Các Sách Tiếp Theo Của Ngũ Thư
Sách Công vụ Tông đồ (chương 1 - 8)
***
le ngu tuanTỔNG QUÁT
1. Tầm quan trọng của sách Công vụ
Sách Công Vụ là cuốn sách duy nhất trong bộ Tân Ước đã nối kết câu truyện về Chúa Giêsu với câu truyện về Giáo Hội sơ khai. Nhờ đó không những chúng ta có thêm thông tin về Giáo Hội sơ khai mà còn hiểu thêm về những sách khác trong Tân Ước.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của sách Công Vụ không chỉ ngừng lại ở đây. Chúng ta tin rằng những gì được ghi lại trong Sách Thánh không chỉ là những lời liên quan đến quá khứ nhưng còn là lời Chúa nói với ta ngày nay. Vì thế những câu truyện trong sách Công Vụ là những mẫu điển hình, qua đó ta hiểu được cách thế Thiên Chúa hướng dẫn Dân Ngài, ngày xưa cũng như ngày nay. Dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, thánh Luca đã viết sách Công Vụ trong ý hướng này. Trong số rất nhiều câu truyện, ngài đã chắt lọc những gì quan trọng nhất để làm mẫu mực cho đời sống Kitô hữu. Ngài tập trung vào một số câu truyện và mô tả thật sâu. Ngài nối kết truyện kể với các diễn từ, nhờ đó làm nên tổng thể cho những vấn đề được trình bày. Khi viết như thế, thánh Luca không chỉ đóng vai một sử gia thuần tuý nhưng còn như một mục tử cung cấp mẫu sống đức tin cho cộng đoàn tín hữu. Vì thế sách Công Vụ không chỉ đơn thuần là một tư liệu lịch sử nhưng trước hết và trên hết, là bài tường thuật đức tin. Thật vậy, ta có thể coi sách Công Vụ là bản trình bày lối sống Kitô hữu bước theo Chúa Giêsu, được thể hiện cách sinh động nơi các Kitô hữu thuở ban đầu.
2. Lược đồ tổng quát
1,12 - 8,3 Giáo Hội tại Giêrusalem được khai sinh và phát triển trong tác động của Thánh Thần
8,4 - 9,31 Cuộc bách hại và sự phát triển của Giáo Hội tại Giuđêa và Samaria
9,32 - 15,35 Dân ngoại: Phêrô và Cornêliô, Barnabê và Saulê, Công đồng Giêrusalem
15,36 - 18,23 Sứ mạng của thánh Phaolô: hành trình truyền giáo lần II
18,24 - 21,14 Thánh Phaolô tại Giêrusalem: hành trình truyền giáo lần III
21,15 - 26,32 Tù nhân Phaolô làm chứng cho sự phục sinh
27,1 - 28,31 "Con sẽ làm chứng tại Roma"
NHỮNG CHỦ ĐỀ CHÍNH
1. Chương trình cứu độ được hoàn thành
Sách Công Vụ khởi đầu bằng sự kiện Thăng Thiên và Lễ Ngũ Tuần. Thánh Thần là sự thể hiện tối hậu những lời hứa cho Abraham. Chính Ngài xức dầu các vị thủ lãnh của Dân Chúa, ban sức mạnh cho các Kitô hữu để họ rao giảng, chữa lành, xua trừ thần dữ, và làm chứng cho Đức Kitô Phục sinh đến tận cùng trái đất. Như thế, Ngài khôi phục Israel và chúc phúc cho mọi dân tộc bằng cách đưa họ vào Dân Thiên Chúa mà không cần phải chịu phép cắt bì.
2. Đức Kitô Phục sinh hoạt động qua các môn đệ trong tác động của Thánh Thần
Sau khi về trời, Chúa Giêsu tiếp tục hoạt động qua các môn đệ của Người bằng cách ban Thần Khí của Người cho họ, để họ rao giảng và chữa lành nhân danh Người; cách riêng qua thánh Phaolô là người "rao giảng ánh sáng cho dân Do Thái cũng như cho dân ngoại" (26,23). Ai khước từ các môn đệ Chúa Giêsu là khước từ chính Chúa và bị loại ra khỏi sự hiệp thông với Dân Chúa (3,23).
3. Duy trì sự liên tục ngay giữa những thay đổi
Ngày nay, không ít Kitô hữu cảm thấy ngỡ ngàng và bực bội trước những thay đổi quá nhanh trong Giáo Hội. Vào thời thánh Luca cũng thế, cách riêng với những Kitô hữu gốc Do thái. Sách Công Vụ cho thấy chính Thiên Chúa khởi xướng những thay đổi lớn lao này, từ chỗ chỉ là một nhóm môn đệ người Do thái đến chỗ trở thành một Giáo Hội với đa số là người gốc dân ngoại, có mặt khắp đế quốc Rôma, nhất là khi thánh Phêrô và Phaolô đón nhận dân ngoại vào Giáo Hội mà không cần chịu phép cắt bì. Tuy nhiên, thay đổi mà vẫn duy trì tính liên tục. Nhóm Mười Hai và những Kitô hữu gốc Do thái là sợi giây nối kết hiện tại với truyền thống.
4. Kitô giáo phát triển vượt qua mọi trở ngại
Sách Công Vụ thường xuyên ghi nhận rằng "Lời Thiên Chúa tiếp tục được trải rộng", bất kể bị bắt bớ hay bách hại thế nào.
5. Thiên Chúa hướng dẫn Dân Ngài
Toàn bộ sách Công Vụ làm nổi bật sự chỉ đạo của Thiên Chúa. Các tông đồ không tự ý đi đến nơi các ngài muốn. Chúa không cho phép Phaolô đi đến châu Á nhưng hướng dẫn ông đi Macêđônia và Hi Lạp (chương 16). Thiên Chúa chỉ đạo Dân Ngài qua Thánh Thần, những thị kiến, giấc mơ, các thiên thần, những lời tiên tri. Tất cả đều cho thấy những quyết định và hành động của Giáo Hội sơ khai không phải là ý tưởng nhân loại nhưng là hành động theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa.
6. Biện hộ cho Kitô giáo, cách riêng thánh Phaolô
Sách Công Vụ biện hộ cho thánh Phaolô và các Kitô hữu gốc Do thái (khi họ bị kết án là phản đạo) bằng cách nhấn mạnh sự trung thành của họ với Lề luật, đồng thời nhấn mạnh rằng việc đón nhận dân ngoại mà không cần cắt bì là quyết định của Thiên Chúa. Sách Công Vụ cũng biện hộ cho sự vô tội của Phaolô đối với luật Rôma. Việc các thẩm phán Rôma kết luận Phaolô "vô tội" (Cv 22-26) cho thấy các Kitô hữu không phải là mối đe dọa cho sự an ninh của đất nước.
PHÉP RỬA TRONG THÁNH THẦN (2, 1-21)
Cuối cùng, điều mà Chúa Cha đã hứa, điều mà Đức Kitô đã nói đến và các môn đệ trông mong (Cv 1,4), điều ấy đã đến, đó là Phép Rửa trong Thánh Thần.
Vào ngày lễ Ngũ Tuần, người Do thái đi hành hương lên Giêrusalem để kỷ niệm việc Thiên Chúa thiết lập Dân Ngài qua việc ban Lề luật trên núi Sinai. Trong ngày ấy, khi cộng đoàn các môn đệ Chúa Giêsu đang họp nhau cầu nguyện (x.1,14), thì "bỗng từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào... Rồi họ thấy những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một" (2,2-3). Từ rất lâu trong Cựu Ước, người Do thái đã liên kết "gió" với "thần khí". Gioan Tẩy giả đã nói tiên tri về lửa và Thánh Thần: Đấng đến sau tôi nhưng quyền năng hơn tôi, "sẽ rửa anh em trong Thánh Thần và lửa" (Lc 3,16). Như thế, đây chính là lúc lời tiên tri được thực hiện.
Khi "ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói đến các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho" (2,4). Việc nói các thứ tiếng khác ở đây là ân huệ Thánh Thần nhằm thi hành sứ vụ truyền giáo. Thật ích lợi biết bao nếu các nhà truyền giáo có thể rao giảng Lời Chúa bằng nhiều ngôn ngữ! Ở đây xem ra thánh Luca không nghĩ đến điều mà thánh Phaolô gọi là "ơn ngôn ngữ" trong thư 1Cor 12-14. Thánh Phaolô không mô tả "ơn ngôn ngữ" như nói thứ tiếng nào của loài người, nhưng là cách thế cầu nguyện với Thiên Chúa mà không cần đến lời nói và lý luận.
Điều quan trọng trong trình thuật này là sự đảo ngược những gì đã xảy ra trong trình thuật tháp Babel (St 11,1-9). Ở Babel, người ta nói cùng một ngôn ngữ nhưng lại không hiểu nhau. Còn trong lễ Ngũ Tuần, cả những người sử dụng các ngôn ngữ khác vẫn hiểu được lời của các Tông đồ: "Tại sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?"
THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN (2,42-47)
Thánh Luca trình bày hình ảnh lý tưởng về cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, và hình ảnh này vẫn là gợi hứng cần thiết cho Giáo Hội ngày nay. Khi một cộng đoàn Kitô hữu chân thành sám hối và mở lòng ra cho quyền năng Thánh Thần, thì sẽ có những thay đổi lạ lùng trong cộng đoàn và lôi kéo nhiều người khác đến với Chúa. Những yếu tố trong đời sống cộng đoàn được thánh Luca đề cao là: giáo huấn tông đồ, chia sẻ đời sống với nhau, bẻ bánh (Thánh Thể), cầu nguyện chung. Họ cảm nhận quyền năng của Thánh Thần qua những điềm thiêng dấu lạ (Cv 2,19; Joel 3,3).
"Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, để mọi sự làm của chung" (2,44). Điểm chính yếu ở đây là không ai phải thiếu thốn, không có cảnh người thì thừa mứa, kẻ lại thiếu ăn. Thánh Luca còn nhấn mạnh một hoa trái khác của Thánh Thần là niềm vui và sự ca tụng Chúa. Đừng quên rằng cộng đoàn đầu tiên này là Kitô hữu gốc Do thái. Họ vẫn gắn bó với truyền thống Do thái giáo, được người Do thái kính trọng và lôi kéo nhiều người Do thái khác vào cộng đoàn: "Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ" (2,47).
CUỘC TỬ ĐẠO CỦA THÁNH TÊPHANÔ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA GIÁO HỘI (7,54 - 8,3)
"Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa và thấy Chúa Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: "Kìa, tôi thấy trời mở ra và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa" (7,54). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu nhiều lần dùng từ "Con Người" để nói về Ngài. Nhưng đây là lần đầu tiên, một người khác ngoài Chúa Giêsu nói về Chúa bằng từ "Con Người".
Thánh Luca xây dựng trình thuật này bằng cách đối chiếu cái chết của Têphanô với cái chết của Chúa Giêsu. Têphanô bị lôi ra ngoài thành (Cv 7,58) cũng như Chúa Giêsu bị đóng đinh ngoài thành Giêrusalem. Khi bị hành hình, Têphanô cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy linh hồn con" (7,59), giống như lời cầu của Chúa Giêsu: "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46). Cả hai vị đều tha thứ cho những người giết hại mình: "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34) và "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này" (Cv 7,60). Điều đáng quan tâm ở đây là Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, còn Têphanô cầu nguyện với Chúa Giêsu.
Với thánh Luca, lời cầu xin tha thứ này rất quan trọng. Ngài nối kết lời xin tha thứ của Chúa Giêsu với sự sám hối của người Do thái ở Giêrusalem (Cv chương 2 và 3). Cũng thế, lời cầu xin tha thứ của Têphanô gắn với ơn trở lại của Phaolô (Cv 9,4-6). Chính vì thế, ngay sau lời cầu xin tha thứ của Têphanô, thánh Luca đã nhắc đến Phaolô (8,1). Đây cũng là lý do ngay sau trình thuật về cuộc tử đạo của Têphanô, thánh Luca nói đến cuộc bách hại lan tràn: "mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giuđêa và Samari" (8,2). Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho Tin Mừng được lan rộng khắp nơi.
Sách Công vụ Tông đồ (chương 9 - 18)
CUỘC TRỞ LẠI CỦA THÁNH PHAOLÔ (9,1-9)
Đối với những biến cố quan trọng, thánh Luca thường kể lại đến 3 lần, mỗi lần có khác nhau một chút về chi tiết. Cũng thế, Luca không những kể lại trình thuật Chúa kêu gọi Phaolô ở đây (9,1-9) mà còn ở chương 22,3-21 và chương 26,9-20. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ơn gọi này cũng như ý nghĩa hàm chứa bên trong.
Khi so sánh ba trình thuật về ơn gọi của Phaolô, người ta thấy điều cốt lõi của sự kiện vẫn được giữ nguyên. Vị thượng tế truyền lệnh cho Saulê bắt và giải những người theo Đạo về Giêrusalem (9,2). "Đạo-Con Đường" có lẽ là tên gọi đầu tiên dành cho các Kitô hữu. Trên đường đi Damas, Saulê bị quật ngã ngựa, luồng ánh sáng từ trời bao phủ ông và ông nghe tiếng nói: 'Saulê, Saulê, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" Chỉ một mình Saulê thấy ánh sáng và nghe tiếng gọi, cũng giống như những lần Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức và Fatima, chỉ có những người trong cuộc mới nhìn thấy Đức Mẹ. Trong Cv 9,7, những người cùng đi với Phaolô chỉ nghe tiếng nói, còn trong Cv 22,9 và 26,13-14, họ chỉ thấy ánh sáng. Xem ra thánh Luca không bận tâm về những chi tiết này. Điều quan trọng là cả ba trình thuật đều nhấn mạnh Phaolô có sứ mạng làm chứng về Chúa cho dân ngoại.
"Saulê, Saulê, tại sao ngươi bắt bớ Ta?" Tiếng nói này khẳng định Đức Kitô tự đồng hóa mình với các Kitô hữu (có thể so sánh với Mt 25,31-46). Điều gì người ta làm cho các Kitô hữu là làm cho chính Đức Kitô. Trong cả ba trình thuật, thánh Luca đều nhắc đến chi tiết này, chứng tỏ tầm quan trọng hàm chứa bên trong. Thật vậy, đây là kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc với thánh Phaolô. Sau này, chính ngài - chứ không ai khác - sẽ khai triển suy tư về Hội Thánh là Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô.
Một ghi nhận khác cần quan tâm: Chúa trực tiếp gọi và hiện ra với Phaolô. Dù Ananias có tìm cách ngăn cản (9,13-14) nhưng Chúa vẫn yêu cầu ông phải đi gặp Phaolô, cũng như dù thánh Phêrô có chống chế, Chúa vẫn yêu cầu phải đến gặp Cornêliô (Cv chương 10). Tuy nhiên Ngài đòi hỏi Phaolô phải chịu phép Rửa và gia nhập cộng đoàn Hội Thánh. Như thế, dù Phaolô có kinh nghiệm gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa, ông vẫn cần phải sống đức tin trong Hội Thánh và thi hành sứ mạng trong sự hiệp thông với Hội Thánh.
Ngoài ra, thánh Luca thường xuyên nhấn mạnh đến cầu nguyện. Thiên Chúa can thiệp và chỉ dẫn Phêrô, Ananias, Phaolô hành động khi các ngài cầu nguyện. Ghi nhận này giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của cầu nguyện: tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa khi chúng ta lắng nghe Ngài trong cầu nguyện.
MỞ RA CHO DÂN NGOẠI (10,1-43)
Chương 10 và 11 trong sách Công Vụ ghi lại những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Hội Thánh. Hội Thánh không còn bị giới hạn trong cộng đồng người Do thái nhưng mở ra cho muôn dân. Chính Thiên Chúa là Đấng miễn chuẩn cho dân ngoại không phải chịu phép cắt bì theo luật Do thái. Bản thân thánh Phêrô cũng cảm thấy khó khăn khi đón nhận sáng kiến này, nhưng chính vì thế mới thấy rõ đây không phải là tư tưởng của loài người, mà là của Thiên Chúa. Thật vậy, chính Chúa đã truyền lệnh mọi nam nhân thuộc dân riêng của Ngài phải được cắt bì (St 17,10-14). Nay cũng chính Thiên Chúa rút lại lệnh truyền ấy vì đã đến thời cuối cùng, Thánh Thần được ban xuống tràn đầy trên mọi xác phàm (Cv 2,17-18; 10,44-47), và việc cắt bì trở thành không cần thiết. Cả hai thị kiến của Cornêliô và thánh Phêrô đều cho thấy sự can thiệp tỏ tường của Thiên Chúa trong bước ngoặt mới mẻ này.
Sau thị kiến của Cornêliô (10,1-8), thánh Phêrô có một thị kiến về thực phẩm. Ngài thấy những giống vật mà Cựu Ước cho là ô uế và cấm không được ăn (vd. Lêvi 11). Thế nhưng Chúa lại truyền lệnh hãy giết và ăn (10,13). Cũng như tiên tri Ezêkiel, Phêrô bày tỏ thái độ không chịu ăn những thứ ô uế. Chính lúc ấy, Thiên Chúa lên tiếng: "Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch thì ngươi chớ gọi là ô uế" (10,15). Và việc ấy xảy ra đến 3 lần, nghĩa là điều rất quan trọng. Câu 28 giúp ta hiểu được ý nghĩa của thị kiến này: "Quý vị thừa biết, giao du hay vào nhà một người khác chủng tộc là điều cấm kỵ đối với người Do thái. Nhưng Thiên Chúa đã cho tôi thấy là không được gọi ai là ô uế hay không thanh sạch".
