phần 2 Gió Tây
LỜI TỰA
Cố Tiểu Mộng! Cố Tiểu Mộng!
Bà Cố y hệt như Lão Quỷ hiện ra thật thần kỳ, khiến cho bản thảo của tôi khó có thể kết thúc ‐ kết thúc lại quyay về bắt đầu.
Đây là một khoảng thời gian với những trải nghiệm không hề vui vẻ. Đó là trước Tết năm nay, khi bản thảo cuốn Tân lắng nghe trong gió của tôi đang trong giai đoạn gấp rút chỉnh sửa và phát hành, một buổi chiều A Bưu, người phụ trách biên tập bất ngờ gọi điện cho tôi, buồn bã bảo sách của tôi không xuất bản được. Tôi hỏi tại sao, anh ấy nói có người chỉ trích tôi cố tình ác ý bóp méo sự thật lịch sử, đánh lộ con đen, bôi nhọ hình tượng của người trong truyện. Tôi muốn hài hước một chút, nói với anh ấy: “Việc này giống như cai thuốc lá ấy mà, tôi đã trải qua nhiều rồi”. A Bưu quả thật không nhận ra được ý tứ đùa vui của tôi để có thể thoải mái, nhẹ nhõm hơn, mà lo lắng nói với tôi: “Lần này khác, bên kia họ kiên quyết lắm, nếu chúng ta cứ tự ý xuất bản, họ sẽ kiện chúng ta (tôi và nhà xuất bản) ra tòa đấy”. Tôi hỏi họ là ai, A Bưu bảo là một ông họ X. Tôi bảo trong bản thảo của tôi không có nhân vật nào họ X cả. A Bưu bảo chính là con cháu của Cố Tiểu Mộng. Đầu tôi như phình to ra, bởi vì trong bản thảo đây là chỗ hở sườn của tôi: Không đến thăm được Cố Tiểu Mộng. Tôi từng nghĩ bà ấy ở Đài Loan chắc không thể xem được sách, sao biết được chưa xuất bản chứ, rõ ràng bà ấy đã đọc trước.
Chuyện gì vậy chứ?
Hóa ra, tôi đã vô tình kể với A Bưu về chuyện của Cố Tiểu Mộng và con cái của bà ấy, (có một người con trai là tỷ phú X tiếng tăm lừng lẫy ở Trung Quốc), Giám đốc nhà xuất bản của A Bưu sau khi biết chuyện rất nhạy cảm, yêu cầu A Bưu lấy bản thảo tác phẩm của tôi làm chủ đề lựa chọn trọng điểm báo cáo lên cơ quan hữu quan cấp trên thẩm duyệt. Đồng chí phụ trách thẩm duyệt thấy con trai tỷ phú của Cố Tiểu Mộng là Ủy viên Hội nghị Chính trị hiệp thương toàn quốc[1], có quan hệ khá rộng rãi với lãnh đạo cấp cao, cẩn thận in thử bản thảo, lòng vòng chuyển tới tay Cố Tiểu Mộng, hy vọng bà xem qua và cho ý kiến. Ý kiến của bà Cố là như thế này: Không thể xuất bản, nếu muốn xuất bản thì hãy ra tòa.
[1] Gọi tắt là Chính hiệp.
Hai mắt tôi tối sầm… từ khi lấy tư liệu cho tới khi viết xong, chỉ vì cuốn sách cỏn con này đã giày vò tôi đủ ba năm, kết cục bi tráng khiến tôi nghĩ tới một câu nói kinh điển trong những cuộc tranh tài: Ngã ở gần điểm kết thúc nhất. Còn thê thảm hơn cả Lý Ninh Ngọc! Lý Ninh Ngọc tuy phải trả giá bằng cả tính mạng quý báu của mình, nhưng bà ấy là người chiến thắng ‐ sống phải vẻ vang, chết anh hùng. Tôi vất vả ba năm trời, chỉ đổi lại được một câu: uổng công vô ích. Bỗng nhiên tôi buột miệng chửi thề như bọn trẻ: Mẹ nó!
Đừng kích động, kích động là ma quỷ. Kích động sẽ làm giảm chỉ số IQ. Tôi tự an ủi bản thân, cần phải tâm bình hòa khí, cần phải yêu thương, phải hiểu biết. Thế là, tôi thành khẩn viết một lá thư, nhờ đồng chí phụ trách thẩm duyệt gửi giúp cho Cố Tiểu Mộng ‐ tôi nghĩ, anh ấy có thể đưa bản thảo sách của tôi tới chỗ bà Cố, nhất định cũng có thể chuyển được lá thư của tôi.
Một tháng. Hai tháng. Ba tháng…
Khi tôi đang tuyệt vọng, một ngày (trong thời gian diễn ra “lưỡng hội”[2] tôi bất ngờ nhận được một cuộc điện thoại của một người lạ, tự xưng là con gái Cố Tiểu Mộng, đã xem bản thảo sách của tôi, có một số điều muốn nói với tôi. Nói thật, cô ấy không có ác ý chỉ trích tôi, thậm chí đánh giá cao nửa đầu tác phẩm của tôi, chỉ nhấn mạnh nửa sau sai sự thật một cách nghiêm trọng. Cuối cùng, cô ấy bảo mẹ cô muốn gặp tôi, hy vọng tôi có thể tới Đài Loan. Có lẽ sợ tôi không đi, trong điện thoại cô ấy khéo léo bảo với tôi, cô ấy vừa được bầu là ủy viên Chính hiệp toàn quốc, hiện đang tham dự hội nghị tại Bắc Kinh, buổi sáng các vị lãnh đạo… vừa tiếp cô ấy. Hàm ý là tôi phải coi trọng yêu cầu của cô và mẹ cô. Thật không ngờ, đây chính là điều mà trong mơ tôi vẫn kiếm tìm.
[2] Hội nghị Đại biểu Nhân dân toàn quốc ‐ và Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc.
Sự việc cuối cùng cũng đã có chiều hướng tốt.
Thế là tôi tới Đài Loan với cách nhanh nhất có thể, tới chào bà Cố.
Hơn nửa thế kỷ đi qua, vẻ đẹp xưa đã không còn tìm thấy trên khuôn mặt của bà Cố. Bà đã già, tám sáu tuổi rồi, dường như đã thay đổi tất cả: mái tóc bạc lưa thưa, hàm răng giả khá đều, mắt đã mờ, ánh mắt không còn tinh tường nữa… Nhưng khi bà cất giọng nói, lập tức khiến tôi liên hệ bà với Cố Tiểu Mộng. Bà nói chuyện rất dứt khoát, rõ ràng, mang hơi hướng của kẻ mạnh. Câu đầu tiên bà nói với tôi là một câu chất vấn thẳng thừng:
“Tại sao cậu lại phải đổi trắng thay đen, cố tình tâng bốc Lý Ninh Ngọc, mà viết tôi là Hán gian!”. Lời lẽ đanh thép, tức giận đùng đùng, tuyệt nhiên không hề có sự hiền lành cần có của một cụ già.
Tôi muốn giải thích, nhưng vừa định mở miệng thì lại bị bà giơ tay ngắt lời. Hiển nhiên bà đã dồn nén rất nhiều điều muốn nói, mà hình như trong bụng đã nói trước nhiều lần rồi, hễ cứ nói là giống như mở máy ghi âm, âm thanh phát ra lanh lảnh, không ngừng xối vào tai, câu sau nối tiếp câu trước, không dễ để tôi nói chen vào. Tôi ngạc nhiên trước khả năng ăn nói và suy nghĩ vô cùng mạch lạc của bà, một người cao tuổi như vậy, âm thanh, ngữ khí, cũng như sự chau chuốt trong từng câu không hề thua kém tôi. Ít nhất cũng phải giảm đi cho bà 30 tuổi! Tôi nghĩ. Bà nói một mạch với tôi rằng:
“Tuy cậu nói là viết tiểu thuyết, nhưng ai cũng có thể nhận ra, cậu chính là nói chuyện này, là những con người này, chính là tôi và Lý Ninh Ngọc. Là tôi, nhưng không phải là con người thật của tôi! Cậu thử hỏi Lý Ninh Ngọc ở cửu tuyền xem, tôi có phải như vậy không? Sự thật hoàn toàn không phải như những gì cậu viết, tin tình báo đó căn bản không phải do Lý Ninh Ngọc chuyển ra ngoài, mà là tôi! Cậu có biết không?”
Là bà?
Cậu có tin không? Tôi không tin.
Sự không tin của tôi tuy không nói ra, nhưng nó lại được thể hiện rõ trên mặt.
“Cậu không tin đúng không?” Bà Cố nhận ra sự hoài nghi của tôi, “Cậu nghĩ là tôi muốn cướp công à? Tôi muốn cướp công mà lại tới Đài Loan sao? Phải ở lại Đại lục làm anh hùng mới đúng chứ. Tôi không cần công lao, tôi chỉ cần sự thật, tin tức tình báo ấy là do tôi chuyển ra ngoài, đây là sự thật, tôi không cho phép các cậu đổi trắng thay đen!”. Bà Cố lại nã về phía tôi một loạt đạn pháo: “Nói cho tôi biết, anh bạn trẻ, tại sao cậu lại vu cáo tôi như vậy? Là ai đã để cho cậu nói như vậy? Có phải là lão già họ Phan chưa chịu chết kia không?”.
Người bà Cố chỉ là cụ Phan, tôi không dám phủ nhận.
Thấy tôi gật đầu, bà Cố hừ một tiếng, tức giận nói: “Cái lão già đáng ghét, tôi đoán ngay là lão mà! Lão muốn gán mọi chuyện tốt đẹp cho Lý Ninh Ngọc, còn vàng thì dán lên mặt mình! Lão vẽ người nhà mình thành đại anh hùng hết, còn những người khác đều là Hán gian, tay sai. Bỉ ổi! Vô liêm sỉ! Lão Phan kia, tôi vẫn còn chưa chết, lão đã dám nói xằng nói bậy như vậy, tôi sẽ kêu trời trừng phạt lão! Lão là một tên lừa bịp, kẻ dối trá!”.
Tâm trạng của bà Cố mỗi lúc càng tức giận hơn, trong lời nói chốc chốc lại chêm vào những câu từ thô tục chửi rủa và những câu từ cảm thán khó nghe. May mà con gái bà cũng có mặt, kịp thời khuyên can bà, cứ cói là làm nguôi đi sự phẫn nộ của bà. Sau khi bình tĩnh lại, bà Cố mang bản thảo cuốn tiểu thuyết của tôi ra, quăng xuống trước mặt tôi, vẫn hậm hực chất vấn tôi:
“Cậu thấy mình đã cân nhắc kỹ khi viết những điều này chưa? Cậu đã từng nghĩ chưa, tình hình lúc đó, Kawa Hihara có thể để thi thể Lý Ninh Ngọc được đưa ra ngoài sao? Để bắt Lão Quỷ, hắn sẵn sàng giam tất cả những người còn sống như chúng tôi, cớ gì mà lại rủ lòng từ bi với một cái xác chết? Cứ cho là Lý Ninh Ngọc lấy cái chết làm chứng, để Kawa Hihara tin bà ấy không phải là Lão Quỷ, trong hoàn cảnh đó cũng không thể mang thi thể ra ngoài được. Tại sao chứ? Không có thời gian! Buổi tối phải đi bắt người, ai còn tư tưởng đâu để làm chuyện này nữa chứ? Chỉ là một xác chết thôi mà, bỏ lại một ngày cũng có gì căng thẳng đâu? Đằng này, cậu đã viết đấy thôi, Kawa Hihara còn lục soát thi thể Lý Ninh Ngọc, sao lại phải lục soát? Chính là vì không tin, ít nhất cũng là không hoàn toàn tin tưởng. Đã không tin, tại sao lại mang thi thể ra ngoài? Lẽ nào không mang ra ngoài, Kawa Hihara cầm chắc sẽ bị kiện?”
“Điều này…”, tôi cẩn thận nói chầm chậm, “Lục soát, phát hiện trên người Lý Ninh Ngọc không giấu tin tức tình báo…”.
“Sau đó thì tin chứ?” Bà Cố cười nhạt, “Kiểm tra lục soát gì? Là chuyện lục soát như cậu viết à? Lục soát kiểu như vậy có thể chứng minh trên người Lý Ninh Ngọc không giấu tin tức tình báo gì sao? Trò hề! Trên người bà ấy nơi có thể giấu tin tức tình báo vô thiên lủng, trong bụng, trong tử cung, chỗ nào mà chả giấu được chứ. Nếu muốn lục soát đến cùng thì phải mổ bụng, không mất một ngày, thực ra là không thể lục soát hết được! Đã không kiểm tra đến cùng thì không thể tin tưởng hoàn toàn được, sau đó cậu nghĩ lại xem, cậu là một nhà văn, đáng ra phải có khả năng phán đoán chứ, đã không tin bà ấy hoàn toàn rồi, sao có thể đưa thi thể bà ấy ra ngoài được? Ngộ nhỡ bà ấy chính là Lão Quỷ thì sao? Trong tình huống một cuộc họp quan trọng sắp được triệu tập, mọi người đều rất cẩn thận, chỉ cần hơi có chút động tĩnh là đều có thể thay đổi kế hoạch. Nếu theo như cậu viết, cần bức tranh đó làm gì? Không cần thiết, chỉ cần mang thi thể ra ngoài, thì chẳng còn cần gì khác nữa. Tôi dám chắc, các đồng chí của Lý Ninh Ngọc ở bên ngoài chỉ cần nhìn thấy thi thể của bà ấy, cho dù là di ngôn bà ấy nói gì, chết do bệnh cũng được, chết do tai nạn xe cộ cũng được, cuộc họp đó nhất định phải hủy. Cậu không nghĩ thử xem, một người sống sờ sờ ra đấy, đột ngột chết trong lúc nhạy cảm như vậy, chẳng lẽ cậu không hề có chút cảnh giác nào sao? Chỉ cần có một chút cảnh giác, thì cuộc họp sẽ không thể diễn ra, sẽ phải hủy bỏ, nhất thiết hủy bỏ! Cho dù sợ nhầm cũng phải hủy, đây chính là công tác bí mật”.
Những lời bà Cố kể đã lay động tôi.
Những cơn lay động liên tiếp và dồn dập. Sau đó mấy ngày, bà Cố hẹn tôi tới căn biệt thự của bà ở vùng quê (cách thành phố Đài Bắc khoảng 80km, có những bằng chứng quý giá được cất giấu ở đó), để tiến hành một cuộc tìm hiểu rõ ngọn ngành. Suy cho cùng, tuổi tác cũng không tha cho một ai, mỗi lần bà chỉ có thể nói chuyện với tôi được một tiếng rưỡi đồng hồ, thi thoảng bà Cố phải ngả lưng trên chiếc chõng quý phi màu hạnh nhân, có lúc thì ngồi dựa vào chiếc ghế mây dài màu nâu sẫm, lúc khẳng khái mạnh mẽ, lúc dịu dàng chầm chậm, đưa tôi trở về với thế giới của năm 1966 mà tôi tự thấy mình rất đỗi quen thuộc. Nhưng giống như lời bà Cố nói: Thực ra điều tôi biết được không nhiều bằng những điều bị che giấu… Bây giờ, tôi quyết định viết lại câu chuyện này, chỉ là không biết liệu còn có người đến chỉ trích tôi không tôn trọng lịch sử nữa không. Có lúc, tôi thật không biết, cuối cùng thì lịch sử như thế nào mới là chân thực nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top