Tieu Thuyet Một Ðời Tài Sắc Hồ Biểu Chánh Chương 1-4
Chương 1
Năm 1929 tháng Juillet.
Mưa dầm dề luôn mấy ngày, rồi một buổi chiều sớm mơi, bầu trời thanh bạch, mặt trời ló ra chói nắng sáng lòa.
Cây cối bị ướt loi ngoi mấy bữa, nay gặp nắng lại, giũ lá phơi ngành, trổ bông đâm tược, từ ngoài ruộng vô tới trong vườn, khoe một màu xanh lặc lìa, coi thiệt là khỏe mắt.
Ông Hội đồng Võ Kế Nghiệp, nhà ở làng Phú Lợi gần chợ Cái Tắc, thuộc tỉnh Cần Thơ, có tánh hay trồng bông trồng kiểng; mấy bữa rày bị mưa, ông không chăm sóc kiểng vật của ông được, nay thấy trời nắng, ông mới bước ra sân. Con gái lớn của ông là Võ Thị Xuân Hương, 18 tuổi, học trên Sài Gòn, thi đậu, ông mới rước về, cô cũng đi theo ông ra ngoài sân mà thăm hoa xem kiểng. Ông hội đồng tay cầm cái kéo nhỏ, đi vòng theo mấy chậu bùm sụm, quít tàu, càng thăng mà hớt đọt bắt sâu. Cô Xuân Hương thì đi dài theo mấy liếp bông hường, lo chỏi mấy nhánh bị mưa oằn, gặp cái bông nào tốt thì cô cầm mà coi, mặt gần bông, bông giọi mặt. Mặt càng đẹp, bông càng xinh.
Thình lình nghe có tiếng xe hơi ồ ồ ở xa chạy lại, tới ngang cửa, xe chạy chậm rồi quanh vô sân. Ông hội đồng ngó ra rồi nói với con rằng: „Xe nầy của ông Cai Tổng bên Thạnh Hòa mà".
Xe ngừng giữa sân, hai vợ chồng ông Cai Tổng Hà Thiện Bình leo xuống. Ông hội đồng bước tới chào mừng. Cô Xuân Hương cũng lại gần chấp tay cúi đầu thi lễ.
Bà Cai Tổng Bình ngó cô Xuân Hương và hỏi rằng:
- Bày trẻ ở nhà coi nhựt trình nói con thi đậu bằng cấp gì đó rồi phải hôn?
- Dạ thưa phải. Con thi đậu „Brevet Élémentaire".
- Giỏi à! Bác nghe nói nên lật đật qua đây mà mừng cho con. Thằng Ý ở bên Tây nó cũng đậu Tú Tài kỳ nhì rồi, nó mới đánh dây thép về hôm qua. Có má con ở nhà hôn?
- Thưa có.
Ông Cai Tổng Bình tiếp hỏi Xuân Hương rằng:
- Con đậu „Brevet Elémentaire" rồi con tính đi học nữa hay là thôi?
- Thưa, con tính xin với má cho con học thêm ít năm nữa đặng thi „Brevet Supérieur".
- Được a. Con học được thì học luôn cho đến cùng. Thằng Ý đậu Tú Tài rồi nó tính học luật. Học luật phải học 3 năm nữa mới được Cử Nhơn.
Ông Hội đồng Nghiệp mời khách vô nhà. Bà hội đồng nghe nói có hai vợ chồng ông Cai Tổng Bình qua thì bước ra cửa mà tiếp chào.
Ông Cai Tổng Hà Thiện Bình, nhà ở làng Thạnh Hòa, thuộc tỉnh Rạch Giá dựa bên cái lộ mới Long Xuyên - Rạch Giá kêu là lộ Cái Sắn.
Ông Cai Tổng với ông Hội đồng Nghiệp vốn là bạn đồng hương, hai người hồi nhỏ ở Thục Nhiêu, thuộc tỉnh Mỹ Tho.
Ông Hội đồng là con nhà giàu, rủi chừng ông cưới vợ rồi, cha mẹ lại suy sụp, gia tài bị chủ nợ thi hành phát mãi hết, ông phải qua Cái Tắc theo ở quê vợ mà nương dựa làm ăn. Ông lặn lội nhen nhúm lần lần, lại nhờ tám chín năm nay lúa gạo cao giá luôn luôn, ông dùng ít mà gây ra nhiều, nên hiện bây giờ ông có một cái nhà tốt mới cất tốn trên 12 ngàn đồng bạc lại có gần 100 mẫu ruộng trong làng Phú Lợi, 200 mẫu trong Kinh Xà No, và mới đấu giá mua thêm 200 mẫu bên làng Thạnh Hòa, thuộc hạt Rạch Giá nữa. Ông mới 42 tuổi, vợ chồng sanh được ba đứa con, đứa lớn là cô Xuân Hương đã thấy đó rồi, đứa giữa, con trai mới 15 tuổi học Tú Tài năm thứ tư, tại trường Chasseloup Laubat, còn đứa út cũng con trai, còn học tại Cần Thơ.
Còn ông Cai Tổng Bình hồi trước thiệt tên Huỳnh, làng cử ông làm thôn Trưởng, ông xài thâm công nho hơn 1.000 đồng bạc, sợ tội nên bỏ xứ dắt vợ con mà trốn, để cho hương chức Hội tề giăng tay đậu tiền bồi thường. Vô Rạch Giá ông đổi tên lại là Hà Thiện Bình, nương náu ở làng Thạnh Hòa mà làm ruộng, lần lần ông mua điền khẩn đất, trở nên một người giàu, ra làm làng rồi lên chức Cai tổng. Ông năm nay đã hơn 55 tuổi rồi, có bốn người con, người con lớn đương làm Nghị Viên Hội Đồng địa hạt trong Rạch Giá, người kế đó là cậu Hà Thiện Ý 22 tuổi, học bên Tây, một người 18 tuổi, một người 16 tuổi, thôi học ở nhà mà chưa hứa gả nơi nào.
Tuy ông Hội đồng với ông Cai tổng ở xa nhau, lại niên kỷ bất đồng, song thuở nay hai nhà thân thiện với nhau lắm, hay giúp đỡ nhau, hay tới lui thăm nhau, lại thường tính chừng Thiện Ý và Xuân Hương lớn khôn, thì hai nhà sẽ làm sui với nhau.
Chủ khách gặp nhau mừng rỡ cùng dắt nhau vô nhà, rồi ông Hội đồng với ông Cai tổng thì ngồi bộ ghế giữa, còn hai bà thì ngồi tại bộ ván cẩm lai lót gần đó.
Cô Xuân Hương lo trầu nước đãi khách, cô ra vô lăng xăng, mặt tươi cười, bộ nhâm nhẹ, tư cách phải là gái tân học, mà nết na cũng phải là con nhà giàu. Bà Cai tổng ngó theo cô hoài rồi bà nói với bà Hội đồng rằng:
- Con nhỏ năm nay nó lớn đại. Nè, tôi nói với thím nó a, phải chờ thằng Ý tôi, chớ đừng có gả chỗ khác tôi không nghe cho mà coi.
- Ai mà gả! Anh chị đã nói từ hồi nào tới giờ, gả chỗ khác sao được. Có sợ là sợ cậu Ý ở bển rồi cậu cưới đầm chớ.
- Đâu có vậy! Vợ chồng tôi có nói trước cho nó biết rồi mà.
- Ờ! Tôi quên nói cho chị hay nữa chớ. Hôm tháng giêng tôi có bịnh, tôi nghe nói ông Bình ngoài Cần Thơ hay lắm, tôi ra tôi cầu đặng xin thuốc.
- Xác ông Quan Bình phải hôn? Tôi cũng nghe họ đồn hay lắm.
- Thưa phải. Bận đó sẵn có con Xuân Hương bãi trường nên nó ở nhà, tôi biểu nó đi với tôi. Ra đó coi cho tôi rồi, luôn dịp coi cho nó nữa. Nè, ông Bình coi cho nó, ổng nói kỳ lắm chị.
- Nói làm sao?
- Ổng nói nó thông minh, học giỏi lắm, năm nay nó thi đậu, mà sau nó còn đậu một bằng cấp lớn hơn nữa. Tôi hỏi tới căn duyên của nó, thì ổng nói nó vốn tiên phong đạo cốt nên chừng nó lớn khôn không ham phú quí vinh huê, lại ngao ngán nhơn tình thế tục. Cuối 21 bước qua 22 tuổi thì nó có chồng, nhưng mà nó có chồng có con rồi thì nó lại tu. Nói năm thi đậu trúng rồi, còn sau nữa thì không biết ra sao.
- Ối! Hơi nào mà tin chuyện ma ma phật phật. Đã có chồng có con rồi, mà còn tu nỗi gì? Có lẽ ngày sau nó bắt chước người ta ăn chay vậy chăng?
- Tôi cũng nghĩ như vậy đó.
- Ăn chay có hại gì. Đời bây giờ tôi coi người ta ăn chay muốn đều hết. Thím nó sao cứ bịnh hoài, lúc nầy nghe trong mình khá hay không?
- Lúc nầy tôi khỏe lắm, ăn ngủ được. Mà hễ có việc gì phải lo, thì nó cứ rang cái ngực hoài, nên tôi sợ quá.
- Thím đừng có lo chi hết. Có việc gì thì đờn ông họ tính sao họ tính, mình lo làm chi.
- Tôi có cái tật hay lo lắm chị.
- Thím nó làm như tôi vậy, ăn no rồi đi chơi, việc ruộng đất đờn ông họ tính làm sao họ làm. Thím nó có xe thì đi Hà Tiên hay Long Hải mà hứng gió, ở nhà làm chi.