Những lời này cũng cho thấy những khó khăn mà các tông đồ nói chung, thánh Phêrô và Phaolô nói riêng, phải đối diện khi mở rộng vòng tay đón tiếp dân ngoại vào gia đình Hội Thánh. Theo truyền thống lâu đời, nhiều người bị cho là ô uế và không được tham dự những cuộc hội họp hoặc việc thờ phượng ở Đền thờ.. Họ là những người không giữ luật thanh tẩy, những người phong cùi, người Samari, người thu thuế và gái điếm. Tuy nhiên trong Tin Mừng Luca và sách Công Vụ, những người này lại được Chúa Giêsu và Thánh Thần thanh tẩy. Họ cũng được Thiên Chúa kêu gọi, nhưng trước hết họ phải được thanh tẩy để có thể đến gần Chúa. Việc thanh tẩy đó hàm nghĩa họ phải từ bỏ lối sống cũ: Lêvi không thu thuế nữa, người phụ nữ tội lỗi được yêu cầu không phạm tội nữa, dân ngoại phải bỏ lối sống vô luân. Chính Cornêliô cũng ý thức như vậy khi ông nói với thánh Phêrô: "Tất cả chúng tôi đang ở trước mặt Thiên Chúa, để nghe tất cả những gì Ngài đã truyền cho ông" (10,33).
CÔNG ĐỒNG GIÊRUSALEM (15,1-21)
Một số người Pharisêu gốc Giuđê đã gia nhập Kitô giáo nhưng họ chống đối việc đón nhận dân ngoại vào Hội Thánh mà không cần chịu phép cắt bì. Phaolô và Barnaba chủ trương ngược lại. Hội Thánh tại Antiôkia quyết định cử Phaolô, Barnaba và một vài người khác lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và các kỳ mục để bàn về vấn đề này. Sự kiện này cho thấy ngay từ những thời kỳ đầu tiên, mọi người trong Hội Thánh đã nhìn nhận vai trò lãnh đạo của thánh Phêrô, và đã có sự hiệp thông chặt chẽ giữa các Hội Thánh địa phương với thánh Phêrô trong những vấn đề quan trọng của Hội Thánh.
Tại Công đồng Giêrusalem, các đại diện của Hội Thánh Antiôkia đã trình bày những thành quả, "những gì Thiên Chúa đã cùng làm với các ông" (15,4). Nhưng những Kitô hữu gốc Pharisêu yêu cầu "phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Môsê" (15,6). Sau khi thảo luận sôi nổi, thánh Phêrô đưa ra quyết định. Ngài nhắc lại (lần thứ ba trong sách Công Vụ) rằng Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho các dân ngoại qua thừa tác vụ của ngài, và đã thanh tẩy tâm hồn họ bằng đức tin. Do đó họ không còn phải là những người ô uế hoặc không xứng đáng như một vài người Do thái nghĩ. Cuối cùng, ngài đưa ra khẳng định quan trọng: "Chính nhờ ân sủng của Chúa Giêsu mà chúng ta tin mình được cứu độ, cũng một cách như họ" (15,11). Khẳng định này là nguyên lý thần học hướng dẫn cách ứng xử của Hội Thánh đối với dân ngoại xin gia nhập Hội Thánh.
Thánh Giacôbê cũng đóng vai trò quan trọng trong công đồng. Ngài là anh em với Chúa Giêsu và là người lãnh đạo Hội Thánh tại Giêrusalem lúc ấy, được mọi người nhìn nhận là vị lãnh đạo mẫu mực. Vì thế tiếng nói của ngài có ảnh hưởng lớn với cộng đoàn. Trong diễn từ của mình, thánh Giacôbê cho thấy Kinh Thánh chấp thuận cách làm ở Antiôkia: "những lời của các tiên tri cũng phù hợp với điều ấy", nghĩa là không bắt dân ngoại phải cắt bì khi họ gia nhập Hội Thánh. Ngài nhắc lời tiên tri Amos 9,11-12 để nhấn mạnh Kinh Thánh đã báo trước không những việc khôi phục Israel, mà cả sự hoán cải của "tất cả các dân ngoại" về với Chúa Giêsu. Tất cả đều ở trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Do đó, Kitô hữu không nên đặt những chướng ngại cho dân ngoại trở lại với Chúa, nhưng chỉ đề nghị họ kiêng cữ một số điều. Trong những điều kiêng cữ, có 3 điều liên quan đến thực phẩm: những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết, kiêng ăn tiết. Còn điều thứ tư liên quan đến vấn đề gian dâm (porneia trong tiếng Hi lạp). Từ porneia này có lẽ muốn nói đến việc hôn nhân giữa những người chung huyết thống và như thế là không hợp pháp theo luật Do Thái. Nhưng có những người khác lại cho rằng porneia muốn nói đến chuyện gian dâm mà người Do thái thường phê phán dân ngoại: ngoại tình, mãi dâm, đồng tính luyến ái...tất cả những thứ đó đều xói mòn đời sống gia đình.
Kết thúc Công đồng, các Tông đồ và các kỳ mục cùng với toàn thể Hội Thánh đã gửi một lá thư, có thể gọi là Quyết Nghị của các Tông đồ, cho Hội Thánh ở Antiôkia (15,23-29). Lá thư ấy đem lại niềm vui lớn cho cộng đoàn (15,31).
DIỄN TỪ CỦA PHAOLÔ TRƯỚC ĐỒI ARÊÔPAGÔ (17,16-34)
Ở Atêna, thánh Phaolô rao giảng Tin Mừng bằng hai cách: giảng cho người Do thái và những người kính sợ Chúa trong các hội đường, và thuyết trình ở nơi công cộng cho những người qua đường. Việc thánh Phaolô thuyết trình ở nơi công cộng cũng giống cách thế các triết gia thời đó thường làm, họ rao giảng cho bất cứ ai họ gặp trên đường.
Vào thế kỷ I, trong đế quốc Rôma, có nhiều tôn giáo và giáo phái mới xuất hiện, đặc biệt là từ phương Đông. Đối với người nghe, xem ra thánh Phaolô đang muốn giới thiệu một tôn giáo mới, tập trung vào nhân vật tên là Giêsu.
Thánh Phaolô đã có diễn từ nổi tiếng ở đồi Arêôpagô là nơi gặp gỡ của giới trí thức Atêna. Bài nói chuyện của ngài khác với nhiều bài giảng khác cho người Do thái. Khi giảng cho người Do thái, Phaolô lập luận khởi đi từ Thánh Kinh. Còn khi nói chuyện với các triết gia Hi Lạp, ngài trình bày những lập luận triết học nhưng vẫn bám rễ trong Thánh Kinh. Đây là điều mà các Kitô hữu phải học hỏi, nghĩa là vận dụng những bằng chứng trong thế giới tự nhiên để trình bày về Thiên Chúa. Trong Thánh Kinh Cựu Ước, không thiếu thứ "thần học tự nhiên" này, vì thế cả người Do thái lẫn các Kitô hữu đều không thấy gì là mâu thuẫn giữa thần học tự nhiên và chân lý mạc khải trong Thánh Kinh.
Mặc dù Cv 17,16 ghi nhận là Phaolô "nổi giận vì thấy thành phố nhan nhản những tượng thần", nhưng trong diễn từ ở Arêôpagô, Phaolô lại ca tụng dân Atêna là sùng đạo (17,22). Từ đó, ngài nhắc đến bàn thờ "kính thần vô danh" và giới thiệu cho họ "Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ" (17,23). Ở đây Phaolô tỏ ra là một nhà hùng biện có tài!
Rồi thánh Phaolô giới thiệu vị Thiên Chúa siêu việt: "Đấng làm Chúa tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm ra...không cần được bàn tay con người phục vụ như thể Ngài thiếu thốn gì" (17,24-25). Đồng thời, vị Thiên Chúa siêu việt ấy lại là Đấng nội tại: "Ngài không ở xa mỗi người chúng ta...chính trong Ngài mà chúng ta sống, cử động, hiện hữu" (17,28).
Vị Thiên Chúa ấy, con người có thể nhận biết nhờ lý trí tự nhiên và nhờ mạc khải: "may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Ngài" (17,27). Thế nhưng sự phục sinh của Chúa Giêsu quả là điều hoàn toàn mới mẻ, cho cả người Do thái lẫn Hi lạp. Cho nên khi Phaolô nói đến sự sống lại thì "có kẻ nhạo cười, có kẻ nói: để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói" (17,32).
Sách Công vụ Tông đồ (chương 18 - 28)
THÀNH LẬP HỘI THÁNH Ở CÔRINTÔ (18,1-11)
Thánh Phaolô gặp ông Aquila và vợ ông là Priscilla ở Côrintô, đôi vợ chồng được ngài gọi là "những người cộng tác để phục vụ Đức Kitô Giêsu, đã liều mất đầu để cứu mạng tôi" (Rm 16,3-5). Cùng với những người Do thái khác, hai vợ chồng đã bị nhà vua trục xuất khỏi Rôma. Họ cùng làm một nghề với Phaolô, nghề dệt lều, nên ngài ở lại nhà họ và cùng làm việc. Phaolô thường nhấn mạnh: "những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, thì đôi tay này tự cung cấp" (Cv 20,33-35).
Khi Sila và Timôthê từ Macêđônia tới thì tình hình thay đổi vì thánh Phaolô có thể dành trọn thời giờ cho việc rao giảng. Trong thư 2 Cor 11,8-9, thánh Phaolô đã nói với dân Côrintô rằng: "Hồi ở giữa anh em, những khi lâm cảnh túng thiếu, tôi đã chẳng phiền lụy ai, vì các anh em từ Macêđônia đến đã cung cấp đầy đủ những gì tôi cần". Nhờ đó, thánh Phaolô có thể hiến trọn thời giờ cho việc rao giảng, "long trọng làm chứng cho người Do thái biết rằng Đức Giêsu chính là Đấng Kitô" (Cv 18,5). Ở thời nào và ở bất cứ đâu, người Kitô hữu có thể cộng tác vào việc loan báo Tin Mừng bằng nhiều cách, một trong những cách đó là giúp đỡ các sứ giả Tin Mừng về tinh thần cũng như vật chất.
Vì dân Côrintô chống đối lời rao giảng của Phaolô và vì họ nói lộng ngôn, nên ngài nói với họ hai điều (18,6). Một là "máu các ngươi cứ đổ xuống trên đầu các ngươi"; câu này nhắc lại lời trong Ezekiel 33,4 và Phaolô còn nhắc lại trong diễn từ từ biệt (Cv 20,26). Hai là "từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại". Trong sách Công Vụ, Phaolô đã nói điều này 3 lần: 13,51; 18,6; 28,25-28; hàm nghĩa một khẳng định quan trọng. Tuy nhiên, ngài không rời Côrintô ngay mà dọn đến ở nhà ông Titô Giustô, một người ngoại kính sợ Thiên Chúa. Ngài cũng đã cải hóa Crispô là trưởng hội đường cùng với cả nhà ông. Như thế, người Do thái vẫn tiếp tục là thành phần quan trọng trong Hội Thánh.
Cv 18,9-10, kể lại thị kiến, trong đó Chúa Giêsu hiện đến và nói với Phaolô: "Đừng sợ. Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với con, không ai làm hại con được". Một lời đầy an ủi. Chúa Kitô phục sinh luôn hiện diện và đồng hành với các môn đệ Người trên đường loan báo Tin Mừng.
DIỄN VĂN TỪ BIỆT CỦA THÁNH PHAOLÔ Ở ÊPHÊSÔ (20,17-38)
Thánh Luca cung cấp cho chúng ta hai diễn văn từ biệt: một là của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc ly (Lc 22,15-38), hai là của thánh Phaolô ở Ephêsô (Cv 20,17-38). Những yếu tố chính trong bài từ biệt của thánh Phaolô là :
- Triệu tập các trưởng lão (20,17);
- Nói đến sứ mạng đã thực hiện: "Khi phục vụ Chúa, tôi đã hết lòng khiêm tốn, đã nhiều lần phải rơi lệ, đã gặp bao thử thách" (20,19);
- Chứng minh đã chu toàn nhiệm vụ: "Tôi đã không bỏ qua một điều gì có ích cho anh em (20,20), "Nếu có ai trong anh em phải hư mất thì tôi vô can" (20,26);
- Nhắc đến cái chết cận kề: "Thánh Thần khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi" (20,23);
- Cùng cầu nguyện với họ: "Phaolô cùng với tất cả anh em quỳ gối xuống cầu nguyện" (20,36);
- Giã từ.
Mục đích chính của diễn văn từ biệt là nêu cao hình ảnh người lãnh đạo như mẫu gương cho mọi người noi theo. Trong lời từ biệt của Chúa Giêsu (Lc 22), thánh Luca đã làm nổi bật điều đó khi Chúa Giêsu căn dặn nhóm Mười Hai: "Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy". Ở đây cũng thế, thánh Phaolô được nêu cao như mẫu mực cho các giám mục và linh mục trong Hội Thánh. Họ phải phục vụ Thiên Chúa và đoàn chiên bằng những hi sinh cho công việc chung, giảng dạy giáo huấn chân chính, ân cần chăm sóc đoàn chiên. Họ không được tìm kiếm tư lợi và phải can đảm chống trả những tấn công từ bên ngoài cũng như bên trong.
Diễn văn từ biệt này cũng cho thấy tính liên tục trong đời sống Hội Thánh. Phaolô ra đi nhưng những người khác sẽ lãnh trách nhiệm tiếp nối. Các tông đồ qua đi nhưng những người kế vị sẽ tiếp nối. Hội Thánh hiện diện trong dòng lịch sử với những thay đổi qua từng thế hệ, nhưng mãi mãi vẫn là Hội Thánh Chúa Kitô.
Những lời từ biệt bao giờ cũng diễn tả mối quan tâm sâu xa nhất của người lãnh đạo. Trong lời từ biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ, Người để lại cho chúng ta bí tích Thánh Thể, quyền lãnh đạo của Nhóm Mười Hai trong Hội Thánh, và ý nghĩa đích thực của lãnh đạo là phục vụ chứ không phải thống trị (x. Luca 22). Còn lời từ biệt của thánh Phaolô nhấn mạnh sự chăm sóc mục vụ cách tận tình, can đảm đối diện với bách hại và tà giáo, gìn giữ giáo lý chính thống của Chúa Giêsu trước sự lan tràn của lạc giáo.
LÀM CHỨNG CHO THẦY Ở RÔMA (27,1 - 28,31)
"Đáng lẽ có thể tha bổng người này, nếu ông ta đã không kháng cáo lên hoàng đế Cêsarê" (26,32). Vua Agrippa đã phát biểu như vậy. Do đó, sau khi phải ra trước Thượng Hội Đồng (Cv 22,30 - 23,10) rồi ra trước tòa Tổng trấn Rôma (24,10-21), rồi vua Agrippa (25,13 - 26,30), thánh Phaolô được đưa đi Rôma, đúng như lời Chúa nói với ngài: "Hãy vững lòng, con đã làm chứng cho Thầy ở Giêrusalem thế nào, thì con cũng phải làm chứng như vậy tại Rôma nữa" (23,11).
Trong hành trình đi Rôma, chuyến tàu gặp bão và bị đắm. Trình thuật này làm cho người đọc liên tưởng đến chuyện của tiên tri Giôna. Tuy nhiên giữa hai câu truyện, có những khác biệt. Vì không tuân theo lời Chúa truyền đi rao giảng cho dân Ninivê mà lại đi nơi khác, tiên tri Giôna đã gây sóng gió cho cả con tầu và thủy thủ đoàn, còn thánh Phaolô lại là cứu tinh của cả con tầu: "Tôi khuyên các bạn cứ can đảm, vì không ai trong các bạn phải mất mạng đâu, chỉ mất tầu thôi..." (27,22). Lời thánh Phaolô khích lệ mọi người trên tầu "Không ai trong các bạn sẽ mất một sợi tóc trên đầu" (27,34) làm vọng lại lời Chúa Giêsu trong Luca 12,7 và 21,18. Trình thuật cũng kể lại: "ông cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trước mặt mọi người, bắt đầu bẻ ra và ăn" (27,35). Xem ra thánh Phaolô cử hành Thánh Thể dù những người ngoại giáo trên tầu không hiểu gì.
Như thế, khi tường thuật vụ đắm tầu, thánh sử Luca có ý nhắc lại lời hứa của Chúa Giêsu và bí tích Thánh Thể. Mục đích là để nhắc nhở các Kitô hữu rằng trong những sóng gió cuộc đời, chúng ta nên nhớ lại lời hứa của Chúa Giêsu mà vững tâm, và Thánh Thể là nguồn sức mạnh cho chúng ta giữa thử thách.
