Chương 1
Buổi sớm thức giấc, tôi lại khóc. Lần nào cũng vậy. Thậm chí còn chẳng rõ là có phải do đau buồn hay không. Hòa chung với dòng nước mắt, cảm xúc đã dần trôi đi đâu mất. Tôi đang ngơ ngẩn nằm trong chăn thì mẹ vào phòng gọi, “Dậy đi con!”
Dù tuyết đã ngừng rơi nhưng mặt đường vẫn đóng băng trắng xóa. Phải đến phân nửa đám xe cộ trên đường đã lắp thêm xích chống trượt. Cha tôi lái xe còn cha Aki ngồi bên cạnh. Tôi và mẹ Aki xuống băng ghế sau ngồi. Chiếc xe bắt đầu chuyển bánh. Trên hàng ghế trước, hai ông cha không ngừng phàn nàn về trời tuyết. Nào là liệu có kịp đến sân bay không, rồi là liệu máy bay có cất cánh đúng giờ không. Còn tôi và mẹ Aki ngồi sau thì chẳng nói tiếng nào. Qua cửa sổ xe, tôi thẫn thờ ngắm cảnh vật bên ngoài chạy vụt qua. Những cánh đồng rộng lớn hai bên đường đều bị tuyết phủ trắng ngút ngàn. Vài tia nắng le lói chiếu xuyên qua tầng mây, phủ một quầng sáng xuống đỉnh núi xa xăm. Mẹ Aki ôm chiếc bình đựng tro cốt con gái trên đùi.
Khi xe lên tới đỉnh đèo, tuyết trở nên dày hơn. Cha tôi tắt máy rồi cùng cha Aki ra khỏi xe để lắp xích chống trượt vào bốn bánh. Trong lúc chờ hai người họ, tôi ra ngoài đi bộ loanh quanh. Có một rừng cây tạp nằm đối diện nơi chúng tôi dừng xe. Lớp tuyết chưa bị ai giẫm đạp phủ kín đám cỏ dại bên dưới, tuyết động trên các ngọn cây chốc chốc lại lả tả rơi xuống gây nên những tiếng động khô khốc. Quay lưng lại, tôi nhìn thấy đại dương giữa mùa đông lạnh giá nằm xa xa phía dưới hàng lan can bên đường. Mặt biển xanh thẫm, lặng sóng và rất đỗi dịu dàng. Mọi thứ tôi trông thấy dường như đều bị nhấn chìm trong những hồi ức xa xăm. Tôi cố dằn cảm xúc trong lòng rồi quay lưng về phía biển.
Trong rừng, tuyết phủ rất dày. Bước đi khá khó khăn vì thi thoảng lại vấp phải cành cây gãy hay gốc cây. Đột nhiên, đâu đó trong rừng, một chú chim kêu ré lên rồi vụt bay mất. Tôi dừng bước, lắng nghe những âm thanh quanh mình. Mọi thứ quá sức yên ắng. Tĩnh lặng đến mức tưởng chừng thế giới này không còn ai khác tồn tại nữa. Nhắm mắt lại, tiếng xích chống trượt quấn quanh bánh ô tô miết trên mặt đường quốc lộ gần đó nghe như tiếng chuông kêu. Đây là chốn nào? Mình là ai? Tôi dần trở nên mơ hồ. Đúng lúc ấy, tôi nghe tiếng cha gọi từ chỗ đỗ xe.
Sau khi vượt qua đỉnh đèo, đường thông thoáng và rất dễ đi. Xe tới sân bay vừa đúng lúc, chúng tôi làm thủ tục trên máy bay và hướng về phía cửa vào.
“Cám ơn anh chị rất nhiều,” cha tôi nói với cha mẹ Aki.
“Có gì đâu,” cha Aki mỉm cười đáp lại. “Có Sakutaro đi cùng, tôi nghĩ hẳn Aki sẽ vui lắm.”
Tôi hướng mắt về phía cái bình nhỏ trong lòng mẹ Aki. Cái bình sứ được bọc trong chiếc túi thêu kim tuyến đẹp đẽ ấy, có thật là Aki đang ở trong đó không?
Ngay khi máy bay cất cánh, tôi liền chìm vào giấc ngủ. Một giấc mơ ập đến. Tôi mơ thấy Aki khi em còn khỏe mạnh. Trong mơ, Aki cười rất tươi. Vẫn cái nụ cười pha chút bẽn lẽn của riêng em. “Saku-chan ơi,” tôi nghe tiếng em gọi mình. m thanh ấy vẫn còn vang vọng mãi trong lòng tôi. Giá như mơ là thực, còn cái thực tại này chỉ là cơn ác mộng mà thôi… Tuy nhiên, đó là điều không tưởng. Vậy nên tôi không khỏi rơi nước mắt mỗi khi choàng thức giấc. Không phải bởi buồn đau. Mà bởi khi chào từ biệt giấc mơ hạnh phúc để trở về với hiện thực phũ phàng, ở giữa là một vực thẳm khôn cùng, nếu không trào nước mắt thì chẳng có cách nào vượt qua được. Dẫu đến bao nhiêu lần cũng vậy mà thôi.
Chúng tôi đã xuất phát từ nơi bốn bề tuyết phủ trắng xóa, giờ chuẩn bị hạ cánh xướng một thành phố đang oằn mình dưới nắng hè rực rỡ. Cairns. Một thành phố tươi đẹp nằm bên bờ Thái Bình Dương. Những hàng cọ tán lá sum sê được trồng ven đường đi bộ. Xung quanh khách sạn cao cấp quay mặt ra bờ vịnh, các loài thực vật nhiệt đới xanh ngắt um tùm xòe tán, trên bến tàu, vô số tàu thuyền du lịch lớn nhỏ đang neo đậu. Chiếc taxi chở chúng tôi chạy dọc theo bờ biển. Đâu đâu cũng đông nghịt du khách đang đi dạo thưởng thức ánh nắng chiều.
“Giống như Hawaii ấy nhỉ!” mẹ Aki thốt lên.
Còn với tôi, dường như đây là một thành phố đáng nguyền rủa. Tất cả vẫn hệ như bốn tháng trước. Có khác chăng chỉ là sau khoảng thời gian ấy, ở Úc, thời tiết đã chuyển từ đầu xuân sang giữa hạ. Tất cả chỉ có thế. Chỉ có thế mà thôi…
Chúng tôi quyết định nghỉ đêm tại khách sạn rồi đáp chuyến bay sáng hôm sau. Dường như không hề có cảm giác bị lệch múi giờ, thời gian vẫn trôi như khi chúng tôi rời Nhật Bản. Sau bữa tối, tôi nằm vật vờ trên giường trong phòng khách sạn, thẫn thờ nhìn lên trần nhà. Và tôi lại tự nhắc bản thân: Aki không còn nữa.
Bốn tháng trước, tôi cũng đến đây mà không có Aki bên cạnh. Cả lớp buộc phải để Aki ở lại Nhật trong chuyến tham quan cuối cấp tới thành phố này. Chúng tôi cất cánh từ thành phố Nhật Bản gần Úc nhất bay tới thành phố Úc gần Nhật Bản nhất. Máy bay không cần tiếp nhiên liệu, nên chúng tôi bay một mạch không phải dừng lại ở sân bay trung chuyển nào. Nhờ một lý do kỳ diệu, thành phố này đã xuất hiện trong đời tôi. Tôi đã từng nghĩ nơi này mới đẹp làm sao. Nhìn thứ gì tôi cũng cảm thấy hết sức độc đáo và mới mẻ. Đó là vì những thứ đó, tôi đã cùng ngắm với Aki, thay cho Aki. Còn giờ đây dẫu có nhìn gì tôi cũng không còn cảm xúc. Rốt cuộc, tôi nên ngắm nhìn cái gì ở nơi đây nữa chứ?
Phải rồi, đó là bởi vì Aki không còn nữa. Đó là bởi tôi đã vĩnh viễn mất em. Tôi chẳng còn gì để ngắm nhìn nữa. Úc hay Alaska, Địa Trung Hải hay Nam Cực, đến bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng đều vậy cả thôi. Quang cảnh hùng vĩ tới đâu cũng chẳng thể làm trái tim tôi rung động, cảnh sắc tươi đẹp thế nào cũng chẳng thể khiến tôi vui lên. Bởi người đã truyền cho tôi khát vọng sống, truyền cho tôi động lực để cảm nhận, để ngắm nhìn và thấu hiểu… đâu còn nữa. Em mãi mãi không còn bên tôi.
Chỉ bốn tháng thôi, chuyện xảy ra chỉ trong khoảng thời gian chuyển mùa ngắn ngủi. Một cô gái đã biến mất khỏi thế gian này, nhanh đến độ sửng sốt. So với sáu tỷ người trên trái đất, hiển nhiên việc đó chẳng thấm vào đâu. Thế nhưng, tôi không ở cùng một chỗ với sáu tỷ người ấy. Tôi không ở đó. Nơi tôi đang ở là miền đất mà cái chết của chỉ một người cũng đủ cuốn trôi mọi cảm xúc. Đó mới là nơi chốn của tôi. Không nhìn, không nghe, không cảm nhận được bất cứ điều gì. Thế nhưng có đúng là tôi đang ở đó hay không? Nếu không thì tôi đang ở nơi đâu?
Lần đầu tiên tôi và Aki được xếp học chung lớp là năm lớp Tám. Trước đó tôi thậm chí còn chưa từng biết mặt hay nghe tên em. Nhưng thật ngẫu nhiên làm sao, trong khối có đến chín lớp mà chúng tôi vẫn được xếp chung một lớp, lại cùng được phân công làm cán sự nam và cán sự nữ đại diện cho lớp.
Nhiệm vụ đầu tiên của hai đứa khi nhận chức vụ là đến thăm cậu bạn cùng lớp tên là Oki phải nhập viện vì bị gãy chân ngay hôm nhập học. Trên đường tới bệnh viện, chúng tôi dùng tiền do thầy cô giáo và các bạn trong lớp đóng góp để mua hoa tươi và bánh ngọt cho Oki.
Khi chúng tôi đến, Oki đang nằm ngửa trên giường với cái chân bị bó bột to tổ chảng. Vốn không quen biết gì cậu bạn phải nhập viện ngay hôm khai giảng này nên tôi chi im lặng. Nói chuyện thăm hỏi người bệnh chỉ có mình Aki vì em học cùng lớp với Oki từ năm ngoái, trong lúc đó tôi lặng lẽ ngắm cảnh đường phố qua cửa sổ phòng bệnh ở tầng bốn. Dọc theo đường xe buýt chạy có đủ các tiệm hoa, tiệm bánh kẹo, tiệm hoa quả và vài cửa hàng khác, tạo thành một dãy phố mua sắm nho nhỏ. Núi Shiroyama đứng sừng sững phía xa sau dãy phố. Tòa thành màu trắng trên núi khi ẩn khi hiện giữa những tán lá non xanh.
“Này, Matsumoto. Tên cậu là Sakutaro đúng không nhỉ?” Đang nói chuyện với Aki, Oki đột nhiên quay sang hỏi tôi.
“Đúng thế.” Tôi quay lại từ phía cửa sổ.
“Ngộ thật đấy,” cậu ta nói.
“Ý cậu là sao?”
“Thì đó, chắc cậu được đặt tên theo tên nhà thơ Hagiwara Sakutaro chứ gì?”
Tôi im lặng không trả lời.
“Biết tên của tớ là gì rồi chứ?”
“Biết. Ryunosuke chứ gì.”
“Ừ, bắt chước tên của Akutagawa Ryunosuke đấy.”
Cuối cùng tôi cũng bắt đầu hiểu Oki muốn nói gì.
“Mấy ông bà già chả tôn kính các văn sĩ gì cả khi lấy tên họ đặt cho tên con mình,” Oki hài lòng gật đầu nói.
“Tên tớ là do ông nội đặt,” tôi đáp.
“Ông nội đặt tên cho cậu à?”
“Ừ.”
“Phiền quá nhỉ.”
“Mà cái tên Ryunosuke cũng còn hay chán đấy.”
“Sao lại nói thế?”
“Giả dụ mẹ cậu gọi cậu là Kinnosuke thì sao?”
“Thế thì làm sao?”
“Đó là tên thật của Natsume Soseki[1] đấy.”
“Hả? Tớ không biết đấy!”
“Nếu cha mẹ cậu mà thích cuốn ‘Nỗi lòng’ của ông ấy, thì giờ tên cậu hẳn là Oki Kinnosuke rồi.”
“Không phải vậy chứ!” Oki cười hắt ra. “Trời ơi, chẳng ai lại đặt tên con mình là Kinnosuke cả.”
“Thì chỉ là giả dụ thôi,” tôi nói lại. “Cứ giả như cậu tên là Oki Kinnosuke đi, chắc chắn cả trường sẽ lấy cái tên đó ra bêu riếu cho mà xem.”[2]
Sắc mặt Oki hơi tối đi. Nhưng tôi vẫn không buông tha.
“Rồi vì oán giận cha mẹ đã đặt cho mình cái tên quê kệch như thế, cậu sẽ bỏ nhà ra đi, sau đó trở thành đô vật.”
“Sao lại là đô vật?”
“Với cái tên Kinnosuke ấy thì cậu nghĩ mình có thể làm được nghề gì nữa chứ?”
“Ừ nhỉ.”
Aki đem bó hoa chúng tôi mang tới cắm vào lọ. Tôi và Oki thì mở gói bánh ra vừa ăn vừa tiếp tục buôn chuyện của hai thằng về các ông cha bà mẹ mê văn học. Khi chúng tôi ra về, Oki nói, “Các cậu quay lại đây thăm tớ nhé. Cả ngày nằm mãi một chỗ ở đây chán lắm.”
“Mọi người trong lớp sẽ lần lượt đến thăm và chỉ bài cho cậu mà.”
“Ấy, trừ cái khoản học hành ra thì tốt hơn.”
“Sasaki nói cũng sẽ qua giúp cậu học bài đấy.”
Aki nhắc đến cô bạn dễ thương nhất lớp.
“Oki sướng nhé!” Tôi cười cười trêu chọc.
“Vớ vẩn,” Oki nói một câu ngớ ngẩn, tự cười một mình.
***
Trên đường về, tôi chợt nảy ra ý rủ Aki leo núi Shiroyama. Vì lúc đó tới trường tham gia hoạt động ở câu lạc bộ cũng đã muộn, nhưng nếu về nhà ngay thì còn lâu mới tới bữa tối. “Được thôi,” Aki vui vẻ đồng ý ngay. Có hai đường lên núi, một ở phía Bắc, một ở phía Nam. Chúng tôi lên theo con đường phía Nam. Nếu gọi đường phía Bắc là cổng chính, thì con đường phía Nam vừa hẹp vừa dốc lại ít người qua lại này tương đương với cổng sau. Lên tới lưng chừng có một công viên, đó là nơi hai con đường lên núi giao nhau. Hai đứa cứ lững thững đi lên núi, hầu như chẳng nói chuyện gì.
“Matsumoto mê nhạc rock lắm phải không?” Aki bỗng nhiên hỏi tôi.
“Ừm.” Tôi liếc sang phía Aki, “Sao cậu biết?”
“Hồi năm ngoái, mình thấy bạn hay trao đổi CD với các bạn khác.”
“Thế Hirose có nghe rock không?”
“Mình chịu thôi. Cái thứ đó nghe nhức đầu lắm.”
“Nhạc rock ấy hả?”
“Ừ, cứ nghe rock là có cảm giác não mình nổ bung lên như món cà ri đậu trong bữa trưa ấy.”
“Vậy à.”
“Matsumoto tham gia câu lạc bộ kiếm đạo phải không?”
“Ừ.”
“Thế hôm nay không đến tập liệu có sao không?”
“À, mình đã xin thầy hướng dẫn cho nghỉ rồi.”
Aki suy nghĩ một lúc rồi nói, “Nhưng mà lạ thật đấy, một người tập kiếm đạo ở trường, rồi về nhà lại nghe nhạc rock. Mình cứ thấy không hợp thế nào ấy.”
“Khi đấu kiếm, lúc đánh trúng mặt đối phương thấy đã vô cùng, nghe nhạc rock cũng khoái y như thế.”
“Thế bình thường bạn không cảm thấy sảng khoái sao?”
“Vậy chứ Hirose luôn thấy sảng khoái à?”
“Cái ‘cảm giác sảng khoái’ mà bạn nói đó, mình không hiểu nghĩa là sao nữa.”
Thực ra chính tôi cũng chẳng hiểu đó là gì.
Khi ấy vì còn là học sinh trung học nên hai chung tôi vẫn giữ một khoảng cách vừa phải với nhau. Dù vậy, mùi hương ngọt ngào của dầu gội hay dầu xả từ tóc Aki vẫn thoang thoảng bay tới chỗ tôi. So với mùi hôi của mặt nạ bảo vệ khi tập kiếm thì đúng là một trời một vực. Nếu cả năm được sống với mùi hương dễ chịu như vậy thì có lẽ chẳng còn tâm trạng đâu mà nghe nhạc rock hay vung kiếm tre đập người khác nữa.
Ở góc những bậc thang đá mòn vẹt dưới chân chúng tôi, từng đám rêu xanh lốm đốm phủ trên mặt đá. Tầng đất đỏ phủ trên lớp đá vụn bên dưới có vẻ như quanh năm đều ẩm ướt. Đột nhiên Aki dừng chân nói,
“Hoa tú cầu kìa!”
Đưa mắt nhìn sang phía đó, liền thấy một bụi tú cầu sum sê bám rễ tại khe giữa vách núi bên phải và con đường. Lùm cây trổ ra vô số nụ hoa mới chớm nở to cỡ đồng xu mười yên.
“Mình thích hoa tú cầu lắm đấy,” Aki mơ màng nói. “Khi nào hoa nở, tụi mình lại cùng tới đây ngắm nhé!”
“Ừ, nhưng mà…” tôi hơi thúc giục, “giờ ta cứ leo tới đỉnh đã.”
***
Nhà tôi nằm trong khuôn viên thư viện thành phố. Đó là ngôi nhà hai tầng kiểu u màu trắng được xây dựng từ thời Taisho[3] ở ngay cạnh khu nhà chính của thư viện. Ngôi nhà này đã được công nhận là di sản văn hóa của thành phố nên mọi người sống ở đây đều không được quyền tự tiện tu sửa nó. Được công nhận là di sản văn hóa nghe có vẻ vinh hạnh, nhưng người sống trong đó thì chẳng thấy vinh hạnh chút nào. Ông nội tôi cũng phàn nàn rằng ngôi nhà này quá bất tiện cho người già nên đã tự chuyển đến sống một mình ở một tòa chung cư nhàng nhàng. Một ngôi nhà mà người già đã không chịu nổi thì cũng chẳng dễ sống với ai. Cái kiểu lập dị này theo tôi, dường như là căn bệnh cố hữu của cha tôi, mẹ cũng bị lây cái thói ấy của cha làm cho khốn đốn. Còn thằng con là tôi đây thì thấy hết sức phiền hà.
Tôi không rõ vì duyên cớ gì mà nhà mình lại chuyển tới sống ở đây. Ngoài sự lập dị của cha tôi, chắc hẳn cũng liên quan đến chuyện mẹ tôi làm việc ở thư viện nữa. Hoặc có lẽ là do ông nội đã chạy chọt từ hồi còn làm nghị viên cũng nên. Dù sao chăng nữa, tôi không hề muốn biết những chuyện nghe phát bực mình về quá khứ của ngôi nhà này nên chẳng bao giờ hỏi han tìm hiểu. Khoảng cách gần nhất giữa nhà tôi và thư viện chỉ chừng ba mét. Gần đến mức có khi từ phòng mình trên tầng hai, tôi có thể đọc được cuốn sách của người đang ngồi bên chiếc bàn đặt cạnh cửa sổ thư viện. Thực ra thì cũng không đến mức đó đâu.
Đừng thấy tôi như vậy mà tưởng lầm, trông vậy chứ tôi cũng biết đỡ đần cha mẹ lắm. Từ hồi lên cấp hai, mỗi khi không phải đến trường hay tham gia hoạt động câu lạc bộ là tôi lại giúp mẹ vài việc ở thư viện. Chẳng hạn, những khi người đọc tới đông hơn thường lệ như chiều thứ Bảy hay các ngày nghỉ, tôi thường ngồi ở bàn đăng ký, nhập mã sách vào máy tính, hay đem đống sách người ta trả lại bỏ vào xe đẩy rồi xếp lại về đúng các giá, chăm chỉ chẳng kém gì Giovanni[4] trong Đường lên Ngân Hà. Đương nhiên, đây chẳng phải lao động công ích nên tôi vẫn nhận tiền lương đầy đủ. Hầu hết số tiền đó tôi đều dành để mua đĩa nhạc.
Sau bận đó, vì cùng là cán sự lớp, tôi và Aki tiếp tục mối quan hệ bạn bè ở mức vừa phải. Dẫu rất hay gặp nhau, nhưng cả hai đứa đều chưa từng coi nhau là người khác giới. Cũng có thể vì quá gần gũi nên tôi không nhận ra được sự hấp dẫn nơi em. Aki trông khá xinh xắn, tính tình dễ thương, học hành lại giỏi nên đám con trai cùng lớp cũng có khá nhiều đứa hâm mộ. Thế là chẳng biết từ khi nào, tôi chuốc phải vô số những ánh mắt ghen tị và bất mãn. Ví như khi đá bóng hay chơi bóng rổ trong giờ thể dục, y như rằng tôi sẽ bị ai đó tông phải hay bị cố ý đá vào chân. Không đến mức dùng bạo lực quá lộ liễu, nhưng cũng đủ cho tôi nhận ra ác ý của đối phương. Ban đầu tôi không rõ nguyên cớ làm sao, chỉ tưởng chắc có đứa nào không ưa mình. Mà cứ nghĩ đến chuyện bị ai đó ghét là tôi lại thấy trong lòng bứt rứt.
Thắc mắc bao lâu không tìm được lời giải đáp không ngờ lại hoàn toàn sáng tỏ nhờ một chuyện hết sức vớ vẩn. Trong ngày hội Văn hóa toàn trường diễn ra vào học kỳ hai, mỗi lớp khối Tám đều bắt buộc phải diễn một vở kịch. Theo kết quả bỏ phiếu trong buổi họp lớp, phe con gái giành phần hơn, thế là lớp tôi quyết định diễn vở Romeo và Juliet. Aki được bọn con gái nhất trí cử vào vai Juliet, còn Romeo thì lại chẳng thằng con trai nào muốn đóng, vậy là theo luật bất thành văn, nam cán sự lớp là tôi đành nhận lấy trách nhiệm.
Dưới sự chỉ đạo của phe con gái, các buổi tập kịch diễn ra suôn sẻ trong bầu không khí khá thân thiện. Có một đoạn Juliet thổ lộ bên ban công, “Ôi Romeo, hỡi Romeo. Sao họ của chàng lại là Montague cơ chứ. Hãy quay lưng lại với cha chàng, hãy từ bỏ cái tên đó đi. Nếu không, xin chàng hãy cất lời thề yêu thương…” Bình thường Aki vốn đã nghiêm túc, khi diễn lại vào vai hết mình, thành ra trông khá buồn cười, đã thế lại còn thêm cảnh cô hiệu trưởng trong vai bảo mẫu bước ra, nói đúng y như trong kịch bản, “Không sai chút nào, tôi xin thề bằng danh dự còn trinh nguyên.” Đến đấy thì tất cả đều phá lên cười. Có cả cảnh hai người chờ trời sáng trong phòng ngủ của Juliet, trước khi Romeo thì thầm, “Trời ngoài kia càng sáng tỏ, nỗi lòng hai ta càng tối tăm.” - tới đó thì chúng tôi phải hôn nhau. Juliet không đành lòng rời người yêu, còn Romeo cũng muốn ở lại, hai người nhìn nhau say đắm, vươn qua thành ban công trao nhau một nụ hôn.
“Mày không được ve vãn Hirose như thế!” một thằng nói.
“Tưởng học kha khá một chút là ngon lắm đấy hả,” thằng khác chen vào.
“Nói cái gì đấy?” tôi thắc mắc.
“Câm ngay!” Một thằng bỗng dưng thụi thẳng vào bụng tôi.
Thực ra đó chỉ là cú đấm kiểu ra oai, còn tôi cũng đã kịp gồng cơ lên theo phản xạ nên cũng chẳng đau mấy. Có vẻ đã xả được cơn tức, hai đứa kia quay lưng hậm hực bỏ đi. Tôi ấy à, bảo là bị lăng nhục, chi bằng nói tôi cảm thấy nhẹ cả người thì đúng hơn - ấy là cảm giác nhẹ người sau cả một thời gian dài canh cánh không yên. Cũng như khi ta cho một lượng vừa phải acid vào chất chỉ thị phenolphthalein đang xanh lè vì phản ứng với kiềm thì sẽ xảy ra phản ứng trung hòa và dung dịch sẽ chuyển thành trong suốt. Chuyện xảy ra với tôi cũng vậy, mọi thứ xung quanh bỗng sáng tỏ hơn bao giờ hết. Tôi thầm hồi tưởng lại đáp án bất ngờ mình vừa phát hiện. Ra là mấy thằng đó ghen tị với tôi! Bởi lúc nào cũng ở bên Aki, nên tôi đã trở thành cái gai trong mắt chúng nó.
Lúc bấy giờ, mọi người cứ bàn ra tán vào rằng Aki đang có bạn trai học cấp ba. Tin đồn ấy chưa từng được xác thực, và tôi cũng chưa từng nghe Aki chính miệng nói ra. Chẳng qua chỉ nghe phong thanh đám con gái trong lớp bàn tán này nọ. Nào là hình như anh ta chơi bóng chuyền, rồi còn rất cao to đẹp trai nữa. Vớ vẩn, tôi nghĩ, đàn ông con trai thì phải tập kiếm đạo, kiếm đạo cơ!
Hồi đó Aki đã có thói quen vừa học vừa nghe đài. Tôi còn biết em thích chương trình nào nữa. Vì đã nghe vài lần, nên đại để cũng nắm được nội dung. Nói chung là cái đám con trai con gái có chỉ số IQ không cao lắm sẽ gửi bưu thiếp ghi những lời nhắn nhủ cho nhau đến đài, rồi sướng đến nhảy cẫng lên nếu được phát thanh viên đọc nội dung bưu thiếp đó. Tôi đặt bút viết tấm bưu thiếp đầu tiên trong đời yêu cầu gửi bài hát tặng Aki. Chính tôi cũng không hiểu tại sao mình làm vậy. Có lẽ tại tôi muốn móc máy chuyện Aki qua lại với gã học cấp ba kia. Chắc cũng có ít nhiều tâm lý muốn trả đũa những rắc rối Aki mang lại nữa. Nhưng trên hết, có lẽ đó là dấu hiệu của tình yêu mà lúc ấy tôi vẫn còn chưa ý thức được.
Đó là đêm Giáng sinh, chương trình có thêm một chuyên mục đặc biệt có tên gọi rất kêu là “Giờ đặc biệt dành cho các đôi tình nhân trong Đêm Bình an.” Có thể đoán được, tỷ lệ cạnh tranh sẽ còn cao hơn ngày thường gấp bội. Nếu muốn bưu thiếp của mình được chọn, nội dung hẳn là phải thật cảm động mới được.
“Giờ chúng ta hãy cùng đến với tấm bưu thiếp tiếp theo. Đây là lời yêu cầu từ bạn Romeo của lớp 8-4.”
“Tấm bưu thiếp này tôi muốn gửi cho bạn A.H. học cùng lớp. Đó là một bạn gái tóc dài dịu dàng. A.H. xinh như công chúa Nausicaa trong phim Thung lũng gió, tính tình cởi mở và đảm nhận chức cán sự của lớp. Trong ngày hội Văn hóa toàn trường tháng Mười một vừa rồi, lớp tôi diễn vở Romeo và Juliet. Ban đầu A.H. được chọn đóng vai Juliet, còn tôi đóng vai Romeo. Không ngờ khi chúng tôi mới bắt đầu tập dượt chưa được bao lâu thì A.H. bị ốm và thường xuyên vắng mặt. Không còn cách nào, cả lớp đành chọn một bạn nữ khác đóng vai Juliet. Về sau, chúng tôi mới biết A.H. mắc bệnh máu trắng, giờ vẫn phải nằm viện điều trị. Theo lời các bạn cùng lớp đã tới thăm A.H., tại dùng thuốc quá nhiều nên mái tóc dài của bạn ấy đã rụng gần hết và bạn ấy gầy đến mức tưởng như không nhận ra nổi nữa. Giờ chắc A.H. đang phải đón Giáng sinh trên giường bệnh. Và rất có thể lúc này đây bạn ấy cũng đang nghe chương trình này trên sóng radio. Xin hãy gửi tới bạn tôi, A.H. người đã không thể đóng vai Juliet trong ngày hội Văn hóa toàn trường, bài hát Tonight của nhóm West Side Story.”
Sáng hôm sau, Aki chặn tôi lại hỏi, “Thế là thế nào hả Matsumoto? Hôm qua chính bạn đã gửi yêu cầu bài hát tới chương trình trên đài đúng không?”
“Mình không hiểu ý cậu.”
“Đừng giả đò nữa. Cái gì mà Romeo của lớp 8-4… Rồi bệnh máu trắng nữa chứ, tóc thì rụng hết, lại còn gầy đến mức không ai nhận ra? Bạn tưởng tượng siêu quá nhỉ?”
“Chẳng phải từ đầu mình toàn nói tốt về cậu còn gì.”
“Xinh như công chúa Nausicaa chứ gì.” Aki thở dài. “Matsumoto ạ, bạn viết về mình thế nào cũng chẳng sao. Nhưng trên thế giới này có rất nhiều người đang bị bệnh tật hiểm nghèo hành hạ. Dẫu chỉ là đùa đi chăng nữa, mình cũng rất ghét kẻ nào lợi dụng những người bị bệnh như vậy chỉ để được chú ý.”
Tôi không thích kiểu giảng giải lý lẽ này của Aki cho lắm. Nhưng lại lấy làm thích thú khi thấy em cáu kỉnh như thế. Tưởng như có một cơn gió tươi mát thoảng qua lồng ngực. Cùng với tình cảm mến mộ dành cho Aki, trong tôi còn dâng lên một cảm giác thỏa mãn, đó là lần đầu tiên tôi thực sự coi Aki như một người bạn khác giới.
***
Lên lớp Chín, tôi và Aki không học chung lớp nữa. Nhưng cả hai vẫn làm cán sự lớp, thế nên tuần nào chúng tôi cũng có cơ hội gặp nhau một lần trong các buổi họp cán sự. Hơn nữa, bắt đầu từ khoảng cuối học kỳ một, thỉnh thoảng Aki lại đến thư viện học bài. Tới khi nghỉ hè thì hầu như ngày nào em cũng tới. Sau khi Hội thao toàn thành phố kết thúc, vì không phải đến trường tập kiếm nữa, tôi dành hết thời gian rảnh rỗi đến thư viện làm thêm kiếm tiền.
Ngoài ra, sáng nào tôi cũng ngồi học bài trong phòng đọc có máy lạnh để chuẩn bị cho kỳ thi vào cấp ba sắp tới. Cứ thế, tôi và Aki có khá nhiều cơ hội gặp nhau. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại cùng ngồi học bài, lúc nghỉ thì đi ăn kem và tán gẫu đủ thứ.
“Không hiểu sao mình chẳng thấy áp lực gì cả,” tôi nói. “Đang nghỉ hè thế này, chẳng tập trung học hành được.”
“Như Matsumoto thì không cố gắng lắm cũng chẳng sao, đằng nào bạn cũng thuộc nhóm an toàn rồi mà.”
“Vấn đề không phải ở chỗ đó. Mình mới đọc một bài báo trên tạp chí Newton, bài báo đó nói là tới năm 2000, một thiên thạch lớn sẽ đâm vào trái đất khiến cho toàn bộ hệ sinh thái diệt vong.”
“À há.” Aki hờ hững liếm cây kem của mình.
“Sao cậu trông hờ hững thế nhỉ?” tôi nói với vẻ nghiêm túc. “Tầng ô zôn thì đầy lỗ hổng, rừng nhiệt đới cũng ngày một thưa dần. Cứ như thế này, tới lúc chúng ta thành ông già bà già thì có khi các sinh vật đã chẳng thể sống nổi trên trái đất này nữa rồi.”
“Nguy quá nhỉ?”
“Nghe giọng cậu chả có vẻ nghiêm túc gì hết.”
“Xin lỗi nhé,” Aki nói. “Nhưng thực tình mình chẳng có cảm giác chuyện đó là thật chút nào. Thế Matsumoto có thực sự cảm nhận được chuyện đó không?”
“Thực ra thì cũng…”
“Không chứ gì?”
“Không cảm thấy cũng có khác gì đâu, cái ngày đó sớm muộn gì cũng sẽ đến thôi.”
“Vậy thì khi nào nó đến rồi hẵng hay.”
Nghe Aki nói thế, tôi cảm thấy đúng là cứ để mọi chuyện tới đâu hay tới đó.
“Những chuyện xa xôi như thế, giờ có nghĩ cũng chẳng giải quyết được gì đâu.”
“Thì cũng chỉ chừng mười năm nữa thôi mà…”
“Khi ấy bọn mình 25 tuổi rồi nhỉ,” Aki nói, nhìn về phía xa xăm. “Nhưng ai mà biết được từ giờ tới đó chúng mình sẽ thành ra như thế nào. Mình cũng vậy mà bạn cũng vậy.”
Tôi chợt nhớ tới cây hoa tú cầu hôm hai đứa leo núi Shiroyama. Từ dạo đó đến nay hẳn hoa phải nở đến hai lần rồi, nhưng chúng tôi vẫn chưa quay lại đó lần nào. Hàng ngày có cả mới những chuyện xảy ra làm tôi quên bẵng việc ngắm hoa tú cầu với Aki. Có vẻ như Aki cũng không khác gì. Dẫu mải nói về chuyện thiên thách rơi xuống trái đất hay tầng ô zôn bị hủy diệt, tôi vẫn có cảm giác rằng dù sao thì vào mùa hè năm 2000, cây tú cầu trên núi Shiroyama vẫn sẽ nở rộ. Thế nên cũng chẳng cần vội vàng làm gì, bởi thích thì lúc nào tới đó ngắm chẳng được.
Kỳ nghỉ hè cứ thế trôi qua. Hàng ngày tôi vẫn lo lắng về tương lai môi trường trái đát, đồng thời phải học thuộc những thứ “Cuộc đại xâm lăng La Mã” hay “Cromwell và nội chiến Anh quốc”, phải giải cả đống hệ phương trình và hàm bậc hai. Thỉnh thoảng tôi đi câu với bố, mua vài đĩa CD và vừa ăn kem vừa tán gẫu với Aki.
Đột nhiên có một lần Aki gọi tôi bằng “Saku-chan ơi!” Tôi giật mình đến mức nuốt ực luôn cả miếng kem đang ngậm trong miệng.
“Hả? Ở đâu ra cái tên đó đấy?”
“Mẹ bạn toàn gọi bạn như vậy còn gì?” Aki tủm tỉm cười.
“Cậu đâu phải mẹ mình!”
“Ừ, nhưng mà mình quyết định rồi. Từ giờ trở đi mình cũng sẽ gọi Matsumoto là Saku-chan.”
“Đừng tự tiện quyết định chuyện như vậy được không hả?”
“Mình đã quyết định thế rồi.”
Cứ như vậy, từ đó trở đi mọi chuyện của tôi đều để Aki quyết định hết, đến nỗi dần dà tôi chẳng còn biết mình là ai nữa.
Mới vào học kỳ hai, đang giờ nghỉ trưa, Aki đột nhiên xuất hiện trước mặt tôi với một cuốn sổ trên tay.
“Này, cầm lấy.” Aki đặt cuốn sổ lên bàn.
“Cái gì đây?”
“Nhật ký trao đổi.”
“Hử?”
“Saku-chan không biết à?”
Tôi ngó quanh quất rồi nói, “Ở trường đừng gọi mình như vậy được không hả!”
“Thế hồi xưa cha mẹ Saku-chan không trao đổi nhật ký à?”
Aki thậm chí còn không nghe tôi nói hay sao ấy.
“Này nhé, nhật ký trao đổi là để con trai và con gái ghi lại những sự việc, suy nghĩ và cảm nhận của bản thân trong ngày, rồi trao đổi cho nhau.”
“Mấy thứ rắc rối này mình không làm được đâu. Lớp cậu không có ai hợp hơn à?”
“Nhưng cái này đâu phải thứ để trao đổi với bất kỳ ai.” Aki có vẻ hơi giận dỗi.
“Mà cái này vẫn phải dùng bút mực hay bút bi viết à?”
“Chì màu cũng được.”
“Điện thoại không được à?”
Hiển nhiên là không. Aki chắp hai tay ra sau lưng, hết nhìn tôi rồi lại nhìn cuốn sổ. Tôi lớ ngớ định giở nhật ký ra đọc, Aki vội ngăn lại.
“Về nhà bạn mới được mở ra đọc. Đó là quy tắc của nhật ký trao đổi.”
Trang đầu tiên là phần tự giới thiệu. Aki viết đủ hết ngày tháng năm sinh, cung hoàng đạo, nhóm máu, thói quen, thức ăn và màu yêu thích, thậm chí còn có cả một đoạn phân tích tính cách bản thân nữa. Trang bên cạnh có hình một cô gái, chắc là Aki tự vẽ bằng bút chì màu, trên đó có ba chữ “bí mật”, “bí mật”, “bí mật” chỉ vào ba nơi ám chỉ số đo của em. Tôi nhìn vào cuốn sổ để mở, lầm bẩm, “Ồ, lằng nhằng quá!”
*****
Cô giáo chủ nhiệm lớp Aki qua đời đúng dịp Giáng sinh năm chúng tôi học lớp chín. Hồi học kỳ một dẫn lớp đi tham quan cô có vẻ vẫn khỏe mạnh, nhưng từ kỳ hai, cô không đến trường nữa. Aki cũng đôi lần nói với tôi là cô mỗi ngày một yếu đi, hình như bị bệnh ung thư thì phải. Khi mất cô chưa đến năm mươi tuổi. Lễ tang của cô giáo diễn ra vào ngày thứ hai của kỳ nghỉ đông. Cả lớp Aki và toàn bộ cán sự các lớp khối Chín đều đều đến dự. Đại sảnh không đủ chỗ cho tất cả học sinh nên chúng tôi phải đứng bên ngoài. Ngày hôm đó lạnh thấu xương. Tiếng tụng kinh cầu siêu tưởng chừng lê thê mãi không dứt. Đám học sinh chúng tôi đứng díu vào nhau, cố không bị chết cóng ở sân chùa này.