Ông Hội đồng Nghiệp đương nói chuyện với ông Tổng, chừng nghe bà Tổng nói như vậy thì ông day qua nói rằng: „Ở nhà tôi[1] kỳ lắm chị, tôi biểu đi chơi mà bả cứ rút ở nhà không chịu đi đâu hết".
Bà Tổng xỉa thuốc, vảnh bàn tay làm cho ba chiếc cà rá hột xoàn chói lòa, bà cười mà đáp rằng:
- Tại chú a. Chú không thèm dắt, thím đi sao được.
- Nhà có hai vợ chồng, sắp nhỏ mắc đi học; nếu tôi dắt đi chơi rồi nhà cửa làm sao?
- Dữ hôn. Nhà cửa thì mượn người ta coi, ai bưng đi đâu mà sợ?
- Còn ruộng nương làm sao?
- Cấy rồi ta đi.
- Thôi, năm nay tôi nghe lời chị, hễ cấy rồi tôi dắt nhà tôi vô Hà Tiên ở hứng gió chừng một tháng.
- Chú thím có đi thì cho tôi hay, tôi đi với... À, bữa hổm đấu giá đất quốc gia bên Thạnh Hòa đó, chú đấu được mấy trăm mẫu?
- Tôi đấu được 2 lô, 200 mẫu. Cha chả, tôi nóng mũi, tôi đấu mắc quá, chị. Tôi đấu tới 310$00 một mẫu, thành ra 62 ngàn đồng, nếu kể phần bách phần, con niêm, cùng các sở phí khác vô nữa thì non non 65 ngàn. Bây giờ phải trả trước phân nửa với sở phí 35 ngàn nặng quá.
- Có sao đâu mà sợ. Đất đó chú mua rồi mùa tới đây, chú góp tiền lúa mướn lối bốn năm giạ một công mà sợ nỗi gì. Tôi dám chắc chú góp 10 ngàn giạ được, kể về lúa vay. Tính giá lúa tệ hơn hết 1$20 một giạ thì chú cũng có 12 ngàn đồng bạc. Chú thâu góp ít năm thì đủ vốn, có gì mà lo.
- Chị nói thì phải rồi, ngặt bây giờ chạy tiền mà đóng phân nửa giá mua đây cũng ngất ngư chớ.
- Chú nó khéo lo! Thứ có mấy chục ngàn đồng bạc mà sợ gì!
- Tôi bị cất cái nhà tốn nhiều quá, nên hụt tiền. Tôi nghe lời anh Tổng tôi làm bướng hổm nay tôi lo hết sức.
Ông Cai Tổng chen vô nói rằng:
- Có gì đâu mà lo. Ruộng nhà bên đây chú thâu góp mười mấy ngàn giạ. Mua ở bển chú góp thêm 10 ngàn, cộng ít nào cũng 25 ngàn giạ. Theo giá lúa nầy mỗi năm chắc chú có 30 ngàn đồng bạc. Tôi cho chú ăn xài và đóng thuế 10 ngàn, thì còn dư 20 ngàn trả tiền mua đất. Chú trả ba bốn năm thì dứt, có gì mà lo. Tôi dện một cái tới 400 mẫu, bằng hai của chú đây sao.
- Anh nhờ họ vị tình, họ không giành, nên anh mua giá rẻ hơn tôi, vậy cũng đỡ chớ.
- Phải. Nhờ tôi làm Tổng họ có vị một chút, họ ít giành. Mà tôi mua tính bổ đồng thành ra cũng 240 đồng một mẫu, cộng chung là 96 ngàn đồng bạc, chớ phải ít sao. Bây giờ trả phân nửa giá mua với sở phí cũng là 50 ngàn đồng.
- Anh có sẵn bạc hay không?
- Đâu mà có! Nhưng mà lúa tôi còn trên hơn một chài.
- Vậy rồi anh làm sao mà đóng bạc mua đất?
- Ối! Lo gì! Quơ tạm mà đóng rồi tới mùa sẽ hay.
- Anh mua sở đất mới đây nữa, thì số huê lợi của anh chừng bao nhiêu?
- Thuở nay đất cũ của tôi góp 45 ngàn giạ. Mua sở mới đây chắc 20 ngàn giạ nữa, thì thành 65 ngàn giạ.
- Anh lúa nhiều quá, nên anh không lo thì phải, chớ lúa tôi ít, tôi không lo sao được.
- Lớn thuyền thì lớn sóng, thế nào cũng phải lo chớ. Thôi từ rày sắp lên tôi nghỉ không thèm sắm điền đất nữa, để trí rảnh rang mà chơi. Già rồi, lo làm hoài mệt quá.
- Mà chuyện nhà nước đòi đóng tiền mua đất anh tính làm sao?
- Vay tiền mà đóng chớ làm sao?
- Anh biết ở bên Rạch Giá có ai cho vay anh làm ơn chỉ giùm cho tôi vay với. Bên nầy họ làm bộ, hễ tới hỏi họ thì họ nói đâu mình mạt rồi a, nên tôi ghét tôi không muốn tới họ.
- Bên Rạch Giá tôi quen thiếu gì. Như Huyện Hàm Trương Hà ở chợ Rạch Giá đó, chú muốn hỏi mấy chục muôn cũng có bạc sẵn mà. Nhưng mà lấy bạc băng cho vay, muốn lấy bạc nhà băng nào cũng được hết, dễ lắm.
- Cha chả! Rớ tới băng tôi ghê lắm. Thiệt tiền lời thì rẻ, ngặt hễ mình xin vay thì họ buộc phải đóng tiền sở phí đi xét đất, đóng tiền nầy tiền kia nhiều quá thành ra cũng không rẻ hơn Chà-và Việt Nam mình là bao nhiêu. Mà cũng có một điều nầy gay lắm, là hễ trong giấy hẹn ngày nào thì tới ngày ấy phải trả, không nói gì được hết, nếu trễ thì xin Tòa thi hành phát mãi.
- Như chú sợ thì hỏi bạc của Trương Hà. Dầu ổng ăn lời mắc. Tôi còn thiếu ổng 12 ngàn, ổng ăn lời tới một phân rưỡi.
- Như vậy cũng không mắc gì lắm.
- Chú cần dùng hỏi chừng bao nhiêu?
- Tôi phải hỏi tới 30 ngàn mới đủ đóng tiền đất.
- Tiền lời tới 4 ngàn rưỡi một năm... Phần tôi phải hỏi tới 50 ngàn. Mình hỏi nhiều mình nói ổng bớt tiền lời một phân hai có lẽ được. Chú muốn hỏi thì bữa nào chú qua bển rồi tôi dắt chú đi.
- Chắc hỏi được hôn?
- Chắc mà. Tôi lấy bao nhiêu cũng được hết. Song hỏi nhiều phải thế bằng khoán đất. Chú phải đem bằng khoán cho ổng coi.
- Thôi, mốt tôi đem qua được hôn?
- Được. Chú qua rồi tôi dắt đi. Nè, mà mốt chú qua, thím với con Hai qua chơi nghe. Qua đó để thím ở nhà, rồi hai anh em mình đi.
Bà Tổng nghe hai người đờn ông nói chuyện như vậy bà cũng tiếp mời bà Hội đồng với cô Xuân Hương qua nhà chơi. Bà Hội đồng không dám thất lễ, nên bà phải hứa lời.
Ông Tổng với bà Tổng ở nói chuyện chơi và ăn cơm trưa rồi hai ông bà mới về.
Chương 2
Dựa mé kinh Rạch Giá qua Long Xuyên, phía bên tay trái, từ cầu Quây Rạch Giá trở vô ước chừng ba bốn trăm thước, có một cuộc ở đồ- sộ, chính giữa một cái nhà lầu rộng lớn, hai bên kềm hai lẫm lúa mỗi cái dài 10 căn, phía sau có một cái nhà bếp, tại đầu lẫm lúa bên tay mặt có nhà để xe hơi, tại đầu lẫm lúa phía bên tay trái lại có một cái nhà chứa đồ làm ruộng. Ai đi ngang cũng biết cuộc ở của một vị điền chủ lớn, tiếc gì cái nhà lầu cất gần cái lộ dựa mé kinh, chừa cái sân chỉ có sáu bảy thước, lại bị hai lẫm lúa kềm khít hai bên bó rọ, sân không kiểng, nhà không vườn; bởi vậy cuộc ở coi hùng hào nhưng thiếu vẻ thanh nhã.
Cuộc ở nầy là cuộc ở của ông Trương Hà, đại điền chủ trong tỉnh Rạch Giá, có công giúp một số bạc rất lớn để cất nhà thương nên được quan trên ân tứ Hàm- Tri Huyện.
Ông Trương Hà vốn là con cháu khách, cha của ông là người Triều Châu, còn mẹ là Việt Nam .
Ông mới được 50 tuổi, vợ chồng chỉ có sanh hai người con, người lớn là gái tên là Trương Thị Lang đã gả cho ông Đốc tơ Triệu Như Hổ, học bên Tây lãnh được bằng cấp y khoa Tấn Sĩ, về cưới vợ, nhờ cha mẹ vợ mua cho cái nhà lầu tại Sài Gòn ở mà khám bịnh cho thuốc; còn người nhỏ là trai trên Trương Hoàng Kiết 20 tuổi, học bên Tây sáu năm, tốn chừng năm muôn đồng bạc, mới lãnh được một cái bằng cấp khiêu vũ, kế cha mẹ kêu về đặng phụ giúp cai quản sự nghiệp không cho học nữa.
Y theo lời hứa hôm nọ, nên đúng ngày hẹn ông Hội đồng Võ Kế Nghiệp đi với vợ và con gái qua nhà ông Cai Tổng Hà Thiện Bình. Bà Tổng với hai đứa con gái nhỏ của bà thấy cô Xuân Hương thì mừng rỡ, tiếp rước rất ân cần vui vẻ không nói được. Ăn đồ lót lòng rồi, ông Hội đồng Nghiệp với ông Cai Tổng Bình vô Rạch Giá đặng tính việc vay bạc mà đóng bạc mua đất.