Con tầu dạt vào đảo Manta. Luca gọi những người dân trên đảo là barbaroi (có lẽ là tiền thân của những từ trong ngôn ngữ Âu châu mà người Việt Nam dịch là mọi rợ). Trong sách Công Vụ, Luca đã cho thấy phản ứng của người Do thái, Hi lạp, Rôma đối với thánh Phaolô ra sao. Ở đây là phản ứng của những người không thuộc số người trên. Họ đơn sơ, tâm thành, ít học. Ở đó, thánh Phaolô không giảng giải điều gì nhưng ngài thực thi tác vụ chữa lành và nhiều người kéo đến để được chữa lành (28,8-10).
Cuộc hành trình tiếp tục từ đảo Manta và cuối cùng đến Rôma. Sách Công Vụ ghi nhận: "Các anh em ở Rôma nghe tin chúng tôi tới thì đến tận chợ Appiô và Ba Quán để đón" (28,15). Như thế, Kitô giáo đã có mặt ở Rôma rồi và thánh Phaolô không phải là người sáng lập Hội Thánh ở đây. Khi gặp gỡ các kiều bào Do thái ở Rôma, thánh Phaolô nhấn mạnh với họ rằng ngài không phản bội dân tộc và truyền thống Do thái, dù chính người Do thái đã nộp ngài cho chính quyền Rôma. Ngài thuyết phục họ rằng vương quốc mà người Do thái mong chờ nay đã thành hiện thực. Ngài vận dụng Kinh Thánh Cựu Ước để chứng minh cho họ thấy những lời Thiên Chúa hứa nay được thể hiện trong Đức Kitô Giêsu. Nhưng cũng như ở những nơi khác, có người tin, có người không tin.
Tại Rôma, suốt hai năm, thánh Phaolô "rao giảng Nước Thiên Chúa và về Chúa Giêsu Kitô một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào" (28,31).
Tuần 104 THƯ 1 & 2 TIMÔTHÊ
Thư gửi Titô
BẢO VỆ ĐỨC TIN (1Tm 1,3-7)
"Khi đi Macêđônia, tôi đã khuyên anh ở lại Ephêsô để anh truyền cho một số người đừng dạy một giáo lý khác" (1,3). Câu này cho thấy Timôthê được trao nhiệm vụ "giám quản" ở Ephêsô. Đối với thánh Phaolô, Ephêsô là một giáo hội có tầm quan trọng đặc biệt. Ngài đã làm việc hai năm ở đó (Cv 19,1-10) với nhiều thành công và cũng không ít đau khổ (Cv 19,11-20). Cũng ở Ephêsô, Apollô đã theo Đạo (Cv 18,24), và thánh Phaolô đã có bài diễn văn nổi tiếng với các trưởng lão tại đó (Cv 20,16-35). Hiển nhiên đây là một giáo hội có tầm ảnh hưởng lớn, nên chúng ta có cả một lá thư quan trọng của Phaolô gửi Ephêsô, và còn một thư ngắn khác trong sách Khải Huyền (2,1-7).
Nhiệm vụ của Timôthê là phải canh giữ đời sống đức tin của Dân Chúa, cụ thể là đừng để những kẻ xưng mình là thầy dạy tiếp tục rao giảng những lý thuyết sai lạc, "những chuyện hoang đường và gia phả dài dòng" (1,4). Điều chính yếu là họ không loan báo sự toàn vẹn của đức tin và đời sống đạo đức. Lời rao giảng chân chính phải "đưa tới đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình" (1,5). Đây cũng là điều mà ở bất cứ thời đại nào, người tín hữu phải dựa vào để phân định đâu là giáo lý tinh tuyền và đâu là thứ "giáo lý" giả dối. Nếu không, chúng ta có nguy cơ trở thành những kẻ "nói rỗng tuếch", thích làm thầy dạy người khác nhưng chính bản thân "lại không hiểu cả điều mình nói lẫn điều mình xác quyết" (1,6-7).
SỰ GIAN KHỔ CỦA SỨ VỤ TÔNG ĐỒ (2Tm 2,1-13)
"Hỡi anh, người con của tôi, hãy nên mạnh mẽ trong ân sủng của Đức Kitô Giêsu" (2,1). Lời hiệu triệu này làm nên chủ đề chính của đoạn văn. Sứ vụ tông đồ là sứ vụ khó khăn, nhưng Timôthê đón nhận sức mạnh từ Thần khí Thiên Chúa để có thể chu toàn sứ vụ. Nhiệm vụ trước hết của sứ vụ là "những gì anh đã nghe tôi nói trước mặt các nhân chứng, thì hãy "trao lại" cho những người tín cẩn, những người sẽ có khả năng dạy cho người khác" (2,2). Động từ "trao lại" là một từ chuyên môn, vừa nhấn mạnh điều được trao lại là điều có tầm quan trọng đặc biệt, vừa đòi hỏi phải chuyển giao cách chính xác và trung thực. Thánh Phaolô đã dùng từ "trao lại" này khi nói về Thánh Thể và về sự phục sinh (1Cor 11,23; 15,3).
Sứ vụ tông đồ đòi hỏi nhiều hi sinh, nên thánh Phaolô kêu gọi Timôthê phải "đồng lao cộng khổ như một người lính giỏi của Đức Kitô Giêsu" (2,3), toàn tâm toàn ý với sứ vụ (2,4), chịu khó luyện tập (2,5) và cần mẫn làm việc như người nông dân trên đồng ruộng (2,6).
Cao điểm của đoạn văn là thánh thi (2,11-13) mời gọi chúng ta nên đồng hình đồng dạng với mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu, để được chia sẻ vinh quang với Người: "Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người" (2,11-12). Thánh Phaolô không chỉ kêu gọi nhưng chính ngài đã sống xác tín đó: "Vì Tin Mừng, tôi phải chịu khổ, tôi còn phải mang xiềng xích như một tên gian phi. Nhưng lời Thiên Chúa đâu bị xiềng xích" (2,9).
Trong thánh thi này, có một câu khó hiểu (câu 12b-13). Câu 12b viết: "Nếu ta chối bỏ Người, Người sẽ chối bỏ ta". Đây cũng là lời cảnh cáo quen thuộc trong sách Tin Mừng (Mt 10, 32-33). Nhưng câu 13 lại viết rằng "Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình". Phải hiểu thế nào về điều có vẻ mâu thuẫn này? Thánh Phaolô thường xuyên nhấn mạnh sự trung tín của Chúa (1Cor 1,9; 10,13; 1Thes 5,24). Tuy nhiên sự trung tín ở đây là Thiên Chúa trung tín với lời hứa cứu độ con người qua đức tin, chứ không có nghĩa là Chúa không xét xử tội lỗi của con người. Nếu con người cố tình chối bỏ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, thì Ngài cũng chối bỏ họ, hoặc nói cách khác, tình yêu cứu độ của Thiên Chúa trở thành vô ích cho họ.
NHỮNG CHỦ ĐỀ LỚN TRONG THƯ GIACÔBÊ
***
Thanh GcXem ra thư Giacôbê ít nhắc đến Chúa Giêsu (chỉ có ở 1,1 và 2,1) nhưng thực ra lá thư nói rất nhiều đến nội dung niềm tin Kitô giáo vào Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu (5,11), Đấng ban Lề Luật và xét xử (4,12), Thiên Chúa duy nhất (2,19), Đấng Tạo hoá (1,18), Đấng không hề có sự thay đổi (1,18).
Mối quan tâm lớn nhất của thánh Giacôbê là làm sao giúp các tín hữu, một khi đã tin vào Chúa, thì phải kiên vững trong đức tin và sống đời sống đạo đức Kitô giáo cho tốt. Đức tin phải thấm nhuần đời sống đạo chứ không thể chỉ dừng lại ở những nghi lễ hoặc lời tuyên xưng ngoài môi miệng. Ngài cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa niềm tin vào Chúa và đời sống bác ái, vì cả hai đều là đặc điểm thiết yếu của niềm tin vào Thiên Chúa của giao ước. Đời sống đạo đức phải mang tính toàn vẹn, cho nên người ta không thể chỉ chọn một vài luật nào đó để tuân giữ, còn coi thường những lề luật khác (2,10-11). Và để sống đạo đức, phải quan tâm đến cội rễ căn nguyên của những thói xấu mà tẩy trừ, nếu không, cả đời sống đức tin bị thiêu rụi.
Cảm thức về Giáo Hội cũng là điểm then chốt trong thư Giacôbê. Tôn giáo không phải là chuyện riêng tư giữa mỗi người với Thiên Chúa nhưng là mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa và Dân của giao ước. Do đó, tình yêu tha nhân và việc tránh xét đoán là những điều được thánh Giacôbê thường xuyên nhắc nhớ.
HAI LOẠI ĐỨC TIN (2,18-26)
Đoạn văn này làm cho ta có cảm giác thánh Giacôbê đi ngược lại lập luận của thánh Phaolô về mối tương quan giữa đức tin và việc làm. Thánh Phaolô khẳng định rằng người ta được công chính hoá nhờ đức tin chứ không phải nhờ tuân giữ Lề Luật (x. Rm 5), còn thánh Giacôbê lại dạy: "Ai bảo rằng mình có đức tin mà lại không hành động theo đức tin thì có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng?... Đức tin không có hành động quả là đức tin chết" (2,14-17). Thật ra, hai vị bàn đến hai vấn đề khác nhau ở hai bình diện khác nhau. Thánh Phaolô chống lại những người Do thái cho rằng nguyên lý của ơn cứu độ là tuân giữ Lề luật. Khi loan báo Tin Mừng cho dân ngoại, ngài khám phá ra rằng Thiên Chúa không thiên vị dân tộc nào, nhưng mời gọi mọi dân đến với ơn cứu độ khi tin vào Thiên Chúa và vào Đức Giêsu Kitô. Như thế, thánh nhân thấy rằng không phải chỉ có một số ít người biết và giữ Lề luật mới được cứu độ, nhưng tất cả những ai tin vào lời hứa của Thiên Chúa đều được cứu độ. Còn thánh Giacôbê lại bàn đến một vấn đề khác. Ngài giả thiết là người ta đã được công chính hoá nhờ đức tin rồi, từ đó mới bàn đến hai loại đức tin: đức tin hành động và đức tin chết. Tôn giáo đích thực không chỉ là việc tuyên xưng ngoài môi miệng nhưng là niềm tin vào Thiên Chúa của giao ước và tình yêu đối với tha nhân, được thể hiện qua những hành động cụ thể.
Trong 2,19, thánh Giacôbê lặp lại công thức truyền thống của Do thái-Kitô giáo về niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất. Tuy nhiên ngài lý luận rằng: cả ma quỷ cũng biết như thế, nhưng chúng không sống theo niềm tin đó. Vì vậy, điều quan trọng không phải là tuyên xưng ngoài môi miệng nhưng là hành động. Tổ phụ Abraham được nhắc đến ở đây vì ông là chứng nhân sống động cho niềm tin đích thực vào Thiên Chúa. Qua hành động hiến tế Isaac, rõ ràng đức tin của Abraham là đức tin đã được thử thách và tinh luyện qua hành động cụ thể, biểu lộ sự vâng phục và lòng tín thác vào Thiên Chúa. Do đó, sự tương phản ở đây không phải là tương phản giữa đức tin và việc làm, nhưng là tương phản giữa đức tin kiên trì và hành động với thứ đức tin trên môi miệng và chóng qua. Mẫu gương của Rakháp (câu 25) lại nhằm mục đích khác, tức là nhấn mạnh rằng đức tin chân thật sẽ dẫn đến hành động yêu thương. Rakháp đã đón tiếp những người xa lạ, cho họ ăn uống và trú ngụ. Bà là gương mẫu cho những người biết yêu thương phục vụ kẻ mồ côi goá bụa và giúp đỡ những người thiếu thốn (câu 27-28). Như thế, Abraham và Rakháp là hai mẫu gương bổ túc cho nhau để cho thấy đức tin đích thực là đức tin kiên trung và vững bền qua thử thách, đức tin kèm theo việc làm chứ không chỉ là lời nói suông, đức tin vâng phục và yêu thương.
KIỂM SOÁT MIỆNG LƯỠI (3,1-12)
Thánh Giacôbê kêu gọi người tín hữu phải tuân giữ mọi lề luật, vì "ai tuân giữ tất cả Lề Luật mà chỉ sa ngã về một điểm thôi, thì cũng thành người có tội về mọi điểm" (2,10). Thế nhưng ngài cũng nhìn nhận thực tế là "tất cả chúng ta thường hay vấp ngã" (3,2), không vấp ngã điều này thì lại vấp ngã điều khác. Từ đó, ngài cho thấy người không vấp ngã trong lời nói là người "hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân" (3,2), nghĩa là không những không phạm tội mà còn vươn đến sự phát triển toàn diện.
Kiềm chế miệng lưỡi là chủ đề được nhấn mạnh trong truyền thống Do Thái (x. Sirach 14,1). Thánh Giacôbê chịu ảnh hưởng của truyền thống này, không những trong chủ đề ngài nhấn mạnh mà còn trong cả những hình ảnh biểu tượng ngài sử dụng: tra hàm thiếc vào miệng ngựa (x. Tv 32,9), bánh lái điều khiển cả con tầu, một tia lửa nhỏ có thể làm bốc cháy cả cánh rừng (3,3-6). Tầm quan trọng của việc kiềm chế miệng lưỡi được nhấn mạnh đến độ thánh Giacôbê cho rằng con người có thể chế ngự mọi thứ mọi loài nhưng lại không chế ngự được cái lưỡi, "nó là sự dữ không bao giờ ở yên vì nó chứa đầy nọc độc giết người" (3,8).
Để làm chủ cái lưỡi, phải vun trồng con người nội tâm vì mọi sự bắt nguồn từ tâm hồn con người: "Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao?" (4,1). Vun trồng con người nội tâm bằng cách thường xuyên thanh tẩy tâm hồn, để tâm hồn thuộc trọn về Chúa: "Hỡi kẻ hai lòng, hãy tẩy luyện tâm can" (4,8); "Hãy chống lại ma quỷ, chúng sẽ chạy xa anh em; hãy đến gần Thiên Chúa, Người sẽ đến gần anh em" (4,7-8). Đồng thời hãy tập đừng nói xấu nhau: "Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật" (4,11). Thay vào đó phải là lời chúc tụng: "Chẳng lẽ một mạch nước lại có thể phun ra từ một nguồn cả nước ngọt lẫn nước chua sao?... Từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được" (4, 10-11).
THƯ 1 PHÊRÔ
NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO (1,3-9)
Thư 1 Phêrô nói nhiều đến niềm hy vọng Kitô giáo: "Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại" (1,3). Niềm hy vọng này vượt lên trên những thực tại trần thế mà người đời thường mơ tưởng như giầu sang phú quý hay thành công, nổi tiếng, để vươn tới "gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai" (1,4). Niềm hy vọng này vượt qua cả biên giới sự chết, tuy nhiên không chỉ đơn thuần là sự bất tử mà nhiều người mong ước, vì như thánh Ambrôsiô nói: "Nếu không có sự tiếp sức của ân sủng, thì sự bất tử trở thành gánh nặng hơn là một mối lợi". Niềm hy vọng Kitô giáo vươn tới sự sống đời đời, nghĩa là "cuộc sống tròn đầy ý nghĩa, sự ngụp lặn vào cõi mênh mông của hữu thể, trong khi chúng ta được tràn ngập niềm vui" (Đức Bênêđictô XVI, thông điệp Spe Salvi, số 12).
Chính niềm hy vọng ban tặng cho các Kitô hữu niềm vui sống, cho dù cuộc sống vẫn còn đó rất nhiều đau khổ: "Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dù còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách" (1,6). Trong ánh sáng của niềm hi vọng, người Kitô hữu đón nhận những thử thách và khổ đau trong đời sống như cơ hội thanh luyện đức tin: "Vàng là của phù vân mà còn phải chịu thử lửa... đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội" (1,7). Cũng chính niềm hy vọng này thúc đẩy các Kitô hữu sống cuộc đời mình với tinh thần trách nhiệm, vì ý thức rằng "Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai nhưng cứ theo công việc của mỗi người mà xét xử" (1,17). Sự phán xét của Chúa không phải là mối đe doạ làm mất đi niềm vui sống, nhưng đúng hơn là động lực thúc đẩy chúng ta sống có trách nhiệm như Đức Bênêđictô XVI nói: "Trong kiến trúc các nơi phụng tự Kitô giáo, nhằm diễn tả tầm vóc lịch sử và vũ trụ của niềm tin vào Đức Kitô, người ta thường trình bày bên phía Đông hình ảnh Đức Kitô trở lại như vị vua; ngược lại, bên phía Tây là cuộc chung thẩm như hình ảnh về trách nhiệm đối với cuộc sống của chúng ta, và quang cảnh này dõi theo, đồng hành với người tín hữu trong cuộc sống hằng ngày" (Thông điệp Spe Salvi, số 41).