Cuối cùng thì lễ cầu siêu cũng kết thúc, tiếp đến là lễ truy điệu. Cô hiệu trưởng và vài người nữa đọc điếu văn. Aki cũng ở trong số đó. Khi ấy chúng tôi thôi đùn đẩy nhau mà đứng yên lắng nghe. Aki đọc lời chia buồn với một vẻ đĩnh đạc lạ thường. Không chút sụt sùi nào đượm trong giọng nói ấy. Tất nhiên, chúng tôi chỉ nghe tiếng Aki qua loa phóng thanh chứ không phải giọng tự nhiên nên âm thanh có đôi chút biến đổi. Dù vậy, tôi cũng nhận ra ngay đó chính là Aki. Giọng em nghe buồn buồn, vì thế có gì đó người lớn hơn. Tôi ít nhiều cảm thấy bâng khuâng trong dạ - em đã bỏ lại đám trẻ ấu trĩ chúng tôi, một mình tiến lên phía trước rồi.
Trong nỗi xúc cảm gần như tuyệt vọng, tôi ngó qua một rừng các mái đầu của đoàn người tới tham dự tang lễ để tìm kiếm Aki. Cuối cùng tôi cũng thấy em đang đứng trước cổng vào sảnh chính, đầu hơi cúi xuống micro đọc lời chia buồn. Trong khoảnh khắc ấy, tâm trí tôi như bừng tỉnh. Aki vẫn mặc bộ đồng phục đã quen thuộc từ rất lâu, nhưng nhìn từ đây, trông em như một người khác. Không, đó đúng là Aki, nhưng có cái gì đó rất quan trọng đã thay đổi nơi em. Tôi hầu như không để lọt vào tai những gì Aki đọc, hai mắt chỉ chăm chăm dán vào thân hình tưởng chừng như đang ở rất xa của em.
Một người đứng gần tôi nói, “Hirose đúng là Hirose!”
“Ừ, trông thế thôi mà có bản lĩnh lắm,” một người khác phụ họa.
Chợt vài tia nắng mặt trời len lỏi qua những đám mây mù mịt rọi xuống sân đền. Ánh sáng chiếu vào khiến Aki như sáng bừng lên, bóng dáng em nổi bật trên nền đại sảnh tối đen. Đây rồi, đây mới chính là Aki mà tôi biết. Là Aki vẫn hay trao đổi cuốn sổ nhật ký trẻ con kia với tôi, là Aki vẫn hay gọi tôi là “Saku-chan” cứ như thể hai đứa là bạn thân từ nhỏ. Aki thường ngày vẫn luôn kề cận như một thiếu nữ đang bắt đầu trưởng thành. Tựa hồ như một viên pha lê vốn vẫn ở đó, chỏng chơ trên bàn, bỗng trở nên rực rỡ lung linh ngay khi ta thay đổi góc nhìn một chút.
Một cảm giác muốn lao về phía trước bỗng nhiên ập tới trong tôi. Cùng với niềm hân hoan cuồn cuộn trào dâng trong cơ thể, lần đầu tiên tôi nhận thức được rằng mình cũng như bao đứa con trai khác vẫn thầm thương trộm nhớ Aki. Tôi đã hiểu rõ sự ganh ghét khi rõ ràng khi ngấm ngầm mà bọn con trai trong lớp dành cho mình. Không chỉ vậy, tôi thậm chí còn ghen với chính bản thân mình. Ghen tị vì mình may mắn quá đỗi mà dễ dàng được ở bên Aki nhiều như thế, ghen tị vì mình được cùng em trải qua những khoảnh khắc tươi đẹp nhất, và trái tim tôi quặn lại khi nghĩ về điều đó.
***
Tốt nghiệp cấp hai, lên cấp ba chúng tôi lại được xếp chung một lớp. Khi ấy, tình cảm của tôi dành cho Aki đã không còn mơ hồ như trước nữa. Tình yêu đối với em cũng hiển nhiên như sự tồn tại của chính tôi vậy. Nếu có ai đó hỏi tôi, “Mày thích Hirose à?”, tôi dám chắc mình sẽ thẳng thừng đáp, “Ừ đấy, giờ mới biết sao?” Ngoài giờ tự học, các giờ còn lại ai muốn ngồi đâu cũng được, thế nên tôi và Aki lúc nào cũng cố ý kéo bàn ngồi với nhau. Lên cấp ba, con trai con gái thân mật với nhau không còn là tiêu điểm để bị trêu đùa hay ghen tị nữa. Cặp đôi chúng tôi giống như bảng đen và bình hoa trong lớp học, đã trở thành một phần trong môi trường sinh hoạt của lớp. Thỉnh thoảng cũng có thầy cô giáo can thiệp vớ vẩn, “Hai đứa thân thiết quá nhỉ?” Ngoài miệng tôi thường cười cười trả lời, “Dạ vâng ạ,” nhưng trong lòng lại nhủ thầm, “Cứ lo chuyện bao đồng làm gì cơ chứ.”
*****
Chuyện cổ tích “Nàng tiên ống tre” mà chúng tôi bắt đầu học từ tháng Tư đã bước vào đoạn hay nhất. Để ngăn những sứ giả đến từ mặt trăng mang công chúa Ánh Trăng đi, Nhật hoàng đã cho quân lính vây kín ngôi nhà ông lão đốn tre. Vậy nhưng nàng vẫn bị đưa đi, chỉ để lại cho Nhật hoàng một bức thư và thuốc trường sinh bất lão. Tuy nhiên, không muốn sống bất tử trong thế giới không có công chúa Ánh Trăng, ngài đã ra lệnh đốt liều thuốc trường sinh đó trên đỉnh ngọn núi gần với mặt trăng nhất. Câu chuyện kể đến đoạn giải thích nguồn gốc tên gọi núi Phú Sĩ[5], rồi kết thúc ở đó.
*****
Aki vừa lắng nghe thầy giáo giảng giải về hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm vừa nhìn chăm chú vào cuốn sách, dường như đang hồi tưởng lại câu chuyện mới đọc xong. Tóc mái em hơi rủ xuống, che mất một phần sống mũi xinh xắn. Tôi ngắm vành tai khuất một nửa sau làn tóc mềm mại ấy, rồi lại ngắm đôi môi hơi mím lại. Đường nét gương mặt Aki thanh mảnh đến độ tưởng như bàn tay con người không thể nào vẽ ra được. Khi ngắm Aki, trong tôi tràn ngập niềm kinh ngạc khó tả không hiểu sao tất cả những điều ấy lại hội tụ trên người một cô gái, chính là Aki của tôi. Hơn thế nữa, cô gái xinh đẹp đó lại dành hết tình cảm cho tôi.
Đột nhiên, một ý nhiệm chắc chắn mà đáng sợ vô cùng chợt nảy ra trong óc tôi - rằng dù có sống đến trăm tuổi, tôi cũng sẽ không bao giờ hạnh phúc được hơn lúc này. Tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là cố gắng trân trọng hạnh phúc này mà thôi. Tôi có cảm giác hạnh phúc mong manh trong tay mình thật là một thứ đáng sợ. Giả như mỗi người đều đã được định sẵn cho một lượng hạnh phúc nhất định, vậy thì ngay khoảnh khắc này đây, dường nhau tôi đang phung phí hết phần hạnh phúc của cả đời mình. Một ngày nào đó, các sứ giả Mặt Trăng cũng sẽ tới mang em đi, chỉ để lại cho tôi quãng thời gian đằng đẵng vô tận.
Tôi định thần lại, chợt nhận ra Aki đang nhìn về phía mình. Hẳn mặt tôi trông phải nghiêm trọng lắm. Bởi gương mặt đang tươi tắn của em bỗng chốc hơi tối đi.
“Sao thế?”
Tôi vụng về lắc đầu, “Không có gì đâu.”
Ngày nào tan học chúng tôi cũng chung đường về nhà. Hai đứa đi chậm hết mức. Đôi lúc chúng tôi còn đi cả đường vòng để kéo dài thời gian bên nhau. Nhưng dù thế, cũng vẫn chỉ thoáng cái là đã tới ngã rẽ phải chia tay. Thật kỳ lạ. Vẫn con đường đó, một người đi sao mà dài dằng dặcvà quá đỗi nhàm chán, nhưng hai người vừa đi vừa nói chuyện thì lại chỉ muốn được đi mãi như thế thôi. Khi ấy chiếc cặp khoác sau lưng nặng trịch nào sách giáo khoa nào sách tham khảo đối với tôi cũng nhẹ bẫng như không.
Nhiều năm sau nghĩ lại, thấy cuộc đời người ta có lẽ cũng như vậy thôi. Sống cô độc đương nhiên cảm thấy cuộc đời là những chuỗi ngày dài và buồn tẻ; nhưng nếu được ở bên người mình yêu thương, thì chỉ thoắt cái người ta đã tới ngã ba đường rồi.
***
Sau khi bà nội mất, ông nội chuyển đến sống ở nhà tôi một thời gian. Ở trên tôi vừa kể rồi, ông bảo ngôi nhà không thích hợp cho người già, nên đã dọn ra chung cư sống một mình. Ông nội xuất thân trong gia đình làm nghề nông, đến đời cụ tôi hình như vẫn còn là địa chủ tương đối lớn trong vùng. Nhưng vì cải cách ruộng đất, gia đình lụn bại, ông tôi phải lặn lội lên Tokyo thử vận may trong việc buôn bán. Nhân lúc chiến tranh hỗn loạn, ông cũng kiếm được khá nhiều tiền, rồi trở về quê, năm ba mươi tuổi thì mở công ty chế biến thực phẩm. Rồi ông cưới bà nội và sinh ra cha tôi. Theo lời mẹ kể, công ty của ông nội nắm được thời cơ kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất từ những năm 1970, 1980 nên làm ăn rất khấm khá, nhờ thế mà gia đình lúc đó sống rất dư dả. Không ngờ, khi cha tôi vừa tốt nghiệp trung học, ông nội hào phóng nhượng lại công ty mình vất vả gây dựng nên cho cấp dưới rồi tranh cử vào nghị viện. Suốt mười mấy năm sau đó, ông liên tục đắc cử làm nghị sĩ, nhưng phần lớn tài sản của ông đều đã biến thành tiền vận động tranh cử. Tới khi bà nội tôi qua đời, ngoài căn nhà ra thì chẳng còn tài sản gì đáng kể nữa. Không lâu sau, ông cũng rút lui khỏi chính trường và giờ sống một mình trong thanh nhàn.
Từ khi lên cấp hai, thi thoảng tôi lại đến thăm ông nội với ý nghĩ coi như đang làm một việc từ thiện, khi thì kể cho ông chuyện ở trường, khi thì vừa nhâm nhi bia vừa xem Sumo trên ti vi với ông. Đôi khi, ông cũng kể chuyện thời trẻ của mình. Nhờ thế tôi mới biết, hồi mười bảy mười tám ông cũng từng yêu một người con gái nhưng vì hoàn cảnh mà hai người đã không thể ở bên nhau…
“Phổi cô ấy có vấn đề,” ông nói rồi nâng lý vang Bordeaux màu đỏ lên nhấp một chút. “Bây giờ thì có thuốc chữa bệnh lao rồi, nhưng thời đó chỉ có mỗi cách là ăn uống đầy đủ và tĩnh dưỡng ở nơi nào đó không khí sạch sẽ, trong lành thôi. Phụ nữ thời ấy không khỏe mạnh thì không chịu nổi cuộc sống hôn nhân đâu. Hồi đó làm gì có đồ điện. Nấu nướng hay giặt giũ đều vất vả đến mức người thời nay không thể nào tưởng tượng nổi. Huống hồ ngày ấy ông cũng giống như những thanh niên cùng thời khác, một lòng muốn mang tính mạng mình hiến dâng cho tổ quốc. Nên dù hai người có yêu nhau mấy đi nữa cũng không thể kết hôn được. Ông và cô ấy đều hiểu rõ điều này. Thời kỳ gian khổ mà.”
“Thế rồi sao hả ông?” tôi vừa uống cà phê vừa hỏi.
“Ông nhập ngũ, sống mấy năm đời lính,” ông kể tiếp. “Ông không nghĩ là mình còn cơ hội gặp lại cô ấy. Một phần ông sợ trong lúc đang đi lính thì cô ấy đã chết, mà ông cũng không chắc có thể sống sót trở về. Thế nên lúc chia tay, ông và cô ấy đã hẹn thề đến kiếp sau sẽ sớm tối bên nhau.” Ông tôi ngừng lời một lúc, ánh mắt dường như nhìn về nơi xa xăm bất định. “Nhưng số mệnh thật trớ trêu. Chiến tranh kết thúc, cả ông và cô ấy đều còn sống. Khi tưởng mình không còn tương lai thì chẳng mong muốn gì, nhưng khi biết mình vẫn còn cả tương lai rộng mở, khát vọng lại trào dâng. Ông muốn ở bên cô ấy bằng bất cứ giá nào. Vậy nên ông bắt đầu cố gắng kiếm thật nhiều tiền. Bởi vì chỉ cần có tiền, bệnh lao hay bệnh gì đi nữa, ông vẫn có thể cưới cô ấy về chăm sóc trọn đời.”
“Vì thế ông lên Tokyo?”
Ông tôi gật đầu và tiếp tục câu chuyện. “Hồi ấy Tokyo gần như một bãi đất hoang. Lương thực thiếu thốn trầm trọng, lạm phát tăng nhanh chóng mặt. Hầu như chẳng còn luật pháp gì nữa. Mọi người đều suy dinh dưỡng, cái chết luôn cận kề, ai cũng mang ánh mắt hừng hực sát khí. Ông liều mạng tìm đủ mọi cách kiếm tiền. Cả những chuyện vô liêm sỉ ông cũng bất chấp. Không đến mức giết người, nhưng ngoài chuyện ấy ra thì hầu như chuyện gì cũng làm cả rồi. Không ngờ, trong khi ông bươn chải kiếm tiền, người ta đã tìm ra thuốc đặc trị bệnh lao. Gọi là thuốc Streptomycin thì phải.”
“Cháu cũng từng nghe nói đến tên thuốc này rồi.”
“Kết quả là, cô ấy đã khỏi bệnh.”
“Khỏi hẳn ạ?”
“Ừ, dĩ nhiên đó là chuyện đáng mừng. Nhưng khỏi bệnh cũng có nghĩa là cô ấy có thể lấy chồng rồi. Đương nhiên, cha mẹ nào chẳng muốn nhân lúc con gái còn son trẻ mà gả đi.”
“Còn ông?”
“Ông không đạt được tiêu chuẩn của họ.”
“Tại sao?”
“Ông vướng vào mấy vụ buôn bán với dân xã hội đen, lại còn phải ngồi tù nữa. Cha mẹ cô ấy biết chuyện đó.”
“Ông làm thế cũng chỉ để hai người được ở bên nhau thôi mà.”
“Mình thì nghĩ thế nhưng cha mẹ cô ấy lại không thấy vậy đâu. Đương nhiên phải tìm cho con gái một người đàn ông tử tế. Nếu ông nhớ không nhầm người đó làm giáo viên tiểu học hay gì đó thì phải.”
“Vô lý quá!”
“Thời đó là như vậy đấy.” Ông khẽ cười nói, “Với cách suy nghĩ bây giờ thì chuyện đó ngớ ngẩn hết sức, nhưng ngày đó con cái đâu dám đi ngược lại ý muốn của cha mẹ. Huống hồ, cô ấy con nhà gia giáo, lại ốm yếu suốt nên đã là gánh nặng của cha mẹ từ lâu, làm sao dám từ chối đối tượng cha mẹ chọn cho, nói ra những lời kiểu như muốn sống với người đàn ông khác lại càng không được.”
“Thế rồi mọi chuyện ra sao ạ?”
“Thì cô ấy đi lấy chồng. Còn ông thì lấy bà cháu và sinh ra cháu. Cha cháu đúng là một thằng rất cứng đầu.”
“Vậy ông đành từ bỏ cô ấy sao?”
“Thì ông đành vậy. Có lẽ cô ấy cũng thế. Dù sao thì trên đời này cũng đâu thiếu những chuyện tình không thành như vậy chứ.”
“Nhưng ông không thể quên đúng không?”
Ông nheo mắt lại, trầm ngâm nhìn tôi như đang suy tư điều gì. Sau một hồi lâu, ông mới cất tiếng, “Để lần khác ông kể nốt. Khi nào cháu lớn hơn chút nữa.”
Khi ông nội thấy nên kể cho tôi phần tiếp của câu chuyện thì tôi đã lên cấp ba rồi. Sau kỳ nghỉ hè năm lớp Mười, vừa bước vào học kỳ hai, một hôm, tôi tan học về tiện đường ghé qua thăm ông, cùng ông uống bia xem đấu sumo truyền hình trực tiếp trên ti vi như mọi lần.
“Ở lại ăn cơm với ông nhé?” ông hỏi tôi sau khi trận sumo trên ti vi kết thúc.
“Thôi ạ, mẹ cháu đang đợi ở nhà.”
Tôi từ chối lời mời của ông thực ra là có lý do. Đó là vì thực đơn bữa tối ở nhà ông hầu như lúc nào cũng đồ hộp. Lúc thì thịt bò rim đóng hộp, khi thì cá mòi ướp đóng hộp. Thậm chí rau cũng là món măng tây đóng hộp, đến cả canh miso cũng là thực phẩm ăn liền. Ngày nào ông cũng chỉ ăn mấy thứ đó. Thỉnh thoảng mẹ tôi ghé qua để nấu nướng một bữa, cũng có khi ông tới nhà tôi ăn, nhưng về cơ bản ông sống nhờ đồ hộp. Theo như ông nói thì người già không cần quan tâm đến mấy việc ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, quan trọng là ăn đúng giờ giấc.
“Ông đang định gọi người ta đem lươn đến,” ông nói khi tôi chuẩn bị ra về.
“Sao vậy ạ?”
“Sao là sao thế nào? Có luật nào cấm ta không được ăn lươn đâu?”
Ông nội nhấc điện thoại đặt hai suất lươn nướng, trong khi chờ người giao đồ ăn tới, hai ông cháu vừa uống thêm một lon bia vừa xem ti vi. Như mọi khi, ông lại mở một chai vang, rồi để hở chừng ba mươi phút đến một tiếng, ăn xong bữa tối mới uống. Thói quen hai ngày một chai Bordeaux từ hồi còn sống với nhà tôi đến giờ vẫn không thay đổi.
“Hôm nay có việc muốn nhờ Saku đấy,” ông vừa uống bia vừa trịnh trọng nói.
“Việc gì ạ?” Vì bị món lươn hấp dẫn nên tôi mới ở lại, giờ bỗng cảm thấy có gì hơi bất an.
“Ồ, chuyện dài dòng lắm.”
Ông nội đi vào bếp lấy ra một ít cá ngâm dầu. Đương nhiên cũng lại là đồ hộp. Chúng tôi dang ăn cá và uống bia thì người đưa hàng đem đồ ăn tới. Chúng tôi ăn sạch lươn nướng, uống hết cả canh gan lươn rồi mà ông vẫn chưa kể xong chuyện. Sau đó hai ông cháu chuyển sang uống rượu. Cứ đà này, không chừng tới năm hai mươi tuổi tôi sẽ thành một con sâu rượu không thể cứu chữa. Trong người tôi chắc hẳn có khá nhiều enzyme phân giải rượu, uống một chút thì không bao giờ say cả. Thực khó mà tin tôi lại là con của người chỉ nếm một chút dưa chua Narazuke thôi là đã thấy nôn nao khắp người.
Câu chuyện dông dài của ông nội kết thúc vừa lúc chai vang Bordeaux gần cạn sạch.
“Càng ngày Saku càng uống rượu giỏi nhỉ,” ông tôi hài lòng nói.
“Chuyện, cháu nội của ông mà.”
“Nhưng cha cháu cũng là con ông mà chả uống được giọt rượu nào.”
“Chắc là di truyền cách đời đấy.”
“Ừ, chắc thế,” ông gật gù nói. “Thế chuyện ông vừa nói thì sao, nhận lời giúp ông chứ?”
“Hả? Ở đâu ra cái tên đó đấy?”
“Mẹ bạn toàn gọi bạn như vậy còn gì?” Aki tủm tỉm cười.
“Cậu đâu phải mẹ mình!”
“Ừ, nhưng mà mình quyết định rồi. Từ giờ trở đi mình cũng sẽ gọi Matsumoto là Saku-chan.”
“Đừng tự tiện quyết định chuyện như vậy được không hả?”
“Mình đã quyết định thế rồi.”
Cứ như vậy, từ đó trở đi mọi chuyện của tôi đều để Aki quyết định hết, đến nỗi dần dà tôi chẳng còn biết mình là ai nữa.
Mới vào học kỳ hai, đang giờ nghỉ trưa, Aki đột nhiên xuất hiện trước mặt tôi với một cuốn sổ trên tay.
“Này, cầm lấy.” Aki đặt cuốn sổ lên bàn.
“Cái gì đây?”
“Nhật ký trao đổi.”
“Hử?”
“Saku-chan không biết à?”
Tôi ngó quanh quất rồi nói, “Ở trường đừng gọi mình như vậy được không hả!”
“Thế hồi xưa cha mẹ Saku-chan không trao đổi nhật ký à?”
Aki thậm chí còn không nghe tôi nói hay sao ấy.
“Này nhé, nhật ký trao đổi là để con trai và con gái ghi lại những sự việc, suy nghĩ và cảm nhận của bản thân trong ngày, rồi trao đổi cho nhau.”
“Mấy thứ rắc rối này mình không làm được đâu. Lớp cậu không có ai hợp hơn à?”
“Nhưng cái này đâu phải thứ để trao đổi với bất kỳ ai.” Aki có vẻ hơi giận dỗi.
“Mà cái này vẫn phải dùng bút mực hay bút bi viết à?”
“Chì màu cũng được.”
“Điện thoại không được à?”
Hiển nhiên là không. Aki chắp hai tay ra sau lưng, hết nhìn tôi rồi lại nhìn cuốn sổ. Tôi lớ ngớ định giở nhật ký ra đọc, Aki vội ngăn lại.
“Về nhà bạn mới được mở ra đọc. Đó là quy tắc của nhật ký trao đổi.”
Trang đầu tiên là phần tự giới thiệu. Aki viết đủ hết ngày tháng năm sinh, cung hoàng đạo, nhóm máu, thói quen, thức ăn và màu yêu thích, thậm chí còn có cả một đoạn phân tích tính cách bản thân nữa. Trang bên cạnh có hình một cô gái, chắc là Aki tự vẽ bằng bút chì màu, trên đó có ba chữ “bí mật”, “bí mật”, “bí mật” chỉ vào ba nơi ám chỉ số đo của em. Tôi nhìn vào cuốn sổ để mở, lầm bẩm, “Ồ, lằng nhằng quá!”
Cô giáo chủ nhiệm lớp Aki qua đời đúng dịp Giáng sinh năm chúng tôi học lớp chín. Hồi học kỳ một dẫn lớp đi tham quan cô có vẻ vẫn khỏe mạnh, nhưng từ kỳ hai, cô không đến trường nữa. Aki cũng đôi lần nói với tôi là cô mỗi ngày một yếu đi, hình như bị bệnh ung thư thì phải. Khi mất cô chưa đến năm mươi tuổi. Lễ tang của cô giáo diễn ra vào ngày thứ hai của kỳ nghỉ đông. Cả lớp Aki và toàn bộ cán sự các lớp khối Chín đều đều đến dự. Đại sảnh không đủ chỗ cho tất cả học sinh nên chúng tôi phải đứng bên ngoài. Ngày hôm đó lạnh thấu xương. Tiếng tụng kinh cầu siêu tưởng chừng lê thê mãi không dứt. Đám học sinh chúng tôi đứng díu vào nhau, cố không bị chết cóng ở sân chùa này.
Cuối cùng thì lễ cầu siêu cũng kết thúc, tiếp đến là lễ truy điệu. Cô hiệu trưởng và vài người nữa đọc điếu văn. Aki cũng ở trong số đó. Khi ấy chúng tôi thôi đùn đẩy nhau mà đứng yên lắng nghe. Aki đọc lời chia buồn với một vẻ đĩnh đạc lạ thường. Không chút sụt sùi nào đượm trong giọng nói ấy. Tất nhiên, chúng tôi chỉ nghe tiếng Aki qua loa phóng thanh chứ không phải giọng tự nhiên nên âm thanh có đôi chút biến đổi. Dù vậy, tôi cũng nhận ra ngay đó chính là Aki. Giọng em nghe buồn buồn, vì thế có gì đó người lớn hơn. Tôi ít nhiều cảm thấy bâng khuâng trong dạ - em đã bỏ lại đám trẻ ấu trĩ chúng tôi, một mình tiến lên phía trước rồi.