Hai ông vô tới nhà ông Huyện hàm Trương Hà thì lối 10 giờ sớm mơi.
Xuống xe bước vô sân thì thấy nhà lầu cửa đóng kín mít, không có cho vô.
Hai người đứng ngơ ngáo, thấy trong nhà xe có để một cái xe hơi nhỏ 4 chỗ ngồi còn mới tinh với một cái xe hơi mui kiếng lớn thình lình coi hùng vĩ lắm. Ông Tổng chỉ mà nói rằng: „Cái xe lớn đó máy 40 ngựa, ông huyện ổng mua tám chín ngàn gì đó. Nó chạy dữ quá, nội tỉnh Rạch Giá chưa có ai dám sắm cái xe như vậy".
Ông Hội đồng cười và hỏi rằng:
- Ổng đi đâu mà sắm xe dữ như vậy?
- Ổng ở nhà hoài, không bao giờ ai thấy ổng đi đâu hết.
- Vậy chớ sắm xe hơi làm chi mà lớn dữ vậy?
- Giàu có, tiền bạc không biết làm gì cho hết, nên sắm để coi chơi vậy mà.
- Người mình xài phí quá!
Hai ông đương nói chuyện, bỗng có một người gánh cặp thùng thiếc ở phía sau đi dọc theo lẫm lúa mà ra. Ông Tổng chận mà hỏi rằng:
- Có ông Huyện ở nhà hay không em? Sao đóng cửa bít bùng vậy?
- Thưa có, ông bà tôi ở nhà đủ hết. Ăn cơm rồi ông tôi mới lên lầu, còn bà tôi ngồi ở dưới từng dưới.
- Em trở vô nói có ông Tổng ở ngoài Thạnh Hòa vô thăm ông, rồi mở cửa đi chớ.
Người gánh nước đó trở vô một hồi rồi ra nói rằng: „ Thưa, bà tôi mời ông vô nhà. Ông đi theo tôi đây mà vô cửa sau cũng được".
Hai ông đi theo người ấy, đi dọc theo lẫm lúa mà vô cửa sau. Bà Huyện Trương Hà mập mạp, cao lớn, nước da đen, chơn mày rậm, bộ tướng thô tục, y phục sơ sài, bà ngồi tại bộ ván gần cửa sau, bà chào hai ông khách và nói rằng: „Mời hai ông đi ngay lên lầu, ở nhà tôi nằm hút ở trển, hai ông đi ngay lên trển nói chuyện chơi, chớ chờ biết chừng nào ổng hút mới rồi".
Hai ông khách đi thẳng lại thang mà lên lầu.
Ông Huyện Trương mập mạp mà lùn, mặt tròn, cặp mắt híp, không có râu, đầu hớt trọc lóc, khi hai ông khách bước lên thì ông Huyện bận một cái áo lá trắng có hai cái túi thiệt lớn, đương nằm vít đốc trên bộ ván, quần vén tới đầu gối, dựa bên có để một mâm thuốc á phiện, bên kia có một người nằm làm thuốc cho ông hút. Ông thấy khách thì lồm cồm ngồi dậy chào ông Cai Tổng Bình rồi hỏi rằng:
- Còn ông nầy là ai, tôi không biết?
Ông Tổng đáp rằng: „Ông đây là Hội đồng Nghiệp, anh em với tôi ở bên Cái Tắc".
Ông Huyện mời khách lại ngồi bộ ghế bành tượng cẩn ốc xa cừ để gần bộ ván chỗ ông hút, kêu trẻ lấy thuốc rót nước, ông cũng bận áo lá chớ không thay áo khác. Ông hỏi ông Tổng rằng:
- Mấy tháng nay tôi không gặp ông. Ông mạnh giỏi hả?
- Mạnh.
- Ông đi hầu việc quan rồi ghé thăm tôi chơi hay là có việc chi?
- Ờ! Ghé thăm ông chơi, mà cũng nói chuyện riêng một chút.
- Mời hai ông hút chơi.
- Cái đó hai anh em tôi không biết.
- Hút mà cái giống gì không biết. Hút cho nó khỏe trong mình chớ.
- Xin cho kiếu, không dám đâu.
- Thôi xin lỗi hai ông ngồi đó chơi, cho tôi hút ít điếu.
- Được, được, ông hút đi.
Ông Huyện nằm lại mà hút, kéo ống nghe ro ro.
Ông Hội đồng Nghiệp ngồi ngó cùng trong nhà thấy từng lầu rộng mà lại cao, tiếc vì bàn ghế, tủ gương không xứng đáng nên coi không đẹp.
Ông Tổng thấy ông Huyện đã hút ít điếu bèn hỏi rằng:
- Lúa ông còn nhiều hôn?
- Còn chút đỉnh, chừng năm sáu chài.
- Năm sáu chài, mà ông nói chút đỉnh chớ. Tới tháng nầy sao ông không bán, để lúa sụt còn gì?
- Không có sao mà. Chừng nào bán cũng được, có lo gì.
Có một người lên thang lầu, vì thang bằng cây, mà lại đi mạnh, nên tiếng nghe ầm ầm.
Ông Tổng với ông Hội đồng ngó lại, thì thấy một người trai chừng 20, 21 tuổi, mặc một bộ đồ Tây nỉ xám, may thiệt kéo, chơn mang giày vàng, đầu đội bê rê đen. Người trai ấy thấy khách thì cúi đầu chào rồi đi thẳng vô một cái phòng.
Ông Tổng hỏi ông Huyện rằng:
- Thầy đó là ai?
- Con tôi đa, ở bên Tây mới về vài tháng nay.
- Té ra cậu đây là Trương Hoàng Kiết phải hôn?
- Phải a.
- Tôi có nghe nói, mà thuở nay tôi không gặp. Cậu học bên Tây đã lấy được bằng cấp gì hay chưa?
- Nó gần thi Tú Tài, mà bị việc nhà bê bối, có một mình tôi coi không xiết, nên tôi phải kêu nó về.
- Sao không để cậu học cho đến cùng đặng có bằng cấp với người ta?
- Đời nầy học cho biết thì thôi, bằng cấp bằng kéo làm giống gì. Phải mình tính cho nó đi làm mướn hay sao, nên cần phải có bằng cấp.
- Ông đem cậu về bây giờ ông tính cưới vợ cho cậu rồi bắt cậu coi ruộng nương hay sao?
- Ờ, hổm nay mẹ nó muốn đi coi vợ cho nó, mà nó không chịu. Nó nói cưới vợ thì thà nó cưới đầm, chớ con gái Việt Nam quê mùa lắm, nó không muốn.
- Bên mình đâu có đầm mà cưới.
- Nó đòi trở qua Tây cưới vợ, rồi nó dắt về .
- Ông bằng lòng cho cậu cưới đầm hay sao?
- Đâu được! Mình quê mùa, có dâu đầm rồi làm sao mà nói chuyện.
- Nè, thầy Phó trong nầy mới cất cái nhà tốt quá ông há! Đi ngoài dòm vô coi thiệt là đẹp. Cái nhà đó cất tôi sợ không dưới 30 ngàn.
- Thầy khoe với người ta, thầy cất 35 ngàn đó đa. Thầy không khá gì mà cất nhà chi tốt dữ vậy không biết. Cất nhà hụt tiền nên phải cậy tôi giùm hết 10 ngàn. Người hay làm bướng quá, ít tiền mà muốn se sua, cất nhà tốt sắm xe hơi, cho con đi Tây, mua hột xoàn lớn, không biết rồi họ làm sao?
- Họ cũng liệu cơm mà gắp mắm chớ.
- Liệu giống gì? Họ làm cố mạng rồi hụt hạt cứ bấu lại tôi. Tôi cho vay thì ăn lời, không nói gì, ngặt tôi sợ họ vay bướng trả không nổi, họ xô ruộng đất cho tôi đây, rồi tôi không biết làm sao coi cho xiết chớ.
- Hiện giờ ông có chừng bao nhiêu ruộng?
- Có biết đâu. Hôm thằng con tôi bên Tây về, nó soạn giấy tờ trong tủ nó tính chơi, nó nói đâu chín mười ngàn mẫu gì đó.
- Nhiều quá!
- Tôi có hai đứa con, tôi không thèm sắm ruộng đất nhiều, chớ phải tôi ham như người ta thì tôi có tới bằng hai bằng ba số đó.
- Hai anh em tôi vô đây tính cậy ông một việc.
- Cậy việc gì?
- Hôm nhà nước bán đất quốc gia ngoài làng Thạnh Hòa, hai anh em tôi đấu giá, tôi mua được 400 mẫu, chú Hội đồng đây mua được 200 mẫu.
- Ờ! Tôi có nghe nói hôm đó áp giành với nhau đấu giá mua mắc lắm phải hôn? Đất mà mua mắc làm chi, có bạc để ta cho vay rồi ta lấy đất của họ, giá rẻ rề, cần gì phải giành giựt mà mua cho mắc.
- Đất Thạnh Hòa tốt, cho mướn tới 5 giạ một công. Hai anh em tôi mua giá cũng vừa, chớ không mắc gì. Ngặt vì nhà nước buộc anh em tôi phải đóng bạc phân nửa, còn phân nửa thì cho kỳ qua sang năm sẽ đóng. Bây giờ hai anh em tôi thiếu bạc, nếu hỏi mấy nhà băng thì cũng được, song nếu hỏi người mình cho dễ, nên vô xin ông liệu coi có thì giúp giùm cho hai anh em tôi được hay không?
