tinh hinh kte vi mo VN 2011

TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ CỦA VIỆT NAM 2011 VÀ DỰ BÁO 2012

 VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ

Tăng trưởng kinh tế năm 2011 thấp do xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng trong dài hạn và chính sách kinh tế vĩ mô chặt chẽ nhằm kiểm chế lạm phát. Mặc dù tăng trưởng giảm nhưng lạm phát vẫn ở mức cao do chính sách tiền tệ thắt chặt chưa phát huy hết tác dụng và tâm lý kì vọng lạm phát chưa được ổn định.

          Tăng trưởng kinh tế

Bước sang năm 2011, đà phục hồi của nền kinh tế trong năm 2010 bị gián đoạn. Tăng trưởng GDP của năm 2011 là 5,89%, thấp hơn mức 6,78% của năm 2010 và thấp hơn nhiều mức tiềm năng 7,3% (Viện CL&CSTC) của nền kinh tế cũng như mức tăng trưởng 7,9% của các nước đang phát triển ở châu Á trong năm 2011. Tăng trưởng giảm sút chủ yếu do giảm sút của khu vực công nghiệp & xây dựng và dịch vụ, nhất là các ngành chịu ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tín dụng: tài chính – tín dụng, xây dựng, kinh doanh tài sản & dịch vụ tư vấn.[1]

Tình hình tăng trưởng của từng khu vực kinh tế trong năm 2011 cụ thể như sau:

          Nông, lâm nghiệp và thủy sản

Tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2011 là 4%, cao hơn nhiều mức 2,78% của năm 2010 và xấp xỉ mức tăng trưởng trước của thời kì trước khủng hoảng. Tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản được sự đóng góp của cả ba ngành, cụ thể là nông nghiệp tăng trưởng 3,7% (so với mức 2,4% năm 2010), lâm nghiệp tăng trưởng 5,0% (so với mức 3,9% năm 2010) và thủy sản tăng trưởng 5,5% (so với mức 4,4% năm 2010). Nguyên nhân là nông nghiệp gặp điều kiện thuận lợi về thời tiết và giá hàng hóa thế giới. Theo dự tính của IMF, giá hàng hóa thế giới không kể dầu năm 2011 tăng 11%.

Sang tháng 1/2012, tình hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản trong tháng đầu năm tương đối ổn định và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

          Công nghiệp và xây dựng

Tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2011 là 5,53%, thấp hơn mức 7,7% của năm 2010 và thấp hơn nhiều mức tăng trưởng trên 10% trung bình giai đoạn 200-2007. Như vậy, kể từ năm 2008, tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng luôn thấp hơn khu vực dịch vụ. Khi ngành công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 7,43%, cao hơn mức 7,03% của năm 2010, sự giảm sút của công nghiệp và xây dựng trong năm 2011 hoàn toàn do giảm sút của ngành xây dựng khi ngành này chỉ đạt tốc độ tăng trưởng âm 0,97% (năm 2010 khu vực này tăng trưởng đến 10,06%). Trong điều kiện công nghiệp khai thác tiếp tục có mức tăng trưởng âm, công nghiệp duy trì được tốc độ tăng trưởng trong năm 2011 là do công nghiệp chế biến khi ngành này (chiếm 57,3% toàn ngành công nghiệp) duy trì được độ tăng trưởng xấp xỉ năm 2010. Một trong những lý do công nghiệp chế biến duy trì được tốc độ tăng trưởng là do xuất khẩu của ngành này tăng mạnh trong năm 2011, ở mức 23,7%.

Sang tháng 1/2012, do tháng 1/2012 là tháng Tết (trong khi Tết năm ngoài vào tháng 2/2011) nên chỉ số sản xuất công nghiệp đã giảm giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về cơ cấu, khu vực công nghiệp và xây dựng được đặc trưng bởi xu hướng giảm tỷ trọng của ngành công nghiệp khai thác và tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến. Nếu như năm 1995 tỷ trọng của ngành khai thác là 18% thì tỷ trọng này chỉ còn 9% vào năm 2011. Trong khi đó, cũng trong giai đoạn trên, tỷ trọng của ngành chế biến đã tăng từ 52% lên 62%. Ngoài ra, riêng trong năm 2011, đã có sự sụt giảm nhẹ của ngành xây dựng khi ngành này chiếm tỷ trọng 21%, so với mức 23% của năm 2010.

