Chương 6: Chú tâm
Càng thường xuyên trở về ngôi nhà đích thực của chính mình, càng có nhiều thời gian thực tập chánh niệm thì ta càng ý thức được nỗi khổ đau của ta. Hơi thở chánh niệm và sự vắng lặng không những giúp ta tiếp xúc với niềm vui, mà còn giúp ta tiếp xúc được với nỗi đau, đặc biệt là khi ta ý thức hơn về nỗi đau mà ta đang trốn chạy.
Chúng ta có một khuynh hướng tự nhiên là muốn trốn chạy khổ đau. Nhưng không có khổ đau thì ta không thể lớn lên thành người.
Đối diện với khổ đau bằng cách này thì chúng ta sẽ bớt khổ đi nhiều, khổ đau có thể tự nó được chuyển hóa dễ dàng hơn.
Thay vì tiếp tục chạy trốn khổ đau hay đẩy khổ đau vào những xó xỉnh xa xôi nào đó trong tâm thức, ta chỉ cần nhận diện nó.
Nếu không bao giờ khổ đau, ta sẽ không có nền tảng hoặc động lực để phát triển trí tuệ và từ bi. Khổ đau rất quan trọng. Chúng ta phải học cách nhận diện và ôm ấp khổ đau vì ý thức về khổ đau sẽ giúp ta lớn lên.
Chúng ta khá thường xuyên tránh né sự im lặng, nghĩ rằng như vậy là chúng ta sẽ tránh được khổ đau, nhưng sự thật là dành thời gian tĩnh lặng để ý thức trở về ngôi nhà đích thực của chúng ta là cách duy nhất giúp ta trị liệu khổ đau.
Nhận diện khổ đau
Nhiều bài giảng của tôi có mục đích giúp mọi người học cách nhận diện khổ đau, ôm ấp khổ đau và chuyển hóa khổ đau. Chúng ta có khả năng mỉm cười với nỗi khổ của ta bằng sự bình an giống như ta mỉm cười với bùn vậy, bởi vì ta biết rằng, chỉ khi nào có bùn và biết cách tận dụng bùn thì chúng ta mới có thể trồng được sen.
Có thể có những nguồn khổ đau lớn, những nỗi đau do những cảm xúc mạnh gây nên và ở lại với ta lâu dài tạo thành những vết thương căn để. Tuy nhiên, cũng có những khổ đau nho nhỏ, mà tiếng Pháp gọi là les petites misères, nhưng lại làm chúng ta mòn mõi, hao gầy từ ngày này qua ngày khác. Nếu biết cách xử lý những khổ đau nho nhỏ ấy thì chúng ta sẽ không trở thành nạn nhân của những công việc hằng ngày. Khi khổ đau kết thành khối, cho dù là từ những khổ đau lớn hay từ những khổ đau nho nhỏ, chúng ta cũng nên học cách nhận diện và ôm ấp nó.
Khổ đau mà chúng ta đang có có thể được trao truyền từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên của chúng ta. Nếu có khả năng nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa thì không những ta chuyển hóa cho chính ta mà còn chuyển hóa cho cha mẹ, ông bà và tổ tiên ta nữa.
Chúng ta không thể trốn thoát nỗi đau. Nó có mặt khắp nơi. Bên cạnh những khổ đau cá nhân và khổ đau của cộng đồng loài người, thì cũng có những khổ đau từ thiên nhiên. Những thiên tai và thảm họa do con người gây ra xảy ra hằng ngày trên toàn cầu, như sóng thần, cháy rừng, đói kém, chiến tranh… những trẻ em vô tội chết mỗi ngày do thiếu nguồn nước sạch, thiếu thức ăn hoặc thuốc uống. Chúng ta cũng liên hệ mật thiết với những khổ đau này cho dù chúng ta không trực tiếp gánh chịu những khổ đau ấy. Em nhỏ kia, người đàn bà già nua kia, người thanh niên thiếu nữ kia… khi họ chết thì ta cũng chết với họ dưới hình thức này hay hình thức khác. Tuy nhiên, ta đang còn sống, nghĩa là họ cũng đang còn sống với chúng ta bằng một cách nào đó. Chúng ta phải thiền tập quán chiếu về điều này. Hiểu được sự thực sâu sắc này giúp chúng ta phát khởi nguồn Tư Niệm Thực, ước muốn sống như thế nào để có thể giúp người khác vẫn được tiếp tục sống như mình.
Hải đảo tự thân
Khi bước vào ngôi nhà của mình, ta có thể thư giãn, trở về với chính mình. Ta cảm thấy ấm cúng, thoải mái, an toàn và hạnh phúc.
Nhưng thực sự thì ngôi nhà đích thực của ta ở đâu?
Ngôi nhà đích thực của ta, cái mà Bụt gọi là hải đảo tự thân, là một nơi bình an bên trong. Thường thì ta không thấy nó ở đó, thậm chí ta không biết thật sự ta đang ở đâu, bởi vì môi trường bên ngoài và bên trong ta đầy những tiếng ồn. Ta cần một ít tĩnh lặng để tìm lại hải đảo tự thân.
Mỗi khi thấy mệt mỏi, bực bội, buồn rầu, sợ hãi, lo lắng…, ta sử dụng hơi thở chánh niệm để trở về ngôi nhà của chính mình, trở về với hải đảo chánh niệm. Nếu thực tập chánh niệm đều đặn, luôn trở về với hải đảo tự thân, thì khi có vấn đề khó khăn, ta sẽ dễ dàng và thích thú hơn để tìm lại nơi an toàn, trở về lại ngôi nhà của chính mình. Chúng ta có đủ may mắn để biết các pháp môn thực tập chánh niệm, chúng ta phải tận dụng sự thực tập để làm lớn mạnh sự liên hệ với ngôi nhà đích thực của mình. Đừng đợi đến khi bị sóng lớn đánh ta mới trở về hải đảo tự thân. Thực tập trở về càng nhiều càng tốt bằng cách sống chánh niệm trong những giây phút của đời sống hằng ngày. Làm được như vậy thì chắc chắn khi những lúc khó khăn đến, ta sẽ dễ dàng và tự nhiên thoải mái trở về ngôi nhà của mình.
Đi thiền, ngồi thiền, uống trà, ăn cơm, thở trong chánh niệm là những thực tập nương tựa cụ thể mà chúng ta có thể thực tập nhiều lần trong ngày. Hạt giống chánh niệm luôn có trong ta. Hơi thở vào ra của ta cũng luôn có đó. Chúng ta có hải đảo tự thân. Nương tựa hải đảo tự thân bằng chánh niệm là thực tập hằng ngày của chúng ta.
Thầy Đạo Dừa
Ở Việt Nam có một thầy tu mà người ta gọi là thầy Đạo Dừa, bởi vì thầy thích leo lên cây dừa ngồi thiền trên đó. Trên đó thầy làm một tấm ván để ngồi và ngồi rất mát. Khi còn trẻ, thầy đã học kỹ sư ở Pháp. Nhưng khi trở lại Việt Nam, chiến tranh xảy ra khắp nơi nên thầy không muốn làm kỹ sư nữa, thầy muốn làm thầy tu, thực tập như một người tu. Thầy viết một lá thư ca ngợi Nhất Chi Mai, đã tự thiêu để kêu gọi hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Thầy nói: “Tôi sẽ tự thiêu như em. Chỉ có một điều khác là tôi sẽ tự thiêu chậm hơn.” Thầy nói rằng thầy dành cả đời mình để kêu gọi hòa bình.
Thầy Đạo Dừa làm nhiều điều để dạy hòa bình. Có lần thầy mở một trung tâm thực tập ở đồng bằng sông Mê Kông và kêu gọi mọi người đến ngồi thiền với thầy. Thầy đi lượm những mảnh vỏ bom đạn trong vùng để đúc thành một cái chuông lớn, một cái chuông chánh niệm. Thầy treo lên trong trung tâm tu học để đêm ngày thỉnh lên cho mọi người nghe. Thầy viết một bài trong đó thầy nói: “Những mảnh bom đạn ơi, kiếp trước con đã tàn phá và giết hại, bây giờ qua đã lượm các con về đây để cho các con tu. Khi qua thỉnh lên một tiếng chuông, thì các con trở thành Bồ tát hết, các con thức người ta tỉnh dậy, đánh thức tình nhân loại, tình thương yêu và sự hiểu biết để thiên hạ đừng bắn giết lẫn nhau nữa.” Thầy thỉnh chuông mỗi sáng và mỗi tối. Sự có mặt của cái chuông là biểu tượng chứng minh rằng sự chuyển hóa là điều có thể xảy ra.
Một ngày nọ, thầy đến dinh Tổng thống, muốn gởi một thông điệp hòa bình. Những người canh gác không muốn cho thầy vào. Nói chuyện với họ không thành công, thầy đành im lặng. Thầy ở lại và ngủ ngay bên ngoài cổng dinh tổng thống. Thầy mang theo một cái lồng trong đó có một con mèo và một con chuột đã học làm bạn với nhau. Con mèo không ăn con chuột. Một người hộ vệ hỏi: “Mục đích ông đến đây làm gì?” Thầy Đạo Dừa nói: “Tôi muốn chỉ cho Tổng thống thấy là ngay cả mèo và chuột mà cũng có thể sống chung hòa bình với nhau.” Thầy muốn mọi người tự hỏi lại chính mình rằng nếu mèo và chuột có thể sống hòa bình an lạc với nhau thì tại sao loài người chúng ta không thể sống hòa bình được?
Thầy Đạo Dừa sống im lặng một mình trong một thời gian dài. Ước muốn của thầy là đóng góp một phần vào công việc tạo ra một môi trường hòa bình an lạc hơn cho đất nước. Để làm được điều này, thầy cần phải rất sáng suốt và định tâm. Có người nói thầy điên. Nhưng tôi không nghĩ là thầy điên. Tôi nghĩ thầy là một nhà hoạt động cho hòa bình rất vững chãi trong ngôi nhà đích thực, trong hải đảo tự thân của thầy.
Độc cư
Khi nghe đến “hải đảo tự thân” hay “một mình tĩnh cư,” người ta thường nghĩ ngay là họ phải sống tách rời với mọi người, không tiếp xúc với ai cả, không liên hệ đến bất cứ thứ gì khác. Kỳ thực, sự thực tập này, cách sống một mình này không có nghĩa là tách rời ra với những người chung quanh, mà là biết thiết lập thân tâm vững chãi trong cái bây giờ ở đây, và ý thức được những gì đang xảy ra trong phút giây hiện tại.
Chúng ta dùng chánh niệm để ý thức những gì đang xảy ra: ý thức về cảm thọ, tri giác cũng như những gì đang xảy ra trong tăng thân chung quanh mình. Chúng ta luôn trở về với chính mình, luôn là chính mình, không đánh mất mình. Đây là cách sống độc cư sâu sắc nhất.
Thực tập sống một mình là thực tập có mặt đích thực trong mỗi một giây phút, không bị kẹt vào quá khứ, không mơ tưởng về tương lai và không bị đám đông lôi kéo. Chúng ta không cần phải đi vào rừng để sống một mình tĩnh cư. Chúng ta có thể sống chung với mọi người, có thể đi chợ, đi bách bộ với người khác mà vẫn có thể sống một mình và im lặng được. Trong xã hội ngày nay, có quá nhiều thứ chung quanh bắt ta phải chú ý và phản ứng, nên sống một mình tĩnh cư là điều mà ta cần phải học hỏi.
Mỗi ngày ta cần để ra một ít thời gian để ngồi yên một mình. Có thể ta nghĩ rằng ta chỉ có thể vui được khi có ai bên cạnh, nói chuyện, cười giỡn chung quanh ta. Nhưng niềm vui, hạnh phúc khi được ở một mình cũng có thể rất lớn lao và thâm sâu, giúp ta có nhiều khả năng để chia sẻ hơn. Nếu ta có những niềm vui và hạnh phúc sâu sắc trong việc sống độc cư, ta sẽ có nhiều khả năng để cho đi. Không có khả năng sống một mình thì càng ngày ta càng suy yếu, kiệt quệ. Và khi chúng ta không đủ chất dinh dưỡng nuôi lấy tự thân thì ta không có gì nhiều để hiến tặng cho người khác. Vì vậy, học cách sống một mình rất quan trọng.
Mỗi ngày, chúng ta nên dành một ít thời gian để sống một mình, bởi vì nó sẽ giúp ta nuôi dưỡng tự thân và nhìn sâu dễ dàng hơn. Điều này không có nghĩa là ta không thể sống độc cư một mình tĩnh cư và nhìn sâu khi chung quanh ta có quá đông người. Ta có thể làm được. Thậm chí ngồi giữa chợ ta cũng có thể sống một mình mà không bị đám đông lôi kéo. Ta vẫn có thể là ta, vẫn làm chủ được chính mình. Cũng như vậy, ta vẫn có thể là ta cho dù ta đang ở trong một cuộc đàm luận sôi nổi hay trong một cộng đồng đang có nguồn năng lượng cảm xúc mạnh của tập thể. Ta có thể tiếp tục an trú vững chãi và an toàn trong hải đảo tự thân của ta.
Có hai khía cạnh độc cư và cả hai đều quan trọng. Thứ nhất là sống một mình. Thứ hai là có khả năng trở về với chính mình và không bị chi phối bởi những thứ chung quanh, ngay cả khi mình ở giữa một đám đông người. Chính vì cảm thấy thoải mái khi ở một mình mà ta có thể quan hệ giao thiệp với thế giới. Tôi thấy gần gũi truyền thông tốt với quý vị vì tôi hoàn toàn là tôi. Rất đơn giản, để thực sự liên hệ được với thế giới, trước hết, ta phải trở về liên hệ truyền thông với chính mình.
Vượt thoát tập khí
Tất cả chúng ta đều có những khối tập khí bên trong chúng ta. Tập khí là một năng lượng vô thức khiến ta cứ lặp đi lặp lại những thói quen cũ, lặp lại những cách hành xử giống nhau cả hàng ngàn lần. Tập khí đẩy ta chạy, luôn luôn phải làm một cái gì đó, khiến ta đánh mất mình trong những suy tư về quá khứ, những mơ tưởng về tương lai và đổ lỗi cho người khác vì những khổ đau của mình. Nó cản trở ta, không cho ta có khả năng bình an và hạnh phúc trong giây phút hiện tại.
Tập khí được trao truyền cho ta qua nhiều thế hệ tổ tiên, và chúng ta tiếp tục làm cho nó mạnh thêm. Mạnh lắm. Chúng ta thông minh đủ để biết rằng nếu chúng ta làm những điều đặc thù này, nếu chúng ta phê bình buộc tội, chúng ta sẽ gây đổ vỡ trong mối quan hệ của chúng ta. Chúng ta không muốn phê phán buộc tội, không muốn làm những điều gây đau buồn, ấy vậy mà khi gặp khó khăn căng thẳng, chúng ta đã nói hoặc làm những điều mà chúng biết là sẽ gây đổ vỡ phá hoại. Tại sao? Tại vì nó mạnh hơn chúng ta. Tập khí luôn đẩy chúng ta đi. Vì vậy, thực tập chánh niệm có mục đích giải phóng chúng ta ra khỏi các tập khí.
Tôi nhớ có một ngày nọ ở Ấn Độ đang ngồi trên xe buýt với một người bạn, đi thăm tăng thân Dalit. Chúng tôi đã đi đến nhiều tiểu bang ở Ấn Độ để mở những ngày quán niệm, các khóa tu và những pháp thoại công cộng. Khung cảnh ở bên ngoài rất đẹp, những cây cọ, những ngôi đền, những con trâu và những đồng lúa. Tôi thích nhìn mọi thứ, nhưng người bạn của tôi thì rất căng thẳng, rõ ràng là người ấy đã không thưởng thức cảnh đẹp như tôi. Ông ta đang đấu tranh. Thấy vậy, tôi nói: “Này bạn, bây giờ không có gì phải lo lắng cả. Tôi biết là anh muốn làm cho chuyến đi của tôi được vui vẻ, làm cho tôi hạnh phúc, nhưng ngay bây giờ tôi đã hạnh phúc rồi, cho nên anh hãy tận hưởng đi. Ngồi lại và mỉm cười. Khung cảnh ở bên ngoài rất đẹp.”
Anh ta: “Dạ.” Và ngồi lại thoải mái hơn. Nhưng chỉ vài phút sau, khi nhìn lại thì thấy anh ta cũng căng thẳng như trước. Anh ta vẫn lo lắng, băn khoăn, sốt ruột, không yên tâm. Anh ta không thể buông được những giằng co trong lòng, những giằng co đó đã diễn ra cả hàng ngàn năm. Anh ta không có khả năng an trú trong giây phút hiện tại và tiếp xúc sâu sắc với sự sống trong giây phút ấy. Tôi thấy anh ta không có khả năng tiếp xúc được với chính mình. Bây giờ anh ta có gia đình, có nhà đẹp, có nghề giỏi, nhưng anh ta vẫn bị tập khí, khổ đau lôi kéo, khổ đau của tổ tiên trong hàng ngàn năm quá khứ. Anh ta đã vật lộn, đấu tranh đêm ngày, ngay cả trong giấc mơ vẫn còn đấu tranh. Anh ta không có khả năng buông bỏ và thư giãn.
Tổ tiên của chúng ta có thể may mắn hơn anh ta, nhưng nhiều người trong chúng ta vẫn bị ám ảnh, bất an như thế. Chúng ta không cho phép mình buông thư, không cho phép mình an trú trong giây phút hiện tại bây giờ ở đây. Tại sao ta phải chạy, và phải luôn chạy? Ngay cả khi ta đang chuẩn bị buổi ăn sáng, ăn trưa, đi bộ hay ngồi chơi cũng có một cái gì đó luôn thúc đẩy, kéo ta đi. Chúng ta chạy theo cái gì?
Đức Bụt dạy về vấn đề này rất rõ ràng. Ngài nói: “Đừng khổ đau tuyệt vọng vì quá khứ, vì quá khứ đã qua rồi. Đừng lo lắng về tương lai, vì tương lai chưa đến. Chỉ có giây phút mà mình có thể sống được, đó là giây phút hiện tại. Trở về với giây phút hiện tại, sống sâu sắc với giây phút ấy, chúng ta sẽ được tự do, vượt thoát được khổ đau hệ lụy.
Tháo gỡ nội kết
Có hai loại nội kết. Nội kết thứ nhất bao gồm những quan điểm, tư tưởng, ý niệm, khái niệm và kiến thức. Ai cũng có những quan điểm, những ý niệm, nhưng khi bị kẹt vào đó thì ta mất tự do, ta không có cơ hội tiếp xúc với sự thật của cuộc sống. Nội kết thứ hai là những phiền não, tập khí khổ đau như sợ hãi, giận dữ, kỳ thị, tuyệt vọng, kiêu căng. Chúng ta phải lấy đi những thứ ấy mới được tự do.
Hai loại nội kết này khắc sâu trong tâm ý và trí não của ta, làm cho ta mù mắt, khiến ta làm những điều mà ta không muốn làm, khiến ta nói những điều ta không muốn nói. Vì vậy, ta không có tự do. Bất cứ lúc nào làm điều gì vì tập khí, vì những ý niệm quan điểm đã khắc sâu vào trí não mà không xuất phát từ ước muốn đích thực của ta thì ta không có tự do.
Đọc sách, thiền tập, không phải là để ta có thêm kiến thức, khái niệm mà thực chất là để buông bỏ những quan điểm khái niệm. Đừng thay thế những ý niệm quan điểm cũ bằng những ý niệm quan điểm mới. Đừng chạy theo những ý niệm hạnh phúc này đến ý niệm hạnh phúc nọ. Đừng thay đổi quan điểm này thành quan điểm khác.
Tất cả chúng ta đều có những cách hành xử, những tập khí rất sâu dày. Mỗi ngày ta đã để cho những năng lượng vô hình này thống trị đời sống của ta. Chúng ta hành động, phản ứng theo những ảnh hưởng của những khuynh hướng này trong ta. Tuy nhiên, tâm ta cũng uyển chuyển rất tự nhiên. Như các nhà khoa học não bộ đã nói, não ta có tính mềm dẻo. Chúng ta có thể chuyển hóa chúng.
Có khả năng dừng lại và ý thức giây phút hiện tại là một phần định nghĩa của hạnh phúc. Không thể có hạnh phúc ở tương lai. Đây không phải là vấn đề tín ngưỡng, không phải là niềm tin mà là kinh nghiệm sống.
Khi dừng lại những hành động của thân thì ta sẽ nghe rõ những tiếng nói lẩm nhẩm trong tâm. Và khi dừng lại được những tiếng nói lẩm nhẩm, những cuộc độc thoại trong đầu, những lao xao liên tục, ta sẽ thấy được một không gian bên trong cho ta cơ hội sống đời sống của ta một cách thỏa mãn và hoàn toàn mới.
Ta không thể có hạnh phúc được nếu ta không có những khoảng lặng, những không gian yên lắng. Tôi biết đây là kinh nghiệm và sự quán sát trực tiếp. Tôi không cần cái máy của nhà khoa học não bộ nói cho tôi nghe. Khi thấy một ai đó đi ngang qua, thông thường tôi có thể nói được người đó có hạnh phúc hay không, có bình an hay không, có tình thương hay không. Không có sự im lặng, ta không thể sống trong giây phút hiện tại, và giây phút này là cơ hội tốt nhất để tìm thấy hạnh phúc.
Angulimala (Ương Quật Ma)
Vào thời của Bụt, có một người tên là Angulimala (Ương Quật Ma). Ông ta là một kẻ sát nhân, giết người hàng loạt mà ai cũng biết đến. Ông khổ đau cùng cực và lòng đầy hận thù.
Một ngày nọ, ông đi vào thành phố, tất cả mọi người đều sợ hãi. Lúc ấy, Bụt và tăng đoàn đang ở gần đó và sáng hôm ấy đức Bụt cũng đi vào thành để khất thực. Một người trong thành khẩn nài: “Bạch đức Thế Tôn, hôm nay đi ra đường rất nguy hiểm. Thỉnh mời Ngài đến nhà con, con xin được cúng dường Ngài. Angulimala đang có mặt trong thành phố này.”
Bụt nói: “Không sao. Đừng lo lắng. Ta sẽ đi khất thực từng nhà, không phải đến một nhà mà đến nhiều nhà. Ta đi khất thực không chỉ để kiếm miếng ăn hằng ngày mà còn để cho họ có cơ hội thực tập bố thí và ta có cơ hội tiếp xúc với họ, để giảng dạy cho họ.” Vì vậy, Bụt đã không tán thành lời cầu khẩn đầy lo lắng của người kia. Ngài có đủ bình an, có đủ can đảm và sức mạnh tâm linh để tiếp tục sự tu học của mình. Trước khi đi tu, Ngài cũng là một người có võ công cao cường.
Bụt ôm bát, rất bình an và định tĩnh, đi từng bước ung dung, chánh niệm. Sau khi khất thực xong, Ngài đi vào rừng. Nghe tiếng ai đó chạy theo sau lưng, Ngài nhận ra ngay là Angulimala. Đây là lần đầu tiên Angulimala thấy có một người không sợ mình. Bất kỳ người nào khi thấy Angulimala đến gần cũng đều bỏ chạy càng nhanh càng tốt, trừ những người vô phúc, thiếu may mắn bị tê liệt vì sợ hãi nên không chạy được.
Nhưng với Bụt thì khác hẳn. Ngài cứ tiếp tục đi, bình thản. Angulimala giận điên lên khi thấy có người không hề bối rối sợ hãi mình chút nào. Đức Bụt rất chánh niệm. Ngài ý thức tình trạng của mình, nhưng không run sợ, nhịp tim của Ngài vẫn đập ổn định, bình thường, không có một chất adrenaline[1] nào xuất hiện trong cơ thể Ngài. Ngài không hề luống cuống đắn đo là nên bỏ chạy hay nên chống lại. Ngài rất bình tĩnh. Ngài thực tập rất hay.
Khi Angulimala đến gần Ngài, ông ta la lớn: “Này ông thầy tu kia, hãy dừng lại.” Bụt vẫn tiếp tục đi, phong thái Ngài rất điềm tĩnh, uy nghiêm và thanh tịnh. Ngài là hiện thân của bình an và vô úy (sự không sợ hãi). Angulimala đến ngay bên cạnh Bụt và nói: “Này ông thầy tu kia, ta biểu ngươi dừng lại sao ngươi không dừng lại?”
Vẫn tiếp tục bước đi, Ngài nói: “Angulimala, ta đã dừng lại từ lâu rồi, chỉ có anh là chưa dừng lại thôi”.
Angulimala sửng sốt: “Ngươi muốn nói gì? Ngươi vẫn còn đang bước đi mà nói là đã dừng lại à?”
Sau đó Bụt nói cho Angulimala nghe dừng lại thực sự nghĩa là gì. “Angulimala, anh không nên tiếp tục làm những điều anh đang làm nữa. Anh có biết là anh đang gây khổ đau cho chính anh và cho nhiều người khác không? Anh phải học cách thương yêu.”
“Thương yêu? Ngươi đang nói với ta về thương yêu ư? Loài người rất độc ác. Tôi ghét tất cả bọn họ. Tôi muốn giết hết tất cả. Trên đời này không có tình thương yêu.”
Đức Bụt ôn tồn nói: “Angulimala, ta biết anh rất đau khổ. Nỗi giận dữ, hận thù của anh rất lớn. Nhưng nếu nhìn chung quanh, anh sẽ thấy có những người rất dễ thương, họ có tâm tốt. Anh đã từng gặp vị tỳ kheo, tỳ kheo ni nào trong tăng đoàn của ta chưa? Anh đã từng gặp những người học trò cư sĩ của ta chưa? Họ rất từ bi và bình an, không ai có thể phủ nhận điều này.
Anh không nên che mờ sự thật là trên cuộc đời này vẫn có tình thương, vẫn có những người có khả năng thương yêu. Này Angulimala, hãy dừng lại.”
Angulimala trả lời: “Quá trễ rồi. Bây giờ đã quá trễ cho tôi dừng lại rồi. Cho dù tôi có cố gắng dừng lại thì người ta cũng không chấp nhận tôi. Người ta sẽ giết tôi trong tích tắc. Tôi không thể dừng lại được nếu tôi muốn sống sót.”
Bụt nói: “Này anh bạn, không bao giờ là quá trễ cả. Hãy dừng lại ngay đi. Ta sẽ làm bạn với anh và sẽ giúp anh. Tăng thân của ta sẽ bảo vệ cho anh.” Nghe được điều này, Angulimala quăng kiếm, quỳ xuống và xin Ngài nhận vào tăng đoàn của Ngài. Angulimala trở thành một hành giả thực tập chuyên cần nhất trong tăng đoàn. Ngài chuyển hóa hoàn toàn và trở thành một người vô cùng nhẹ nhàng, Ngài là hiện thân của bất bạo động.
Nếu Angulimala có khả năng dừng lại thì tất cả chúng ta cũng có khả năng dừng lại. Không ai trong chúng ta bận rộn, lo lắng, điên rồ hơn kẻ giết người này. Chúng ta không thể tìm thấy an lạc trong sự im lặng nếu ta không dừng lại. Chạy càng nhanh, đẩy mình càng nhiều thì ta sẽ không bao giờ đạt được bình an. Chúng ta chỉ tìm thấy bình an ở đây thôi, không thể tìm thấy bình an ở bất cứ nơi nào khác. Giây phút mà ta có thể dừng lại thật sự, trên cả hai phương diện hành động và những tiếng ồn bên trong, thì ta bắt đầu tìm thấy được sự im lặng và trị liệu. Im lặng không phải là một sự mất mát, trống trỗng. Càng có không gian cho sự yên tĩnh và im lặng, ta càng có khả năng hiến tặng cho chính mình và cho người khác.
Thực tập: Hải đảo tự thân
Khi Bụt lâm bệnh vào lần cuối cùng, Ngài biết rằng nhiều vị đệ tử của Ngài sẽ cảm thấy mất mát khi Ngài qua đời. Vì vậy, Ngài dạy đệ tử không nên nương tựa vào bất cứ một thứ gì ngoài mình mà phải nương tựa vào hải đảo tự thân. Thực tập hơi thở ý thức, chế tác chánh niệm trong tự thân, ta sẽ trở về khám phá ra người thầy trong mình và hướng về hải đảo tự thân.
Hải đảo tự thân cũng có chim, có cây, có suối giống như trên đất liền vậy. Thực sự không có ranh giới phân chia giữa cái bên trong và bên ngoài. Nếu ta không có mặt đó, nếu ta không thật sự là ta trong hải đảo của chính mình thì ta cũng không thực sự tiếp xúc được với thế giới bên ngoài. Tiếp xúc sâu sắc với bên trong, ta cũng tiếp xúc được với bên ngoài, và ngược lại. Truyền thông thực sự có mặt chỉ khi nào ta có đủ Niệm và Định. Vì vậy, trở về với hải đảo tự thân trước hết là chế tác Niệm Định.
Ở Làng Mai có bài hát “The Island of Self” (Hải đảo tự thân). Chúng ta có thể sử dụng bài hát này để thực tập như các bài thiền tập có hướng dẫn mỗi khi ngồi hay đi.
Breathing in,
I go back to the island within myself.
There are beautiful trees within the island.
There are clear streams of water.
There are birds, sunshine and fresh air.
Breathing out, I feel safe.
I enjoy going back to my island.
(Thở vào, tôi quay về nơi hải đảo tự thân, ở đó có cây cối xanh tươi, có dòng suối trong xanh, có chim chóc ca hát, có ánh nắng mặt trời và không khí trong lành.
Thở ra, tôi thấy an toàn. Tôi muốn trở về nơi hải đảo tự thân.)
[1] Adrenaline là một loại hormone được sản xuất ra khi cơ thể sợ hãi hay tức giận
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top