Người Kitô hữu không chỉ sống mà còn phải làm chứng về niềm hy vọng của mình: "Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em" (3,15). Thánh Phêrô nhắn nhủ điều này, đồng thời còn nhắc nhở cả về cung cách làm chứng cho phù hợp với tinh thần Phúc Am. Đó là "trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng" (3,16) chứ không bằng bạo lực và sự kiêu căng ngạo mạn. Câu trả lời thuyết phục nhất vẫn là câu trả lời bằng chính cuộc sống: "Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em phải xấu hổ vì những điều họ vu khống" (3,16); "Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để ngay cả khi họ vu khống, coi anh em là người gian ác, họ cũng thấy các việc lành anh em làm mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm" (2,12). Không chỉ trong thời đại ngày nay nhưng ngay vào thời thánh Phêrô, các Kitô hữu đã kinh nghiệm điều này là: cho dù mình cố gắng giữ lương tâm ngay thẳng và sống công chính, cuộc đời vẫn ngập tràn đau khổ và xem ra những kẻ gian ác không hề suy nghĩ lại. Thực tế đó có thể làm cho ta thất vọng và muốn quay trở lại cách suy nghĩ, hành xử quen thuộc của thế gian. Nhưng thánh Phêrô nhấn mạnh: "Thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là thánh ý Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác" (3,17).
CHÚA KITÔ VÀ GIÁO HỘI (2,4-10)
Đoạn văn này được cấu trúc dựa vào hai hình ảnh trong Cựu Ước: Đá và Dân, và cả hai hình ảnh này đều nói về Giáo Hội. Từ "Đá tảng, viên đá" là từ chìa khoá trong các câu 6-8. Trước hết, những câu này nói về Chúa Kitô: Người là "tảng đá quý được lựa chọn đặt tại Sion", là "Đá tảng góc tường" (x. Isaia 28,16), là viên đá bị người đời loại bỏ nhưng lại quan trọng trước mặt Thiên Chúa (x. Tv 118,22), cuối cùng Người là "viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã" (x. Isaia 8,14). Đá tảng Kitô chính là khuôn mẫu cho Giáo Hội: như Chúa Giêsu, chúng ta được tuyển chọn và quý giá trước mặt Chúa, chúng ta cũng bị người đời ruồng bỏ và bách hại. Nhưng cũng như Chúa Kitô là Đá góc tường, Thiên Chúa dùng chúng ta là "những viên đá sống động mà xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng... hàng tư tế thánh". Cho nên hình ảnh "viên đá" được thư 1Phêrô vận dụng theo hai hướng: trước hết, giải thích tình trạng của Giáo Hội trong thế giới theo khuôn mẫu Chúa Kitô (được tuyển chọn - chịu đau khổ); sau nữa, được nên giống Chúa Kitô, trở nên đền thờ thiêng liêng của Thiên Chúa chí thánh.
"Dân" là từ chính yếu trong các câu 9-10. Giáo Hội là giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân thánh, dân riêng của Chúa (x. Xh 19,3-6); Giáo Hội là cộng đoàn đi từ chỗ "chưa phải là một dân" đến chỗ là Dân Thiên Chúa, từ chỗ "chưa được hưởng lòng thương xót" đến chỗ được xót thương.
Cả hai hình ảnh "Đá" và "Dân" đều nhấn mạnh điều này là chúng ta được Thiên Chúa tuyển chọn, vì thế phải sống thánh thiện: "Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh" (1,16).
• Ghi chú về 1 Pr 3,18-19
"Nhiều đoạn Tân Ước khẳng định Đức Giêsu "trỗi dậy từ cõi chết" (Cv 3,15; Rm 8,11), tức là trước khi sống lại, Người đã ở nơi kẻ chết. Khi rao giảng việc Đức Giêsu xuống ngục tổ tông, các tông đồ muốn nói là: Đức Giêsu đã chết như mọi người và linh hồn Người xuống cõi âm, nhưng xuống với tư cách là Đấng Cứu độ, để loan báo Tin Mừng cho các vong linh bị giam cầm ở đó... Đức Giêsu xuống ngục tổ tông không phải để giải thoát những kẻ bị án phạt đời đời hoặc để phá huỷ địa ngục đoạ đầy, nhưng để giải thoát những người công chính đã chết trước khi Người đến" (Sách GLHTCG, số 632-633).
THƯ CỦA THÁNH GIUĐA & THƯ 2 PHÊRÔ
CỦNG CỐ ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN TRONG HỘI THÁNH (Thư Giuđa)
Ngay câu mở đầu, tác giả giới thiệu về mình là "Giuđa, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô, anh em với ông Giacôbê", đồng thời xác định mục đích của lá thư: "để khuyên nhủ anh em chiến đấu cho đức tin đã được truyền lại cho dân thánh một lần là đủ" (câu 3).
Giáo Hội luôn phải đối diện với những khó khăn thử thách. Thử thách được nói đến trong lá thư này không đến từ bên ngoài nhưng từ trong nội bộ Giáo Hội: "Có những người đã len lỏi vào, những người từ lâu đã bị ghi trước vào danh sách những kẻ bị lên án, những kẻ vô luân này đã biến ân sủng của Thiên Chúa chúng ta thành lý do biện minh cho lối sống dâm ô, họ chối bỏ Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, vị Chúa Tể duy nhất" (câu 4). Tác giả liệt kê nhiều hành vi của những kẻ vô luân này : làm cho thân xác ra ô uế, khinh dể chủ quyền của Chúa (câu 8); nói phạm đến những điều họ không biết (câu 10); chè chén mà không biết xấu hổ, chỉ lo cho bản thân (câu 12); gây chia rẽ, sống theo tính tự nhiên, không có Thần Khí (câu 19). Tác giả dùng nhiều hình ảnh để diễn tả hậu quả họ phải chịu : mây không có nước, cuốn theo chiều gió (câu 12); cây cuối mùa, không trái, bị nhổ tận gốc; sóng biển hung dữ, tung bọt là những hành vi bỉ ổi; những vì sao lạc, u ám tối tăm (câu 13).
Đối diện với những thử thách đó, tác giả kêu gọi các tín hữu nhớ lại lời các Tông đồ: "Vào thời cuối cùng, sẽ có những kẻ nhạo báng, sống theo những dục vọng vô luân của mình" (câu 17). Đồng thời, phải "xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em, hãy cầu nguyện nhờ Thánh Thần, hãy cố gắng sống trong tình thương của Thiên Chúa" (câu 20-21). Một đàng, các tín hữu phải thương xót kẻ có tội; đàng khác phải xa tránh lối sống của những kẻ vô luân: "sợ hãi, gớm ghét ngay cả chiếc áo đã bị thân xác họ làm cho ra ô uế" (câu 23).
ĐỀ PHÒNG CÁC THẦY DẠY GIẢ HIỆU (2Phêrô 2, 1-9)
Ở phần đầu lá thư, thánh Phêrô viết: "Bao lâu tôi còn sống cuộc đời chóng qua này, tôi phải nhắc nhở để thức tỉnh anh em, đó là điều phải lẽ vì biết rằng sắp đến thời tôi phải bỏ lều này, như Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta cũng đã tỏ cho tôi biết" (2, 13-14). Vì thế có thể xem những giáo huấn sau đó như di chúc để lại. Tuy nhiên có nhà chú giải cho rằng đây chỉ là một cách nói nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của đề tài được bàn đến trong thư 2 Phêrô. Lúc đó, trong Giáo Hội, có những người giảng dạy sai lạc và khích bác giáo huấn của Giáo Hội. Ví dụ, họ cho việc rao giảng về Ngày quang lâm của Chúa là chuyện hoang đường (1,16; 3,3-4).
Vì thế, thánh Phêrô cảnh giác các tín hữu trước những thầy dạy giả hiệu (2,1). Họ được so sánh với những tiên tri giả trong Cựu Ước là những người rao giảng hòa bình và ổn định đang khi các tiên tri thật rao giảng về án xử của Thiên Chúa (xem Giêrêmia 4,10; 5,12; 6,14; 14,13-14). Ngài gọi họ là những người "chối bỏ vị Chúa tể đã chuộc họ về" (2,1). Ngày nay, có thể gọi là những người vô thần thực tiễn. Họ không chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa nhưng cho rằng vị Thiên Chúa ấy chẳng quan tâm gì đến đời sống con người. Thánh vịnh nhiều lần nói đến những kẻ tội lỗi chủ trương rằng "Không có Thiên Chúa" (Tv 10,11; 14,1; 73,11), không phải sợ Chúa xét xử, cho nên sống phóng túng, tội lỗi. Ở đây, thánh Phêrô cũng cảnh giác các tín hữu: "Nhiều người sẽ học đòi các trò dâm đãng của họ, và vì họ, con đường sự thật sẽ bị phỉ báng. Vì tham lam, họ dùng lời lẽ gạt gẫm anh em để trục lợi. Aùn phạt họ đã sẵn sàng từ lâu và họa diệt vong đã gần kề" (2,2-3).
Để chứng minh Thiên Chúa sẽ xét xử thế gian, tác giả đưa ra 3 ví dụ: những thiên thần phạm tội, ông Nôê, ông Lót và hai thành Sôđôma, Gômôra. Những ví dụ này có thể được rút ra từ thư Giuđa 5-7, nhưng tác giả thư 2 Phêrô sắp xếp khác để trình bày sứ điệp mới. Sứ điệp đó là : "Chúa cứu những người đạo đức khỏi cơn thử thách, và giữ những kẻ bất chính để trừng phạt vào ngày phán xét, nhất là những kẻ vì ham muốn những điều ô uế mà sống theo xác thịt, những kẻ khinh dể chủ quyền của Chúa" (2,9-10). Không thể chối bỏ sự xét xử của Chúa như những thầy dạy giả hiệu rao giảng. Sự chối bỏ đó chỉ dẫn con người đến lối sống vô luân và họa diệt vong.
CÁC THƯ CỦA THÁNH GIOAN
THƯ 1 GIOAN
Lá thư không cho biết tên tác giả nhưng ngôn ngữ sử dụng cũng như những điểm nhấn thần học rất giống với Tin Mừng thứ tư. Có lẽ lá thư đã được biên soạn vào thời kỳ muộn hơn so với Tin Mừng thứ tư, khi các đối thủ của Giáo Hội không chỉ là những người bên ngoài mà là những người ở trong Giáo Hội. Các nhà chú giải cho rằng lá thư này được viết khoảng năm 100. Một vài học giả nghĩ rằng tác giả lá thư này cũng chính là người đã viết chương 21 trong Tin Mừng thứ tư.
Lý do lá thư được biên soạn có thể tìm thấy ở 2,19: "Chúng xuất thân từ hàng ngũ của chúng ta, nhưng không phải là người của chúng ta, vì nếu là người của chúng ta, chúng đã ở lại với chúng ta. Nhưng như thế mới rõ: không phải ai cũng là người của chúng ta". Câu này cho thấy sự chia rẽ trong cộng đoàn và là sự chia rẽ trầm trọng đến độ tác giả nói đến thứ tội không đưa đến cái chết, và lại có "thứ tội đưa đến cái chết, tôi không bảo phải cầu xin cho thứ tội ấy" (5,16). Đó là "những kẻ tìm cách làm cho anh em đi lạc đường" (2,26), những tiên tri giả (4,1), những kẻ không mang nơi mình thần khí dẫn đến sự thật nhưng là thứ "thần khí làm cho sai lầm" (4,6).
Chủ đề chính của lá thư là bản tính và công trình của Đức Giêsu Kitô. Tác giả nhấn mạnh Đức Giêsu là Đấng Kitô: "Ai là kẻ dối trá nếu không phải là kẻ chối rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô? Kẻ ấy là tên Phản Kitô, là kẻ chối Chúa Cha và Chúa Con" (2,22); "Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra" (5,1). Đấng ấy đã đến trong xác phàm: "Căn cứ vào điều này mà anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên xác phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa" (4,2). Người là Đấng Cứu độ (3,16; 4,14), đã dâng mình làm của lễ đền tội chúng ta: "Nếu chúng ta đi trong ánh sáng, cũng như Thiên Chúa hằng ngự trong ánh sáng, thì chúng ta được hiệp thông với nhau, và máu Đức Giêsu, Con của Ngài, thanh tẩy chúng ta sạch hết mọi tội lỗi" (1,7; 4,10). Người là Con Thiên Chúa: "Hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy, và người ấy ở lại trong Thiên Chúa" (4,15; 5,5; 10,11-13). Người là Đấng đã đến không chỉ trong nước mà thôi nhưng trong nước và máu (5,6).
Sự kiện tác giả nhấn mạnh chủ đề này cho phép chúng ta suy đoán rằng lúc ấy, trong cộng đoàn, có những người không nhìn nhận nhân tính nơi Chúa Giêsu và công trình cứu độ của Người. Đọc lại lịch sử Giáo Hội, không lâu sau đó, Cêrintô chủ trương Đức Kitô siêu nhiên đã ngự xuống con người Giêsu vào dịp chịu Phép Rửa, để Giêsu mạc khải Thiên Chúa khi thi hành sứ vụ công khai, rồi trước khi ngài qua đời thì Đấng Kitô siêu nhiên rời khỏi con người Giêsu. Nếu những đối thủ của thư 1 Gioan chưa đi đến lập trường rõ ràng như Cêrintô thì họ cũng đang trên đường đi đến đó. Chính vì thế, thư 1 Gioan nhấn mạnh đến xác phàm, sự chết, công trình cứu độ, lễ dâng đền tội cho cả thế gian.
Về đời sống luân lý, thư 1 Gioan trình bày giáo huấn đơn giản, tập trung vào hai từ: Tin và Yêu. Tác giả nhấn mạnh rằng những gì các tín hữu tin là những điều đã được rao giảng từ ban đầu: "Ước chi điều anh em đã nghe từ lúc khởi đầu ở lại trong anh em" (2,24; 3,11). Đồng thời chúng ta chỉ có thể yêu mến Thiên Chúa nếu chúng ta yêu thương nhau. Tất cả những giáo huấn này được tóm lại trong một câu: "Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào Danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta" (3,23).
NGUỒN MẠCH ĐỨC ÁI (4, 7-21)
Thiên Chúa là Tình Yêu (4,8.16) và Ngài đã yêu thương chúng ta trước (4, 10.16.19). Ở 1,5, "Thiên Chúa là ánh sáng"; ở đây, "Thiên Chúa là Tình Yêu". Thiên Chúa là Tình Yêu, không phải cách trừu tượng nhưng là trong ánh sáng, qua những hoạt động cụ thể của Ngài. Ngài tạo dựng, cứu độ, xét xử, tất cả là do tình yêu và trong tình yêu.
Tình yêu của Chúa được thể hiện qua việc ban tặng Người Con làm Đấng Cứu độ: "Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống" (4,9); "Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng Cứu độ thế gian" (4,14). Vì Thiên Chúa đã yêu chúng ta dường ấy, nên chúng ta phải yêu thương nhau: "Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo" (4,12). Chỉ khi chúng ta yêu thương tha nhân hữu hình, thì mới có thể yêu Thiên Chúa vô hình: "Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, thì người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em họ trông thấy, thì không thể yêu mến Đấng Thiên Chúa mà họ không thấy" (4,20).
Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta và tình yêu chúng ta dành cho Chúa cũng như cho nhau khiến ta bước đi trong an vui, không sợ hãi: "Tình yêu không biết đến sợ hãi; tình yêu hoàn hảo loại trừ sự sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt, và sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo" (4,18). Ngược lại, người không yêu thương thì chẳng biết gì về Thiên Chúa: "Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu" (4,8).
KHẢI HUYỀN
(Chương 1-11)
TỔNG QUÁT
Từ thời tiên tri Daniel vào cuối Cựu Ước cho đến thời sách Khải Huyền trong Tân ước, người ta thấy xuất hiện nhiều loại văn bản trình bày các thị kiến. Như thế, các đọc giả vào thời đó đã quen với lối văn này, đang khi thể văn này lại xa lạ với chúng ta ở cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Cũng vì thế, sách Khải Huyền có nguy cơ bị vận dụng để trình bày những ý tưởng và quan điểm không phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, vd. loan báo ngày tận thế đã gần kề, kể cả địa điểm và ngày giờ chính xác! Điều lạ là đã nhiều lần loan báo sai nhưng vẫn tiếp tục thu hút được nhiều người tin theo!
Cả sách Daniel và sách Khải Huyền đều được biên soạn nhằm gửi đến cộng đoàn tín hữu đang bị bách hại. Vào thời sách Daniel được viết ra, đế quốc Syria đang thống trị đất Palestina và họ ép buộc dân phải từ bỏ Do thái giáo. Nhiều người đã bị giết vì không tuân theo. Suy tư về ý nghĩa của những hi sinh này đã dẫn đến chỗ hình thành nền thần học về tử đạo, nhìn máu của các vị tử đạo như giá chuộc cho tội lỗi của những người Do thái đã không dám trung thành với tôn giáo của cha ông. Nền thần học này cũng góp phần quan trọng trong Kitô giáo thời sơ khai khi giải thích về ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu. Đó là cái chết cứu độ, chuộc tội cho toàn thế giới. Vì thế, sách Khải Huyền mô tả Chúa Giêsu như vị tử đạo (chứng nhân) trung tín, và tác giả mượn những hình ảnh trong sách Daniel về các vị tử đạo để khuyến khích các Kitô hữu giữ vững can trường trong cơn bách hại. Cũng như vua Antiôkô đã thất bại trong việc tiêu diệt Do thái giáo, thì con thú dữ thời mới là đế quốc Rôma cũng sẽ thất bại trong tính toán của nó nhằm tiêu diệt các Kitô hữu. Hãy để ý hình ảnh trong sách Daniel về "một ai đó giống như Con Người" đang tiến đến ngai toà Thiên Chúa (chương 7). Trong sách Daniel, hình ảnh Con Người nhận quyền thống trị trên toàn thế giới muốn nói đến các vị tử đạo của Israel, nhưng sách Khải Huyền lại áp dụng hình ảnh này cho Chúa Giêsu.
