Khóc có lợi hay hại cho sức khỏe?

Suc khoe) - Nhiều người nghĩ rằng khóc là một cách giải tỏa tốt cho tinh thần và có thể giúp lấy lại cân bằng trong cảm xúc cho con người.

>> Anh muốn em chứng tỏ tình yêu bằng 'chuyện đó'

>> Đàn ông rậm lông 'sung mãn' chuyện yêu?

Tuy nhiên, thực tế có phải như vậy? Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc viện tâm lý học, trường Đại học Nam Florida, Mỹ, khóc không có lợi cho sức khỏe như một vài người vẫn nghĩ. Trái lại, nó chỉ có tác dụng cải thiện tâm trạng đối với một số người, song lại gây ra mất tỉnh táo, minh mẫn ở phần lớn những người sau khi khóc.

Nghiên cứu cho thấy: sau khi khóc, nồng độ testosterone - hormone giới tính nam - trong cơ thể người phụ nữ bị giảm xuống nhanh chóng.

Hơn 97 phụ nữ Hà Lan trong độ tuổi từ 18 - 48 đã tình nguyện tham gia cuộc nghiên cứu nêu trên. Trong vòng 3 tháng, những người này đã khóc tổng cộng tới 1.004 lần. Và kết quả được chính bản thân họ nhận định sau khi trải qua trạng thái khóc lóc này là: 61% trong số đó cho rằng: khóc không giúp họ cải thiện được tâm trạng tốt hơn.

Ảnh minh họa

Mặc dù nước mắt không khiến họ thêm đau buồn hay cảm thấy tồi tệ hơn, song việc khóc cũng chẳng giúp gì cho họ. 9% cho rằng: họ cảm thấy chán nản và buồn bã hơn sau khi khóc và 30% còn lại cho rằng: họ cảm thấy thoải mái hơn sau khi khóc.

Theo GS. Rottenberg - người đứng đầu nhóm nghiên cứu nêu trên tại trường Đại học Nam California, khóc không mang tính chất gạt sạch đi những đau buồn hay căng thẳng về mặt thể chất, hay tinh thần cho con người.

Những người cảm thấy thoải mái hơn sau khi khóc thực ra cũng không nhận được tác dụng gì tốt hơn mà đó chẳng qua là do cảm giác được hỗ trợ, an ủi do những người xung quanh mang lại cho họ khi thấy họ khóc.

Làm dâu xứ Hàn - Kỳ 2: Chuyện từ nhà tạm lánh

TT - Khó khăn lắm chúng tôi mới tiếp cận được một nhà tạm lánh dành cho các cô dâu bị ngược đãi tại Chang Won, thuộc phía nam Hàn Quốc. Để an toàn cho các cô dâu và những người phụ trách, địa chỉ và danh tánh các cô dâu không được tiết lộ. Đó là một căn nhà nằm sâu giữa chốn rừng núi heo hút.

>> Làm dâu xứ Hàn - Kỳ 1: Lạc lối ở Seoul

>> Buồn vui ngày về thăm quê của cô dâu Việt xứ Hàn

Bà Par Too Wup, giám đốc trung tâm, cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần bị các chú rể và gia đình chồng cô dâu đến đây quấy rầy, thậm chí đòi hành hung để bắt cô dâu về. Phần lớn các cô dâu tới đây nương nhờ đều là những người gặp phải những ông chồng không tốt, họ thường xuyên bị đánh đập”.

Ám ảnh mẹ chồng

Ngày chúng tôi đến, ở trung tâm này có đến sáu cô dâu Việt đang nương nhờ. Còn lại là một số cô dâu khác đến từ Campuchia, Trung Quốc, Philippines... Mọi người lúc này đã ra nơi làm việc, chỉ còn lại một mình cô dâu Võ Thị Lan (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) ở nhà vì đang mang thai. Lan sinh năm 1990, quê ở huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Qua công ty môi giới, Lan kết hôn với người chồng Hàn Quốc gần gấp đôi tuổi mình rồi qua Hàn từ tháng 7-2010. Lan nói: “Vì gia đình nghèo, cha mẹ thiếu nợ 30 triệu đồng nên em mới chọn con đường lấy chồng Hàn Quốc để giúp gia đình. Lúc mới gặp em thấy ảnh cũng bình thường, nhưng khi qua đây em mới biết tính tình của ảnh không được ổn lắm. Suốt ngày ảnh chẳng nói năng gì, mẹ bảo gì thì làm theo đó như một đứa trẻ...”.