- Hai ông muốn hỏi bao nhiêu?
- Tôi muốn hỏi 50 ngàn, có chú Hội đồng đây chú hỏi 30 ngàn?
- Số nợ cũ mấy năm nay ông cứ trả lời hoài, ông không trả vốn, mà hỏi nữa rồi làm sao?
- Nợ cũ có 12 ngàn, nhiều nhõi gì đó mà lo. Ông sợ tôi nói ngược hay sao?
- Không phải sợ. Năm nào ông cũng trả tiền lời, mà nói ngược giống gì, ông giàu có làm tới Cai Tổng, có mười mấy ngàn đồng bạc lẽ nào ông chối hay sao mà sợ.
Ông Huyện bước lại rót nước uống, ông suy nghĩ một hồi rồi nói tiếp rằng: „Anh em hễ mích lòng trước thì được lòng sau. Tôi nói thiệt hai ông muốn hỏi bao nhiêu cũng được hết. Nhưng mà hỏi số bạc nhiều như vậy thì phải cố đất. Thuở nay ai hỏi bạc, tôi cũng buộc như vậy hết thảy; bởi vì nếu không buộc cố đất, có người xấu họ vay bạc của mình rồi họ không trả bạc, mình lấy gì đâu mà trừ. Không phải tôi nghi hai ông, song bạc tiền là núm ruột, thà mình làm minh bạch vậy tốt hơn".
Ông Tổng đáp rằng: „Ông muốn anh em tôi cố đất cũng được, không hại gì. Mình thiệt tình, hễ vay thì lo trả, có sao đâu mà sợ".
Ông Tổng với ông Hội đồng lấy bằng khoán đất đưa hết cho ông Huyện Trương Hà coi.
Ông Huyện nói: „Thôi hai ông để hết bằng khoán đây cho tôi coi ít bữa rồi tôi sẽ trả lại. Mà những đất quốc gia hai ông mới mua đó, tuy chưa có bằng khoán, song trong tờ hai ông cũng phải nói cố luôn nữa mới được chớ".
Hai người khách gặt đầu, chịu cố luôn đất đó nữa.
Ông Hội đồng hỏi ông Huyện rằng:
- Nhưng ông coi bằng khoán rồi ông chịu cho, thì ông tính tiền lời bao nhiêu?
- Thường tôi cho tiền lời một phân rưỡi.
- Nặng quá. Cho bạc muôn ông phải giảm tiền lời chớ. Chà và kia nó còn cho một phân.
- Sao được. Ông hỏi băng, họ cũng tính lời ít nữa là một phần tư. Tôi cho phân rưỡi đó là rẻ lắm, bởi vì tôi còn phải tốn tiền bách cầu chứng tờ cố đất nữa chi.
- Xin ông bớt tiền lời, chớ một phân rưỡi nặng lắm, ông.
- Thôi không sao. Để tôi coi giấy tờ rồi sẽ tính. Như ông đây tôi muốn viết thơ trả lời, tôi phải đề bao làm sao?
- Ông cứ viết thơ cho Ông Tổng đây, rồi ảnh cho tôi hay cũng được.
- Như vậy thì tiện lắm. Thôi để ít bữa rồi tôi sẽ trả lời cho ông Tổng.
Trời đã trưa, mà chuyện nói cũng đã xong, hai ông khách đứng dậy từ mà về rồi cũng phải ra cửa sau, chớ cửa trước không mở.
Ông Hội đồng Nghiệp trở về nhà ông Tổng Bình mà ăn cơm, chủ khách thuận hòa, cô Xuân Hương với con gái của ông Tổng cũng thân thiết, nên bữa ăn thiệt là vui vẻ lắm. Bà Tổng hỏi thăm coi việc đi hỏi bạc có thành hay không. Ông Tổng thuật chuyện lại cho bà nghe rồi cười mà nói rằng:
- Ông Trương Hà làm màu đặng mình hầu ổng chơi, chớ tôi biết bề nào ổng cũng chịu. Trời ơi, cho vay mà gặp tôi với chú Hội đồng đây thì cầu mà cho, còn đợi ai nữa. Vậy mà còn cố đất thì chắc quá, còn sợ nỗi gì. Tôi nói không sai đâu, trong năm ba bữa đây ổng kêu làm giấy lấy bạc đa. Mà hễ ổng kêu thì mình dục dặc lại, đặng nài ổng bớt lời cho nhẹ.
Ông Hội đồng nói rằng:
- Ông Huyện ăn lời tới một phân rưỡi nặng quá.
- Được đâu. Chừng làm giấy mình xin tính một phân mà thôi. Như ổng không chịu, thì lên một phân mốt, hoặc một phân hai, chớ một phân rưỡi thì thôi xin vay chỗ khác.
- Ông Huyện đó bộ coi thô tục quá. Ổng ỷ ổng nhiều tiền, nên nói chuyện ổng coi không có trời đất gì hết.
- Nhà giàu mới bây giờ phần nhiều họ như vậy hết thảy. Họ quê mùa dốt nát, không có giáo dục, khi không họ bực lên họ giàu to, rồi tư cách không xứng với sự sản, nên mới vậy đó. Chớ nhà giàu xưa người ta biết lễ nghĩa khiêm nhượng, chớ đâu có kỳ cục như vậy bao giờ.
Ăn cơm rồi vợ chồng ông Hội đồng mới từ giã mà về Cái Tắc.
Cách chừng một tuần lễ, ông Tổng Bình được thơ của ông huyện Trương Hà. Trong thơ ổng nói ổng chịu cho ông Tổng vay 50 ngàn và cho ông Hội đồng vay 30 ngàn, song buộc bà Tổng với bà Hội đồng phải đứng giấy với chồng, lại buộc hai ông phải bảo lãnh vần công với nhau.
Ông Tổng chạy xe hơi qua Cái Tắc đưa thơ cho ông Hội đồng coi và hẹn ngày đi làm giấy lấy bạc. Đúng ngày hẹn, vợ chồng ông Hội đồng qua Thạnh Hòa hiệp với vợ chồng ông Tổng mà đi Rạch Giá.
Hai ông nài quá, nên ông huỵên hàm chịu sụt bớt tiền lời xuống một phân hai. Hai ông làm giấy theo thế thức của chủ nợ buộc, rồi lấy bạc đem qua kho bạc mà đóng phân nữa giá mua đất.
Chương 3
Trong năm phần tư năm 1920 tới năm 1929, năm nào lúa bán giá bực trung cũng 1đ50 một giạ, có lúc lên tới 1đ80 hoặc 2đ00. Dân trong xứ phần nhiều chuyên nghề làm ruộng, nhờ giá lúa cao đó, nên bạc tiền chớn chở không biết làm gì cho hết.
Những điền chủ ở các tỉnh, nhứt là ở miệt Tiền Giang, Hậu Giang, đua nhau cất nhà tốt, sắm xe hơi, mua hột xoàn, chơi bài bạc, bành trướng điền địa, cho con đi Tây, gây ra cuộc vui dầu tốn một hai ngàn không cần, được chúng bẩm dạ dầu hao đôi ba muôn cũng chịu. Từ lớn chí nhỏ coi bạc tiền như đất cục, chê nhơn nghĩa là trái mùa, phải vọc bạc muôn mới ra mặt người sang, chớ luận đạo đức thì bị coi là đồ dại.
Đất hoang vu rừng bụi mà giành nhau mua đến một hai trăm đồng một mẫu, nợ năm bảy chục ngàn mà cho là chút đỉnh không đủ gì lo. Người nào có ý nghĩ xa, thấy nhơn tình với thế cuộc như vậy thì cũng lắc đầu tự hỏi: „Vậy chớ cái đường Việt Nam mình đi đó tới đâu mới cùng? Mà cái đường đó phải hay quấy?"
Tại cái thời cuộc đó mà ông Hội đồng Nghiệp với ông Cai Tổng Bình mới mua thêm đất, lại mua mắc, rồi đi vay bạc, người 30 ngàn, kẻ 50 ngàn mà coi như chuyện chơi. Thiệt, nếu làng sóng thạnh vượng cứ bủa tới hoài, thì chừng vài ba năm, hai ông cũng trả đứt số nợ, không khó chi hết.
Rủi thay, qua năm 1930 mùa thất, ông Cai Tổng Bình thâu góp về đất cũ về đất mới chỉ có 45 ngàn giạ, chớ không phải 65 ngàn, còn ông Hội Đồng Nghiệp thâu góp được có 18 ngàn giạ. Hồi đấu mùa thì giá lúa 1đ60 một giạ. Năm nầy hai ông phải đóng tất số tiền cho nhà nước, nên mới chẩn lại ít ngày, nhóng coi như giá lúa lên thêm nữa thì sẽ bán đặng có lời thêm một mớ. Nào dè cuối tháng 5 Tây, lúa sụt xuống 1đ50. Giá 1đ60 không bán, mà bán 1đ50 sao được. Để chờ nữa. Té ra lúa không lên giá mà lại lần lần bị sụt thêm hoài, sụt xuống 1đ30, 1đ20, 1đ00, qua tới tháng 8 giá còn có 0đ80 một giạ. Chết tươi! Nhà nước gởi giấy thúc đóng tiền mua đất, chủ nợ gởi thơ buộc phải trả nợ. Ông Cai Tổng chừa 5 ngàn giạ để cho tá điền ăn, ông bán 40 ngàn giạ lấy có 32 ngàn đồng. Ông Hội đồng chừa 3 ngàn giạ, ông bán 15 ngàn giạ lấy có 12 ngàn đồng.
Ông Cai Tổng phải đóng bạc mua đất 48 ngàn, phải trả tiền lời về 62 ngàn đồng bạc nợ, 7.440 đồng.