Như thế, đâu là những sứ điệp quan trọng mà sách Khải Huyền muốn trao gửi ?
Trước hết, sách Khải Huyền được gửi đến cộng đoàn tín hữu đang bị bách hại. Câu hỏi lớn nhất là làm sao sống đức tin Kitô giáo trong một môi trường thù nghịch như thế? Vào thời sách Khải Huyền được biên soạn, môi trường thù nghịch là sự bắt bớ và bách hại của đế quốc Rôma đối với các Kitô hữu. Ngày nay, có thể không còn sự bắt bớ và bách hại như thế nhưng không có nghĩa là môi trường sống hôm nay hoàn toàn thuận lợi cho các Kitô hữu. Hãy thử nhìn vào cuộc sống xã hội, kể cả đường lối của các nhà cầm quyền, xem có phù hợp với những giá trị Phúc âm không. Cách nào đó, ta vẫn phải sống trong môi trường thù nghịch với Phúc âm, và vì thế, sứ điệp của sách Khải Huyền vẫn còn thiết thực cho ta.
Không những để bảo toàn đức tin, sách Khải Huyền còn thúc bách ta làm chứng cho đức tin. Làm chứng bằng cuộc sống trung tín với Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người. Trong thời đại ngày nay, ta còn cần phải làm chứng bằng cách cho người khác biết lý do tại sao ta tin và hi vọng. Muốn như thế, chính mình phải không ngừng đào sâu đức tin về mặt thiêng liêng cũng như về mặt tri thức.
Cuối cùng, sách Khải Huyền thúc đẩy chúng ta giã từ sự bi quan để bước đi trong niềm lạc quan được xây dựng vững chắc trên cơ sở đức tin và đức cậy. Đối diện với những cái ác dường như đang tràn ngập trong đời, như bao người khác, ta cũng dễ rơi vào thái độ bi quan vì nghĩ rằng mọi sự đã được an bài, không thể thay đổi điều gì; từ đó rơi vào thái độ bi quan, thất vọng. Thế nhưng Kitô hữu đích thực là người xác tín rằng Chúa Kitô đã chiến thắng tử thần, và tiếng nói cuối cùng không phải là sự chết mà là sự sống, không phải hận thù mà là tình yêu, vì thế ngay giữa những thử thách và đau thương của cuộc sống, người Kitô hữu được mời gọi bước tới trong tin tưởng và cậy trông : Marana tha, Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.
THƯ CHO CÁC GIÁO HỘI (1,9 - 3,22)
Trong phần này, có 7 lá thư cho 7 giáo hội : Ephêsô (2, 1-7), Smyrna (2, 8-11), Pergamô (2, 12-17), Thyatira (2, 18-29), Sardis (3, 1-6), Philadelphia (3, 7-13), Laođicêa (3,14-22). Mỗi thư đều được trình bày theo cấu trúc tương tự :
1. Lệnh phải viết : "Hãy viết cho thiên thần của Hội Thánh ..."
2. Công thức trình bày Chúa Giêsu như Đấng ban sứ điệp : "Đây là lời của Đấng ..."
3. Phần chính khởi đầu bằng lời "Ta biết" với những yếu tố chính : "Ta biết" tình hình của cộng đoàn - "Nhưng Ta chống lại ngươi..." - Mệnh lệnh hoán cải - Lời hứa và khuyến khích.
4. Kêu gọi hãy nghe : "Ai có tai thì hãy nghe..."
5. Phần thưởng cho người chiến thắng.
Trong sách Khải Huyền, số 7 mang tính biểu tượng. Một vài tác giả cổ xưa giải thích số 7 tượng trưng cho 7 hành tinh. Hoàng đế Rôma được mô tả như người nắm giữ 7 ngôi sao (7 hành tinh), diễn tả quyền thống trị phổ quát. Do đó, hình ảnh Chúa Giêsu cầm 7 ngôi sao (1,16) diễn tả quyền thống trị của Chúa, đồng thời là một thách thức với quyền bính của hoàng đế Rôma lúc đó. Trong văn mạch của chương I Khải Huyền, số 7 ở đây nói đến 7 giáo hội (câu 20).
Khi trình bày về Chúa Giêsu, tác giả vận dụng nhiều hình ảnh trong Cựu Ước để làm nổi bật thần tính và quyền bính của Chúa, đặc biệt là hình ảnh Con Người trong Daniel 7,13-14 và hình ảnh Thiên Chúa, Vị Trưởng Lão, trong Daniel 7,9-10. Những hình ảnh này muốn nhấn mạnh Chúa Giêsu là Đấng thuộc thiên giới, Người vừa là nguồn mạc khải vừa thống trị toàn thể vũ trụ. Lưỡi gươm phóng ra từ miệng Người (1,16) có lẽ ám chỉ lưỡi gươm Lời Chúa (x. Is 49,2).
Phản ứng đầu tiên của tác giả là sợ hãi, cũng là phản ứng được nhấn mạnh trong nhiều thị kiến Cựu Ước (Is 6,5; Ez 1,28 Daniel 8,18). Sau đó là sự trấn an : "Đừng sợ. Ta là Đầu và là Cuối... Ta đã chết và nay Ta sống đến muôn thưở muôn đời". Chủ đề Sống - Chết là chủ đề xuyên suốt sách Khải Huyền. Chúa Giêsu đã chết nhưng nay Người sống. Còn những kẻ bất trung có thể đang sống nhưng sau này sẽ chết khi bị kết án. Nếu người Kitô hữu xác tín rằng cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô đã đảo lộn hai cực sống chết (sống thành chết - chết thành sống) thì chúng ta sẽ thoát được nỗi âu lo sợ hãi. Điều quan trọng là trung tín với Đấng đã chết nhưng nay đang sống và là Đấng Hằng Sống.
Mặc dù những lá thư được gửi đến cho những cộng đoàn cụ thể nhưng thật ra những vấn đề được đề cập đến ở đây là những vấn đề chung cho toàn thể Giáo Hội cũng như cho đời sống thiêng liêng của mỗi Kitô hữu. Vì thế, đọc lại từng lá thư để khám phá những khuyết điểm của mình mà sửa đổi là điều rất hữu ích.
Những khuyết điểm cần cảnh giác :
- Đánh mất tình yêu thưở ban đầu (2,4)
- Sợ đau khổ (2,10)
- Chạy theo lề thói ngoại giáo (2,14)
- Gian dâm và ăn đồ cúng (2,20)
- Đang sống mà thực ra đã chết (3,1)
- Dối trá (3,9)
- Chẳng nóng chẳng lạnh (3,16)
BẢY ẤN (4,1 - 8,5) và BẢY TIẾNG KÈN (8,6 - 11,19)
Trong phần này, có rất nhiều thị kiến chồng chéo lên nhau. Điều cần ghi nhận là theo quan điểm của tác giả cũng như đọc giả lúc đó, tất cả những thị kiến này đã được thực hiện rồi. Khi trình bày các thị kiến, tác giả không nhắm mục đích tiên báo những biến cố lịch sử sẽ xẩy ra vào thời đại sau này. Vì thế, nên tránh sử dụng những hình ảnh và thị kiến này để giải thích những biến cố trong thời hiện tại. Sách Khải Huyền chỉ muốn nhấn mạnh với chúng ta rằng : Thiên Chúa là Đấng làm chủ lịch sử và chính Ngài sẽ xét xử mọi sự. Chân lý đó đã được thực hiện trong thời của tác giả và chân lý ấy vẫn mãi trường tồn, bất kể lịch sử nhân loại diễn tiến ra sao. Vì thế, điều quan trọng là trong mọi hoàn cảnh, hãy giữ niềm trung tín với Thiên Chúa.
Bẩy ấn (Khải Huyền 6:1-17, 8:1-5), bảy kèn (Khải Huyền 8:6-21, 11:15-19), và bảy bát (Khải Huyền 16:1-21) là ba chuỗi sự kiện nối tiếp nhau nói về sự xét đoán của Chúa trong thời kỳ cuối. Những sự xét đoán này càng lúc trở nên tồi tệ hơn và thảm họa hơn khi thời kỳ cuối tiến triển. Bảy ấn, kèn và bát được liên kết với nhau. Ấn thứ bảy mở đầu cho bảy kèn (Khải Huyền 8:1-5), và kèn thứ bảy mở đầu cho bảy bát (Khải Huyền 11:15-19, 15:1-8).
Bốn cái ấn đầu tiên được biết đến là bốn kị sĩ của Khải Huyền. Ấn đầu tiên mở ra kẻ chống Đấng Christ (Khải Huyền 6:1-2). Ấn thứ hai gây ra chiến tranh lớn (Khải Huyền 6:3-4). Dấu thứ ba của bảy dấu gây ra nạn đói (Khải Huyền 6:5-6). Dấu thứ tư mang đến bệnh dịch và thêm nạn đói và thêm chiến tranh (Khải Huyền 6:7-8)
Dấu thứ năm cho chúng ta biết những người mà sẽ chịu chết vì đức tin nơi Đấng Christ trong thời kỳ cuối cùng (Khải Huyền 6:9-11). Chúa nghe tiếng cầu xin công lý của họ và sẽ thực hiện điều đó trong thời điểm của Ngài - qua hình thức của ấn thứ sáu, cùng với những xét đoán qua bảy kèn và bảy bát. Khi ấn thứ sáu trong bảy ấn được mở, một trận động đất lớn xảy ra, gây ra một sự tàn phá kinh khủng và một chấn động lớn - cùng với những hiện tượng thiên văn lạ thường (Khải Huyền 6:12-14). Những người sống sót đúng là phải kêu lên "Hãy rơi xuống chận trên chúng ta, đặng tránh khỏi mặt của Đấng ngự trên ngôi, và khỏi cơn giận của Chiên Con! Vì ngày thạnh nộ lớn của Ngài đã đến, còn ai đứng nổi?" (Khải Huyền 6:16-17)
Bảy kèn được miêu tả trong Khải Huyền 8:6-21. Bảy kèn là những gì được giấu trong ấn thứ bảy ( Khải Huyền 8:1-5). Kèn thứ nhất gây ra một trận mưa đá và lửa, gây ra sự hủy hoại nhiều cây cối trên trái đất ( Khải Huyền 8:7). Kèn thứ hai mang đến một thiên thạch rơi xuống đại dương và làm cho rất nhiều sinh vật biển chết (Khải Huyền 8:8-9). Kèn thứ ba giống như kèn thứ hai, chỉ có khác là nó làm ảnh hưởng tới các hồ và song thay vì vào đại dương ( Khải Huyền 8:10-11)
Kèn thứ tư của bảy kèn làm cho mặt trời và mặt trăng bị tối (Khải Huyền 8:12). Kèn thứ năm gây ra một dịch "châu chấu ma quỷ" tấn công và hành hạ loài người ( Khải Huyền 9:1-11). Kèn thứ sáu thả ra một đội binh ma quỷ giết một phần ba dân số loài người (Khải Huyền 9:12-21). Kèn thứ bảy mở ra bảy thiên sứ cùng với bảy bát thịnh nộ của Chúa ( Khải Huyền 11:15-19, 15:1-8).
Bảy bát xét đoán được miêu tả trong Khải Huyền 16:1-21. Bảy bát xét đoán được mở ra từ kèn thứ bảy. Bát đầu tiên gây ra những ung nhọt độc trên loài người ( Khải Huyền 16:2). Bát thứ hai gây ra sự chết chóc trong muôn loài sống trong biển ( Khải Huyền 16:3). Bát thứ ba làm cho những dòng sông biến thành máu (Khải Huyền 16:8-9). Bát thứ tư làm cho sức nóng mặt trời tăng thêm và gây ra sự đau đớn lớn (Khải Huyền 16:8-9). Bát thứ năm mang tới một sự tối tăm và tang thêm sự đau đớn của ung nhọt đến từ bát đầu tiên (Khải Huyền 16:10-11). Bát thứ sáu làm cho dòng sông Ơ-phơ-rát bị cạn khô và đội quân của kẻ chống Đấng Christ sẽ được tụ họp lại để đánh trận Ha-ma-ghê-đôn (Khải Huyền 16:12-14). Bát thứ bảy gây ra một trận động đất thảm hại tiếp theo sau là những trận mưa đá khổng lồ (Khải Huyền 16:15-21).
Khải Huyền 16:5-7 tuyên bố về Chúa rằng, "Hỡi Đấng Hiện Có, Đã Có, tức là Đấng Thánh, Ngài là công bình, vì Ngài đã phán xét thể nầy; bởi vì chúng nó đã làm đổ huyết của các thánh đồ cùng của các đấng tiên tri, và Ngài đã cho chúng nó uống huyết: thật là đáng lắm. ... Phải, lạy Chúa, là Đức Chúa Trời toàn năng, những sự phán xét của Ngài đều chân thật và công bình."
KHẢI HUYỀN
(Chương 12-22)
NGƯỜI PHỤ NỮ VÀ CON MÃNG XÀ (12,1-18)
1. Người phụ nữ
Từ lâu, hình ảnh người phụ nữ trong chương 12 đã được các Kitô hữu đồng hoá với Đức Maria, tuy nhiên nên hiểu là Gíao Hội, Dân Chúa, "những người còn lại trong dòng dõi bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giêsu" (câu 17). Những chi tiết trong thị kiến như mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, triều thiên 12 ngôi sao... là những chi tiết được tác giả rút ra từ những truyền thuyết của các dân cũng như những hình ảnh Thánh Kinh (vd. Anh sáng Chúa, 12 chi tộc...). Người con được sinh ra là Đấng Mêsia, Đấng "sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân" (câu 5).
2. Mãng xà
Con mãng xá được mô tả ở đây giống như trong Daniel 7,7; 8,10 : nhiều đầu tượng trưng nhiều vương quốc; đuôi quét tinh tú nói đến tính huỷ diệt của nó. Mãng xà là biểu tượng sự thù nghịch chống đối Thiên Chúa.
3. Trốn vào sa mạc (12,6)
Tiên tri Elia ngày xưa nhiệt thành làm chứng cho Chúa và bị bà hoàng Jezabel săn đuổi, phải trốn vào hoang địa (1V 17,1-7; 19,5-7). Người phụ nữ ở đây cũng phải trốn vào sa mạc trước sự tấn công của con mãng xà, ở đó "Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở để bà được nuôi dưỡng ở đó" (12,6).
4. Giao chiến trên trời
Cuộc chiến của Kitô hữu với sự ác đã bắt nguồn từ cuộc chiến giữa Tổng lãnh thiên thần Micae và Satan. Satan bị đuổi khỏi trời nhưng nó tiếp tục tấn công tín hữu trên trái đất, là "những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giêsu" (12,17). Vì thế, dù sống trong hoàn cảnh nào, nếu muốn thuộc về Chúa trọn vẹn, người Kitô hữu phãi chấp nhận chiến đấu, cuộc chiến nội tâm liên lỉ. Người Kitô hữu bước vào cuộc chiến đó với niềm tin tưởng lạc quan, vì nếu Tổng lãnh thiên thần Micae đã thắng Satan, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ thắng. Micae vẫn được coi là người canh giữ Dân Chúa và là đối thủ của Satan (Dan 10,13,21; 12,1). Hình ảnh Người phụ nữ "được ban cho cánh đại để bay vào sa mạc" diễn tả sự che chở của Chúa (Xh 19,4; Dnl 32,11), và người Kitô hữu luôn vững tâm tin tưởng vào tình thương che chở này trong mọi hoàn cảnh.
TRỜI MỚI ĐẤT MỚI (chương 21)
1. Trời mới đất mới (21, 1-5)
Tác giả trình bày thị kiến về trời mới đất mới, thay thế thế giới cũ đã qua đi: "trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa" (Kh 21,1; xem Isaia 65,17). Đó là một thế giới lý tưởng: "Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất" (Kh 21, 4). Trung tâm của thế giới mới là thành thánh Giêrusalem (x. Is 52,1-3), "nhà tạm Thiên Chúa ở giữa loài người" (Kh 21,3). Tiếng nói từ trên ngai phán rằng mọi lời hứa của Thiên Chúa nay được hoàn thành: "Này đây Ta đổi mới mọi sự" (21,5). Trong Isaia 43, 18-19, Chúa phán bảo Israel đừng nhớ lại những chuyện cũ vì Ngài đang thực hiện "điều mới". Ở đây, sách Khải Huyền công bố lời hứa đó được hoàn thành.
2. Giêrusalem mới, tân nương của Chiên Con (21,9-21)
Những hình ảnh trong thị kiến này được rút ra từ sách Ezekiel: thành được xây trên núi (Ez 40, 2), tràn ngập vinh quang Thiên Chúa (43, 2-4), những chi tiết về tường thành (48, 31-35). Các thiên thần canh giữ cửa cũng đã có trong Ez 49,12. Trong sách Ezekiel, 12 cửa tượng trưng cho 12 chi tộc Israel, còn trong sách Khải Huyền, 12 cửa tượng trưng cho 12 tông đồ. Cũng giống như trong sách Ezekiel chương 40, thiên thần lấy thước đo cửa và tường thành. Việc đo đạc này muốn đề cao kích thước hoàn hảo của thành thánh.