Một tay xoa bụng bầu, một tay gạt nước mắt, Lan nhớ lại những ngày đắng cay của phận làm dâu: “Mới qua, văn hóa ở đây em không hiểu hết nên chuyện va vấp là lẽ thường tình. Nhưng cứ mỗi lần làm sai là mẹ chồng lại chửi mắng, làm nhục bằng những hình phạt quái dị. Có lần do không hiểu tiếng nên em không làm đúng ý mẹ chồng, bà ấy bắt em quỳ gối, hai tay nâng ghế thức suốt đêm. Hay lần khác do xích mích, mẹ chồng xé hết áo quần trên người em rồi đuổi ra ngoài.

Trời rét, không mảnh vải che thân, em phải đi qua nhà hàng xóm xin tạm bộ đồ cũ để mặc. Khi hàng xóm lên tiếng thì bà mẹ chồng đổ oan cho em: Tại nó không cho chồng quan hệ nên lục đục chứ có gì đâu! Nhiều lần em đòi bỏ đi nhưng mẹ chồng bắt phải trả lại 2.000 USD tiền giúp gia đình em trả nợ thì mới cho đi. Tiền không có, hộ chiếu họ giữ nên đành chịu...”.

Sau bốn tháng làm dâu xứ người, không chịu được những hình phạt, những cơn nhục mạ của gia đình chồng, Lan đành bỏ trốn rồi tìm đến trung tâm tạm lánh để nương nhờ. Suốt câu chuyện với chúng tôi, Lan chỉ khóc nhiều hơn nói. Nhắc đến tương lai, Lan chỉ biết gạt nước mắt: “Em ở đây chờ sinh con xong rồi xin tiền về Việt Nam sống thôi, chứ ở đây biết làm gì để nuôi con”. Đó là dự định, còn con đường chạy trốn số phận để đi đến tương lai vẫn còn nhiều chông gai phía trước mà chính Lan cũng không thể nào hình dung được...

Những ngày ở Hàn Quốc, chúng tôi chứng kiến cảnh những cô dâu bị chồng đánh gãy xương sườn phải nhập viện. Họ đau đớn, tủi nhục nhưng chỉ biết âm thầm chịu đựng, chẳng dám nói với mẹ cha...

Trên thực tế, nhiều cô dâu đã không chịu được cảnh bạo lực tình dục, những trò quái đản trong quan hệ vợ chồng và những khác biệt về văn hóa phòng the... Một cô dâu tại thành phố Busan tâm sự: “Trong số những đàn ông Hàn về lấy vợ Việt có những người do bị bệnh bạo lực tình dục, vợ cũ là người bản xứ không chấp nhận nên mới ly dị. Ở đây, tôi từng nghe chị em tâm sự rằng nhiều ông chồng tìm cách quan hệ với vợ một cách quái dị như phim. Thậm chí có cô còn bị mẹ chồng, chị chồng bắt quan hệ với chồng trước mặt họ để xem khả năng làm vợ của cô dâu Việt... Nhiều người chịu không được nỗi nhục, hổ thẹn nên đã bỏ trốn để làm lại từ đầu!”.

“Tôi chỉ là chiếc máy đẻ!”

Khác biệt về văn hóa, tuổi tác, xung đột giữa mẹ chồng nàng dâu, vỡ mộng do không tìm được điểm chung trong hôn nhân... nên nhiều cuộc tình Hàn - Việt sớm tan vỡ. Với cô dâu Đặng Thị Hồng Loan, quê ở Kiên Giang, cũng vậy. Sau năm năm chung sống với chồng, đã có với nhau một mặt con nhưng dường như cũng không đủ để khỏa lấp những khác biệt giữa họ.

Không chịu được những lời đay nghiến của mẹ chồng, không chịu được những lần bị xỉ vả, sự lạnh lùng của chồng, Loan đành chấp nhận đưa đơn ra tòa ly dị. Chúng tôi gặp Loan trong một ngày giá rét ở thành phố Incheon. Loan là một cô gái khá xinh xắn, thông minh và khẳng khái.

Cô chia sẻ: “Phải hiểu đa số họ là những người đã lỡ thời, thu nhập thấp, đã ly dị vợ hoặc có khiếm khuyết, không đủ tiêu chuẩn để lấy vợ bản xứ họ mới về cưới con gái Việt Nam. Với họ, lấy vợ chỉ để sinh con đẻ cái, là một cuộc mua bán chứ chẳng thương yêu gì mình đâu. Với gia đình chồng, tôi như một cái máy đẻ không hơn không kém! Với các bà mẹ chồng, con trai họ mới là số một, còn mình thì chẳng có nghĩa lý gì cả”.

Trong một lần cãi vã, Loan bị chồng xé hộ chiếu rồi đuổi ra khỏi nhà. Từ đó, Loan đành qua nhà bạn ở tạm để chờ quyết định của tòa án. Sau nhiều đêm trắng suy nghĩ, Loan đành nhờ người đồng hương dẫn đến viện kiểm sát thành phố để tư vấn. Làm sao để sau khi ly dị vẫn có được giấy tờ tạm trú hợp pháp, để được thăm nom con đó là điều Loan mong mỏi sau khi hôn nhân tan vỡ.

Ngồi ở phòng chờ của viện kiểm sát, tay mân mê quyển hộ chiếu đã bị rách nát, Loan nói trong nước mắt: “Nhiều lần nhớ con chịu không được, tôi đã mon men tìm về nhà chồng nhưng mẹ chồng không cho gặp con. Nỗi nhớ con, nỗi đau đớn của sự đổ vỡ cứ dằn vặt tôi hằng đêm. Nhưng cũng chỉ biết cắn răng chịu đựng một mình bởi đó là lựa chọn của chính tôi, sự lựa chọn mơ hồ và mù dại...”.

Phải đợi đến mấy tháng trời Loan mới được gặp lại đứa con của mình. Thật trớ trêu, nơi mẹ con cô gặp nhau lại là tòa án, nơi mà con cô phải chứng kiến quyết định phải xa mẹ khi mới lên 4. Đứa con vẫn hồn nhiên, ngây thơ, nó đâu biết rằng nỗi lòng của người mẹ đang quặn thắt trước thực tại phũ phàng! Loan và con chỉ có hai tiếng quấn quýt bên nhau khi tòa án tạm nghỉ vào buổi trưa. Cô quên cả đói, quên cả gió tuyết, quên cả đau đớn... khi được ẵm đứa con vào lòng! Bởi Loan biết rồi đây cô phải xa núm ruột của mình mãi mãi...

Với luật pháp và tập quán Hàn Quốc, phần lớn sau khi ly dị con cái đều do chồng nuôi. Người may mắn thì được tạm trú hợp pháp để thăm nom con, người không may mắn thì phải về nước hoặc chấp nhận cuộc sống bất hợp pháp may rủi nơi xứ người. Mộng đã vỡ, tương lai mù mịt, con thì nhà chồng nuôi giữ, những cô dâu xứ lạ chỉ còn lại hai bàn tay trắng và vết thương lòng đơn côi nơi xứ người...

THẾ ANH

Bầu Đức: Ngày trở thành tỷ phú thế giới không còn xa

Đại diện cho giới doanh nhân Việt Nam tham dự giải thưởng Doan nhân toàn cầu của Ernst & Young tại Monte Carlo, Monaco vào tháng 6/2012, bầu Đức cho biết đích mà ông vươn tới là danh hiệu tỷ phú thế giới.

>> Bầu Đức tham dự giải doanh nhân toàn cầu

>> Chuyện thưởng cho U23 VN

Chia sẻ với VnExpress.net, bầu Đức nói rằng việc được tham dự giải thưởng tại Monaco cho thấy quá trình làm việc và phấn đấu không mệt mỏi của mình đã cho kết quả tốt.

- Được Wall Street Journal bình chọn là một trong 29 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á, rồi lại được chọn làm doanh nhân Việt Nam tham gia giải bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp tại Pháp, ông có nghĩ mình là doanh nhân số 1 Việt Nam?

- Không ai dám vỗ ngực xưng mình là số 1 hay số 2 cả. Danh hiệu là do xã hội nhìn nhận và đánh giá dựa trên những thành quả mà người đó đạt được. Tôi chưa bao giờ tĩnh lại để tự so sánh mình với ai đó hoặc đánh giá mình đang là số một hay số 2. Điều này thật vô bổ và nó không đúng với cách sống của tôi.

Tôi có lý tưởng sống, triết lý kinh doanh và mục tiêu để phấn đấu đạt được. Nói thật, bất cứ vinh quang nào đi liền với nó là sự trả giá. Bao năm qua, chưa lúc nào tôi cho phép mình nghỉ ngơi và bê trễ công việc. Đôi khi, tôi than phiền rằng số tôi khổ khi chẳng có phút nghỉ ngơi cho riêng mình. Nói điều này để thấy có được thành công là tôi phải làm việc cực hơn rất nhiều những người khác.

Mỗi người có một mục đích sống. Tôi có niềm đam mê cho công việc và luôn mong mỗi ngày trôi qua, công việc của tôi lại tốt hơn chứ không phải là những giải thưởng hay vinh danh này nọ mà tôi được phong tặng hiện nay. Đôi khi, tôi tự nói với mình rằng đã coi công việc là lý tưởng và mục tiêu sống thì cứ làm việc đi, làm việc hăng say vào và đam mê hơn hết thảy người khác rồi thành công sẽ tự đến.

- Những thành công đến với ông hiện nay được coi là sớm hay muộn?

- Tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ thành công nhưng quả thực nó đến vào thời điểm nào thì tôi chưa từng nghĩ đến. Ngay cả những danh hiệu mà tôi đạt được hiện nay cũng vậy, tất cả đều được công bố một cách bất ngờ. Và tôi thường là người biết thông tin muộn nhất.

- Ông sẽ chuẩn bị gì khi đến Pháp vào tháng 6/2012?

- Tôi chưa chuẩn bị gì cả và cũng chẳng biết phải làm gì để đạt được giải thưởng đó. Tôi chỉ biết rằng trách nhiệm của người đứng đầu là phải làm những gì tốt nhất cho doanh nghiệp mình để hàng chục vạn cán bộ của mình có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Tôi cho rằng mỗi giải thưởng Ban tổ chức đều đưa ra những tiêu chí riêng. Top người giàu sàn chứng khoán Việt do VnExpress.net công bố hằng năm cũng vậy, các bạn cũng có những tiêu chí nhất định. Tôi không phải vì những tiêu chí này là lái mục tiêu, lý tưởng của mình theo để cố gắng giật cho được giải thưởng. Điều quan trọng nhất với tôi là làm tốt những gì mình đang làm, mình cho là đúng mới mục đích đề ra. Nếu những gì tôi đang làm hợp với tiêu chí giải thì tốt, bằng không cũng đành phải chấp nhận.

- Ông đã hình dung đến việc mình sẽ phải "chiến đấu" với rất nhiều tên tuổi doanh nhân đẳng cấp thế giới để giành giải tháng 6 năm tới?

- Nói thật, tôi chưa biết danh sách đó có những ai vì thế tôi chưa thể đánh giá hoặc hình dung gì về họ cả. Nhưng tôi sẽ không chạy theo tiêu chí của giải mà thay đổi công việc mình đang làm. Đành rằng giải thưởng này mang tầm quốc tế, tức là tôi đang mang hình ảnh của doanh nhân Việt đi thi đấu. Tất nhiên tôi cũng sẽ chuẩn bị và có phương án cụ thể để chiến đấu hết mình thôi.

Tôi cho rằng dù trong danh sách đề cử giải có gương mặt hoặc tên tuổi nào đi chăng nữa thì tôi cũng không ngại. Hoàng Anh Gia Lai đã hợp tác làm việc với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Deutsche Bank, Credit Suisse, Temasek, Dragon Capital... nên tôi đã ít nhiều hiểu về họ. Chúng tôi cũng đầu tư ra nhiều thị trường như Lào, Campuchia, Miến Điện... nên không ngại va chạm hay tiếp xúc với các tập đoàn lớn và những tên tuổi mang tầm cỡ quốc tế.

- Kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, bản thân bất động sản - lĩnh vực chính mà Hoàng Anh Gia Lai đang kinh doanh, gặp tình trạng đình trệ. Ông có nghĩ rằng điều này sẽ ảnh hưởng tới việc bầu chọn giải thưởng thế giới với mình hay không?

- Quả là giai đoạn này kinh tế của chúng ta đang rất khó khăn. Kinh tế khó khăn thì chắc chắn doanh nghiệp Việt sẽ bị ảnh hưởng nhất định trong đó, Hoàng Anh Gia Lai không là ngoại lệ. Nếu giải thưởng được đưa ra bình xét vào giai đoạn năm 2007 thì sẽ tốt hơn rất nhiều so với năm nay hoặc năm 2012.

Tuy nhiên, như tôi đã nói rồi, giải thưởng là quan trọng nhưng không có nghĩa chúng tôi sẽ phải cố gắng đạt được bằng mọi giá. Còn về hoạt động kinh doanh, từ cuối năm ngoái chúng tôi đã nhận định bối cảnh rất khó khăn nên đã tập trung mọi nguồn lực để huy động vốn. Cuối tháng 8/2010, Hoàng Anh Gia Lai đã huy động 50 triệu USD từ Tập đoàn Temasek, rồi 60 triệu USD của Deutsche Bank, huy động 90 triệu USD Credit Suisse. Và cuối năm nay chúng tôi huy động tiếp 55 triệu USD của Temasek nữa. Đây đều là những tổ chức tài chính của thế giới chứ không còn khu vực. Trong thời gian ngắn mà huy động được nguồn tài chính như vậy, chắc chắn chúng tôi không phải là doanh nghiệp bình thường rồi.

- Vẻ bề ngoài của ông trông khá giản dị, nhiều người còn nhận xét ông hơi nông dân khi mặc đồ lên nhận giải và đại diện cho Việt Nam đi dự giải doanh nhân toàn cầu vào tối 8/10 vừa qua. Vẻ bề ngoài có phải là một bất lợi đối với ông khi tham dự giải thưởng này?

- Cách ăn mặc của tôi cũng thời trang và đẹp đấy chứ. Bạn cứ hình dung một ngày đẹp trời, ai đó bắt gặp tôi mặc vest trông rất chỉn chu, có lẽ đó không phải là tôi rồi. Nếu không quần jean thì không còn là bầu Đức nữa. Nói như vậy để thấy rằng dù có đứng ở vinh quan nào đi chăng nữa, dù có sang Pháp, Anh hay ở bất cứ hành tinh nào thì tôi vẫn là tôi.

- Ông có tin mình giành được giải vào tháng 6 năm tới?

- Tôi không dám nói về điều đó. Là doanh nhân Việt, đang bươn chải trong giai đoạn kinh tế khó khăn, có mặt trong danh sách bầu chọn đã là một điều bất ngờ rồi. Tôi chỉ có thể nói rằng mình sẽ cố gắng để đạt được điều đó. Thành công hay không thì câu trả lời sẽ là thời gian.

- Ông từng bày tỏ mong muốn trở thành tỷ phú thế giới. Ước mơ đó giờ ra sao rồi?

- Ước mơ này không chỉ của riêng tôi đâu mà bất cứ ai dấn thân vào thương trường đều mong muốn điều đó. Tôi không viển vông khi đặt ra tham vọng như vậy và ngày đó sẽ không xa nữa đâu. Nếu thị trường tài chính Việt Nam tốt ,cái đích 'tỷ phú thế giới' của tôi đã có thể đạt được nhưng thời gian qua kinh tế toàn cầu có nhiều khó khăn nên mục tiêu mà tôi đặt ra đã bị chậm lại.

- Từng kêu số mình khổ, ông khổ vì điều gì?