Ông Hội đồng phải đóng bạc mua đất 31 ngàn, phải trả tiền lời cho chủ nợ là 3.600đồng.
Làm sao có đủ bạc mà trả?
Hai ông bối rối hết sức, bàn tính với nhau rồi hiệp nhau vô nhà ông Huyện hàm Trương Hà tỏ việc rủi ro đã bị thất mùa lại bị lúa rẻ, rồi năn nỉ xin vay thêm cho đủ đóng bạc mua đất, còn vốn cũ nhập với vốn mới và nhập với tiền lời mà làm chung mỗi người một cái giấy mới cho dễ.
Trương Hà nghĩ hai ông đất nhiều, dầu cho vay thêm chẳng hại gì. Đã vậy hai ông lại có đất mới mua của nhà nước. Nếu muốn cố đất đó cho chắc chắn, thì cần phải trả tất cả số bạc mua đất đặng Nhà nước sang bộ mới được. Ông Trương Hà tính như vậy nên chịu cho vay thêm và chịu cho thay giấy nhập lời làm vốn thêm nữa.
Phần ông Cai Tổng Bình:
Số vốn cũ: 62.000$
Số bạc lời: 7.440$
Số vay thêm: 20.560$
Cộng: 90.000$
Phần ông Hội đồng Nghiệp:
Số vốn cũ: 30.000$
Số bạc lời: 3.600$
Số vay thêm: 16.4000$
Cộng: 50.000$
Hai ông về dắt hai bà vô làm giấy lại, ông Cai Tổng vay 90 ngàn, ông Hội đồng vay 50 ngàn. Mỗi cái giấy đều có vợ chồng đứng đủ, có biên cố ruộng đất, mà lại còn buộc hai ông bảo lãnh vần công cho nhau nữa.
Hai ông lấy thêm bạc mà đóng tất giá mua đất thì yên được một mối rồi, chỉ còn lo một mối nợ mà thôi.
Qua năm 1931 lúa thất luôn một mùa nữa, lại giá còn có 0đ60 một giạ.
Ông Cai Tổng thâu góp có 37 ngàn giạ, để giành nuôi tá điền 7 ngàn, còn bán có 30 ngàn giạ có 18 ngàn đồng bạc.
Ông Hội đồng thâu góp có 17 ngàn giạ, để giành nuôi tá điền 3 ngàn, còn bán có 14 ngàn giạ có 8.400 đồng bạc.
Tính nội tiền lời thì ông Cai Tổng phải trả 10.8000đ. Ông Hội đồng phải trả 6.000đ. bán lúa giá như vậy, nếu trả tiền lời rồi cũng không còn đủ bạc mà đóng thuế và ăn xài, có đâu mà trả vốn được. Hai ông hiệp nhau đi nói với chủ nợ mà trả tiền lời xin để vốn lại, song ông Cai Tổng trả được có 7.800đ, còn thiếu số lời lại 3.000đ, còn ông Hội đồng rán trả được 5.000đ, để thiếu số lời lại 1.000đ.
Qua năm 1932, số lúa thâu góp chẳng nhiều hơn, mà giá lúa lại sụt hơn nữa, còn có 0đ50 một giạ. Hai ông trả tiền lời cũng không đủ, ông Cai Tổng để thiếu lại 4.000đ và ông Hội đồng 2.000đ.
Ông Huyện Hàm Trương Hà thấy 2 năm mà hai ông đều thiếu tiền lời luôn luôn, lại giá lúa sụt, đất cũng sụt theo, sợ bị tịch hết ruộng đất cũng không đủ số nợ, nên vào đơn tại Tòa Hộ mà kiện xin Tòa lên án đặng thi hành phát mãi sự sản của hai ông. Hai ông lo quá nên phải mướn Trạng sư bào chữa, viện lẽ kinh tế khủng hoảng mà xin Tòa châm chế cho đình lại chừng nào giá lúa phát lên lại rồi sẽ trả nợ. Tòa cũng có nhơn, nên lên án cho đình lại một năm, nếu mãn năm mà không trả nợ thì sẽ thi hành phát mãi.
Bà Hội đồng Nghiệp thấy việc nhà bối rối thì bà rầu quá ăn ngủ không được, bịnh ho của bà phát lại, làm cho chồng con thêm lo nữa.
Ông Hội đồng Nghiệp bàn với ông Cai Tổng Bình, muốn bán bớt phân nữa ruộng đất mà trả nợ. Ông Cai Tổng nói bán bớt ruộng đất xấu hổ nên khuyên ông Hội đồng để thủng thẳng mà tính, chẳng nên vội lắm. Cách ít tháng sau, kỳ hạn Tòa định đã cận rồi, hai ông luýnh quýnh muốn bán ruộng đất thì không ai mua, túng thế vô Rạch Giá nói với chủ nợ xin định giá đất đặng hai ông làm tờ đoạn mãi một mớ mà trả số nợ.
Ông Huyện Trương Hà cười mà đáp rằng: „Ruộng đất bây giờ không có giá, dầu hai ông bán năm chục đồng một mẫu cũng không có ai mua. Nếu hai ông bán hết ruộng đất nhà cửa cho tôi, hai ông cũng không trừ hết số nợ được. Bày mưu bán làm chi. Để chừng Tòa lên án thi hành phát mãi, nếu có ai muốn mua thì tôi cất giá lên cao cho đủ số nợ của tôi. Còn như không có ai giành mà mua, thì tôi lấy ruộng đất hết cũng được.
Hai ông trở về mặt buồn xo.
Năm ấy cô Xuân Hương thi đậu bằng cấp :"Brevet supérieur". Các nhựt báo đều khen ngợi lại đăng chơn dung của cô lên mặt báo cho công chúng biết, nhưng trong nhà đang bối rối về nợ nần, nên cha mẹ không mừng, rồi làm cho cô cũng không vui chi hết.
Hà Thiện Ý là con của ông Cai Tổng Bình, ở bên Tây cũng thi đậu bằng cấp Luật Khoa Cử Nhơn, muốn ở học thêm đặng lấy bằng Tấn Sĩ. Ngặt vì việc nhà của ông Cai Tổng Bình nguy lắm, ông không thể nuôi con ở bên Tây nữa được, nên đánh dây thép biểu phải về ngay lập tức.
Hà Thiện Ý về tới, cha mẹ dắt nhau qua thăm bà Hội đồng Nghiệp đau. Hà Thiện Ý với Xuân Hương là cặp thanh niên tân học nên không e lệ chi hết, gặp nhau thì trò chuyện vui vẻ bình thường, lại coi có mòi dan díu thân thiết lắm!
Bà Hội đồng, vì rầu việc nợ nần, nên bịnh ho của bà càng ngày càng thêm, thân thể bà ốm như tàu lá. Ông Hội đồng lo sợ, biểu con ở nhà coi sóc gia đình, rồi ông đem vợ lên Sài Gòn cho lương y chuyên môn về bịnh ho rọi kiếng mà trị bịnh. Ông đem thằng con trai lớn theo đặng giúp đỡ ông, còn đứa con trai út thì ông để ở nhà với Xuân Hương.
Một buổi sớm mơi, cậu út cỡi xe máy qua Rạch Gòi mà chơi. Cô Xuân Hương ở nhà một mình, cô đốc phách gia dịch đứa vô phân mấy bồn bông, đứa làm cỏ ngoài sau vườn. Cô mặc áo lụa trắng, quần lãnh đen, đầu gỡ sơ, chơn mang guốc, tai đeo một đôi bông lớn, tay trái đeo một chiếc vàng nhận hột xoàn, cô không trang điểm, không dồi phấn thoa son, mà vì cô có sắc sẵn, gương mặt sáng rỡ, bởi vậy ai thấy cô cũng phải trầm trồ khen thầm là gái đẹp.
Cô đi vòng theo mấy bồn bông coi bắt sâu. Cô cầm bông hường da người mà hưởi, bông kề vô mặt, coi nước da của cô còn đẹp hơn màu bông. Cô nắm bông huệ mà nhìn, mấy ngón tay của cô coi cũng đẹp như mấy búp huệ gần nở.
Cô đương xẩn bẩn trong hoa viên, bỗng có chú thường xuyên ở nhà việc làng đem một tờ nhựt báo với một cái thơ lại giao cho cô. Cô cầm cái thơ mà coi ngoài bao, thấy đề tên cô, cô chắc là thơ của chị em bạn học gởi. Cô cám ơn chú thường xuyên rồi thủng thẳng trở vô nhà. Cô men men đi lại cái bàn viết đặng đọc thơ. Cô vừa ngồi đọc thì cô thấy chơn dung của Hà Thiện Ý để trên bàn viết, cô liếc mắt ngó mà cười rồi thủng thẳng lấy cái dao rọc giấy mà rọc bao cái thơ cô mới được đọc. Cô lấy cái thơ ra mà coi thì thơ như vầy:
Thạnh Hòa, le 10 Aout 1933
Em Xuân Hương rất yêu dấu ôi!
„Mấy năm nay anh học ở bên Tây, thấy má anh viết thơ cho anh, thường hay khen tài đức của em và khuyên anh ráng học cho thành danh, đặng chừng trở về xứ sánh duyên cùng em cho xứng đáng.
„Hồi nhỏ anh có giáp mặt em mấy lần mà không có nói chuyện gì với nhau. Từ khi anh đi Tây thì sẵn có tấm hình trong rương, hễ buồn thì anh lấy ra anh nhìn. Anh nhờ cái hình đó nung chí cho anh mới thành danh được."
„Hôm qua anh qua thăm chú thím, anh muốn tỏ lời tạ ơn em, song anh bợ ngợ không mở miệng được. Vì vậy nên anh phải viết bức thơ nầy mà bày tỏ cái tình của anh đối với em cho em biết, và hứa chắc với em rằng anh sẽ hết lòng kính yêu bao bọc em trọn đời, cho tới chừng nào chết mới dứt.