3. Thiên Chúa hiện diện trong thành (21,22-27)
Cùng với những chi tiết được rút ra từ sách Ezekiel, ở đây, sách Khải Huyền trình bày một chi tiết hoàn toàn khác và là điều hết sức quan trọng, đó là "trong thành, không có đền thờ" (Kh 21, 22) vì "Đức Chúa, Thiên Chúa toàn năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành". Sự hiện diện của Thiên Chúa và Chiên Con làm cho cả thành là đền thờ. Sau đó, tác giả vận dụng Isaia 60, 1-20 để mô tả: Vinh quang Chúa tràn ngập đến độ không cần các thiên thể chiếu sáng (Is 60,19-20); các vua chúa trần gian đem kho tàng vinh quang tới; cửa thành không đóng vì chẳng có đêm; những gì ô uế không được vào thành, chỉ có người công chính sống trong đó (21, 27).
4. Nước và cây sự sống (22,1-5)
Thị kiến về Giêrusalem mới được kết thúc bằng những hình ảnh về phúc lành và sự bất tử dành cho những người sống trong đó. Nước chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và Chiên Con (22,1) nhắc lại dòng nước chảy ra từ đền thờ trong Joel 4,18 cũng như Ezekiel 47. Cây sự sống trong sách Sáng Thế 2,9 được phối hợp với cây bên dòng suối trong Ezekiel 47,12. Lá của những cây này được dùng làm thuốc chữa lành cho dân ngoại (22, 2). Cũng như những gì ô uế không được đưa vào thành thánh, thì cũng không còn lời nguyền rủa nào ở đây (22,3).
5. Sứ điệp cho đời sống đức tin
Thế giới này sẽ kết thúc. Lịch sử nhân loại sẽ đến điểm tận cùng. Điểm tận cùng ấy không phải là thế giới u buồn bị tội lỗi và sự dữ thống trị, nhưng là trời mới đất mới, tràn ngập vinh quang Thiên Chúa và là cõi bất tử. Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng viết: "Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại, chúng ta cũng không biết cách thức biến đổi của vũ trụ. Chắc chắn hình ảnh một thế giới lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi, nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới, nơi công bằng ngự trị. Hạnh phúc nơi ấy sẽ thỏa mãn và đắp đầy mọi ước vọng hòa bình trào dâng trong lòng người. Khi ấy, sự chết sẽ bị đánh bại, con cái Thiên Chúa sẽ phục sinh trong Đức Kitô, và những gì được gieo vãi trong yếu hèn, mục nát, sẽ mặc lấy sự không hư nát; tình yêu và các hoạt động bác ái sẽ tồn tại, và toàn thể thụ tạo mà Thiên Chúa dựng nên cho con người sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ phù vân" (số 39).
Điều quan trọng là hãy bắt đầu từ hôm nay lối sống của người công chính, thay vì chỉ sống và hành động theo những tham vọng ích kỷ của xác thịt: "Đây, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến và Ta đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tùy theo việc họ làm. Ta là Alpha và Omega, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. Phúc thay những kẻ giặt sạch áo mình, để được quyền hưởng dùng Cây Sự Sống và qua cửa mà vào Thành! Những quân chó má, làm phù phép, gian dâm, sát nhân, thờ ngẫu tượng, cùng với mọi kẻ thích điều gian dối và ăn gian nói dối, hãy xéo ra ngoài" (Kh 22, 12-15).
Tin mừng Gioan (Chương 1 - 6)
***
gioantongdoTỔNG QUÁT
1. Tác giả Tin Mừng thứ tư
Chỉ trong phần II của sách Tin Mừng thứ tư (13,23-25; 19,26; 20,2-8), đọc giả mới thấy nhắc đến "người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến" hoặc "người môn đệ khác". Nhưng không có chỗ nào nói rõ tên người môn đệ ấy là Gioan. Tác phẩm chỉ cho biết người môn đệ này rất gắn bó với thánh Phêrô, ông ở bên cạnh Đức Maria trên đồi Golgotha, "ông đã thấy và đã làm chứng" (19,35). Dựa vào Tin Mừng nhất lãm, người ta biết ba môn đệ gần gũi Chúa Giêsu nhất là Phêrô, Giacôbê và Gioan (Mc 5,37; 9,2; 14,33). Giacôbê đã chết vào năm 44. Chỉ còn lại Phêrô và Gioan. Trong khi đó, sách Tin Mừng thứ tư cho biết Phêrô và "người môn đệ Chúa yêu" gắn bó với nhau, cho nên chắc hẳn người môn đệ này là Gioan.
Ngoài ra, truyền thống chưa bao giờ nghi ngờ việc thánh Gioan là tác giả sách Tin Mừng thứ tư. Thánh Irênê khẳng định: "Sau các môn đệ khác, đến lượt Gioan, người môn đệ Chúa Giêsu đã tựa đầu vào ngực ông, cũng đã viết sách Tin Mừng khi ở Ephêsô". Còn thánh Clêmentê Alexandria (210) viết: "Khi thấy những người khác chỉ kể lại những sự kiện bên ngoài, thì Gioan, người sau cùng, được bạn hữu khuyến khích và được Thánh Thần linh ứng, đã viết Tin Mừng thiêng liêng".
2. Lược đồ Tin Mừng Gioan
THÁNH THI MỞ ĐẦU (1,1-18)
PHẦN I : SÁCH CỦA NHỮNG DẤU LẠ (1,19 - 12,50)
I. Khi mạc khải khởi đầu (1,19-51)
1. Gioan tẩy giả làm chứng về bản thân (1,19-28)
2. Gioan tẩy giả làm chứng về Chúa Giêsu (1,29-34)
3. Các môn đệ của Gioan đến với Chúa Giêsu (1,35-51)
II. Từ Cana đến Cana (2,1 - 4,54)
1. Dấu lạ đầu tiên tại Cana : nước hoá thành rượu (2,1-12)
2. Thanh tẩy đền thờ (2,13-22)
3. Chúa Giêsu và Nicôđêmô (3,1-36)
4. Chúa Giêsu, người phụ nữ Samaria và dân Samaria (4,1-42)
5. Dấu lạ thứ hai tại Cana (4,43-54)
III. Chúa Giêsu và những ngày lễ lớn của người Do thái (5,1 - 10,42)
1. Chúa Giêsu và ngày sabát (5,1-47)
2. Chúa Giêsu trong dịp lễ Vượt qua : hoá bánh ra nhiều (6,1-15), đi trên biển (6,16-21), diễn từ về Bánh hằng sống (6, 22-71)
3. Chúa Giêsu trong dịp Lễ Lều (7,1 - 8,59) : Cảnh 1 (7,14-36), cảnh 2 (7,37-52), người phụ nữ ngoại tình (7,53-8,11), cảnh 3 (8,12-59)
4. Tiếp theo Lễ Lều (9,1-10,21) : người mù từ thưở mới sinh (9,1-41), Chúa Giêsu là mục tử nhân lành (10,1-21)
5. Chúa Giêsu trong dịp lễ Cung hiến (10,22-42)
IV. Chúa Giêsu đi đến Giờ của Ngài và vinh quang (11,1-12,50)
1. Phục sinh Lagiarô (11,1-44)
2. Chúa Giêsu bị lên án (11,45-57)
3. Những cảnh chuẩn bị : xức dầu tại Betania (12,1-11), Vào thành Giêrusalem (12,12-29), Giờ của Chúa (12,20-36), diễn từ cuối cùng (12,44-50)
PHẦN II. SÁCH VINH QUANG (13,1 - 20,31)
I. Bữa tiệc ly (13,1-30)
1. Dẫn nhập (13,1-3)
2. Rửa chân (13,4-20)
3. Loan báo sự phản bội (13,21-30)
II. Những diễn từ cuối cùng (13,31-17,26)
1. Diễn từ giã biệt lần I (14,1-31)
2. Diễn từ giã biệt lần II (15-16,33)
3. Lời cầu của Chúa Giêsu (17,1-26)
III. Bài tường thuật thương khó (18,1 - 19,42)
1. Bị bắt trong vườn Cây Dầu (18,1-11)
2. Tại nhà thượng tế Anna (18,12-27)
3. Trước toà Philatô (18,28-19,16)
4. Khổ hình thập giá (19,17-37)
5. Mai táng (19,38-42)
IV. Chúa Giêsu sống lại (20,1-31)
1. Những lần hiện ra (20,1-29) : Maria Madalena, Simon Phêrô và người môn đệ Chúa yêu (20,1-18), với các môn đệ nhưng thiếu Toma (20,19-23), với Toma (20,24-29)
2. Kết luận (20,30-31)
Lời bạt ở chương 21
Mẻ lưới bất thường (21,1-14)
Simon Phêrô và sứ mạng mục tử (21,15-23)
Lời phi lộ (21,24-25)
TIỆC CƯỚI CANA (2,1-12)
Đây là dấu lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm (2,11). Vậy dấu lạ này có ý nghĩa gì? Chắc chắn ý nghĩa căn bản của dấu lạ là với Chúa Giêsu, thời đại Mêsia đã đến. Cái được biến đổi ở đây không chỉ đơn thuần là nước được sử dụng trong đời sống hằng ngày, nhưng là nước được dùng trong những nghi thức thanh tẩy thời Cựu Ước (2,6). Nước ấy không chỉ được biến đổi thành rượu chung chung mà là rượu hảo hạng và tràn trề (những sáu chum, mỗi chum chứa 80 hay 120 lít). Sự phong phú đó là hình ảnh thời đại mêsia (x. Amos 9,13-14; Joel 3,18). Việc biến đổi nước thời Cựu Ước thành rượu thời mêsia cho thấy bữa tiệc cưới không chỉ là tiệc cưới nhưng là hình ảnh bàn tiệc mêsia, và chú rể trong tiệc cưới này chính là Chúa Giêsu (x. 3,29).
Ở đây ta cũng có thể liên tưởng đến mầu nhiệm nhập thể, mầu nhiệm Thiên Chúa làm người để nâng con người lên. Trong cử hành phụng vụ Thánh Thể, khi linh mục đổ chút nước vào rượu, ngài thầm thĩ đọc lời nguyện: "Như chút nước này được hoà với rượu nho, xin cho nhân tính chúng con được hoà vào thần tính của Chúa." Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã đảm nhận bản tính loài người và nâng bản tính đó lên tầm cao mới, làm cho con người được tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Điều đó không phải là kết quả của nỗ lực tự nhiên nhưng trước hết và trên hết là ân sủng của Thiên Chúa. Phần vụ của chúng ta là sẵn sàng đáp lại bằng lòng tin, mở rộng tâm hồn để đón nhận ân huệ Thiên Chúa ban như lời Mẹ Maria căn dặn các gia nhân trong tiệc cưới : "Người bảo gì, các anh cứ làm theo" (2,5).
Trình thuật này cũng thường được chọn đọc trong các thánh lễ hôn phối để giúp người Kitô hữu ý thức rằng Chúa Giêsu đã nâng hôn nhân lên thành bí tích, nghĩa là dấu chỉ diễn tả tình yêu giữa Đức Kitô và Gíao Hội, đồng thời ban ơn cho đôi vợ chồng để họ có thể sống tình yêu cao cả đó. Càng sống trong một thời đại mà đời sống gia đình bị đe doạ và đổ vỡ rất nhiều, các đôi vợ chồng công giáo càng cần phải làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa, và họ có thể làm được điều đó khi sống theo lời căn dặn của Mẹ Maria : "Người bảo gì, các anh cứ làm theo" (2,5).
Cuối cùng, Mẹ Maria xuất hiện trong trình thuật như người phụ nữ tinh tế và nhạy bén trước nỗi bối rối của gia đình chủ tiệc. Sự nhạy bén đó phát xuất từ tấm lòng chan chứa yêu thương của Mẹ, vì nhạy bén trước nhu cầu của người khác là nét tinh tế nhất của tình yêu (Jean Guitton). Hơn thế nữa, Mẹ còn tìm cách can thiệp để giúp gia đình đôi tân hôn thoát khỏi cảnh khó khăn. Trong suốt lịch sử Giáo Hội, người tín hữu xác tín điều đó nên ở khắp nơi và trong mọi thời, họ chạy đến với Mẹ để xin Mẹ trợ giúp ủi an. Ước gì khi đến với Mẹ Maria, ta cũng học được nơi Mẹ sự nhạy bén của tình yêu, nhờ đó cuộc sống gia đình cũng như cộng đoàn sẽ gia tăng niềm vui và an bình.
NGƯỜI PHỤ NỮ XỨ SAMARI (4,1-42)
Sau trình thuật về tiệc cưới Cana, thánh Gioan kể về việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem ((2,13-22) và cuộc đối thoại của Chúa với Nicôđêmô (3,1-21). Những trình thuật này đều có mục đích giới thiệu sự mới mẻ mà Chúa Giêsu đem đến : rượu mới thời mêsia, đền thờ mới, sự sống mới trong nước và Thánh Thần. Trong trình thuật về người phụ nữ xứ Samari, thánh Gioan mô tả Chúa Giêsu như nguồn nước ban sự sống, và nói đến sự thờ phượng đích thực. Đây là một trình thuật được biên soạn rất công phu, có thể phân đoạn như sau để dễ thấy và dễ hiểu hơn :
Dẫn nhập (4,1-6) : Chúa Giêsu rời Giuđêa để đi Galilê; trên đường qua Samari, ngài
nghỉ ngơi bên bờ giếng.
Cuộc đối thoại thứ nhất (4,7-26) : giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ
- Nước hằng sống (câu 7-15) : từ nước giếng đến nước đem lại sự sống đời đời.
- Thờ phượng trong Thần khí và sự thật (câu 20-26)
Cuộc đối thoại thứ hai (4,31-38) : giữa Chúa Giêsu và các môn đệ
- Lương thực của Chúa Giêsu (câu 31-34) : Thánh ý của Đấng đã sai Thầy
- Mùa gặt (câu 35-38) : "Đồng lúa đã chín vàng..."
Kết luận (4,39-42) : niềm tin của dân Samari "Người thật là Đấng cứu độ trần gian"
Một vài ghi nhận để giúp hiểu bản văn dễ hơn:
Do hoàn cảnh lịch sử, giữa người Do thái và người Samari có mối quan hệ không tốt, nếu không nói là tồi tệ. Do đó người phụ nữ Samari rất ngạc nhiên khi Chúa Giêsu đến trò chuyện với chị, lại còn xin nước uống (4,6)!
Thông thường, thánh Gioan mô tả Chúa Giêsu bằng những từ ngữ đề cao thần tính của Chúa, nhưng ở đây, ngài lại mô tả Chúa Giêsu rất "người": mỏi mệt, ngồi ngay bên bờ giếng (4,6). Cả người phụ nữ cũng được mô tả rất "đời" : chị đi kín nước vào giữa trưa (câu 6)! Các phụ nữ khác đã đi lấy nước từ sáng, còn chị này mãi đến trưa mới đi kín nước, chứng tỏ chị có lối sống không giống ai, có lẽ còn bận tiếp chuyện với các ông! Phần kế tiếp của câu truyện cho thấy chị sống khá buông thả. Thế nhưng chính người phụ nữ buông thả này, một khi gặp được Lời Chúa, đã trở thành người loan báo Tin Mừng cho cả thành. Lời Chúa có sức biến đổi lạ lùng!
Như đã được học, các sách Tin Mừng không chỉ đơn thuần là sách tiểu sử về Chúa Giêsu nhưng còn phản ánh kinh nghiệm sống đức tin của các cộng đoàn. Trình thuật này cũng phản ánh sứ vụ của Giáo Hội đem Tin Mừng đến cho dân Samari như được mô tả trong Cv 8,4-25.
Điều đáng quan tâm là dân Samari đã tin vào Chúa Giêsu không vì bất cứ dấu lạ nào nhưng chỉ vì sức mạnh của Lời: "Số người tin vì lời Đức Giêsu còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ : Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian" (câu 41-42).
Trình thuật này còn là bài học quý giá cho đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu, cách riêng trong mùa Chay. Chúa Giêsu đã dẫn đưa người phụ nữ Samari từ chỗ khát nước đến chỗ khám phá nỗi khát khao sâu xa hơn trong cuộc đời chị, nỗi khát khao mà chỉ một mình Chúa mới có thể lấp đầy. Cũng thế, trong mùa Chay, Giáo Hội mời gọi ta giữ chay không chỉ để chu toàn một vài lề luật hay để lập công với Chúa, nhưng ăn chay để khám phá cơn đói sâu xa hơn trong lòng ta, cơn đói mà chỉ một mình Chúa mới có thể lấp đầy. Vì thế, đây là thời gian thuận tiện để mỗi người nhìn lại lòng mình để khám phá nỗi khát khao : phải chăng chỉ là của cải vật chất? hay còn là tình yêu? Và còn là những gì sâu xa nhất? Ước gì trải nghiệm của thánh Augustino cũng trở thành trải nghiệm của mỗi chúng ta : "Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa."