          Dịch vụ

Tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ năm 2011 là 6,99%, thấp hơn mức 7,52% của năm 2010. Dịch vụ giảm sút tăng trưởng là do giảm sút của hầu hết các ngành dịch vụ, nhất là ngành kinh doanh bất động sản. Tốc độ tăng trưởng của ngành kinh doanh bất động sản trong năm 2011 chỉ ở mức 1,8%, so với mức thấp 2,6% của năm 2010, do tín dụng cho khu vực bất động sản bị thắt chặt. Ngành khách sạn và nhà hàng cũng giảm tốc độ tăng trưởng từ 8,7 (2010) xuống 7,1% (2011) do tình hình kinh tế thế giới đình trệ đã khiến số khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2011 chỉ tăng 19,1%, thấp hơn nhiều mức tăng 34,8% của năm 2010.

          Tổng cầu

Tăng trưởng giảm chủ yếu do cầu nội địa khi tiêu dùng và đầu tư trong nước giảm

          Tiêu dùng

Tốc độ tăng (đã loại trừ yếu tố giá) của doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2011 là 4,7%, thấp hơn đáng kể mức tăng 14% của năm 2010 và thậm chí thấp hơn mức 11% của năm 2009. Nguyên nhân chính làm giảm tiêu dùng là lạm phát cao làm giảm thu nhập thực tế của người tiêu dùng giảm và cho vay tiêu dùng giảm.[2]

          Đầu tư

So với năm 2010, tỷ lệ trên GDP của tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 20111 giảm từ 41,9% xuống 34,6%; trong đó, đầu tư của khu vực nhà nước giảm từ 18,5% xuống 13,5% (trong đó đầu tư từ NSNN giảm từ 8,6% xuống 7,0%), của khu vực tư nhân giảm từ 15,1% xuống 12,2%. Nếu sự sụt giảm đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước là do chủ trương tài khóa chặt chẽ, sự sụt giảm đầu tư của khu vực đầu tư tư nhân có thể do lãi suất cao và sự sụt giảm của đầu tư nhà nước.

Về cơ cấu đầu tư, tỷ trọng của khu vực kinh tế Nhà nước tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2009 trong khi tỷ trọng của khu vực tư nhân vẫn giữ ổn định và của khu vực nước ngoài tăng đột biến trong năm 2011. Tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư của Nhà nước đã giảm từ 44,1% xuống 38,9. Trong khi đó tỷ trọng đầu tư của khu vực nước ngoài tăng từ 18,8% lên 25,8%.

Trái với vốn đầu tư trong nước, so với năm 2010, vốn FDI đã tăng trong năm 2011. Tỷ lệ trên GDP của vốn FDI đã tăng từ 7,9% lên 9%. Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn FDI có xu hướng giảm khi vốn FDI thực hiện trong năm 2011 đạt khoảng 11 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2010, thấp hơn mức tăng gần 10% của năm 2010. Vốn FDI đăng kí trong năm 2011 thậm chỉ giảm 24% so với năm 2010.[3] Xu hướng trên cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu giảm.

Xu hướng giảm sút đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục trong tháng 1/2012, khi số vốn đăng kí chỉ đạt 37,3 triệu USD, bằng 2,5% cùng kỳ năm trước;[4] số vốn thực hiện chỉ cũng chỉ đạt 400 triệu USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, tình hình trên có thể do tháng 1/2012 là tháng Tết.

