Sự lựa chọn
Tôi vội vã lách người qua cửa xe ngồi xuống bên Creg, chồng sắp cưới của tôi. Mẹ tôi đang đứng bên lề đường, bên ngoài căn hộ ở phố Brooklyn, nơi bà đã nuôi tôi nên người, vẻ mong chờ tôi chào bà. Tôi lơ đễnh thưa với mẹ:
- Con đi nha mẹ!
Khi bà nghiêng đầu vào xe hôn tôi thì tôi hơi nhích má ra bởi vì tôi không thích bà hôn tôi ngoài đường. Tôi mong rằng Greg không nhận thấy mẹ có vẻ bị tổn thương biết chừng nào, nhưng đôi mắt xanh của anh liếc tôi vẻ tò mò, trong khi anh lái xe cho chạy đi. Tôi im lặng ngồi cạnh anh, lưng thẳng đơ sát ghế dựa, đôi mắt đen của tôi ngoan cố dán chặt vào những bóng lá lướt trên kính xe. Cuối cùng Greg bảo tôi:
- Linda này, anh biết là việc đến thăm mẹ hoàn toàn do chủ ý của anh - Tôi vẫn lạng lùng nhìn ra trước - Và anh rất vui là anh đã quyết định đến thăm mẹ. Bà có vẻ rất dễ thương.
Tôi vẫn không trả lời anh. Anh thở dài:
-Em này, thật tình mà nói, anh chưa bao giờ thấy em cư xử như vậy. Em đối với mẹ thật lạnh lùng. Anh không biết đã có chuyện gì xảy ra giữa hai mẹ con, nhưng anh biết chắc chắn tình trạng căng thẳng mà anh vừa chứng kiến phải có nguyên nhân.
Nguyên nhân! Sao anh dám phê phán tôi! Tôi có hàng năm dài nguyên nhân, hàng danh sách vô tận các nguyên nhân. Nhưng khi tôi giận dữ quay sang nhìn anh, thì tôi thấy anh không có vẻ trách móc, phê bình gì tôi cả mà chỉ là vẻ bình thản quan tâm đến tôi. Vậy là tôi chậm rãi kể anh nghe về mẹ và ba...
Vào những năm 50, khi tôi đang tuổi lớn, cha tôi là một người luôn gây rắc rối. Nếu như những ông bố khác vội vã rời sở làm về nhà trong bộ đồ sang trọng đứng đắn, thì ba tôi đang ngồi phệt trên bục cửa trước nhà, đám cái quần jean rách với áo thun trắng bởi vì ông không hề đi làm bao giờ cả, chỉ có việc người đó, mắt nhìn trừng trừng vào khoảng không, tay cầm điếu thuốc đang cháy dở.
Đôi khi tôi thấy một bé gái sống ở nhà bên đang chạy ào tới đón ba nó đang về tới nhà trong bộ đồ nghiêm chỉnh, tay xách cặp da bóng loáng, thì tôi lại chạy vào nhà để giấu vẻ bối rối của mình. Mọi lời cầu nguyện của tôi khi còn bé chỉ quanh quẩn đến ba: "Cầu trời làm sao cho ba con khỏe hơn."
Sự bất mãn của mẹ ngày càng tăng theo với mỗi tờ hóa đơn chưa có tiền để trả mà mẹ xếp đống trên kệ bếp. Sáng chủ nhật luôn là lúc tệ nhất. Ba ngủ suốt sáng, mẹ thì khoác vội một cái áo choàng ra ngoài áo ngủ để chạy đi mua tờ Thời Báo Nữu Ước. rồi thì cây viết đỏ được lôi ra, mẹ ngồi vào bàn formica trắnh có điểm những cái boomerang nhỏ xíu. Bực bội lấy bút khoanh tròn những mục rao vặt: " Cần đàn ông phụ việc!". Sau khi mẹ đã khoanh tròn hết những mục rao vặt ấy bà sẽ đưa cho ba và bảo:
-Coi này, đây là những việc mà ông có thể làm được đấy!.
Ba chẳng hề ngó tới mà chỉ quay mình nằm cuộn tròn trong tấm chăn nâu, trả lời mẹ rằng:
- không được, tuần này tôi không thể làm việc được.
Có một lần mà chụp lấy vai ba và than vãn:
- Nhà hết bánh mì, hết sữa rồi.
Ba nhìn mẹ, vẻ bất lực:
- Bộ bà tưởng tôi muốn như thế này sao?
Tôi tin là ba không muốn sống như vậy nhưng mẹ thì quá tuyệt vọng để có thể thông cảm với ba. Môi mẹ mím chặt lại và đến một tuần sau thì những mục rao vặt mà mẹ khoanh tròn lại là: "Cần phụ nữ giúp việc."
Nhưng vào thập niên 50 việc mướn phụ nữ có con nhỏ được đánh giá là trò chơi may rủi vì họ luôn bận bịu vì con cái nên bê trễ công việc, và vì vậy họ rất khó kiếm việc làm. Một tối nọ, trong căn phòng ngủ bé xíu tối tăm - nơi tôi ngủ chung với em gái tôi. Tôi nghe mẹ cầu nguyện ở phòng bên. Khi mẹ tôi có vấn đề bận tâm thì bà luôn nói thẳng với ông trời như thể bà nói với một người bạn luôn trung thành với bà trong những lúc bà khó khăn.