TIN MỪNG GIOAN
(Chương 6-12)
HOÁ BÁNH RA NHIỀU (6,1-15)
Lễ Vượt qua là lễ bánh không men, vì thế ghi chú về lễ Vượt qua (câu 4) có mục đích chuẩn bị cho chúng ta hiểu về dấu lạ hoá bánh ra nhiều sắp xẩy ra. Đây là phép lạ duy nhất được cả bốn sách Tin Mừng kể lại (Marco kể hai lần 6,31-34 và 8,1-10; Matthêu kể hai lần 14,13-21 và 15,32-38; Luca 9,10-17). Sự kiện đó cho thấy tầm quan trọng của trình thuật này trong đời sống Giáo Hội sơ khai. Thật vậy, những gì Chúa Giêsu đã làm khi hoá bánh ra nhiều trở thành chuẩn mực cho việc cử hành Thánh Thể trong các cộng đoàn. Trong trình thuật của Tin Mừng nhất lãm, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho... Các thừa tác viên cũng làm như thế khi cử hành Thánh Thể. Trình thuật của Gioan cũng mang tính nghi lễ như thế, nhưng ngài thêm một chi tiết vốn là nét đặc trưng của Kitô giáo : Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, và phân phát (6,11). Trong tiếng Hi lạp, từ mà ta dịch làtạ ơn là eucharisteo, cũng là từ được dùng để nói về Thánh Thể. Thánh Gioan còn nhắc lại ý nghĩa này ở 6,23: "Có những thuyền khác từ Tibêria đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn."
Thánh Gioan gọi phép lạ này là dấu lạ: "Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói..." (6,14). Dấu lạ này có mục đích làm cho mọi người khám phá ra Chúa Giêsu chính là Bánh ban sự sống, chủ đề sẽ được Gioan khai triển trong suốt chương 6. Phản ứng của dân chúng ở câu 14, "Hẳn ông này là vị tiên tri, Đấng phải đến thế gian", nhắc nhớ đến vị tiên tri như Môsê (x. Đnl 18,15.18) mà người ta mong đợi sẽ xuất hiện vào thời cuối cùng. Như Môsê đã nuôi dân bằng manna trong sa mạc thì Chúa Giêsu cũng nuôi dân như thế.
Ghi nhận cuối cùng nên quan tâm là hai môn đệ được nêu tên trong trình thuật này là Philipphê và Anrê. Đây cũng là hai vị đã giới thiệu Nathanael và Simon Phêrô đến gặp Chúa Giêsu (Ga 1,41.45). Sau này, cũng chính hai vị này trở thành tông đồ cho người Hi Lạp (12,20-22). Như thế, vai trò của hai vị tông đồ này được quan tâm đặc biệt trong Tin Mừng Gioan. Đồng thời, những ghi nhận trên cũng thoáng mở chiều kích truyền giáo của dấu lạ hoá bánh ra nhiều : Chúa Giêsu làm phép lạ không chỉ để thoả mãn cơn đói chóng qua của con người nhưng để giúp người ta nhận ra Ngài là Bánh hằng sống.
NGƯỜI MÙ TỪ THUỞ MỚI SINH (9,1-41)
Trình thuật này được xây dựng rất công phu như một vở kịch sống động với 6 cảnh tuần tự diễn ra, với những cuộc đối thoại sâu sắc và những nhân vật đủ sắc màu. Điều quan trọng là cố gắng nắm bắt những giáo huấn mà thánh sử muốn trao gửi cho người đọc.
1. Ý nghĩa Phép Rửa
Điều chắc chắn là trình thuật này đã được vận dụng vào việc dạy giáo lý về Phép Rửa. Không phải vô tình mà thánh Gioan ghi chú rằng người mù đi rửa ở hồ Siloe, ( Siloe có nghĩa là người được sai đến). Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu chính là người được sai đến. Như thế, thánh Gioan không chỉ kể chuyện người mù mắt được chữa lành nhưng qua đó, ngài còn muốn nói đến việc chữa lành sự mù loà thiêng liêng. Việc chữa lành này được ban cho những ai chịu Phép Rửa : họ được rửa trongĐấng được sai đến, nghĩa là chính Chúa Giêsu (chịu Phép Rửa là dìm mình vào trong Chúa).
Ngoài ra, nên ghi nhận sự khai mở từng bước nơi người mù được chữa lành : lúc đầu anh chỉ nói đến một người tên là Giêsu (câu 11), sau đó anh gọi ngài là tiên tri (câu 17), rồi là người từ Thiên Chúa mà đến (câu 33), rồi là Con Người (câu 35) và đỉnh cao là anh sấp mình xuống trước mặt Chúa Giêsu, một cử chỉ thờ phượng dành cho Thiên Chúa (câu 38). Cũng vậy, sau khi đã lãnh nhận Phép Rửa, người tân tòng từng bước được dẫn sâu hơn vào hành trình đức tin, khám phá nội dung đức tin, sống đời thờ phượng và đạo đức theo chuẩn mực của Tin Mừng. Nhân cơ hội này, ta cần xem xét lại cách dạy giáo lý dự tòng trong cộng đoàn giáo xứ của mình. Phải chăng nhiều khi ta đã làm quá vội vã, chưa giúp người dự tòng hiểu biết, yêu mến Chúa và thực hành cho đúng theo Lời Chúa dạy?
2. Chúa Kitô là ánh sáng muôn dân
Về mặt văn chương, câu chuyện về người mù vừa hài hước vừa thâm thuý. Những người tự cho là mình sáng mắt, thấy rõ, thì hoá ra lại mù, và mù chẳng phải vì tai nạn do ai gây ra nhưng do chính mình muốn thế : "Nếu các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng 'Chúng tôi thấy' nên tội các ông vẫn còn" (câu 41). Ngược lại, kẻ mù loà nhưng dám liều mình làm theo lời Chúa Giêsu (câu 6) thì lại "thấy". Cái thấy này ban đầu chỉ là thấy bên ngoài (sight) nhưng rồi được dẫn đến cái thấy bên trong (in-sight). Chúa Kitô chính là ánh sáng muôn dân để trong Ngài, chúng ta nhìn thấy ánh sáng. Có nhiều thái độ khiến ta không đón nhận được ánh sáng và cứ ở mãi trong cảnh mù loà : từ nỗi sợ hãi như cha mẹ của anh mù (câu 23) đến những thành kiến và tính toán của người Pharisêu và giới cầm quyền (câu 13-17). Cần khiêm tốn nhận diện chính mình trong những nhân vật đó để có thể mở mắt mở lòng đón nhận ánh sáng của Chúa.
3. Cộng đoàn của Gioan
Câu truyện về người mù còn phản ánh kinh nghiệm sống đức tin của cộng đoàn Giáo Hội đương thời. Câu 22 ghi nhận rằng "Người Do thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô." Câu 34 ghi nhận sau khi được chữa lành và đối chất với những người cầm quyền, anh mù bị trục xuất khỏi hội đường. Những ghi nhận này phản ánh sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa các Kitô hữu và người Do thái. Vào thời Chúa Giêsu, kể cả thời thánh Phaolô đi rao giảng Tin Mừng, mối quan hệ này chưa đến nỗi nặng nề. Tuy nhiên, tình hình ngày càng xấu đi, nhất là khi các Kitô hữu nhấn mạnh Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa. Có thể thấy điều đó khi trong lời cầu nguyện tại hội đường Do thái, có cả lời nguyền rủa những kẻ rối đạo như những tên Kitô hữu! Không có Kitô hữu gốc Do thái nào có thể chấp nhận lời cầu nguyện như thế, và đó là lý do họ bị trục xuất khỏi cộng đoàn. Như thế, ở bất cứ thời đại nào, sống niềm tin vào Chúa Giêsu vẫn luôn là một thách đố. Nhưng chính những thách đố ấy có thể thúc bách ta dấn thân hơn và sống niềm tin sâu sắc hơn như anh mù trong câu truyện: "Anh nói : Thưa Ngài, tôi tin. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người" (9,38).
PHỤC SINH LADARÔ (11,1-54)
Chúa Giêsu vừa là sự sống vừa là sự sống lại (11,25) và phép lạ phục sinh Ladarô chính là dấu chỉ cho lời khẳng định đó.
1. Matta và Maria
Không chỉ trong Tin Mừng Gioan, hai chị em Matta và Maria còn được nhắc đến trong Luca 10,38-42, và cả hai tác giả đều cho thấy tính cách của mỗi người. Matta xuất hiện như một người năng động nên trong Luca 10,40, chị rất bận rộn trong chuyện đón tiếp Chúa Giêsu, và trong Gioan 11,20, chị cũng là người mau mắn ra gặp Chúa Giêsu trước. Còn Maria thì ngồi ở nhà, sau đó thì dưới chân Chúa (Ga 11,20. 32), cũng giống như Maria trong Luca 10,39 ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe lời Người.
2. Ladarô
Có điều lạ là Tin Mừng Luca không nói gì đến người em trai là Ladarô. Trong Luca có dụ ngôn về Ladarô nhưng Ladarô ở đây là một người nghèo, suốt đời khổ sở, cuối cùng được ở trong lòng Abraham. Dụ ngôn này kết thúc bằng lời cảnh cáo rất đặc biệt của Chúa Giêsu : "Nếu chúng không nghe theo Môsê và các tiên tri, thì dù có kẻ chết sống lại, chúng cũng không nghe đâu" (Lc 16,31). Nghĩa là cũng nói đến chuyện kẻ chết sống lại. Vậy có sự trùng hợp nào chăng giữa hai nhân vật Ladarô? Phải chăng thánh Gioan đã biến người hành khất trong Tin Mừng Luca thành người em trong gia đình của Matta và Maria? Không phải thế, những gì thánh Gioan kể lại đều là người thật việc thật, ở đây chỉ muốn ghi nhận sự gần gũi giữa hai bản văn.
3. Sự hồi sinh của Ladarô và sự phục sinh của Chúa Giêsu
Nếu so sánh trình thuật về sự hồi sinh Ladarô và trình thuật về sự phục sinh của Chúa (chương 20), có nhiều nét song đối với nhau :
- Maria than khóc ở gần mộ (11,31 và 20,11)
- Ngôi một bị tảng đá che kín (11,38 và 20,1)
- Khăn liệm và khăn che mặt (11,16 và 20,6-7)
- Vai trò đặc biệt của Tôma (11,16 và 20,24-28)
Như thế, thánh Gioan viết trình thuật hồi sinh Ladarô như để tiên báo về sự phục sinh của Chúa. Tuy nhiên sự phục sinh của Chúa Giêsu hoàn toàn khác với sự hồi sinh Ladarô:
- Ladarô được hồi sinh là trở lại với đời sống cũ để rồi sớm muộn cũng sẽ chết, còn Chúa Giêsu phục sinh là bước vào sự sống vĩnh hằng, trở thành Đấng hằng sống, sự chết không còn làm chủ được Người nữa.
- Ladarô được hồi sinh với thân xác cũ, còn Chúa Giêsu phục sinh với thân xác vinh hiển, thân xác không còn bị chi phối bởi những điều kiện không gian và thời gian như các trình thuật Thánh Kinh cho biết.
4. Giáo huấn
Câu 25-26 là trọng tâm của cả trình thuật : Chúa Giêsu là sự sống và sự sống lại của tất cả những ai giống như Matta, dám tin rằng Người là "Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa" (câu 27 và 31). Ai có đức tin thì cho dù phải chết cũng sẽ sống. Ai sống mà tin thì sẽ không bao giờ phải chết.
Lời của thượng tế Caipha được thánh Gioan giải thích như lời tiên tri mà chính ông ta không ngờ: "Chúa Giêsu phải chết cho dân, và không chỉ cho dân mà thôi nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi thành một mối" (câu 51-52). Lời này cũng trình bày thần học của Gioan về ơn cứu độ.
An sâu trong trình thuật này là chân lý cao cả về cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu : Người hi sinh mạng sống mình để ban sự sống cho ta. Vì yêu thương Ladarô, Chúa Giêsu đi Bêtania để làm cho ông sống lại; nhưng khi làm như thế, Người phải chấp nhận hiểm nguy (x. các câu 7-8, 16, 50-53). Như đã nói, so sánh trình thuật phục sinh Ladarô và trình thuật về sự phục sinh của Chúa ở chương 20, ta sẽ thấy nhiều điểm tương đồng. Cả hai trình thuật đều nói đến Maria khóc lóc ở mồ (11,31 và 20,11), nấm mồ với tảng đá chắn bên ngoài (11,38 và 20,1), khăn liệm và khăn che đầu (11,44 và 20,6-7), vai trò đặc biệt của Tôma (11,16 và 20,24-28). Dường như thánh sử Gioan viết trình thuật này để báo trước cuộc phục sinh của Chúa. Vì thế, chương 11 chuẩn bị cho ta đọc chương 20.
Chúng ta có thể thắc mắc về sự trì hoãn của Chúa Giêsu (11, 4-7). Tại sao Chúa không lên đường ngay để ngăn cho Ladarô khỏi chết mà lại đợi ông ấy chết rồi mới ra tay? Thánh sử Gioan đã nhìn biến cố từ quan điểm của Thiên Chúa hơn là quan điểm của con người, và điều này được diễn tả qua lời của Chúa Giêsu: "Bệnh này không đến nỗi chết đâu nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh" (11,4). Dấu lạ đã bày tỏ vinh quang Thiên Chúa và sự hiện diện của Chúa nơi Người Con chí ái của Ngài. Dấu lạ là một cuộc thần hiện. Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu chữa lành mạc khải chính mình qua công trình của Người Con. Như thế, khi bước theo Chúa Giêsu, chúng ta tin tưởng chắc chắn sẽ đạt đến sự sống trọn vẹn.
TIN MỪNG GIOAN
(Chương 13-17)
RỬA CHÂN CHO CÁC MÔN ĐỆ (13,1-30)
Với chương 13, chúng ta chuyển từ Sách của những dấu lạ sang Sách vinh quang, nghĩa là nói đến sự chết và sự phục sinh của Chúa. Sách này gồm những diễn từ ly biệt (chương 13-17), trình thuật về cuộc thương khó (chương 18-19), sự phục sinh (chương 20) và phần kết (chương 21). Ở đây chỉ tập trung vào trình thuật rửa chân (13,1-30).
1. Bài học luân lý
Một lần nữa, tác giả nói đến lễ Vượt qua nhưng đây sẽ là cuộc vượt qua của chính Chúa Giêsu, từ thế gian mà về cùng Cha (13,1.3). Trong trình thuật này, Chúa Giêsu vốn là tôi tớ của Thiên Chúa nay lại trở thành tôi tớ loài người. Giờ của Người đã đến và Người yêu thương những kẻ thuộc về Người đến cùng (13,1), đến cùng thời gian và đến cùng sức lực. Vì chính Chúa Giêsu đã làm nhiệm vụ người tôi tớ nên chúng ta, các môn đệ của Người, cũng được mời gọi rửa chân cho nhau: "Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em" (câu 15). Bài học về phục vụ đã rất rõ ràng và đầy sức thuyết phục.
2. Ý nghĩa về cái chết của Chúa Giêsu
Tuy nhiên, trình thuật này còn chất chứa những giáo huấn sâu xa hơn nữa. Khi Phêrô phản đối, không chấp nhận để Thầy rửa chân cho (cũng như ông đã phản đối lời loan báo về cuộc thương khó của Chúa trong Mc 8,32), Chúa Giêsu đã cho các môn đệ thấy việc được rửa chân quan trọng thế nào, đến độ nếu không chấp nhận để Chúa rửa chân thì không được chung phần với Chúa (câu 8). Câu này cho thấy trình thuật rửa chân không chỉ hàm chứa một bài học luân lý nhưng còn nói lên nhiều giáo huấn quan trọng :
- Ám chỉ cái chết cứu độ của Chúa Giêsu trong tư cách người tôi tớ. Nếu so sánh trình thuật rửa chân với thánh thi trong thư Philip 2,5-12, ta sẽ hiểu việc rửa chân ở đây nói đến mầu nhiệm huỷ mình ra không (kenosis) của Chúa Giêsu, cũng là mầu nhiệm tôn vinh.
- Hơn thế nữa, trình thuật này còn là giáo huấn về bí tích thánh tẩy. Lãnh nhận bí tích thánh tẩy là được dự phần vào cái chết cứu độ của Chúa, được sạch và không cần phải rửa nữa. Thánh Phaolô diễn tả cách khác là được dìm vào trong sự chết của Chúa để được sống lại với Người. Hiểu như thế, lãnh nhận bí tích thánh tẩy không chỉ là làm một nghi thức mà là đón nhận một lối sống, lối sống yêu thương và phục vụ như Chúa Giêsu (câu 15).
LỜI NGUYỆN LINH MỤC (chương 17)
Chương 17 thường được gọi là Lời nguyện linh mục vì ở đây, Chúa Giêsu cầu nguyện trực tiếp với Chúa Cha cho các tín hữu hiện tại cũng như tương lai. Lời kinh chuyển cầu này nói lên chức năng tư tế, đồng thời sự "thánh hiến" mà Chúa Giêsu nói đến ở câu 19 cũng liên hệ đến vai trò tư tế dâng hy tế.
