# 9 - Tìm việc

Cuối tuần, cùng bố mẹ sang thăm nhà chú Sơn cô Thủy thì Tiểu Vy mới biết hóa ra thằng Đại Vỹ đi du học rồi. Bố mẹ nó đầu tư cho thằng con trai đi du học tự túc. Nghe nói nó có bà bác đang định cư ở nước ngoài, không biết chừng học xong cũng chả muốn về cũng nên.

Nó cư nhiên cứ thế mà đi, không thèm nói cho mình một tiếng nào. Tiểu Vy thầm oán trách. Nhưng mà trách cái gì, chính mình gây ra cho nó, nó muốn tránh cũng phải.

Nhưng mà dù sao như thế cũng tốt, hai đứa gặp nhau thì không gây lộn cũng như chó với mèo, suốt ngày căng thẳng. Nó có điều kiện, nó cứ đi.

Cũng đến ngày Tiểu Vy nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học. Bố mẹ và Tiểu Vy cùng vui mừng. Niềm vui mới khiến Tiểu Vy lập tức quẳng chuyện thằng Đại Vỹ ra khỏi đầu.

Bạn bè cùng lớp mỗi đứa một nơi, có nhiều đứa chọn lên Thủ đô để học, cũng có vài đứa thì tiến quân vào Nam. Đều là những thành phố lớn cả, nhiều cơ hội, nhiều thách thức.

Tiểu Vy không đi xa, Tiểu Vy đăng kí vào một trường Đại học trong thành phố P, nơi gia đình Tiểu Vy đang sinh sống.

Trường Đại học nằm ở phía bên kia thành phố, đi khoảng gần hai mươi cây số, nhưng cơ sở hai nơi Tiểu Vy học lại nằm trong trung tâm thành phố, có đạp xe đi học cũng vẫn được.

Điểm của Tiểu Vy không thấp, ước chừng có thể trúng tuyển nhiều trường lớn trên Thủ đô, nhưng Tiểu Vy vẫn chọn học ở gần nhà, vì Tiểu Vy là con một, nếu Tiểu Vy đi xa thì không ai ở nhà chăm bố mẹ.

Tuy rằng bố Ái vẫn còn đi làm, mẹ cũng chưa đến tuổi về hưu, nhưng Tiểu Vy biết sức bố mẹ cũng đã giảm đi nhiều, không còn khỏe mạnh như xưa nữa. Với lại Tiểu Vy quen hơi bố mẹ, nên cũng chẳng muốn học xa nhà.

Bố Ái cũng vậy, có mỗi mụn con gái cưng, lúc nào cũng muốn trong vòng tay quản lý.

* * *

Tiểu Vy chăm chỉ học hành, tuy năm đầu bỡ ngỡ cũng có để trượt một vài môn, nhưng đến những năm sau cũng lấy lại được phong độ, giành được vài cái học bổng, đủ trang trải học phí.

Năm cuối làm đồ án tốt nghiệp thì mẹ Tường bị bệnh, Tiểu Vy cũng hơi xao nhãng việc học hành một tí nên để lỡ mất tấm bằng loại Giỏi.

Tổng kết 7.9 điểm, suýt soát 8.0, nhưng rốt cục cũng giống như các bạn 7.0, trên tấm bằng cũng chỉ ghi một chữ loại "Khá".

Nhưng Tiểu Vy không tiếc, dẫu sao sức khỏe mẹ mới là quan trọng nhất. Mẹ tuy chưa khỏi hẳn bệnh, nhưng cũng đỡ đi nhiều. Bố Ái và Tiểu Vy cùng khuyên mẹ nghỉ hưu sớm, đừng tham công tiếc việc nữa. Trải qua sự đấu tranh tư tưởng và chiến dịch thuyết phục trường kì của cả hai bố con, cuối cùng mẹ Tường cũng chịu nghỉ hưu sớm về ở nhà. Nhưng tính mẹ Tường hay lam hay làm, ngồi yên đối với mẹ là một cực hình, dù ở nhà cũng nhất quyết không chịu nghỉ ngơi, nên bố Ái và Tiểu Vy cũng đành chịu, không thể khuyên ngăn được nữa, để mẹ muốn làm gì thì làm, miễn sao mẹ vui vẻ là được.

Tiểu Vy thì lại đau đầu về chuyện khác.

Giữa thời kì kinh tế khó khăn, một năm có biết bao sinh viên mới ra trường không xin được việc làm, lâm vào cảnh thất nghiệp.

Nghe nói trên thủ đô có cô sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi mà vẫn phải về nhà mở quán bán nước trà tàu.

Huống hồ là loại "Khá" như Tiểu Vy, cứ gọi là nhan nhản ra ấy.

Rong ruổi suốt gần một năm tìm việc, Tiểu Vy nhận ra một thực trạng phũ phàng: "thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư trí tuệ".

Không biết các ngành khác khi ra trường thì như thế nào, chứ ngành Kinh tế thì chính Tiểu Vy là người kiểm chứng.

Với số lượng đơn xin việc rải khắp nơi như rắc thức ăn cho cá, cả hồ sơ giấy lẫn hồ sơ điện tử, mà số lượng phản hồi ít ỏi đến thảm thương.

Cũng may mắn được vài công ty gọi đi làm bài kiểm tra cũng như phỏng vấn các kiểu. Nơi thì hỏi em được ai giới thiệu vào đây? Nơi thì yêu cầu nộp mấy chục đến cả trăm triệu. Bố mẹ không có nhiều tiền, khoản tiền tiết kiệm trước kia đã tiêu hết cho đợt chữa trị của mẹ rồi. Mà kể bố mẹ có tiền thì Tiểu Vy cũng không muốn nộp nhiều tiền như thế. Thiết nghĩ nếu Tiểu Vy nộp số tiền đó vào và với lương tháng ít ỏi nhận được thì bao nhiêu lâu mới trả lại được vốn cho bố mẹ? Nơi thì yêu cầu giữ bằng đại học chính quy, Tiểu Vy sợ nên cũng xin rút hồ sơ lại. Sau đó có bà chị họ cầm hồ sơ nộp lên công ty bà chị ấy giùm, người ta cũng phỏng vấn một hồi lâu rồi kết luận một câu: "Công ty không tuyển người nhà của nhân viên".

Nhiều khi cũng cảm thấy số Tiểu Vy nó nhọ nhọ làm sao ấy, nơi thì đòi người quen giới thiệu, nơi thì không chấp nhận người nhà. Mà hỏi lý do tại sao thì hóa ra cái công ty không chấp nhận người nhà kia đã từng bị một nhóm nhân viên có họ hàng của nhau câu kết biển thủ tiền của công ty, nên giám đốc sợ, cứ từ nay về sau tránh người quen nhau móc nối cho nó chắc.

Chán nản, Tiểu Vy nộp hồ sơ sang những ngành ngoài Kinh tế, thời buổi nay đi làm trái với ngành học là chuyện bình thường, không còn gì xa lạ nữa.

Cũng may mắn trúng tuyển làm nhân viên trực tổng đài cho một trung tâm di động viễn thông lớn, nhưng yêu cầu vẫn phải nộp tiền thế chân trước hai triệu, sau khi học nghiệp vụ ba tháng, một tháng thử việc, sau đó kí hợp đồng làm chính thức một năm sẽ được hoàn tiền. Ngẫm thấy có khả năng xoay sở được, Tiểu Vy đồng ý.

Sau ba tháng học nghiệp vụ, trải qua một số bài thi với kết quả cao, Tiểu Vy trở thành nhân viên thử việc. Công việc trực tổng đài điện thoại yêu cầu kiến thức nghiệp vụ khá nhiều, giọng nói hay, xử lý tình huống tốt, Tiểu Vy cũng rất cố gắng. Song điều lo lắng nhất của bố mẹ Tiểu Vy lại nằm ở việc chia ca.

Tổng đài trực 24/24 giờ, nên nhân viên chia ba ca: sáng, chiều, tối. Sau một tuần được chia ca sáng và chiều, đến ca trực tối đầu tiên, kết thúc ca trực và ra về khi trời đen sầm sì, con đường vô cùng vắng vẻ. Mẹ Tiểu Vy lo lắng nên kêu bố Tiểu Vy đến tận nơi đón, không cho con gái tự đi xe về nhà. Sau khi về nhà thì bố mẹ quyết định bắt Tiểu Vy nghỉ việc vì lí do không an toàn.

Thế là công việc đầu tiên của Tiểu Vy kết thúc sau ba tháng không lương và chỉ nhận được tiền công của một tuần vỏn vẹn.

Đã gần một năm sau khi tốt nghiệp Đại học, Tiểu Vy vẫn lông bông lang bang ngày ngày lang thang các diễn đàn kiếm việc cũng như hội chợ việc làm. Tiểu Vy đang học thêm một bằng đại học tại chức chuyên ngành ngoại ngữ vào cuối tuần, chỉ sang tháng sau là kết thúc, Tiểu Vy sẽ có thêm một tấm bằng nữa. Hy vọng với hai tấm bằng thì tình hình xin việc sẽ khả quan hơn. Mẹ cũng an ủi, bố cũng động viên, Tiểu Vy lại cố gắng.

Rất may có bố mẹ làm những người bạn đồng hành tuyệt vời khiến Tiểu Vy không bị chịu áp lực, luôn có niềm tin để vượt qua những khó khăn.

* * *

Sau khi nhận được tấm bằng thứ hai, rốt cục Tiểu Vy cũng nộp đơn xin vào công ty Quang Hải, nơi bố Ái đang làm.

Ngay từ đầu bố Ái đã muốn Tiểu Vy nộp hồ sơ vào công ty này nhưng Tiểu Vy không chịu.