          Xuất, nhập khẩu

Xuất khẩu năm 2011 đạt 96,3 tỷ đô la Mỹ, tăng 33,3% so với năm 2010, cao hơn nhiều mức tăng 25,5% của 2010. Giá thế giới tăng là nguyên nhân chính giúp tăng xuất khẩu trong năm 2011. Chẳng hạn, trong mức tăng giá trị xuất khẩu, yếu tố giá đóng góp 94,4% đối với mặt hàng cà-phê, 91,2% đối với mặt hàng dầu thô và 87,7% đối với mặt hàng cao su. Tính riêng các nhóm hàng xuất khẩu có thống kê về lượng thì yếu tố tăng giá đóng góp 83,3% trong tăng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2011. Như vậy, thành tích tăng kim ngạch xuất khẩu là không chắc chắn, có thể bị đảo ngược khi giá hàng hóa thế giới giảm.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 24,67 tỷ USD tăng lên về kim ngạch xuất khẩu của năm 2011 (so với năm 2010), nhóm hàng công nghiệp chế biến đóng góp 69,3% (tương ứng 17,11 tỷ USD). Trong mức tăng trên của nhóm hàng công nghiệp chế biến, các nhóm hàng điện thoại & linh kiện, dệt may và giày dép chiếm hơn 51,7% (tương ứng 8,84 tỷ USD). Do ba nhóm hàng trên chủ yếu được xuất sang Mỹ và Châu Âu, hai thị trường này có vai trò rất lớn đối với tăng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2011.

Nhập khẩu năm 2011 đạt 105,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 24,7% so với cùng năm trước, cao hơn mức tăng 20,1% của năm 2010. Nhập khẩu tăng cũng chủ yếu do tăng giá hàng hóa thế giới. Chẳng hạn, trong mức tăng giá trị nhập khẩu, yếu tố giá đóng góp 82% đối với mặt hàng xăng dầu, 77,4% đối với mặt hàng chất dẻo; mặt hàng sắt thép mặc dù giảm 20,8% về lượng nhập khẩu nhưng do giá tăng nên giá trị nhập khẩu vẫn tăng 1,9%. Tính riêng các nhóm hàng nhập khẩu có thống kê về lượng thì yếu tố tăng giá đóng góp đến 97,8% trong tăng kim ngạch nhập khẩu.

Nhờ tình hình xuất khẩu khả quan, nhập siêu 2011 chỉ ở mức 9,5 tỷ đô-la Mỹ giảm 24,6% so với năm 2010. Như vậy, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu của năm 2011 chỉ là 9,9%, so với mức 17,5% của năm 2010 và tiếp tục xu hướng giảm kể từ năm 2007. Tuy nhiên, tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn còn điểm đáng lo ngại là Việt Nam ngày càng nhập khẩu nhiều hơn từ Trung Quốc. Trong năm 2011, nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc (13,5 tỷ USD) chiếm tới 137% tổng nhập siêu (con số này năm 2010 chỉ là 100%).

Sang tháng 1/2012, mặc dù trùng vào dịp lễ hội Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, kim ngạch xuất vẫn đạt khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 6,6 tỷ USD, giảm gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Do xuất khẩu tăng và nhập khẩu giảm, nhập siêu trong tháng chỉ ước khoảng 100 triệu USD, là mức thấp nhất trong 12 tháng gần đây. Đây là dấu hiệu hết sức tích cực trong cải thiện tình hình nhập siêu ở Việt Nam.

          Lạm phát

Bước sang năm 2011, lạm phát đã liên tục gia tăng trong nửa đầu năm, gây nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô. Tháng 8/2011, tỷ lệ lạm phát so cùng kì năm trước đã lên tới 23%, cao hơn hẳn mức lạm phát 19,9% của năm 2008. Trước tình hình trên, Chính phủ đã có Nghị quyết số 11/NQ-CP (ngày 24/02/2011), đề ra 6 nhóm giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó tập trung vào kiềm chế lạm phát. Nhờ thực hiện quyết liệt những giải pháp trên, tình hình lạm phát đã được cải thiện trong cuối quý 3/2011 khi tốc độ tăng CPI hàng tháng bắt đầu giảm từ tháng 8/2011 và duy trì ở mức dưới 1% cho đến cuối năm. Sang tháng 1/2012, mặc dù là tháng Tết, chỉ số giá CPI cũng chỉ tăng 1% so với tháng trước. Nếu loại trừ nhóm lương thực thực phẩm, CPI tháng 1/2012 chỉ tăng là 0,99% so với tháng trước (thấp hơn mức 1,31% của tháng 1/2011).