1. Phân đoạn và nội dung
Chúa Cha và Chúa Con (câu 1-5)
Trong 5 câu này, Chúa Giêsu nói trực tiếp với Chúa Cha. Giờ đã đến, giờ tôn vinh, nghĩa là giờ biểu lộ sự hiện diện của Thiên Chúa. Sự sống đời đời chính là nhận biết sự hiện diện này, "nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô". Chúa Giêsu đã biểu lộ sự hiện diện của Chúa Cha, đã hoàn tất công việc được trao phó. Bản chất đích thực của Thiên Chúa là Tình Yêu sắp được bày tỏ nơi cái chết hy tế của Chúa Giêsu.
Chúa Con và các môn đệ (câu 6-19)
Chúa Giêsu cầu xin cho các môn đệ điều gì? Ngài xin Chúa Cha cho họ :
- được Chúa Cha bảo vệ: "Xin gìn giữ chúng trong Danh Cha mà Cha đã ban cho con" (câu 11)
- được hiệp nhất trên nền tảng và theo khuôn mẫu kết hợp sâu xa giữa Cha và Con: "để chúng nên một như chúng ta là một" (câu 11)
- để những đau khổ của họ được biến thành niềm vui: "để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con" (câu 13)
- được gìn giữ khỏi ác thần: "xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần" (câu 15)
- để họ được thánh hiến, hoàn toàn hiến thân phục vụ Chúa: "xin thánh hiến chúng trong sự thật" (câu 17)
Chúa Con và các môn đệ tương lai (câu 20-26)
Đối với các môn đệ trong tương lai, ân huệ duy nhất mà Chúa Giêsu khẩn nài là ơn hiệp nhất: "để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con" (câu 21-23). Chỉ với chứng tá hiệp nhất này, sứ vụ của Giáo hội mới có kết quả, bởi vì chỉ khi các môn đệ hiệp nhất yêu thương nhau thì thế gian mới tin, mới nhận biết rằng Chúa Cha đã sai Chúa Giêsu đến trong thế gian, và gặp được nơi các môn đệ chính tình yêu của Chúa Cha.
2. Những chủ đề chính
Chỉ trong một lời nguyện, Chúa Giêsu kêu lên "abba" (cha ơi) những 6 lần. Tên gọi này diễn tả sự kết hợp sâu xa và thân tình giữa Chúa Giêsu và Cha của Người.
Hiệp nhất là ân huệ được nhấn mạnh đặc biệt: hiệp nhất giữa các môn đệ trong hiện tại cũng như tương lai, sự hiệp nhất theo khuôn mẫu hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, sự hiệp nhất bắt nguồn từ tình yêu của Ba Ngôi.
Tình yêu là từ ngữ thường xuyên được nhắc đến: tình yêu của Chúa Cha với Chúa Giêsu (câu 23-24), với các môn đệ (câu 23). Mạc khải lớn nhất của Tin Mừng chính là Tình yêu của Thiên Chúa. Như thế, Giáo hội phải là một cộng đồng tình yêu, dấu chỉ sống động cho tình yêu Thiên Chúa giữa thế gian.
"Thế gian" là từ ngữ được sử dụng 17 lần trong chương này. Theo nghĩa xấu, thế gian là nơi chốn của bất tín, hận thù, căm ghét, hoàn toàn ngược lại với tình yêu là đòi hỏi mà các Kitô hữu phải sống. Giuđa (được nhắc đến trong câu 12) là minh hoạ cụ thể về sự khước từ ánh sáng và sự sống để nộp mình cho đêm tối và chết chóc. Người môn đệ Chúa sống trong thế giới vật lý này nhưng không chấp nhận sống theo não trạng vô đạo của nó. Câu 21 và 23 cho thấy Chúa Giêsu tin tưởng rằng nhờ chứng tá hiệp nhất yêu thương của các môn đệ, thế gian sẽ tin và nhận biết rằng Chúa Giêsu là Đấng Cha sai đến.
TIN MỪNG GIOAN
(Chương 18-21)
CUỘC THƯƠNG KHÓ (18,1 - 19,42)
Trình thuật về cuộc thương khó của Chúa là trình thuật hết sức quan trọng. Tuy nhiên, vì bài tường thuật quá dài, ta hãy tạm bằng lòng với việc nhìn lại lược đồ tổng quát và một vài nét đặc trưng trong trình thuật của Gioan.
1. Chúa Giêsu bị bắt (18,1-11)
2. Chúa Giêsu ra trước toà Anna và Caipha, Phêrô chối Thầy (18,12-27)
3. Chúa Giêsu trước toà Philatô (18,28 - 19,16)
4. Đóng đinh vào thập tự (19,16-22)
5. Chúa Giêsu bị lột áo (19,23-24)
6. Mẹ của Chúa Giêsu và người môn đệ Chúa yêu (19,25-27)
7. Chúa Giêsu tắt thở (19,28-30)
8. Lưỡi đòng đâm thâu (19,31-37)
9. Táng xác (19,38-42)
Mẹ của Chúa Giêsu và người môn đệ Chúa yêu (19,25-27)
Về mặt tự nhiên, đây là câu truyện cảm động về một người con trong giờ hấp hối vẫn ưu tư lo lắng cho mẹ già còn ở lại. Tuy nhiên, nếu câu truyện này được tác giả đặt vào thời điểm quan trọng nhất của Tin Mừng, thì ắt hẳn không chỉ là thế. Câu hỏi được đặt ra là: sự kiện này muốn diễn tả điều gì?
Đã có nhiều gợi ý và suy tư từ trình thuật quan trọng này. Ở đây xin đề nghị đặt trình thuật vào bối cảnh Chúa Giêsu trao ban Thần Khí (19,30) và máu cùng nước chảy ra từ cạnh sườn Người bị đâm thâu (19,34). Đặt mình vào bối cảnh trên, trình thuật này như muốn nói về sự sinh hạ cộng đoàn Kitô hữu. Đây là giờ Chúa Giêsu được tôn vinh - được giương cao - và khi Người chết, Người trao ban Thần Khí của Người. Dưới chân thập giá là hai người, cả hai đều không được gọi tên rõ ràng (là Maria và Gioan) như thể muốn nhấn mạnh tính biểu tượng. Người phụ nữ ở đây như hình ảnh của Mẹ Hội Thánh, và người môn đệ Chúa yêu là hình ảnh của tất cả các môn đệ được kêu gọi bước theo Chúa Giêsu. Thần Khí được trao ban cho Mẹ-Hội Thánh và người môn đệ Chúa yêu, máu cùng nước là dấu chỉ của Thánh Tẩy và Thánh Thể. Dĩ nhiên đây chỉ là một gợi ý suy nghĩ về trình thuật đặc biệt này của Gioan.
Cũng có một gợi ý khác về mối liên hệ giữa người phụ nữ trong trình thuật này với người phụ nữ trong Sáng Thế 3,15, cũng như mối thù nghịch giữa dòng giống người phụ nữ với dòng giống con rắn-ma quỷ. Thánh Gioan quan tâm đặc biệt đến sách Sáng Thế. Ngài bắt đầu Tin Mừng thứ tư bằng lời gợi nhớ câu đầu tiên trong sách Sáng Thế: "Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời" (Ga 1,1) và "Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất" (St 1,1). Ngài cũng trình bày cuộc xung đột giữa Chúa Giêsu và Satan: "Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài" (Ga 12,31). Và về con cái ma quỷ: "Cha các ông là ma quỷ và các ông muốn làm chứng về những gì cha các ông ham thích" (Ga 8,44). Nếu người phụ nữ trong trình thuật này ám chỉ về người phụ nữ trong St 3,15, thì phải nói là thánh sử Gioan đã tập hợp ở đây tất cả những yếu tố trong trình thuật của sách Sáng Thế: con rắn, dòng giống của nó, người phụ nữ, dòng giống của bà, và có lẽ cả chi tiết "khu vườn". Câu chuyện sách Sáng Thế diễn ra ở vườn địa đàng, còn trình thuật thương khó của Gioan cũng bắt đầu từ một thửa vườn: "Sau khi nói những lời đó, Chúa Giêsu đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Cypron. Ở đó có một thửa vườn. Người vào đó với các môn đệ" (Ga 18,1). Và kết thúc ở một thửa vườn: "Nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Do thái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Chúa Giêsu ở đó" (Ga 19,41-42).
Như thế, Tin Mừng Gioan trình bày Đức Maria dưới chân thập giá với hai vai trò:
- Đức Maria là hình ảnh của Mẹ Hội Thánh. Người mẹ này chăm sóc các môn đệ Chúa, các môn đệ trở nên con của Mẹ và là anh chị em của Chúa Giêsu. Mối quan hệ của chúng ta với Chúa Giêsu không chỉ là quan hệ cá nhân nhưng bao hàm một cộng đoàn, một gia đình của những người anh chị em.
- Đức Maria là hình ảnh người phụ nữ chiến thắng. Hình ảnh tiêu cực về người nữ nơi Eva đã được thay thế bằng hình ảnh tích cực của Đức Maria.
TIN MỪNG PHỤC SINH (20,1-31)
1. Các nhân vật
Thánh Gioan xây dựng trình thuật này rất công phu, và qua phản ứng của các nhân vật trong trình thuật, ngài gói ghém suy tư của ngài về Tin Mừng Phục sinh, tập trung vào câu hỏi: những nhân vật đó đã tiến đến niềm tin vào Đấng Phục sinh như thế nào?
Maria thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi cửa mồ và phản ứng của bà là "Người ta đã lấy xác Thầy rồi". Bà chưa tin. Rồi trong cảnh kế tiếp (câu 11-18), bà vẫn giữ cách giải thích cũ (câu 13 và 15). Bà chỉ tin khi được nghe tiếng Chúa (câu 16) và thấy Chúa (câu 18). Chiên của Chúa nhận ra tiếng Chúa (x. Ga 10,4).
Phêrô và người môn đệ Chúa yêu chạy đến mộ. Họ thấy khăn liệm và khăn che đầu. Phêrô vẫn bối rối nhưng người môn đệ Chúa yêu thì tin: "Ông đã thấy và đã tin" (câu 8). Ông chỉ thấy một chút dấu chỉ nhưng ông tin. Ông lại là môn đệ được yêu và đang yêu. Phải chăng tình yêu ban tặng cho chúng ta cặp mắt mới?
Các môn đệ khác (câu 19-25): bắt đầu là sợ hãi rồi từ sợ hãi chuyển sang niềm vui khi thấy Chúa (câu 20). Đối với họ cũng thế, đức tin đến từ chỗ xem thấy.
Tôma là nhân vật nổi bật trong cảnh cuối (câu 19-25). Ông nhất định không tin cho đến khi tận mắt nhìn thấy và tận tay sờ được (câu 25). Và Chúa Giêsu đã thoả mãn yêu cầu của ông, nhưng Người mời gọi đi xa hơn (câu 27).
2. Niềm tin vào Chúa Phục sinh
Qua những nhân vật này, thánh Gioan muốn nói đến phản ứng và thái độ của những con người trong thời đại ngài trước niềm tin vào Chúa Kitô Phục sinh. Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta tra vấn niềm tin của chính mình: Tôi bối rối như Phêrô? Hay như người môn đệ Chúa yêu, chỉ cần chút dấu chỉ là đủ tin rồi? Hay như bà Maria và các môn đệ khác, phải tận mắt thấy và nghe rồi mới tin? Hay cực đoan như Tôma, đại diện của chủ thuyết thực nghiệm? Ước gì ta mang lấy tâm tình của người môn đệ Chúa yêu, vì "phúc cho những ai không thấy mà tin" (20,29).
ĐOẠN KẾT (chương 21)
Đoạn kết này gồm những trình thuật quan trọng:
- Mẻ lưới đặc biệt (21,1-14),
- Simon Phêrô, người mục tử (21,15-23)
- Kết thúc (21,14-25)
Rõ ràng chương 20 đã là phần kết sách Tin Mừng thứ tư, cho nên các học giả cho rằng chương 21 là phần được thêm vào sau này. Có thể là do một môn đệ thân tín của thánh Gioan. Tuy nhiên phần thêm vào này có giá trị quan trọng. Nếu 20 chương trước tập trung vào Chúa Giêsu, Đấng Mặc khải và Đấng Cứu độ, thì chương 21 là một bước tiếp nối từ Chúa Giêsu đến Giáo Hội của Người. Để Chúa Giêsu có thể tiếp tục công trình cứu độ của Người thì cần có những trung gian : Tiệc Thánh Thể ở đó Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện với Giáo Hội và trong Giáo Hội, nhiệm vụ mục tử của Phêrô và những người kế nhiệm, vai trò của người môn đệ Chúa yêu cũng như của Giáo Hội.
nghĩa Chúa Nhật Lễ Lá
Với Lễ Lá, chúng ta bắt đầu tuần lễ quan trọng nhất của Năm Phụng Vụ gọi là Tuần Thánh. Trong Tuần Thánh, chúng ta cử hành cuộc khổ nạn, sự chết và nhất là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế. Dầu cho với cái nhìn chính trị, xã hội của con mắt người đời, việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua, là một việc có tính cách gây rối chính trị, vì đế quốc Rôma đang cai trị và Hêrôđê đang làm vua. Nhưng Chúa Giêsu, Người biết rõ việc Người làm. Trước mặt Philatô, Người tuyên bố rõ ràng: "Tôi là Vua nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này".
Vậy Phụng vụ Lễ Lá có thể gợi lên cho chúng ta ba ý nghĩa
- Trước tiên Chúa Nhật Lễ Lá là việc tưởng niệm cuộc vào thành Giêrusalem long trọng của Chúa Giêsu trước khi Người chịu khổ hình và chết. Biến cố đó cho chúng ta thấy Chúa Giêsu biết rằng giờ của Người đã đến, biết rằng Người phải làm gì và Người đã tự nguyện bước vào cái chết sinh ơn cứu độ, như hạt lúa miến đã chết đi để sinh sự sống mới. Người tự hiến mình để chu toàn thánh ý của Chúa Cha. Vì thế trước đó nhiều lần, những người Do Thái chống đối lập mưu để giết Người, như ném đá Người hoặc xô Người xuống vực thẳm, nhưng họ không làm được việc gì, vì giờ của Người chưa đến. Và cũng đã nhiều lần dân chúng hợp lại định tôn phong Người lên làm vua, nhưng Người đã lẩn trốn sang nơi khác cũng chỉ vì giờ của Người chưa đến.
- Ý hướng thứ hai của Lễ Lá là ngày lễ để tôn kính Chúa Kitô là Vua. Ðây là lần đầu tiên trong suốt cuộc đời trần thế của Người, Chúa Giêsu đồng ý để cho dân chúng tung hô vạn tuế Người là Vua: "Hoan hô chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời." Người vào Giêrusalem, thành của vua cả trong phong cách đế vương, và chính vì phong cách đế vương này mà Người đã bị kết án tử hình. Bản án của Người được viết bằng ba thứ tiếng, Do Thái, La Tinh và Hy Lạp, "Giêsu Nagiarét Vua dân Do Thái." Vì thế, dầu cho Người bị kết án tử hình bằng một hình khổ dã man và nhục nhã, đóng đinh chân tay căng thây trần truồng trên Thập Giá, nhưng các sách Phúc Âm đều ghi đậm nét vẻ vương giả của Người để khai mào một vương quốc mới. Vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc của yêu thương và an bình như Người đã nói trước mặt Philatô: "Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Ai tôn trọng sự thật thì nghe tiếng Tôi." Vậy Chúa Nhật Lễ Lá cho chúng ta một cơ hội nữa để tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Vua các vua, Vua cả trời đất, nhất là Vua của mọi cõi lòng.
- Với ý nghĩa thứ ba, Chúa Nhật Lễ Lá nhắc cho chúng ta biết sống trên đời là đối đầu với đau khổ, vì lễ Lá dẫn đưa chúng ta vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chuẩn bị chúng ta chiêm ngắm cái chết đau thương của Người trên đồi Canvê. Khi chấp nhận bằng lòng vác thập giá mình mà theo chân Chúa Giêsu, đó là chúng ta cũng chia sẻ gánh nặng của Người, noi gương Người để vác thập giá, nhưng điều quan trọng là không phải vác đi trong than khóc mà trong hy vọng. Vì với Chúa Giêsu, đau khổ và chết chóc không dồn con người vào ngõ bí, mà là dẫn đưa đến vinh quang của ngày sống lại.
Hôm nay trong cái nghịch lý của Lễ Lá, vị Vua của chúng ta tiến lên, vị Vua đã bênh vực nhân vị của con người, đã xoa dịu mọi đau khổ thể xác như tinh thần của những ai đến cùng Người. Vị Vua đó đã thu, đã hút tất cả những đau khổ của thể xác và tinh thần của con người vào chính bản thân mình, để chết đi một lần cho tất cả và đã mở ra cánh cửa vào chốn trường sinh. Ðó là niềm hy vọng của chúng ta.
Ðể có việc làm cụ thể trong tuần này, chúng ta sẽ tìm cách tế nhị giúp cho một người đang gặp khó khăn vật chất hoặc đau buồn tinh thần, để họ lấy lại được niềm hy vọng. Và noi gương Chúa Giêsu nơi vườn cây Dầu, khi Người cầu nguyện: "Lạy Cha nếu có thể được, xin cất chén đắng này xa Con, nhưng xin đừng theo ý Con một theo ý Cha mà thôi," chúng ta cũng xin Chúa cho chúng ta biết vui lòng vâng phục thánh ý Chúa, dầu lắm khi chúng ta không hiểu được tại sao.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top