Hà Thiện Ý.
Cô Xuân Hương đọc thơ rồi, cô xếp kỹ lưỡng mà bỏ vào túi. Cô vói lấy cái hình của Thiện Ý trên bàn viết, cầm mà nhìn và miệng chúm chím cười.
Thình lình có một cái xe hơi chạy vô sân. Cô Xuân Hương dòm ra thì thấy chiếc xe hơi lạ hoắc, trên xe leo xuống một người trai mập mạp vậm vỡ, nước da mét mét, mặc bộ đồ xám may thật khéo và còn mới tinh. Người ấy xâm xâm đi vô cửa.
Xuân Hương ở nhà một mình nên cô đứng dậy, tính bước ra tiếp khách.
Người trai ấy vô tới cửa, ngó thấy cô, liền dở nón cúi đầu mà chào đúng lễ. Cô cũng cúi đầu đáp lễ, không bợ ngợ chi hết và hỏi rằng:
- Ông đến nhà tôi có việc chi, xin ông vui lòng cho tôi biết?
- Xin lỗi cô, có phải nhà nầy là nhà của ông Hội Đồng Võ Kế Nghiệp chăng?
- Thưa, phải.
- Tôi là Trương Hoàng Kiết, con của ông Huyện Hàm Trương Hà ở bên Rạch Giá.
- Xin lỗi ông, thuở nay tôi không biết, vậy xin mời ông ngồi.
Trương Hoàng Kiết bước vô „salon", ngồi cái ghế phía ngoài, tay cầm nón, mắt ngó cô Xuân Hương ngồi cái ghế „canapé" phía trong và kêu gia đinh bưng nước.
Trương Hoàng Kiết hỏi:
- Xin lỗi cô, không biết có ông Hội đồng ở nhà hay không?
- Ba tôi đem má tôi đi uống thuốc ở trên Sài Gòn.
- Té ra cô đây là con của ông Hội đồng ?
- Thưa phải. Ông hỏi thăm ba tôi, vậy ông muốn nói chuyện chi hay sao?
- Thưa phải. Tôi qua đây đặng nói chuyện riêng với ông Hội đồng. Thưa cô, không biết chừng nào ông Hội đồng về?
- Thưa, cái đó tôi không biết được. Ba tôi không có nói bữa nào về. Nếu có việc chi, xin ông nói với tôi rồi chừng ba tôi về tôi sẽ nói lại.
Hoàng Kiết liếc mắt ngó cô Xuân Hương, miệng chúm chím cười và nói rằng: „Tôi có việc cần phải tỏ với ông Hội đồng, mà chuyện đó không phải là chuyện vui. Cô là một đóa hoa thơm, vừa có duyên, vừa có sắc, có lẽ nào tôi đành vô lễ đem chuyện không vui mà thỏ thẻ với cô, rồi làm cho hoa sầu liễu ủ hay sao?
Cô Xuân Hương hiểu mấy lời ấy thanh tao mà có ý chọc ghẹo, nên cô chánh sắc mà đáp rằng: „Xin ông đừng ngại. Hoa cũng có nhiều thứ, có thứ yếu ớt sợ nắng sợ mưa, mà cũng có thứ vững vàng quen giông quen gió. Ông muốn nói chuyện chi với ba tôi, xin ông cứ nói ngay ra, như chuyện huỡn thì tôi đợi ba tôi về tôi sẽ nói lại, còn như chuyện gấp thì tôi sẽ gởi thơ cho ba tôi hay".
Hoàng Kiết gặc đầu cười và nói rằng:
- Nếu cô cho phép thì tôi mới dám nói.
- Ông cứ nói mà.
- Tại cô ép quá, chớ thiệt tôi không muốn nói. Ông Hội đồng có thiếu bạc của cha tôi chút đỉnh. Bốn năm nay ông không trả vốn, mà bạc lời năm nào cũng không đủ, bởi vậy năm ngoái cha tôi kiện, ông Hội đồng xin Tòa đình lại một năm. Nay đã mãn hạn đình rồi, Tòa lên án dạy ông Hội đồng phải trả vốn và lời. Cha tôi sai tôi qua thưa cho ông Hội đồng hay, xin ông vui lòng trả số nợ theo án tòa dạy, bằng không cha tôi phải ép lòng mà giao án cho Trưởng Tòa.
- Không biết việc đó gấp hay huỡn? Đợi ba tôi về rồi tôi sẽ nói lại được hay không?
- Theo tôi thì cô muốn thế nào tôi cũng chịu hết. Ngặt vì việc nầy là việc của cha tôi, nên tôi không dám tự chuyện. Tuy vậy mà không sao. Để tôi về thưa lại với cha tôi mà xin huỡn ít ngày đặng đợi ông Hội đồng về rồi sẽ tính cũng được.
- Tôi cám ơn ông lắm.
- Thưa, tôi không dám. Tôi xin cô cho phép tôi hỏi ít điều.
- Ông muốn hỏi việc chi?
- Không biết ông Hội đồng có mấy người con?
- Có tôi với hai đứa em trai tôi nữa.
- Hôm trước tôi thấy nhựt trình in hình cô Xuân Hương thi đậu „Brevet supérieur". Không biết phải là cô hay không?
- Thưa, phải.
- Xin lỗi cô. Vậy mà nãy giờ tôi không dè. Tôi xin mừng và khen cô đã có sắc, có duyên, mà lại thêm có tài. Thiệt là ông Hội đồng có phước quá, sanh con gái đáng ngàn vàng.
- Phận tôi là gái, học biết chút đỉnh, có tài bao nhiêu mà ông khen quá như vậy.
- Ấy là lời khiêm nhường của cô.
Hoàng Kiết móc túi lấy thuốc ra hút, coi bộ muốn ngồi mết mà nói chuyện dần lân. Cô Xuân Hương bèn đứng dậy đi mở tủ lấy thuốc và hộp quẹt để trên bàn, rồi cô lại bàn viết mà đứng, không ngồi nữa. Hoàng Kiết hiểu ý chủ nhà muốn đuổi mình, nên chàng đứng dậy mà nói rằng: „Thôi, tôi xin kiếu cô tôi về. Để bữa nào có ông Hội đồng ở nhà rồi tôi sẽ qua ở nói chuyện chơi lâu".
Hoàng Kiết từ cô rồi bước ra sân. Cô Xuân Hương đi theo mà đứng tại cửa giữa. Hoàng Kiết ngó quanh quất, thấy bên tay trái có mấy liếp hường trổ màu, thì bông nào cũng lớn thì day qua nói rằng: „Cô trồng hường trổ bông đẹp quá. Xin cô cho phép tôi coi một chút. Tôi có tánh ái hoa, nên thấy hoa không thể đi được". Chàng đi lại mấy liếp hường rờ rẫm từ bông, rồi lại day vô ngó cô Xuân Hương và nói rằng:
- Yêu hoa thì phải để hoa trên nhành mà xem. Ngặt vì tôi không ở đây được mà xem, Biết làm sao. Vậy xin cô cho phép tôi hái một cái bông đem về Rạch Giá làm kỷ niệm cái ngày tôi có phước mà được đến Cái Tắc .
Cô Xuân Hương gặc đầu mà thôi, chớ cô không đáp một tiếng chi hết.
Hoàng Kiết hái một cái bông hường trắng còn hàm tiết, giắt tại túi áo trên, ngó cô Xuân Hương mà cười, rồi dở nón cúi đầu mà từ và bước lên xe.
Cô Xuân Hương trở vô, sắc mặt có vẻ buồn.
Chương 4
Ông Hội đồng Nghiệp dắt vợ lên Sài Gòn ở uống thuốc nửa tháng, bịnh giảm nhiều nên thầy thuốc khuyên mua thuốc đem về nhà mà uống tiếp thêm cũng được. Ông về nghe con thuật chuyện Trương Hoàng Kiết qua đòi nợ, nói nếu không trả thì chủ nợ sẽ đưa án cho Trưởng Tòa. Ông nghe nói như vậy thì thở dài mà nói rằng: „Việc ấy để ba lo. Con đừng có nói cho má con hay, má con buồn rồi phát bịnh lại đa nghe".
Ông liền viết thơ cho ông Cai Tổng Bình mà thuật việc ấy cho ổng hay và nói mình đi Sài Gòn mới về, mắc lo sắp đặt việc nhà, không thể qua được, nên mời ông Cai Tổng Bình qua Cái Tắc mà bàn tính việc nợ nần.
Cách ít ngày sau, hai vợ chồng Cai Tổng Bình qua. Việc nhà bối rối, mà coi bộ bà Cai Tổng không lo chi hết. Bước vô nhà, bà hớn hở vui cười, bà đi thẳng vô hậu đường mà vuốt ve cô Xuân Hương rồi nằm nói chuyện làm sui với bà Hội đồng.
Ông Cai Tổng với ông Hội đồng thì ngồi ngoài „salon" mặt mày buồn hiu, nói chuyện nho nhỏ, chớ không phải rộn ràng như hồi trước. Mời khách uống nước rồi, ông Hội đồng mới nói rằng:
- Việc nợ nần bây giờ anh tính làm sao đây? Ông Huyện có sai con ổng qua đây thôi thúc nói đã được án Tòa rồi, kỳ cho mình trong ít ngày phải trả đủ vốn lời, nếu không trả thì người ta giao án cho Trưởng Tòa biên tịch tài sản. Khổ quá, không biết tính sao được.
- Tính giống gì bây giờ! Mấy năm trước sáu bảy cắc một giạ, mà mình trả lời còn không nổi thay. Năm nay lúa còn ba cắc mấy thì chịu chết, chớ trả giống gì được mà tính. Tôi muốn bỏ xui hết, họ làm gì đó có sức họ làm.
- Bỏ xui sao được.
- Vậy chớ không bỏ thì làm sao? Đơn mình xin vay dài hạn thì chưa xét kịp. Chủ nợ thì họ được án thi hành. Điền đất thì không ai thèm mua. Số nợ chồng lời đã lên tới 100 ngàn, trả giống gì nổi. Thôi, tôi tính tôi bỏ xui, tôi xin từ chức Cai Tổng, rồi dắt vợ con lên núi, kiếm chùa ở mà tu phứt cho rảnh.
- Anh nói nghe buồn quá! Giống gì mà tới đi tu lận! Người ta làm sao thì mình cũng vậy, hơi nào mà rầu. Gặp cuộc kinh tế như vầy ai cũng bị nguy hết, chớ phải một mình mình nguy hay sao. Mấy ông lớn bằng cái bồ, họ cũng ngã rầm rầm, sự nghiệp của mình đáng bao nhiêu mà sợ.
- Chú nói hơi thị đời quá. Tuy sự nghiệp của mình nhỏ, song mình tín gần nát trí, làm đổ mồ hôi mới gây dựng được chớ phải khi không mà họ đem họ cho mình hay sao?
- Tôi nghĩ lại mình bị cái nguy nầy đáng lắm. Trong khoảng mười mấy năm về trước, mình làm thái quá, lớp xài phí vô độ, không tiếc đồng tiền, lớp làm việc gì cũng liều mạng không dè dặt. Bột ít mà muốn nắn nhưn nhiều thì không nguy sao được.
- Chú nói như vậy sao phải. Những người bị cái nạn khẩn bách nầy có phải hết thảy đều tại ăn xài vô độ đâu. Phần nhiều họ tiện tặn, lo làm ăn hết sức, lo sắm đất sắm điền, mà họ cũng bị nguy mới tức chớ.
- Mấy người đó họ bị nguy là tại họ tham, có ít họ muốn thêm cho nhiều, họ ham làm giàu nên họ bị hại.
- Như hai anh em mình đây chớ gì!
- Đó đa! Hồi trước anh có huê lợi hơn 40 ngàn giạ, tôi có ít mà cũng có 15, 16 ngàn giạ. Mình giữ đó mà ăn thì khỏe quá. Tại mình tham, mình muốn làm giàu thêm nữa, mình vay bạc mà mua đất mắc, thì ông trời ổng phạt mình chớ sao.
- Mình lo làm ăn, chớ phải cướp giựt ai hay sao mà trời phạt.
- Ấy! Tôi nói ông trời phạt đa. Mấy năm về trước mình làm thái quá, hễ mở miệng ra là tiền bạc, chớ không kể nhơn nghĩa. Ông trời thấy vậy ổng gây cuộc khẩn bách đặng làm ngã lăn hết cho biết chừng. Đáng lắm! Tôi vái nguy riết tới đặng tiêu hết chơi. Không sao, cầu cho ngã hết rồi sắp hàng chạy lại, có sao đâu mà sợ.
- Nếu được như vậy thì nói làm gì. Ngặt gì có người không ngã mà họ xô mình ngã, làm cho mình gãy tay gãy chơn rồi chạy nữa sao được.
- Buồn nên luận bậy bạ chơi cho khuây lãng, chớ bề nào cũng phải lo, bỏ xui hay là thị đời sao được. Tôi muốn hiệp với anh đi qua Rạch Giá năn nỉ với ông Huyện Hàm xin bớt tiền lời và xin phân hạn mà trả cho ổng. Mình lấy cớ kinh tế khủng hoảng nầy mà nói với ổng có lẽ được chớ. Nếu ổng phân hạn cho mình trả 15 năm, hoặc 12 năm, thì chắc mình trả được.
- Trời ơi! Nhè thằng cha đó mà chú biểu đi năn nỉ! Chú có giỏi thì chú qua bển mà nói với nó, chớ tôi đã đi rồi, nếu đi nữa thì uổng công, không ích gì. Hôm thằng con nó qua bên đây, bận về nó ghé tôi, nó cũng hâm giao án cho Trưởng Tòa thi hành. Tôi chạy vô Rạch Giá nói nó đừng giao án cho Trưởng Tòa, xin đình lại tới mùa lúa thì ta sẽ tính. Nó gạc ngang không kể chi hết. Thứ nhà giàu họ mới kể đồng tiền, chớ có kể nhơn nghĩa gì?
- Bề nào tôi cũng phải qua nói phải quấy với người ta, chớ nín khe vậy sao phải.
- Chú muốn đi thì tôi đi với. Mà tôi chắc không thể nào nói được đâu. Trời ơi, tôi xin huỡn cho tôi tới mùa lúa mà còn không được thay, làm sao chú xin phân hạn trả 15 hay 12 năm cho được.
- Ấy, củng phải nói thử coi, chừng nào không được rồi mình sẽ tính thế khác.
- Chú muốn đi thì bữa nào chú qua tôi đi với chú. Nầy, còn chuyện của sắp nhỏ, chú thím liệu sao? Bữa nay hai vợ chồng tôi qua đây muốn nói với chú thím đặng tính việc hôn nhơn phứt cho rồi. Tuy gặp hồi khẩn bách, song mình làm cha mẹ phải tính việc trăm năm cho con, đặng nó có đôi bạn mà làm ăn.
- Vợ chồng tôi thuở nay nhứt định gả con Xuân Hương cho thằng tư Ý, chừng nào anh muốn làm lễ cưới thì làm, vợ chồng tôi có nói chi đâu. Ngặt vì lúc nầy việc nợ nần lộn xộn quá, lại đờn bà của tôi có bịnh, vậy xin anh huỡn lại ít ngày, đặng rảnh trí một chút rồi sẽ hay.
- Ừ, nói vậy chớ cũng đôi ba tháng nữa rồi sẽ cưới. Tôi nhắc chú coi chú có buộc làm lễ gì trước không vậy mà.
- Ối! Họ bày lễ hỏi, lễ cầu thân lộn xộn thất công. Tôi với anh là anh em thuở nay. Chừng nào rảnh, thì sẽ làm lễ cưới một lần một nhà thôi, chẳng cần phải làm lễ gì khác.
Ông Hội đồng nói tới đó, bỗng thấy một cái xe hơi chạy vô, ngừng giữa sân, rồi có một người đờn ông trên xe leo xuống xâm xâm vô cửa. Người ấy bịt khăn đen, mặc áo dài lót, chơn đi giày tây, để râu ngạnh trê.
Ông Cai Tổng dòm ra rồi nói rằng: „Thầy Ban biện Lý Thành Hưng ở bên Long Mỹ, thầy đi đâu bên nầy kìa?"
Ông Hội đồng Nghiệp cũng dòm ra rồi hỏi rằng:
- Thầy Ban biện Hưng đó hay sao? Thuở nay tôi nghe tên chớ chưa gặp mặt lần nào.
- Thầy là em vợ của thằng cha Huyện Hàm Trương Hà. Thế khi thầy qua nói chuyện nợ nần của mình đây chớ gì?
- Không lẽ vậy.
- Biết chừng đâu!
Thầy Ban biện Lý Thành Hưng bước vô cửa. Ông Cai Tổng với ông Hội đồng đứng đậy chào. Thầy ban biện vốn quen với ông Cai Tổng nên gặp nhau thầy mừng rỡ, hỏi thăm lăng xăng, rồi day lại hỏi thăm ông Hội đồng rằng: „Phải ông ông Hội đồng đây hôn?". Ông hội đồng gặc đầu đắp rằng: „Thưa phải, thuở nay tôi thường nghe danh thầy, song chưa có dịp gặp nhau. Nay tình cờ thầy đến nhà, thiệt tôi lấy làm may mắn quá. Mời thầy ngồi".
Thầy Ban biện Hưng vừa kéo ghế mà ngồi vừa nói với ông Hội đồng rằng:
- Bên nầy sao mà cấy lúa trễ quá, tới tháng nầy mà mới bắt tay cấy?
- Cũng vừa, chớ không trễ gì.
- Bên tôi họ cấy đã giáp đồng hết, còn bìa chéo chút đỉnh vậy thôi.
- Ở bển năm nào cũng vậy cấy sớm hơn bên nây.
- Bên nây họ mua lúa khá giá hôn?
- Lúa lúc nầy đã hết rồi, còn chút đỉnh giành mua mót lối 0đ95 tới 1đ05.
- Tệ quá vậy! Bên Long Mỹ họ mua còn được 1đ.00, lúa tốt tới 1đ05.
Ông Cai Tổng Bình xen vô nói rằng: „Bên Kinh Cái Sắn nó cũng mua tới 1đ.00. Mà đều nó ít mua lắm, nó chở lúa lên chợ lớn bán rồi về nó mới chồng bạc đủ".
Thầy Ban biện cười mà nói rằng:
- Trời ơi! Bán lúa như vậy thì nguy hiểm lắm. Nó đi luôn rồi mình làm sao?
- Phải chịu. Chớ biết làm sao. Mình phải theo lên Chợ Lớn chực mà lấy bạc, có khi chờ tới 10 bữa nữa tháng lấy bạc mới được.
- Cuộc kinh tế nầy nó sanh nhiều chuyện trắc trở quá.
- Khổ lắm mà!
Ông Hội đồng mời thầy Biện uống nước và hỏi rằng:
- Thầy qua nhà tôi chơi hay có chuyện chi?
- Tôi qua đây đặng nói chuyện riêng với ông một chút. Mà bữa nay ông có khách, thôi để bữa khác rồi tôi sẽ trở qua nữa.
- Xin thầy có việc chi thì cứ nói đi mà. Anh Tổng đây là anh em của tôi phải ai đâu lạ hay sao mà thầy ngại. Anh Tổng đây với tôi đây như là anh em một nhà vậy.
- Việc tôi muốn nói đây là việc kín một chút, nên không lẽ nói như vậy.
- Không có sao đâu. Tôi với anh Tổng đây chẳng có việc gì mà giấu nhau cả. Dầu việc kín đi nữa, thầy cũng cứ nói ra, đừng ngại chi hết.
- Nếu được như vậy thì tốt. Ông có một người con gái học giỏi, mới thi đậu „Brevet supérieur" phải hay không?
- Phải. Thầy hỏi chi vậy?
- Để thủng thẳng rồi tôi sẽ nói. Cô em năm nay được mấy tuổi?
- Nó năm nay 22 tuổi.
- Chẳng giấu chi ông. Thằng cháu tôi là Trương Hoàng Kiết nó kêu tôi bằng cậu, con của anh rể tôi là anh Huyện Hàm Trương Hà bên Rạch Giá, hôm trước nó qua bên nầy thăm ông, rủi không có ông ở nhà, mà may lại được gặp cô em. Hai người nói chuyện với nhau sao đó không biết mà thằng cháu tôi về trầm trồ khen ngợi cô em bên nầy lung quá. Từ hồi nó ở bên Tây về cho đến bây giờ, anh chị tôi muốn lo vợ cho nó, có nhiều chỗ giàu sang tử tế quá mà chỉ chỗ nào nó cũng không chịu, nó cứ nói nó muốn cưới vợ đầm chớ không thèm con gái Việt Nam . Chẳng biết tại duyên nợ làm sao, mà hôm nọ nó thấy cô em bên nầy nó phải lòng, hổm nay cứ năn nỉ với anh chị tôi, xin nói mà cưới cô em cho nó. Anh chị tôi cưng con, nó muốn thế nào thì cũng chiều theo ý nó, nên hôm qua kêu tôi ra mà biểu tôi qua bên nầy hỏi dọ trước coi, vì ông Hội đồng cũng quen biết anh Huyện tôi, chớ không xa lạ gì.
Ông Cai Tổng Bình nghe nói như vậy thì chưng hửng.
Ông Hội đồng Nghiệp nghe nói như vậy biến sắc liếc mắt ngó ông Cai Tổng rồi trả lời với thầy Ban biện rằng: „Ông Huyện với bà Huyện có lòng chiếu cố đến con tôi thì con tôi lấy làm có phước lắm. Tiếc vì tôi đã hứa làm sui chỗ khác rồi, nên không biết liệu làm sao đây. Xin thầy làm ơn về thưa lại với ông Huyện rằng tôi cảm tình lắm song không thể nhận lời được, là vì tôi đã hứa gả nó rồi".
Thầy Ban biện châu mày mà đáp rằng:
- Rủi cho thằng cháu tôi quá. Nó bước tới trễ một chút. Ông đã hứa gả cô em cho chỗ khác rồi bây giờ hồi hôn sao được.
- Hồi sao được. Nếu tôi hồi hôn rồi gả cho con ông Huyện thì té ra tôi ham giàu, ai coi tôi ra gì, mà biết con nhỏ tôi nó có chịu như vậy không?
- Ờ, cái đó còn khó nữa... cha chả, mà tôi về tôi nói lại đây, chắc chị Huyện tôi chỉ buồn lắm. Hôm qua chỉ cậy tôi đi chỉ nói chuyện nghe dường như chắc ý lắm, hễ qua nói thì được liền, nay tôi về tôi nói không được đây chắc chỉ phiền.
- Xin thầy làm ơn cắt nghĩa giùm rành rẽ cho bà Huyện hiểu. Hồi nãy tôi nói chuyện với anh Tổng đây, tôi mới tính bữa nào hai anh em tôi sẽ qua bển mà nói chuyện với ông bà Huyện.
- Ông muốn qua nói chuyện chi?
- Năm trước hai anh em tôi đấu giá mua đất quốc gia, lỡ thiếu bạc, có hỏi của ông Huyện. Rủi quá, hỏi bạc rồi kế kinh tế khủng hoảng tràn tới liền, lớp thì bị thất mấy mùa, lớp thì bị giá lúa sụt riết, làm cho mấy năm nay anh em tôi lo hết sức mà năm nào trả tiền lời cũng không đủ. Ông Huyện phiền nên làm đơn kiện đã được án rồi.
- Tưởng là chuyện gì, chớ chuyện đó tôi biết. Hôm qua tôi có coi hai cái án. Vì hai ông bảo kiết vần công với nhau nên hễ thi hành án thì hai ông bị hết. Anh Huyện đã biểu Hoàng Kiết đem án giao cho Trưởng Tòa, mà nó dục dặc chưa chịu giao, nên hôm qua tôi mới ngó thấy... Cha chả, tôi về tôi nói đi không thành công đây, chắc nó giao án cho Trưởng Tòa liền!
Ông Cai Tổng với ông Hội đồng nghe nói hâm dọa giao án cho Trưởng Tòa thì biến sắc, rồi nhìn nhau, bộ buồn lắm.
Ông Cai Tổng thở ra mà nói với thầy Ban biện rằng:
- Hễ giao án cho Trưởng Tòa thi hành thì anh em tôi chắc phải co tay chịu chết, chớ năm nay mà trả nợ sao nổi. Hồi nãy tôi với chú hội đồng mới tính qua bển năn nỉ với ông bà Huyện rộng lượng hoặc huỡn cho tới mùa lúa sang năm sau, đặng cho anh em tôi trả 15 hay 12 năm, vậy mới trả nổi.
- Xin lỗi ông, ông đi mất công. Tôi biết trước nói không được đâu. Nếu chuyện làm sui mà không thành, thì chuyện nợ nần hưỡn sao được. À, chớ chi việc làm sui mà xong, thì muốn tính thế nào anh chị tôi cũng chịu hết. Tôi nói lén cho hai ông nghe, hôm qua chị Huyện tôi có nói riêng với tôi rằng: Nếu tôi qua đây nói chuyện làm sui, mà ông Hội đồng bằng lòng, thì luôn dịp tôi phải cho ông Hội đồng biết, việc nợ nần ông Hội đồng đừng có lo, tuy kiện có án rồi anh chị tôi không bó buộc chi hết, để chừng đám cưới rồi anh chị tôi cho làm giấy lại phân hạng mà trả lần lần, trả đủ số vốn mà thôi, bỏ tiền lời. Còn như nói chuyện làm sui mà không thành, thì Trưởng Tòa thi hành án liền. Anh chị tôi đã quyết như vậy mà còn nói giống gì được nữa.
Ông Cai Tổng với ông Hội đồng ứa nước mắt.
Ông Cai Tổng ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi nói rằng: „Việc làm sui hồi nãy chú hội đồng trả lời gấp quá. Việc đó là việc quan hệ phải trả lời thủng thẳng mà tính chớ".
Thầy Ban biện cười mà nói rằng: „Ông Tổng nói như vậy tôi phục lắm. Việc làm sui là việc lâu dài, phải suy đi xét lại cho kỹ mới được. Vì mình là anh em với nhau, nên tôi mới dám nói, thiệt hồi nãy ông Hội đồng trả lời có gấp một chút. Phải chậm chậm mà suy nghĩ, cần gì mà trả lời vội. Nếu tôi về nói ông Hội đồng không chịu gả con, tự nhiên anh Huyện tôi ảnh bóp chặt thì hại biết chừng nào".
Ông Hội đồng châu mày mà đáp rằng: „Không phải tôi không chịu gả. Tại tôi hứa lỡ với chỗ khác rồi, bây giờ biết làm sao?"
Ông Cai Tổng đỡ lời rằng: „Việc làm sui mình mới hứa lời chớ chưa có lễ mễ gì, thì cũng như lời nói chơi, có chắc chắn gì đâu. Bây giờ chú nói lại với người ta rằng chú hứa gả như vậy, mà con nó không ưng, thì thôi, ai trách móc gì được mà sợ".
Ông Hội đồng chưng hửng, ngồi ngó ông Cai Tổng trân trân.
Ông Cai Tổng nói tiếp rằng: „Xin thầy Ban về thưa lại với ông Huyện, bà Huyện, việc làm sui đó để thủng thẳng ít bửa cho chú Hội đồng bàn tính với vợ con rồi chú sẽ trả lời."
Thầy Ban biện chúm chím cười, vuốt râu và nói rằng: "Thưa được. Ông Hội đồng thủng thẳng mà tính cho kỹ. Tính rồi viết thơ cho tôi, đặng tôi trả lời với anh chị tôi. Còn án Tòa đó tôi về tôi biểu đình lại khoan thi hành đã".
Ông hội đồng trong trí bối rối, nên ngồi trân trân không nói được tiếng chi hết.
Thầy Ban biện từ giã mà về, ông Hội đồng với ông Cai Tổng đưa ra sân. Chừng xe chạy rồi, ông Cai Tổng mới ngó ông Hội đồng mà nói rằng:
- Chú thấy nhà giàu độc ác hay chưa? Mình mắc nợ nó, nó muốn bắt vợ con mình mình cũng phải chịu.
Ông Hội đồng lấy khăn ra lau nước mắt, ông đứng giữa sân suy nghĩ một lát rồi bộ ông giận, nên ông nói xẵng lơ rằng: „Ối! Nó làm giống gì đó nó làm. Nó có giỏi thì nó bán nhà bán đất tôi, chớ nó áp chế buộc tôi phải bán con tôi cho nó như vậy sao được".
Ông Cai Tổng cười rằng mà đáp rằng: „Chú chẳng nên nóng. Chuyện nhà để thủng thẳng mà tính. Hai anh em mình đi vòng ra sau vườn mà nói chuyện riêng với nhau mới tiện".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top