Tuy nhiên, với tỷ lệ lạm phát 18,13%, nếu không tính năm 2008, năm 2011 là năm có mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1992. Nếu so với mức lạm phát của tháng 11/2011 của các nước được thống kê bởi Tradingeconomics, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam chỉ đứng sau Kenya và Venezuela là hai nước có tỷ lệ lạm phát là 18,91% và 27,7%. Như vậy, từ năm 2007, lạm phát có chiều hướng mất ổn định hơn và biểu hiện tính chu kì. Chu kì này vào khoảng 3 năm khi tỷ lệ lạm phát đã lên đến đỉnh điểm vào tháng 8/2008 (28,23%) và tháng 8/2011 (23,02%).[5]

Nguyên nhân của tình trạng lạm phát cao trong năm 2011 về cơ bản là do tiền tệ đã được nới lỏng trong một thời gian dài. So với các nước trong khu vực, tốc độ tăng cung tiền M2 của Việt Nam khá cao. Tính trung bình giai đoạn 2000-2010, tốc độ tăng cung tiền M2 của Việt Nam dẫn đầu với mức tăng 31,4%, sau đó là của Trung Quốc (17,8%), Inđônêxia (13%), Philipin (10,2%), Malaysia (8,7%) và Thái Lan (6,2%). Riêng năm 2010, tốc độ tăng cung tiền của Việt Nam thậm chí lên tới 33,3%. Do cung tiền tăng nhanh nên tỷ lệ cung tiền M2 trên GDP của Việt Nam tăng lên rất nhanh. Từ sau khủng hoảng tài chính 1997-1999, trong khi các nước trong khu vực có xu hướng duy trì ổn định tỷ lệ cung tiền trên GDP thì tỷ lệ này luôn có xu hướng tăng ở Việt Nam. Nếu như năm 2000 tỷ lệ cung tiền M2 trên GDP của Việt Nam chỉ là 50,5% thì tỷ lệ này đã lên tới 140,8% vào năm 2010. Đồng thời, tỷ lệ tín dụng trên GDP cũng tăng nhanh, từ 39,7% năm 2001 lên 71,2% năm 2005 và 135,8% năm 2010. Tín dụng tăng nhanh đã giúp giới đầu cơ đẩy giá bất động sản tăng cao trong một thời gian dài, đặt nền kinh tế trong trạng thái “bong bóng” bất động sản. Bong bóng bất động sản khuyến khích người dân tiết kiệm ít đi và tiêu dùng nhiều hơn, tạo áp lực cho giá cả.

Bên cạnh đó, tính thiếu tính nhất quán của chính sách tiền tệ đã phần nào tác động tiêu cực đến tâm lý của người dân về lạm phát. Mặc dù hàng năm Quốc hội đề ra giới hạn lạm phát nhưng trên thực tế, các năm 2004, 2005, 2007 và 2008 tốc độ lạm phát thực tế đã cao hơn giới hạn đề ra. Ngoài ra, việc thực hiện điều chỉnh tăng lương, giá điện, xăng dầu theo định kỳ hàng năm cũng khiến gia tăng mức lạm phát kì vọng, góp phần làm tăng lạm phát thực tế. Đồng thời, giá của những loại hàng hóa quan trọng như xăng dầu, điện, than… bị kìm giữ quá lâu, làm thu hẹp không gian chính sách, đến khi buộc phải thực hiện xóa bỏ bao cấp thì lại thực hiện dồn dập vào một thời điểm gây hiệu ứng tâm lý, làm giảm hiệu quả của các giải pháp kiềm chế lạm.

          Thị trường tiền tệ

Lãi suất có xu hướng tăng cao từ đầu năm 2011 do áp lực của lạm phát. Tuy nhiên, trong quý 3/2011, lãi suất cho vay VNĐ có xu hướng giảm, nhưng không nhiều, do can thiệp của NHNN buộc các ngân hàng thực hiện nghiêm chỉnh quy định về trần lãi suất 14% và thành lập nhóm 12 ngân hàng lớn để ổn định thị trường.

Lãi suất liên ngân hàng, so với cuối năm 2011, tăng mạnh trong quý 1/2011, sau đó giảm nhẹ trong hai quý tiếp theo và đột ngột tăng cao vào thời điểm cuối năm 2011. Lãi suất liên ngân hàng tăng trong năm 2011 có nhiều khả năng là do khi trần lãi suất được giữ nghiêm ở mức 14% nhiều ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn khi đi huy động vốn nên phải vay trên thị trường liên ngân hàng. Nhưng sau đó với động thái bơm ròng 22.000 tỷ đồng qua nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất liên ngân hàng đã giảm trong tháng 9/2011.  Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu thanh toán tăng lên lãi suất liên ngân hàng đã tăng cao trở lại.

Ngoài vấn đề lãi suất tăng cao, còn một hiện tượng đáng chú ý là đường cong lãi suất bị đảo ngược đối với lãi suất liên ngân hàng kì hạn 6 tháng và 12 tháng. Hiện tượng trên có thể phản ánh kì vọng của các ngân hàng lãi suất sẽ giảm trong tương lai (khi lạm phát giảm) hoặc việc các ngân hàng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn mà nguyên nhân có thể do với lãi suất trần 14% các ngân hàng buộc phải huy động tiền gửi ngắn hạn để giữ khách.

          Cán cân thanh toán

Do nhập siêu trong năm 2011 được cải thiện cùng với lượng kiều hối dự kiến đạt mức 9 tỷ USD nên có thể thâm hụt cán cân vãng lai sẽ giảm so với năm 2010. Nhờ đó năm 2011 có thể thặng dư 3,1 tỷ USD, cải thiện đáng kể so với mức thâm hụt 8,9 tỷ USD và 1,8 tỷ USD của năm 2010 và 2011.

          Thị trường ngoại hối

So với năm 2010, tỷ giá nhìn chung được duy trì ổn định hơn trong năm 2011 nhờ những biện pháp quản lý thị trường, kinh doanh thu đổi ngoại tệ cũng như những thuận lợi về cán cân thanh toán. Sau lần điều chỉnh tăng 9,3% vào tháng 2/2011, đến cuối năm 2011 tỷ giá liên ngân hàng chỉ tăng 0,7%, thấp hơn so với tăng 5,5% của năm 2010. Thị trường ngoại hối tiếp tục giữ ổn định trong tháng 1/2012.

Tuy nhiên, do lạm phát cao trong năm 2011 nên mặc dù tỷ giá danh nghĩa đã được điều chỉnh tăng đồng Việt Nam vẫn tăng giá thực 3,2% trong năm 2011, tiếp tục xu hướng tăng giá thực kể từ năm 2004. Xu hướng tăng giá thực làm tăng kì vọng về giảm giá danh nghĩa của đồng Việt Nam, khiến tình trạng găm giữ ngoại tệ càng phổ biến và dự trữ ngoại hối giảm sút.

          Thị trường tài sản

Thị trường chứng khoán trong năm 2011, nhìn chung vẫn trong xu hướng giảm điểm từ năm 2010. Tính tới thời điểm cuối năm 2011, chỉ số VnIndex đã giảm đến 28% trong năm 2011. Đồng thời, thị trường bất động sản cũng khá trầm lắng trong năm 2011, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu và những vụ vỡ nợ gia tăng khi tín dụng được thế chấp bởi bất động sản. Tình hình trên là do chủ trương siết chặt tín dụng với khu vực phi sản xuất, trong đó có bất động sản và kinh doanh chứng khoán.

          CHÍNH SÁCH KINH TẾ VĨ MÔ

          Khuôn khổ chính sách kinh tế vĩ mô

Bước sang năm 2011, do tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều dấu hiệu bất ổn, nhất là tình hình lạm phát. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP (ngày 24/02/2011) về những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và cắt giảm nhập siêu. Đây là văn bản thể hiện quyết tâm của Chính phủ thực hiện thắt chặt chính sách kinh tế vĩ mô. Các giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 11 bao gồm:

- Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15 – 16%; giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.

- Tăng cường quản lý ngoại hối, thực hiện các biện pháp cần thiết để các tổ chức, cá nhân trước hết là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng.

- Tăng thu NSNN 7-8% so với dự toán, tiết kiệm chi thường xuyên, giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới 5% GDP.

- Không mở rộng đối tượng phạm vi bảo lãnh của Chính phủ, bảo đảm dư nợ Chính phủ, dư nợ công, dư nợ nước ngoài trong giới hạn an toàn và an toàn tài chính quốc gia, giảm tối thiểu 10% kế hoạch tín dụng đầu tư từ nguồn vốn tín dụng nhà nước, cắt giảm các dự án đầu tư ngoài lĩnh vực sản xuất của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

- Kiểm soát nhập khẩu để hạn chế nhập siêu.

           Chính sách tài khóa

Tình hình NSNN trong năm 2011 nhìn chung diễn biến theo chiều hướng tích cực khi bội chi ngân sách giảm xuống 4,9% GDP, thấp hơn nhiều mức thâm hụt 5,6% GDP của NSNN năm 2010. Tính đến 31/12/2011 dự kiến nợ công là 54,6% GDP (so với mức 57,3% GDP năm 2010), nợ chính phủ là 43,6% GDP (so với mức 45,7% GDP năm 2010) và nợ quốc gia là 41,4% GDP (so với mức 42,2% GDP năm 2010).

Chính sách tài khóa trong năm 2011 đã thể hiện rõ chủ trương thắt chặt so với năm 2010. Cụ thể là, so với năm 2010, trong năm 2011 tỷ lệ trên GDP của chi đầu tư phát triển đã giảm từ 8,6% xuống 6,9%.

          Chính sách tiền tệ

Trong năm 2011, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát, tăng trưởng tín dụng và cung tiền đều ở mức rất thấp so với các năm trước. Cụ thể, tín dụngtăng ở mức 12%, so với mức 29,8% của năm 2010 và cung tiền tăng ở mức 10%, so với mức 25,3% của năm 2010. Tuy nhiên, việc điều hành chính sách tiền tệ vẫn chưa thực sự nhất quán khi trong tháng 8/2011 cung tiền đã bất ngờ tăng tới 5,56% so với tháng trước. Sau đó, trong tháng 9/2011, NHNN cũng đã bơm ròng 22.000 tỷ đồng qua nghiệp vụ thị trường mở để ổn định lãi suất liên ngân hàng. Động thái trên của NHNN là nhằm giúp các ngân hàng thực hiện quy định về trần lãi suất huy động 14%. Tuy nhiên, chủ trương này có thể ảnh hưởng đến những nổ lực kiềm chế lạm phát.

Việc áp dụng trần lãi suất cũng cho thấy khả năng của NHNN trong điều hành lãi suất thông qua cung tiền và thị trường mở bị hạn chế. Trong điều kiện lạm phát lên tới 18% thì việc áp dụng trần lãi suất 14% là rất khó thực hiện, buộc các ngân hàng phải tìm đủ mọi cách để “lách” quy định.

          Chính sách tỷ giá

Điều hành tỷ giá trong năm 2011 về cơ bản là đúng hướng, giúp tình hình xuất khẩu trong năm rất khả quan. Tuy nhiên, cần lưu ý xu hướng đồng Việt Nam lên giá thực, có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu về lâu dài. Xu hướng tăng giá thực cũng làm tăng kì vọng về giảm giá danh nghĩa của đồng Việt Nam, làm gia tăng tình trạng găm giữ ngoại tệ và theo đó ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối. Ngoài ra, chủ trương ổn định tỷ giá ổn định có thể khuyến khích các khoản vay bằng ngoại tệ, được xem là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra ở Thái Lan năm 1997. Thực tế, trong năm 2011 tín dụng ngoại tệ đã tăng 18,7%, trong khi tín dụng VND chỉ tăng 10,2%.

          DỰ BÁO KINH TẾ 2012

          Lạm phát giảm nhưng khó có khả năng giảm mạnh

Lạm phát trong năm 2012 sẽ giảm so với năm 2011 do: (i) ảnh hưởng của chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ trong năm 2011 và (ii) giá dầu trong năm 2012 được dự báo chỉ tăng 0,3%, so với mức 13,4% của năm 2011 (IMF). Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát trong năm 2012 sẽ chưa thể giảm mạnh so với năm 2010 do áp lực của lộ trình điều chỉnh tăng giá điện, điều hành giá xăng dầu theo thị trường và tỷ giá tăng cũng như yếu tố tâm lí của người dân. Do đó, mục tiêu lạm phát dưới 10% trong năm 2012 sẽ đòi hỏi nỗ lực rất lớn và chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ cần tiếp tục trong năm 2012, với sáu nhóm giải pháp đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ.

          Tăng trưởng kinh tế khó khăn hơn

Bên cạnh sức ép lạm phát, kinh tế trong năm 2012 sẽ khó khăn hơn so với năm 2011 do hai lí do. Thứ nhất,  giá hàng hóa thế giới không kể dầu được IMF (2012) dự báo sẽ giảm 5,6% trong năm 2012. Khi xuất khẩu trong năm 2011 tăng chủ yếu do yếu tố giá thì xu thế trên có thể ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu trong năm 2012. Thứ hai, vấn đề nợ công của Châu Âu chưa được giải quyết có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu của thị trường Châu Âu và Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2012.

PHỤ LỤC

Chỉ tiêu

2012

2010

2011

Tháng 1

Dự báo Q1*

Dự báo cả năm

Tăng trưởng, % tăng GDP so cùng kì

6,78

5,89

-

6,0

6,0-6,5

Xuất nhập khẩu, tỷ đô-la Mỹ

- Xuất khẩu

71,6

96,3

6,5

23-24,5

108,8

- Nhập khẩu

84

105,8

6,6

24-25,5

120,8-121,9

- Nhập siêu

12,4

9,5

0,1*

1 -1,5

12-13

So với xuất khẩu (%)

17,3

9,9

2

5-6

11-12

Lạm phát, % tăng CPI so cùng kì năm trước

11,75

18,13

17,3

13,64

<10%

Bội chi NSNN, tỷ đồng

109,46

121,5

-

-

-

So với GDP (%)

5,6

4,9

-

-

<4,8

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Nghị quyết về “Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012″ của Quốc hội. Chú thích: *Dự báo của Viện CL&CSTC

[1] Tính đến 31/8/2011, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm 43%, cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản giảm 10% (Bộ Kế hoạch Đầu tư).

[2] Tính đến 31/8/2011, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giảm 23,1% so với cuối năm 2010 (Bộ Kế hoạch Đầu tư).

[3] Nguồn: Bộ Công thương

[4] Trong đó, vốn đăng ký của 25 dự án được cấp phép mới đạt 29,5 triệu USD, bằng 33,8% số dự án và bằng 2,4% số vốn so với cùng kỳ năm 2011; vốn đăng ký bổ sung của 5 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước với 7,8 triệu USD.

[5] Nếu theo chu kì này, tỷ lệ lạm phát sẽ theo xu hướng giảm cho đến tháng 7/2012, trước khi đảo chiều.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: