Tìm hiểu về hình tư tưởng
Nếu người ta suy nghĩ về chính mình hoặc tư tưởng của y dựa vào một xúc cảm cá nhân (đại đa số tư tưởng đều như thế cả) thì hình tư tưởng ắt lượn lờ ngay kế cận người sinh ra nó. Thế là bất cứ khi nào y ở tình trạng thụ động (khi tư tưởng và xúc động của y không đặc biệt bận tâm tới cái gì) thì hình tư tưởng của chính y lại quay về với y, xả năng lượng lên chính y. Ngoài ra mỗi người còn đóng vai trò một nam châm thu hút về chính mình những hình tư tưởng của người khác tương tự như hình tư tưởng của chính mình, thế là thu hút về bản thân năng lượng củng cố từ bên ngoài. Những người nào trở nên nhạy cảm trong trường hợp ấy đôi khi tưởng tượng rằng mình bị “ma quỉ” cám dỗ, trong khi thật ra chính các hình tư tưởng dục vọng của mình gây ra “sự cám dỗ” ấy. Cứ suy đi ngẫm lại về cùng một đề tài có thể tạo ra một hình tư tưởng mạnh ghê gớm. Một hình tư tưởng như thế có thể sống dai tới nhiều năm và nhất thời có đủ mọi dáng vẻ cũng như quyền năng của một sinh vật thật sự. Hầu hết mọi người lê bước lầm lũi trải qua cuộc đời mà theo nghĩa đen lại bị nhốt trong một cái lồng do chính mình xây dựng nên, xung quanh vây bủa hàng đống hình tư tưởng do những tư tưởng theo thói quen của mình sinh ra. Một hậu quả quan trọng của điều này là mỗi người đều nhìn ra thế giới bên ngoài qua hàng hàng lớp lớp những hình tư tưởng của chính mình để rồi nhìn thấy mọi vật qua màu sắc của mắt kính hình tư tưởng ấy.
Thế là hình tư tưởng của chính người ấy lại phản tác động lên y, có khuynh hướng sinh sôi nảy nở để tạo ra những thói quen tư tưởng và xúc cảm nhất định; điều này có thể hữu ích nếu nó mang tính cách cao cả nhưng thông thường thì nó lại câu thúc và gây chướng ngại cho sự tăng trưởng, làm mờ ám đi tầm nhìn của thể Trí khiến cho thành kiến và những thái độ hoặc tâm trạng mang đầy định kiến dễ dàng được tạo lập, để rồi phát triển thành những thói xấu nhất định.
Một Chơn sư có dạy như sau: “Con người luôn luôn làm cho dòng sinh hoạt của mình trong không gian đầy dẫy thế giới của riêng mình, lúc nhúc đám con cháu của những điều hoang tưởng, ham muốn, xung động và đam mê của chính mình”. Những hình tư tưởng ấy vẫn còn sống sót trong hào quang của y, tăng cường về số lượng và cường độ cho đến khi một vài loại hình tư tưởng thống lĩnh sinh hoạt trí tuệ và xúc động của y đến nỗi con người thà nghe theo sự thôi thúc của chúng còn hơn quyết định khác đi. Thế mới tạo ra thói quen vốn là biểu hiện bên ngoài của thần lực đã được tích lũy và thế là y xây dựng tính tình của mình như vậy.
Vả lại, vì mỗi người bỏ lại phía đằng sau mình một vết tích các hình tư tưởng cho nên suy ra rằng khi chúng ta dạo bước trên đường phố thì ta đang đi giữa một biển tư tưởng của người khác. Nếu người ta nhất thời để cho tâm trí trống rỗng thì những tư tưởng này của người khác ắt trôi dật dờ qua nó: nếu một hình tư tưởng ngẫu nhiên thu hút chú tâm của y thì tâm trí của y bèn chụp lấy nó, biến nó thành tư tưởng của mình, củng cố nó bằng cách thêm sức cho nó rồi lại phóng ra đi ảnh hưởng tới người khác nữa. Vì vậy, người ta không chịu trách nhiệm về một tư tưởng trôi nổi lọt vào trí mình, nhưng y chịu trách nhiệm nếu tiếp nhận nó, nghiền ngẫm nó, rồi lại phóng nó ra với sức mạnh được củng cố.
Một ví dụ về hình tư tưởng là hình tư tưởng những đám mây vô định hình có màu xanh thẫm mà ta thường thấy lượn lờ như những vòng hoa gồm sương khói mịt mù trên người đám người tụ tập trong nhà thờ. Trong những nhà thờ mà trình độ tính linh còn thấp thì tâm trí đám đàn ông có thể tạo ra hàng dãy con số biểu diễn những tính toán của họ về các thương vụ hoặc những mối đầu cơ, còn tâm trí của cánh phụ nữ có thể tạo ra hình tư tưởng xiêm y, nón áo, đồ trang sức v.v. . .
Thuật thôi miên cung ứng một ví dụ khác về những hình tư tưởng. Nhà thao tác thôi miên có thể tạo ra một hình tư tưởng phóng chiếu nó lên một tờ giấy trắng nơi mà đối tượng bị thôi miên có thể nhìn thấy nó; hoặc nhà thao tác có thể khiến cho hình tư tưởng ấy mang tính ngoại giới đến nỗi đối tượng ắt nhìn thấy và cảm thấy như thể nó là một vật có thực trên cõi trần. Kho tài liệu về khoa thôi miên có đầy dẫy những ví dụ nhu thế.
Nếu hình tư tưởng được điều khiển hướng về người khác thì nó sẽ đi thẳng tới người ấy. Thế là một trong hai tác dụng có thể xảy ra.
(1) Nếu hào quang của người hữu quan có loại vật liệu có thể đáp ứng đồng cảm với rung động của hình tư tưởng thì hình tư tưởng ắt vẫn còn ở gần người ấy hoặc thậm chí tấp luôn vào hào quang của y để rồi khi có cơ hội là tự động xả năng lượng, thế là có khuynh hướng củng cố cái nhịp độ rung động đặc thù ấy nơi người tiếp nhận. Nếu người là đối tượng của tư tưởng ngẫu nhiên đang bận rộn hoặc đã dấn thân vào một chuỗi tư duy xác định nào đó thì hình tư tưởng – vì không thể xả năng lượng trút vào thể trí người ấy do thể trí ấy đã rung động theo một nhịp độ xác định nào khác – bèn treo lơ lửng cận kề đó cho đến khi thể trí của người ấy đã yên tĩnh đúng mức khiến cho nó có thể xâm nhập vào thì nó bèn tức khắc xả năng lượng.
Khi làm như vậy nó phơi bày điều có vẻ giống như một lượng trí khôn và tính thích nghi đáng kể, mặc dù thật ra nó chỉ là một lực tác động theo hướng sở trường: lúc nào cũng đều đều gây áp lực theo một hướng rồi lợi dụng bất cứ kênh dẫn nào mà mình tìm được. Dĩ nhiên những tinh linh nhân tạo như thế có thể được củng cố và tuổi thọ của chúng được kéo dài ra bằng cách lập đi lập lại cùng một tư tưởng.
(2) Mặt khác, nếu trong hào quang của người kia không có vật chất đáp ứng được với nó thì hình tư tưởng tuyệt nhiên không thể gây ảnh hưởng gì được. Vì vậy, hình tư tưởng sẽ bị dội lại khỏi hào quang với một lực tỉ lệ với năng lượng mà nó tác động lên hào quang để rồi quay lại đập vào chính người tạo ra nó.
Thế là chẳng hạn như tư tưởng muốn uống rượu không thể xâm nhập vào thể trí của một người điều độ trong sạch. Nó ắt đập vào thể vía của y nhưng không xâm nhập vào nổi để rồi bị dội lại về phía người phóng ra nó.
Cổ nhân có bảo: “Gậy ông đập lưng ông” chính là diễn tả sự thật này và giải thích những trường hợp mà nhiều người đã biết rằng những tư tưởng độc ác nhắm vào một người tiến hóa cao và lương thiện tuyệt nhiên không ảnh hưởng tới người ấy mà lại phản tác động lên chính người tạo ra nó, đôi khi với tác dụng tàn phá khủng khiếp. Cũng vì thế mới có hệ luận hiển nhiên rằng một tâm hồn và tâm trí trong sạch là sự bảo vệ tốt đẹp nhất chống lại những sự công kích thù địch về xúc cảm và tư tưởng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top