- Cái khổ cần được đặt trong ngoặc kép chứ không phải mang nghĩa khổ đơn thuần. Cái giá thành công của tôi là việc tôi không cho mình được một phút ngừng nghỉ. Ai đó có thể đi du lịch, tự cho mình phút nghỉ ngơi, thư giãn, còn tôi tất cả khoảng thời gian đó đều được quy đổi ra công việc. Với nhiều người có việc đã là hạnh phúc, tôi cũng vậy. Tôi chỉ sợ một ngày tôi không còn đam mê công việc và không biết làm gì thôi.

lại đi tìm "kho báu 4.000 tấn vàng"

TT - UBND tỉnh Bình Thuận vừa chính thức cấp phép thăm dò kho báu trên núi Tàu (còn gọi là núi Mây Tào ở xã Phước Thể, huyện Tuy Phong) cho ông Trần Văn Tiệp, 96 tuổi, người hơn nửa đời theo đuổi việc tìm kiếm kho báu này.

>> Bí ẩn kho vàng 4.000 tấn

>> Phát hiện bom tấn sau cơn mưa lớn

Ông Tiệp khẳng định: “Có không dưới 4.000 tấn vàng đã được phát xít Nhật chôn giấu ở núi Tàu”. Theo quyết định này, ông Tiệp sẽ có 270 ngày kể từ ngày 10-10-2011 để tiến hành thăm dò, đồng thời phải ký quỹ 500 triệu đồng để tái lập mặt bằng sau khi thăm dò.

Đây là lần thứ hai UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định cho phép ông Tiệp thăm dò kho báu núi Tàu sau lần đầu vào năm 1993. “Chưa có một chỉ vàng nào được lấy lên, nhưng gần 20 năm nay tôi đã đổ vào núi Tàu hàng ngàn cây vàng vì tôi tin chắc chắn có một khối tài sản khổng lồ đang nằm sâu trong lòng núi mà nếu đào lên được sẽ có lợi vô cùng cho đất nước” - ông Tiệp khẳng định.

Sự thật hay huyền thoại?

Chiều 12-10, chúng tôi trở lại núi Tàu, một ngọn núi rất nhỏ, cao chưa tới 100m, vốn không có gì xa lạ vì nằm ven quốc lộ 1A, đối diện Nhà máy nước khoáng Vĩnh Hảo. Từ dưới chân núi đi lên chỉ toàn cây bằng lăng và chùm bầu dại mọc kín lối, chỉ có dê, bò gặm cỏ, hoàn toàn không thu hút bất cứ người dân nào trong vùng đến để tìm kế sinh nhai.

Tuy nhiên, với ông Trần Văn Tiệp thì từ hơn nửa thế kỷ nay, núi Tàu đã gắn liền với giấc mộng vàng khi ông tình cờ được vợ một sĩ quan cao cấp của quân đội Nhật tiết lộ về kho báu núi Tàu. Rồi ông Lê Văn Bường, nguyên là tỉnh trưởng tỉnh Bình Tuy (vùng đất phía nam Bình Thuận hiện nay), cũng đã tiết lộ thêm nhiều thông tin về kho báu núi Tàu cho ông Tiệp.

Theo thông tin ông Bường cung cấp, vào năm 1945 tướng Tomoyuki Yamashita của quân đội phát xít Nhật sau khi đánh bại quân Anh tại Malaysia, Singapore đã lấy một khối lượng lớn vàng bạc, châu báu tại khu vực Đông Nam Á. Nhưng trên đường vận chuyển về Nhật thì tình hình chiến trận đổi chiều, lo sợ không giữ được số tài sản đó nên khi ngang qua vùng biển Bình Thuận, quân Nhật đã cho đào núi cất giấu tài sản và đánh đắm tàu chở kho báu ngoài khơi xã Phước Thể (Tuy Phong, Bình Thuận).

Ông Bường còn cho biết chính mình là người từng nắm giữ tấm bản đồ kho báu núi Tàu.

Nhưng trong lúc lộn xộn sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm năm 1963, cấp dưới của ông Bường là tỉnh phó nội an tỉnh Bình Tuy Lê Văn Sĩ đã chiếm đoạt mất tấm bản đồ này. Tuy nhiên, không may, sau lần tiết lộ thông tin về kho báu ít lâu thì ông Bường đột tử làm tất cả manh mối rơi vào ngõ cụt.

