn được niềm vui khi gặp lại em, tôi nói:
- Này cô bé, em đã tìm thấy cái đó chưa?
Cô bé dừng lại, ngơ ngác nhìn tôi, có lẽ em không nhận ra tôi là người đã nói chuyện với em trong đêm qua:
- Ông nói tìm cái gì vậy?
- Cái mà em muốn tìm đó.
Cô bé tròn xoe đôi mắt, hỏi:
- Ông đã tìm thấy nó rồi à?
- Chưa. Nhưng chắc chắn tôi sẽ giúp em tìm thấy nó.
- Ông biết nó nằm ở đâu không?
- Ngoài bờ hồ.
- Ngoài bờ hồ? Ðêm qua em đã tìm ở đó rồi mà.
- Nhưng em chưa tìm kỹ. Có thể nó nằm lẫn trong những bụi cỏ.
Giọng người đàn bà lại réo gọi:
- Lan Hương.
Cô bé quay nhìn về phía nhà hàng, người mẹ đang đứng ở cửa giơ tay vẫy. Em quay lại nói với tôi:
- Xin lỗi, em phải vào với má. Tối nay em sẽ đến tìm lại ở bờ hồ. Ông có đến tìm giúp em?
- Tôi sẽ đến.
- Cám ơn ông.
Cô bé cúi đầu chào tôi rồi bước đi. Ðôi mắt em mở lớn như nhìn vào cõi xa xăm nào đó, nên bước chân của em thỉnh thoảng va chạm vào bàn ghế đặt ở hành lang. Tôi không tin cô bé đã mất trí nhớ. Tôi nghĩ tại em quá chú tâm đến cái mà em muốn tìm kiếm, nên em đã quên đi những sự việc xảy ra chung quanh. Ðã nhiều lần tôi cũng ở tình trạng như vậy. Khi đầu óc mải suy nghĩ một nhân vật trong vở kịch, tôi đã sống luôn trong bầu không khí của nhân vật và quên đi thực tế bên ngoài.
Ngày xưa, triết gia Socrate người Hy Lạp đi dạo trong vườn vì mải suy nghĩ ông đã xẩy chân rơi xuống giếng và phải nhờ người hầu gái kéo lên. Câu chuyện nghe có vẻ buồn cười. Nhưng nếu Socrate không có sự chú tâm suy nghĩ, ông đã không viết được những tác phẩm giá trị còn lưu truyền cho đến ngày nay.
Cô bé kia chắc cũng vậy. Em cần phải chú tâm suy nghĩ mới nhớ đã đánh rơi cái đó ở đâu.
Chưa đến 11 giờ, tôi cũng kéo ghế đứng dậy rời khỏi nhà hàng. Kinh nghiệm ở quán cơm bình dân cho biết, tôi cần phải đến sớm để có chỗ ngồi tốt và được những món ăn nóng hổi.
*********************************
Mùa hè Ðà Lạt, những cơn mưa đầu mùa cũng thường đổ xuống bất chợt, không một dấu hiệu báo trước như ở Saigon. Nhớ lời hẹn với Ðăng, 4 giờ chiều đến hội trường đại học xem các bạn tập kịch, nhưng nhìn cơn mưa ào ạt bên ngoài tôi đâm ngại không muốn rời khỏi phòng.
Phải đi bộ trong mưa một đoạn đường dài rồi phải chen lấn dành một chỗ ngồi ướt át trên xe lam để đến hội trường, đối với tôi lúc này là một cực hình. Tôi bật đèn trong phòng rồi nằm dài trên giường, đọc tiếp một cuốn truyện trinh thám nước ngoài tôi mới thuê hồi trưa. Những lúc rảnh rỗi tôi thích đọc truyện trinh thám hơn truyện tình cảm. Bởi khi không chú tâm suy nghĩ chuyện gì, đầu óc tôi thường nhảy lung tung như con khỉ và chỉ có loại truyện trinh thám mới giam giữ được nó.
Buổi tối trời vẫn còn mưa. Tôi xuống ăn cơm với gia đình bác quản gia ở căn nhà nhỏ phía sau biệt thự. Căn nhà chỉ có hai vợ chồng và một chú chó berger to lớn. Người con trai duy nhất của hai bác đã có gia đình ở Tùng Nghĩa, thỉnh thoảng anh dẫn một đứa con về chơi với ông bà nội vài hôm rồi lại đem đi.
Bữa ăn tôi không báo trước cho hai bác nên rất đạm bạc. Trên mâm cơm chỉ có một tô canh trái su, một đĩa thịt kho và một đĩa rau xà lách. Bác gái đi lấy thêm một củ dền đỏ, thái thành những lát mỏng để lên đĩa rau. Bác biết tôi rất thích ăn loại củ đó. Bác nói:
- Tôi cứ tưởng cậu đi ăn cơm quán nên không nấu nướng gì nhiều.
Tôi cười đáp:
- Trời mưa nên cháu lười xuống phố. Ðược ăn cơm nóng như thế này là tốt rồi.
Bác trai nói với vợ:
- Bà nướng ít miếng khô nai cho tôi nhậu lai rai với cậu đây.
Trong khi chờ đợi món nhậu, tôi và bác trai ăn cơm trước. Ðược ăn những chén cơm nóng hổi trong một buổi tối lạnh lẽo, dù thức ăn không nhiều tôi vẫn cảm thấy ngon miệng. Một lúc sau bác gái bưng từ dưới bếp lên một đĩa thịt nai nướng thơm phức. Bác trai rót đưa tôi một ly rượu trắng lờ lờ như nước dừa. Tôi hỏi:
- Rượu đậu nành hả bác?
Ông lắc đầu cười:
- Rượu đế Nùng đó. Con tôi mua của người Nùng ở Tùng Nghĩa đem lên cho. Cậu uống thử xem, ngon hơn rượu đậu nành nhiều.
Tôi ở đây đã gần một tháng, tối nay là lần đầu tiên tôi nhậu với bác trai. Những ly rượu đã giúp chúng tôi tâm sự với nhau dễ dàng hơn. Bác cho biết đã ở với ông chủ biệt thự này gần 30 năm. Trước kia bác làm tài xế cho ông chủ đến khi ông ta lập gia đình, bác trở thành quản gia.
Về cái chết của ông chủ, chính bác cũng không hiểu lý do. Người ta đồn ông đã thất bại trong một áp phe lớn, bị vỡ nợ nên tự tử. Bác không tin chuyện đó vì gia đình ông chủ vẫn giàu có sau khi ông ta chết.
Tôi hỏi bác có nghi ngờ gì cái chết của ông chủ không. Bác nói mặc dù là người rất thân cận với ông chủ nhưng bác cũng không hiểu tại sao ông ta lại tự tử. Bác vẫn thường đi săn bắn chung với ông chủ. Bác thấy đôi khi ông ta bắn thú dữ rất hung bạo. Con vật đã bị thương nằm giãy chết, ông ta còn bắn liên tục vào thân nó. Nhưng cũng có lúc tay ông run rẩy khi nhắm bắn một con thú và rồi ông đã để nó chạy mất. Ông ta đã sống quá nhiều với đầu óc và một người sống nhiều với đầu óc thì bác chịu thua không hiểu nổi.
Tôi là người không hay uống rượu nên đến ly thứ ba, mặt tôi đã nóng bừng. Tôi hỏi:
- Bác đã thấy hồn ma ông chủ hiện về bao giờ chưa?
Bác dằn ly rượu xuống mặt bàn rồi trợn mắt nhìn tôi:
- Cậu cũng tin chuyện bá láp đó sao. Chính tôi đã ngủ trong phòng ông chủ tự tử mấy lần nhưng nào có thấy ma quỉ gì đâu.
Tôi cười nói:
- Cháu hỏi cho biết vậy mà. Nếu thật có ma quỉ cháu cũng không sợ. Ðược quen với hồn ma ông chủ biết đâu sẽ có nhiều điều thú vị.
Bác gái ngồi im lặng ăn cơm, bây giờ mới góp tiếng:
- Có rượu vào cậu dễ nói cứng. Tôi sợ khi gặp hồn ma ông chủ, cậu sẽ chạy vắt giò lên cổ.
Tôi cười nói:
- Vậy chắc bác đã thấy hồn ma ông chủ?
- Có. Một lần vào lúc nửa đêm, tôi thức dậy nhìn ra vườn và thấy ông chủ đang đi giữa các luống hoa. Ðầu ông ta đầy máu trông thật tội nghiệp. Tôi đã đánh thức nhà tôi dậy để chỉ cho ông ấy thấy, nhưng khi chúng tôi đến cửa sổ để nhìn ra vườn thì ông chủ đã biến mất.
Bác trai quay sang hỏi vợ:
- Bà có chắc đó là ông chủ không?
- Tôi còn lạ gì hình dáng ông chủ. Ðêm đó ông ta mặc bộ quần áo ngủ sọc xanh lá cây giống như hôm ông tự tử.
Bác trai lắc đầu.
- Vào lúc nửa đêm trông gà hóa cuốc là chuyện thường, nhất là đối với đôi mắt kém cỏi như bà.
- Xì! Ông không tin thì thôi.
Bác gái thu dọn chén đũa rồi bưng mâm cơm xuống bếp. Bác trai nói với tôi:
- Ðàn bà mà. Họ luôn luôn quả quuyết đã nhìn thấy rõ ràng cái mà đàn ông chúng ta chẳng bao giờ nhìn thấy!
Uống cạn ly rượu, tôi nhìn đồng hồ đã hơn 8 giờ. Nhớ có hẹn với cô bé, tôi xin phép bác trai đứng dậy. Vừa mở cánh cửa lớn, gió thổi thốc những hạt mưa lâm râm vào mặt mát lạnh, tôi quay vào hỏi mượn bác trai chiếc áo mưa và chiếc dù đen. Bác hỏi:
- Giờ này, cậu còn đi đâu?
Tôi nói dối:
- Cháu có hẹn với người bạn lúc 9 giờ ở dưới phố.
Khi tôi mặc xong áo mưa và che dù bước ra khỏi nhà, bác còn nói với theo:
- Cậu nên đi về sớm. Trời mưa đi đường khuya rất nguy hiểm.
Mưa không còn nặng hạt như lúc chiều nhưng gió thổi tạt những hạt mưa nhỏ vào người, nên chỉ một lúc sau hai gấu quần của tôi đã thấm ướt. Ðường phố vắng tanh và tối đen. Những biệt thự hai bên đường đều đóng kín cửa, không có một chút ánh đèn nào hắt ra. Ði bộ suốt một đoạn đường dài, tôi không gặp một người bộ hành nào hay một chiếc xe nào chạy ngang. Ðêm ở Ðà Lạt thật buồn thảm như những cây hoa quì ủ rũ bên đường.
Hồ Xuân Hương ở gần trung tâm thành phố cũng ít có bóng người qua lại trên bờ. Nhà hàng Thủy Tạ đèn còn bật sáng nhưng tôi không thấy có chiếc xe hơi nào đậu bên ngoài, có lẽ bên trong khách khứa chẳng là bao. Những ly rượu tôi uống với bác quản gia đã tan nhanh vào gió lạnh. Tôi muốn bước vào nhà hàng uống một ly cafe Rhum cho ấm người. Nhưng sợ không nhìn thấy cô bé khi em đến, nên tôi đi bộ đến đợi em ở cầu gỗ có buộc những chiếc pédalo.
Ðứng dưới hiên một quán kem đã đóng cửa, tôi quay người áp sát vào vách gỗ để che gió châm thuốc hút. Mưa bụi vẫn rơi đều và bay lả tả trên mặt hồ đen thẫm. Hơi thuốc đã giúp tôi chịu lạnh dễ dàng hơn dù hai bàn tay còn hơi run.
Nửa giờ trôi qua vẫn không thấy cô bé đến. Tôi nghĩ có thể em đã bị người mẹ giữ lại ở nhà. Một đêm mưa như thế này, chẳng có người mẹ nào muốn con cái đi ra ngoài đường. Nhớ lời bác quản gia dặn đừng nên về khuya nguy hiểm, tôi đã muốn quay về nhà trọ. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn tin là cô bé sẽ đến, mặc dù một người như em rất dễ quên những lời nói. Chờ đợi cô bé này cũng là một "trò chơi giết thời giờ" giống trò chơi hộp bi. Tôi nghĩ vậy và dựa lưng vào vách quán kem, tiếp tục trò chơi.
Một chiếc xe hơi từ xa chạy vụt đến rồi từ từ đậu sát lề. Tiếng máy xe tắt và cửa xe mở bung ra. Tôi nghe có tiếng nói:
- Thôi vú ngồi trong xe đợi con, ra ngoài lạnh lắm.
- Ừ, nhưng con tìm mau lên. Má con không cho con đi lâu.
Một người bước ra khỏi xe. Ðấy chính là cô bé tôi đang đợi. Em mặc chiếc áo mưa màu đỏ có mũ trùm kín đầu như loại áo của những người trượt tuyết. Em đóng cửa xe lại rồi đưa mắt nhìn quanh. Tôi bước ra khỏi hiên quán kem và gọi:
- Lan Hương.
Cô bé đi đến gần tôi, em hỏi:
- Ông là ai mà biết tên em?
Tôi giơ cao chiếc dù lên để em nhìn rõ khuôn mặt.
- Sáng nay em đã hẹn gặp tôi ở đây và tôi đã phải đợi em gần một tiếng đồng hồ. Vậy mà em còn hỏi tôi là ai nữa sao?
Cô bé gật gật đầu:
- Em nhận ra ông rồi. Trông ông khác lạ hơn buổi sáng.
- Chắc là tại tôi mặc chiếc áo mưa cánh dơi rộng thùng thình này.
Cô bé lắc đầu:
- Không phải đâu. Tại buổi sáng khác, buổi tối khác và người ta cũng vậy. Ông đã tìm giúp em chưa?
- Tôi đang đợi em đến để cùng tìm.
- Ông lười quá. Công việc đó em có thể làm một mình được mà.
Tôi biện hộ:
- Tìm một mình, tôi sợ lòng tham nổi lên và sẽ lấy mất của em.
Cô bé nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Em không tin ông lấy mất của em.
- Tôi có thể lấy lắm chứ. Tính tôi rất tham lam.
- Nếu tham lam ông đã chịu khó tìm trước một mình rồi.
Tôi bật cười vì cô bé liến láu:
- Thôi nhỏ, chúng ta cùng đi tìm.
Tôi kiếm một thứ mà mình chẳng biết rõ nó là cái quái gì, tôi nghĩ đó cũng là một "trò chơi giết thời giờ". Tôi sốt sắng đi bới tìm những bụi cỏ với cô bé. Những bụi cỏ đọng đầy nước mưa khiến tay tôi lạnh run. không muốn tiếp tục hành hạ thân xác mình trong đêm mưa, tôi "dụ khị" cô bé đến một nơi ấm áp.
- Này nhỏ, có thể em đánh rơi nó trong nhà hàng Thủy Tạ. Vậy chúng ta đến đó tìm kiếm.
Cô bé lắc đầu:
- Chắc chắn em không đánh rơi nó ở những nơi đông người.
- Vậy chúng ta đên hiên quán kem kia tìm, nơi đó rất vắng vẻ.
- Cái đó màu xanh lá cây nên em nghĩ nó chỉ nằm ở những nơi có màu xanh lá cây.
Nghe cô bé lý luận, tôi muốn điên cái đầu. Tôi chỉ đại lên một ngọn cây thông và nói:
- Trên cao kia cũng có màu xanh lá cây, vậy em leo lên đó mà tìm.
- Nó không rơi ở trên cao kia đâu, nói chỉ rơi trên mặt đất. Ông tìm giúp em đi, cứ đứng nói hoài làm sao tìm thấy được.
Thấy cô bé nhăn mặt, sợ em giận, tôi vội cúi xuống tiếp tục tìm kiếm ở những bụi cỏ. Tôi tự an ủi Chúa đã dạy: "Hãy tìm sẽ thấy". Nếu tôi cứ tiếp tục kiên trì tìm kiếm ở những bụi cỏ rồi tôi sẽ tìm thấy... những đồng bạc người ta đánh rơi.
Sau một hồi tìm kiếm khó nhọc, mặt cô bé đã lộ rõ thất vọng. Muốn cho em quên đi vật đã ám ảnh em, tôi nói:
- Này nhỏ, thôi đừng mất công tìm kiếm nữa. Gió đã thổi nó bay xuống hồ chìm mất tiêu rồi.
Cô bé vụt đứng dậy và chạy ngay đến sát bờ hồ, tôi vội chạy đuổi theo níu giữ em lại:
- Này nhỏ, em làm gì vậy?
Ðôi mắt cô bé mở to nhìn chăm chăm mặt hồ rộng, có những cụm sương trắng đục bay là là bên trên. Rồi em òa khóc. Biết mình đã nói lỡ lời, tôi ôm chặt vai em và bào chữa:
- Ðừng khóc nhỏ. Tôi chỉ đoán mò vậy thôi. Nó không bị gió thổi bay xuống hồ đâu. Có thể em đã đánh rơi nó ở một chỗ khác.
Cô bé vẫn nhìn chăm chăm mặt hồ. Mưa bay lướt thướt như những sợi tơ:
- Em cũng mong như lời ông nói. Nếu không...
- Lan Hương, về đi con.
Chúng tôi cùng quay lại và thấy bà vú đứng che dù ở ngoài xe đang giơ tay vẫy gọi. Cô bé nói:
- Thôi em về. Ngày mai em sẽ đi tìm ở một chỗ khác. Ông hứa tiếp tục tìm giúp em nghe.
Tôi vỗ nhẹ lên vai cô bé:
- Ðược rồi. Tôi hứa sẽ tiếp tục tìm giúp em.
Tôi đứng yên tại chỗ nhìn cô bé đi về phía bà vú. Khi bà nắm tay em dẫn lên xe, em còn quay lại nhìn tôi. Cửa xe đóng lại, động cơ nổ nhẹ, chiếc xe phóng vụt đi và tôi vẫn đứng yên. Tôi nhớ đến đôi mắt cô bé. đôi mắt kia không hiểu có ma lực gì mà nó đã mê hoặc tôi, bắt buộc tôi phải tiếp tục tham dự trò chơi tìm kiếm một cái gì đó đã mất một cách vô vọng và buồn cười.
"Ngày mai em sẽ đi tìm ở một chỗ khác".
Bây giờ tôi mới nhớ mình đã quên hỏi cô bé "chỗ khác" là chỗ nào? Chẳng biết em ở đâu, liệu tôi có còn dịp gặp lại em để cùng nhau đi tìm kiếm ở một chỗ khác?
Trong khi cô bé cắm cúi đi tìm một cái gì đã mất thì tôi lại lặn lội đi tìm người đã đánh mất một cái gì. Thế có khùng không?
********************************************
Tôi khuấy đều hộp sơn màu trắng rồi nhúng cọ, quẹt thử một vệt lên hàng rào gỗ. Màu sơn còn quá nhạt, tôi đổ thêm một chút sơn đen vào hộp sơn rồi lại khuấy đều. Hàng rào làm bằng gỗ thông sơn trắng sẽ được dựng trên sân khấu ở màn đầu của vở kịch.
Tôi làm việc một mình ở cuối hậu trường, được ngăn cách với sân khấu bởi một tấm màn màu xám. Tôi nghe có tiếng những người đang tập kịch và thỉnh thoảng có tiếng Ðăng xen vào chỉ dẫn. Ðáng lẽ tôi ngồi ở hàng ghế khán giả để xem các bạn tập dượt. Nhưng tôi tránh xung đột ý kiến với Ðăng về những hành động của các nhân vật.
Một vở kịch khi trình diễn trên sân khấu, quyền hành không còn của tác giả mà của đạo diễn. Tôi biết vậy nhưng tránh sao khỏi đưa ra những ý kiến bênh vực cho nhân vật của mình đã sáng tạo ra, đang bị đạo diễn "sáng tạo" lại.
Ở hậu trường có một cánh cửa mở ra ngoài. Nắng buổi chiều hắt vào in một hình chữ nhật màu vàng đậm trên nền xi măng. Hình chữ nhật đó càng lúc càng thu nhỏ lại rồi biến mất lúc nào tôi không hay biết. Ðang sơn dở dang hàng rào gỗ, tôi nghe có tiếng Ðăng nói:
- Tạm ngưng đi. Tôi muốn giới thiệu cậu với các diễn viên.
Tôi quay lại hỏi Ðăng:
- Họ tập xong rồi à?
- Màn một tạm xong. Họ đang chuẩn bị về.
Tôi đứng dậy lấy khăn thấm dầu hôi lau sạch những vết sơn dính trên tay. Tôi hỏi:
- Trông được không?
Ðăng nhìn hàng rào gỗ còn ướt sơn, cười nói:
- Chính tay "tác giả" sơn, vậy khỏi sợ sai với kịch bản.
Tôi châm một điếu thuốc rồi theo Ðăng bước lên tam cấp ra sân khấu. Có năm người đang đứng uống nước giải khát quanh một cái bàn nhỏ. Tôi nhận ra một người quen là Trung, người trông coi ánh sáng. Tôi đã có dịp nói chuyện với anh vài lần, còn bốn người kia hoàn toàn xa lạ đây là buổi tập dượt sơ khởi, các diễn viên chưa hóa trang nên tôi không hiểu người nào đóng vai nào trong vở kịch của tôi.
Ðăng giới thiệu tôi là tác giả vở kịch rồi lần lượt giới thiệu những người kia. Người thanh niên cao có đôi mắt sắc, tên Huân. Người thanh niên nhỏ con có bộ râu rậm, tên Tường. Cô gái tóc dài có khuôn mặt hơi gầy, tên Liên và khi Ðăng chỉ tay giới thiệu cô gái cắt tóc ngắn, mặc áo dài vàng thì nàng xua tay:
- Anh Ðăng khỏi giới thiệu. Em biết ông ấy từ lâu rồi.
Ðăng ngạc nhiên hỏi lại:
- Biết từ lâu rồi?
Cô gái gật đầu, liếc nhìn tôi:
- Phải. Cách đây năm năm rồi. Ðúng không ông Trịnh?
Tôi nhìn sững cô gái rồi nói:
- Xin lỗi, tôi...
- Tôi là Hạnh, em anh Tuấn.
Tôi bật tiếng kêu:
- A! Tôi nhớ ra rồi. Hạnh thay đổi nhiều quá, tôi nhận không ra.
Cô gái cười nhếch môi:
- Không phải tại Hạnh thay đổi mà tại trí nhớ anh thay đổi. Nó không còn "tốt" như xưa.
Cả bọn bật cười. Ðăng nói:
- Thôi chúng ta về. Chiều mai tập tiếp. Các bạn nhớ đến đúng 2 giờ.
Anh quay sang hỏi tôi:
- Cậu cùng về với tôi chứ?
- Cậu định bắt tôi đi bộ à?
- Tôi sợ cậu tình nguyện đi bộ.
- Còn lâu.
Chúng tôi đi ra khỏi hậu trường. Bên ngoài lá thông kêu vo vo và nắng còn vàng ửng trên đỉnh một ngọn đồi phía xa. Tôi và Ðăng đi xe Vespa. Bốn người kia đi hai xe Honda, còn Hạnh đi bộ. Khi Ðăng nổ máy xe, tôi vỗ vai anh nói:
- Thôi để tôi đi bộ.
Ðăng mỉm cười, lắc đầu rồi rồ ga cho xe phóng đi. Tôi bước thật nhanh đuổi theo Hạnh đang đi trên lề đường lởm chởm đá sỏi. Có một bụi hoa marguerite trắng mọc lẻ loi ngoài hàng rào một ngôi nhà bên đường. Tôi dừng lại, hái một bông rồi đem đến tặng Hạnh:
- Xin lỗi, lúc nãy tôi thật tình không nhớ.
Hạnh vừa bước đi vừa xoay xoay đóa hoa màu trắng trong tay.
- Anh biết hoa marguerite có ý nghĩa gì không?
- Tôi vốn dốt về các loại hoa.
- Vậy tại sao anh tặng Hạnh bông hoa này?
- Tôi nghĩ nó sẽ đẹp hơn khi được Hạnh cầm trong tay.
Hạnh cười nhếch môi, chắc đấy là thói quen của nàng chứ nàng không có ý giễu cợt:
- Anh "nịnh đầm" giỏi lắm. Chẳng bù khi xưa miệng câm như hến.
- Ðấy cũng là nhờ Hạnh đã gợi ý cho tôi nói.
Chúng tôi đi bộ một đoạn đường dài. Buổi chiều xuống thấp dần. Trước khi leo lên một con dốc, tôi mời Hạnh vào ngồi nghỉ chân ở một quán kem. Tôi muốn có một chỗ ngồi để trò chuyên thoải mái, đồng thời tôi vừa nghe loáng thoáng từ trong quán vẳng ra bản nhạc Joe le taxi của cô bé Vanesse Paradis.
Ở Saigon lên đây gần hai tháng, tôi ít có dịp được nghe nhạc trẻ. Nhưng qua báo chí tôi được biết Vanessa Paradis lại vừa đoạt giải Cesar dành cho nữ diễn viên nhiều triển vọng. Em đã thành công rực rỡ ở tuổi 17, tôi muốn nghe lại bài hát đầu tiên của em ở tuổi 15. Tôi đã hơn em 10 tuổi, vậy mà tôi vẫn chưa làm được cái "bước đầu ngoạn mục" như em.
Người phục vụ bưng ra một ly kem dâu, một ly cafe đá, một đĩa bánh ngọt đặt lên trên mặt bàn mica trắng. Hạnh cầm muỗng khuấy ly cafe đá trong khi tôi vẫn mãi lắng nghe bài ca.
- Anh đang nhớ lại một kỷ niệm?
Tôi giật mình, trả lời:
- Hạnh có nhớ lần Tuấn chiêu đãi chúng ta đi ăn kem Bạch Ðằng ở Saigon? Hôm ấy chúng ta cũng đã ăn kem dâu.
Hạnh gõ gõ chiếc muỗng vào miệng ly kem của tôi:
- Anh hãy quên đi những ly kem kỷ niệm. Chúng đã tan hết rồi. Anh xem ly kem của anh chiều nay cũng sắp tan.
Tôi ngượng ngùng cầm muỗng xúc kem ăn rồi hỏi:
- Tuấn bây giờ ra sao?
- Anh Tuấn đã lập gia đình và có một cháu trai vừa đầy năm. Hiện anh đang sống ở Nha Trang.
- Ồ! Vậy mà Tuấn không báo tin mừng cho tôi biết.
- Biết anh ở đâu mà báo tin? Nhiều người còn đồn anh đã vượt biên.
Tôi bật cười làm miếng kem lạnh buốt trơn tuột vào cổ họng:
- Ước gì người ta đồn tôi đã có vợ rồi cho khỏe. Thật ra vì sinh kế tôi phải đi nhiều nơi để kiếm ăn. Còn Hạnh sao lưu lạc lên đây?
- Gia đình em đã chuyển về Nha Trang. Em lên đây để học đại học đã hai năm và ở trọ nhà bà dì.
- Khi còn ở Saigon, tôi và Tuấn thường đi xem kịch. Chưa bao giờ tôi thấy Hạnh cùng đi, vậy Hạnh đã "mê" kịch từ lúc nào?
Hạnh uống một ngụm cafe đá rồi lắc lắc mái tóc ngắn:
- Từ khi em lên đây. Thành phố này lạnh quá. Em muốn "đóng kịch" cho ấm người. Ðóng kịch ở ngoài đời riết thành quen, khi anh Ðăng mời lên sân khấu đóng kịch, em thấy cũng dễ dàng thôi. Không cần phải có mối "đam mê lớn" người ta mới đóng kịch được.
Tôi nhíu mày nhìn Hạnh. Ðôi mắt nàng mở to nhìn những đám mây trắng mỏng bay là là trên những chòm cây thông bên ngoài cửa sổ. Chắc Hạnh đã gặp chuyện gì buồn phiền khiến nàng phải nói ra những lời chua chát. Năm năm trước, tôi nhớ khi đến nhà Tuấn chơi, Hạnh thường đùa nghịch giấu đôi giày của tôi để ở trước cửa rồi bắt tôi chuộc lại bằng những bịch kẹo hay những ly chè. Tuấn phải la rầy em trong khi em cứ ôm bụng cười nắc nẻ. Vậy mà bây giờ...
Tôi muốn hỏi Hạnh cho rõ chuyện nhưng nghĩ chưa phải lúc. Ðâu phải khi nào người ta cũng dễ dàng giải bày tâm sự. Tôi lấy một chiếc bánh ngọt có phủ lớp kem dầy mời Hạnh. Nàng lắc đầu:
- Cám ơn. Em không thích ăn ngọt.
- Tôi nhớ hồi xưa Hạnh rất thích ăn kẹo và chè mà.
- Ðầu óc anh thật lạ. Chỉ nhớ những đồ ăn xưa còn người xưa thì lại quên.
Tôi cười:
- Cái gì vào bụng tôi, tôi khó quên.
- Còn vào tim anh?
- Thì tôi chết. May mắn thay chưa có cái gì "găm" vào tim tôi.
- Anh nói thật hay đóng kịch đấy?
- Hạnh hãy tin tôi đi. Tôi viết kịch để được đóng kịch trên sân khấu, khỏi phải đóng kịch ngoài đời.
- Em ráng tin anh là một người sống vô tư. Có lẽ nhờ vậy mà năm năm qua, anh chẳng già thêm.
- Còn tôi tin chắc chắn em đã trưởng thành hơn xưa.
Hạnh cười, nâng cao ly cafe đá:
- Già hơn xưa thì đúng hơn. Lên đây anh ở đâu?
Tôi nói địa chỉ cho Hạnh biết. Nàng bỏ ly cafe xuống bàn, trợn mắt hỏi:
- Anh dám ở ngôi nhà ma đó à?
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Em cũng biết ngôi nhà đó có ma?
- Khi em mới lên đây ở vài tháng thì vụ ông chủ nhà tự tử xảy ra. Thành phố này nhỏ, mọi người đều biết. Chính vì vậy mà ngôi nhà đó bán không được.
- Em đã vào trong ngôi nhà đó lần nào chưa?
- Em chỉ đi ngang qua chứ chưa có dịp vào bên trong.
- Vậy tại sao em biết nơi đó có ma?
- Người ta đồn như vậy.
- Lại tin đồn thất thiệt. Tôi ở đó cả tháng có thấy gì đâu. Không tin hôm nào em thử đến đó chơi.
- Ai mà dám đến đó chơi.
- Nơi tôi ở, em cũng không dám đến thăm?
- Anh đã ở thì lại là chuyện khác. Nhưng anh có thật lòng mong em đến thăm?
- Em nghi ngờ nhiều quá. Ðiều đó có thể giúp người ta khôn hơn nhưng cũng già đi.
- Ðược rồi. Sẽ có ngày "em đến thăm anh một chiều mưa".
Tôi cười, nói thêm:
- "Và quên đường về".
Hạnh lại cười nhếch môi.
- Ðời không giống như một bài hát mà giống như một vở kịch. Ðiều đó chắc anh rành hơn em.
- Ðúng. Trong những bài hát không có những món ăn. Còn bây giờ thì tôi đang đói bụng. Tôi mời em cùng đi ăn cơm tối.
Ðèn trong quán bật sáng. Hai chúng tôi đứng dậy bước ra ngoài. Bóng tối đã lẩn khuất ở dưới thung lũng thấp. Gió thổi mạnh ở phía sau lưng giúp chúng tôi bước đi nhanh hơn. Hạnh giữ lọn tóc khỏi bay vào mắt rồi quay sang tôi, hỏi:
- Ở ngôi nhà đó anh có gặp...
- Gặp ma à? Tôi đã nói không có mà.
- Không. Em muốn hỏi anh có gặp con nhỏ "mát".
Tôi dừng bước, hỏi:
- Con nhỏ "mát" là ai vậy?
- Con ông chủ đó.
- Em có biết cô bé ấy không?
- Em được người ta chỉ cho thấy một lần khi nó đi lang thang trên đồi cù. Phải công nhận con nhỏ trông rất đẹp. Chỉ tội nó "mát".
Tôi lầm bầm trong miệng vái trời đấy không phải là cô bé tôi đã gặp bên bờ hồ.
*****************************************
Tôi đã đi lang thang khắp phố Ðà Lạt trong mấy ngày liền cố ý tìm cô bé. Nhưng tôi vẫn không tìm ra địa chỉ "chỗ khác" là chỗ nào để có thể gặp được em. Tôi tự nhủ thôi hãy quên cô bé khùng đó đi. Coi như "trò chơi giết thì giờ" chấm dứt. Bây giờ tôi phải lo làm việc để bù cho khoảng thời gian đã lười biếng rong chơi.
Sáng nay tôi quyết định ở nhà, ngồi vào bàn và viết một vở kịch mới. Ðã có một đoàn cải lương ở Saigon đặt tôi viết một vở kịch rồi họ sẽ chuyển thể thành tuồng cải lương. Ðề tài họ yêu cầu là chuyện tình thời vua chúa. Có như vậy họ mới lôi kéo được người xem rời vidéo để đến với sân khấu.
Trên bàn là mấy cuốn sách lịch sử Việt Nam, tôi mới nhờ Ðăng mượn ở thư viện trường đại học. Tôi đọc lướt qua các triều đại. Ðến nhà Tiền - Lê, tôi nhớ đã có người viết một vở kịch về vua Lê Ðại Hành, một minh quân. Tôi muốn viết tiếp người con của ông ta là Lê Long Ðĩnh, một bạo chúa tàn ác và hoang dâm vô độ.
Ðang mải chú tâm suy nghĩ xây dựng các nhân vật cho vở kịch, tôi nghe có tiếng gõ cửa. Vì lười biếng, tôi nói:
- Xin đẩy cửa vào.
Bác quản gia đẩy cửa bước vào.
- Mời cậu qua phòng khách, bà chủ muốn gặp cậu.
Tôi ngạc nhiên đứng dậy. Tôi ở đây gần một tháng, chưa bao giờ tôi được gặp bà chủ. Tôi có nghe Ðăng nói bà hiện ở Saigon. Chẳng lẽ bà mới lên đây ngay hôm nay?
Tôi theo bác quản gia vào phòng khách. Phòng này hằng ngày thường đóng cửa và tôi cũng chưa bước chân vào. Phòng rộng, trang trí rất trang nhã. Một ngọn đèn chùm bằng đồng từ trần nhà buông xuống. Một chiếc đàn piano nắp đậy kín ở gần cửa sổ mở rộng. Trên tường treo mấy bức tranh sơn mài khổ lớn. Ở góc nhà có một cầu thang lên lầu. Phòng không có bụi bặm và mùi ẩm mốc. Chắc hàng ngày bác quản gia đều có quét dọn.
Tôi ngồi xuống bộ ghế salon bọc nỉ màu nâu. Trên bàn nhỏ có một bình hoa lớn cắm đầy hoa bất tử. Bác quản gia rót trà mời tôi và nói:
- Cậu ngồi đợi một chút. Bà chủ ở trên lầu sắp xuống.
Bác quản gia bước ra khỏi phòng. Tôi gõ tay xuống mặt kính bàn và ngắm nhìn bức tranh sơn mài trước mặt. Tranh vẽ một hồ sen nở đầy sen hồng, dưới một tán lá sen màu xanh ngọc có đôi vịt trắng đang đùa nghịch.
- Chào cậu.
Tôi quay lại nhìn người đàn bà đi xuống cầu thang. Bà mặc áo sơ mi vải sô màu mỡ gà và quần tây đen. Tôi nhớ loáng thoáng hình như đã gặp bà một lần ở đâu đó. Ðúng rồi! Tôi đã thấy bà đứng ở hành lang nhà hàng Palace khi réo gọi cô bé đang bới tìm ngoài sân cỏ.
Người đàn bà ngồi xuống ghế đối diện với tôi. Có lẽ nhờ nước da trắng nên khuôn mặt bà ít phấn son. Chỉ có một lớp son mỏng màu cánh sen trên đôi môi. Bà rót trà vào tách rồi bưng lên uống nhấp giọng.
- Cậu ở đây thấy dễ chịu chứ?
- Cám ơn bà. Nhờ bà cho ở trọ mà tôi đã viết xong vở kịch.
- Tôi có nghe Ðăng nói chuyện đó.
- Bà đã gặp Ðăng?
- Không. Ðăng đã phone cho tôi biết.
Sợ mình nhìn lầm bà chủ nhà này với người đàn bà ở nhà hàng Palace, tôi hỏi:
- Bà mới lên Ðà Lạt ngày hôm nay?
- Tôi lên đây hơn một tuần rồi.
- Ồ! Vậy sao bà không ở đây?
- Tôi ở nhà người em vui hơn. Chắc cậu cũng biết chuyện gia đình tôi?
Tôi gật đầu nói:
- Xin chia buồn cùng bà.
Người đàn bà chớp mắt, thở dài:
- Rồi mọi chuyện cũng qua đi. Hôm nay tôi về đây để chuẩn bị đón một người khách từ Saigon lên mua nhà. Tôi hỏi thật cậu, ở đây gần một th ang, cậu có gặp ma lần nào không?
Tôi cười đáp:
- Tôi rất mong được gặp ma mà lại không được gặp.
Người đàn bà mỉm cười:
- Vậy mà tin đồn đã làm tôi khó bán ngôi nhà này. Nếu khách đến mua có hỏi chuyện, cậu cũng nói như vậy nhé.
- Nếu có tiền tôi sẽ mua ngôi nhà này.
- Cậu nhất quyết muốn gặp ma à?
- Không. Tôi sẽ "kinh doanh ma". Mỗi tối tôi sẽ bán vé cho những ai muốn vào đây xem ma thật. Chắc bà cũng biết phim video ma quái người ta rất thích xem.
Người đàn bà bật cười, phô hàm răng trắng đều.
- Cậu có đầu óc kinh doanh khá đấy. Nếu không bán được nhà, tôi sẽ hợp tác kinh doanh "ma" với cậu. Cậu đã lên trên lầu chưa?
- Bà có người quản gia quá tốt. Bác ấy chỉ cho tôi ở phòng tạm trú hay xuống nhà bác chơi, chứ tuyệt đối không cho tôi vào các phòng khác.
Người đàn bà gật đầu tỏ vẻ hài lòng.
- Có như vậy tôi mới tin và giao cho bác ấy trông coi ngôi nhà. Bây giờ tôi mời cậu lên lầu coi căn phòng người ta đồn có ma.
Tôi theo người đàn bà bước lên lầu. Bà tra khóa vào ổ, mở cửa một căn phòng. Phòng hơi tối vì quét vôi màu xanh lá cây. Bà chủ phải mở toang cánh cửa sổ và cột lại tấm màn che màu xanh lá cây cho nắng ùa vào. Sàn phòng phủ một tấm thảm dày cũng màu xanh lá cây.
- Ðây là phòng của chồng tôi. Ông ấy đã tự tử tại đây.
Tôi nhìn quanh mấy bức tường tìm xem có treo hình ông chủ và tôi chỉ thấy có treo đầu một con cọp nhồi rơm. Trên kệ sách có khung hình nhỏ, tôi bước gần đến xem và nhận ra người đàn ông râu ria xồm xoàm trong ảnh là nhà văn Hemingway. Tôi hỏi bà chủ:
- Ông nhà thích đọc truyện của Hemingway?
- Cậu xem trong kệ sách toàn truyện của Hemingway. Chồng tôi đã chịu ảnh hưởng nặng nhà văn đó. Ông ấy cũng thích đi săn, đi câu cá, uống rượu mạnh và cuối cùng tự tử bằng súng săn giống như Hemingway.
Tôi rút một cuốn sách trong kệ. "Cuộc sống hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber". Tên một tập truyện ngắn nổi tiếng của Hemingway viết về những cuộc đi săn ở Châu Phi vànhững cái chết. Tôi nói:
- Khi đã xem ai là thần tượng, người ta thường bắt chước sống theo và chết theo thần tượng đó. Bà có biết ông nhà có ý định tự tử?
Người đàn bà cúi đầu di di mũi dày trên sàn nhà:
- Ông ấy tự tử khi tôi đang ở Saigon. Chỉ có đứa con tôi hay biết vì nó ở phòng kế bên.
- Lan Hương à?
Người đàn bà nhíu mày nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Cậu cũng nghe người ta nói về nó?
- Không phải đã nghe nói mà chính tôi đã gặp Lan Hương.
Tôi kể lại cho người đàn bà nghe lần đầu tôi đã gặp Lan Hương ở đâu và chúng tôi đã cùng trò chơi tìm kiếm một cái gì đã mất.
Người đàn bà thở dài.
- Tôi có nghe bà vú nói gần đây nó thường trò chuyện với một người thanh niên. Tôi đã ra lệnh cho bà vú ngăn cấm nó không được trò chuyện tiếp. Tôi không ngờ thanh niên đó là cậu. Vậy tôi nói cho cậu biết con tôi đã bị khủng hoảng tinh thần từ khi chứng kiến cái chết bi thảm của ba nó. Tôi đã nhờ nhiều bác sĩ chữa trị cho nó nhưng không có kết quả. Tôi đã xin được giấy phép đưa nó sang Pháp chữa bệnh. Ðợi bán xong ngôi nhà này, chúng tôi sẽ đi.
- Tôi nghĩ cô bé không bị bệnh tâm thần mà em bị thiếu một cái gì đó.
- Nếu nó nói cho tôi biết nó thiếu cái gì, tôi sẵn sàng mua cho nó với bất cứ giá nào.
- Cái cô bé thiếu có thể không dùng tiền mua được.
Người đàn bà lắc đầu:
- Vậy tôi đành chịu thua.
- Có thể cô bé cần một người bạn chẳng hạn.
- Ở Saigon cũng như ở nhà em tôi, mấy đứa cùng trang lứa với nó thiếu gì, nhưng nó không chịu kết bạn và nô đùa với ai.
- Một người bạn là một người phải hiểu cô bé.
- Bà vú đi theo nó còn hiểu rõ nó hơn tôi. Bà ấy đã chăm sóc nó từ khi nó mới sinh và không rời nó nửa bước khi nó bị bệnh.
- Nhưng một người bạn không phải là một người thân trong gia đình. Nếu bà đồng ý, tôi xin nhận làm bạn của cô bé. Gần gũi em, tôi tin mình sẽ hiểu được điều mà em đang thiếu.
Người đàn bà cắn môi suy nghĩ:
- Tôi ngại nó chỉ làm phiền cậu. Nếu cậu có ý giúp nó, tôi rất mừng. Với đầu óc nhạy bén của cậu, biết đâu cậu sẽ hiểu nó hơn chúng tôi.
- Hôm nay cô bé có theo bà đến đây?
- Tôi không dám dẫn nó đến đây. Tôi sợ khi thấy lại ngôi nhà cũ, căn phòng cũ, nó sẽ nhớ lại cái chết của ba nó và bệnh sẽ nặng hơn.
- Vậy tôi có thể gặp lại cô bé ở đâu?
- Tôi sẽ cho cậu điạ chỉ chỗ chúng tôi đang ở.
Có tiếng còi xe hơi kêu vang bên dưới rồi bác quản gia bước lên lầu báo tin:
- Thưa bà, có khách đến.
- Tôi sẽ xuống ngay.
Bác quản gia bước xuống cầu thang trước. Tôi và người đàn bà đi theo sau. Tôi nói:
- Xin bà cho biết địa chỉ. Tôi muốn đến thăm cô bé ngay bây giờ.
- Cậu cần gặp nó gấp vậy à?
- Vâng, rất cần, trước khi quá muộn.
- Ðươc rồi. Chiều nay tôi cho sẽ cho xe đến đón cậu lúc 4 giờ. Tôi cũng cần phải nói chuyện trước với nó.
*******************************************
Chờ đợi khiến tôi chẳng làm được việc gì. Tôi cố chú tâm suy nghĩ để viết vở kịch mới, với lý do thúc bách là cần tiền. Nhưng đầu óc tôi cứ trôi bềnh bồng như đám mây trên trời xanh ngắt.
Trang giấy trắng không hiện lên hình ảnh ông vua, bà chúa mà chỉ có hình ảnh cô bé. Tiếc thay, với cô bé tôi chỉ biết ngồi im lặng chớ không viết được chữ nào.
Ba giờ chiều. Tôi thay quần áo, khóa cửa phòng rồi bước đi quanh quẩn trong khu vườn trước hiên nhà để đợi xe. Sau mấy ngày mưa, nắng đã làm màu sắc những đóa hoa trong vườn tươi thắm hơn. Tôi không biết chúng tên gì nhưng giống như những cô gái Ðà Lạt, tất cả đều đẹp.
- Tin. Tin.
Tiếng còi xe làm tôi chạy nhanh ra cổng. Chiếc xe hơi Toyota màu đỏ thẫm đã đậu sát lề đường. Người tài xế mở cửa xe phía trước, tôi bắt tay anh và ngồi xuống ghế nệm bên cạnh. Chiếc xe phóng đi. Người tài xế mở máy cassette: How can I tell her - Một bài ca của Lobo, tôi đã nghe nhiều lần. Nhạc êm dịu và giọng ca nam trầm ấm như buổi chiều êm ả ở vùng núi đồi.
Xe chạy loanh quanh khoảng 15 phút rồi dừng lại trước một ngôi nhà quét vôi trắng, nằm giữa một vườn trồng toàn bông hồng. Cánh cửa cổng đã mở rộng, xe chạy thẳng vào vườn. Lan Hương và người mẹ của em đang ngồi ở ghế mây trước hiên. Tôi mở cửa xe, bước xuống. Hương hoa hồng thơm ngát khiến tôi ngần ngại đốt một điếu thuốc hút.
Người mẹ đứng dậy mời tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh cô bé. Em chẳng hề chú ý đến tôi. Ðôi mắt em đăm đăm nhìn vào khoảng không trước mặt. Người mẹ nói:
- Chào khách đi con.
Cô bé nói dửng dưng:
- Chào ông.
Người mẹ nói:
- Con hãy nói chào anh. Ðây là một người bạn của con.
Cô bé quay qua tôi nói rồi quay lại ngay:
- Chào bạn.
Người mẹ lắc đầu. Tôi mỉm cười vỗ nhẹ vai cô bé:
- Bây giờ chúng ta đi tìm tiếp cái mà em đã đánh mất.
Cô bé quay qua nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi:
- Ông đã biết nó rơi ở đâu à?
- Phải. Tôi biết.
Cô bé vụt đứng dậy, níu tay tôi kéo đi.
- Ông dắt em đến đó ngay.
Rồi chẳng đợi tôi trả lời, cô bé chạy ra chỗ xe hơi đậu. Tôi đứng dậy nói với người mẹ:
- Xin phép bà cho cô bé đi với tôi. Không cần người vú đi theo để chúng tôi được tự nhiên.
- Tôi lo nó trở chứng quậy phá, không chịu nghe lời cậu. Chứ nó rất nghe lời bà vú vì nó sợ bà ấy khóc.
Tôi cười nói:
- Bà cứ tin tôi. Nếu cần tôi cũng khóc được mà.
Người đàn bà nhìn đồng hồ đeo tay rồi nói:
- Cậu hãy đưa nó về lúc bảy giờ. Chúng tôi mời cậu ăn cơm tối.
- Cám ơn bà. Ðể bữa khác. Tối nay cho phép tôi mời cô bé đi ăn cơm bình dân. Biết đâu ăn ở quán đông người cô bé sẽ thích hơn.
- Thôi tùy cậu. Nhưng cậu nhớ canh chừng nó và đưa nó về nhà sớm.
Khi tôi bước đến gần chiếc xe hơi, qua cửa kính tôi đã thấy cô bé ngồi lọt thỏm ở băng sau. Tôi mở cửa xe bước vào, ngồi xuống bên em rồi đóng cửa lại. Tôi nói người tài xế cho xe chạy ra hồ Xuân Hương. Anh gật đầu và mở máy xe.
Cô bé nói:
- Còn bà vú nữa.
Tôi cười:
- Hôm nay tôi là bà vú của em.
Cô bé vỗ tay:
- Hay quá! Em có thêm một "ông vú " mới.
Tôi vỗ nhẹ đầu em:
- Nói bậy. Làm gì có "ông vú".
- Vậy ông là "bà vú" được à?
Tôi vỗ nhẹ đầu mình:
- À... tôi là "ông bạn".
Chiếc xe xuống đồi nên có vẻ chạy nhanh hơn. Những hàng cây hai bên đường chỉ còn là những vệt xanh dài lướt thướt bên ngoài cửa xe. Nắng buổi chiều vàng sậm trên những vạt đất đỏ lưng đồi.
Hồ Xuân Hương nhìn từ xa, nước xanh như cỏ non.
Buổi chiều mát nên nhiều người đi dạo trên bờ hồ. Xe chạy chậm chậm vòng quanh hồ. Tôi ra hiệu, người tài xế cho xe dừng lại ở chỗ cầu gỗ, nơi tôi đã gặp cô bé lần đầu tiên.
Tôi mở cửa xe, dắt cô bé ra ngoài rồi quay vào nói với người tài xế.
- Tám giờ tối, anh đến đón chúng tôi trước chợ Hòa Bình.
Người tài xế gật đầu. Ít nói như anh cũng hay, bởi nói nhiều người ta dễ "loạng quạng" tay lái. Tôi đóng cửa xe lại và chiếc xe phóng đi.
Quán kem gần cầu gỗ đang đông khách. Nhạc hải ngoại vang lên oang oang lời ca thương nhớ quê hương. Tôi dắt cô bé đi nhưng em níu tay tôi đứng lại nói:
- Chỗ này em tìm rồi mà.
- Không phải chỗ này. Chúng ta đi tìm ở một chỗ khác.
Tôi đến quầy mua vé thuê một chiếc pédalo rồi dắt cô bé ra cầu gỗ. Tôi đỡ em xuống ngồi ở chiếc pédalo có hình con thiên nga trắng. Tôi mở dây cột và đạp cho pédalo tiến ra giữa hồ.
Trời trong xanh không một gợn mây, hơi nước phả lên mát rượi. Ðến giữa hồ, tôi ngừng đạp. Chiếc pédalo vẫn từ từ trôi đi. Tôi cúi xuống nắm chân cô bé đặt vào bàn đạp kế bên:
- Em hãy đạp đi.
Cô bé quay qua tôi, hỏi:
- Ðể làm gì vậy? Nó vẫn trôi được mà.
- Em hãy hoạt động hai chân cho đầu óc bớt căng thẳng. Khi đầu óc thoải mái, em sẽ nhớ được nhiều chuyện đã quên.
- Nhưng em có quên cái gì đâu?
- Vậy chứ em đã đánh mất cái gì?
- Em đã đánh mất...
Cô bé cúi đầu, cắn môi. Tôi nói :
- Ðừng suy nghĩ nữa. Em hãy đạp đi.
Cô bé nhấn mạnh bàn đạp. Chiếc pédalo lúc lắc. Em chưa đạp đều chân nên chiếc pédalo cứ quay vòng một chỗ. Tôi thản nhiên móc túi lấy thuốc hút, mặc cho em xoay xở. Em có đổ mồ hôi may ra mới nhớ được điều em đã quên.
Ðạp được một lúc, trán em đã lấm tấm những giọt mồ hôi. Tôi lấy khăn tay lau trán em và nói:
- Thôi em nghỉ đi. Tới phiên tôi đạp.
Tôi kéo tay lái lên, chiếc pédalo từ từ chạy về phía bên phải. Trước mặt tôi là nhà hàng Thủy Tạ ngập trong nắng chiều. Cô bé ngả đầu vào lưng ghế. Gió thổi làm tóc em bay lòa xòa ở hai mang tai. Ðột nhiên em chồm tới trước và chỉ tay xuống mặt hồ:
- Nó kìa.
Tôi vội giữ chặt vai cô bé, sợ em ngã xuống hồ rồi nhìn theo ngón tay em chỉ. Mặt hồ phẳng lặng, nước xanh đậm, tôi không trông thấy gì.
- Ông đạp lùi lại đi. Nó đã nằm ở phía dưới pédalo.
Tôi đạp ngược bàn đạp cho pédalo lùi lại một đoạn.
Cô bé chỉ tay vào chỗ bọt nước trắng xóa do guồng pédalo khuấy động:
- Nó đó. Ông vớt giùm em đi.
Một nhánh rong đang trôi vật vờ trong bọt nước. Tôi lái pédalo lách qua một bên rồi cúi xuống vớt nhánh rong lên. Tôi đưa nhánh rong sũng nước cho cô bé:
- Nó đấy à?
Cô bé im lặng, lật qua lật lại nhánh rong dài trong lòng bàn tay. Rồi em lắc đầu ném nhánh rong xuống hồ:
- Ông vớt lầm rồi. Nó không phải là nhánh rong. Nó nằm ở phía dưới nhánh rong.
Tôi thở dài ngao ngán:
- Phía dưới nhánh rong là đáy hồ. Nếu nó nằm ở đó chắc phải lặn xuống dưới mới tìm thấy được.
Ðột nhiên cô bé xô tôi thật mạnh. May mà tôi nắm kịp cái cánh của con thiên nga pédalo, nếu không chắc tôi đã ngã nhào xuống hồ. Cô bé vừa tiếp tục xô đẩy tôi vừa nói:
- Ông lặn xuống dưới đó tìm kiếm đi. Ông đã hứa giúp em mà.
Tôi giữ chặt hai tay cô bé. Biết em đang "lên cơn", tôi cố gắng nói ôn tồn:
- Ðừng giỡn nhỏ. Tôi không biết bơi. Hãy đợi hôm nào người ta xả hết nước hồ, tôi sẽ đi xuống dưới đó tìm giúp em.
Tôi buông tay cô bé ra. Em ngồi xuống ghế thở hổn hển:
- Vậy bao giờ người ta mới xả nước hồ?
- Năm mười năm gì đó, người ta xả nước hồ một lần để làm vệ sinh hồ.
Mặt cô bé buồn thiu:
- Phải chờ đợi năm mười năm nữa chắc em đã chết.
Tôi nói đùa:
- Em đừng lo. Người có đôi tai dài như em sẽ sống đến trăm tuổi.
- Một ngày không thở, ông chịu nổi không?
- Ðừng nói một ngày, một phút tôi chịu cũng không nổi.
- Em cũng vậy. Nếu không tìm ra cái đó.
- A! Vậy tôi biết em đánh mất cái gì rồi.
- Ông nói nó là cái gì?
- Không khí. Chỉ thiếu nó một phút là người ta không chịu nổi.
Và để làm trò hề cho em cười, tôi đưa hai tay ra phía trước chụp bắt. Rồi tôi nắm chặt hai bàn tay mình, đặt lên hai bàn tay em.
- Tôi đã bắt được nó rồi. Này em hãy giữ chặt lấy, không nó bay mất.
Tôi xòe hai bàn tay ra. Hai bàn tay cô bé vẫn hững hờ mở rộng, không nắm lại hưởng ứng trò hề của tôi. Em nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu.
- Em đã nói nó không ở trên trời, nó nằm trên mặt đất. Mà không chừng ông nói đúng. Nó nằm dưới đáy hồ này.
Cô bé nhìn chăm chăm xuống mặt hồ rộng. Sợ em lao ẩu xuống đáy hồ, tôi phải đặt một tay lên vai em đề phòng. Biết tánh em đã nghĩ đến cái gì là nghĩ đến "chết" cái đó, tôi giả đò coi đồng hồ rồi nói:
- Ðã hết giờ thuê pédalo rồi. Chúng ta vào bờ.
Tôi ấn tay lái xuống cho pédalo quẹo trái rồi đạp thật nhanh vào bờ. Tôi muốn rời xa cái đáy hồ đang lởn vởn trong đầu em.
Nắng chiều đã nhạt khi chúng tôi leo lên cầu gỗ. Tôi dắt cô bé băng qua đường, đi bên lề trái về hướng trung tâm thành phố. Tôi ngại không dám bắt em đi dọc theo bờ hồ dù bên ấy mát hơn, nhưng lại giúp em dễ dàng liên tưởng đến đáy hồ hơn.
Tôi muốn dắt cô bé đi xem phim cho đầu óc em bớt căng thẳng. Nhưng khổ nỗi đi qua ba rạp chiếu bóng đều thấy quảng cáo chiếu phim quyền cước Hong Kong, chẳng thích hợp với em. Tôi đành dắt em đi dạo xem các cửa hàng.
Ðèn đường và đèn các cửa hàng đã bật sáng. Khi đi ngang qua một hiệu sách, tôi kéo cô bé cùng bước vào. Tôi muốn mua một cuốn tiểu thuyết để đọc, đồng thời mua tặng cô bé một quyển sách để làm kỷ niệm. Trong khi tôi mải nhìn lên kệ sách để tìm một cuốn truyện ưng ý thì cô bé vẫn ngó lơ đi chỗ khác. Tôi nắm tay em, hỏi:
- Em thích cuốn sách nào? Tôi sẽ mua tặng em.
Cô bé lắc đầu:
- Em không thích sách.
- Tại sao vậy?
- Má nói ba em chết cũng tại sách.
Tôi nghe mà rùng mình, vội keó cô bé bước đi. Ngang qua tủ kính, cô bé đứng lại nhìn những đồ bách hóa bày bên trong. Tôi hỏi:
- Em muốn mua món gì?
Cô bé lắc đầu. Nhưng tôi vẫn gọi cô bán hàng lại, nhờ cô lấy một kẹp tóc bày trong tủ kính. Tôi cài cái kẹp lên mái tóc em và nói:
- Tôi tặng em.
Cô bé vuốt vuốt cái kẹp tóc nói:
- Tại sao ông lại tặng em cái kẹp này?
- Tại em nói cái em đã đánh mất có màu xanh lá cây. Biết đâu cái kẹp tóc màu xanh lá cây này chính là cái mà em đã đánh mất.
Cô bé liền chỉ một hộp quẹt gaz trong tủ kính:
- Cái đó cũng màu xanh lá cây. Vậy ông hãy mua tặng em luôn.
Tôi cười nhăn nhó:
- Ðược thôi.
May thay trong tủ kính không còn món hàng gì màu xanh lá cây. Nếu không thì tôi.... rỗng túi. Và mặc dù tôi đã trả tiền đầy đủ, cô bán hàng vẫn ngơ ngác nhìn chúng tôi như những kẻ thiếu nợ.
Vừa bước ra cửa hiệu sách, tôi gặp Hạnh và Liên bước vào. Hai người chắc vừa đi tập kịch về. Hạnh nói:
- Sao chiều này anh không đến xem tụi em tập màn cuối?
- Tôi đang bận viết một vở kịch mới.
Liên cười nói:
- Vậy tụi em sắp có kịch để diễn tiếp rồi. Bây giờ tụi em xin đãi "tác giả" một chầu bún bò Huế.
Tôi chỉ cô bé đang đứng một mình bên lề đường nhìn xe cộ qua lại:
- Cho tôi mời cô bạn nhỏ kia đi cùng được không?
Hạnh nhìn cô bé, hỏi:
- Ai vậy?
- Em không nhận ra cô nhỏ em đã gặp một lần ở đồi cù?
Hạnh trợn mắt nói:
- Con nhỏ "mát" đó à! Nó mau lớn quá vậy?
Tôi cười nói:
- Cô bé ấy không "mát" đâu. Cô ấy vừa làm cho tôi "mát" thì có. Ðể tôi gọi cô bé cùng đi ăn cho vui.
Tôi bước đến chỗ cô bé đứng, vỗ vai em và nói:
- Có người mời chúng ta đi ăn bún bò Huế, em đi không?
Cô bé vẫn nhìn xe cộ và hỏi:
- Ai vậy?
- Những người bạn đóng kịch của tôi.
Cô bé quay qua nhìn tôi, hỏi:
- Ông cũng biết đóng kịch à?
- Không. Tôi viết kịch. Bây giờ chúng ta cùng đi ăn với bọn họ cho vui.
- Ông hãy đi ăn với họ đi. Em không thích ăn bún bò Huế.
Tôi lắc đầu, đi trở lại chỗ hai cô bạn gái và ngỏ lời xin lỗi họ. Hạnh nắm tay Liên kéo đi:
- Ông ấy không thèm đi với tụi mình đâu. Ðã có cô con gái của bà tỉ phú rồi.
Nàng quay qua hỏi "móc" tôi:
- Ðấy có phải là vở kịch mới của ông?
- Ồ! Không phải vậy...
Tôi muốn giải thích cho Hạnh hiểu nhưng hai người đã bước đi thật nhanh. Tôi lắc đầu, đi đến chỗ cô bé đứng.
- Thôi chúng ta đi ăn cơm bình dân. Sắp đến giờ xe đến đón em về rồi.
Cô bé quay lại nhìn tôi, nói:
- Em không thích ăn cơm bình dân.
Tôi bực mình, gắt:
- Vậy em thích ăn gì?
- Bún bò Huế.
Tôi gãi đầu, vò tai:
- Vậy sao hồi nãy em nói không thích ăn.
Cô bé bật quẹt gas tôi mới mua tặng em. Em đưa hộp quẹt lên ngang mặt tôi, như muốn đốt lửa cho tôi mồi thuốc.
- Em không thích ăn bún bò Huế với người lạ. Còn với ông thì khác.
Tôi vừa thò tay vào túi áo rút ra được một điếu thuốc thì cô bé tắt quẹt gaz:
- Em đâu có bật quẹt cho ông mồi thuốc. Em chỉ tò mò muốn biết mặt ông khi nhăn nhó ra sao.
*******************************************************
Lính hầu (cúi rạp đầu): Muôn tâu hoàng thượng, có quan thượng thư xin được vào chầu.
Lê Long Ðĩnh (nằm trên long sàng, ngáp): Ta đang buồn ngủ. Ai muốn gặp ta lúc này là muốn gặp tử thần. Hãy chém đầu hắn.
Tiếng gõ cửa lộp cộp làm tôi giật mình, bỏ cây viết xuống trang giấy đang viết dở dang. Tôi nghĩ có thể Hạnh đến thăm, nên cài cúc áo lại cẩn thận trước khi mở cửa. Ðăng bước vào. Anh gỡ chiếc kính đen đang đeo bỏ vào túi và hỏi:
- Cậu đang viết một vở kịch mới?
Tôi gật đầu. Ðăng kéo ghế ngồi xuống, hỏi tiếp:
- Nhân vật chính là ai vậy?
- Tên bạo chúa Lê Long Ðĩnh.
- Chứ không phải cô bé "mát" à?
Tôi nhíu mày, hỏi lại:
- Tại sao cậu hỏi vậy?
- Liên nói cho tôi biết.
- Liên à? Lạ nhỉ!
Ðăng thổ thổ điếu thuốc vào bao rồi bật quẹt châm hút.
- Ðể tôi nói cho cậu rõ. Sáng sớm nay Hạnh đến gặp tôi và xin rút tên ra khỏi nhóm kịch. Tôi hỏi nguyên do, Hạnh chỉ nói vắn tắt không thể đóng kịch được nữa. Mặc cho tôi năn nỉ, Hạnh cứ lắc đầu rồi cáo từ ra về. Tôi đã phải đến gặp Liên, bạn thân của Hạnh, để tìm hiểu nguyên do. Liên cho biết chuyện tối qua Hạnh đã gặp cậu dắt cô bé con bà chủ nhà đi chơi. Như thế là tôi đã hiểu.
Tôi xin Ðăng một điếu thuốc đen, châm hút rồi thở ra một hơi khói dài:
- Tất cả đều đã hiểu lầm.
- Cậu cũng biết chỉ còn một tuần nữa là trình diễn buổi ra mắt vở kịch của cậu. Thời gian còn quá ít, tôi không thể tìm một cô gái khác đóng thay vai diễn của Hạnh. Vậy cậu hãy chịu khó đến năn nỉ Hạnh đóng tiếp.
- Trời ơi! Tôi biết nói gì với Hạnh khi mà chẳng có chuyện gì đáng nói.
Ðăng phì cười:
- Cậu chỉ biết viết kịch chứ không chịu sống với nhân vật trong vở kịch. Ðúng ra cậu phải rành tâm lý mấy cô gái hơn tôi. Thôi thay quần áo đi rồi tôi chở cậu đến nhà Hạnh.
Tôi mặc vội cái áo pull trắng và quần jean xanh rồi bước theo Ðăng ra ngoài phòng. Khi ngồi lên xe vespa cho Ðăng chở đi, tôi mới chợt nhớ đã để quên mũ trong phòng và trời đang nắng gắt. Ðăng phóng xe chạy thật nhanh cứ như chở tôi đến gặp người yêu ở phi trường hay bến xe.
Ði ngang qua một quán cơm bình dân, mùi sườn nướng làm tôi nhớ ra mình chưa ăn gì từ sáng đến giờ. Tôi vỗ vai Ðăng nói "tốp tốp"! Ðăng dừng xe lại hỏi:
- Chuyện gì vậy?
- Ăn trưa đã. Tôi đang đói bụng.
Ðăng rồ ga cho xe vọt đi rồi nói to:
- Ðể bụng đói, cậu sẽ có lý do chính đáng mời Hạnh đi ăn.
Tôi cười, đấm vào vai Ðăng:
- Nhưng, bụng đói, tôi sẽ nói cà lăm.
- Càng tốt. Như vậy Hạnh sẽ nghĩ cậu đã nói rất chân thật.
Ðang chạy xe bỗng Ðăng dừng xe lại sát lề đường. Tôi hỏi:
- Ðỗ xăng à?
Ðăng chỉ một kiốt bán hoa tươi:
- Cậu hãy vào mua một bó hoa tặng Hạnh. Ðể cậu có nói cà lăm, Hạnh cũng hiểu dễ dàng.
Tôi lắc đầu, nhảy xuống xe, bước đến kiốt. Tôi mua một bó hoa marguerite trắng, một loại hoa tôi rất thích. Khi tôi cầm bó hoa ra xe, Ðăng nói:
- Hoa marguerite tượng trưng cho tình bạn trong trắng. Như vậy làm sao cậu năn nỉ Hạnh được. Cậu hãy đổi lấy một bó hồng.
Tôi lại lắc đầu, bước trở vào kiốt. Tôi phải bù thêm tiền để đổi bó hoa marguerite trắng lấy bó hồng vàng. Tôi đem bó hoa ra xe. Ðăng vỗ đầu kêu trời.
- Bộ cậu không hiểu ý nghĩa của mấy loại hoa thông thường?
- Hoa biết nói tôi còn không hiểu nổi huống chi loài hoa câm nín này.
- Hồng vàng là để tặng người yêu khi chia tay. Trong khi cậu đang muốn "bắt tay" với Hạnh, vậy cậu hãy tặng nàng một bó hồng đỏ thắm.
- Rắc rối ơi là rắc rối.
- Có chuyện tình nào đơn giản đâu.
- Nhưng đây không phải là chuyện tình.
- Vậy thì càng rắc rối hơn.
Ðổi bó hồng đỏ thắm xong, tôi ngồi lên xe cho Ðăng phóng đi. Gió tạt quá mạnh, tôi phải để bó hồng ở khoảng cách giữa lưng Ðăng và ngực tôi, để giữ những cánh hồng không bị gió thổi bay tả tơi. Nếu tặng Hạnh một bó hồng chỉ còn trơ những cành đầy gai, tôi không hiểu nó có ý nghĩa gì?
Ðăng ngừng xe trước một ngôi biệt thự to lớn, phía trước hiên có một giàn treo đầy những giò hoa phong lan nở hoa màu sắc rực rỡ. Tôi không ngờ nhà bà con của Hạnh giàu như vậy. Tôi nhảy xuống xe định đi đến bấm chuông điện ở cổng Ðăng vẫy tay gọi giật lại:
- Này, không phải nhà ở đó.
Tôi quay lại hỏi:
- Vậy nhà bên cạnh à?
- Không. Nhà Hạnh cách đây 100 mét. Số nhà 12 ở bên kia đường.
- Cậu bắt tôi đi bộ đến đó?
- Nếu thấy tôi chở cậu đến tận nhà, Hạnh sẽ mất tự nhiên và trở nên "cương" hơn. Cậu hãy ra vẻ đã đi bộ cả tiếng đồng hồ để tìm nhà, Hạnh sẽ cảm động hơn.
- Cậu đúng là một "đạo diễn" giỏi.
Ðăng vỗ vai tôi, cười:
- Cậu chịu khó tập "diễn xuất" đi. Viết kịch được mà không đóng kịch được dở quá. Thôi hẹn chiều nay gặp nhau ở hội trường. Nhớ dẫn Hạnh đến chứ không phải cô bé con bà chủ nhà.
Ðăng phóng xe đi. Tôi băng qua đường rồi lững thững đi bộ mắt dõi tìm số nhà. Nhà số 12 bằng gỗ, lợp tôn fibrociment, nằm khuất sau những cây đào có trái chín ửng hồng. Nhà không có chuông điện. Tôi phải đập đập ống khóa vào cửa sắt sơn nâu.
Một chú chó mực chạy ào ra, chồm lên cửa sắt sủa vang. Tôi dứ dứ bó hồng đỏ thắm trước mõm nó nhưng nó vẫn cứ sủa vang. Có lẽ nó giống tôi ở chỗ thích một miếng thịt bít tết hơn cả một bó hồng.
- Tô tô. Tô tô.
Chú chó rời cửa sắt chạy vào. Hạnh mặc đồ bộ màu tím hoa sim từ trong nhà đi ra. Thấy tôi, nàng có vẻ bối rối. Vừa mở cửa sắt, nàng vừa hỏi:
- Anh đến có chuyện gì vậy?
Nhớ lời Ðăng dặn, tôi bắt đầu "diễn xuất". Ðưa bó hồng đỏ thắm cho Hạnh, tôi nói:
Ði ngang phố thấy có bó hồng đẹp, tôi muốn đem tặng Hạnh ngay.
Nàng cầm bó hồng, đôi mắt chớp chớp, giọng nói mềm đi:
- Cám ơn anh. Mời anh vào nhà.
Chúng tôi vào ngồi ở bộ bàn ghế đặt dưới một giàn lủng lẳng trái su. Lá su xanh mướt phủ kín trên cao, nắng chiếu xuống lốm đốm màu xanh nhạt trên mặt đất. Một người đàn bà mập mạp cầm nón lá, từ trong căn nhà gỗ bước ra. Hạnh giới thiệu tôi với bà dì của nàng. Bà cười, nói:
- Cậu ngồi chơi tự nhiên. Tôi có việc phải xuống chợ.
Bà đội nón đi ra cổng, con chó mực chạy theo. Khi bà đóng cửa sắt lại, con chó chạy vào lẩn quẩn bên chân Hạnh.
- Mời anh uống nước.
Tôi bưng tách nước trà mà lòng ngao ngán. Từ sáng đến giờ tôi chỉ uống toàn nước trà nên bụng cồn cào rất khó chịu. Chẳng thể tiếp tục "diễn xuất" khi bụng đói, tôi nói:
- Kiến bò bụng rồi. Tôi mời Hạnh đi ăn cơm trưa.
- Rất tiếc em không đi được vì phải coi nhà. Bà dì, ông dượng và hai người con đều ra chợ buôn bán hàng légume. Xế trưa bà dì mới về. Sẵn bữa, mời anh một bữa cơm gia đình đạm bạc.
- Có cơm gia đình là nhất rồi. Hàng ngày tôi đều phải đi ăn cơm đĩa ngoài chợ.
Hạnh đứng dậy cầm theo bó hồng đi vào nhà. Con chó không đi theo nàng mà quay qua hít hít chân tôi. Nếu nó không có bộ răng trắng ởn và nhọn hoắt, chắc là tôi đã đạp cho nó mấy cái để dạy cho nó biết thế nào là "lễ độ".
Một lúc sau, Hạnh bưng mâm cơm ra đặt trên bàn. Một tô canh su hầm xương, một đĩa su xào thịt bò, một đĩa trứng chiên với su. Ðúng là cây nhà trái vườn. May mà đang mùa trái su, nếu đang mùa ớt chắc tôi phải nhịn ăn.
Bụng đói khiến tôi ăn rất ngon miệng, Hạnh phải luôn tay bới cơm cho tôi. Nàng nhìn tôi, cười hỏi:
- Anh làm như đã nhịn đói từ hôm qua.
- Ðúng vậy. Sẩy ăn bún bò Huế với Hạnh, tôi về nhà ngủ luôn. Sáng nay bận viết kịch, tôi cũng quên ăn sáng.
- Tối qua anh không đi ăn cơm với con nhỏ đó à?
Tôi biết trong khi ăn uống người ta thường cởi mở dễ dãi, nên có nói dối một chút cũng không sao. Như ăn thêm một lát ớt mỏng cho ngon miệng. Vì vậy tôi nói:
- Không. Tôi đi ăn kem với cô bé ở quán kem mà chúng ta đã ăn.
- Em hỏi thật, giữa anh và con nhỏ đó quan hệ như thế nào?
Tôi nhai nát một miếng xương hầm rồi trả lời.
- Cô ấy là con bà chủ nhà cho tôi ở trọ. Bà chủ không lấy tiền trọ nên tôi trả ơn bằng cách giúp đỡ con bà.
Hạnh nhíu mày, hỏi:
- Anh giúp đỡ chuyện gì?
- Cô bé ấy bị tâm bệnh nên cần có người trò chuyện giúp cho em khuây khỏa.
- Tâm bệnh hay tim bệnh?
Ðang nuốt một miếng su hầm nên tôi gõ gõ đầu mình thay câu trả lời. Hạnh hỏi tiếp:
- Bà ấy giàu, thiếu gì bác sĩ lo cho con nhỏ mà phải nhờ đến anh?
- Tôi nghĩ muốn chữa tâm bệnh thì cần đến tình thương nhiều hơn thuốc thang.
- Gia đình con nhỏ không ai thương nó à?
- Có chứ. Nhưng để hiểu cô bé thì chưa chắc đã có ai hiểu.
- Anh tin là anh đã hiểu được nó?
- Tôi đang cố gắng tìm hiểu cô bé. Nếu hiểu được em, tôi tin sẽ giúp em hết bệnh.
Hạnh cười nhếch môi:
- Anh "bác ái" quá nhỉ!
Tôi lùa nốt miếng cơm chan canh su vào mệng rồi nói:
- Hạnh đừng mỉa mai. Tôi thật lòng chỉ muốn giúp đỡ cô bé ấy hết bệnh vậy thôi.
- Còn đối với người khác anh không cần phải giúp đỡ?
- Tôi không phải là ông thánh chuyên đi giúp đỡ mọi người. Với khả năng hạn hẹp của mình, tôi chỉ có thể giúp những người mà tôi hiểu biết?
- Với người ngồi trước mặt, anh cũng không hiểu biết.
Tôi nhìn thẳng vào mắt nàng.
- Hạnh ư? Chín tôi đang cần Hạnh giúp đỡ thì có.
- Anh không nói đùa chứ?
- Không. Tôi lên đây mong tìm chút tiếng tăm để kiếm miếg ăn. Nếu vở kịch của tôi sắp diễn mà thành công, nhiều đoàn kịch sẽ đặt hàng cho tôi viết kịch bản. Mà muốn vở kịch thành công, Hạnh biết đấy, phải nhờ nhiều ở đạo diễn và diễn viên. Nếu Hạnh đóng tốt vai diễn trên sân khấu, là Hạnh giúp tôi một phần thành công. Thôi Hạnh hãy sửa soạn rồi chúng ta cùng đi đến hội trường tập tiếp vở kịch. Còn một tuần nữa phải diễn buổi ra mắt.
Hạnh cắn môi, lắc đầu rồi nói:
- Nhưng em đã nói với anh Ðăng...
- Hạnh đã nói từ chối giúp đỡ một người đi kiếm miếng ăn như tôi?
- Không phải vậy. Anh đợi một chút, em sẽ đi với anh đến hội trường.
Hạnh bưng mâm cơm đi vào nhà, tôi nhìn nàng với đôi mắt cay cay. Như ăn nhằm trái ớt hiểm. Chiều nay khi Ðăng gặp lại Hạnh, chắc anh sẽ thầm phục tài đóng kịch của tôi. Nhưng Ðăng không hiểu rằng trưa nay tôi đã muốn khóc vì đã cố tình nói dối một người bạn gái tốt bụng.
*************************************************************
Tôi ngồi ở hàng ghế cuối trong hội trường xem các bạn tập kịch. Ðăng ngồi ở hàng ghế thứ nhất, anh muốn tôi ngồi xa để có những nhận xét bổ sung về các diễn viên.
Trên sân khấu, Hạnh đóng rất thoải mái vai một cô nữ sinh lớp 12. Có lẽ nàng không đóng mà đang sống lại thời mặc áo dài trắng đến trường. Tình yêu của cô nữ sinh trong vở kịch rất đau buồn, mong rằng ở ngoài đời Hạnh đã không gặp phải hoàn cảnh ngang trái đó.
Bỗng Trung, người phụ trách ánh sáng, đến vỗ vai tôi nói có người cần gặp ở bên ngoài hội trường. Tôi đẩy cửa bước ra, không ngờ anh tài xế của bà chủ nhà. Tôi vừa bắt tay anh, anh nói ngay:
- Bà chủ cần gặp anh gấp nên nói tôi đến đây đón anh.
Tôi hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Người tài xế nói:
- Tôi không biết.
- Anh đợi tôi một chút tôi ra ngay.
Tôi đẩy cửa bước vào hội trường và đi nhanh đến hàng ghế thứ nhất nơi Ðăng ngồi, tôi nói nhỏ với anh:
- Hết buổi tập, cậu xin lỗi Hạnh giùm tôi. Tôi không thể đưa nàng về nhà vì phải đi ngay bây giờ.
Ðăng cầm tập kịch bản đánh vào tay tôi, hỏi:
- Chuyện gì gấp vậy?
- Bà chủ nhà muốn gặp tôi gấp. Không chừng bà ấy đã bán được nhà và muốn tôi dọn đi.
- Ðược rồi. Cậu đi đi. Nếu cần tôi sẽ nói với bà ấy cho cậu ở thêm một tuần nữa.
- Thôi khỏi. Nếu thấy bất tiện tôi sẽ dọn đi ngay trong tối nay.
Tôi bước ra ngoài hội trường. Người tài xế đã ngồi bên trong chiếc xe hơi đậu ở bên kia đường. Anh mở cửa xe khi thấy tôi đến gần. Tôi ngồi vào ghế trước, đóng cửa lại và chiếc xe phóng đi. Tôi chẳng biết trò chuyện gì với một người ít nói. Tốt nhất để âm nhạc làm việc. Tiếng đàn dương cầm của Richard Clayderman vang lên bản Feelings. Những băng nhạc này chắc của bà chủ chứ không phải của anh tài xế.
Có một chiếc xe hơi màu trắng đậu trong sân khi xe chúng tôi chạy vào cổng nhà. Bà chủ ngồi ngoài hiên như hôm đầu tôi đến đây. Bà đang nói chuyện với một người đàn ông đầu hơi hói, đeo kiếng trắng. Có thể ông ta là người đến mua ngôi nhà của bà.
Khi tôi mở cửa xe bước ra, hương hoa hồng thơm ngát làm tôi bần thần. Người đàn ông đã đứng dậy bắt tay bà chủ và đi đến chiếc xe hơi trắng của ông.
- Mời cậu ngồi.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế người đàn ông vừa ngồi lúc nãy và nói ngay:
- Chúc mừng bà đã bán được nhà.
Bà chủ nhíu mày hỏi:
- Người tài xế đã nói cho cậu biết?
- Không. Tôi đoán vậy. Và bà muốn tôi dọn đi ngay?
Người đàn bà mỉm cười lắc đầu:
- Cậu muốn ở bao lâu tùy thích. Chuyện giấy tờ còn phải kéo dài một thời gian nữa.
Người giúp việc bưng ra đặt trước mặt tôi một ly cafe đá và lấy đem đi ly nước mà người đàn ông đeo kính trắng vừa uống. tôi hỏi bà chủ:
- Có phải người đàn ông đó đến mua nhà của bà?
- Không. Ông ấy là bác sĩ đến khám bệnh. Con tôi mới bị ngã cầu thang sáng nay.
Tôi sững sờ kêu lên:
- Ồ! Lan Hương có bị thương không bà?
- Một vết thương ở trán nó đã phải khâu lại.
- Bà có thể cho phép tôi vào thăm cô bé.
- Chính nó đòi phải có cậu đến thăm nên tôi mới cho xe đến đón cậu. Nhưng tôi đang phân vân không biết có nên để cậu vào thăm nó không.
- Tại sao vậy bà?
- Thân thiết với cậu cũng có cái hại cho nó. Bởi khi cậu về Saigon, nó cứ đòi tìm gặp cậu thì tôi biết làm sao?
- Chỉ có vài hôm xa cách, cô bé sẽ quên tôi ngay thôi.
Người đàn bà lắc đầu:
- Cậu biết đấy, nó rất hay quên nhiều chuyện nhưng có chuyện nó nhớ rất dai. Như nó luôn luôn nhớ đi tìm cái mà nó đã mất. Chỉ tội nó không nhớ rõ đã đánh mất cái gì?
- Tôi muốn được an ủi em, lúc em bị thương.
- Những lúc bị thương hay đau ốm nằm một chỗ, người ta thường nhớ mãi người đến thăm mình.
- Nếu cô bé có nhớ đến tôi thì cũng tốt. Bởi dù tôi ở xa nhưng cũng có một địa chỉ để tìm. Còn hơn bà để đầu óc em nhớ mãi một cái gì mà chính em và bà cũng không biết nó là cái gì và ở đâu.
Người đàn bà mỉm cười:
- Cậu lập luận hay lắm. Thôi được, mời cậu đi theo tôi.
Người đàn bà đứng dậy đi vào trong nhà, tôi cũng đứng dậy bước theo. Ly cafe đá vẫn còn nguyên trên bàn. Ði qua một phòng khách rộng trang trí sang trọng, chúng tôi bước lên cầu thang gỗ có tay cầm đánh vẹc ni bóng loáng, lên lầu.
Phòng cô bé cửa hé mở, người đàn bà đẩy cửa bước vào. Người vú già ngồi ở chiếc ghế kê sát đầu giường, chậm rãi đứng dậy chào. Người đàn bà nói:
- Vú để tôi lo cho nó.
Ngươì vú già lặng lẽ bước ra ngoài và đóng cửa lại.
Cô bé đang nằm đắp mền đến ngực trên giường nệm trắng, mắt em nhìn chăm chăm lên trần nhà. Một miếng băng lớn dán trên trán em. Người đàn bà ngồi xuống giường vỗ vai em nói:
- Có bạn đến thăm con.
Vẫn nhìn lên trần nhà, cô bé nói:
- Con không có bạn.
- Có mà. Ông bạn của con đến đó.
- Ông "mát" đó hả?
- Con đừng nói hỗn. Bạn con rất đàng hoàng.
- Nếu không "mát", ông ấy không phải là bạn con.
Tôi đi vòng qua phía bên kia giường, cúi xuống thì thầm:
- Ờ, tôi "mát" đây.
Cô bé khẽ nghiêng đầu nhìn tôi:
- Chỉ những người "mát" mới thân với em. Má em không "mát" nên má em không thân với em.
Người đàn bà lắc đầu thở dài:
- Cậu ở lại chơi với nó. Tối nay mời cậu dùng cơm với gia đình tôi.
Người đàn bà mở cửa bước ra rồi đóng cửa lại. Tôi ngồi xuống giường, hỏi cô bé:
- Tại sao em ngã vậy?
Cô bé đặt ngón tay lên miệng ra dấu im lặng. Em nhìn quanh xem còn có ai trong phòng không rồi nói:
- Lỗi tại ông đó!
- Lỗi tại tôi?
Cô bé nhổm người dậy. Tôi đỡ vai em, nói:
- Em cứ nằm nghỉ, cần gì tôi giúp cho?
Cô bé lắc đầu. Em nghiêng người, thò tay vào phía dưới tấm nệm lấy ra cái quẹt gaz màu xanh lá cây. Em quẹt cho ngọn lửa bùng lên rồi tắt ngay.
- Em đang đi xuống cầu thang thì nó "nhảy" khỏi tay em. Sợ mọi người trong nhà trông thấy sẽ lấy mất, em vội vã chạy đuổi theo chụp lấy nó và bị ngã. Nó là quà tặng của ông. Vậy lỗi chính là tại ông làm em ngã.
Tôi phì cười nói:
- Ðúng là lỗi tại tôi đã tặng em một vật biết "nhảy" khỏi tay em. Còn kẹp tóc thì không lo nó "nhảy" khỏi đầu em.
Tôi nhìn xuống mái tóc em và không thấy cái kẹp màu xanh lá cây. Tôi hỏi:
- Cái kẹp tóc đâu rồi?
- Nó chết rồi.
- Nó mà "chết" được à?
Cô bé gật đầu:
- Khi em ngã đập đầu xuống cầu thang, cái kẹp đã bị gãy đôi. Nếu ông bị gãy làm đôi, ông còn sống nổi không?
Tôi lắc đầu, cười:
- Thôi được, tôi sẽ mua tặng em một cái kẹp tóc khác.
- Ông đừng mua nữa. Càng nhiều quà tặng em càng dễ bị tai nạn.
- Sao lại bị tai nạn?
- Bởi vì em phải lo bảo vệ chúng nếu không muốn chúng bị mất.
Tôi gật gù đồng ý:
- Ðúng rồi. Người bảo vệ cho người khác thường dễ gặp tai nạn hơn người khác.
- Vậy ông có dám bảo vệ em không?
- Tôi rất sẵn sàng.
Cô bé bước xuống giường, nắm tay tôi kéo đi.
- Ông hãy dắt em đi trốn.
Tôi gỡ tay em, nói nhỏ nhẹ:
- Tại sao phải trốn? Em ở đây sống sung sướng quá trời. Muốn gì được nấy, còn đòi hỏi gì nữa?
Cô bé hất tay tôi ra. Em đi đến chống tay bên cửa sổ:
- Ở đây em không có tự do, đi đâu cũng có người canh giữ. Ông luôn luôn nói sẵn sàng giúp đỡ em vậy mà khi em nhờ là ông nói lảng ra.
Tôi đến đứng bên em, ngó xuống vườn. Nắng buổi chiều đã nhạt. Những nụ hồng đã được cắt đem bán, trên thân những cây hồng đầy gai chỉ còn những bông hoa nở rộ. Tôi nói:
- Này nhỏ, em hiểu lầm rồi. Má em và bà vú chỉ lo bảo vệ em chứ không phải canh giữ em.
- Bảo vệ gì? Mọi người trong nhà đều nghĩ em "mát" nên đã canh giữ em như canh giữ người tù. Ông có nghĩ em "mát" không?
- Không. Trái lại, tôi nghĩ em rất "nóng".
Cô bé bật quẹt gaz, đưa ngọn lửa sát mặt tôi, hỏi:
- Nóng như ngọn lửa này?
- Phải. Tánh em nóng như lửa. Khi người khác vừa làm trái ý em một chút là em cau có, giận lẫy, la hét. Em cần phải tập sống hòa đồng với mọi người. Sống đơn độc, ngươì ta dễ nghĩ mình nhỏ như con kiến hoặc to như con voi.
- Em không thích hòa đồng. Em thương ai, ghét ai rõ ràng.
- Vậy em thương tôi hay ghét tôi?
- Em GHÉT ông.
Cô bé nhào lên giường nằm, lấy mền trùm kín đầu. Tôi đến vỗ vai em.
- Thôi nhỏ, chúng ta đi xuống dưới vườn dạo chơi.
Tiếng cô bé lùng bùng trong tấm mền mỏng:
- Ông đi đi. Hãy để em tự làm "nguội" em, nếu không em "cháy bùng" lên bây giờ.
Tôi đứng im một lúc rồi đi đến mở cửa, bước ra khỏi phòng. Cô bé ló đầu ra khỏi mền hỏi với giọng tức nghẹn:
- Ông đi đâu đó?
Tôi quay lại nói:
- Tôi đi về.
- Ông mới đúng là người nóng như lửa. Em vừa nói "đi đi" là ông cau có, giận lẫy đi ngay. Vậy mà ông còn chê trách em. Thôi được rồi, ông đi luôn đi.
Tôi bước trở vào phòng đặt 2 tay lên đôi vai nhỏ bé của em:
- Không. Tôi không đi.
Cô bé nhổm dậy, gục đầu vào ngực tôi, òa khóc.
*******************************
Một buổi sáng đẹp trời mùa hạ. Nắng trong vắt. Chiếc xe hơi chở chúng tôi dừng lại ở bãi đậu xe trên thác Cam Ly. Hàng quán nơi đây ngoài hiên đều treo lủng lẳng những giò phong lan nở đầy hoa. Trên quầy xếp đầy những gói mứt dâu, mứt mận, mứt đậu và những hình gỗ cưa lọng để bán cho du khách.
Tôi dắt cô bé cùng với một số du khách đi thẳng xuống thác. Ðang mùa khô, ở thượng nguồn ít nước. Thác không chảy ào ạt mà chảy róc rách như một con suối nhỏ. Chúng tôi ngồi nghỉ chân ở một tảng đá nhẵn thín. Có lẽ trước chúng tôi đã có cả triệu người ngồi.
Cô bé ngồi hai tay chống cằm nhìn những chiếc lá khô trôi theo dòng nước. Tôi hỏi:
- Em suy nghĩ gì vậy?
Cô bé lắc đầu. Tôi hỏi tiếp:
- Vết thương trên trán đã làm em nhức đầu?
- Không. Tự nhiên em thấy đầu em "nặng" quá.
Tôi cười đùa:
- Vậy hè này em nên tiếp tục đi học.
Cô bé ngước mắt nhìn tôi:
- Ði học làm đầu óc nhẹ đi?
- Ðúng vậy. Nhồi nhét thật nhiều chữ nghĩa vào đầu, đầu người ta sẽ trống rỗng vì khỏi suy nghĩ.
- Em không thích một đầu óc trống rỗng.
- Nhưng không đi học như em, đầu óc sẽ hóa thành đá và nặng chình chịch.
- Em cũng mong được như vậy để khỏi nhớ đến cái đã mất.
Nhắc đến cái đã mất thật phiền. Tôi sợ em nổi cơn đòi lội suối đi tìm, bắt tôi lẽo đẽo lội theo canh chừng. Ðể em quên chuyện đó đi, tôi vẫy gọi một người thợ chụp hình. Cô bé nào mà chẳng thích chụp mình đang cười. Vả lại tôi cũng muốn chụp chung với em một tấm hình để làm kỷ niệm. Nhưng cô bé đã đứng dậy bỏ đi. Tôi đành xin lỗi người thợ chụp hình rồi chạy theo níu em đứng lại.
- Tôi quên em còn miếng băng dán trên trán, chụp hình trông rất xấu.
Cô bé lắc đầu:
- Không phải em sợ chụp hình mình xấu đâu mà em sợ những kỷ niệm. Em đã có những kỷ niệm quá buồn.
- Nhưng chụp hình đâu phải là một kỷ niệm buồn.
- Nó là kỷ niệm vui, nhưng cũng giống như một kỷ niệm buồn, nó sẽ làm em không quên được. Rồi em sẽ phải vất vả đi tìm kiếm nó.
Tôi chỉ xuống phía dưới chân thác, giữa những vòm cây xanh có những chuồng sắt.
- Thôi, chúng ta đi xuống dưới đó xem khỉ. Nó sẽ giúp em có một kỷ niệm buồn... cười. Mau quên.
Tôi nắm tay cô bé bước từng bước xuống những bậc thang đá quanh co. Ðột nhiên em giằng tay em ra khỏi tay tôi và bước nhanh. Tôi vội đuổi theo nắm lấy vai em.
- Cẩn thận nhỏ, coi chừng ngã.
Cô bé hích hích vai như muốn thoát khỏi tay tôi.
- Em đã ngã một lần rồi. Em không sợ ngã nữa.
- Lần đó em ngã ở cầu thang trong nhà, chỉ u đầu sứt trán. Còn ngã ở đây sẽ bể đầu chết tươi.
- Lần đó, em sợ mất hộp quẹt nên đuổi theo chụp lấy nó mới bị ngã. Còn ở đây sức mấy mà ngã được.
- Em đã cất hộp quẹt ở nhà?
- Không. Ở đây ông đuổi theo chụp bắt em, chứ em đâu có đuổi theo ông. Vậy người sợ ngã là ông mới đúng.
Tôi đi sát sau lưng cô bé, nói:
- Nếu có ngã, tôi sẽ níu em ngã theo.
Cô bé quay lại nói:
- Em không sợ. Ngã hai người cái đau sẽ bị chia làm hai nên ít đau hơn khi ngã một mình.
Chúng tôi đứng lại bên chuồng sắt nước sơn loang lổ. Trong chuồng có hai con khỉ lớn và một con khỉ nhỏ lông vàng hoe, đang đu nhảy trên một cành cây khô.
Cô bé đang nhai kẹo cao su. Em chu miệng giữa hai song sắt chuồng khỉ, phùng má thổi ra một bong bóng lớn. Chú khỉ con tò mò đu người đến gần, đưa tay chụp bắt. Bụp. Quả bong bóng vỡ. Chú khỉ hoảng hốt kêu chí chóe rồi bỏ chạy.
Cô bé quay qua tôi, mỉm cười:
- Ông thấy em có giống con khỉ nhỏ đó không?
Tôi thở một hơi khói thuốc vào chuồng khỉ.
- Giống thế nào được. Em thông minh hơn nó nhiều.
- Em không thông minh hơn nó đâu. Em cũng đang chụp bắt một quả bóng dễ vỡ như nó.
- Quả bóng nào đâu?
- Quả bóng đó là trái tim của một người đang đứng sát bên em.
- Vậy thì nó không dễ vỡ đâu.
- Làm sao ông biết nó chắc chắn được?
- Biết chớ. Vì nó bằng sắt.
Tôi nói vậy để cô bé tin ở đời này không phải mọi thứ đều mong manh dễ vỡ. Còn có những cái rất bền vững. Nhưng rồi em đã lắc đầu thở dài.
- Thật đáng buồn. Như thế nó sẽ không bay lên được.
- Em muốn bay lên à? Ðược rồi. Hãy theo tôi.
Tôi nắm tay cô bé dang rộng ra rồi cùng chạy nhanh lên đồi dốc. Một viên sỏi làm tôi trượt chân loạng choạng ngã, nhưng tôi cũng kịp buông tay cô bé để em khỏi ngã theo.
Tôi lồm cồm bò dậy. Hai bàn tay tôi bị đá cào xước rỉ máu. Cô bé đến nắm tay tôi, thổi phù phù vào vết thương rồi nói:
- Sao ông lại buông tay em ra? Em đã nói ngã hai người, cái đau bị chia hai bên bớt đau đi.
Tôi nhăn nhó nói:
- Bớt đau sao được. Nếu cả hai cùng ngã, em sẽ ngã đè lên người tôi và tôi càng đau hơn.
Tôi đưa tay phủi bụi dính đầy ngực áo. Bụi bay ra thành quầng. Cô bé lấy tay quạt quạt đám bụi bay trước mặt em.
- Vậy mà ông dám nói trái tim ông bằng sắt. Em nghĩ trái tim ông bằng đất sét thì đúng hơn. Nó vừa bị vỡ, bụi bay tứ tung!
**********************************************
Người lính: Em yêu hãy tha lỗi cho anh. Anh chẳng nói được lời chân thật nào lúc này. Anh chỉ nói được những lời chẳng đáng nói. Có một cái gì đã xảy ra trong đầu óc u mê của anh, khiến anh biết rằng mọi lời anh nói ra đều vô nghĩa. Anh có thể nói "anh yêu em" dễ dàng. Anh có thể nói "anh yêu em" hàng triệu lần. Nhưng trời ơi, làm sao anh có thể diễn tả được lòng anh yêu em.
Thiếu nữ: Anh cứ nói "anh yêu em". Anh cứ nói những lời mà anh nghĩ là vô nghĩa đó cho em vui. Nói đi anh.
Người lính: Không. Anh không thể nói những lời gian dối đó. Anh chẳng thể lừa gạt tình yêu em đã dành cho anh. Hãy cho anh có một niềm tin để sống.
Thiếu nữ: Hãy nói đi anh, cố gắng nói cho em vui. Hãy nói những lời mà anh cho là gian dối. Bây giờ em sung sướng được nghe những lời gian dối đó. Em sợ sự im lặng của anh.
Người lính (cúi mặt) : Không. Em hãy hiểu cho anh. Hãy cố gắng hiểu cho anh.
Thiếu nữ: Em van anh hãy nói: "anh yêu em".
Người lính: Anh... (lắc đầu).
Thiếu nữ: Hãy nói nhanh đi anh. Ðừng để đầu óc kỳ quặc của anh giam giữ những lời em náo nức chờ đợi, những lời đang sẵn sàng thoát ra từ môi anh. Nào hãy nói nhanh đi. Hãy vì em mà nói: "Anh yêu em".
Người lính (hét lên như một cái máy): ANH... YÊU EM MÃI MÃI VÔ CÙNG. ANH.... YÊU EM MÃI MÃI VÔ CÙNG. ANH...
Thiếu nữ(bịt miệng người lính): Thôi đủ rồi. Em chỉ cần từng ấy tiếng. Em cũng yêu anh biết bao. Giờ đây em không còn sợ sự im lặng của anh nữa.
Người lính (khóc): Trời ơi! Tôi đã nói gì với nàng?
Màn hạ. Tiếng vỗ tay lộp độp. Buổi tổng diễn tập tối nay đã làm mọi người hài lòng. Như thế chỉ còn ba hôm nữa vở kịch Tình nhỏ làm sao quên của tôi sẽ trình diễn buổi ra mắt vào lúc 19 giờ 30 tối thứ bảy, tại hội trường trường đại học.
Sau buổi tổng diễn tập, tôi ngỏ ý muốn chiêu đãi hai nữ diễn viên Liên và Hạnh một chầu bún bò Huế. Liên cười nói:
- Thôi để tác giả và nhân vật chánh được tự do "thảo luận". Liên bận chút việc phải về nhà. Hẹn dịp khác.
Hạnh níu vai Liên, nói:
- Thảo luận chung mà. Có Liên góp ý càng tốt.
- Chưa chắc à. Có thể ý kiến của Liên sẽ làm cho cuộc "thảo luận tay đôi" xấu đi.
Nói xong, Liên cười bỏ đi trước. Tôi và Hạnh lững thững đi bộ xuống phố.
Quán bún bò bán trên lề một con đường nhỏ nhưng đông khách vì bún rất ngon. Quán chỉ bán từ 6 giờ chiều đến 9 giờ đêm là hết. Quán này Ðăng dẫn tôi đi ăn lần đầu tiên. Sau đó tôi dẫn cô bé đến ăn lần thứ 2 và hôm nay tôi dẫn Hạnh đến ăn lần thứ ba.
Chúng tôi ngồi xuống một bàn gỗ nhỏ. Trên bàn đã bày sẵn đĩa rau sống, dĩa ớt đỏ tươi và những miếng chanh vàng mọng. Hai tô bún bò nóng hổi được một người đàn ông hút thuốc rê bưng ra đặt trên bàn.
Trời lành lạnh, tô bún bò cay xè đã làm tôi ấm người. Ăn xong tôi mời Hạnh đến nhà hàng Thủy Tạ uống cafe và nghe nhạc.
Bước đến gần cửa nhà hàng, tôi ngạc nhiên thấy có dán tờ áp phích quảng cáo buổi trình diễn vở kịch của tôi và phía dưới có dòng chữ "vé có bán trước tại đây". Tôi nghĩ ông chủ nhà hàng này là một Mạnh Thường Quân của buổi diễn kịch, nếu không ai mà chịu quảng cáo không công như vậy.
Chúng tôi đến ngồi ở chiếc bàn phủ khăn trắng, kê sát lan can ngó xuống mặt hồ. Gió thổi từ mặt nước lên mát rượi. Tiếng hát Tuấn Ngọc vang lên với bài "Khúc Thụy Du":... Thụy bây giờ về đâu? Anh là chim bói cá, em là bóng trăng ngà. Chỉ cách một mặt hồ mà nghìn trùng chia xa...
Tôi gọi hai ly cafe đá và một dĩa bánh ngọt. Hạnh vuốt vuốt những sợi tóc gió thổi bay lòa xòa trước trán. Nàng hỏi:
- Bây giờ anh có thể cho em biết tại sao anh đặt tựa vở kịch là "Tình nhỏ làm sao quên?".
Tôi búng mẩu thuốc ngắn bay bổng lên trời rồi rơi xuống mặt hồ tối đen.
- Em là nhân vật chính của vở kịch, em có thể tự giải đáp được mà.
- Em muốn hỏi anh dùng chữ "nhỏ" là cô nhỏ hay mối tình nhỏ bé vụn vặt?
Tôi cắn hai miếng bánh ngọt rồi trả lời:
- Cả hai.
- Anh đừng bắt cá hai tay.
- Bắt một tay dễ sẩy lắm. Anh bắt cá hai tay cho chắc ăn.
- Anh đừng đùa nữa. Hãy lựa chọn hoặc con nhỏ "mát" hoặc mối tình nhỏ bé của em.
Miếng bánh nghẹn ở cổ, tôi phải uống một ngụm lớn cafe đá cho nó trôi đi.
- Ðừng bắt anh lựa chọn để loại trừ, trong khi anh thật lòng quý mến cả hai người.
Hạnh dùng ngón tay trỏ vẽ thành vòng tròn trên miệng ly cafe đá:
- Có phải anh đã thương hại em?
- Không bao giờ. Anh chỉ biết thương chứ không biết hại ai.
Hạnh lắc đầu, mái tóc ngắn của nàng đong đưa hai bên má:
- Thật đáng tiếc. Ngay ngày xưa khi bằng tuổi con nhỏ "mát", em cũng không được anh chú ý đến như anh đã chú ý đến nó bây giờ.
- Tại em không... không...
- Em hiểu rồi. Tại em không đẹp và không giàu bằng nó.
- Em không hiểu gì cả. Em đã may mắn không bị "mát" như cô bé đó, nên anh không cần phải chú ý giúp đỡ em.
Hạnh nhếch môi cười:
- Có thật sự anh chỉ muốn "giúp đỡ" nó?
Ðây là lần thứ hai Hạnh hỏi tôi câu đó. Biết nói sao cho nàng tin khi giữa tôi và cô bé cho đến nay cũng chỉ là một "trò chơi giết thì giờ" hấp dẫn.
- Con ăn kem Chocolate, còn vú ăn kem gì?
- Kem lạnh làm vú buốt răng.
- Vậy vú uống gì?
- Vú ngồi chơi được rồi.
- Vào nhà hàng chỉ ngồi chơi không uống nước đâu được.
- Vậy vú uống trà nóng.
Tôi vội quay người lại, ngạc nhiên thấy cô bé và bà vú ngồi cách tôi một bàn. Tôi đã ngồi quay lưng ra cửa nhà hàng để nhìn xuống mặt hồ nên cô bé vào lúc nào tôi không hay biết. Tôi nói với Hạnh:
- Anh mời cô bé và bà vú qua bàn mình uống chung cho vui nghe.
Hạnh nhăn mặt:
- Anh để họ ngồi riêng không được à?
- Anh muốn em làm quen với cô bé rồi em sẽ thông cảm với cô ấy.
Tôi đứng dậy đi qua bàn cô bé đang ngồi. Tôi chào bà vú rồi kéo ghế ngồi xuống bên em.
- Tối nay em đi tìm cái đã mất ở đây à?
Cô bé bật quẹt gaz soi mặt tôi rồi tắt đi.
- Không. Em đi tìm ông.
- Sao em biết tôi ở đây mà tìm?
- Cái mà em đã đánh mất có thể chỉ tìm thấy ở nơi im lặng. Còn nơi nào có ánh đèn, có nhạc, có người là có ông.
Tôi phì cười nói:
- Thôi được rồi. Bây giờ tôi mời em qua bàn tôi ngồi chung cho vui.
- Bàn của ông ở đâu vậy?
Tôi đưa tay chỉ. Cô bé ngoái cổ nhìn theo tay tôi rồi em quay lại hỏi:
- Ông ngồi với ai vậy?
- Một cô bạn gái.
- Có phải cô ấy đã có lần mời ông đi ăn bún bò Huế?
- Ðúng rồi. Cô ấy là diễn viên đóng kịch của tôi.
- Vở kịch của ông bao giờ mới trình diễn?
- Tối thứ bảy này.
- Vậy mà em cứ tưởng tối nay.
- Sao em nghĩ vậy?
- Chứ không phải ông và cô ấy đang đóng kịch à?
- Không. Chúng tôi chỉ đóng kịch trên sân khấu.
- Tôi thứ bảy, ông dẫn em đi xem kịch nghe.
- Ðược rồi, tôi sẽ xin phép má em cho em đi xem. Bây giờ em đi qua bàn tôi ngồi cho vui.
Cô bé gãi gãi chỗ dán băng keo trên trán.
- Em xin lỗi ông đừng giận. Em thích xem kịch chứ không thích ngồi chung với những người đóng kịch. Ông hãy ngồi đây với em.
Người phục vụ bưng cái khay có ly kem chocolate, bình trà nóng và hai cái ly nhỏ đặt lên bàn. Tôi kéo ghế đứng dậy. Cô bé níu tay tôi.
- Ông lại "nóng" rồi. Em đã xin lỗi ông đừng giận mà.
Tôi đi về bàn của mình, gọi người phục vụ tính tiền rồi nắm tay Hạnh dắt đi.
- Này ông, em đã biết "nó " ở đâu rồi.
Tôi nghe tiếng cô bé gọi nhưng tôi vẫn thản nhiên nắm tay Hạnh bước xuống bậc thang nhà hàng Thủy Tạ. Ra ngoài đường, Hạnh bóp nhẹ tay tôi, hỏi:
- Nó đã nói gì mà anh giận dữ vậy?
Tôi buông tay Hạnh nói:
- Không. Chẳng có chuyện gì.
****************************
Ðêm qua, tôi đã thức suốt đêm để viết tiếp vở kịch về tên bạo chúa Lê Long Ðĩnh. Sau đó tôi ngủ vùi gần 11 giờ sáng mới thức dậy.
Tôi mở toang các cửa phòng cho nắng ùa vào rồi đi làm vệ sinh cá nhân. Tôi đang cắm bếp điện, nấu một ấm nước sôi để pha trà thì bác quản gia bước vào phòng. Bác đặt một tách cà phê đen trên bàn:
- Con tôi mới cho một ít cà phê đặc biệt. Tôi pha cho cậu uống thử. Tôi đợi mãi mới thấy cậu thức dậy.
- Cám ơn bác. Tối qua tôi thức làm việc quá khuya.
Rồi tôi kéo ghế mời bác ngồi. Bác xua tay:
- Thôi, tôi xuống nhà dưới để cậu tiếp tục làm việc.
- Bây giờ tôi rảnh rỗi. Bác cứ ngồi nói chuyện cho vui.
Bác quản gia ngồi xuống ghế. Tôi mời bác hút thuốc rồi hỏi:
- Chắc bác cũng biết bà chủ sắp bán nhà. Rồi vợ chồng bác sẽ đi đâu?
- Bà chủ có hứa sẽ cho vợ chồng tôi một số vốn để làm ăn. Chúng tôi sẽ về Tùng Nghĩa làm vườn với thằng con trai. Còn cậu bao giờ về Saigon?
Tôi nhấp một hớp cà phê đen. Mùi cà phê thơm ngon tuyệt vời. Tôi nói:
- Tối thứ bảy này sẽ trình diễn vở kịch của tôi ở đây. Có thể sáng chủ nhật tôi sẽ trở về Saigon sớm. Bác có thích xem kịch không? Tôi sẽ tặng bác một giấy mời.
Bác quản gia vuốt râu cằm:
- Cám ơn cậu. Buổi tối tôi chỉ thích làm vài ly rượu rồi ngủ cho khỏe.
Tôi cười nói:
- Tôi cũng muốn vậy mà không được.
- Chỉ có uống rượu rồi ngủ. Dễ vậy mà cậu cũng không làm được?
Tôi lắc đầu:
- Tôi bắt buộc thức khuya viết kịch để kiếm ăn.
- Vậy cậu giống con vạc chuyên đi kiếm ăn đêm.
- Tôi còn khổ hơn con vạc vì phải lo kiếm ăn cả ban ngày nữa.
Bác quản gia mỉm cười:
- Lo kiếm ăn như cậu, chẳng bao lâu sẽ giàu như ông chủ.
Tôi hớp một hớp cà phê rồi cười theo:
- Giàu rồi chết thê thảm như ông chủ, tôi không ham. À, hôm ông chủ chết, bác có chứng kiến?
Bác quản gia lim dim đôi mắt để nhớ lại chuyện đã qua.
- Tôi cũng sắp chia tay bà chủ và rời khỏi ngôi nhà này. Vậy tôi kể lại cho cậu rõ:
Buổi sáng hôm ấy tôi đang ngồi uống trà. Bên ngoài cửa sổ trời còn tối mờ và sương giăng đầy. Hình như mới hơn 5 giờ sáng. Chợt có tiếng súng nổ làm tôi giật mình, mở cửa đi ra ngoài vườn. Tôi cứ nghĩ tiếng súng nổ ở ngoài đường. Rồi có tiếng la hét "Ba ơi, ba ơi" của con bé Lan Hương, tôi hốt hoảng chạy băng qua sân lên nhà ông chủ rồi leo lên lầu.
Cửa phòng ông chủ mở toang. Ðèn trong phòng còn bật sáng. Ông chủ nằm sấp trên tấm thảm xanh, đầu đầy máu. Khẩu súng săn nằm dưới chân ông. Con bé nằm ôm vai người cha, đã bất tỉnh. Tôi bủn rủn tay chân, đứng bất động một lúc rồi chạy đi gọi công an.
Họ đến đem con bé Lan Hương vào nhà thương cấp cứu. Ông chủ chết ngay tại chỗ vì đã ngậm đầu súng trong miệng rồi tự bóp cò.
Tôi gật đầu nói:
- Ðúng là chết giống như Hemingway!
- Cậu nói ông chủ chết giống ai?
- Giống một nhà văn nổi giếng trên thế giới mà ông chủ rất yêu thích.
Bác quản gia nhíu mày suy nghĩ.
- Ðã giàu có rồi, không lẽ ông chủ còn muốn được "nổi tiếng"?
- Thì cái chết của ông ấy đã "nổi tiếng" khắp thành phố này rồi. Hôm ông chủ chết, bà chủ đang ở Saigon à?
- Bà chủ có công chuyện đã đi xuống Saigon trước đó hai ngày. Tôi phải gọi điện thoại cho bà về làm đám tang cho ông.
- Theo bác, hai người sống với nhau có hạnh phúc không?
Bác quản gia trầm ngâm:
- Trước kia, vợ chồng ông chủ sống với nhau rất hạnh phúc. Cho đến khi ông chủ bị tai nạn. Trong một buổi đi săn, ông bị cọp vồ vào hạ bộ khiến ông bị bất lực. Bà chủ đang tuổi hồi xuân nên đã có tình nhân mới. Ông chủ muốn ly dị nhưng lại sợ theo luật pháp người mẹ có quyền giữ cô con gái. Ðã nhiều lần tôi thấy ông chủ chĩa súng ngắm vào bông hồng trong vườn, rồi ông lắc đầu, bỏ súng xuống. Có lẽ để khỏi giết người khác, ông đã phải tự giết mình.
- Trước khi ông chủ mất, cô bé sống có bình thường?
- Nó sống cũng như những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi. Ði học, vui chơi, nghịch ngợm. Cái chết thê thảm của người cha khiến nó hoàn toàn thay đổi tính nết. Ðầu óc nó có vẻ bất bình thường. Nó sống lầm lũi như bà già. Thỉnh thoảng người ta thấy nó đứng khoa chân múa tay nói chuyện với cái bóng của nó. Ngay với bà chủ, nó cũng thường ngồi lặng im và chăm chú quan sát bà. Gần hai năm rồi cô bé chưa về lại ngôi nhà này, nơi nó đã sinh ra. Chắc bà chủ ngăn cấm không cho nó về. Nhiều lúc tôi nhớ con bé cũng như nhớ một đứa cháu ngoan ở xa. Vì tánh nó rất thương người, không kiêu kỳ như những đứa con nhà giàu khác.
Tiếng máy xe Vespa nổ dòn từ ngoài cổng và Ðăng lái xe chạy dến ngay trước cửa phòng tôi. Anh dựng xe rồi bước nhanh vào phòng. Giọng hớt hải:
- Cậu biết tin gì chưa?
Tôi đứng dậy hỏi lại:
- Buổi diễn ra mắt vở kịch bị trục trặc à?
Ðăng lắc đầu:
- Con gái bà chủ đã bị tai nạn.
Bác quản gia kêu lên:
- Trời ơi! Con bé có sao không?
Tôi hốt hoảng hỏi Ðăng:
- Cậu biết tin khi nào?
- Mới sáng nay. Tôi đem giấy mời xem kịch đến nhà bà chủ ở với người em. Bà chủ không có nhà. Người giúp việc cho biết bà chủ đã vào nhà thương lo cấp cứu cho con gái.
- Tôi mới nói chuyện với cô bé tối qua mà. Em bị đụng xe sáng nay à?
- Người giúp việc không nói nên tôi không biết. Tôi đến để chở cậu cùng vào nhà thương hỏi thăm.
Tôi quay qua nói với bác quản gia:
- Nhờ bác đóng cửa phòng giúp. Tôi đi về sẽ kể lại mọi chuyện cho bác rõ.
Bác quản gia đôi mắt đỏ hoe:
- Tội nghiệp con bé. Mong sao nó đừng đi theo ông chủ quá sớm.
Tôi không biết nhà thương của thành phố nằm ở đâu nên ngồi im cho Ðăng lái xe chở đi. Qua khu trung tâm thành phố, Ðăng phóng xe thật nhanh về hướng thác Cam Ly. Ðến một ngã ba, anh quẹo mặt rồi từ từ chạy lên đồi dốc.
Bệnh viện trắng xóa nằm trên đỉnh đồi, giữa những cây thông xanh. Ðăng gửi xe.
Chúng tôi đi bộ đến phòng cấp cứu để hỏi thăm tin tức. Cô y tá trực đang ngồi đọc báo ở bàn. Khi tôi nói tên cô bé, cô y tá mở sổ ra xem rồi hỏi lại:
- Cô bé bị chết đuối à?
- Sao lại chết đuối? Cô bé bị tai nạn xe cộ hay bị trúng gió gì đó.
- Vậy không có cô đó ở đây.
Tôi năn nỉ:
- Nhờ cô xem kỹ lại trong sổ.
Cô y ta nhìn vào sổ trực một lần nữa rồi nói:
- Chỉ có cô bé bị chết đuối. Ðã chuyển xuống nhà xác lúc bảy giờ. Ông hãy xuống nhà xác xem có đúng không?
- Xin lỗi cô, nhà xác nằm ở đâu?
- Ông đi vòng qua phía sau dãy lầu này rồi đi thẳng về phía tay trái.
- Cám ơn cô.
Tôi cúi gầm mặt bước đi, lòng phân vân tự hỏi. Tại sao cô bé lại bị chết đuối? Ở đây làm gì có sông ngòi để em đi bơi? Ðăng im lặng bước theo tôi, chắc anh cũng không biết nhà xác nằm ở đâu để dẫn đường.
Tôi hỏi thăm ông y tá mặc áo blouse trắng đi ngang qua. Ông chỉ một dãy nhà trệt nằm phía lưng chừng đồi. Tôi đi như chạy xuống dưới đó. Tôi hy vọng đấy chỉ là một sự nhầm lẫn vì trùng tên. Cô bé vẫn còn sống, chắc thế. Và em đang nằm điều trị trong một phòng nào đó trên dãy lầu cao kia.
Người ta đang chuyển một quan tài từ nhà xác ra chiếc xe tang màu đen đậu ở trước cửa. Tôi thấy bà vú đang ngồi lấy khăn tay lau nước mắt ở bên ngoài nhà xác. Tôi chạy vội đến hỏi:
- Cô bé đâu?
Bà ngước lên nhìn tôi rồi òa khóc:
- Nó nằm ở trong đó.
Tôi và Ðăng cùng bước vào nhà xác. Các cửa sổ đều đóng kín. Những bóng đèn tròn có chóa, buông thõng từ trần nhà xuống, tỏa ánh sáng vàng đục. Trên một dãy giường sắp hàng dài có khoảng bốn, năm người nằm, tấm ra trắng phủ kín đầu. Tôi hỏi thăm người trực, ông mở sổ ra xem và chỉ giường số 6.
Tôi run run vén tấm ra phủ kín đầu người nằm trên giường. Tôi ứa nước mắt khi nhìn thấy mặt cô bé xanh như một nhánh rêu. Tóc em chải ngược về sau để lộ cái trán vồ bướng bỉnh. Ðôi mắt em nhắm nghiền. Tôi khẽ vuốt đôi mắt ấy và cảm thấy da em lành lạnh. Ðấy không phải là khuôn mặt thường ngày của cô bé. Ðấy là chiếc mặt nạ bằng sáp của những người dự hội hóa trang ở cõi chết. Tội nghiệp cô bé chưa đến tuổi để dự dạ hội đó. Vậy mà em vẫn phải nhận giấy mời.
Tôi kéo tấm ra lên che kín mặt cô bé rồi lấy tay chùi những giọt nướt mắt trên má mình. Ðăng ôm vai tôi dìu đi. Ra ngoài nhà xác, Ðăng hỏi bà vú:
- Bà chủ đâu?
- Bà ấy đang lo thủ tục xin chôn cất.
Ðăng quay qua nói với tôi:
- Cậu ngồi đây. Tôi lên văn phòng xem có giúp được gì cho bà ấy.
Ðăng bước đi. Tôi ngồi xuống ghế gỗ bên cạnh bà vú.
- Cô bé chết đuối khi nào vậy bà?
- Ngay tôi qua.
- Tối qua? Tôi còn gặp bà vú và cô bé ở nhà hàng Thủy Tạ mà?
Bà vú sụt sùi lau nước mắt rồi kể:
- Tối qua khi cậu dắt cô bạn gái ra về, con bé đã bặm môi nhìn theo cậu chăm chăm. Nó bỏ mặc ly kem chưa ăn, bắt tôi dắt nó đi theo cậu. Ra ngoài đường chúng tôi không thấy bóng dáng cô cậu ở đâu. Ðến một ngã ba, tôi không biết cô cậu đi về hướng nào để dắt con bé đi theo. Sau cùng nó đổi ý bắt tôi dắt đến chỗ cầu gỗ, nơi nó đã gặp cậu lần đầu.
Ðến nơi vì mỏi chân, tôi đã ngồi tựa lưng vào một gốc thông để nghỉ trong khi chờ xe đến đón. Tôi nghĩ chắc con bé chỉ đi loanh quanh ở chổ mấy bụi cỏ, để tìm cái nó muốn tìm như mấy bữa trước. Và tôi đã mệt mỏi ngủ thiếp đi.
Tiếng còi xe hơi đến đón kêu vang làm tôi tỉnh dậy. Tôi vội đi tìm con bé để bắt nó về nhưng chẳng thấy nó đâu. Tôi hốt hoảng đi dọc theo bờ hồ tìm kiếm cũng không thấy. Tôi nói người tài xế lái xe về báo cho bà chủ biết. Xe chạy đi. Tôi lại tiếp tục tìm kiếm con bé trên bờ hồ.
Khi bà chủ đến, bà nhìn thấy chiếc pédalo trôi lềnh bềnh ở giữa hồ. Bà hỏi tôi có thuê chiếc pédalo đó cho con bé đi? Tôi trả lời không. Bà đi tìm anh bảo vệ hồ, nhờ anh chèo thuyền ra xem có con bé trên chiếc pédalo.
Anh bảo vệ lấy thuyền chèo đi, một lúc sau anh kéo chiếc pédalo vào bờ. Không có nó mà chỉ có một chiếc dép màu xanh của nó nằm trên sàn pédalo. Bà chủ đi gọi điện cho công an cấp cứu. Họ có đến nhưng chẳng làm được gì. Lúc đó đã quá khuya. Các hàng quán trên bờ hồ đã tắt đèn. Mặt hồ tối đen không nhìn thấy gì.
Gần 6 giờ sáng, xác con bé nổi lên trên mặt hồ. Người ta nhìn thấy nhờ chiếc áo thun đỏ nó mặc. Công an đã chèo thuyền ra vớt con bé đem lên bờ rồi chở vào nhà thương cấp cứu. Nhưng đã quá trễ.
Trời ơi! Tất cả lỗi đều do tôi đã ngủ quên không canh chừng con bé, để nó lấy pédalo đạp ra giữa hồ rồi sẩy chân ngã xuống nước mà không hay biết. Tôi biết sống làm sao đây với bà chủ?
Bà vú già lại sụt sịt khóc. Trong khi tôi rùng mình nhớ lại câu nói của cô bé tối qua, khi tôi đi ngang qua bàn em ngồi.
- Này ông, em đã biết "nó" ở đâu rồi.
Như vậy cô bé đã tin cái em đánh mất nằm ở đáy hồ nên em nhảy xuống đó tìm kiếm?
Nếu tôi không dắt em đi chơi pédalo ở trên hồ, chắc chẳng bao giờ em nghĩ ra "nó" nằm ở dưới đó.
Nếu tối qua tôi chịu khó ngồi uống nước với em, đừng giận dỗi bỏ về với Hạnh, chắc tôi đã ngăn cản được em bỏ ý định tìm kiếm "nó" ở dưới đáy hồ.
Nếu...
Như vậy cái chết của em là do lỗi tại tôi chứ không phải tại bà vú. Tôi muốn nói cho bà biết để bà đỡ bị dằn vặt. Nhưng không hiểu sao, tôi chẳng thốt lên lời trước tình yêu cũng như trước cái chết.
Cô bé được chôn cất vội vã ngay trong buổi chiều hôm ấy. Ðối với người chết đuối người ta ngại để lâu và ngại đem xác về nhà tẩm liệm. Chiếc xe tang đã chở em từ nhà xác đến thẳng nghĩa trang.
Rất đông người đã đi theo xe tang với những vòng hoa phúng điếu. Tôi nghĩ họ muốn chia buồn với bà chủ hơn là muốn tiễn đưa cô bé đến nơi an nghỉ cuối cùng. Bởi tất cả đều đã lớn tuổi. Trong số đó tôi tin chẳng ai là bạn của em. Thật đáng buồn ở lứa tuổi em mà lại không có một người bạn.
Tôi có thoáng thấy bà chủ hai ba lần. Bà mặc bộ đồ đen và đôi mắt thâm quần. Tôi muốn đến chia buồn với bà một đôi lời nhưng nghĩ chẳng ích gì. Tôi muốn giúp bà làm cho cô bé trở lại đời sống bình thường nhưng rồi tôi đã vô tình đẩy em đến cái chết.
Tôi nhớ có lần bà chủ nói: "thân thiết với cậu cũng có cái hại cho nó". Lúc đó tôi đã cãi lại và bây giờ mới biết bà đã nói đúng. Vậy thì tôi đáng bị nguyền rủa, còn bày đặt làm mặt nghiêm trang chia buồn với ai!
Nhóm kịch chúng tôi đi đưa đám tang có Ðăng, tôi và Hạnh. Nàng mặc áo dài trắng và cầm theo một bó hoa marguerite trắng. Thấy tôi đi tay không, nàng chia nửa bó hoa đưa cho tôi. Tôi lắc đầu nói cám ơn. Nàng nói:
- Anh muốn tặng cô bé một bó hồng bạch?
- Không. Tôi đã tặng cô bé một trái tim bằng đất sét.
- Anh lúc nào cũng giễu cợt được.
- Tôi nói đứng đắn mà. Chính cô bé đã gọi trái tim tôi như vậy. Nó đã bị vỡ và bụi bay tứ tung.
Hạnh lắc đầu:
- Anh đã bị lây bệnh "mát" của cô bé rồi.
Ðám tang kết thúc vào buổi chạng vạng. Mọi người vội vã ra về. Không ai còn nhìn rõ mặt ai. Thế cũng hay. Người ta không còn phải e ngại là mình đã không khóc. Mà tại sao lại phải khóc như tôi, cho một cô bé "mát" nhỉ? Hãy để dành nước mắt cho những người xứng đáng hơn.
Tôi lẳng lặng một mình rời khỏi nghĩa trang. Lần đầu tiên trong đời, một ngày không ăn mà tôi không cảm thấy đói bụng. Nỗi buồn cũng có cái hay vì nó đã giúp tôi no.
***************************************
Tôi thu xếp quần áo, mấy tập bản thảo vào túi xách. Tôi muốn rời khỏi thành phố Ðà Lạt ngay buổi sáng thứ bảy. Tôi chẳng còn hứng thú đợi đến tối xem buổi trình diễn ra mắt vở kịch của mình.
Trời nắng nhạt. Một chút hương len lỏi trong khu vườn vắng lặng. Tôi đi xuống nhà dưới chào vợ chồng bác quản gia. Hơn một tháng sống với vợ chồng bác, tôi đã có cảm tình. Những bữa cơm thân mật ăn chung với gia đình bác trong những đêm mưa lạnh đã khiến tôi luôn luôn nhớ đến, hơn những bữa tiệc linh đình ở nhà hàng.
Cả hai vợ chồng bác mắt đều đỏ hoe. Chắc họ không đau buồn vì đưa tiễn tôi mà vì thương nhớ cô bé. Bác trai nói:
- Nhớ lần tới cậu lên Ðà Lạt, chúng tôi đã rời khỏi nhà này. Vậy cậu ghé thăm chúng tôi ở Tùng Nghĩa.
Tôi nói:
- Chắc chắn rồi. Tôi sẽ đến tận nơi thưởng thức những ly cafe đặc biệt của bác.
Bác gái nói:
- Cậu về gấp quá. Chúng tôi chẳng có quà gì tặng cậu đem về Saigon.
- Cám ơn bác. Những bữa cơm bác cho ăn đã là những món quà quý báu đối với tôi. Thôi xin chào hai bác.
Tôi đeo túi xách lững thững bước ra cổng rồi quay lại nhìn lần cuối ngôi nhà giữa vườn hoa xinh đẹp. Nơi đây tôi đã sống như một giấc mơ. Bây giờ giấc mơ đã chấm dứt và tôi phải tỉnh dậy.
Ðăng phóng xe Vespa chạy ào từ ngoài đường vào con đường trải đá trong vườn. Anh hỏi tôi trong khi vẫn để máy xe nổ.
- Cậu đi đâu đó?
Tôi đáp:
- May quá. Tôi định đón xe ôm ra bến xe đò về Saigon. Nhờ cậu chở giúp tôi một đoạn.
Ðăng tắt máy xe và gỡ chiếc kính đeo cầm tay.
- Cậu định về ngay bây giờ?
- Phải.
- Còn vở kịch?
- Phần tôi đã xong. Bây giờ nó thuộc về cậu.
- Ðâu được. Tối nay cậu phải dự buổi trình diễn ra mắt để tôi giới thiệu cậu với các vị mạnh thường quân và khán giả.
- Chẳng quan trọng gì. Người tôi muốn giới thiệu vở kịch của tôi đã không còn.
Ðăng lắc đầu.
- Cậu hơi coi thường bạn bè.
- Tôi xin lỗi đã làm cậu mất lòng. Tôi chỉ muốn nói tôi không còn hứng thú nhìn những nhân vật hư cấu của mình sống trên sân khấu, trong khi nhân vật thật ở ngoài đời đã ngủ yên.
Ðăng thở dài:
- Tùy cậu quyết định. Nhưng tôi muốn báo cho cậu biết bà chủ nhà muốn gặp cậu sáng nay.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Gặp tôi ư? Ở đâu?
- Bà ấy sẽ đến đây. Nếu cậu không muốn gặp, cậu cứ ra về.
Ðăng quay xe lại rồi phóng đi. Tôi biết anh đang giận nên chẳng muốn giữ anh lại để phân trần. Bạn bè có những lúc im lặng người ta sẽ hiểu nhau hơn. Còn bà chủ, tôi có nên nói chuyện với bà lần cuối? Dù sao bà cũng đã đối xử với tôi quá tốt, tôi chẳng thể làm ngơ ra về mà không ngỏ một lời cám ơn.
Tôi đành trở lại phòng trọ, quăng túi xách lên bàn và ngồi đợi.
Một tiếng sau, bà chủ đến. Bà mời tôi sang phòng khách nói chuyện.
Ðây là lần thứ hai tôi bước vào phòng khách lạnh lẽo này dù bên ngoài trời đã nắng gắt. Trước mặt tôi, bức tranh sơn mài vẽ cảnh hồ sen có một đôi vịt trắng vẫn đang đùa nghịch. Bác quản gia theo thông lệ đặt một bình trà nóng lên mặt bàn rồi lặng lẽ bước ra.
Bà chủ mặc quần áo màu xanh nhạt, hai tay đặt trên tựa ghế salon. Khuôn mặt bà không son phấn và đôi mắt bà hơi sung lên vì đã khóc thầm. Bà rót nước trà mời tôi và hỏi:
- Cậu định về Saigon ngay sáng hôm nay?
- Vâng. Tôi đã xong công việc. Cám ơn bà đã cho tôi ở trọ một thời gian dài.
- Cậu không cần phải cám ơn. Vì cậu đã giúp tôi hiểu được phần nào về cái chết của con tôi.
- Bà hiểu được nguyên do cái chết của cô bé?
Bà chủ im lặng mở bóp da màu nâu lấy ra cái hộp quẹt gaz màu xanh lá cây, để lên bàn.
- Hộp quẹt này của cậu?
- Không. Tôi đã mua tặng cô bé.
- Tự cậu mua tặng hay nó đòi mua?
- Cô bé tự chọn.
Bà chủ nhíu mày suy nghĩ:
- Cậu có biết nó cần dùng hộp quẹt để làm gì không?
Tôi lắc đầu và kể lại cho bà nghe chuyện tôi đã dắt cô bé vào hiệu sách. Em đã đòi mua tất cả những vật dụng gì có màu xanh lá cây. May thay cho tôi lần đó ở quầy hàng chỉ có cái kẹp và hộp quẹt gaz này có màu sắc mà em ưa thích. Tôi hỏi:
- Bà đã tìm thấy hộp quẹt gaz này ở đâu vậy?
- Khi vớt xác nó ở dưới hồ lên, một bàn tay nó nắm chặt. Người ta cạy bàn tay nó ra, thấy hộp quẹt này và lấy đưa cho tôi.
Tôi buột miệng kêu:
- Trời ơi!
Bà chủ thở dài, nói tiếp:
- Tôi không ngờ nó đã giống hệt cha nó. Chỉ thích màu xanh lá cây. Lần trước vào phòng của chồng tôi chắc cậu cũng đã thấy màn cửa, tấm thảm, vôi quét tường đều màu xanh lá cây. Cậu có biết những người thích màu xanh lá cây, tính tình họ như thế nào không?
Tôi lắc đầu.
- Tôi thật sự không biết khi người ta ưa thích một màu sắc lại có ý nghĩ gì.
- Phải mất một thời gian tìm hiểu qua sách vở và trong đời sống, tôi mới biết những người yêu màu xanh lá cây thích sống cô độc và họ rất dễ ghen tương.
- Ghen tương?
- Ðúng vậy. Chính chồng tôi đã tự tử vì ghen tương khi thấy tôi giao dịch làm ăn với nhiều người. Chắc con bé cũng vậy khi nó biết tôi có ý định muốn lập gia đình một lần nữa.
Bà chủ cầm hộp quẹt gaz đưa tận tay tôi.
- Cậu hãy giữ nó làm kỷ niệm. Nhưng tôi mong cậu đừng yêu màu xanh lá cây như con tôi.
Tôi mân mê hộp quẹt gaz màu xanh lá cây trên tay. Tôi không tin bà chủ đã nói đúng. Tôi không tin cô bé đã "ghen tương" khi biết người mẹ muốn bước đi bước nữa. Tôi cũng không tin em đã "ghen tương" khi thấy tôi nắm tay Hạnh dắt ra khỏi nhà hàng Thủy Tạ. Tôi tin...
Tôi quẹt thật mạnh bánh xe hộp quẹt gaz. Một ngọn lửa bùng lên làm tôi rát mặt. A! Tôi nhớ ra rồi câu thơ của Piere Emmanuel: Pourquoi verte, L éternité? Tại sao vĩnh cửu xanh màu lá cây?
Tôi tin sau cái chết thảm khốc và đột ngột của người cha, cô bé muốn đi tìm sự vĩnh cửu. những người đi tìm sự vĩnh cửu ở cõi đời này thường dễ bị "mát" vì thất vọng. Vì vậy họ đã phải tìm đến cái chết để hy vọng sẽ tìm thấy sự vĩnh cửu ở một cõi khác.
Tôi muốn nói ý nghĩa ấy với bà chủ. Nhưng chắc bà sẽ không tán đồng nên tôi im lặng, bỏ hộp quẹt vào túi và đứng dậy chào bà.
Bà chủ cũng đứng dậy tiễn tôi ra cửa. Bà nói:
- Cậu nên ở lại đây tối nay để xem vở kịch của cậu. Hãy bình tĩnh chứng kiến sự thành công hay thất bại của mình. Dù đau buồn tôi cũng đến xem vở kịch. Tôi hy vọng qua vở kịch, tôi sẽ hiểu người bạn của con tôi hơn.
Tôi thấy chẳng cần thiết nếu bà có hiểu tôi hơn. Có ích gì khi hiểu biết nhiều hơn nhưng đã quá trễ, trong khi chỉ cần một chút hiểu biết sớm hơn, người ta cũng giúp được nhau.
Nhưng tôi quyết định phải ở lại. Chiều nay tôi muốn gặp cô bé một lần cuối. Chiều nay tôi muốn nói với em một đôi lời. Ðã đến lúc tôi không thể lặng câm dù đối với người nằm trong mộ.
Trời chiều lộng gió. Những cây thông trên đồi kêu vi vu. Không có một bóng người trong nghĩa trang. Tôi đặt bó hoa bất tử trước ngôi mộ mới đắp của cô bé. Tôi không biết loài hoa này có ý nghĩa gì nhưng đối với tôi, cô bé cũng bất tử như tên loài hoa đó.
Nắng trên đỉnh đồi đã tắt. Dưới chân đồi còn viền một màu vàng nhạt. Tôi châm một điếu thuốc bằng hộp quẹt gaz tôi đã tặng cho cô bé. Hút một hơi thuốc dài, tôi thở khói bay um giữa trời chạng vạng. Gió thổi khói thuốc bay ngược vào mắt tôi cay xè. Tô quì xuống bới một lỗ nhỏ trên mộ cô bé, bỏ hộp quẹt gaz màu xanh lá cây xuống đó rồi lấp đất lại.
Tôi đứng dậy, phủi sạch bụi đất dính trên tay rồi thì thầm với em:
- Tôi tặng em hộp quẹt này, ở dưới đó lạnh lẽo em có thể dùng nó để sưởi ấm. Thật đáng tiếc khi tôi hiểu em đã đánh mất cái gì thì đã quá muộn. Tôi chẳng còn có thể giúp em. Người ta khó mà giúp được nhau đúng lúc. Luôn luôn quá sớm hoặc quá muộn và như thế sự việc đã đổ vỡ. Thôi ngủ ngon nghe nhỏ. Chúc em sẽ đến được nơi toàn màu xanh lá cây.
Ðể ngăn mình khỏi khóc, tôi bước nhanh xuống đồi. Hộp đồ chơi viên bi lăn trong túi áo cồm cộm. Tôi lấy nó ra và ném xuống nghĩa trang. Tôi không cần hộp đồ chơi "giết thì giờ" đó nữa. Thì giờ đối với tôi lúc này rất quí vì còn quá ít.
Vở kịch câm ngoài đời giữa tôi và cô bé đã hạ màn. Nhưng đúng 19 giờ 30 tối nay, trên sân khấu sẽ mở màn kịch nói của tôi: Tình nhỏ làm sao quên.
************************************************
Kết Thúc (END)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top