-Ông trời biết đấy con là người chịu khó làm việc. Vậy con cầu trời đừng để con rơi vào cảnh phải nhận tiền quỹ cứu trợ. Con chấp nhận làm việc gì con có thể kiếm được dù là lương trả rất thấp. Con sẽ trở thành người giúp việc tận tụy nhất.
Cuối cùng, một người bạn của mẹ tôi đã nhận bà làm một chân thư ký và báo trước:
-Tôi cho bà một cơ hội. Nhưng bà hãy nhớ nếu bà xin nghỉ phép mỗi khi con ở nhà nhức đầu, sổ mũi thì bà hãy đi tìm việc khác mà làm đấy.
Thế là mẹ không nghỉ một ngày nào cả. Ngay cả khi hai chị em tay bị sởi nặng bà vẫn sắp xếp để tiếp tục đi làm. Khi chúng tôi cần được bà chăm sóc thì bà là giao chúng tôi cho bác hàng xóm. Có một ngày, tôi nằm liệt giường vì sốt và nghe bác hàng xóm thù thầm thiệt to vào máy điện thoại màu hồng của bác ấy:
-Bà làm mẹ như thế nào mà cứ bỏ bê con cái mình như vậy?
Tôi thì chẳng ưa gì bác ấy, nhưng những lời bác ấy nói làm tôi phải nghĩ về mẹ. Tình trạng của ba ngày càng tệ hơn. Không có mẹ ở bên cạnh để chăm sóc ông ngày càng trở nên trầm cảm, đãng trí và mất phương hướng. Tôi thường từ trường về nhà trong khi nồi đang bốc khói cháy khét trên bếp vì ba đã quên mất nó. Tôi phải vội vàng mở cửa cho khói đi bớt, lòng đầy kinh hãi chỉ sợ mẹ về trước khi hết khói và không biết mẹ sẽ làm gì nếu mẹ biết ba đãng trí như vậy.
Một ngày nọ khi tôi về tới nhà thì chỉ thấy có mình mẹ:
-Ba đâu mẹ?
-Nhà mình suýt bị cháy đó con.
-Ba đâu?
-Mẹ gửi ba vô nhà thương rồi.
Tôi chạy trở ra bậc cửa xem ba có ngồi đó không. Dĩ nhiên là không có ba ở đó nữa rồi.
- Ba con bị bệnh nặng quá rồi. Linda à. Mẹ không có cách nào khác. mẹ không thể chăm sóc ba lẫn các con.
Bà cố gắng an ủi tôi như vậy nhưng tôi bỏ chạy, lòng buồn bã vô cùng. ngày hôm sau mẹ tiếp tục đi làm như thường lệ và ba thì nằm ở bệnh viện, khoa tâm thần. Tình trạng sa sút tâm thần mãn tính khiến ông không còn khả năng đương đầu với những áp lực của cuộc sống gia đình. Ông sống một mình, kiếm ăn đây đó. Tôi luôn trách mẹ đã đẩy ba ra khỏi cuộc sống của gia đình chúng tôi. Mẹ bảo khi thấy tôi không vui:
-Con có thể quên đi quá khứ.
Nhưng tôi không thể quên được. Và tôi không tha thứ việc mẹ đã đuổi Ba đi. Không có ngày nào trôi qua mà tôi không nghĩ đến điều đó. Phải chi mẹ luôn cố giúp ba!
Greg đã lái xe về tới nhà tôi, và bây giờ giọng tôi khàn hẳn đi. Anh hỏi tôi:
- Thế mẹ em đã tha thứ cho ba em chưa?
Vậy là tôi lại nói hàng tràng về chuyện mẹ vẫn trách ba.
-Không! Mẹ không thể quên quá khứ. Mẹ vẫn trách ba về những chuyện mà ba không có khả năng làm khác được. Mẹ không thể tha thứ. Mẹ sẽ không tha thứ...
Creg dịu dàng cắt ngang:
-Thế còn em. Em có thể tha thứ không?
-Dĩ nhiên là có! Em đã tha thứ cho ba. Em biết là ba không có khả năng làm khác được. Ba chưa hề cố tình muốn làm tụi em tổn thương. Ba...
Creg lại kiên trì:
-Anh muốn nói là em có thể tha thứ cho mẹ em không?
Trong nhiều giây đồng hồ những gì nghe thấy được chỉ là xe cộ chạy bên ngoài. Tôi ấy ư? Tha thứ cho mẹ ư? Creg lại cắt ngàn dòng suy nghĩ của tôi:
-Em biết đấy Linda. Anh đã từng học được một điều là: trong đời mình có lúc mình phải quyết định lựa chọn, một quyết định thật sự cứng rắn, một sự lựa chọn thật phũ phàng. Đó là chuyện đã từng xảy ra trong đời mẹ em. Tình thế lúc đó đã đến mức tận cùng, không còn thức ăn cho cả nhà, như vậy mẹ phải chăm sóc ai, chồng hay các con? Vì vậy mẹ đã quyết định phũ phàng. Mẹ phải chọn giữa chồng và các con, thế là mẹ quyết định chọn các con. Mẹ đã chọn em.
Tôi quay sang nhìn Creg. Anh đang nói gì vậy? Mẹ đã chọn tôi. Tôi im lặng hồi tưởng những nỗi tủi buồn, nhưng không thể ngờ được, vào lúc này những tủi buồn đó đã phôi pha, và một hồi tưởng khác lại len vào tâm trí tôi.
Một buổi sáng cách đây đã lâu, tôi ngồi trên chiếc ghế có nệm bọc màu xanh lá cũ nát trong nhà chúng tôi, hậm hực nhìn mẹ đang vội vã sửa soạn đi làm. Tôi kết án mẹ:
-Mẹ chẳng bao giờ có ở nhà cả. Mẹ chẳng bao giờ có ở đây cả. Mẹ chẳng bao giờ làm gì cho tụi con như một bà mẹ thực sự làm. Như mẹ của nho Robin đã làm bánh mứt cho nó ăn bữa trưa đó. Mẹ mệt mỏi bảo tôi:
-Linda à, mẹ phải đi làm để con có thể có bữa ăn trưa. Mẹ đã quá mệt khi về tới nhà. Mẹ chẳng còn thì giờ đâu mà nấu nướng gì nữa.
-Mẹ chẳng bao giờ có thì giờ để làm gì cả sao?
Mẹ dịu dàng hỏi:
-Bộ con muốn nhà mình phải đi xin cứu đói sao?
Tôi không hiểu cứu đói là gì nhưng vẫn trả lời bừa:
-Vâng!
Mẹ tái mặt:
-Ôi cưng ơi, con tưởng là vui sướng lắm khi nhận tiền cứu đói à? Bà ngoại và mẹ đã từng phải nhận tiền cứu đói. Nó không đủ để trang trải tiền mua thức ăn, quần áo, khám bệnh khi ôm đau. Mẹ đi làm vì muốn cho con và em con được sống thoải mái hơn. Đương nhiên mẹ không thể cáng đáng hết. Mẹ cũng mệt mỏi lắm.
Tôi bực bội gắt lên:
-Nhưng trong những gia đình thật sự là gia đình, bà mẹ luôn ở nhà cùng con cái.
Bà chớp mắt bối rối nhưng vẫn nhẹ nhàng bảo:
-Trong gia đình này thì mẹ sẽ bị đuổi việc nếu mẹ đi làm trễ.
Rồi mẹ chạy vội đi đón xe buýt.
Tuần sau tôi đã thấy ba chiếc bánh mứt bự trong hộp ăn trưa của tôi. Nhưng tôi chưa hề cảm ơn mẹ ngay cả chưa hề nói là tôi đã thấy cái bánh ấy. Tôi tự hỏi bao nhiêu lần tôi không hề đếm xỉa đến việc mẹ đang cố làm tôi vui? Bây giờ những điều mẹ đã làm cho tôi không ngừng lướt qua tâm trí tôi. Mẹ thức khuya vá áo cho tôi, mẹ dạy tôi cách thắt bím mái tóc đen dài của tôi, mẹ can ngăn mỗi khi hai chị em tôi cãi nhau. Dù cho tôi có đối xử với bà tệ thế nào đi nữa thì bà vẫn luôn sát cánh bên tôi. Tại sao trước đây tôi đã không nhận ra điều này nhỉ.
Ngay lúc này, ngồi trong xe, tôi làm một việc mà tôi đã thấy mẹ làm biết bao lần. Tôi cúi đầu và thầm cầu nguyện. Những lời cầu xin tha tội, nhưng lần này là cho chính tôi. Cầu trời hãy giúp con rũ bỏ lòng cay đắng tủi hờn!
Tôi bảo Creg:
-Creg à, em biết việc này có vẻ là hơi điên điên nhưng em...
-Em muốn anh lái xe đưa em quay lại nhà mẹ phải không?
Creg nói tiếp giùm tôi, môi nở nụ cười rồi quay xe lại.
Sau đó, khi đã ngồi trong căn bếp ấm cúng và quen thuộc nơi nhà mẹ, tôi thầm cảm ơn. Tôi từng ngắm nhìn mẹ lăng xăng trong bếp cả ngàn lần, nhưng những lúc ấy lòng tôi tràn đầy oán hận mẹ nên tôi đã không nhận ra sức mạnh của tình thương yêu mẹ dành cho tôi. Tôi ngập ngừng nói mà không biết mở lời ra sao:
-Mẹ à, mẹ dạy con làm bánh mứt nha mẹ?
Mẹ im lặng một lúc khiến tôi tưởng mẹ không trả lời nhưng thật ra mẹ đang gật đầu rồi mẹ nói thật nhỏ khiến tôi phải chăm chú lắm mới nghe thấy: "Ngần ấy năm mà con vẫn nhớ bánh mứt ấy à?" Vâng con vẫn nhớ những ổ bánh mứt mẹ làm cho con, mẹ ạ!
_Tìm đường đến trái tim_
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top