Có lẽ bị ảnh hưởng bởi những lời của thằng Đại Vỹ lúc nhỏ mà Tiểu Vy có suy nghĩ như vậy. Nó ngày xưa lúc nào cũng sang sảng một câu: "Sau này tao không bao giờ về công ty của bố tao làm, tao không muốn trở thành thằng bán mắm!".

Bố Ái nói bán mắm chẳng có gì xấu cả, mà thú thực Tiểu Vy cũng chưa bao giờ xấu hổ vì bố làm trong một công ty sản xuất mắm cả.

Lời thằng Đại Vỹ là một phần, suy nghĩ muốn bay nhảy thử sức mình là một phần khác. Có điều ước mơ bay nhảy của Tiểu Vy bị gãy cánh khi trải qua một năm thất bại phũ phàng khiến cho cô nàng cũng cảm thấy chùn chân.

Ngẫm đi ngẫm lại, có lẽ thằng Đại Vỹ đã nói như vậy, chắc nó sẽ không bao giờ trở về tiếp quản công ty của bố nó đâu nhỉ. Nghe nói bên nước ngoài, nó cũng ra trường và đi làm cho một công ty nào ở bên đó rồi.

Tiểu Vy cũng chẳng giải thích được cảm xúc của mình là muốn gặp lại nó hay không muốn gặp lại nó nữa. Nhưng ít ra hiện tại, Tiểu Vy không muốn nó nhìn thấy bản thân mình trong bộ dạng thảm hại như thế này. Tiểu Vy chưa từng vì thất nghiệp mà lảng tránh bạn bè hay bất cứ ai, nhưng nếu là Đại Vỹ thì Tiểu Vy muốn tránh.

* * *

Bố Ái đem hồ sơ của Tiểu Vy lên công ty nộp cho phòng nhân sự, chỉ vài ngày sau đó Tiểu Vy đã được sắp xếp phỏng vấn.

Giám đốc là một chú trạc tuổi bố Tiểu Vy, khuôn mặt hiền hậu tạo cho Tiểu Vy cảm giác rất thân thiện. Chú xem qua hồ sơ của Tiểu Vy, cũng không hỏi về nghiệp vụ nhiều, chỉ nói Tiểu Vy hãy chăm chỉ cố gắng, cứ lắng nghe hướng dẫn của đàn anh đàn chị đi trước rồi sẽ bắt nhịp quen với công việc ngay thôi.

Sau đó Tiểu Vy được kí hợp đồng chính thức luôn, mai sẽ đến nhận việc tại phòng Kế toán.

Không ngờ mọi thứ lại diễn ra nhanh và suôn sẻ đến thế, có phải nhờ bố không?

Ngày hôm sau, Tiểu Vy trong trạng thái hồi hộp xen lẫn phấn khởi chuẩn bị cho buổi đi làm đầu tiên. Đứng trước gương chải đầu, bới tóc lên cao cho gọn gàng, trang điểm nhẹ nhàng cho gương mặt tươi tắn. Trên mình mặc một chiếc áo sơ mi trắng có viền bèo nhỏ quanh cổ, chân váy chữ A màu xanh lam nhạt dài chấm gối. Tiểu Vy xoay xoay người nhìn ngắm mình phản chiếu trong gương. Cô thiếu nữ ngày nào đã trưởng thành rồi.

Khác với giai đoạn làm nhân viên trực tổng đài, không phải tiếp xúc với khách hàng nên đa phần nhân viên được mặc áo thun một cách thoải mái. Hơn nữa lúc đó Tiểu Vy còn chưa phải nhân viên chính thức nên còn chưa được phát áo đồng phục của công ty cơ.

Công ty lần này tuy không có đồng phục, nhưng mọi người đều ăn mặc trang phục công sở nhã nhặn, nên Tiểu Vy cũng đầu tư cho mình vài bộ.

Một khởi đầu mới, hy vọng mọi thứ sẽ tốt lành.

Phải nói là những ngày tháng đầu tiên đi làm đối với Tiểu Vy thật là dễ chịu.

Tiểu Vy được phân vào phòng Kế toán, phù hợp với chuyên ngành của mình. Ngoài thời gian đọc hồ sơ và nhập số liệu theo hướng dẫn của trưởng phòng, Tiểu Vy còn làm một vài việc lặt vặt khác như in ấn hồ sơ, trình tài liệu cho giám đốc, hay pha trà nước.

Tiểu Vy không ngại khó, cũng chịu lắng nghe và ghi chép cẩn thận. Thái độ đồng nghiệp dễ chịu, ấm áp như một gia đình. Công việc không quá nhiều, nhưng cũng không quá ít, gặp chỗ khúc mắc cũng được mọi người giải đáp tận tình. Có va chạm thực tế mới thấy khác so với kiến thức học trong nhà trường. Tiểu Vy sẽ cố gắng trau dồi thêm để không làm mất mặt của bố trong công ty. Cô nhân viên mới Tiểu Vy tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, tự nhủ với chính mình như thế.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top