Nhưng niềm tin về kho báu đã nhanh chóng bùng lên mãnh liệt với ông Tiệp khi năm 1976, tỉnh Thuận Hải (Ninh Thuận, Bình Thuận) đã tiến hành thăm dò dưới đáy biển hòn Lao Câu, cách núi Tàu 3 hải lý và phát hiện một xác tàu chiến của quân đội Nhật, cả một con tàu hàng ngàn tấn nhưng ngoài 76 thỏi ăngtimoan, thợ lặn không phát hiện thêm thứ gì khác, tất cả đều rỗng ruột. Điều này càng dấy lên nghi vấn quân đội Nhật đã bốc toàn bộ vàng vào đất liền chôn giấu và đánh đắm tàu.

Cùng chung niềm tin ấy với ông Tiệp còn có ông Lê Văn Hiền (bí danh là Tám Hiền), nguyên bí thư Tỉnh ủy Thuận Hải. Vào năm 1987, khi đang làm bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, ông Hiền đã tập hợp các thông tin về kho báu núi Tàu. Đến năm 1992, chính ông Hiền đã đứng tên, hợp tác với ông Tiệp xin UBND Bình Thuận cho phép thăm dò kho báu sau đó.

Dù suốt nhiều năm trời ông Trần Văn Tiệp và ông Lê Văn Hiền vẫn không tìm thấy kho báu nhưng niềm tin của hai ông già tuổi ngoài thất thập vẫn tiếp tục được bồi đắp khi trong thời gian đào bới đã tìm được sáu cổ vật. Đó là một thanh kiếm Nhật đã gỉ sét mà theo ông Tiệp là do quân đội Nhật yểm lại, một logo bằng đá biểu tượng của băng đảng Hắc Long (Nhật), một đồng Nippon Bank 10.000 yen, một mảng đá la bàn và hai cổ vật Champa. Cả sáu cổ vật này hiện được ông Tiệp gửi vào ngân hàng và mua bảo hiểm hẳn hoi.

Do thời gian đào bới quá lâu, sau nhiều lần ra quyết định tạm dừng, năm 2003 UBND tỉnh Bình Thuận quyết định cưỡng chế, chấm dứt thăm dò. Tuy nhiên, quyết định ấy vẫn không chấm dứt được giấc mộng tìm kho báu của ông Tiệp, kể cả khi người bạn đồng hành là ông Lê Văn Hiền qua đời vào năm 2009.

Tháng 9-2010, ông Trần Văn Tiệp thuê Công ty cổ phần Thiết bị địa vật lý chế tạo tại Hà Nội tiến hành đo địa vật lý tại núi Tàu bằng máy đo từ trường và máy đo điện đa cực. Kết quả đo độc lập của hai phương pháp này đều phát hiện một dãy dị thường chạy dọc theo hướng nam - bắc, dài khoảng 200m, ngang 10m ở độ sâu khoảng 50m, với các khối kim loại lớn được xếp rất tập trung.

Ngay sau đó, một bản đồ 3D về dãy dị thường này (theo ông Tiệp chính là kho báu với số vàng ước tính khoảng 4.000 tấn) đã được vẽ chi tiết và trình lên UBND tỉnh Bình Thuận kèm theo cam kết và kế hoạch thăm dò vào đầu năm 2011. Dựa trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã đồng ý cho phép thăm dò lại kho báu núi Tàu.

“Tìm kho báu không phải cho tôi”

Ông Tiệp hiện sống trong căn nhà khá bề thế tại một con hẻm trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Dù đã 96 tuổi nhưng ông vẫn còn khá minh mẫn, nhắc đến kho báu núi Tàu, mắt ông Tiệp sáng rỡ, không phải vì số tài sản quá lớn mà bởi gần như nửa cuối cuộc đời ông đã sống chết vì nó.

Ông Tiệp chia sẻ: “Tôi tìm kho báu là vì không muốn một khối tài sản quá lớn đang nằm trên đất nước mình bị quên lãng, chứ không phải tìm vì cá nhân tôi”. Bởi theo quy định, nếu giá trị kho báu trên 10 tỉ đồng thì ông Tiệp chỉ được hưởng 0,5% giá trị. Tuy nhiên, vì quyết định thăm dò do UBND tỉnh cấp nên mức thưởng tối đa mà cấp UBND tỉnh có thể thưởng nếu ông Tiệp tìm được kho báu cũng chỉ không quá 200 triệu đồng (theo nghị định 96/2009/NĐ-CP).

Nhiều người sẽ nghĩ rằng đó là một cuộc làm ăn quá mạo hiểm so với tài sản bỏ ra và nhất là tuổi tác của ông. Nhưng ông Tiệp không nghĩ vậy, ông đã dành gần như cả đời mình để tìm cơ hội tìm kiếm kho báu, và quyết định vào “phút 89” này được ông Tiệp đón nhận một cách hào hứng.

15 tuổi, ông Tiệp từ miền Bắc theo cha vào Phan Thiết lập nghiệp, từng tham gia kháng chiến chống Pháp rồi mưu sinh bằng đủ thứ nghề khắp các tỉnh Nam bộ. Từ nghề xay đá tại Tuyên Đức (Lâm Đồng) đến làm trang trại ở Bình Tuy trước năm 1975, rồi làm nghề lái xe ngang dọc khắp các nông trường ở Nam bộ sau năm 1975. Từ tay trắng gầy dựng nên một cơ ngơi khá đồ sộ tại Sài Gòn, các con của ông hiện đều rất khá giả, trong đó một người là tổng giám đốc một ngân hàng lớn tại TP.HCM.

Tuy nhiên, tất cả nỗ lực ấy ông Tiệp đều đổ hết vào giấc mộng tìm kho báu. Năm 1993, ông từng thế chấp căn nhà trên đường Nguyễn Trọng Tuyển để vay 700 triệu đồng đổ vào núi Tàu. Chỉ riêng thời điểm năm 1993 số tiền mà ông Tiệp dồn vào kho báu đã không dưới 2 tỉ đồng theo thời giá lúc đó, cùng hàng loạt cuộc thăm dò tốn kém kéo dài sau đó. Còn lần này, dự toán ước tính để thăm dò trong quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận cũng không hề nhỏ, lên tới hơn 3,3 tỉ đồng.

Thay mặt gia đình, ông Trần Phương Hồng - con trai ông Tiệp - nói: “Tôi cùng với mấy người cháu sẽ thay mặt cha đứng ra thăm dò kho báu. Đó là ước nguyện lớn nhất và cuối cùng của cha tôi. Nếu tìm được thì quá mãn nguyện, còn không cũng thỏa mãn phần nào ước nguyện một đời mà cha tôi theo đuổi”.

VIỄN SỰ - HÀ MI - NHƯ MINH

----------------------------------------------

Nhiều lần khảo sát

Trước ông Tiệp đã có nhiều đoàn khảo sát đến núi Tàu để làm rõ nghi vấn về kho báu. Quy mô nhất là lần khảo sát của thượng nghị sĩ chính quyền Sài Gòn cũ Hoàng Kim Quy trước năm 1975.

Người này đã nhiều lần cho trực thăng thả người xuống thăm dò, đào xới nhưng không phát hiện được dấu vết rõ ràng. Lần đó, đoàn khảo sát đã đổ một số mảng bêtông đánh dấu tại khu vực phía đông núi Tàu.

Đến năm 1984, một nhóm chuyên viên của Bộ Quốc phòng tiến hành khảo sát bằng máy dò cạn Forstep TYP 4051 và có kết quả: “Có một khối lượng lớn với diện tích nhiễm từ xấp xỉ 1.200m2. Tại sườn chiều cao theo hướng đông, đông nam và hướng nam”.

----------------------------------------------

Sau Tết Nguyên đán 2012 tiến hành thăm dò

Ông Trần Phương Hồng cho biết sau Tết Nguyên đán 2012 mới tiến hành thăm dò kho báu núi Tàu vì hiện gia đình mới bắt đầu ký hợp đồng với các đơn vị thăm dò, san ủi. Theo quyết định, ông Tiệp sẽ được thăm dò trên diện tích 2.400m2, với năm vị trí khoan. Qua thăm dò trước đây, ông Tiệp khẳng định vị trí kho báu nằm ở độ sâu 50m từ đỉnh núi, cao 50m so với mực nước biển. Ông cũng cho rằng nếu thời tiết thuận lợi thì với máy móc hiện đại chỉ trong vòng 30 ngày là có thể tìm thấy kho báu(?).

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: