CHƯƠNG MỘT
Gió đông khơi dậy gió tây, một trận khẩu chiến giữa hai bờ eo biển là điều tất yếu.
Sau khi từ Đài Bắc trở về, tôi luôn tìm cách tránh giáo sư Phan, không biết từ đâu mà ông hay tin tôi sang Đài Loan thăm bà Cố Tiểu Mộng, chỉ trong một thời gian ngắn đã lần lượt gửi cho tôi một bưu kiện, hai cuộc điện thoại và rất nhiều tin nhắn, hỏi về hành tung của tôi và nói rất muốn gặp tôi. Tôi lấy cớ là đang ở quê vội viết bản thảo (thực tế đúng là như vậy, tôi đang viết phần hai của Phong Thanh là “Gió Tây”) để trì hoãn. Hình như tôi cũng chịu ảnh hưởng của bà Cố, có chút ác cảm với ông ấy. Thực ra là không phải thế, suy nghĩ của tôi rất đơn giản và thực tế, có thể nói là xuất phát từ tâm lý tự bảo vệ. Có một số điều có thể tưởng tượng ra được, chúng tôi gặp nhau sẽ không tránh khỏi nói đến câu chuyện mà bà Cố đã kể cho tôi nghe, ông nghe rồi chắc chắn sẽ tổ chức lực lượng phản công. Ông Phan có thể làm đại tướng trung phong đi đầu, ông Cận (tức Lão Hổ) và con trưởng của Lão K, Trần Kim Minh sẽ là trung phong hai bên tả hữu, con gái Vương Điền Hương, Vương Mẫn và lính canh A sẽ làm hậu vệ, còn có một bộ phận nhân viên nghiên cứu lịch sử Đảng làm đội quân cổ vũ cũng rất phù hợp. Một năm trước, chính ký ức và kết quả nghiên cứu của họ đã giúp tôi hoàn thành phần một của Phong Thanh là “Gió Đông”, giờ đây có người muốn tiến hành xóa bỏ ký ức và thành quả nghiên cứu của họ, làm sao họ có thể khoanh tay đứng nhìn? Nhất định sẽ phản công tập thể.
Nếu phản công không đủ sức mà sụp đổ cũng thế, sẽ đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiệt huyết viết “Gió Tây” của tôi. Viết tiểu thuyết cũng như chuyện yêu đương, mơ màng là cảm giác tốt nhất, đợi khi anh hiểu rõ hết mọi ngóc ngách cơ thể và tâm tư sâu thẳm của đối phương rồi thì e rằng không còn là tình yêu nữa, mà là chuyện nhân sinh rồi. Cảm giác của nhân sinh chính là một cái nghiến răng: Một cảm giác khiến người ta thấy chán ghét. Tôi không muốn với tâm trạng chán ghét, nghiến răng để hoàn thành câu chuyện theo lời kể của bà Cố, cách tốt nhất là cố thoát khỏi sự truy tìm của giáo sư Phan, tránh không gặp. Tôi đã sớm nghĩ rồi, viết xong đã rồi tính tiếp, viết xong đưa cho họ xem, nghe họ nói. Họ nói thế nào cũng được, tôi sẽ vẫn làm thế, công bố cho mọi người. Tóm lại, tôi sẽ không phiến diện chỉ nghe hay tin một phía, tôi sẽ làm một cái máy truyền thanh thông minh, tranh thủ khơi gợi hai bên trận khẩu chiến thời thượng, khiến họ nói thật, nói dối hết ra những điều muốn nói và điều không muốn nói, để người đời bình phẩm phán xét. Tôi không tin cách nói cá ‐ rồng lẫn lộn, tôi tin cá là cá và rồng là rồng, nhưng có cá ‐ rồng lẫn lộn mới có thể tách rời cá ra cá, rồng ra rồng.
* * *
Làng quê là nơi để người ta thong dong nhàn hạ. Giống như người đàn bà tròn trịa không phải là mỹ nhân hiện đại, lười biếng chậm trễ không phải là mốt của thời đại ngày nay. Thời đại ngày nay tôn sùng tốc độ và tốc độ nhanh hơn, đi tàu sang New York chỉ chứng tỏ thần kinh anh có vấn đề hoặc là nghèo kiết xác mà thôi, nam nữ gặp nhau và lên giường cũng không còn gì là trào lưu mới mẻ, càng không phải là vấn đề, mà chỉ là một phương thức sống, cho nên chẳng có gì phải ngạc nhiên. Trái lại, đến nay tôi vẫn còn dùng chiếc điện thoại mua từ mười năm trước, điều này đã trở thành câu chuyện và vấn đề khiến người ta hiếu kỳ và ngạc nhiên hơn cả, vì thế tôi đã nhận đủ những lời khen ngợi và chế giễu hoặc thiện ý hoặc ác ý. Thiện ý và ác ý, khen ngợi và chế giễu, đều là do tôi đã để mất đi tốc độ. Tốc độ, và thách thức tốc độ nhanh hơn. Tốc độ, và đáp ứng tốc độ nhanh hơn. Tốc độ, món quà một đám người thông minh tặng, một con quái vật do kẻ điên làm ra, một con thuyền đã bước lên là không thể xuống. Không còn nghi ngờ, ngày nay anh muốn có một chiếc điện thoại còn dễ hơn cả không có, anh muốn có một chiếc điện thoại mới cũng dễ hơn dùng chiếc điện thoại cũ. Đây là sức hút của thời đại tốc độ, cũng là vấn đề, tốc độ như quắp lấy chúng ta mang về phía trước, chúng ta không thể chậm lại được, nếu chậm lại tức là đi ngược dòng, điều đó đòi hỏi chúng ta phải bỏ ra gấp đôi công sức và sự nỗ lực.
Thực ra, tôi chọn về quê để sáng tác cũng là vì tốc độ, ở đây tôi trở thành một tù nhân tự do, không thân thích, không thị phi, mặt trời lên thì làm việc, mặt trời lặn thì nghỉ ngơi, sức lực và tinh thần đều tiêu tốn trong ký ức chầm chậm và sự chờ đợi. Chờ đợi cũng là hướng tới tốc độ. Nói một cách khác, chủ quan và khách quan đều tăng nhanh tốc độ cho sáng tác của tôi, cho nên tôi có lý do để tự hào viết trên bưu kiện gửi cho giáo sư Phan rằng: Tôi tin tôi sẽ hoàn thành bản thảo với tốc độ nhanh nhất, hy vọng ông xem xong nhanh chóng hồi âm… Là tôi cố gắng nói nhanh: Một từ mang theo tốc độ, mỗi một nét phẩy nét mác đều như đôi cánh, đưa câu từ bay vụt qua trước mắt chúng ta, reo lên âm thanh xé gió.
* * *
Hồi âm của giáo sư Phan đến chậm, hơn nữa nếu nói nghiêm túc, không phải là hồi âm, mà là báo tang: Cụ Phan đã tạ thế, hy vọng tôi có thể đến tham dự lễ viếng. Bỗng nhiên tôi thấy sợ hãi, lo sợ bản thảo của tôi ‐ câu chuyện do bà Cố kể lại ‐ khiến cụ tức mà chết. Lại nói thêm, nếu quả thực là vậy thì tôi càng nên đến tham dự lễ viếng. Tôi không có lựa chọn nào khác, chỉ biết đem theo tâm trạng lo âu mà đi.
Quả nhiên, giáo sư Phan bảo tôi, cha ông đúng là đang xem bản thảo của tôi thì bùng phát căn bệnh nhồi máu cơ tim, rời bỏ thế gian. Giáo sư Phan vẫn với giọng nói quen thuộc ấy, câu từ nho nhã pha chút suy tư nói với tôi:
“Không nghi ngờ gì nữa, bản thảo tác phẩm của anh đúng là nguyên nhân dẫn tới cái chết của cha tôi, nhưng không nhất định là do ông tức quá mà chết, nói theo góc độ lý luận thì cũng có thể là do xấu hổ mà chết. Tôi cho rằng, nếu những gì anh viết trong ấy là thật thì cha tôi tuổi cao thế này rồi vẫn liên tiếp dối gạt lừa đời, thật là… biết nói thế nào nhỉ? Khiến người ta hổ thẹn. Cha tôi nằm trong bệnh viện bảy ngày, trong thời gian ấy đã nhiều lần ông muốn nói điều gì đó, nhưng cuối cùng không nói được lời nào, cho nên chúng tôi thật khó xác định rốt cuộc là vì sao mà ông chết ‐ điều này cũng hợp với con người ông, quyết mang theo bí mật rời bỏ chúng tôi.”
Tôi cảm thấy không có chỗ dung thân, như mình đã hại chết một đứa trẻ, thật không biết nên tạ tội thế nào cho phải.
Giáo sư Phan lại khác, không những không trách móc, trái lại chủ động an ủi tôi, vẫn bằng giọng điệu và văn phong sách vở: “Đối với một người già tuổi đã ngoài chín mươi như cha tôi, chết là vấn đề phải đối mặt hàng ngày, thậm chí chỉ một cơn ho bất chợt cũng có thể mang ông đi. Tác động của anh chẳng qua cũng chỉ như là một cơn ho bất chợt mà thôi, cho nên không cần phải cắn rứt lương tâm. Tôi là con trai độc nhất của ông, ông mất rồi thì tôi có thể thay cha hứa với anh, người nhà họ Phan chúng tôi sẽ không truy cứu anh làm gì. Nếu cần tôi sẽ viết biên bản làm chứng.”
Những lời vừa thấu tình đạt lý, vừa hữu hảo ấy khiến tôi cảm kích đến rơi nước mắt.
Tôi trộm nghĩ, sự khoan dung và ưu ái của giáo sư Phan dành cho tôi chắc chắn sẽ trở thành “quả cân” để ông yêu cầu tôi nghiêng về cụ Phan ‐ cha ông mà gây sức ép với bà Cố. Nói cách khác, giáo sư Phan tốt với tôi như thế là có dụng ý, ông đã có tính toán trong đầu, bỏ con săn sắt bắt con cá rô. So với việc ông tự đi bắt chi bằng chủ động đưa ra trước vẫn hơn. Nghĩ vậy nên tôi chủ động bày tỏ lấy lòng: Bà Cố nói có chỗ nào không đúng ông cứ chỉ thẳng ra, tôi sẽ cố gắng tôn trọng ý kiến của ông, nếu cần sẽ hủy cả bản thảo.
Sai! Không hề có chuyện ấy! Hoàn toàn không có. Giáo sư Phan nói rõ với tôi cha ông đã mất, ông không muốn nói gì thêm. “Không nói không phải là không có gì để nói, mà là không cần phải nói.” Giáo sư Phan chậm rãi nói với tôi: “Tôi tin công lao của cha tôi, tổ chức sẽ tự có phán định, cá nhân tôi có nói thế nào cũng đều là vô ích, không có ý nghĩa gì”.
Đúng là vì thế mà giáo sư Phan vô cùng coi trọng điếu văn của tổ chức viết cho cha mình, nhiều lần đưa ra ý kiến sửa chữa, thận trọng đến từng câu từng chữ, so bì từng li từng tý. Xem xét cẩn thận không có nghĩa là đã hài lòng, từ việc giáo sư Phan không đồng ý cho tôi công khai bài điếu văn, tôi có lý do hoài nghi ông không hài lòng với bản điếu văn cuối cùng, dù đã được sửa chữa.
* * *
Là người tạ thế cuối cùng của lớp người năm ấy, lễ viếng cụ Phan diễn ra hết sức long trọng, đơn vị đặc biệt 701 mà cụ Phan công tác lúc sinh thời còn lập một ban lễ tang riêng, trên báo đăng cáo phó, người đến viếng không những đông, mà còn có ba vị lãnh đạo cấp cao, khiến cho quy mô và nghi thức lễ viếng bỗng chốc được mở rộng và nâng tầm cao hơn.
Lễ viếng kéo dài ba ngày. Ngày thứ nhất đến viếng là người thân, bà con cùng quê của người đã mất, lễ viếng ngập tràn tiếng khóc thê lương. Ngày thứ hai, đến viếng đều là các chiến hữu, đồng nghiệp của cụ Phan lúc còn sống và lãnh đạo đương nhiệm cùng đại diện các ban ngành của đơn vị 701, người nào trong họ cũng trang trọng, nghiêm túc và kính cẩn, buổi lễ lặng im gần như không có tiếng động. Ngày thứ ba, chủ yếu là lãnh đạo các ban ngành địa phương và một số ít những người muốn viếng nhưng hai hôm trước chưa đến viếng được, còn cá biệt có những người không được mời nhưng vẫn đến viếng. Tất nhiên, người nhà của Lão Cận (Lão Hổ), con trưởng của Lão K, Trần Kim Minh, con gái của Vương Điền Hương, Vương Mẫn và lính canh A đều có mặt. Những người đến viếng đều dâng vòng hoa, rốt cuộc vòng hoa nhiều đến mức chất đầy bốn xe tải vẫn còn thừa.
Ngay tối hôm lễ viếng kết thúc, giáo sư Phan có tới khách sạn gặp tôi, mang đến cho tôi hai thứ: Một là bản thảo của tôi, một là đĩa CD. Bản thảo là tôi gửi qua mạng cho ông ấy, thực ra không cần phải trả lại tôi (vốn là do ông ấy in ra), ông ấy cố ý trả lại tôi, tôi lý giải điều này chứng tỏ ông có tâm trạng, có lẽ mang hơi hướng của cái gọi là mắt không nhìn thấy thì coi như không có. Tôi nhận lại tập bản thảo, hỏi ông:
“Lẽ nào ông thực sự không muốn đưa ra ý kiến gì về bản thảo của tôi?”. Ông lắc đầu, một lần nữa bày tỏ: Cha ông đã chết rồi, ông không muốn nói gì cả.
Thực ra tôi hy vọng ông ấy nói, im lặng có chút cảm giác như nhận lỗi, dường như chân lý nằm trong tay bà Cố. Được tôi khuyên và khích lệ nhiều lần, giáo sư Phan chợt quay sang lạnh lùng hỏi tôi: “Chẳng biết anh có để ý không, ngày viếng thứ hai, đơn vị 701 của cha tôi, nhiều người đến viếng như vậy, có người nào khóc không? Không có ai khóc cả, cũng không có một ai rơi một giọt lệ nào. Vì sao? Bởi vì họ là những người không tin vào nước mắt”.
Tôi không hiểu ý của giáo sư Phan liền hỏi: “Anh muốn nói với tôi điều gì?”.
Giáo sư Phan nói: “Trong bản thảo của anh chẳng phải đã viết: Bà Cố cuối cùng đồng ý giúp cô tôi[1] chuyển tin tình báo ra bên ngoài là do nước mắt của cô tôi đã cảm động bà ấy, anh nghĩ điều này có thể tin được không? Anh nên biết rằng, đây là những người đặc biệt, họ không tin vào nước mắt. Nói thật, là con trai của cha tôi, tôi đã nói rồi, tôi không muốn nói điều gì cả, nhưng đứng ở góc độ độc giả mà nói, một độc giả hiểu rõ đặc tính của nhóm người này, tôi cho rằng chi tiết ấy… rất đáng phải suy nghĩ lại, anh đặt một tình tiết chủ chốt ở điểm khả nghi như vậy, điều này có lẽ không thích hợp”.
[1] Chỉ Lý Ninh Ngọc.
Tôi linh cảm, cuộc phản công đã bắt đầu, nhưng chỉ trong chốc lát đã kết thúc. Ngoài việc đề nghị tôi sửa lại tình tiết chủ chốt ấy, giáo sư Phan không có ý kiến gì khác, không nói thêm một lời nào. Nhìn sự việc nhìn hình dáng, nghe âm nghe điệu, rõ ràng tôi cảm thấy ông ấy có điều muốn nói, nhưng không chịu nói ra. Tại sao? Tôi hỏi ông ấy: “Sự im lặng của anh khiến tôi cảm thấy kỳ lạ, vì sao anh lại cứ phải giữ im lặng như vậy?”. Ông ấy im lặng bước đi, kiên quyết không nói thêm một lời nào. Bốn tiếng sau, tôi bất ngờ nhận được một tin nhắn từ ông ấy, thời gian gửi tin nhắn (ba giờ sáng) và nội dung tin nhắn, cho thấy ông đang bị mất ngủ hành hạ. Tôi hình dung, chắc chắn là mất ngủ đã đạp đổ ý chí của ông ấy, khiến tôi có may mắn nhận được mẩu tin nhắn này:
Tại sao tôi lại im lặng? Bởi vì bà ấy (bà Cố) là mẹ tôi. Họ cũng giống như nguyên tử đã được làm giàu, chịu sức ép từ bên ngoài nên phân tách mạnh mẽ… Hãy để họ tự nói ra, anh có thể nói gì trước sự tranh chấp của cha mẹ? Ngoài im lặng ra, không còn sự lựa chọn nào khác.
Đọc mà giật mình, lòng tôi bồn chồn không sao ngủ tiếp được.
Hai tiếng sau, trong cơn phấn chấn mất ngủ, tôi lại nhận được tin nhắn của giáo sư Phan:
Xin đừng dò hỏi người khác về chuyện của cha mẹ tôi, tôi muốn tất cả mọi chuyện dừng lại ở đây, ngày mai tôi sẽ cho người tiễn anh về.
* * *
Tôi không đi.
Tôi cảm thấy tất cả mới chỉ bắt đầu. Tôi mượn cớ vẫn còn chuyện khác, chuyển sang ở khách sạn khác, tự đi tìm những người như lão Cận (Lão Hổ). Hiển nhiên, giáo sư Phan đã đi trước tôi một bước, lặng lẽ dặn bọn họ, không tiếp tôi. Khi tôi tìm đến họ, không một ai vui vẻ tiếp tôi, miễn cưỡng gặp rồi đều giở giọng hách dịch với tôi: “Rồi rồi, đừng hỏi nữa, những gì đáng nói tôi đều đã nói rồi… Chuyện này tôi đâu có biết, anh đi mà hỏi giáo sư Phan ấy, đây là chuyện gia đình họ…”. Cứ như là trước sự tra khảo của kẻ thù năm xưa vậy: miệng kín như bưng. Cuối cùng vẫn là con trai trưởng của Vương Điền Hương, anh trai của Vương Mẫn, Vương Hán Dân tiết lộ bí mật cho tôi. Bốn năm trước, anh bị tai biến, liệt nửa người, một thời gian dài nằm viện, ít tiếp xúc với bên ngoài, có lẽ giáo sư Phan không nghĩ tôi sẽ tìm gặp Vương Hán Dân, nên không dặn trước, cũng có thể là do ở bệnh viện lâu ngày, cô đơn, Vương Hán Dân đặc biệt nhiệt tình với tôi, tôi hỏi là trả lời ngay. Vương Hán Dân bảo tôi, vì nguyên nhân ấy (xin lỗi, tôi phải tôn trọng bà Cố, giữ bí mật này cho bà mãi mãi), Cố Tiểu Mộng không chịu kết hôn, đến khi kháng chiến kết thúc mới kết hôn với cụ Phan lúc này đã bỏ Cộng sản theo Quốc dân đảng.
Thực ra, chuyện cụ Phan bỏ Cộng sản theo Quốc dân đảng là giả, lừa gạt để chiếm lòng tin của Cố Tiểu Mộng, xâm nhập vào nội bộ Quốc dân đảng mới là thật. Sau khi kết hôn, dựa vào quan hệ của cha Cố Tiểu Mộng, hai người tới Nam Kinh, Cố Tiểu Mộng vào làm việc tại Cục Bảo mật của Quốc dân đảng, cụ Phan làm tổ trưởng phụ trách khâu tổ chức, thuộc Sở Chính vụ thuộc Khu Cảnh bị Nam Kinh. Một năm sau, Cố Tiểu Mộng sinh hạ đứa con đầu lòng, chính là giáo sư Phan. Trước khi Nam Kinh giải phóng một tháng, Cố Tiểu Mộng lại mang thai đứa con thứ hai, trên tổ chức xem xét đến vấn đề an toàn của gia đình họ, đồng ý để cụ Phan đưa gia đình rời Nam Kinh về vùng giải phóng. Cụ Phan lừa Cố Tiểu Mộng cùng đi, đi thẳng đến Bắc Bình. Khi ấy, Nam Kinh đã giải phóng, cụ Phan cho rằng sự việc đã đến nước này, bà Cố cũng không thể làm gì được nên đánh bài ngửa nói rõ sự việc với bà Cố. Không ngờ bà Cố kiên quyết, bỏ đi đứa con trong bụng, bỏ chồng từ con một mình ra đi, lần hồi tới tận Đài Loan. Là một điệp viên đã qua nhiều thử thách, không phải là người đàn bà yếu đuối, một mình đi hàng nghìn dặm, với bà Cố cũng chẳng có gì khó khăn.
Tôi nghe mà cảm thấy thật đáng tiếc.
Là tôi nói, những chuyện như thế này mà để một người ngoài nói với tôi thì quả thật đáng tiếc, nếu như là giáo sư Phan nói ra… Nhưng đây là điều không thể. Mỗi người đều có hạn chế và những sợ hãi riêng. Tôi cảm nhận sâu sắc giáo sư Phan đã vô cùng hối hận vì quen biết tôi, ông ấy bảo là ông ấy đã giúp tôi mở chiếc hộp Pandora[2]…
[2] Chiếc hộp thần bí trong thần thoại Hy Lạp.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top