Trong nỗi xúc cảm gần như tuyệt vọng, tôi ngó qua một rừng các mái đầu của đoàn người tới tham dự tang lễ để tìm kiếm Aki. Cuối cùng tôi cũng thấy em đang đứng trước cổng vào sảnh chính, đầu hơi cúi xuống micro đọc lời chia buồn. Trong khoảnh khắc ấy, tâm trí tôi như bừng tỉnh. Aki vẫn mặc bộ đồng phục đã quen thuộc từ rất lâu, nhưng nhìn từ đây, trông em như một người khác. Không, đó đúng là Aki, nhưng có cái gì đó rất quan trọng đã thay đổi nơi em. Tôi hầu như không để lọt vào tai những gì Aki đọc, hai mắt chỉ chăm chăm dán vào thân hình tưởng chừng như đang ở rất xa của em.
Một người đứng gần tôi nói, “Hirose đúng là Hirose!”
“Ừ, trông thế thôi mà có bản lĩnh lắm,” một người khác phụ họa.
Chợt vài tia nắng mặt trời len lỏi qua những đám mây mù mịt rọi xuống sân đền. Ánh sáng chiếu vào khiến Aki như sáng bừng lên, bóng dáng em nổi bật trên nền đại sảnh tối đen. Đây rồi, đây mới chính là Aki mà tôi biết. Là Aki vẫn hay trao đổi cuốn sổ nhật ký trẻ con kia với tôi, là Aki vẫn hay gọi tôi là “Saku-chan” cứ như thể hai đứa là bạn thân từ nhỏ. Aki thường ngày vẫn luôn kề cận như một thiếu nữ đang bắt đầu trưởng thành. Tựa hồ như một viên pha lê vốn vẫn ở đó, chỏng chơ trên bàn, bỗng trở nên rực rỡ lung linh ngay khi ta thay đổi góc nhìn một chút.
Một cảm giác muốn lao về phía trước bỗng nhiên ập tới trong tôi. Cùng với niềm hân hoan cuồn cuộn trào dâng trong cơ thể, lần đầu tiên tôi nhận thức được rằng mình cũng như bao đứa con trai khác vẫn thầm thương trộm nhớ Aki. Tôi đã hiểu rõ sự ganh ghét khi rõ ràng khi ngấm ngầm mà bọn con trai trong lớp dành cho mình. Không chỉ vậy, tôi thậm chí còn ghen với chính bản thân mình. Ghen tị vì mình may mắn quá đỗi mà dễ dàng được ở bên Aki nhiều như thế, ghen tị vì mình được cùng em trải qua những khoảnh khắc tươi đẹp nhất, và trái tim tôi quặn lại khi nghĩ về điều đó.
***
Đến ngày hôm sau đầu tôi vẫn ong ong vì rượu, chẳng nhớ nổi hàm lượng giác hay câu gián tiếp là gì. Cả buổi sáng tôi phải lấp mặt sau mấy cuốn sách giáo khoa, cố nén cơn buồn nôn. Nhịn qua giờ thể dục tiết bốn, dần dà tôi cũng lấy lại được chút tỉnh táo. Bữa trưa, tôi và Aki ngồi ăn cơm hộp với nhau trong sân trường. Cứ nhìn phải cái vòi phun nước là tôi lại thấy khó chịu, nên hai đứa chuyển ra ngồi ở cái ghế dài quay lưng lại đài phun nước. Tôi kể cho Aki chuyện tình hồi xưa của ông nội.
“Vậy tức là ông của Saku-chan vẫn luôn nhớ tới người đó nhỉ,” Aki nói, dường như khóe mắt đã hơi ướt nước.
“Ừ, có lẽ vậy.” Tôi gật đầu trong tâm trạng khá hỗn độn. “Hình như cũng muốn từ bỏ, nhưng vẫn không thể quên được.”
“Người đó hẳn cũng không quên được ông bạn nhỉ?”
“Kỳ quặc nhỉ?”
“Sao lại kỳ?”
“Sao lại thế à, cả nửa thế kỷ đấy. Đủ cho cả một loài sinh vật tiến hóa ấy chứ.”
“Cả một quãng thời gian dài như thế, trong lòng thủy chung cũng có chỉ có hình bóng một người, chẳng phải hiếm có lắm sao?” Aki đáp, ánh nhìn như thể đang để tâm hồn trôi dạt nơi xa xôi.
“Mọi sinh vật trên đời này đều phải già đi, ngoài tế bào mầm ra, tất cả các tế bào khác đều khó tránh khỏi bị lão hóa. Khuôn mặt Aki cũng dần dần có nhiều nếp nhăn thôi.”
“Ý bạn là thế nào?”
“Cho dù quen nhau mới hai mươi tuổi chăng nữa, năm mươi năm sau chẳng phải đã bảy mươi còn gì?”
“Thì sao?”
“Thì sao à, yêu say đắm một bà già bảy mươi tuổi, nghe cứ kỳ cục sao đó.”
“Mình lại thấy rất tuyệt vời đấy chứ.” Aki bỏ ngoài tai lời tôi nói, có vẻ hơi phật ý.
“Ờ, và thỉnh thoảng lại lén lút gặp nhau ở khách sạn nhỉ?”
“Vô duyên!” Aki lườm tôi với ánh nhìn sắc như dao.
“Ông nội mình hoàn toàn đủ khả năng làm mấy chuyện như thế mà.”
“Saku mới là cái loại làm chuyện đó thì có.”
“Không đời nào!”
“Đúng thế đấy!”
Cuộc tranh luận mãi không ngã ngũ, tới giờ khoa học buổi chiều vẫn chưa kết thúc. Thầy giáo dạy sinh vật nói, ADN của con người và loài tinh tinh giống nhau đến 94,8%. Sự khác biệt trong gien di truyền của hai loài này còn ít hơn cả giữa tinh tinh với khỉ đột. Thế nên loài gần gũi nhất với tinh tinh không phải khỉ đột mà lại chính là con người chúng ta. Cả lớp phá lên cười. Có gì buồn cười đâu, cái lũ ngốc.
Tôi và Aki ngồi cuối lớp học. Hai đứa vẫn không ngừng tranh cãi về chuyện của ông nội tôi.
“Như vậy có tính là ngoại tình không nhỉ?” Tôi nêu lên một vấn đề quan trọng.
“Đó là tình yêu trong sáng mà,” Aki lập tức phản bác.
“Nhưng mà cả ông nội và người đó đều đã có gia đình rồi.”
Aki suy nghĩ một chút rồi nói, “Nếu nhìn từ góc độ của chồng người đó hay bà nội Saku thì có thể là ngoại tình, nhưng với người trong cuộc thì đó là tình yêu trong sáng.”
“Nói vậy tức là ngoại tình hay tình yêu trong sáng là còn tùy vào từng góc độ nhìn nhận cơ à?”
“Mình nghĩ là do chuẩn mực khác nhau.”
“Khác nhau như thế nào?”
“Ngoại tình, nói cho cùng chỉ là một khái niệm phụ thuộc vào từng xã hội khác nhau mà thôi. Thời đại khác nhau thì khái niệm cũng khác nhau. Chẳng hạn trong xã hội có chế độ đa thê, thì phải luận theo cách khác. Có điều việc thương nhớ một người suốt năm mươi năm trời thì mình nghĩ còn vượt qua cả văn hóa và lịch sử rồi.”
“Có vượt qua cả chủng loài không?”
“Hả?”
“Liệu một con tinh tinh đực có thể nhớ nhung một con tinh tinh cái trong suốt năm mươi năm không?”
“Mình làm sao biết được chuyện của bọn tinh tinh chứ?”
“Tóm lại thì tình yêu chân chính vĩ đại hơn chuyện ngoại tình chứ?”
“Từ ‘vĩ đại’ ấy có lẽ không đúng cho lắm.”
Tranh luận đang tới cao trào thì giọng thầy giáo vang lên, “Hai em kia, từ nãy tới giờ nói chuyện gì vậy?” Thế là hai chúng tôi bị thầy phạt phải đứng cuối lớp. Độc tài! Nói chuyện con người và tinh tinh có khả năng giao phối thì được, nhưng nói chuyện tình yêu nam nữ vượt qua khoảng cách thời gian thì không cho. Bị phạt đứng nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục thì thào chuyện của ông nội.”
“Aki có tin vào kiếp sau không?”
“Sao hỏi thế?”
“Bởi vì ông nội và người yêu từng hẹn ước hai người sẽ mãi bên nhau ở thế giới bên kia.”
Aki ngẫm nghĩ một chút rồi nói, “Mình chẳng tin đâu.”
“Hàng ngày Aki vẫn hay cầu nguyện trước khi đi ngủ còn gì?”
“Mình tin vào Chúa Trời mà,” em rành rọt đáp.
“Chúa Trời và kiếp sau thì khác gì nhau chứ?”
“Saku-chan không cảm thấy kiếp sau như được tạo ra dựa trên kiếp này hay sao?”
Câu nói đó khiến tôi phải suy nghĩ đôi chút.
“Vậy thì ông nội và người đó có sang thế giới bên kia cũng không được ở bên nhau rồi.”
“Aki chỉ nói mình tin hay không tin thôi.” Aki như muốn chữa lời. “Ông nội Saku-chan và người đó chắc hẳn có suy nghĩ khác.”
“Có lẽ Chúa Trời cũng chỉ là do con người ta tưởng tượng ra mà thôi. Tưởng tượng ra để khi nào cần thì đi cầu xin khấn vái.”
“Chúa Trời của mình khác hẳn như thế.”
“Chúa Trời cũng có mấy vị cơ à? Hay là mấy loại?”
“Dù không tin vào thiên đường, ta cũng vẫn nên kính sợ Chúa Trời. Đêm nào mình cũng cầu nguyện trong niềm kính sợ ấy.”
“Cầu xin Chúa Trời tha thứ cho con à?”
Rốt cuộc chúng tôi bị tống ra đứng ngoài hành lang. Ra ngoài đó, hai đứa lại tiếp tục tranh luận về thiên đường và Chúa Trời cho tới khi tan học. Sau đó chúng tôi bị gọi vào phòng giáo viên lần lượt nghe thày sinh vật và cô chủ nhiệm quạt cho một trận, rằng thân thiết nhau cũng tốt thôi, nhưng trong lớp học thì phải chuyên tâm nghe giảng.
Khi chúng tôi ả khỏi cổng trường thì trời đã nhá nhem. Hai đứa lặng lẽ đi về hướng công viên Daimyo. Con đường đi qua sân chơi và Viện Bảo tàng Lịch sử. Có cả một tiệm cà phê tên là Joukamachi. Hai đứa từng ghé vào đó một lần sau khi tan học, nhưng cà phê dở quá nên chẳng bao giờ quay lại lần thứ hai. Chúng tôi đi qua một xưởng rượu cũ, tới con sông nhỏ chảy ngang qua thành phố. Aki đợi hai đứa qua cầu rồi mới lên tiếng.
“Rốt cuộc, họ cũng chưa từng được ở bên nhau,” Aki lại nói về chuyện ông tôi. “Cho dù đã chờ đợi những năm mươi năm.”
“Hình như họ định sẽ về bên nhau sau khi chồng bà ấy mất.” Tôi cũng đang nghĩ về chuyện của ông nội. “Vì sau khi bà nội qua đời, ông nội vẫn sống một mình.”
“Bao lâu rồi?”
“Mười năm rồi. Nhưng người yêu ông lại mất trước cả chồng bà ấy, nên ông nội và người đó không được như ý nguyện.”
“Thật là một câu chuyện buồn.”
“Mình lại thấy buồn cười làm sao ấy.”
Cuộc đối thoại dừng ở đó. Chúng tôi tiếp tục bước đi, đầu cúi thấp. Qua tiệm rau và tiệm bán chiếu tatami, rẽ ở góc phố chỗ tiệm cắt tóc, chúng tôi đã gần tới nhà Aki.
“Saku-chan à, giúp ông bạn đi.” Dường như nhận ra đoạn đường về chung chỉ còn rất ngắn, em nói với tôi như vậy.
“Nói thì dễ thế, dây là chuyện đi đào trộm mộ người ta đấy.”
“Bạn sợ à?”
“Nào chỉ mỗi sợ thôi đâu?”
“Tội Saku-chan chưa kìa.” Aki cười.
“Có gì vui lắm sao?”
“À, không.”
Nhà Aki hiện ra phía trước. Tôi chỉ việc rẽ phải ở con phố trước mặt và băng qua đường là về đến nhà. Chỉ còn khoảng năm mươi mét nữa. Không ai lên tiếng trước, hai đứa bước chậm dần cho tới khi đứng hẳn lại.
“Cái việc đó… là phạm pháp đúng không?” tôi hỏi.
“Nghiêm trọng vậy sao?” Aki hơi bối rối ngước mặt lên.
“Lại còn không phải nữa hay sao?”
“Tính là tội gì nhỉ?”
“Đương nhiên là quấy rối tình dục rồi.”
“Nói bậy nào!”
Aki bật cười, mái tóc dài mềm mại xõa ngang vai của em khẽ rung rung, làm chiếc áo khoác trắng càng thêm nổi bật. Bóng chúng tôi trải dài, nửa trên hai cái bóng bị gập lại, chiếu trên bức tường bê tông ở đằng trước.
“Người ta mà phát hiện thì thế nào cũng bị đuổi học.”
“Thế thì mình sẽ đến nhà thăm bạn.”
Nghe có vẻ như một lời khích lệ?
“Thoải mái quá nhỉ, Aki đúng là Aki,” tôi thở dài lẩm bẩm.
***
Tôi nói với cha mẹ rằng mình sẽ ngủ lại nhà ông nội. Hôm đó là thứ Bảy. Hai ông cháu gọi sushi cho bữa tối. Ông nội chơi sang, gọi liền hai suất đặc biệt. Dù thế, thậm chí tôi còn chẳng phân biệt nổi đâu là cá ngừ đâu là nhím biển nữa. Món bào ngư thì dai như cao su. Hôm nay không có bia cũng chẳng có vang Bordeaux, chúng tôi vừa uống trà vừa xem bóng chày truyền hình trực tiếp, sau đó uống cà phê. Tới giữa trận đấu thì giờ phát sóng kết thúc.
“Tới lúc khởi hành rồi,” ông nói.
Mộ của người đó ở khu ngoại ô phía Đông thành phố, nằm trong một ngôi đền thờ phu nhân của một vị lãnh chúa. Chúng tôi xuống taxi chỗ gần ngôi đền. Khu này ở dưới chân núi, là chỗ đầu tiên bị cắt nước mỗi khi thiếu nước vào mùa hè. Dù mới tháng Chín, nhưng tiết trời ban đêm đã se lạnh.
Bên cạnh bậc đá dẫn tới đại sảnh có một cánh cổng nhỏ, bên trong cánh cổng là một con đường đất đỏ chạy thẳng tới khu nghĩa trang. Bên trái là một bức tường trát thạch cao trắng, phía bên kia có lẽ là khu nhà ở của các nhà sư, song hoàn toàn không có dấu hiệu nào cho thấy có người sống ở đó. Chỉ có chút ánh sáng tù mù hắt ra từ nơi dường như là cửa sổ của nhà vệ sinh. Bên phải chúng tôi là những ngôi mội cổ có lẽ từ thời Mạc Phủ. Những ngọn tháp dagoba nghiêng ngả và bia mội nứt vỡ trông như đang trôi bồng bềnh trong ánh trăng. Dọc theo con đường dẫn lên sườn núi, hàng cây bách và tuyết tùng sum sê phủ bóng, cơ hồ che khuất cả bầu trời. Cuối con đường này chính là nơi chôn cất phu nhân lãnh chúa. Trong bóng tối, tôi lờ mờ trông thấy một hàng bia mộ hình dáng kỳ lạ, hình lập phương, hình cầu, hình nón… Chúng tôi vòng qua bên trái, tiếp tục đi sâu vào trong khu. Hai ông cháu có mang theo một chiếc đèn pin nhỏ, nhưng sợ bật lên sẽ khiến người trong chùa chú ý nên đành mò mẫm đi dưới ánh trăng.
“Ở đâu hả ông?” tôi hỏi ông nội đang bước nặng nề phía trước.
“Đằng trước kia kìa.”
“Ông tới đó lần nào chưa?”
“Ừm.” Ông thật kiệm lời.
Rốt cuộc thì ở đây có bao nhiêu ngôi mộ? Sườn dốc thoai thoải gần như bị bia mộ phủ kín. Mỗi mộ lại không nhất thiết chỉ chứa hài cốt của một người. Nếu trung bình một ngôi mộ chôn cất tro xương của hai hay ba người thì thực không thể ước đoán tại nghĩa trang này có bao nhiêu người đang yên nghỉ. Tôi từng đến nghĩa trang nhiều lần vào ban ngày. Nhưng vào lúc muộn thế này thì đây mới là lần đầu. Nghĩa trang về đêm khác hẳn lúc ban ngày, có thể cảm nhận rõ ràng sự hiện diện của người đã khuất, rõ như là hơi thở vậy. Ngước mắt lên, tôi thấy vài con dơi đang bay trên những ngọn cây đại thụ che khuất cả vòm trời.
Đột nhiên, bầu trời hiện ra trước mắt, những ngôi sao dường như đang ào ào đổ xuống chúng tôi. Tôi thôi ngước nhìn lên và đi tới phía sau lưng ông nội.
“Ở đây ạ?”
“Ừ, ở đây.”
Trước mắt tôi hiện ra một ngôi mộ hoàn toàn bình thường. Đó là một ngôi mộ khá lớn và có vẻ được xây từ khá lâu rồi.
“Giờ làm gì đây ạ?”
“Khấn trước đã.”
Tôi thấy thật quái gở nếu phải khấn nguyện khi đang đi trào trộm mộ người ta, ông nội rút que hương trầm đã chuẩn bị sẵn ra để châm lửa, rồi chắp hai tay lại với vẻ nghiêm trang và lặng im cầu nguyện. Không còn cách nào khác, đứng sau lưng ông, tôi cũng chắp tay cầu nguyện. Tôi nghĩ đó là cách bày tỏ sự hối lỗi với những người nằm dưới kia về việc đào trộm mộ lần này.
“Giờ,” ông tôi nói, “dịch cái này sang một bên đã.”
Hai ông cháu nhấc bát hương bằng đó lên và chuyển nó sang bên cạnh.
“Cháu chiếu đèn pin đi.”
Ở dưới viên đá kê bát hương có một phiến đá mỏng đậy kín nấm mộ. Ông tôi phải dùng tuốc nơ vít nạy vào các góc của rãnh giữa nắp và thành mộ bằng đá. Một hồi sau phiến đá cũng xê dịch và chỉ dùng tay ông cũng nạy được nắp mộ lên. Bên trong là một thạch thất khá rộng. Nếu gập mình thì một người lớn cũng có thể chui lọt vào trong.
“Đưa ông cái đèn.”
Ông nội cầm đèn pin rồi nằm sấp xuống, chui cả nửa thân trên vào trong mộ. Tôi ở phía trên đè giữa hai chân ông để ông khỏi ngã lộn nhào xuống dưới. Ông nội sục sạo một hồi, rồi đưa tôi cái đèn pin, sau đó cẩn thận dùng cả hai tay nhấc một chiếc bình sứ đựng tro cốt ra. Tôi lẳng lặng nhìn ông làm. Ông chiếu đèn pin vào đáy bình xác định lại tên người ghi bên dưới, rồi tháo sợi dây thừng nhỏ bên trên và từ từ mở nắp. Bên trong bình là tro cốt của người đó. Cứ như thế một hồi lâu. Tới khi cất tiếng gọi “Ông ơi!”, tôi mới nhận ra hai vai ông đang khẽ run run dưới ánh trăng.
Ông chỉ lấy trong bình ra một chút xíu tro rồi để vào một chiếc hộp gỗ nhỏ đã chuẩn bị sẵn. “Đã mất bao công để tới đây cơ mà, việc gì ông phải rón rén đến thế!” tôi suýt nói thế nhưng đã kìm lại được. Ông lại nhìn chăm chăm vào trong bình tro một lúc rồi đậy nắp lại và thít dây vào trong bình tro một lúc rồi đậy nắp lại và thít dây như cũ. Sau đó tôi lại giữ chân để ông chui vào đặt chiếc bình trờ về chỗ cũ. Cuối cùng, tôi đẩy bệ đá trở lại. Các cạnh của phiến đá đều bị trầy xước do ông chọc tuốc nơ vít vào.
Khi chúng tôi về tới căn hộ của ông thì đã gần mười hai giờ đêm. Hai ông cháu rót bia lạnh ra chạm cốc. Tôi thấy khá hài lòng, nhưng ngoài ra cũng thấy đôi chút cô đơn.
“Chỉ vì ông mà Saku phải thức khuya quá,” ông tôi nói.
“Không sao đâu ạ,” tôi nói, rót thêm bia vào chiếc cốc đã vơi đến một nửa của ông. “Dù sao, nếu không có cháu ông cũng tự làm việc đó được mà.”
Nâng cốc bia lên miệng nhưng gương mặt ông lại hiện lên một cái nhìn xa xăm. Thế rồi, ông đứng lên và lấy một cuốn sách từ trên giá xuống.
“Sakutaro học thơ cổ Trung Quốc rồi phải không?” Ông mở cuốn sách có vẻ cũ kỹ ấy ra. “Đọc thử bài này xem nào.”
Tên bài thơ đó là “Cát sinh”. Phía dưới phần Hán văn có đoạn dịch thơ tiếng Nhật, tôi liền nhìn vào đó.
“Cháu có hiểu bài thơ muốn nói gì không?”
“Đại khái là ‘khi chết đi muốn được chôn cùng một mộ’ đúng không ạ?”
Ông lặng lẽ gật đầu, rồi đọc lại đoạn thơ cuối: “Đông chi dạ, hạ chi nhật. Bách niên chi hậu, quy vu kỳ thất.”[6]
“Đoạn thơ có nghĩa là, qua bao ngày hạ lê thê và những đêm đông đằng đẵng, em cứ an nghỉ nơi đây. Trăm năm nữa qua đi, rồi ta cũng sẽ tới đây nằm cạnh em. Hãy bình yên chờ ngày đó tới.”
“Đằng nào thì người yêu cũng chết rồi.”
“Cho dù có tiến bộ bao nhiêu đi nữa, cảm xúc của con người vẫn vậy, sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta hầu như không thay đổi. Bài thơ này được viết cách đây hơn 2000 năm, thậm chí có khi còn lâu hơn thế. Nó đã tồn tại từ trước cả khi người ta sáng tạo ra thể thơ Tứ tuyệt và Đường luật mà cháu đang học ở trường hiện giờ. Vậy mà, dường như ngày nay chúng ta vẫn có thể thấu hiểu được cảm xúc của những người thời đó. Ông nghĩ chẳng cần phải được giáo dục tử tế hay được học bổng mới có thể hiểu được cảm xúc ấy đâu.”
Hộp gỗ nhỏ nằm trên mặt bàn. Người nào không biết chắc dễ nhầm tưởng bên trong chứa cuống rốn hay huy chương gì đó. Cảm giác thật kỳ quặc.
“Cháu giữ cái hộp này cho ông.” Đột nhiên ông nội buông ra một câu. “Khi ông chết, cháu hãy trộn tro cốt của ông với của bà ấy mà rải.”
“Khoan đã ông ơi!” tôi nói.
“Lấy ra một nhúm tro của ông bằng với nhúm tro trong hộp này và trộn lại với nhau. Rồi cứ rải ở bất cứ nơi nào cháu thích.” Ông lặp lại lời yêu cầu như thể đang lập di chúc vậy.
Giờ tôi mới nhận ra ý đồ của ông nội. Nếu chỉ muốn lấy trộm tro cốt, một mình ông cũng làm được. Mất công lôi thêm đứa cháu trai vào làm kẻ đồng lõa, hóa ra tất cả đều có mục đích cả.
“Cháu đã hứa với ông rồi mà,” ông nói như để chắc chắn.
“Cháu không thực hiện được lời hứa kiểu đó đâu,” tôi đáp lại ngay.
“Làm ơn thực hiện nguyện vọng của lão già này đi,” ông nói như sắp khóc đến nơi.
“Cháu không biết đâu, việc đó phiền lắm.”
“Việc đó thì có gì khó đâu nào?”
Chỉ lúc đó tôi mới nhớ là có lần cha từng phàn nàn với mẹ về sự ích kỷ của ông nội. Phải rồi, ông chỉ nghĩ đến bản thân thôi. Ông là kiểu người chỉ chú ý tới điều mình muốn chứ không hề quan tâm tới việc gây phiền hà cho người khác.
“Ông có dám chắc mình muốn giao một việc quan trọng như vậy cho cháu không?” tôi cố thuyết phục ông.
“Ông còn có thể nhờ ai được nữa chứ?” Người già thực quá ư ương ngạnh.
“Cha cháu chứ còn ai nữa,” tôi thốt lên.”Cha cháu là con trai ông mà. Hơn nữa cha sẽ là người quán xuyến tang lễ của ông với tư cách người chủ gia đình.”
“Cái thằng sỗ sàng đó làm sao mà hiểu được kiểu người như chúng ta cơ chứ!”
“Chúng ta…” Tôi thoáng lặng người.
Ông nói, “Thì ông và cháu luôn hợp nhau lắm mà.” Rồi ông tiếp tục. “Ông biết chắc chắn cháu sẽ hiểu được, thế nên hồi trước ông mới đợi Saku lớn lên chút nữa.”
Tôi có cảm giác như ý định của ông đã có từ lâu, trước cả cái hôm tôi bị dụ dỗ vì món lươn nướng. Không, có khi từ trước đó, ông nội đã luôn ngấm ngầm theo đuổi mục đích này và kiên nhẫn nuôi dạy tôi cho tới ngày hôm nay. Nghĩ kỹ lại, tôi thấy mình như cô bé Murasaki[7] trong truyện Truyền kỳ về chàng Genji.
“Đại loại thì, khi nào ông mới mất chứ?” Ngược hẳn với nội tâm đang xáo động, giọng tôi bình tĩnh lạ thường.
“Có lẽ phải chờ khi nào thời gian của ông hết thôi.” Ông trả lời, dường như không mảy may bị tác động với sự thay đổi trong giọng nói của tôi.
“Thì khi nào chứ?”
“Chính ông cũng không biết, nên ông mới nói vậy chứ. Nếu ta biết được thế thì cuộc đời có khác gì một kế hoạch đâu.”
“Vậy làm sao ông biết chắc rằng cháu sẽ ở cạnh ông khi ông mất? Lỡ đâu người ta hỏa thiêu ông lúc cháu không có mặt, thế thì làm sao cháu lấy được tro cốt của ông chứ.”
“Nếu thế thì cháu chỉ việc đào trộm mộ ông thôi, như hôm nay ông cháu ta vừa làm ấy.”
“Ông muốn cháu làm vậy lần nữa sao?”
“Xin cháu đấy,” giọng ông nghe như van nài, “cháu là người duy nhất ông có thể nhờ cậy chuyện này.”
“Nói thì thế nhưng…”
“Sakutaro à, thực sự rất khủng khiếp khi người mình yêu qua đời. Nỗi đau này, dẫu làm gì đi nữa nó cũng không thể thành hình. Có thể vì thế mà con người muốn tạo hình cho nó. Chẳng phải cũng như bài thơ ông cháu mình vừa đọc đó sao, vô cùng khó khăn khi ta phải ly biệt nhưng vẫn còn cơ hội cuối cùng để ở cạnh người đó. Xin cháu đấy, hãy biến nguyện vọng của ông và bà ấy trở thành hiện thực.”
Tôi luôn có chút nể trọng với người lớn tuổi. Nhưng thực ra, chính cụm từ “ông và bà ấy” mới là thứ khiến tôi cảm động.
“Vậy là cháu đồng ý sẽ thực hiện yêu cầu của ông?” Khuôn mặt ông như bừng sáng lên.
“Thì cháu còn có lựa chọn nào khác đâu.”
“Nhờ cháu cả đấy,” ông nói, mắt cụp xuống trong giây lát.
“Nhưng mà ‘bất cứ nơi nào cháu thích’ nghe không ổn chút nào. Ông phải dặn cháu cụ thể là ở đâu chứ.”
“Việc đó thì được.” Ông có vẻ suy tư. “Nhưng làm sao mà biết được điều gì sẽ xảy ra ở nơi đó khi ông chết đi. Giả dụ ông dặn cháu đem rải tro ở một gốc cây và mười năm sau nơi đó thành đường nhựa thì sao.”
“Nếu thế thì ông có thể chọn chỗ khác.”
Ông ngẫm nghĩ một hồi rồi nói, “Thôi, ông để cháu tự quyết định hết. Ông dựa cả vào phán đoán của cháu đấy.”
“Cháu đã nói là không được rồi mà. Hay là, ông thử nói xem địa điểm chung chung là ở đâu: núi, biển hay trên trời?”
“Hừm, có lẽ là biển.”
“Biển ạ?”
“Nhưng hãy chọn nơi nào nước sạch một chút.”
“Được rồi. Cháu sẽ tìm một vùng nước sạch và rải tro xuống đó.”
“Khoan đã, nếu là biển thì lỡ đâu sóng đánh dạt lên sẽ chia rẽ ông và bà ấy về hai hướng khác nhau thì sao.”
“Ừ, cũng có thể.”
“Vậy hãy lên núi đi.”
“Núi ạ?”
“Nơi nào đó mà bọn xây dựng sẽ không kéo đến ấy.”
“Vậy cháu sẽ tìm một nơi thật cao và vô cùng hẻo lánh.”
“Ở gần chỗ nào đó có hoa thì tốt.”
“Hoa ấy ạ?”
“Bà ấy thích hoa violet.”
Tôi khoanh tay lại nhìn ông nội chằm chằm.
“Sao thế?”
“Yêu cầu đó quá chi tiết.”
“Ồ, ông xin lỗi.” Ông đưa mắt nhìn ra xa như thể rất cô đơn. “Cháu đừng để bụng cái sự tham lam của lão già này.”
Tôi hắt ra một hơi thở rất dài, đủ mạnh để ông nghe thấy.
“Vậy là rải tro trên núi, nơi không ai qua lại và có hoa violet phải không ạ?”
“Cháu chán lắm rồi, phải không?”
“Không đâu ạ.”
“Được rồi.”
***
Hôm sau, tôi về nhà trước buổi trưa rồi gọi điện hẹn gặp Aki. Em nói chiều nay có việc mất rồi, nhưng đến chiều tối thì không sao. Vậy là chúng tôi hẹn nhau lúc năm giờ để gặp nhau chừng một tiếng.
Có một ngôi đền Shinto nằm cách đều nhà tôi và nhà Aki. Từ nhà tôi, đi dọc theo con đường ven sông chừng năm trăm mét về phía Nam, qua cầu thì sẽ thấy một cổng vòm lớn dẫn vào khu vực đền thờ. Sau cổng là một bãi đất đỗ xe bụi bặm mờ mịt, qua bãi đỗ xe là những bậc thang đá trải dài dẫn lên lưng chừng ngọn núi nhỏ. Đi hết các bậc thang đá là tới ngôi đền, từ đây có thể nhìn thấy một con đường nhỏ ở phía Đông. Con đường này chạy qua khu nhà dân vươn tới đường lớn. Đi qua đèn tín hiệu trước đồn cảnh sát, rẽ vào sâu thêm chút nữa là tới nhà Aki. Tôi thích tới chỗ hẹn sớm hơn một chút, đứng trong sân đền ngắm em đi tới. Dù chỉ trông thấy em sớm hơn một chút thôi, tôi cũng vui lắm rồi.
Aki không biết tôi đang quan sát, người em hơi nghiêng về phía trước đạp xe. Sau khi xuống xe ở đường lên núi phía Đông, em từ từ chạy lên núi trên những bậc thang hẹp, khác với con đường tôi leo lên khi nãy.
“Xin lỗi, mình đến trễ,” em thở hổn hển nói.
“Việc gì phải chạy thế.”
“Chúng mình không có nhiều thời gian mà,” em thở dài nói.
“Aki có việc gì à?” tôi nhìn đồng hồ và hỏi.
“Không, chỉ đi tắm rồi ăn tối thôi.”
“Vậy bọn mình còn ối thời gian.”
“Nhưng trời sẽ tối mất.”
“Thế định sẽ làm gì nào?”
“Chịu.” Aki cười cười. “Saku-chan mới là người đòi gặp nhau cơ mà.”
“Sẽ không mất nhiều thời gian đâu.”
“Vậy là mình không phải cuống lên đúng không?”
“Ừ, mình đã bảo rồi mà.”
“Thì cứ ngồi xuống đi đã.”
Chúng tôi ngồi xuống bậc đá trên cùng phía Aki leo lên. Phố xá trải rộng trước mắt hai đứa. Hương hoa quế không biết từ đâu phảng phất trong cơn gió nhẹ.
“Vậy có chuyện gì nào?”
“Trời đằng Đông đã tối rồi kìa.”
“Hả?”
“Tối nay chúng mình xem UFO nhé.”
“Có chuyện gì nào?”
“Đây.”
Tôi rút chiếc hộp nhỏ bằng gỗ khỏi túi áo khoác. Để nắp hộ khỏi bung ra, tôi buộc một sợi dây chun dày xung quanh. Dường như đoán được bên trong chứa thứ gì, Aki khẽ rụt người lại.
“Bạn lấy được rồi à?”
Tôi không nói gì mà chỉ gật đầu.
“Khi nào?”
“Đêm qua.”
Tôi tháo dây chun ra, nhẹ hàng nhấc nắp hộp lên. Dưới đáy hộp có một dúm tro cốt màu trắng. Aki khẽ liếc mắt nhìn vào trong.
“Hơi ít nhỉ.”
“Ông mình tự dưng khách khí, chỉ lấy có chừng đó thôi. Chẳng hiểu do xấu hổ hay là sợ hãi nữa.”
Để ngoài tai những điều tôi nói, Aki hỏi, “Thứ quan trọng như vậy sao lại đưa cho bạn giữ?”
“Thì để bảo quản. Sau khi ông nội qua đời, tớ sẽ trộn tro cốt hai người họ lại với nhau rồi rải ở đâu đó.”
“Đó kiểu như một lời trăn trối đúng không?”
“Đại loại thế.”
Rồi tôi đọc cho Aki nghe bài thơ “Cát sinh” kia.
“Ý là sau khi chết muốn được đồng huyệt ấy.”
“Đồng huyệt?”
Chính là chết rồi được chôn chung một ngôi mộ ấy mà. Nếu không nghĩ rằng một ngày nào đó hai người sẽ lại được ở bên nhau thì ta sẽ không thể chịu đựng nổi khi mất người yêu. Ông nội nói, cảm xúc này có lẽ ngàn đời cũng không bao giờ thay đổi”.
“Nhưng ông bạn và người đó đâu có được chôn cùng nhau đâu?”
“À, chuyện đó không thể được là vì cả hai đều đã kết hôn với người khác mất rồi. Có lẽ vì thế ông nội mới nghĩ ra chuyện này. Phiền hà hết sức.”
“Cảm động đấy chứ.”
“Nếu muốn ở cạnh bà ấy đến thế, đáng ra ông chỉ cần nuốt đống tro ấy vào bụng là xong.”
“Ăn tro cốt á?”
“Ừ, nhiều canxi lắm.”
Aki khúc khích cười.
“Nếu mình chết thì Saku-chan có ăn tro cốt của mình không?”
“Mình cũng muốn lắm.”
“Không được!”
“Có phản đối cũng vậy thôi, người chết rồi thì làm được gì chứ. Mình sẽ đi trộm mộ như đêm hôm qua, đem tro cốt của Aki về rồi mỗi đêm ăn một chút. Nhiều dinh dưỡng lắm đấy.”
Aki cười phá lên. Một lúc sau em ngừng cười, “Mình cũng muốn tro cốt của mình được rải khắp nơi nào đó. Nơi nào đó vô cùng đẹp.” Em nói với ánh nhìn xa xăm. “Chôn trong mộ thì vừa tối lại ẩm ướt.”
“Đừng có nói cụ thể như vậy chứ.”
Thay vì cùng nhau cười, hai đứa chỉ im lặng. Chúng tôi ngẩn ra nhìn nhúm tro cốt trong hộp.
“Có thấy ghê không?”
“Không.” Em lắc đầu. “Chẳng ghê tí nào.”
“Ban đầu chẳng muốn giữ cái hộp này đâu, nhưng khi cùng Aki ngắm nó, mình lại thấy rất dễ chịu.”
“Mình cũng vậy.”
“Kỳ quặc nhỉ.”
Mặt trời khuất bóng, cảnh vật dần tối. Thấy một người đàn ông mặc bộ hakama trắng đang bước lên bậc thang, hình như là tu sĩ ở đền, hai đứa liền cất tiếng, “Chào thầy ạ.” Ông cũng cất giọng ồ ề đáp lại, “Chào các con.”
“Các con đang làm gì thế?” ông mỉm cười hỏi.
“Có gì đâu ạ,” tôi đáp.
“Đậy nắp hộp lại đi,” Aki nói sau khi tu sĩ vừa đi khuất.
Tôi đóng nắp, chằng dây cao su lại và nhét chiếc hộp vào túi áo khoác. Aki nhìn giây lát vào chỗ áo bị cái hộp làm phồng lên rồi lại ngước nhìn lên bầu trời.
“Sao lên rồi kìa,” em nói. “Bạn có nghĩ càng ngày trông chúng càng đẹp hơn không?”
“Tại khí CFC đấy. Tầng ô zôn đang bị tàn phá, tầng khí quyển trở nên mỏng hơn nên trông các ngôi sao cũng có vẻ sáng hơn.”
“Thật sao?”
Hai đứa lặng lẽ ngắm bầu trời sao một lúc.
“Hôm nay chẳng có UFO rồi,” tôi nói.
Aki cười bẽn lẽn.
“Muốn về nhà chưa?”
“Ừ,” em khẽ gật đầu.
Đúng vào khoảnh khắc tia sáng cuối cùng biến mất khỏi bầu trời, hai đứa chúng tôi hôn nhau. Bốn mắt nhìn nhau, một thứ cảm xúc vô hình cùng dâng lên, trước khi kịp nhận ra, môi hai đứa đã chạm vào nhau rồi. Đôi môi của Aki mang mùi hương của lá rụng. Cũng có lẽ mùi hương ấy là do vị tu sĩ vừa đốt đám lá rụng ở sân đền. Aki đặt tay lên túi áo khoác nơi tôi đựng chiếc hộp gỗ và áp mạnh môi vào môi tôi. Mùi lá rụng mỗi lúc một nồng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top