CHƯƠNG SÁU


Ngày phỏng vấn cuối cùng là một ngày đặc biệt, hôm ấy rơi đúng vào ngày giải mật của cơ quan bà Cố làm việc trước đây. Con gái bà bảo tôi, những người như mẹ cô ấy, khi rời cơ quan, tất cả những thứ có chữ, bao gồm cả nhật ký hàng ngày đều phải nộp lên trên, do cơ quan bảo quản, cho đến một ngày thời hạn bảo mật của những thứ này đã hết, mới đem trả lại cho chủ nhân. Từ những năm tám mươi của thế kỷ trước đến nay, mỗi năm đều có một ngày như thế: Ngày giải mật. Mỗi khi đến ngày này, cô đều thay mẹ đến cơ quan xem có thứ gì của mẹ cô được giải mật không. Sáng hôm nay cũng vậy, cô đến cơ quan và giúp mẹ mang về một ít đồ, khi cô đem đồ đến cho mẹ, tôi vẫn còn ở đó nên may mắn được xem.

Đồ vật được gói bằng một tấm vải nhung màu xanh lam, chắc là quan trọng. Bởi vì đã giải mật, bà Cố mở ra xem ngay trước mặt tôi, chỉ là một cái khung ảnh và mấy bức thư gì đó. Trong ảnh là một người đàn ông, tuổi chừng ngoài sáu mươi, đeo kính gọng vàng, xem ra có vẻ là người khá danh giá.

Bà vừa nhìn thấy khung ảnh, lẩm bẩm nói một mình: “Xem ra có lẽ là ông ấy đã đi rồi.”

Con gái bà Cố gật gật đầu.

Bà Cố bảo: “Ông ấy kém tôi mười một tuổi đấy”.

Cô con gái nói: “Chú ấy mắc bệnh chết mẹ ạ”. Bà Cố lắc đầu: “Dù gì cũng đã mất rồi, như vậy tốt hơn, đều đã đi cả rồi, chỉ còn lại mình tôi”. Nói đoạn bà Cố run run đứng dậy, toan bước lên lầu.

Cô con gái dường như đoán biết được mẹ mình lên lầu sẽ không xuống nữa, hỏi tôi đã phỏng vấn xong chưa. Tôi bảo vẫn chưa xong, còn một vài vấn đề nhỏ nữa. Bà Cố nghe thấy, quay xuống xua tay bảo với tôi: “Xong rồi, tôi đã nói đủ nhiều rồi, giờ tôi hối hận là đã nói với cậu nhiều như thế. Kết thúc rồi, tất cả đã kết thúc rồi, cuộc phỏng vấn của cậu cũng nên kết thúc được rồi, đừng tới quấy rầy tôi nữa. Đi đi, con gái tôi sẽ sắp xếp để cậu về”.

Bà cố tình không nói tạm biệt với tôi, chỉ bảo tôi đi đường may mắn. Tôi nghĩ, sự thận trọng không cần thiết ấy nên coi là bệnh nghề nghiệp của bà Cố.

* * *
Nghề nghiệp của tôi mặc định cho tôi cái chất chơi bời lêu lổng, thích nay đây mai đó. Tôi lớn lên ở vùng duyên hải tỉnh Chiết Giang, sinh ra trong những năm sáu mươi, hồi nhỏ, chỉ cần trên bầu trời đêm có vệt đèn sáng khác lạ, chúng tôi đều tưởng tượng chúng là máy bay của Đài Loan đang thả đặc vụ xuống. Trung Quốc có nhiều tỉnh thành như vậy, Đài Loan là tỉnh ngoài đầu tiên mà tôi biết đến, biết đến trước cả Bắc Kinh và Thượng Hải. Khi ấy tôi nghĩ Đài Loan ở rất gần, cảm giác chỉ như ở sườn núi bên kia, lớn lên nhất định sẽ phải tới thăm. Nhưng đối với thế hệ như chúng tôi, thực ra cách thế giới rất gần, nhưng cách Đài Loan rất xa, anh có thể dễ dàng đi Mỹ, đi Achentina hay đi Úc, nhưng không chắc đã đi được Đài Loan, dù đó chỉ là một tỉnh của Trung Quốc. Một nơi khó khăn lắm mới đến được như vậy, cho nên đã đến rồi thì phải ở lại chơi bời cho thỏa, tôi đã đăng ký tour du lịch năm ngày: Đài Bắc, Cao Hùng, Tân Trúc, Đào Viên, A Lý Sơn, Lục Đảo… đi đến nơi nào, phong cảnh đẹp nhất nơi ấy cũng xua tan được giọng nói và hình ảnh của bà Cố, mới chơi được hai ngày, trong máy tính của tôi đã có năm câu hỏi lớn và một số câu hỏi nhỏ. Năm câu hỏi lớn là:

(1) Ba Ba làm thế nào để chuyển tin tình báo cho tổ chức? Khi ấy ông đã bị kẻ thù theo dõi hai tư trên hai tư, hơn nữa mọi việc bắt đầu từ cái đêm ông chuyển tin tình báo cho Lão Hán thì bị kẻ thù chặn lại, vậy thì lần này chuyển tin tình báo đi dựa vào đâu để bảo đảm không bị kẻ thù chặn lại nữa?

(2) Bà Cố mấy lần nhắc đến, khi bà phát hiện ra Lý Ninh Ngọc dùng nét chữ của mình để chuyển tin tình báo, bà vô cùng hận Lý Ninh Ngọc, sau đó lại quyết định không tố cáo Lý Ninh Ngọc, đồng thời giúp Lý Ninh Ngọc đặt ba vỏ thuốc trở lại vị trí cũ là vì sợ bị bà ấy phản lại, nhưng cuối cùng Lý Ninh Ngọc chết rồi, thực ra là đã không thể phản lại bà được nữa, thì thì tại sao bà vẫn giúp?

(3) Sau sự kiện này, Kawa Hihara đã đưa tất cả những người bị giam lỏng ở Cầu trang, kể cả Tư lệnh Trương đi đâu? Những người ấy sau đó đều không rõ tung tích, là xảy ra chuyện gì vậy? Họ còn sống hay đã chết?

(4) Rốt cuộc ai đã giết Kawa Hihara?

(5) Tại sao tâm tư của bà Cố đối với ông Phan lại mạnh mẽ như vậy? Phải chăng trước đây đã từng có điều gì thái quá?

Những câu hỏi ấy như cơn nghiền thuốc phiện cứ quấn chặt lấy tôi, khiến tôi không còn tâm trí để ngắm cảnh, chỉ muốn gặp được bà Cố. Đã mấy lần liên hệ đều bị từ chối, song tôi vẫn không bỏ cuộc, chỉ mong gặp may và quyết tâm. Sang đến ngày thứ tư, khi đã thất vọng tràn trề, tôi quyết định bắt taxi tự tìm đến, như con nghiện lên cơn, không cần để ý đến tình hay lý, bất chấp tất cả. Bà Cố đang nằm hóng mát trong vườn, thấy tôi không hẹn mà đến, ngạc nhiên quá đỗi khiến bà không có đủ tâm trí để có biện pháp hữu hiệu đối với tôi ‐ xua đuổi, bà như bao người già bình thường khác, lắc đầu than thở, lẩm bẩm trách mắng, nhìn t càng giống như là đang cầu xin một sự giúp đỡ. Tôi không xin lỗi, bởi vì tôi biết xin lỗi sẽ đánh thức tâm trí bà, điều đó không có lợi cho tôi. Tôi sử dụng tiểu xảo, tranh lời nói trước:

“Tôi không mời mà đến là vì tôi thấy câu chuyện bà kể có một số chỗ không ổn.”

“Sao có thể thế được?” Chiêu này quả nhiên hiệu nghiệm, bà Cố xuất chiêu bằng cách giải thích biện hộ: “Những gì tôi nói đều là sự thật”.

Thứ tôi cần chính là sự biện hộ của bà ‐ một sự mở đầu tốt đẹp báo hiệu chuyến đi này của tôi không vô ích.

Quả nhiên, bà Cố rất quan tâm đến câu hỏi tôi đưa ra, dường như với mỗi vấn đề lớn nhỏ đều trả lời rất nghiêm túc. Vấn đề lớn cuối cùng, chính là vấn đề tâm trạng của bà đối với ông Phan, bà tỏ ra rất không kiên nhẫn, ném cho tôi một câu: “Cậu đừng nhắc tới ông ta, nhắc đến là tôi thấy phiền lòng!”.

Tôi cảm thấy như trước đây hai người nhất định có gì đó mâu thuẫn, nhưng tôi không thể tưởng tượng ra được, là chuyện gì mà khiến cho một bà cụ già vẫn kiên quyết không thể mở lòng đến vậy? Tôi đã ở tuổi trung niên, đã ngày càng tin hơn câu nói của một nhà triết học: Thời gian có thể ăn mòn màu sắc của tất cả mọi người trên thế gian tạo ra, bao gồm tình yêu và lòng hận thù sâu sắc nhất, kinh điển nhất. Có thể tôi mượn lời của nhà triết học sẽ khiến bà lung lay, trút hết mọi tâm sự trong lòng. Nhưng quả thực tôi không đành lòng, xét ở một góc độ nào đó, tôi thấy đã mãn nguyện lắm rồi, xét ở một góc độ khác, một số thứ phơi bày ra hết không tốt hơn lúc còn phong kín.

* * *
Tất nhiên, cũng có những thứ cần phải được phơi bày sáng tỏ, ví dụ như vấn đề một và hai.

Đối với câu hỏi một, bà Cố thực ra không phải là người trong cuộc, may là sau này bà có vào nhà giam gặp Ba Ba, ít nhiều cũng có hiểu được tình hình. Bà kể lại, tối hôm ấy, Kawa Hihara không bắt được Lão K và đồng bọn, nhận định trong bọn họ (những người còn lại) có đồng bọn của Lão Quỷ. Thế là, quay về bắt Ba Ba chịu tội, tra khảo suốt đêm, muốn chính từ miệng Ba Ba khai ra ai là đồng bọn của Lão Quỷ. Nhưng Ba Ba thà chết chứ không khai, cho nên Kawa Hihara đến chết cũng không biết được ngọn ngành. Sau đó, Kawa Hihara bỏ đi, Ba Ba vẫn bị nhốt trong nhà giam, một hôm bà Cố lén lút đi thăm Ba Ba, khi ấy những ngày còn sống của Ba Ba đã không còn nhiều. Chính từ lần gặp ấy, bà Cố biết được không ít chuyện từ Ba Ba, gồm cả chuyện Ba Ba đã chuyển tin tình báo ra ngoài như thế nào.

“Ba Ba nói với tôi, gặp trường hợp có tin tình báo khẩn cấp bất ngờ gửi cho ông ấy, nhất định phải xem ngay, nắm bắt nội dung, sau đó căn cứ vào độ khẩn cấp của tin để đưa ra cách xử lý, phương thức xử lý khẩn cấp nhất là đến bưu điện trực tiếp gọi điện thoại cho trên tổ chức.” Bà Cố giải thích, “Như vậy tất nhiên là mạo hiểm, bởi vì như thế có khả năng kẻ thù biết được điện thoại của tổ chức. Nhưng đôi khi có những chuyện cần mạo hiểm thì vẫn phải mạo hiểm, chẳng có cách nào khác, làm nghề tình báo như chúng tôi vốn đã là mạo hiểm rồi, đầu óc lúc nào cũng luôn tỉnh táo. Ba Ba bảo sau đó ông ấy gọi điện thoại thông báo với tổ chức, bởi vì quá gấp, các phương thức khác đều không được, chỉ còn cách mạo hiểm. Lần mạo hiểm ấy của ông hóa ra lại hay, bởi vì kẻ thù không thể theo sát kè kè bên cạnh ông ấy được, phải luôn giữ khoảng cách nhất định, cho dù nhìn thấy ông ấy đang gọi điện thoại, cũng không biết được ông ấy đang nói gì. Tin tình báo vì thế mà được chuyển đi, Lý Ninh Ngọc coi như là đã chết không vô ích”.

Tôi nhanh chóng đưa ra câu hỏi hai. Bà Cố vừa nghe xong, tâm trạng thay đổi ngay, bùi ngùi, thương cảm vô cùng. Sau đó nói liền một mạch, mặc dù không nhịn được nghẹn ngào, khiến tôi vô cùng bối rối. Tiếng nghẹn ngào của một người già ở tuổi xưa nay hiếm, khiến trời xanh cũng phải động lòng… Dùng khăn ấm lau mặt xong, uống một ngụm nước ấm, bà Cố mới bình tĩnh lại được, một lần nữa nhớ lại chuyện xảy ra trong nhà vệ sinh tối hôm ấy. Bà Cố kể, tối hôm ấy Lý Ninh Ngọc quỳ dưới đất giao ba vỏ thuốc cho bà, quỳ xuống rồi không đứng lên nữa.

“Bà ấy muốn tôi thề với bà ấy rằng nhất định phải giúp bà ấy đưa vỏ thuốc cho Ba Ba, nếu không bà ấy không chịu đứng lên.” Bà Cố không ngừng lắc đầu như đang quay lại cảnh tượng của tối hôm ấy, nhìn Lý Ninh Ngọc đang quỳ trước mặt bà. “Tôi kéo bà ấy đứng dậy, bà ấy lại quỳ xuống, cứ như vậy không biết bao nhiêu lần. Tôi vốn định không chịu thề với bà ấy, dựa vào đâu, cô cầu xin tôi giúp đỡ lại còn bắt tôi phải thề, làm gì có chuyện vô lý như thế?

Nhưng bà ấy cứ kiên quyết như vậy, quỳ dập hết lần này đến lần khác, cuối cùng đầu gối xây xát, máu chảy đầm đìa. Tôi không nhẫn tâm nhìn tiếp, đành đồng ý, thề với bà ấy. Cậu nói xem, tại sao bà ấy cứ phải như thế, kiên quyết như thế? Bởi vì bà ấy biết rõ trong bối cảnh này không thể đe dọa tôi được nữa, chỉ có thể cảm hóa tôi, chiếm được tình cảm của tôi, mới có được sự giúp đỡ của tôi. Nói một câu thật lòng thế này, sau đó tôi có do dự nên giúp hay không giúp bà ấy, dù gì thì việc này cũng nguy hiểm, nhưng cứ mỗi khi do dự là tôi lại nghĩ đến hình ảnh bà ấy quỳ trước mặt tôi không chịu đứng dậy, cái dáng trên mặt thì nước mắt đầm đìa, dưới ống quần máu thấm ướt sũng, thật đáng thương! Trái tim con người cũng là máu thịt, có một số chuyện là như thế đấy, chỉ một ý nghĩ mà thành, cuối cùng tôi có thể chiến thắng sự hận thù và nỗi sợ hãi đối với bà ấy, sự đồng tình và lòng thương là rất quan trọng.”

Là thông cảm, là lòng thương, không phải là giác ngộ. Không phải cố tình đề cao mình, tôi không có lí do để không tin phục.

Đối với vấn đề thứ ba, bà Cố bảo tôi, sau sự việc này, đúng là Kawa Hihara có đưa bà và những người còn lại trong bọn họ đi, bởi vì đến phút chót hắn vẫn không biết ai là đồng bọn của Lão Quỷ, chỉ còn cách đem người đi, đến Thượng Hải để tra khảo. Sau khi đến Thượng Hải, bà và đám người bọn họ tách ra, bà cũng không biết bọn họ được đưa đi đâu. Sau này chỉ có bà và Vương Điền Hương được đưa trở lại doanh trại, tung tích của những người khác đều không ai biết. “Theo phán đoán, bọn họ chắc cũng không có kết cục gì tốt đẹp, cho dù không phải là chết, cũng là sống chẳng bằng chết.”

Chỉ còn lại một vấn đề cuối cùng: Là ai đã giết Kawa Hihara? Với thắc mắc này, bà Cố không hề khiêm tốn bảo tôi là do chính bà giết, đồng thời nói với tôi về thời gian, địa điểm, người thực hiện, phương thức, các tình tiết giết Kawa Hihara một cách rành rọt, có đầu có cuối, đủ thấy không phải là hư cấu. Nói tóm lại là bà Cố đã bỏ ra bốn nén vàng thuê hai sát thủ chuyên nghiệp trong xã hội đen để giết Kawa Hihara, theo yêu cầu, sát thủ chặt Kawa Hihara ra thành ba phần, vứt ngoài đường phố. Tôi hỏi bà Cố tại sao phải tự bỏ vàng ra để thuê người giết Kawa Hihara, hơn nữa còn tàn bạo đến thế, ngay cả đối với thi thể cũng không chút nể tình. Bà Cố nhìn tôi chằm chằm hồi lâu, chưa hết, rất nhanh cảnh cáo tôi: “Có một số người cả đời cố gắng để quên đi một số chuyện, cậu cứ truy hỏi tới cùng cũng là không có đạo đức đâu.”

Có rất nhiều chi tiết khiến tôi cảm nhận rất rõ rằng bà Cố chấp nhận cuộc phỏng vấn của tôi với nhiều tâm trạng phức tạp, một mặt bà hy vọng tôi hiểu rõ được sự thật của giai đoạn lịch sử ấy, mặt khác bà lại không muốn người ta chú ý tới giai đoạn lịch sử ấy. Nói một cách khác, nguyện vọng lớn nhất của bà là hy vọng giai đoạn lịch sử ấy mãi mãi bị bịt kín, không bị phơi bày, giờ nói ra chỉ là vì bất đắc dĩ mà thôi ‐ bởi vì có người muốn thay đổi nó ‐ bao gồm cả tôi. Với giai đoạn lịch sử ấy, để người khác bóp méo, làm trò, chi bằng tự mình đứng ra xé giấy niêm phong, tôi nghĩ đây cơ bản mới là tâm trạng thật của bà Cố. Bà đã từng không dưới một lần cảnh cáo tôi: Quyền giải thích giai đoạn lịch sử này ngoài bà ra không còn ai khác, muốn tôi không được tin theo những lời bịa đặt, mà hãy tin những gì bà đã nói. Khi tôi từ biệt bà ra về, bà Cố lại nhấn mạnh với tôi:

“Anh bạn trẻ, tôi đã ở cái tuổi cổ lai hy rồi, tám mươi sáu tuổi rồi, nửa phần cơ thể tôi đã chôn dưới đất rồi. Lẽ nào tôi gọi cậu từ xa tới là để nói dối với cậu, đổi lấy danh ư? Ầy, tôi lấy cái danh để làm gì chứ? Tôi đã qua cái tuổi tranh danh đoạt lợi rồi. Cái tôi cần là sự thật! Chẳng phải cái cậu chú trọng nhất là thật sự cầu thị ư, tôi cần thật sự cầu thị. Nếu hôm nay tôi không gọi cậu tới, lỡ có một ngày tôi mất rồi, sự thật bị cậu sửa chữa, chính là cậu đang lừa dối mọi người đấy.”

Tôi tin những gì bà Cố nói, chỉ có điều vẫn thấy có phần khó hiểu. Tôi thấy, giai đoạn lịch sử ấy với bà Cố không hề có tì vết gì, thậm chí còn là vinh quang rạng rỡ đến vậy, vậy tại sao bà lại cố muốn giấu kín? Lúc này, nói thật, từ thế hệ sau của Vương Điền Hương tôi đã tìm hiểu được ẩn tình trong đó, nhưng tôi quyết định không công khai. Tôi muốn thay bà Cố giữ bí mật này, không oán không hận. Tôi có thể tưởng tượng được, sở dĩ bà Cố giữ kín đến vậy câu chuyện của một giai đoạn lịch đã qua chắc chắn là để bí mật ấy của bà không bị xâm phạm. Giờ đây bà nói đã đủ nhiều rồi, hãy cho phép chúng tôi vì bà mà im lặng một lần. Không nên vì thế mà cảm thấy có điều gì đáng tiếc, thực ra trên thế giới này, những chuyện được giữ kín nhiều hơn rất nhiều so với những chuyện được công khai.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #phongthanh